Tiền Giang: Cá cảnh - nghề làm giàu nhưng còn nhiều khó khăn (Mard-31/5/2010): Nghề nuôi cá cảnh ở Tiền Giang nói chung và TP. Mỹ Tho nói riêng đã đựơc hình thành và phát triển từ rất lâu, nhưng thời kỳ hưng nhất của nghề này phải kể đến vài năm trở lại đây, khi mà người chơi cá cảnh ngày càng tăng và trở thành một nhu cầu trong cuộc sống. Công phu nuôi cá cảnh Theo nhiều người, nuôi cá cảnh dễ mà không dễ, phải biết cách chơi cá đã rồi hãy nuôi cá. Do đó, để nắm được đặc tính của một loài cá và các kỹ thuật nuôi cá một cách thuần thục, người nuôi phải có ít nhất hai năm nuôi nấng và gắn bó với loài cá đó. Do là cá cảnh nên hình dáng, màu sắc của con cá rất quan trọng, phải cho cá ăn gì, ăn như thế nào để màu sắc của cá tươi tắn, rực rỡ, cá phải khỏe mạnh linh hoạt quả là không dễ. Nếu cho ăn không đúng cách cá sẽ có màu da xám xịt hoặc lòe loẹt, khi đó công sức người nuôi coi như bằng không. Môi trường nước để nuôi cá cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với những loài cá khó tính như cá la hán, cá dĩa; nếu người nuôi không kiểm soát kỹ môi trường nước có thể dẫn đến cá bị những di chứng về vây, vảy hoặc có thể chết... Bên cạnh đó, nuôi cá cũng phải tính đến yếu tố thị trường. Con cá nào mới xuất hiện, có hình dáng màu sắc mới, lạ sẽ được chuộng hơn. Cá không còn mới hoặc đã xuất hiện bị rớt giá. Điển hình như vài năm trước đây, mỗi con cá Kim Long, Thanh Long hoặc Ngân Long có giá từ vài trăm đến vài triệu đồng, nhưng từ khi phong trào chơi cá La Hán xuất hiện thì loài cá này không còn được người tiêu dùng ưa chuộng và dĩ nhiên giá sẽ rớt thê thảm. Theo những người kinh doanh lâu năm trong nghề cá cho biết, hai loại cá được thị trường ưa chuộng nhất hiện nay là cá La Hán và cá Dĩa, với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng một con tuỳ màu sắc và lớn nhỏ. Thu nhập khá từ cá cảnh Trải qua gần 10 năm sản xuất giống, nuôi và kinh doanh cá cảnh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, anh Nguyễn Quốc Sơn, sinh năm 1970, ngụ tại ấp 4, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu nuôi cá cảnh vào năm 1998. Ban đầu diện tích nuôi là 500 m2, với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Các loài cá cảnh mà anh thường chọn nuôi trong thời gian qua là: cá dĩa, lia thia, ba đuôi, sặc gấm, phượng hoàng. Anh Sơn tâm sự, trong quá trình nuôi đầu ra cho cá cảnh còn khá bấp bênh vì thị trường cá cảnh có rất nhiều chủng loại và thường xuyên thay đổi, nhập thêm giống loài mới. Tuy nhiên, nếu kiên trì gắn bó với nghề, năng động lựa chọn và thay đổi những loài có đầu ra ổn định theo từng thời điểm, tích lũy kinh nghiệm nâng cao được tỷ lệ sống, thì đây là nghề có thu nhập khá hơn nếu so sánh trên cùng một diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp khác và có thể mang lại công ăn việc làm thu nhập cho 03 - 04 nhân khẩu chỉ với diện tích 300 - 400 m2, ổn định cuộc sống. Còn nhiều khó khăn Hiện nay, trong quá trình nuôi đầu ra cho cá cảnh còn khá bấp bênh vì thị trường cá cảnh có rất nhiều chủng loại và thường xuyên thay đổi, nhập thêm giống loài mới. Tuy nhiên, nếu kiên trì gắn bó với nghề, năng động lựa chọn và thay đổi những loài có đầu ra ổn định theo từng thời điểm, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao được tỷ lệ sống, thì đây là nghề có thu nhập khá hơn nếu so sánh trên cùng một diện tích đầu tư sản xuất nông nghiệp khác và có thể mang lại công ăn việc làm thu nhập cho 03 - 04 nhân khẩu chỉ với diện tích 300 - 400 m2, có thể ổn định cuộc sống từ nghề này. Khó khăn lớn nhất của nghề sản xuất kinh doanh cá cảnh ở TP. Mỹ Tho hiện nay là mang tính tự phát riêng lẻ. Hơn nữa, kỹ thuật lai tạo giống ở nhiều loại cá cảnh vẫn chưa được nghiên cứu sâu theo hướng công nghệ, mà chủ yếu sản xuất theo kiểu thủ công, mang nặng tính gia truyền. Do đó, mặc dù đa dạng về chủng loại nhưng ít về số lượng và chất lượng và đặc biệt là phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, nên về lâu về dài yếu tố rủi ro từ phía thị trường là điều khó tránh khỏi. Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghề nuôi cá cảnh phát triển tự phát, trình độ công nghệ của người nuôi chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường là do sự xem nhẹ tính hiệu quả kinh tế của nghề nuôi cá cảnh của nhà nước, dẫn đến sự thiếu quan tâm, chỉ đạo và có chính sách phát triển nghề nuôi cá cảnh như đối với cá thịt. Vì vậy, để nghề nuôi cá cảnh phát triển bền vững thì trong thời gian tới cần có sự quan tâm, đặc biệt sự thay đổi về từ duy của nhà nước đối với con cá cảnh./. Sưu Tầm - Trí Quang