Xuất khẩu cá cảnh vẫn nhiều khó khănNgày đăng: 12/11/09 - 08:30 Qua gần năm năm TPHCM thực hiện chương trình phát triển cá cảnh (nằm trong chương trình lồng ghép về phát triển cây và hoa, cá cảnh giai đoạn 2004-2010), chỉ 1/8 sản lượng cá cảnh đạt chuẩn xuất khẩu đi nước ngoài. Khó khăn vì quy mô nhỏ lẻ Dẫn một số liệu mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM cho biết, xuất khẩu cá cảnh sang hai thị trường chính châu Âu và Mỹ trong 7 tháng đầu năm đạt hơn 6 triệu đô la Mỹ, tuy tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng vẫn là con số khá nhỏ. Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TPHCM, so với nhiều nước xung quanh có điều kiện tự nhiên và lịch sử phát triển ngành cá cảnh tương tự Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, có kim ngạch xuất khẩu cá cảnh hàng năm từ 50 - 70 triệu đô la Mỹ, thì kim ngạch xuất khẩu của TPHCM, nơi có nghề cá cảnh phát triển nhất Việt Nam, từ năm 2007 đến nay chỉ dao động từ 5 đến 7 triệu đô la. Từ năm 2004, Ủy ban nhân dân TPHCM đã đưa cá cảnh vào chương trình mục tiêu phát triển cây, hoa kiểng và cá cảnh, tuy nhiên theo ông Văn, chương trình cũng chỉ mới dừng ở việc đưa ra một số hỗ trợ căn bản về vốn, kỹ thuật chăn nuôi… cho những cơ sở, cửa hàng quy mô nhỏ, chưa có những biện pháp thay đổi căn cơ, lâu dài. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn thành phố hiện có gần 300 cơ sở, cửa hàng cá cảnh, phân bố rải rác tại các quận nội thành như quận 8, 9 và quận ven như quận 12, huyện Củ Chi… Các cơ sở này chủ yếu làm ăn riêng lẻ, về đầu ra thì tự tìm nơi tiêu thụ, về cá nuôi, con giống thì thường tự sản xuất theo kinh nghiệm hay thu mua từ những trại cá giống và do vậy năng suất và chất lượng cá thấp, không có khả năng đáp ứng cho những đơn hàng từ nước ngoài thường yêu cầu số lượng lớn và chủng loại đa dạng. Trong số 300 đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng cá cảnh, chỉ có chừng 5 đến 6 đơn vị có khả năng và là đầu mối chuyên xuất khẩu cá cảnh với quy mô tương đối lớn. Nhưng những công ty này hiện cũng chưa phải là đã hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của thị trường nhập khẩu. Những chú cá Koi này có giá từ 500.000 đến 5 triệu đồng/con, tùy theo kích cỡ , hoa văn và màu sắc vảy cá - Ảnh: Hữu Thắng Mới đây nhất là việc cơ quan kiểm dịch tại 2 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và EU đề ra một số yêu cầu khá ngặt nghèo đối với riêng mặt hàng cá chép và cá vàng của Việt Nam, hai loại cá có giá trị - chiếm hơn 30% giá trị xuất khẩu toàn ngành. Yêu cầu đó là cơ sở muốn xuất khẩu phải có “Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh động vật”, do Cục Thú y cấp, gửi qua phía cơ quan kiểm dịch Mỹ, EU. Sau đó, đại diện cơ quan này sẽ yêu cầu cơ sở sản xuất tại Việt Nam thực hiện một quy trình nuôi giám sát dịch bệnh (đối với dòng virus mùa xuân (SVC) và virus gây mụn rộp (KHV)), áp dụng các tiêu chuẩn an toàn sinh học, chuồng trại, có giám sát trong vòng 2 năm. Sau đó, 2 loại cá này mới được nhập vào thị trường của họ. Với lý do như trên, Công ty Hải Thanh của ông Lê Hữu Dũng hiện vẫn chưa thể xuất khẩu mặt hàng cá Koi (cá chép Nhật), lần đầu tiên được nuôi thương phẩm thành công tại Việt Nam, vào thị trường Mỹ và EU. Vì phải đợi đến năm 2010, tức sau một quá trình 2 năm tính từ lúc đăng ký cho đến khi được cấp giấy phép từ phía Mỹ và EU dưới sự giám sát chặt chẽ và liên tục của họ, công ty mới được xuất khẩu giống cá có giá trị thương phẩm cao này (cá Koi trưởng thành nặng từ 4 kí lô trở lên có giá trên 1.000 đô la Mỹ). Khách hàng đang chọn mua cá cảnh tại TPHCM. Ảnh: Thái Hằng Hiện có Công ty Saigon Aquarium cùng hai cơ sở Võ Văn Sanh và Châu Tống được cấp giấy chứng nhận của Cục Thú y, nhưng cho đến thời điểm tháng 8-2009 chưa có cơ sở nào xuất được cá chép và cá vàng, phần vì cá nuôi chưa đủ đáp ứng đơn hàng xuất khẩu số lượng lớn, phần vẫn còn luẩn quẩn với những quy định kể trên. Trong thời gian “tắc” đường qua Mỹ và EU, các nhà quản lý Việt Nam khuyên các doanh nghiệp xuất khẩu nên nghiên cứu mở rộng ra thị trường các nước khác, ở châu Á, châu Mỹ... Xây dựng vùng nuôi tập trung: đang chờ Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, để nghề nuôi cá cảnh phát triển đồng thời hướng đến mục tiêu xuất khẩu mạnh hơn thì cần phải thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh nhỏ hiện tại, hướng vào sản xuất tập trung và có chiều sâu. Còn theo ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội cá cảnh TPHCM, cũng như nhiều nhà nuôi cá cảnh lâu năm nhận định, thành phố cần quy hoạch các vùng sản xuất, vùng nguyên liệu, như xây dựng một vùng chuyên canh cá cảnh tại những quận, huyện còn có quỹ đất và điều kiện tự nhiên phù hợp, như Củ Chi, quận 8, quận 12… Điều này cũng được đề cập đến trong định hướng "Chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây cảnh, cá cảnh TPHCM giai đoạn 2004-2010". Việc xây dựng vùng chuyên canh ngoài lợi ích về trao đổi thông tin khoa học kỹ thuật, kiểm soát dịch bệnh, xúc tiến thương mại, còn là nơi tập trung những nghệ nhân có tay nghề, những nhà nuôi làm nghề lâu năm và có khả năng đáp ứng được các yêu cầu xuất khẩu về tính đa dạng cũng như số lượng cá. Ông Nguyễn Văn Lãng cũng cho biết, quy hoạch tỷ lệ 1/500 của dự án xây vùng nuôi tập trung rộng 300 héc ta của hội ở huyện Củ Chi với hàng chục trại cá lớn nhỏ là nơi được xem là thích hợp nhất cho nghề cá cảnh hiện nay, đã trình lên chờ UBND TPHCM thông qua. Vùng chuyên canh là điều mà nhiều nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã thực hiện từ rất lâu, nhờ vậy ngành cá cảnh của họ rất phát triển, với kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt 50 - 70 triệu đô la Mỹ, trong khi tại TPHCM và trên cả nước, nơi mà nghề cá cảnh đã xuất hiện từ hàng thập kỷ, thì chỉ mới bắt đầu định hình. Cá Koi tại Công ty Hải Thanh (TPHCM) - Ảnh: Hữu Thắng Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TPHCM, sản lượng xuất khẩu năm 2007 là 3,7 triệu con, dự tính đến năm 2010 đạt 5 triệu con, trong đó cá cảnh nước ngọt chiếm 95%. Các giống cá có tỷ lệ xuất khẩu cao là cá đĩa, cá bảy màu, cá vàng, còn lại là một số chủng loại khác như cá Xiêm, Hồng Kiếm, Bửu Xẹt, Kim Cương, Tứ Vân, Thái Hổ, Ông Tiên… xuất khẩu đến các nước Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Đan Mạch, Thụy Sĩ, Brazil, Argentina. (Theo thesaigontimes.vn)