Sài Gòn - Ngã ba lòng Một góc "Ngã ba lòng" "Ngã ba lòng”- cái tên nghe có vẻ “tiểu thuyết lãng mạn” ấy - là không gian giao nhau của ba con đường: Bàu Cát 9, Hương lộ 2 và Phan Sào Nam thuộc phường 11, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Chịu, không biết ai đã đặt tên cho ngã ba ấy. Chỉ biết giới xe ôm, xích lô, dân nhậu bình dân kháo nhau, tên của ngã ba được ăn theo thương hiệu “lòng xào nghệ - rượu gạo” của anh Đinh Hữu Bá, quê gốc ở thôn Nghi Hạ, xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam. Cá nục hấp cuốn bánh tráng Anh Bá, cùng vợ là Trương Thị Năm và hai con nhỏ ly hương tìm đất sống mới tại Bảo Lộc (Lâm Đồng) từ năm 1993, rồi xê dịch tiếp xuống TP. Hồ Chí Minh. Sau một thời gian điều nghiên đời sống Tân Bình - nơi thường được gọi là Quảng Nam thứ hai - anh mua mảnh đất 18m2 dường như chỉ có chiều dài nằm vắt qua hai con đường Hương lộ 2 và Bàu Cát 9 để mở quán nhậu bình dân. Mua đất làm nhà xong, gia đình anh xem như trắng tay, nên phải khởi nghiệp với "lòng xào nghệ và rượu gạo". Nghe thì đơn giản nhưng đây là kết quả của một quá trình tìm tòi khá kỹ. Bởi lẽ, điểm rơi của quán anh mà ở vào thời điểm, không gian khác, chắc gì đã thành công. Tân Bình là “đất thánh” của dân lao động tứ chiếng, nhất là người Quảng Nam. Họ làm thuê bằng đủ thứ nghề để kiếm tiền, mặc dù không nhiều lắm. Nhà thuê để ngủ tạm của họ, là những căn phòng vừa chật vừa nóng, khó mà dỗ được giấc ngủ sớm. Họ sẽ giải trí như thế nào sau một ngày làm việc vất vả khi mà tiền ít ? Nhậu thôi, “làm một xị, giải mỏi và giết thời gian”, chờ cho đêm khuya trời mát về đánh một giấc, lấy sức, ngày mai đi làm lại. Nhưng công thợ nề mỗi ngày sáu bảy chục nghìn đồng mang vào quán nhậu tầm tầm thì không đủ. Vậy là quán nhậu bình dân, giá cực rẻ, của anh Bá và chị Năm trở thành điểm “bằng hữu tha phương ngộ cố tri”. Bạn bè anh nửa đùa, nửa khen ”tay này giỏi thiệt, biết lấy không làm có, lấy ít làm nhiều”. “Không” ở đây là ý chỉ nguồn vốn mua lòng heo - một loại thứ phẩm bán như cho. Lòng xào nghệ là lòng già, không dùng cũng… bỏ đi. Cho nên, giá của một dĩa lòng xào nghệ lúc đầu chỉ vài ba nghìn, thêm xị rượu gạo nữa thì mỗi người chỉ bỏ ra 5.000 đồng đã đủ… phê. Thế rồi một đồn mười, mười đồn trăm, quán nhậu của anh chật ních khách suốt từ 15 giờ đến 23 giờ. Anh đã thực hiện được phương châm “bán chắc ăn chắc, lấy nhiều làm lời”. Nhà anh Bá có lợi thế là ở gần lò mổ heo Tabico lớn nhất Tân Bình nên đặt mua lòng heo rất tiện. Lúc đầu còn tốn công thức khuya dậy sớm, sau người ta mang lòng đến tận nhà. Buổi sáng, chị Năm và ba người giúp việc lo khâu làm lòng, chế biến. Chiều, từ 15 giờ là bắt đầu mở cửa đón “thượng đế”. Giờ cao điểm từ 17 giờ đến 22 giờ quán còn có thêm năm người chạy bàn nữa. Việc làm ăn của anh Bá có mức thực thu cao, chắc nụi nhưng không phải lo lắng nhiều như những doanh nhân bạc tỷ. Quan niệm của anh là không nên ôm hết việc mà chia ra mỗi người hưởng một ít mới khỏi bị nô lệ đồng tiền. Anh cười tự tin: “Chẳng hạn như 300 cái bánh tráng mỗi ngày thì người nướng bỏ hàng cũng có một khoản thu nhập kha khá”. Nhưng quan trọng theo anh Bá vẫn là tấm lòng, tức uy tín làm ăn. Anh chỉ quán bên kia đường nói: “Ngã ba lòng của mình còn có nghĩa bóng nữa. Nếu không thì ngoài việc chế biến mồi hợp khẩu vị người miền Trung, quán mình cũng khó đứng được hơn mười năm nay với sự cạnh tranh ráo riết của nhiều người”. Hỏi về căn nguyên món lòng xào nghệ, anh Bá kể chuyện về cái thời mẹ anh đào nghệ tươi ngoài vườn vào xào với lòng heo ăn cho đỡ ho, rồi kết luận: ”Thứ này dai dai, sực sực, nhai với bánh tráng gạo để nhậu rượu là món khoái khẩu của dân Quảng mình đó”. Còn thu nhập? Anh đưa ra những con số làm tròn rồi bảo tự tôi tính lấy: “Mỗi ngày một tạ lòng, 300 bánh tráng, 300 xị rượu, chừng một nghìn lượt khách. Chưa kể thuốc lá, bia, nước ngọt… bán thêm”. Hèn gì con số nhà cửa của anh cứ vài ba năm lại tăng thêm. Ngay tại khu ngã ba lòng, anh cũng đã có tới ba căn nhà mọc lên từ… lòng. Ba đứa con anh đều được ăn học đường hoàng. Còn anh, mỗi sáng đi chơi tennis. Tôi bỗng nhớ bà già Đại Lộc buôn cát trắng từ Quảng Nam vào Sài Gòn. Cát Thăng Bình xúc bốn năm bao, chỉ tốn mấy đồng gửi xe đò. Vào Sài Gòn, cát được bán bằng lon như gạo cho người ta đổ nồi hương trong dịp tết. Tết, lại là chuyện tâm linh, ai tính làm gì chuyện mười hay hai mươi nghìn một lon cát. Người Quảng Nam thành đạt ở Tân Bình cũng như Sài Gòn chắc rất nhiều. Có người là tỷ phú tầm cỡ. Song, tôi lại thích viết về gia đình anh Bá như viết về cách làm ăn, đức tính làm ăn của con người Quảng Nam: bền chắc và sáng tạo, kiên trì từng bước… Thiệt là: Chắc nụi! TIÊU ĐÌNH QSy: Nơi đây mình thường xuyên ghé lai rai và ăn chơi vì có 3 món mình rất thích: lòng heo xào nghệ, nhộng xào thơm, hến xào rau răm. Các món này ăn ngon vì k ngán như các ăn món thịt thà khác!