Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Màu sắc

Thảo luận trong 'articles archive' bắt đầu bởi vnreddevil, 22/6/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Màu sắc

    Cichlid, như chúng ta đã biết, là những loài có màu sắc rất đẹp và đa dạng. Chúng có khả năng biến đổi màu sắc để hòa lẫn vào môi trường xung quanh với mục đích lẩn tránh kẻ thù hay săn mồi. Màu sắc của chúng cũng thay đổi tùy theo trạng thái; chẳng hạn khi được kích thích, màu sắc cá có thể đậm lên hay nhạt đi chỉ trong vòng vài phút. Vậy cơ chế của việc hình thành và biến đổi màu sắc ở cichlid như thế nào?

    Màu sắc ở cichlid hay loài cá nói chung được quyết định bởi các tế bào sắc tố (chromatophore) nằm ngay trên bề mặt da, phía dưới lớp vảy. Chúng bao gồm từ bốn đến năm lớp; ba lớp ngoài cùng bao gồm các tế bào sắc tố đen - melanophore mà chúng chứa sắc tố tương ứng gọi là sắc tố đen - melanin; hai lớp tế bào sắc tố kế tiếp bao gồm các tế bào sắc tố màu hay các tế bào cấu trúc. Các tế bào sắc tố màu bao gồm tế bào sắc tố đỏ - erythrophore, vàng - xanthophore và xanh - cyanophore mà chúng chứa các sắc tố màu tương ứng. Các tế bào cấu trúc có chứa các tinh thể purine và guanine mà chúng hoạt động giống như một lăng kính tức khúc xạ và tán xạ ánh sáng chiếu qua. Tùy theo cấu trúc của guanine mà có hai loại tế bào cấu trúc bao gồm tế bào xanh thép lấp lánh - iridophore và tế bào trắng lấp lánh - leucophore.

    Khả năng thay đổi màu sắc ở cá nhờ vào cấu trúc của tế bào sắc tố. Khi quan sát tế bào dưới kính hiển vi, bề mặt của nó trông giống như là một mạng nhện. Sắc tố có thể luân chuyển trên các nhánh của mạng. Một khi chúng co cụm vào điểm trung tâm thì màu sắc của cá sẽ trở nên nhợt nhạt. Trái lại, nếu sắc tố tản ra toàn mạng thì màu sắc của cá sẽ đậm hơn; như vậy mức độ đậm hay nhạt của cá là tùy vào mức độ phân tán hay co cụm của sắc tố trên bề mặt của tế bào sắc tố. Sắc tố đen luân chuyển trong tế bào với tốc độ nhanh hơn các sắc tố màu bởi vì tế bào sắc tố đen được điều khiển trực tiếp từ trung tâm thần kinh trong khi các tế bào sắc tố khác chịu ảnh hưởng chủ yếu bởi hàm lượng hormon, chẳng hạn trong giai đoạn cá sinh sản lượng hormon tăng cao thì cá sẽ có màu sặc sỡ hơn.

    Mục đích của việc thay đổi màu sắc ở cá là để hòa lẫn vào môi trường cho nên việc thiết lập môi trường hồ cá thích hợp sẽ có tác động tích cực lên màu sắc của cá. Đôi khi, cichlid làm người nuôi cá thất vọng bởi màu sắc nhợt nhạt và không rực rỡ như mong muốn. Lý do có thể là vì chúng có nguồn gốc từ vùng nước trong, dồi dào ánh sáng, nhưng lại được nuôi dưỡng trong hồ có đáy và cảnh trí sậm màu. Trong trường hợp đó, chúng tự điều chỉnh màu sắc cho phù hợp với môi trường xung quanh. Ngược lại, những loài khác lại trở nên nhợt nhạt và không có màu sắc bởi vì đáy hồ được bố trí sỏi trắng dù rằng chúng có nguồn gốc từ những nhánh sông nhiều bóng râm với đáy nền sậm mầu vì lá mục. Vì vậy, để cichlid thể hiện tối đa màu sắc tự nhiên của chúng trong hồ nuôi, trước tiên chúng ta nên thu thập tất cả mọi thông tin về loài liên quan trong môi trường tự nhiên của chúng; sau đó bố trí hồ nuôi càng giống càng tốt với những yêu cầu về môi trường sinh thái của loài đó. Cụ thể, chúng ta cần phải mô phỏng về nhiệt độ nước, ánh sáng, dòng chảy, loại nền đáy, cấu trúc và hình dạng của bờ nước, cũng như các đặc điểm về hoá học và vật lý của nước, đặc biệt là độ pH và độ cứng.

    Thông thường, vì các lớp tế bào sắc tố đen nằm ở ngoài cùng cho nên chúng sẽ che phủ những lớp tế bào sắc tố màu nằm bên trong và cá sẽ có màu đen, xám tự nhiên. Trong môi trường nuôi dưỡng nhân tạo, một số cá thể chịu tác động bởi các đột biến gen liên quan đến việc tổng hợp sắc tố nên sẽ có những màu sắc sặc sỡ. Các dạng đột biến sắc tố bao gồm:

    1. Phần da bị mất khả năng tổng hợp sắc tố đen sẽ có màu đỏ, vàng, xanh hay ánh kim ở nhiều cấp độ khác nhau tùy thuộc vào các lớp tế bào sắc tố bên trong.

    2. Phần da bị mất khả năng tổng hợp mọi sắc tố sẽ có màu trắng và nếu tình trạng này lan ra toàn thân thì cá sẽ có màu trắng tuyền hay còn gọi là bạch tạng - albino. Thực tế, dạng bạch tạng tuyệt đối như vậy rất hiếm, mà màu sắc thường lưu lại chút ít ở đầu và vây.

    Cá có thể tự tổng hợp được sắc tố đen nhưng phải tích lũy các sắc tố màu khác thông qua nguồn thức ăn. Bảng sau đây liệt kê tế bào sắc tố - màu - sắc tố và thức ăn liên quan; nó có thể hữu ích cho những ai muốn tự chế biến thức ăn thích hợp cho bầy cá của mình:

    [​IMG]

    Lưu ý rằng, tế bào màu xanh tím cyanophore chỉ xuất hiện ở một số loài cá biển và động vật lưỡng thê, màu xanh mà chúng ta thường thấy ở cá được tạo ra bởi tế bào xanh ánh kim iridophore.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Hình 1. Midas hình thái màu bình thường - sắc tố melanin (trên) và Red Devil màu cam - sắc tố carotene (dưới).

    [​IMG]
    Hình 2. Cá thể Midas cái màu trắng phớt vàng ở đầu và vây - bạch tạng và một chút xanthophyll.

    [​IMG]
    Hình 3. Cá thể cái loài Vieja zonatus với màu xanh phủ toàn thân và vây - chất guanine.
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/6/17

Chia sẻ trang này