Ohiki – viên ngọc tí hon Ohiki 尾曳 (尾=vĩ, 曳=duệ, “đuôi kéo lết”) là giống gà phổ biến và nhỏ con nhất trong số những giống gà đuôi dài ở Nhật Bản. Giống gà này xuất xứ từ tỉnh Koichi, cũng là quê hương của giống gà đuôi dài nổi tiếng onagadori. Cả hai dường như có quan hệ huyết thống, chẳng hạn chúng đều có một số đặc điểm chung, như thân mảnh, lông mềm như dải lụa và mọc nhanh. Một số ohiki được biết cũng thể hiện đặc điểm không thay lông ở một mức độ nào đó. Khác phoenix/yokohama, ohiki là giống gà “lùn” chính hiệu và không tồn tại những biến thể lớn con hơn, chẳng hạn như giống gà phoenix/yokohama có hai biến thể, bình thường và nhỏ/gà tre (bantam). Trong phạm vi bài này, chúng ta sẽ gọi ohiki là gà lùn (dwaft) thay vì gà tre (bantam) bởi vì sự thiếu cân đối của các bộ phận trên cơ thể chúng. Gien lùn khiến gà có kích thước đầu bình thường, thân ngắn và chi nhỏ - đặc biệt hai chân dịch rất xa lên phía trước thân. Đây là đặc điểm trội, vì vậy gà con chỉ cần nhận một alen từ gà cha mẹ, và bởi vì đây không phải là kiểu di truyền liên kết - giới tính (sex-link), nên cả gà trống lẫn gà mái đều thể hiện kiểu hình gà “lùn”. Kiểu hình này rất giống với mô tả về một loại dị dạng tên là hypochondroplasia, tuy nhiên, lời khẳng định sau cùng xin được dành cho các nhà khoa học. Gà ohiki thoạt nhìn cũng tương tự như giống gà tre nhật chabo 矮鶏 (矮=ải, 鶏=kê, “gà nhỏ”) nhưng nếu quan sát kỹ và nếu xét đến cả đặc tính sinh sản thì đây là hai giống gà hoàn toàn khác nhau. Gà chabo có cả hai loại chân, cao và thấp, trong mỗi lứa gà. Nhiều con có cơ thể cân đối. Gien chân thấp ở gà chabo là gien độc (lethal). Bầy con có thể nhận gien chân thấp hoặc chân cao từ gà cha mẹ. Nếu bào thai nhận được hai alen chân thấp từ gà cha mẹ thì sẽ chết vào ngày thứ 18 khi còn trong trứng. Nhiều nhà lai tạo gà chabo lai gà trống chân cao với gà mái chân thấp. Điều này giúp gia tăng khả năng thụ tinh và giảm phần trăm trứng hư khi hai alen độc kết hợp với nhau. Trong khi gien lùn hay gien chân thấp ở gà ohiki cũng là gien trội nhưng không chứa đựng yếu tố độc hại. Cặp gà ohiki cho ra bầy con mà toàn bộ là chân thấp và không trứng nào bị hư. Giống gà đuôi dài tuyệt vời này được nhập khẩu vào châu Âu từ những năm 1990 và xuất hiện trong các triển lãm nội địa và quốc tế. Gà ohiki rất hiền lành, dễ nuôi và chăm sóc. Chúng dễ dàng chiếm được tình cảm của nhiều người ngay từ lần gặp đầu tiên. Dẫu là giống gà thuần, gà ohiki cũng có nhiều biến thể khác nhau. Một số con thân dài trong khi một số con thân ngắn hơn và các đặc điểm này xuất hiện trong cùng một bầy. Những biến thể màu hiện tại bao gồm điều, chuối trắng và chuối lửa với mồng lá và tích trắng. Đuôi có kích thước 60-70 cm, 80-90 cm hay 150 cm tùy dòng. Dòng sau cùng được cho là thừa hưởng nhiều gien onagadori. Lông đuôi hao hao và mảnh như đuôi gà onagadori. Ở Nhật Bản, một số cá thể trông tương tự như phiên bản thu nhỏ của gà onagadori với lông đuôi dài đến cả mét rưỡi. Đa số gà ở châu Âu có kích thước đuôi cỡ trung bình 60-80 cm. TIÊU CHUẨN GÀ OHIKI (NHẬT BẢN) Mồng lá Tai trắng Mắt đỏ-nâu Trọng lượng: gà trống 937 g, gà mái 750 g (gà tơ 600-750 g) Màu lông: điều (black breasted red/red duckwing) hay chuối (black breasted silver/silver duckwing). Góc đuôi 30 độ và kéo lê phía sau Màu chân ô-liu, và màu này được phản ánh ở tai lẫn những lông đã ngừng phát triển và cứng dần. Chừng nào mà gà còn đang ở trong giai đoạn mọc lông măng, thì tai phản ánh màu chân và đây là đặc điểm rất đáng chú ý ở gà đuôi dài vì chúng cần nhiều tháng trời để “hoàn tất” giai đoạn phát triển lông đuôi. Bằng không, tai có màu trắng hanh vàng. Mồng lá với kích thước trung bình so với gà nhỏ, không cực to như ở giống gà chabo. Kích thước mồng thay đổi tùy theo dòng hay màu nhất định. Lông cổ cực kỳ dầy và dài, gần như phủ kín vai. Lông mã dài ngắn khác nhau tùy cá thể, nhưng phải chấm đất và kéo lê từ 5 đến 15 cm. Độ dài lông mã rất khó điều khiển về mặt di truyền và đây là đặc điểm thường thấy ở tất cả các loài gà đuôi dài. --------------------------------------------------------------------------------------