Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Thể loại đá cựa tháp! (postiza)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 18/2/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Thể loại đá cựa tháp!
    (Hay hiểu biết của dân mẽo về những kẻ “săn đầu”!)

    Jim Fulton III – www.ultimatefowl.com

    [​IMG]

    Vào năm 1988, tôi thấy một người có tên Joe Hernandez trong mục giao tiếp ở mặt sau tạp chí Grit & Steel. Ông ở gần chỗ tôi vì vậy tôi gọi cho ông. Cuộc gọi đó mở ra một thế giới hoàn toàn mới mẻ mà tôi không ngờ tới. Joe có gốc gác Cuba và môn thể thao đá cựa tháp (postiza) là một phần của nền văn hóa bản địa. Tôi từng nghe nói đến loại gà đá cựa tháp và thấy vài con chỗ Roy Bingham vài năm trước, nhưng chẳng biết gì về bộ môn này. Ngay từ đầu, loại gà này không như tôi vẫn nghĩ. Tôi nghe nói (từ những tay chẳng biết gì) rằng chúng là loại gà to, tương tự như gà Asil. Điều này hoàn toàn trái ngược với sự thật. Hầu hết gà đá thể loại này là gà Cuba và Tây Ban Nha, thỉnh thoảng pha thêm chút máu gà phương đông. Cân nặng trung bình của gà trống từ 3.4 đến 4.6 lbs (1.5 – 2 kg), và gà mái từ 2.5 đến 3.5 lbs (1.2 – 1.6 kg). Bề ngoài trông giống như gà chọi Mỹ, nhưng chúng đứng thẳng hơn với phần ngực nhỏ hơn, chân cao hơn, và đóng gần về phía trước hơn so với gà đá cựa sắt. Lưng rất hẹp về phía đuôi, điều giúp chúng lăn lộn dễ dàng. Tôi không nhớ lần nào thấy có con phải nằm “bẹt” trên lưng. Chúng có đủ loại màu sắc. Đấy là vì hầu hết dân đá loại gà này không mấy quan tâm đến màu sắc. Người ta cản mái tốt nhất với trống tốt nhất, với chất lượng là mục đích duy nhất. Loại gà này cũng có nhiều kiểu dáng, từ chỏm (toppy), râu (muff) cho đến mã lại. Gà tơ trưởng thành ở độ tuổi từ 9 đến 10 tháng, và gà mái thường đẻ từ tháng thứ 10 trở đi. Loại gà này cũng có tính khí điềm đạm và chăm sóc con giỏi. Gà trống rất dễ luyện và dường như thích nghi với chương trình rất nhanh.

    Lối đá

    Tôi đoán điểm khác biệt lớn nhất ở loại gà này, là lối đá của chúng. Điều đáng chú ý nhất đó là, chúng nhắm đá vào đầu! Chúng có thể đá theo lối nạp rời từng chân, hay đá nhanh, nông, nạp lùa (pặc pặc pặc) rồi mới ngừng. Nhiều con đá lông, thực sự “kéo” và làm đối thủ mất thăng bằng, rồi mới đá ngay dưới chỗ nắm. Chúng đá rất mạnh và có chủ đích, và thực tế không chỉ có vậy. Xin đưa vài “dòng” làm ví dụ, dòng Jerezanos hay "Spanish" được coi là những chiến kê “chân phương”. Chúng đứng đối diện với đối thủ và trao đổi những cú đá mạnh, có chủ đích, đá qua đá lại cho đến khi một con gục xuống mới thôi. Dòng Cuba là những chiến kê “ranh mãnh” hơn, có xu hướng đá và dạt, rồi lại gài miếng và đá tiếp. Dòng phương đông có xu hướng đá cận chiến. Chúng thực sự áp sát vào gà địch, áp áp đá! Dĩ nhiên, việc pha ghép với những giống gà đá khác sẽ tạo ra nhiều lối đá hơn những gì tôi mô tả ở đây. Thuật ngữ “chạy kiệu” (wheeling) thường mang ý nghĩa tiêu cực trong thế giới gà chọi, nhưng nó thực sự là một “chiến thuật”. Hầu hết chiến kê đều đủ khôn ngoan để nhận biết cục diện trận đấu không diễn ra theo chiều hướng mà nó mong đợi, bởi vậy chúng thay đổi “đòn lối” thi đấu. Bằng việc dụ địch đuổi theo, chiến kê chờ địch thủ đưa đầu ra trước trong khi rượt đuổi, rồi mới dừng lại, xoay người và đá. Nhiều trận đấu thu được thắng lợi nhờ lối đá này. Tôi luôn cảm thấy thích thú khi nhiều chiến kê phát hiện ra “thủ đoạn” này và không bị cuốn theo. Chúng đợi đến khi địch thủ lại gần, và đá khi nó chạy ngang qua. Rất nhanh chóng, gà chạy kiệu phải dừng lại và đá tiếp một khi nó thấy chiến thuật không hiệu quả.

    [​IMG]

    Khác biệt chính

    Hai điểm mà tôi “kết” ở những chiến kê này là lối đá mạnh mẽ và những cú đâm vào đầu. Đá cựa tháp diễn ra theo hiệp, thường từ 15 đến 30 phút (tùy mỗi vùng hay quốc gia), nhưng chúng hiếm khi đá đến hết thời gian quy định. Thả gà không còn là một vấn đề nữa, một khi buông, chúng sẽ được để đá liên tục từ 15 đến 30 phút. Thuật ngữ “săn đầu” (headhunter) phản ánh đúng thực tế. Đó chính xác là những gì mà chúng thực hiện. Chúng sẽ đá từ phần trên của cổ lên đến đầu trong 75% thời gian. Theo tôi, đặc điểm ngoại lệ của giống gà, là mức độ “chịu đựng” (durability). Chúng đá và chịu đựng vô số cú đá, đặc biệt vào vùng đầu, và thay vì đổ gục, chúng dường như càng mạnh và hăng máu hơn. Thậm chí kể cả khi đầu đã sưng vù và mắt sụp xuống, chúng vẫn lao vào nắm lông, và nếu nắm được, chúng dường như trở nên nguy hiểm hơn, đá những cú đích đáng! Một khi “mục tiêu” tấn công là vùng đầu, có rất ít tổn thương ở thân. Hầu hết chiến kê đều phục hồi rất nhanh, trừ phi bị mù mắt, có thể đem đá tiếp. Thậm chí những con chột một bên mắt có thể tham gia vào một thể loại khác, đá cựa sắt 1/4 inch (quatro). Giống như đá cựa dao, bạn chỉ sử dụng một bên cựa, và dẫu cựa nhỏ, các trận đấu thường rất thú vị và đòi hỏi chiến kê phải đâm thật chính xác.

    Biệt dưỡng

    Tôi xin bàn về tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho chiến kê khi đá cựa tháp, cựa 1/4 inch hay cựa xương. Dẫu những chiến kê này vốn mạnh mẽ và dai sức, nhưng để thực sự có sức cạnh tranh, chúng cần được hỗ trợ thêm. Phương pháp mà tôi (và nhiều người khác) áp dụng nhằm đem lại độ bền và sức chịu đựng. Đó là 6 tuần biệt dưỡng, và gà được luyện tập sau mỗi 3 ngày, hay nói cách khác, tập một ngày nghỉ hai ngày. Tuần sau cùng không tập gì hết mà chỉ nghỉ ngơi. Kế hoạch chung là tập “nặng” lúc khởi đầu, bao gồm 5 phút xổ và một loạt thảy. Nghỉ 2 ngày rồi lại thảy (nhiều hơn lần đầu). Nghỉ tiếp 2 ngày rồi lại xổ hơi lâu hơn lần đầu, và thảy nhiều hơn chút. Cứ duy trì việc tăng dần thời gian xổ và số lần thảy, đến khi đạt 20 phút xổ và chạy, và 100 lần thảy cho đến 1 tuần trước trận đấu. Khi luyện gà, mỗi lần bạn bắt 2 con dù chỉ đem thảy. Nếu bạn luyện một mình (như tôi), bạn thả một con trong bội, rồi thảy hoặc luyện cho con còn lại cách đó xấp xỉ một mét. Nó sẽ tập trung sự chú ý vào con kia và bạn có thể dễ dàng thảy nó 100 lần. Mỗi khi chân chạm sàn sau mỗi lần thảy, nó đều ngoái đầu về con kia. Bạn chỉ cần đưa sẵn tay ra, chụp lấy nó và thảy tiếp. Làm thật nhanh để tránh con kia đá vào lồng. Chúng tôi cho gà ăn loại hạt tốt nhất kiếm được, cùng với một số loại thực phẩm bổ sung như chuối và những loại trái cây khác, trứng luộc sau mỗi vài ngày, và thỉnh thoảng cho ăn bánh mì. Vào giữa kỳ biệt dưỡng hay 3 tuần trước trận đấu, bạn cần tỉa lông cho gà ở phần chân, mặt dưới thân và lưng. Việc này giúp gà thoát nhiệt tốt và nếu bạn không tỉa lông, chúng sẽ gặp bất lợi khi thi đấu. Mặc dầu trông có vẻ như được cạo, việc tỉa lông được thực hiện bằng kéo. Thời điểm thích hợp nhất để tỉa lông là ngay sau khi bạn thảy 100 lượt rồi cho ăn, chúng dường như thích nằm yên trên đùi bạn và không giãy giụa nhiều. Nhân tiện, không có điều đặc biệt nào được thực hiện vào ngày xuất trường. Gà của bạn vẫn “nhàn nhã” vào ngày đấu như những ngày bình thường khác, và chúng đã được chuẩn bị kỹ càng cho sự kiện này. Tham khảo đầy đủ và chi tiết về phương pháp Biệt dưỡng 6 tuần đá cựa tháp (postiza keep): ở mục “spotlight” trang www.gamerooster.com.

    [​IMG]

    Cựa và cách lắp cựa

    “Cựa tháp” (postiza) là thuật ngữ chung để chỉ loại cựa có hình dáng tự nhiên. Chúng được làm từ nhiều vật liệu khác nhau, từ cựa thật, xương, mai rùa, plastic cho đến nhôm. Kích thước thay đổi từ 1 inch, vốn phổ biến với chất liệu nhôm, cho đến 1½ và 1¾ với plastic. Với các trận đấu cựa tháp, hai bên thường sử dụng cựa nhân tạo cùng kích thước và chất liệu, với cựa tự nhiên được cắt ngắn dưới 1/4 inch. Việc lắp cựa, dù không có gì bí mật, vẫn cần thực hành và thêm một chút “căn bản”. Trước hết, những vật dụng mà bạn cần (giả sử đã đột cựa xong) gồm, một cuộn băng y tế (vải xô), một ít chỉ nha khoa, lọ keo dán đặc biệt, một bộ cựa tháp (giả sử chúng ta dùng cựa nhôm), một cây đèn cầy và bật lửa. Bạn cần nhờ ai đó giữ gà. Bạn cũng cần chỗ rộng rãi để lắp cựa. Khi tất cả đã sắn sàng, bạn đốt đèn cầy lên. Lọ keo dán chỉ hơi lớn hơn cây bút và khi dùng, bạn chỉ cần hơ nó trên ngọn lửa và bôi lên chỗ bạn cần.

    Giữ chặt gà và bắt đầu bằng một chân, xé mảnh vải xô rộng khoảng 6 li và dài khoảng 15 cm. Áp vị trí cách đầu dải băng cỡ 2.4 cm lên đầu cựa xương (spur) rồi quấn đầu băng ngắn quanh chân. Lại quấn đầu băng dài quanh chân, qua cạnh trên của cựa, rồi lại vòng qua chân và lại quấn qua cạnh dưới của cựa (theo hình số 8), rồi lại quấn qua đầu cựa lần chót, rồi bạn dán chặt bằng keo, dùng ngón tay trét keo và xoa lên chỗ dán. Đây là phần đệm để lắp cựa, từ lúc này chỉ băng keo tiếp xúc với cựa tháp. Cựa tháp rất đơn giản, nó chẳng qua là một cái “chén” nhỏ, úp lên trên gốc cựa, nhỏ chút keo để nó dính lên gốc cựa, và (đây là phần khó khăn) nhìn dọc chân từ ngón thới lên tới gối, căn hướng cựa giữa sợi gân gối và mặt ngoài của gối. Rồi quan sát từ mặt bên, kiểm tra độ cao của cựa, chỉnh nó lên hoặc xuống (về phía chậu). Lưu ý, bạn cần làm thật nhanh trước khi keo khô. Nếu không chỉnh kịp, bạn phải gỡ cựa ra, hơ nóng phần gốc cựa tháp và làm lại từ đầu. Một trong những điều bất tiện khi hơ nóng là cựa quá nóng, không thể cầm nên phải lót giấy hay giẻ. Lời khuyên của tôi là bạn cần lắp cựa một cách chính xác, hình dung vị trí cựa thật như thế nào và lắp cựa tháp càng giống càng tốt. Khi bạn đã ưng ý, lấy chỉ nha khoa và cắt một đoạn dài khoảng 30 cm. Quấn 4 đến 5 vòng xung quanh phần chuyển tiếp từ đế sang mũi cựa tháp, rồi quấn vòng qua chân, rồi lại quấn nửa vòng quanh cựa tháp, rồi lại quấn qua chân, và quấn nửa vòng quanh cựa tháp theo hướng ngược lại, quấn vài vòng xung quanh cựa, rồi lại quấn vòng qua chân. Lặp lại lần nữa rồi kết thúc bằng việc quấn quanh cựa tháp, và dán đầu chỉ lên vải xô. Chỉ sẽ dính đủ lâu để bạn trét keo dán chặt. Bây giờ, lại quấn thêm ít vải xô. Xé mảnh vải xô rộng khoảng 6 li và dài khoảng 30 cm và bắt đầu với đầu ngắn (như trước), áp nó lên đầu cựa rồi quấn quanh đế cựa. Cũng làm giống như trước, quấn đầu ngắn quanh chân rồi quấn đầu dài xung quanh đế cựa theo hình số 8. Quanh chân, qua mặt trên của cựa, lại quanh chân, qua mặt dưới của cựa, cho đến khi quấn hết băng, rồi chấm chút keo để dán đầu cuối. Rồi bạn lại cột chỉ nha khoa một lần nữa, dán chặt, xé mảnh vải ngắn hơn, đủ che lớp chỉ và dán keo. Thả gà và quan sát nó bước đi (đảm bảo cột cựa không quá chặt), rồi bắt lên cột cựa còn lại. Nghe có vẻ phức tạp nhưng quá trình thực hiện chỉ mất từ 12 đến 15 phút. Trong hầu hết các trận đấu, việc cột cựa diễn ra trong tầm mắt của mọi người, bởi vậy bạn chỉ cần quan sát vài lần là có thể nắm được “bí kíp” ngay thôi.

    [​IMG]

    Luật đá

    Luật đá cựa tháp rất rõ ràng. Điều cần hết sức lưu ý, KHÔNG cần kỹ năng thả gà. Khi đến lượt, bạn và đối thủ kiểm tra trọng lượng gà tại bàn cân, rồi lắp cựa, thường trong tầm giám sát của đôi bên. Tôi không rõ có giới hạn thời gian lắp cựa hay không. Mọi người đều thông cảm, để bạn thong thả và chuẩn bị cho trận đấu một cách tốt nhất. Một khi đôi bên đã sẵn sàng, bạn sẽ tiến vào trường đấu và trọng tài sẽ kiểm tra và ngửi băng cựa. Rồi ông lấy bọt biển và lau chân, cựa, đầu và cổ, và banh mỏ gà và nhỏ vài giọt nước từ miếng bọt biển vào họng nó (kẻ nào dụng độc sẽ tự lãnh hậu quả!). Rồi ông giặt miếng bọt biển và làm tương tự với gà kia, rồi ông khuyến khích hai bên thấy nhau và cắn mổ qua lại. Rồi ông bật hẹn giờ (chỗ tôi đá 30 phút), yêu cầu các bên “thả” gà (thường cách xa nhau từ 1 đến 2 mét) và rời khỏi trường đấu. Giống như các thể loại khác, gà đá cựa tháp có thể, và sẽ khởi đầu bằng lối nạp lùa ồ ạt, nhưng sẽ hạ nhiệt rất nhanh và đá theo lối chân rời. Thực sự lúc khai trận trọng tài có thể can thiệp đôi chút nếu chúng mắc kẹt vào nhau. Ngoài ra trọng tài sẽ không tách chúng ra, công việc của ông là đếm giờ cho gà nằm. Vậy nếu chúng mắc kẹt nữa thì sao? Rất hiếm, nhưng nếu có thì chúng phải tự thoát ra. Cựa ngắn nên chúng có thể tự gỡ được. Gà nằm, là con không thể tự đứng được, gối chạm đất hoặc nằm tựa lên ngực hay một bên hông, hay gục đầu mỏ chạm đất, hay không thể đứng dậy và điều khiển thân thể. Nếu nó bất động ở tư thế này trong vòng 60 giây thì trận đấu coi như kết thúc. Một trận đấu được coi là hòa trong một số trường hợp sau. Hết giờ mà không xác định được con thắng cuộc. Hai bên tách rời nhau, vì đều không thấy đường (mù) và chạy về các hướng xa nhau. Trọng tài bắt đầu đếm theo nhận định của riêng ông, đến hết giờ mà không có gì thay đổi thì coi như hòa. Một lần nữa, thời gian đếm là 60 giây. Tôi thấy vài lần, chiến kê trên cơ chán đá gà mù và bỏ đi. Trường hợp đó cũng tính là hòa. Nếu cả hai đều nằm, hoặc một con nằm trước, rồi trong khi đang đếm khì con kia nằm luôn, thì cũng coi là hòa. Trong trường hợp con kia nằm muộn trong khi trọng tài đang đếm thì nó có thể được coi là thắng tùy nhận định của trọng tài. Dẫu thời gian thi đấu được quy định là 30 phút, các trận đấu hiếm khi kéo dài cỡ đó. Thời gian trung bình mỗi trận đấu mà tôi từng chứng kiến là từ 3 đến 18 phút, mà nhiều trận diễn ra dưới 5 phút. Khi trọng tài quyết định trận đấu kết thúc, hai bên bước vào trường đấu, và theo truyền thống, bạn bồng gà đối phương và trao cho chủ gà bạn kèm với lời chúc mừng hay động viên. Bạn có thể bực bội nếu thua trận nhưng không được nhắm vào đối phương. Mọi người được mong đợi hành xử một cách văn minh, dù thắng hay thua.

    Những thể loại khác

    Như tôi đã nói ở trên, loại gà này còn được đá với thể loại cựa ngắn (quatro) hay cựa xương (naked heel). Loại cựa ngắn chỉ dài 1/4 inch, cỡ móng ngón cái của bạn. Luật đá cũng tương tự như đá cựa tháp, ngoại trừ bạn chỉ lắp cựa ở bên chân trái. Kết quả, gà phải đâm thật chính xác. Các trận đấu thường kéo dài hơn một chút so với cựa tháp, nhưng thực sự xác định được những chiến kê hay nhất trong trường đấu. Đá cựa xương hay đá “mộc” (“dry” theo cách gọi của dân Ăng-lê) thường ám chỉ đến thể loại đá với cựa “tự nhiên”. Hai chiến kê phải có cùng hạng cân và kích thước cựa. Tôi không đá thể loại này ngoại trừ việc để các chiến kê của tôi “tự xử” lẫn nhau trong sân gà, theo bản năng mà thượng đế đã tạo ra chúng. Theo tôi hiểu thì thể loại này rất gần với đá cựa tháp, ngoại trừ cựa tự nhiên (rất to) nên cũng KHÔNG CẦN quan tâm xem đá vào đâu, và trận đấu có thể kết thúc rất chóng vánh.

    Vâng, giờ bạn đã biết về thể loại cựa tháp và luật đá, vốn không có mấy chỗ để sai sót (hay những trò gian lận) vì can thiệp của con người là rất ít, bạn có thể đá quanh năm bởi nhu cầu về số lượng gà thi đấu rất nhỏ. Thể loại này hạn chế áp lực tàn sát đối phương để chiến thắng… chỉ cần đá gục là đủ. Bởi vậy, cho dù gà bạn đá thua lần này, nhưng nếu nó không chạy, chỉ cần trị thương, phục hồi sức khỏe cho nó, là có thể đem đá lại trong cùng năm. Nên nhớ rằng, chỉ có vùng đầu bị chấn thương mà thôi! Tôi thực sự hy vọng rằng bài viết này sẽ đem lại sự thú vị, một vài ý tưởng hay cung cấp thông tin cho những ai thắc mắc về một “thể loại khác” của cùng bộ môn chọi gà. Hẹn gặp ngoài trường đấu.

    [​IMG]


    ---------------------------------------------------------------------------------------


    Ghi chú

    *Ngoài châu Mỹ, trò đá cựa tháp hiện vẫn tồn tại ở nhiều nơi khác trên thế giới như Ấn Độ, Pakistan và Thái Lan. Ở miền Nam, trò này cũng từng phổ biến một thời. Thể loại truyền thống là đá cựa xương (vốn tồn tại từ thời thời Chân Lạp, Khờ-Me truyền đến người Việt Nam ngày nay), nhưng việc cáp độ rất khó khăn vì ít khi nào có hai con đồng chạn, đồng cựa cho nên nhiều khả năng người ta du nhập lối đá cựa tháp (postiza), và cựa sắt (gaff) vào khoảng giữa thế kỷ trước. Sau năm 1975, thể loại cựa tháp mai một dần mà chỉ còn cựa sắt như chúng ta thấy ngày nay (xin nói ngoài lề rằng TẤT CẢ sách vở về gà chọi ở nội địa đều áp dụng cho gà đòn hoặc gà nòi lông đá cựa xương chứ không phải dành cho gà đá cựa sắt. Bởi vậy, nếu muốn học nghệ cho tinh thì phải học ngoài thực tế, hay học tận gốc, tức từ các sư kê mẽo). Sau này, cụ Huỳnh Văn Lang mô tả về thể loại đá cựa tháp trong cuốn Cờ Bạc như sau:

    “Xin mở dấu ngoặc ở đây để nói về cựa nõ. Thời cha tôi, người ta đá gà với cựa thật của nó. Đá cựa thật có hai cái bất tiện lớn. Khi nuôi gà cựa để ra trường, mỗi ngày phải quần (cho đi dạo) ít nhất là một lần buổi sáng sớm, khoảng một giờ hay hơn nữa càng tốt. Trong lúc đó, phải có người đi theo giữ, giữ như con mọn, sợ té bể đầu hay gãy tay chơn, cho gà là sợ bay nhảy bậy bạ, đụng chạm phải đá phải cây, nhứt là rược mái… phải gãy cựa, thì gà phải bỏ đi, không còn giá trị chiến-đấu nữa. Cái bất tiện thứ hai là khi cáp độ. Trong một trường gà, khó mà có hai con gà, thân thể nặng nhẹ to lớn cựa nõ hoàn-toàn bằng nhau, xứng nhau. Cho nên nhiều khi phải chịu đá độ xéo, lớn xác hơn thì phải cho đối-thủ dài cựa hơn hay ngược lại… Cho nên, mỗi ngày cáp qua cáp lại, bồng lên bồng xuống, bồng qua bồng lại, mà rồi chả được mấy độ gà. Mỗi ngày nhiều nhứt 4, 5 độ là cùng.

    Bây giờ, thời của tôi người ta muốn mau ăn thua, hội-hợp nhiều khi phải lén-lút chụp giựt, chánh-quyền khi cho khi cấm, chỗ này cho chỗ kia cấm, cho nên bày ra đá cựa nòng sắt, muốn dài bao nhiêu cũng được, muốn chắc-chéo song-đao, trồng sao thì trồng, miễn là đầu cựa chót cựa phải là cựa thiệt, cựa gà nòi hay gà tàu cũng được. Người ta có một kỹ-thuật trui-luyện cựa thiệt nầy như là trui luyện kiếm đao cho hiệp-sĩ, phải vừa bén vừa chắc chắn, không gãy bậy. Cựa thiệt nầy, chỉ dài hai ba phân, đem gắn chặt ở đầu nòng thép, dài nhọn khoảng 5, 6 phân nữa. Cựa thiệt nòng thép nầy được băng keo dính vô cựa dài hay ngắn của con gà trước khi cho đá nhau. Chủ trường phải lưu ý: nếu vì lẽ gì mà cựa thiệt của con gà bị hỏng bể đi, mà để lòi chót thép ra, thì chủ gà bên đó phải cho bắt gà mình ra ngay và chủ trường phải coi cho họ lấy vải hay băng keo bịt thật kín đầu chót thép đó lại, nghĩa là phải làm cho cựa gãy đó hoàn-toàn vô dụng. Có khi gãy một cái, còn một cái thì phải chịu đá một cựa với người ta. Trong trường hợp gãy hai cựa thì cũng chịu vậy, tốt hơn là bắt gà mình ra, chịu thua 80, 90% gì đó, nếu đối-phương tử-tế chấp-nhận thì tốt, nếu không thì phải chung 100% vậy.

    Nhờ cựa nòng thép này, mà gà nào cũng có thể đá được, vì khi đó thì chỉ còn có điều-kiện lớn nhỏ với nhau thôi, mà lớn nhỏ có xê-xích nhau cũng dễ thỏa-thuận vì là gà cựa, không phải là gà đòn mà phải giành nặng xác, to tướng. Cho nên trong một ngày có thể đụng nhau trên chục độ rất dễ dàng. Có ngày ở trường gà Thủ-Đức chỉ một mình tôi, mà đã đá được những 7 độ. Ngoài ra, với cựa nồng thép nầy, một độ gà ít khi kéo dài 3, 4 nước. Nhiều khi cũng chỉ trong 5, 7 phút, phân nửa cây nhang là xong một độ gà rồi”.

    *Tham khảo một bài viết khác về thể loại cựa tháp: Gà Cựa - Xưa và Nay (BaLoi)

    *Tham khảo phương pháp biệt dưỡng dành cho gà đá cựa tháp của cùng tác giả: Biệt dưỡng 6 tuần đá cựa tháp (postiza keep)

    *Một xu hướng lai tạo hiện nay là pha gà nòi với gà Peru mà một số người lo ngại là “thưa cựa” vì đá theo lối “săn đầu”. Theo chút thông tin mà chúng tôi tìm thấy trên mạng, gà Peru pha trộn giữa gà Tây Ban Nha (săn đầu), gà đá Anh (Old English Gamefowl) với gà phương đông (Asil, Shamo và Malay). Trọng lượng trung bình từ 3.5 – 4.5 kg. Ở Peru, người ta đá thể loại cựa dao dài (như Philippines) nên theo logic cũng chẳng cần lọc lựa lối “săn đầu” làm gì mà chỉ ưu tiên cho lối đá khai trận thật tốc độ, dũng mãnh. Tuy nhiên, gà Peru trên thực tế lại được nhập từ các trại bên Mỹ chứ không phải từ các đấu trường Peru (vậy hãy cứ thử rồi mới biết :))! http://www.ultimatefowl.com/wiki/index.php?title=Peruvian_Gamefowl

    *Vài hình ảnh về dòng "săn đầu" Cuba (sưu tầm trên mạng):
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này