Những vấn đề liên quan đến môi trường hồ cá Thành phần hóa học Những thành phần hoá học chủ yếu trong hồ có tác động trực tiếp lên sức khoẻ, mức độ tăng trưởng và sinh sản của cá bao gồm khí ô-xy, khí carbonic, khí hydrogen sulfide, ammonia, nitrite, nitrate, độ cứng và độ pH. Thành phần quan trọng nhất là nồng độ khí ô-xy hoà tan. Mức ô-xy từ 11 ppm đến 14 ppm là lý tưởng. Nồng độ ô-xy thấp có thể làm cá ngạt thở và chết. Nồng độ này thường bị giảm khi nhiệt độ nước tăng cao vào mùa nóng hoặc vào buổi sáng sớm khi quá trình quang hợp chưa bắt đầu. Mật độ cá và rong quá cao, nước hồ bị ô nhiễm hoặc bộ lọc bị hư cũng là những nguyên nhân làm nồng độ ô-xy giảm. Sử dụng máy sục khí là một biện pháp đơn giản và hữu hiệu để cung cấp thêm o-xy cho hồ. Ammonia (NH3), nitrite (NO2) và nitrate (NO3) là các sản phẩm phát sinh trong quá trình phân huỷ chất hữu cơ gồm chất thải của cá và thức ăn thừa. Hai chất đầu rất độc đối với cá nên cần phải duy trì ở nồng độ rất thấp. Thay nước thường xuyên là biện pháp hiệu quả nhất. Hệ thống lọc cũng phải đủ mạnh để nhanh chóng chuyển hoá chúng thành chất nitrate ít độc hại hơn. Duy trì mật độ cá vừa phải, sục khí và trồng rong trong hồ là các biện pháp hỗ trợ hữu hiệu nhằm kiểm soát nồng độ các chất này. Khí hydrogen sulfide (H2S), methane (CH4) và carbonic được tạo ra từ các ổ vi khuẩn yếm khí nơi lớp đá sỏi dưới đáy hồ. Các khí này tuy độc nhưng trong môi trường nước ngọt, nguy cơ làm phát sinh các khí này không cao. Ngoài ra, khí carbonic có thể làm độ pH trong nước hồ giảm nhẹ. Độ pH là một thông số rất quan trọng, ảnh hưởng nhiều đến cá nuôi trong hồ. Độ pH là nồng độ i-on tự do H+ trong nước. Với nước nguyên chất hay trung hòa, nồng độ i-on H+ đo được là pH=7. Độ pH dưới 7 thì nước có tính acid, độ pH trên 7 thì nước có tính kiềm (alkali hay base). Sự hiện diện của acid trong nước làm pH giảm và nước có tính acid. Acid là một nhóm những chất chứa phân tử Hydro. Các acid như acid Sulfuric (H2SO4), acid Nitric (HNO3) và acid HydroChloric (HCl) là những acid mạnh, còn những acid như acid Carbonic (H2CO3) và acid acetic (CH3COOH) là những acid yếu. Acid nguyên chất tồn tại dưới dạng những phân tử độc lập nhưng khi được trộn vào nước, chúng có xu hướng phân ly thành các i-on tự do làm nồng độ i-on H+ tăng cao. Các acid mạnh phân ly hầu như hoàn toàn trong nước trong khi các acid yếu hơn chỉ phân ly một phần. Nước phèn là loại nước có tính acid (pH thấp, chua) và chứa nhiều sắt, nhôm và sulphate. Nước phèn hình thành khi nước tự nhiên tiếp xúc với đất phèn. Nước phèn thường xuất hiện ở những vùng gần biển hoặc đất bồi. Ở Việt Nam nước phèn tập trung chủ yếu ở đồng bằng sông Cửu Long; ngoài ra còn có ở các vùng khác như Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Tĩnh. Nước ở vùng nhiễm phèn cần phải được xử lý trước khi nuôi cá. Những chất có tác dụng trung hòa acid gọi là base (ba-dờ). Những base tan trong nước (hoàn toàn hay một phần) gọi là chất kiềm (alkali). Sự hiện diện của chúng trong nước làm pH tăng và nước có tính base. Chất kiềm giúp ngăn ngừa độ pH giảm đột ngột (dưới 5.5) làm cá bị chết. Theo thống kê, những chất sau đây có tính kiềm: - Một số kim loại “mạnh” hơn Hydro như Natri (Na), Canxi (Ca) và kẽm (Zn). - Hydroxide (chứa gốc OH-) chẳng hạn như soda (NaOH) - Carbonate (chứa gốc CO3- -): chẳng hạn như đá vôi, san hô (CaCO3). - Oxide kim loại: các oxide phèn như phèn đơn (Al2O3) và phèn kép (Fe2O4) cũng là những loại chất kiềm. Độ cứng phản ánh lượng khoáng chất hòa tan có trong nước. Có hai loại độ cứng: Độ cứng tạm thời hay còn gọi là độ cứng carbonate/độ kiềm carbonate (kH): là nồng độ các i-on carbonate (CO3--) và bicarbonate (HCO3-). Các muối này kết tủa và làm nước mềm đi khi chúng ta đun sôi hoặc sục khí, nên được gọi là độ cứng tạm thời. Độ cứng tạm thời có tính kiềm và tác dụng như là một bộ đệm ngăn cản sự biến thiên đột ngột của pH. http://en.wikipedia.org/wiki/KH_(hardness) Độ cứng vĩnh viễn: là nồng độ i-on Ca++ và Mg++ có trong các muối sulphate (SO4--), nitrate (NO3-) và clorua (Cl-). Các muối này không kết tủa khi chúng ta đun sôi hoặc sục khí nên được gọi là độ cứng "vĩnh viễn". Độ cứng chung hay độ cứng tổng (general/total hardness) (dH hay dGH): là nồng độ i-on Ca++ và Mg++ trong tất cả các gốc muối nói trên. Hai i-on kim loại này chiếm đa phần trong các nguồn nước tự nhiên. Các i-on kim loại khác như natri, sắt, nhôm và măngan cũng góp phần vào lượng khoáng chất hòa tan trong nước nhưng tác động của chúng lên động thực vật dưới khía cạnh “độ cứng” là không đáng kể. Trên thực tế, các dụng cụ đo cũng chỉ được sản xuất để tính độ cứng dựa trên các i-on Ca++ và Mg++. Mỗi loài cá đều thích nghi với một loại nước cứng nhất định vì vậy chúng ta phải kiểm tra độ cứng của nước và có điều chỉnh thích hợp trước khi thả cá. Các loại nước và độ cứng tương ứng như sau (theo hãng Tetra): - Nước mềm: dH: 0-4, 0-60 (mg/l) - Nước trung bình: dH: 4-8, 60-120 (mg/l) - Nước cứng: dH: 8-16, 120-180 (mg/l) - Nước rất cứng: dH >16, >180 (mg/l) Quy đổi: 1 dH = 17.9 mg/l (ppm) http://en.wikipedia.org/wiki/Water_hardness http://www.thetropicaltank.co.uk/hardness.htm Các loại vi khuẩn Về cơ bản, có 4 loại vi khuẩn hiện diện trong hầu hết các hồ cá cảnh. Loại thứ nhất là các vi khuẩn phân huỷ. Chúng sử dụng các chất hữu cơ trong hồ cá bao gồm phân cá, thức ăn thừa và xác rong, tảo làm nguồn thức ăn. Trong hồ cá luôn tồn tại một số lượng lớn các vi khuẩn loại này. Là loại vi khuẩn có ích, chúng phân huỷ các chất hữu cơ thành các chất vô cơ gồm ammonia (NH3) và carbon dioxide (CO2) để các vi khuẩn khác tiêu thụ. Chúng cũng là nguyên nhân chính làm cho nước hồ ngả đục. Chẳng hạn, khi bỏ quá nhiều thức ăn vào hồ thì thức ăn thừa sẽ làm bùng phát số lượng các vi khuẩn phân huỷ; chúng tiêu thụ hết lượng ô-xy trong nước làm cá nghạt và phải ngoi lên mặt nước để thở. Với mật độ thích hợp, chúng làm tốt công việc vệ sinh hồ cá, nhưng nếu để phát triển quá mạnh thì chúng có thể làm chết cá trong hồ. Vì vậy, hồ cá cần được trang bị bộ lọc nước có chất lượng. Loại thứ hai cũng là các vi khuẩn phân huỷ, nhưng là loại đặc biệt, vi khuẩn ô-xy hoá ni-tơ. Có hai nhóm vi khuẩn thuộc loại này. Một nhóm tổng hợp ô-xy và NH3 để tạo ra NO2 (nitrite). Nhóm khác tổng hợp ô-xy và NO2 để tạo ra NO3 (nitrate). NH3 và NO2 là chất độc đối với cá; độ pH càng cao, độc tính càng mạnh. NO3 lại vô hại ở nồng độ tương đối cao, dưới 100 ppm. Vì vậy, mục đích của bộ lọc là chuyển hoá một cách nhanh chóng và hiệu quả chất NH3 do cá hay các vi khuẩn phân huỷ tạo ra thành NO2 , rồi sau đó là NO3 càng nhanh càng tốt. Muối nitrate sẽ được lấy ra khi thay nước hồ. Loại thứ ba là các vi khuẩn gây bệnh. Một vài loại trong số này tương tự loại thứ nhất, chẳng hạn như loại vi khuẩn phân huỷ phần da chết của cá. Các vi khuẩn này là dạng mầm bệnh cơ hội; chúng không tấn công cá cho đến khi cá bị thương hay yếu đi. Một số khác là mầm bệnh thực sự, chúng luôn luôn hiện diện trong hồ cá và không ngừng tấn công vào hệ thống miễn dịch của cá. Chừng nào cá còn mạnh khoẻ, hệ thống miễn dịch của nó còn có khả năng chống chọi với vi khuẩn gây bệnh. Nhưng khi có một con bị yếu đi và ngã bệnh; nó cung cấp vật chủ để vi khuẩn sinh sôi đến mật độ đủ lớn từ đó áp đảo hệ thống miễn dịch của các con cá khoẻ mạnh khác. Giảm stress là cách tốt nhất giúp cá chống chọi với bệnh tật. Cách nữa là cách ly cá mới, cá nhiễm bệnh để làm giảm sự lây lan mầm bệnh. Loại thứ tư là các vi khuẩn yếm khí. Chúng có thể là một trong số các vi khuẩn kể trên nhưng có khả năng chuyển đổi cơ chế hoạt động từ môi trường có ô-xy sang môi trường không có ô-xy, tức yếm khí. Môi trường không có ô-xy trong hồ cá thường là lớp đá sỏi dưới đáy hồ. Một số vi khuẩn yếm khí rất có ích vì chúng phân huỷ muối nitrate thành khí ni-tơ. Nhưng nếu tập trung với số lượng lớn, vi khuẩn yếm khí có thể trở nên có hại nhất là trong các hồ cá biển, vì vài loại trong số chúng tạo ra khí độc H2S (hydrogen sulfide) làm chết cá. Những cách để hạn chế các khu vực yếm khí là không nên đặt đá tảng hay vật trang trí nơi không có dòng nước lưu thông qua, giảm độ dày đáy nền hay hay tăng kích thước sỏi để cho phép nhiều ô-xy thâm nhập sâu hơn xuống đáy. Ngoài ra, có thể sử dụng những động vật đào bới đáy hồ như ốc sên, cá chạch, cichlid hay ba ba để ngăn ngừa việc hình thành các túi khí. Không sử dụng cát mịn vì nó có khuynh hướng lèn chặt và tạo ra môi trường yếm khí. Trong môi trường nước ngọt nguy cơ này không cao, nhưng là dấu hiệu của sự thiếu chăm sóc hồ cá. Chu trình ni-tơ Trong hồ cá, chất ni-tơ tồn tại và luân chuyển dưới nhiều trạng thái khác nhau. Quá trình luân chuyển này bao gồm một chuỗi các phản ứng hoá sinh; gọi chung là chu trình ni-tơ. Chu trình ni-tơ được coi là tác nhân lọc sinh học và đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường sống lành mạnh cho các sinh vật trong hồ. Chu trình này thực sự phức tạp vì bao gồm rất nhiều quá trình trung gian nhưng có thể tóm tắt thành 4 quá trình diễn ra như sau: Chất hữu cơ [1]==> ammonia [2]==> nitrite [3] ==> nitrate [4]==> khí ni-tơ [1] Quá trình khoáng hoá (mineralisation) là quá trình mà chất hữu cơ được vi khuẩn phân huỷ thành các chất khoáng vô cơ, chủ yếu là ammonia. [2] Quá trình ô-xy hoá ni-tơ (nitrification) là quá trình ô-xy hoá ammonia thành nitrate. Có hai giai đoạn; giai đoạn đầu, vi khuẩn phân huỷ ammonia thành nitrite (NO2-). Giai đoạn sau, vi khuẩn ô-xy hoá nitrite thành nitrate (NO3-). Cả hai giai đoạn tiêu thụ ô-xy hoà tan. [3] Quá trình tạo ni-tơ (denitrification): là quá trình phân huỷ nitrate và nitrite thành các khí ô-xít ni-tơ (N2O) và ni-tơ (N2). Vi khuẩn yếm khí lấy ô-xy từ nitrate và nitrite để hô hấp vì môi trường có rất ít hoặc không có ô-xy hoà tan. [4] Quá trình đồng hoá (assimilation): là quá trình tiêu thụ các chất vô cơ như ammonia, nitrite và nitrate của các sinh vật tự dưỡng (autotrophs) bao gồm vi khuẩn, rong tảo và các loài thực vật thuỷ sinh. Mô hình giản hoá chu trình ni-tơ trong hồ cá. Những mũi tên thể hiện sự chuyển hoá của ni-tơ. Chất hữu cơ được phân huỷ thành các hợp chất có chứa ni-tơ. Rong, tảo và các loài thực vật thuỷ sinh lại tiêu thụ các hợp chất này. Hệ thống lọc nước Hệ thống lọc nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì tình trạng cân bằng của hồ cá, nghĩa là các thành phần hoá sinh phải ở mức độ cho phép. Các môi trường lọc Có ba loại môi trường lọc với các nguyên tắc lọc khác nhau. Môi trường lọc cơ học sử dụng các chất liệu bao gồm màng lọc, bông và giấy lọc để “bẫy” các chất cặn kích thước lớn và không hoà tan. Trong các hệ thống lọc, môi trường này luôn được bố trí đầu tiên. Môi trường lọc sinh học sử dụng các chất liệu bao gồm bi nhỏ, ống, cầu rỗng và khối làm môi trường cho các vi khuẩn hiếu khí phát triển và phân huỷ các chất vô cơ độc hại như ammonia và nitrite. Trong các hệ thống lọc, môi trường này thường được xếp kế sau môi trường lọc cơ học. Môi trường lọc hoá học sử dụng các chất hoá học như than hoạt tính để “trung hoà” các chất hoà tan như chất thải của cá, mùi hôi, màu hay các chất vô cơ như phốt-pho, nitrite, nitrate, ammonia và những chất độc hại khác. Môi trường lọc loại này thường được đặt sau cùng trong hệ thống lọc. Nhiều người nghĩ rằng nên để môi trường lọc thật dơ để khuyến khích các vi khuẩn phân hủy có ích phát triển. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Môi trường lọc quá dơ sẽ làm bùng phát vi khuẩn gây bệnh, chúng phát triển nhanh hơn vi khuẩn phân hủy nhiều lần, nhanh chóng tiêu thụ hết lượng ô-xy hòa tan làm vi khuẩn phân hủy có ích biến mất. Tất nhiên môi trường lọc là nơi lưu giữ và phân hủy chất thải nhưng nếu để quá dơ, tác dụng sẽ đảo ngược. Vì vậy mà chúng ta cần thường xuyên làm vệ sinh bộ lọc để đảm bảo các môi trường lọc hoạt động tốt. Các loại hệ thống lọc Hệ thống lọc kết hợp nhiều môi trường lọc với nhau để đạt hiệu quả lọc nước nhất định. Có rất nhiều loại hệ thống lọc khác nhau được bán ngoài thị trường với thùng, vỏ thiết kế sẵn gọi là máy lọc hay bộ lọc. Chúng đôi khi có cùng nguyên lý hoạt động nhưng lại được phân loại khác nhau chủ yếu dựa vào tính năng, kích thước và cách thức lắp đặt. Bộ lọc ngoài hay lọc thùng (canister hay external filter) có kích thước lớn từ 40 đến 400 lít, thường được bố trí dưới chân đế hồ nuôi và sử dụng cả ba loại môi trường lọc. Bộ lọc có ống dẫn nước vào ra và van điều khiển đóng mở. Thời gian giữa các lần làm vệ sinh và bảo trì lâu. Bộ lọc treo (hang-on hay power filter) có kích thước vừa phải và thường được treo trên thành hồ. Chúng có nhiều ngăn trống để người sử dụng tự lựa chọn môi trường lọc. Bộ lọc chìm (underwater hay internal filter) có kích thước nhỏ và được bố trí bên trong hồ cá. Bộ lọc này sử dụng môi trường lọc cơ học. Việc vệ sinh và bảo trì bộ lọc này hơi bất tiện nhưng lại phù hợp với các hồ ươm cá con hay hồ điều trị. Bộ lọc ướt/khô (wet/dry) cũng tương tự như bộ lọc ngoài nhưng là loại bộ lọc thế hệ mới; theo đó dòng nước được điều khiển cho chảy qua các môi trường lọc theo cả hai chiều để làm tăng thời gian tiếp xúc giữa vi khuẩn phân huỷ với các chất thải trong nước; kết quả là tốc độ phân huỷ diễn ra nhanh hơn nhiều so với các loại bộ lọc truyền thống khác. Bộ lọc đáy (under-gravel filter) là loại bộ lọc sinh học đơn giản. Môi trường lọc là lớp sỏi dưới đáy hồ. Dòng nước được điều khiển cho chảy qua lớp sỏi này và các vi khuẩn trên bề mặt sỏi sẽ phân huỷ các chất hữu cơ trong nước. Bộ lọc này có thể được kết hợp với một trong số các bộ lọc ở trên để cho kết quả lọc tốt hơn. Tuy nhiên, bộ lọc này hơi bất tiện vì khó làm vệ sinh; mặt khác cũng không thể dùng chúng cho các hồ thủy sinh vì dòng nước sẽ gây hại cho bộ rễ của thực vật cho dù có rất nhiều chất dinh dưỡng bám lên đó. Bộ lọc đáy đơn giản nối với ống khí từ máy sục khí. Người ta cũng có thể gắn thêm một máy bơm nhỏ để làm tăng lực hút nước lên. Bộ lọc dòng đáy (fluidized bed) là loại bộ lọc sinh học thế hệ mới, có nguyên tắc hoạt động tương tự như bộ lọc đáy (under-gravel) nhưng hoạt động hiệu quả hơn nhiều. Cấu tạo bộ lọc gồm một ngăn có chứa cát và một ống dẫn nước vào từ phía đáy, qua đó dòng nước được bơm vào và trồi lên qua lỗ thoát phía trên; kéo theo nền cát liên tục bị cuốn lên và rơi xuống trông giống như cát lún. Vi khuẩn phân huỷ phát triển trên bề mặt của các hạt cát. Tuy từng hạt cát có kích thước nhỏ nhưng một vài ly cát nhỏ lại cung cấp một diện tích bề mặt bằng với một bộ lọc ướt/khô loại thường. Bộ lọc dòng đáy hình chữ V làm bằng kiếng hay nhựa mi-ca. Bộ lọc được lắp ở vị trí cao hơn hồ cá chút ít để dễ gắn ống dẫn nước trở về hồ. Cát sạch có đường kính khoảng 1 mm được đổ khoảng một nửa thể tích của ngăn lọc. Bộ lọc phân huỷ nitrate (denitrator) là loại bộ lọc sinh học đặc biệt sử dụng cơ chế yếm khí. Bộ lọc có cấu tạo là một ống dẫn xoắn như ruột ngựa; qua đó dòng nước được điều khiển cho đi thật chậm, khoảng 1-3 giọt/giây tuỳ thuộc vào kích thước bộ lọc. Vi khuẩn hiếu khí phát triển ở đầu vào của ống dẫn sẽ lấy hết ô-xy trong nước vì vậy trong ống chỉ tồn tại toàn vi khuẩn yếm khí. Chúng sẽ phân huỷ nitrate và tạo ra khí ni-tơ (bay hơi). Bộ lọc loại này hoạt động chưa hiệu quả lắm vì tốc độ xử lý nước chậm. Chúng thường được sử dụng trong các hồ cá nước mặn. Bộ lọc vi sinh (diatom filter) là loại bộ lọc cơ học đặc biệt. Môi trường lọc là túi lọc; nó chứa một loại bột vi sinh có khả năng “bẫy” một vài loại vi khuẩn và ký sinh trong nước ở kích cỡ vài mi-crô. Vì loại bộ lọc này hoạt động rất hiệu quả nên chỉ trong một thời gian ngắn là phải thay túi lọc. Nếu chúng ta phải lọc cấp kỳ cho nhiều hồ cá thì nên sử dụng loại bộ lọc này. Bộ lọc váng (protein skimmer) là loại bộ lọc áp dụng cơ chế sục khí đặc biệt để tách lượng protein phát sinh từ thức ăn và chất thải của cá tích tụ chủ yếu trên mặt nước và làm việc trao đổi khí ở đó tốt hơn. Đèn tia cực tím (UV lamp) là loại đèn chiếu tia cực tím để diệt khuẩn nhưng vẫn được liệt kê ở đây do công dụng của nó. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh, nấm và tảo, nó cũng tiêu diệt luôn cả những vi khuẩn phân hủy có ích nên việc sử dụng còn nhiều tranh cãi. Bộ lọc mở Loại bộ lọc được sử dụng phổ biến nhất trên thực tế là bộ lọc có các ngăn lọc bằng nhựa, kiếng hoặc mi-ca kết hợp với máy bơm và ống dẫn nước. Ngăn lọc có thể được bố trí trên thành hồ, dưới chân đế hay ngay bên trong hồ (hai loại sau còn gọi là bộ lọc tràn). Nguyên tắc hoạt động của bộ lọc mở cũng giống như bộ lọc ngoài hay bộ lọc treo nhưng vì được chế tạo rời rạc theo đủ mọi hình dáng và kích cỡ nên tạm gọi là “mở”. Bộ lọc mở với máng lọc bố trí bên trong hồ. Các ngăn lọc [1] bọt biển [2] màng lọc [3] bi lọc [4] máy bơm. Lọc nước bằng thực vật thuỷ sinh Nguyên tắc chung của các loại bộ lọc là nhanh chóng chuyển hoá các chất ammonia và nitrite thành muối nitrate. Muối nitrate tuy ít độc hại hơn hai chất trên nhưng cũng cần được lấy ra khỏi hồ thông qua việc thay nước định kỳ. Trồng thực vật thuỷ sinh là cách đơn giản và hiệu quả để tiêu thụ bớt lượng nitrate trong hồ và giảm bớt tần suất thay nước. Rong lá trầu (Echinodorus) xuất xứ từ châu Mỹ là loại cây rất thích hợp vì chúng dễ trồng, mau lớn, chịu được nước mặn và thuốc chữa bệnh của cá. Chúng có khả năng tiêu thụ nitrate trong nước thông qua các mao mạch trên bề mặt lá. Rong được trồng trong chậu cây để tránh bị cá đào bới làm tróc gốc. Nếu trồng ngoài trời với đầy đủ ánh sáng và chất dinh dưỡng, chúng thường mọc vượt quá mặt nước, nhưng dưới ánh đèn nê-on bình thường trong hồ cá, chúng vẫn có thể sinh trưởng tuy không ra hoa, các nhánh mọc ngắn lại, phiến lá phình to và nằm hoàn toàn trong nước. Bộ lọc khí Bộ lọc khí (sponge filter) là bộ lọc sinh học đơn giản bao gồm một miếng bọt biển có đầu để gắn ống sục khí. Không khí thoát ra từ đầu sục khí sẽ tạo ra dòng nước đi qua miếng bọt biển, nơi các vi khẩn có ích trú ngụ và phân huỷ các chất hữu cơ trong nước. Để tăng lực hút, người ta có thể gắn thêm một máy bơm nhỏ ở phía trên bộ lọc. Loại bộ lọc này có hiệu quả hạn chế nhưng đơn giản, dễ làm vệ sinh và thích hợp cho các hồ nuôi cá con (lực hút vừa phải) và hồ nuôi các loài ưa nước tĩnh như cá Betta. Dưới đây là một dạng bộ lọc bằng bọt biển khác bao gồm một máy bơm và một miếng bọt biển gắn ở đầu hút của máy bơm. Giun trong hồ cá Có hai loại giun màu trắng thường xuất hiện một cách không mong đợi trong hồ cá, đó là loại giun tròn (nematode) và giun dẹp (planaria). Giun tròn là loài sinh vật đa bào đông đảo nhất trên thế giới, chúng sống ở khắp mọi nơi. Đến nay, có gần 20.000 loài thuộc ngành giun tròn (Nemata) được khoa học ghi nhận. Nhiều loài giun tròn sống ký sinh chẳng hạn như các loài giun ký sinh ở người và động vật. Những loài không ký sinh thường có kích thước nhỏ, chẳng hạn như loài mà chúng ta thường thấy xuất hiện trong hồ cá hay loài trùn chỉ dùng làm thức ăn cho cá. Giun tròn có dạng hình ống, màu trắng đục. Trong hồ cá, chúng thường bơi ngoe nguẩy ở gần mặt nước. Giun dẹp thuộc về ngành giun dẹp (Platyhelminthes). Miệng của của chúng nằm ở chính giữa thân. Chúng có quan hệ họ hàng với các loài sán lá gan và sán dây. Là loài lưỡng tính cho nên trứng của chúng không cần thụ tinh mà vẫn nở hay chúng cũng có thể sinh sản bằng cách tự phân đôi cơ thể. Ngoài ra, chúng còn có khả năng tự hồi phục phần cơ thể bị đứt mất. Giun dẹp có thân dẹp, màu xám nhạt. Chúng chuyển động bằng cách bò giống như ốc sên hơn là bơi ngoe nguẩy như giun tròn. Trong hồ cá, chúng thường xuất hiện ở mặt kính phía trước hồ và đôi khi cả trên mặt nước. Ngoài tự nhiên, các loại giun này sống trên thực vật thuỷ sinh, trong ao hồ, và những nơi có dòng chảy như dòng suối, cống rãnh. Chúng thâm nhập vào hồ cá thông qua các loại thực vật thuỷ sinh, các loại thức ăn hay qua các vật dụng dùng chung với các hồ cá bị lây nhiễm khác như vợt, máy bơm, máng lọc. Trong hồ cá, chúng thường trú ngụ ở những nơi bị che khuất chủ yếu là dưới lớp sỏi ở đáy hồ và trong máng lọc. Thức ăn của chúng là các nguồn chất hữu cơ bao gồm thức ăn thừa và chất thải của cá. Chúng vô hại đối với cá nhưng sự xuất hiện của chúng chứng tỏ rằng hồ cá có quá nhiều thức ăn dư thừa, nhất là khi chúng ta cho cá ăn các loại thức ăn tổng hợp; điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng nước và rồi cá cảnh nuôi trong hồ sẽ phải lãnh chịu mọi hậu quả. Hiện nay chưa có loại thuốc đặc trị nào hữu hiệu để tiêu diệt các loại giun này bởi vì sức chịu đựng của chúng rất cao. Cách xử lý đơn giản và hữu hiệu nhất là làm cho chúng bị “chết đói”. Làm vệ sinh hồ thường xuyên sẽ lấy đi nguồn thức ăn của chúng và khiến chúng dần dần biến mất khỏi hồ cá. Sau đây là một số gợi ý: - Đừng cho quá nhiều thức ăn vào hồ một lúc, nhất là các loại thức ăn viên. Cho cá ăn ít một cho đến khi chúng no thì dừng. Mặc dù cho cá ăn mang lại nhiều thích thú, chúng ta hãy hạn chế việc cho ăn chỉ từ 1 đến 2 lần một ngày (cũng nên giấu lọ thức ăn viên vào nơi kín đáo để tránh tụi con nít đến chơi đòi cho cá ăn. Con nít hình như đứa nào cũng vậy hết, thể nào rồi chúng cũng đổ cả lọ vào hồ cho mà xem, đây là kinh nghiệm xương máu!) - Bỏ chút muối vào hồ. Điều này thì hầu như người nuôi cichlid nào cũng biết. Nên sử dụng loại muối hột vì nó không bị trộn i-ốt. - Thay nước và làm vệ sinh đáy hồ thường xuyên, khoảng 1-2 lần/tuần để lấy đi thức ăn thừa và chất thải của cá. Nếu đáy hồ có trải sỏi thì chúng ta dùng ống siphon để hút. Mỗi lần thay từ 30-50% lượng nước hồ. - Nuôi các loài cá nhỏ như cá bảy màu, cá châm và cá chép để chúng ăn hết giun phát sinh trong hồ. - Rửa sạch cây thủy sinh và các vật dụng trước khi bỏ vào hồ. - Nếu như tình trạng quá trầm trọng, cách nhanh chóng và triệt để nhất là làm vệ sinh toàn bộ hồ cá, rửa sạch sỏi, bộ lọc, máng lọc… Nếu kiên trì áp dụng những biện pháp trên đây, giun sẽ biến mất hoàn toàn khỏi hồ cá của bạn sau vài tuần. Tác dụng của dòng nước Dòng nước là một yếu tố rất quan trọng vì nó mang lại nhiều lợi ích cho hồ cá mà chúng ta sẽ lần lượt xem xét dưới đây. Thứ nhất, dòng nước làm cân bằng nhiệt độ giữa các khối nước bên trong hồ. Lớp nước bên trên mặt hồ thường ấm hơn lớp bên dưới. Chuyển động của dòng nước sẽ trộn lẫn chúng lại với nhau và làm nhiệt độ cân bằng ở mọi vị trí trong hồ. Thứ hai, hầu hết các loài cá đều trở nên linh động hơn khi có dòng nước luân chuyển trong hồ. Thứ ba, dòng nước ngăn cản việc hình thành lớp màng trên mặt nước. Lớp màng này là chất béo hình thành từ chất thải và thức ăn thừa của cá. Thực tế, trên mặt nước ao tù, chúng ta có thể quan sát thấy một lớp bụi dày hình thành trên lớp màng này. Chúng cản trở việc trao đổi khí giữa không khí và nước hồ. Thứ tư, dòng nước làm tăng diện tích tiếp xúc giữa nước hồ và không khí; từ đó làm tăng dung lượng trao đổi khí; phóng thích carbonic và thẩm thấu ô-xy một cách tối đa. Thứ năm, dòng nước đem ô-xy hòa tan đến cung cấp cho các vi khuẩn hiếu khí trong hồ, đẩy nhanh tiến độ chuyển hóa của các chất hữu cơ, phân hủy các chất độc hại và duy trì môi trường hồ cá lành mạnh. Lượng ô-xy dồi dào sẽ làm hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn yếm khí vì chúng đa phần là các vi khuẩn có hại. Có rất nhiều phương thức để tạo ra dòng nước bên trong hồ cá. Cách đơn giản và phổ biến nhất là sử dụng máy sục khí. Để làm tăng hiệu quả sục khí, người ta có thể bố trí các đầu sục ở nhiều vị trí trong hồ. Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng bọt khí sẽ thẩm thấu vào nước nhưng thực tế không phải như vậy, nó chỉ làm xáo động mặt nước, từ đó làm tăng lượng trao đổi khí ở đấy. Một số máy bơm cũng được thiết kế thêm phần sục khí; tấm lái dòng cần được lắp đặt một cách chính xác để đạt hiệu quả tốt nhất. Cách lắp đặt tấm lái dòng: đúng (bên trái), sai (giữa và bên phải). Máy sục khí chỉ phù hợp với hồ cá cỡ nhỏ và vừa mà không đủ với hồ cá kích thước lớn cỡ vài trăm lít nên nó phải được kết hợp với một số thiết bị khác mà chúng tôi sẽ giới thiệu sau đây: - Máy bơm có gắn các loại đầu (nozzle) tự động điều chỉnh dòng nước theo nhiều hướng khác nhau. Các loại đầu thông dụng gồm Duck-Bill của hãng Rio Motion xoay tròn 360 độ, Sea Swirl của hãng Aquarium Currents xoay góc 90 độ trong mỗi 60 giây. Các đầu này có kích cỡ phù hợp với hầu hết các máy bơm có bán trên thị trường. Chúng vốn được thiết kế cho các hồ cá cảnh biển để hạn chế “điểm chết” tức những nơi không có dòng nước luân chuyển. Các loại đầu điều chỉnh dòng: Duck-Bill và Sea Swirl. - Máy bơm nối với một hệ thống ống dẫn đặt ngầm dưới lớp nền đáy. Hệ thống ống có nhiều điểm thoát ở những vị trí khác nhau trong hồ. Khi máy bơm hoạt động, nước thoát ra từ hệ thống ống sẽ luân chuyển trong toàn bộ hồ cá. Sơ đồ thiết kế của một hệ thống ống dẫn thực tế cùng với các máy bơm và đầu thoát nước.
Tình trạng hồ mới (new tank syndrome) Cũng giống như ngoài tự nhiên, trong hồ cũ, amonia phát sinh từ chất thải của cá được chuyển hóa thành nitrite bởi một nhóm các vi khuẩn, sau đó nitrite lại được chuyển hóa thành nitrate bởi một nhóm các vi khuẩn khác. Trong hồ mới, những vi khuẩn phân hủy có ích này chưa hình thành và cần nhiều thời gian - thường là từ 4 đến 6 tuần - để chúng sinh sôi nảy nở đến số lượng cần thiết. “Tình trạng hồ mới” là giai đoạn mà lượng chất độc amonia và nitrite trong nước hồ tăng lên đến mức nguy hiểm trước khi chúng được chuyển hóa thành chất nitrate ít độc hại hơn. Bạn nên nhớ là không chỉ hồ mới tinh mới lâm vào tình trạng này. Hồ cũ bạn cất vào kho vài năm rồi đem ra sử dụng lại thì cũng không khác gì hồ mới làm ngày hôm qua. Ngay cả một hồ đang nuôi cá cũng rơi vào “tình trạng hồ mới” nếu phần lớn vi khuẩn phân hủy có ích bị lấy đi, chẳng hạn như lớp sỏi dưới đáy hồ hoặc lớp bông lọc bị bỏ đi. Điều trị cá bằng thuốc, thay nước mới có nhiều chlor hay nhiệt độ biến đổi đột ngột cũng là những nguyên nhân gây nên “tình trạng hồ mới”. Nhìn chung, “tình trạng hồ mới” chỉ bị phá vỡ một khi bạn thả vào hồ một vài con cá có sức chịu đựng tốt rồi đợi thêm một vài tuần. Bạn nên nhớ là “tình trạng hồ mới” sẽ không thay đổi một khi hồ chưa có cá. Vì vậy, có người cho hồ vận hành trong nhiều tuần trước khi bỏ cá vào nhưng cá vẫn chết. Các loài cá chép, cá tứ vân, cá tetra, cá ngựa vằn, cá bảy màu và cá kiếm có thể sử dụng làm quân “tiên phong” vì chúng chịu đựng khá tốt với nồng độ amonia cao và cũng không đắt tiền nếu lỡ bị chết. Mật độ thả khoảng 2-5 con cá/45 lít, cá càng nhiều thì thời gian thiết lập hồ càng nhanh nhưng nếu nhiều quá thì nồng độ chất độc amnonia và nitrite tăng cao có thể làm cá chết. Thêm vào vài con cá nheo Corydoras để chúng ăn thức ăn thừa rớt xuống đáy hồ. Cá chùi kiếng và các loài ăn rêu chưa cần thiết vào thời điểm này. Trong giai đoạn hồ đang thiết lập, tốt nhất là đừng thả thêm con cá nào cho đến khi hồ thiết lập xong. Những con cá được thả vào từ trước có thời gian quen dần với nồng độ amonia và nitrite cao, nhưng nếu thả con cá mới vào thì nó sẽ bị sốc. Tốt nhất là cho cá ăn đều đặn 2 lần một ngày nhưng vừa đủ thôi. Thức ăn thừa có thể làm nước mau dơ. Cá “tiên phong” có thể trông không được khỏe mạnh lắm như thở gấp, bỏ ăn và lo lắng. Cần theo dõi chúng một cách thường xuyên để nếu cần thì bắt ra để trị bệnh hay thay khoảng 30% nước hồ để tạm thời loại bỏ bớt các chất độc hại. Ngưng cho cá ăn cũng là một cách duy trì chất lượng nước hồ. Cần khoảng 2 tuần để hồ thiết lập ở nhiệt độ 30 - 35 độ C, nhưng nếu nhiệt độ thấp hơn thì phải lâu hơn. Thêm vào ít sỏi từ một hồ đang sử dụng là cách để làm giảm lượng nitrite một cách nhanh chóng. Cũng có thể đẩy nhanh quá trình thiết lập hồ (từ vài ngày đến một tuần) bằng cách sử dụng những chế phẩm sinh học gọi là “Instant Cycling”, chúng cung cấp những vi khuẩn phân hủy có ích cho hồ cá. Khi hồ gần thiết lập xong, cá sẽ ăn nhiều và linh hoạt hơn. Ngoài ra trong hồ còn xuất hiện lớp rêu mỏng. Quá trình thiết lập hồ đã hoàn thành và hồ đã sẵn sàng để thả cá mới vào. Nồng độ amonia và nitrite lúc này rất thấp còn nitrate lại cao, bạn nên thay nước ngay. Một chế phẩm sinh học cung cấp những dòng vi khuẩn phân hủy có ích nitrosomonas và nitrobacter cho hồ cá và giúp quá trình thiết lập hồ diễn ra nhanh hơn. (nguồn http://www.pets-warehouse.com) Các vấn đề liên quan đến độ pH và độ cứng Ảnh hưởng của pH và độ cứng đối với cá Cá sống trong môi trường nước cho nên thành phần hóa học của nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của chúng. Hai thông số thường được nhắc đến nhiều nhất là độ pH và độ cứng tức nồng độ i-on H+ và kim loại có trong nước. Dung dịch trong cơ thể cá có nồng độ đậm đặc hơn môi trường xung quanh và để duy trì độ ổn định của nó, cá phải luôn điều chỉnh sự thẩm thấu qua mang và thải bớt muối qua nước tiểu. Mang chính là điểm tiếp xúc với các i-on trong nước và mỗi loài cá đều thích nghi với một tầm biến thiên nhất định của các i-on này. Nếu nồng độ các i-on này biến thiên quá nhanh hay vượt ra ngoài tầm thích nghi của cá thì sức khoẻ của chúng sẽ bị ảnh hưởng hay thậm chí bị chết. Các yếu tố tác động đến độ pH - Khí CO2 phát sinh từ hô hấp của cá và vi khuẩn. Khí CO2 kết hợp với nước hình thành carbonic acid (H2CO3) và làm pH giảm. - Hoạt động của thực vật thuỷ sinh tác động đến nồng độ CO2 và gây ra sự biến thiên của độ pH giữa ngày và đêm. Vào ban ngày, thực vật quang hợp và tiêu thụ CO2 làm pH tăng lên. Vào ban đêm, thực vật hô hấp và tạo ra CO2 làm pH giảm xuống. - Acid nitric (HNO3) phát sinh từ quá trình hoạt động của các vi khuẩn phân huỷ ni-tơ ở nền đáy và bộ lọc, tanin và humic acid phát sinh từ gỗ, rễ và lá mục cũng làm pH giảm. Công dụng của bộ đệm Độ pH không cố định và có thể biến đổi theo thời gian. Người ta phát hiện thấy nước có độ cứng tạm thời (CO3--) hoạt động như là một bộ đệm ngăn chận sự biến thiên của pH. Vì vậy, trong một số hồ cá cảnh người ta trải thêm san hô carbonate canxi (CaCO3) dưới đáy và trong bộ lọc để “đệm” pH cho nước. Có một số điều cần lưu ý như sau: - Đá vôi làm tăng độ cứng và độ kiềm. Vì vậy, tuy nước mềm “đệm” pH kém nhưng nếu bạn nuôi những loài cá thích hợp với nước mềm và pH thấp (như môi trường sông Amazon) thì phải theo dõi và duy trì độ pH bằng cách khác chứ không thể thả san hô vào hồ để “đệm” pH. - Không phải cứ nước cứng là sẽ “đệm” pH tốt. Như đã nói ở trên, chỉ có độ cứng tạm thời (CO3--) là có tác dụng “đệm” pH còn độ cứng vĩnh viễn thì không có tác dụng này. Chẳng hạn, nếu bỏ thêm Calcium Chloride CaCl2 vào hồ thì độ cứng sẽ tăng lên nhưng hoàn toàn không có tác dụng “đệm” pH. Nguyên tắc hoạt động của bộ đệm Dưới đây là hai phản ứng hoá học cơ bản, chúng diễn ra theo cả hai chiều: CO2 + H2O ↔ H2CO3 (H+ và HCO3-) H2CO3 + CaCO3 ↔ Ca(HCO3)2 (Ca++ và 2HCO3-) Khi nồng độ CO2 tăng làm pH giảm (vì CO2 phản ứng với nước tạo thành acid carbonic H2CO3). Kế tiếp, H2CO3 lại phản ứng với CaCO3 để tạo thành Ca(HCO3)2. Nồng độ acid giảm làm độ pH tăng lên. Ngược lại, khi nồng độ CO2 giảm làm pH tăng, Ca(HCO3)2 phân hoá thành CaCO3 và H2CO3. Nồng độ acid tăng làm độ pH giảm xuống. Như vậy, sự hiện diện của bicarbonate canxi Ca(HCO3)2 làm ổn định và khống chế sự biến thiên của độ pH. Một số loại cây thuỷ sinh tiêu thụ Ca(HCO3)2 và làm mềm nước như rong Elodea khi ở điều kiện chiếu sáng đầy đủ có thể làm độ pH biến thiên đến mức nguy hiểm cho cá. Điều chỉnh độ pH Nếu kiểm tra thấy độ pH nằm ngoài tầm mong muốn thì chúng phải điều chỉnh: - Để tăng pH, chúng ta dùng đá vôi (CaCO3), soda (NaHCO3) hay dolomite (CaMg(CO3)2) thả vào hồ. Nên thả từ từ và liên tục kiểm tra cho đến khi pH lên đến mức mong muốn. Nhưng nếu muốn tăng pH mà không làm ảnh hưởng đến độ cứng thì Ca++ và Mg++ nhất định không được xuất hiện, vì vậy soda (NaHCO3) là thích hợp. - Để giảm pH, nếu pH quá cao thì hãy kiểm tra độ cứng tạm thời (kH) nếu thấy quá thấp thì thêm đá vôi vào. Đá vôi sẽ giúp ổn định pH nhưng nước sẽ có tính kiềm. Trường hợp muốn giảm pH xuống thật thấp để nước hơi có tính acid thì biện pháp xục khí CO2 là thích hợp nhất. Việc sử dụng những dung dịch giảm pH bán ngoài thị trường không phải là biện pháp lâu dài vì độ pH sẽ tăng trở lại rất nhanh. - Trường hợp xử lý nước mềm và pH thấp, chúng ta nên sử dụng các chiết xuất tự nhiên từ thực vật như tannin và acid humic để làm giảm độ pH mà không làm tăng dH, chẳng hạn như trang trí hồ bằng rễ cây, đặt bột than bùn trên bộ lọc hay hoà thêm nước lá bàng. Để làm mềm nước, cách hiệu quả nhất là sử dụng các bộ lọc nước có bán trên thị trường để loại bỏ các i-on kim loại.