Nông Nghiệp, 17/06/2010 Nơi khoảng sân bộn bề những vật liệu xây dựng còn dang dở, chúng tôi ngồi tạm trên những cái ghế nhựa đủ màu trò chuyện với anh Võ Tuấn Kiệt, 52 tuổi, người nổi tiếng nuôi cá cảnh ở phường Chánh Nghĩa, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Người mà khi mới khởi nghiệp (năm 2004) chỉ đầu tư 5 triệu đồng khoan giếng, làm hồ, mua cá, nhưng qua 5 năm vừa học vừa làm, đến nay đã có thu nhập mỗi năm 150 triệu đồng. Điều gì làm nên thành công đó? Bằng giọng trầm ấm, đậm chất Nam bộ, anh Kiệt cho chúng tôi biết: - Trước đây khi chưa nuôi cá Dĩa kiểng này, tôi nuôi ba ba. Đang phát triển ngon lành thì đô thị hoá nên nguồn nước nuôi bị ô nhiễm mạnh, đang phân vân suy tính chuyển nghề thì đứa con trai tôi học đại học ở thành phố về nói rằng: Hay mình chuyển qua nuôi cá cảnh? Vì đã từng đi thành phố giao ba ba con cho các chủ vựa nuôi cá kiểng, tôi đồng ý liền. Sẵn có dịp thành phố thành lập câu lạc bộ nuôi cá kiểng, con tôi ghi tên và tôi trở thành Hội viên câu lạc bộ. Đó là vào giữa năm 2004. Chính những lần sinh hoạt câu lạc bộ định kì cộng với việc tầm sư học đạo đến nay từ một hồ ban đầu, gia đình tôi đã có 50 hồ cá lứa và 45 hồ cá đẻ. Vừa đưa chúng tôi đi tham quan hồ nuôi, vừa chỉ vào những loại cá Dĩa to có nhỏ có, đủ màu sắc, anh Kiệt nói: - Nghề nào cũng có khó khăn thuận lợi của nó. Thuận lợi nhất của nghề nuôi cá kiểng là không cần diện tích lớn chỉ cần vài ba trăm m2 đất là đủ. Nó rất thích hợp cho những hộ ở chốn thị thành. Vốn liếng đầu tư ban đầu cũng không lớn. Đến nay một hồ kiếng nuôi đầu tư chỉ tốn khoảng 400 ngàn đồng. Nhưng cái khó là phải có nguồn nước sạch, mềm. Quá trình nuôi phải đặc biệt để mắt đến nó. Vì nuôi cá kiểng cũng như nuôi con nít vậy. Sơ sẩy một chút là tiêu. Các bệnh về đường ruột, kí sinh ở mang cá là thường gặp nhất. Có bệnh thì phải trị. Tuy nhiên nếu dùng thuốc đặc trị thì quá mắc mà nếu lạm dụng lại không tốt, hiệu quả kinh tế không cao. Phải kết hợp thuốc này với thuốc khác, cốt sao cho cá hết bệnh mà chi phí không lớn. Cái này thì nghề dạy nghề. Một khó khăn thường gặp là kĩ thuật ép cá đẻ. Có người ép không được, không những một lần mà đến vài ba lần. Nếu ép cá đẻ được 70 đến 80% là tốt lắm rồi. - Nhưng còn tiêu thụ thì sao? Tôi hỏi. - Đến nay nguồn cá Dĩa kiểng cung không đủ cầu. Tôi hiện có 45 hồ cá đẻ, 50 hồ cá lứa, nhưng có lúc vẫn “cháy hàng”. Bạn hàng của tôi phần lớn ở Hà Nội, Hải Phòng. Người phụ tôi đắc lực trong tiêu thụ là thằng con trai Võ Tuấn Kiệt. Nó học xong khoa kinh tế ở trường đại học, hiện đang làm việc tại một công ty của Nhật ở khu Công nghiệp Mĩ Phước. Hàng ngày những khi không làm việc nó lang thang trên mạng tìm kiếm đối tác, tài liệu hướng dẫn kĩ thuật, nuôi cá và khách hàng. Mua bán qua mạng nên dù đã 4, 5 năm mà chúng tôi vẫn chưa gặp mặt nhau. Tuy không gặp, nhưng chữ tín trong làm ăn vẫn luôn được đặt lên hàng đầu. - Chắc anh đang tính mở rộng hồ nuôi chứ? Anh Kiệt cười hiền rồi rổn rảng đáp: - Hiện tôi đang lo xây nhà. Mình đã có tuổi rồi. An cư mới lạc nghiệp. Tuy vốn làm nhà không lớn, khoảng trên dưới 500 triệu đồng, nhưng đó là cả một sự cố gắng của cha mẹ và con cái. Từ việc nuôi cá mà vợ chồng tôi nuôi hai đứa con một trai một gái đều học xong đại học, có việc làm ổn định. Vậy là phúc lắm rồi. Chừng nào xây nhà xong tôi sẽ mở rộng thêm 5 đến 10 hồ vừa nuôi cá đẻ vừa nuôi cá lứa... Chia tay anh Kiệt giữa trưa mùa khô nắng đổ lửa, nhưng lòng chúng tôi như mát lại khi nghĩ đến từ mô hình này sẽ có thêm nhiều hộ nuôi cá cảnh. SƯU TẦM - NGUYỄN LÊ