Một loài cá phèn Việt Nam mới được phát hiện Tác giả Matt Clarke - nguồn http://www.practicalfishkeeping.uk Cá phèn Polynemus paradiseus Một loài cá phèn thuộc chi Polynemus mới được phát hiện ở lưu vực sông Mekong, Việt Nam. Mẫu vật của loài này được thu thập ở kênh Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho và được đặt tên khoa học là Polynemus bidentatus bởi các nhà ngư loại học Hiroyuki Motomura thuộc đại học Kagoshima và Shinji Tsukawaki thuộc đại học Kanazawa trong số xuất bản gần đây của tạp chí Raffles Bulletin of Zoology. Điều hơi bất thường là loài này được mô tả chỉ dựa trên một mẫu vật duy nhất được thu thập bởi một nhóm khảo sát ở một địa điểm lưới cá tại kênh Chợ Gạo vào năm 1974 rồi sau đó được lưu trữ trong bộ sưu tập của Bảo Tàng Động Vật thuộc đại học Michigan. Kết quả nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học phát hiện ra rằng hàm răng ở mẫu vật có hình dạng khác với những loài Polynemus khác, nó cũng không có bong bóng cùng với hàng loạt những đặc điểm hình thái cho thấy rằng đây là một loài chưa được mô tả. Motomura và Tsukawaki cho biết: "Loài mới có thể được phân biệt với những loài khác thuộc chi Polynemus nhờ hàng răng lá mía (vomerine teeth) bị phân làm hai ở chính giữa, vì thế chúng có hai hàng răng (thay vì một như ở các loài cá phèn khác)”. "Chi Polynemus chỉ phân bố ở vùng Nam và Đông Nam Á, bao gồm tám loài: Polynemus aquilonaris, Polynemus dubius, Polynemus hornadayi, Polynemus kapuasensis, Polynemus melanochir dulcis, Polynemus melanochir melanochir, Polynemus multifilis và Polynemus paradiseus". Motomura và Tsukawaki nói rằng mặc dù hầu hết các loài thuộc họ Polynemid là cá biển nhưng các loài thuộc chi Polynemus - kể cả loài mới phát hiện – là cá nước ngọt, riêng loài Polynemus paradiseus chỉ tiến vào vùng nước ngọt vào mùa sinh sản. Việc phân biệt chúng một cách chính xác là vô cùng khó khăn, nhiều loài đã được nhập vào nước Anh dưới tên Polynemus paradiseus. Ghi chú (VNRD) Cá phèn là các loài thuộc chi Polynemus, họ Polynemidae (cá vây tua – threadfin). Theo mô tả của các tác giả Trần Thủ Khoa và Trương Thị Thu Hương, vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long có hai loài cá phèn là cá phèn vàng (Polynemus dubius) với vây ngực màu đen, tua ngắn và cá phèn trắng (Polynemus paradiseus) với vây ngực màu trắng, tua dài gấp hai lần chiều dài thân (Định loại cá nước ngọt vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long, 1993). Tra trên www.fishbase.org thì ngoài hai loài trên, còn còn có hai loài khác phân bố ở lưu vực sông Mekong (bao gồm cả Việt Nam) là Polynemus aquilonaris và Polynemus melanochir melanochir. Như vậy, tổng kết lại chúng ta có đến 4 loài cá phèn nội địa và một loài cá phèn đặc hữu (tức loài mới phát hiện Polynemus bidentatus). Thực tế, đến nay người ta chưa hề có một tấm hình nào về loài Polynemus bidentatus bởi vì chúng chỉ được mô tả dựa trên một mẫu vật chết. Hy vọng là trong tương lai, các nhà khoa học sẽ thu thập được những mẫu vật sống của loài này, nhờ đó mà những thông tin về chúng được đầy đủ và rõ ràng hơn. Các loài cá phèn có tua vây ngực dài tha thướt nên được giới chơi cá cảnh ưa chuộng (chúng cũng được gọi là cá thiên đường - paradise fish). Theo tạp chí PracticalFishKeeping, một con cá phèn kích thước 12 - 15 cm được bán ở nước Anh với giá khoảng 90 đô-la. Được biết, hầu hết các loài này là cá sông tức cá thuần nước ngọt nên người ta không gặp phải khó khăn gì khi chuẩn bị nước để nuôi chúng (ngoại trừ cá phèn trắng Polynemus paradiseus là loài sống ở nước lợ). Chúng rất nhạy cảm nên cần thay nước hồ một cách thường xuyên. Hồ nuôi phải có kích thước lớn trên 1m2 để có đủ không gian cho cá bơi lội. Cá phèn sử dụng những cái tua dài để cảm nhận môi trường xung quanh. Nền hồ nên trải cát sông như ngoài môi trường tự nhiên. Cá phèn ăn các loại thức ăn thông thường như bo bo, tép, các loài cá nhỏ và cả thức ăn đông lạnh. Tóm lại, ngày nào mà bạn cảm thấy không còn hứng thú với các loài cá cảnh thông thường nữa thì hy vọng rằng, ý tưởng về một “Bộ sưu tập cá phèn nội địa” có thể là gợi ý cho một thử nghiệm mới.