Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lai tạo cá mập cầu vai

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 27/6/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lai tạo cá mập cầu vai
    Kelly Jedlic.ki – F.A.M.A 11/2007

    Lai tạo cá mập cầu vai có thể là thách thức mà bạn đang tìm kiếm. Dưới đây là một số bí quyết để bạn khởi đầu.

    [​IMG]
    Cá mập cầu vai vẫn sinh sản trong môi trường hồ nuôi. Nhưng để thành công bạn cần phải có bí quyết và hồ đủ rộng.

    Việc lai tạo Hemiscyllium ocellatum, còn gọi là cá mập cầu vai (epaulette shark) có thể được thực hiện bởi người chơi trong hồ cảnh tại gia kích thước lớn. Lai tạo cá mập thường dễ hơn so với nhiều loài cá cảnh biển khác. Không giống như cá bột mới nở của hầu hết những loài cá biển, cá mập non mới nở có thể ăn loại thức ăn đông lạnh chế biến sẵn.

    Giải mã cơ chế sinh học
    Lai tạo cá mập không đòi hỏi phải có bồn ấp trứng, kính lúp, kính hiển vi, nước tảo, artemia mới nở hay trùng bánh xe (rotifer). Trứng cá mập có thể dễ dàng quan sát bằng mắt thường, và không giống với những loài cá biển đẻ trứng khác, cá mập chỉ đẻ từ một đến hai trứng mỗi lần. Bởi vì số lượng trứng đẻ ra có hạn cho nên chúng không cần chăm sóc trứng và cá con. Cũng vì số lượng cá con ít nên việc đảm bảo đầy đủ nguồn thức ăn không thành vấn đề.

    Có thể phân biệt giới tính cá mập ngay khi chúng vừa ra đời. Hãy kiểm tra vây bụng để xác định giới tính của cá. Cá đực có một ống nhỏ nằm ở mặt trong của vây bụng. Chúng là cơ quan sinh dục đực gọi là clasper.

    Cá mập cầu vai đực có những túi siphon nằm dưới da bụng, rồi lan xuống đến vây bụng và nối vào các clasper. Những túi siphon này là cơ quan cơ bắp chứa đầy nước biển và huyết thanh mà chúng tiết ra dung dịch để bôi trơn và hỗ trợ cho công dụng của tinh dịch. Cá cái không có clasper.


    Bào thai

    Sự phát triển của bào thai trong bao trứng có thể được chia thành 4 giai đoạn. Nhiệt độ nước hồ có ảnh hưởng trực tiếp đến các giai đoạn phát triển của bào thai.

    Giai đoạn đầu từ 2 đến 21 ngày tuổi. Ở giai đoạn này, bào thai rất hoạt động và có kích thước từ 1.5 đến 2.5 mm. Trong vài ngày đầu, bào thai rất mỏng nên khó quan sát.

    Giai đoạn thứ hai từ 28 đến 35 ngày tuổi. Bào thai có kích thước từ 30 đến 60 mm và chưa hoạt động lắm. Đầu cuối của trứng xuất hiện một khe nhỏ khiến không khí có thể thấm vào nếu trứng bị đem ra khỏi nước.

    Giai đoạn thứ ba từ 42 đến 60 ngày tuổi. Bào thai bắt đầu trông gần giống với cá trưởng thành về hình dạng và hoa văn. Đốm mắt (ocelli) đặc trưng gần mang xuất hiện. Bào thai có kích thước từ 85 đến 118 mm.

    Giai đoạn thứ tư từ 70 đến 90 ngày tuổi. Đây chính là “cá trưởng thành thu nhỏ”.


    [​IMG]
    Cá mập cầu vai mới nở nên được nuôi trong hồ riêng bởi vì cá khác có thể đe dọa và khiến chúng không giành đủ lượng thức ăn cần thiết.
    Bí ẩn yêu đương
    Cá đực thường to hơn cá cái. Cá mập cầu vai cái thành thục sinh dục khi đạt kích thước từ 55 đến 60 cm. Cá đực thành thục sinh dục khi các clasper bị can-xi hóa, trở nên dài, chắc và cứng.

    Việc nuôi hai con cá đực trưởng thành chung một hồ có thể gặp rắc rối vì tỉ lệ đực-cái lớn hơn 1-1. Ngoài căng thẳng thường trực, sự hung dữ sẽ kéo theo căng thẳng đột biến và những vết thương chí mạng. Căng thẳng có thể ảnh hưởng đến việc sinh sản cũng như cơ hội để cá mập cầu vai được nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe. Bệnh nhiễm khuẩn cơ hội có thể xuất hiện và việc điều trị trở nên khó khăn bởi vì cần phải có một hồ khác đủ lớn để nuôi riêng cá bị thương.

    Cá mập đực thường cắn lưng, vây ngực hay vùng mang của cá cái để kích động và thúc đẩy sự hợp tác. Hành vi và hoạt động giao phối của cá mập có thể rất bạo lực và dẫn đến thương tích. Những vết cắn ở vây ngực có thể rất sâu và phát triển thành bệnh nhiễm khuẩn cơ hội. Sau khi giao hợp, clasper của cá đực có thể đỏ và sưng tấy. Nên đề phòng và vạch sẵn một kế hoạch phục hồi cũng như điều trị cho chúng.

    Bố trí hồ
    Tất cả những vật trang trí, đá và hang động cần được bố trí thật chắc chắn. Hang động và vật trang trí có thể bung ra và đổ xuống trong quá trình giao phối. Cả cá lẫn bao trứng đều có thể vô tình bị đá đè lên. Hồ nhất thiết phải có nắp đậy hay tấm che.

    Trong quá trình giao phối, cá có thể vô tình nhảy hay bị đẩy ra khỏi hồ. Đáy nền thô ráp có thể khiến da cá bị trầy xước từ đó bệnh nhiễm khuẩn cơ hội có khả năng xuất hiện.

    Bí quyết thành công
    Hiển nhiên, ngoài việc cần có cặp cá mập trưởng thành, còn điều gì nữa để lai tạo cá mập cầu vai?

    Việc chăm sóc cá tốt tác động trực tiếp đến sự sinh sản. Cơ hội sinh sản của cá mập bị tác động bởi các yếu tố gây căng thẳng thường trực. Đấy thường là vì hồ quá nhỏ hay chất lượng nước kém.

    Chế độ dinh dưỡng cũng ảnh hưởng đáng kể đến sự sinh sản của cá mập. Nhu cầu dinh dưỡng tăng lên một cách đáng kể trong giai đoạn bắt cặp và sinh sản của chúng. Nên cho cá ăn loại thức ăn giàu protein và vitamin tối thiểu từ hai đến ba lần mỗi tuần. Mazuri là loại vitamin chất lượng dành cho cá mập và cá đuối (www.mazuri.com).

    [​IMG]
    Cá mập cầu vai non trông rất dễ thương nhưng việc cho chúng ăn có thể rất khó khăn. Sau khi noãn hoàng được tiêu thụ hết, việc tập cho chúng ăn sẽ là ưu tiên hàng đầu.

    Thay đổi nhiệt độ có thể kích thích để cá mập cầu vai sinh sản. Nước ấm kích thích cá giao phối nhưng lại khiến nồng độ o-xy sụt giảm. Nhiệt độ cao cũng khiến đẩy mạnh tốc độ trao đổi chất, nhu cầu o-xy và năng lượng.

    Tăng cường chế độ dinh dưỡng cũng kích thích cá mập sinh sản. Cá cái phải có có đủ chất dinh dưỡng và năng lượng dự trữ để sản xuất trứng. Ngoài năng lượng để sản xuất trứng, cá còn cần thêm năng lượng cho các hoạt động bắt cặp và sinh sản. Bằng việc tăng cường lượng thức ăn, nước hồ cần được giám sát chất lượng một cách sát sao và phải được thay một cách thường xuyên hơn.

    Biến cố thú vị
    Một khi trứng chín, bụng cá cái phồng lên. Viền bao trứng hiện rõ và rất dễ nhận biết. Cá cái có thể đẻ từ một đến hai trứng sau mỗi từ 3 đến 6 tuần. Túi trứng có kích thước 10 x 5 cm và nặng từ 31 đến 37 gram. Vỏ trứng dày như da thuộc với những sợi tua dính nhằm giúp bao trứng bám lên đá. Cá đẻ khoảng 24 trứng mỗi năm.

    Nên lấy bao trứng ra khỏi hồ. Có rất nhiều loài cá săn mồi và động vật thân mềm có thể làm hỏng trứng. Sâu gai (bristleworm) thường ăn hết phần bao trứng và làm hư hại noãn hoàng cũng như da của bào thai cá. Cá mập trưởng thành cũng thường bị phát hiện hút bào thai khỏi bao trứng. Nhiều loài cá, đặc biệt là những loài săn mồi như cá nóc gai (trigger) và cá nóc có thể làm hư hại bao trứng và bào thai đang phát triển bên trong.

    Vớt bao trứng ra và đặt vào rổ nổi trong thùng lọc hay trong một hồ riêng biệt để bảo vệ trứng khỏi bị các loài cá săn mồi phá hủy. Có thể sử dụng một bộ lọc nhỏ để duy trì dòng thổi nhẹ nhàng xung quanh bao trứng và bào thai đang phát triển. Còn một cách khác là ấp trứng trong hồ trống với bộ lọc sinh học đang vận hành tốt.

    Bộ lọc khí là loại bộ lọc sinh học rất tốt. Các bộ lọc loại này an toàn hơn bộ lọc treo và bộ lọc công suất, bởi vì nguy cơ tắc ống hút không bao giờ xảy ra đối với bộ lọc khí. Khởi động bộ lọc khí với nguồn ammonia nguyên chất để ngăn ngừa khả năng phát sinh và lây bệnh truyền nhiễm chẳng hạn như thủy tức, ký sinh hay vi khuẩn gây bệnh. Có thể chạy khởi động bộ lọc trong chậu, hồ kiếng hay thau nhựa.

    Dòng nước đủ mạnh rất cần thiết đối với sự phát triển của bào thai. Nếu sử dụng bộ lọc công suất, ống hút cần được bao bằng bọt biển và bố trí trong ngăn riêng. Việc ngăn hay quây hồ bằng lưới cho phép sử dụng những thiết bị có thể gây nguy hiểm cho cá mập cầu vai mới nở như lọc treo, lọc công suất và đầu sưởi, mà không làm ảnh hưởng đến chế độ lọc và tuần hoàn nước.

    “Ngọn nến trước gió” (candle in the wind)
    Câu hỏi lớn nhất được đặt ra khi bạn thấy trứng trong hồ hay ngoài tiệm bán cá đó là nó đã được thụ tinh hay chưa. Một số trứng đầu tiên thường rỗng hay chưa được thụ tinh. Chúng được coi là trứng “gió”. Việc kiểm tra bên trong trứng có thể được thực hiện bằng cách dùng nguồn sáng để soi. Trứng được thả trong ly thủy tinh hay chậu nhựa trong suốt và soi đèn từ bên dưới. Đây là “ngọn nến”. Đèn xe hơi là nguồn sáng lý tưởng để soi trứng.

    [​IMG]
    Trứng “gió” bất thụ được phát hiện một cách dễ dàng bằng cách soi đèn và không thấy bào thai.

    Khi soi trứng, cẩn thận không nên lấy trứng ra khỏi nước. Không khí có thể thấm vào trứng và làm cho nó nổi lên. Điều này có thể làm cho bào thai bị ngạt. Nếu không khí đọng trong trứng, nó cần được lấy ra càng nhanh càng tốt. Trứng phải được giữ chìm trong nước với một đầu nổi lên. Nhẹ nhàng bóp bao trứng để khí thoát ra ngoài. Có thể nhìn thấy những bọt khí trong quá trình xử lý.

    Khi noãn hoàng xuất hiện, bao trứng sẽ trở nên có sức sống. Tỷ lệ trứng hư rất cao. Chỉ có khoảng 30% trứng nở. Bao trứng nên được kiểm tra thường xuyên để phát hiện bất kỳ dấu hiệu hư hỏng nào.

    Trứng nào cũng có thể bị nổi, thối hoặc nhiễm nấm trắng và cần phải loại bỏ ngay lập tức. Cần soi đèn mỗi tuần để kiểm tra sự phát triển của bào thai. Nếu túi noãn hoàng không tròn và vỡ ra, thì đấy là dấu hiệu cho thấy trứng đã bị hỏng. Trứng hỏng có thể làm nước bị ô nhiễm.

    Thoát khỏi vỏ
    Thời gian trứng nở phụ thuộc vào nhiệt độ. Thời gian trung bình là 130 ngày ở 26 độ C. Nhiệt độ thấp khiến bào thai phát triển chậm lại và trứng lâu nở hơn. Tăng nhiệt độ có thể khiến trứng nở mau hơn nhưng lại làm giảm nồng độ ô-xy hòa tan trong hồ.

    Cá mập mới nở thường có kích thước từ 12 đến 14 cm và nặng từ 10 đến 15 gram. Màu sắc và hình dáng của chúng hơi khác với cá cha mẹ. Cá mập cầu vai mới nở có mũi nâu và những sọc nâu điểm các chấm đen đặc trưng mà nhờ đó chúng được đặt tên là “ocellatum”. Cá non cũng có những chấm bình thường kích thước nhỏ nằm rải rác khắp cơ thể.

    Thậm chí, kể cả khi trứng phát triển và nở thì vẫn tồn tại những nguy cơ làm cá chết. Thường có những thách thức trong việc tập cho cá mập mới nở ăn loại thức ăn chế biến sẵn. Ban đầu, cá mập mới nở không cần ăn và mà chỉ tiêu thụ noãn hoàng. Phải mất từ vài ngày cho đến vài tuần để cá tiêu thụ hết noãn hoàng và bắt đầu ăn.

    Cá mập mới nở có bụng căng phồng là điều bình thường và chúng sẽ không ăn uống cho đến khi bụng xẹp đi. Một khi noãn hoàng được tiêu thụ hết, việc cung cấp chất dinh dưỡng càng nhanh càng tốt cho cá mập là điều bắt buộc.

    Khi bào thai phát triển, vỏ trứng sẽ trở nên mỏng, trong suốt và giảm độ vững chắc. Thông thường, bào thai có thể thoát ra mà không gặp sự cố gì. Bào thai nở sau khi noãn hoàng được tiêu thụ. Tránh mở vỏ trứng bởi vì những bào thai quá yếu không thể tự thoát khỏi vỏ thường sẽ chết ngay sau khi được lấy ra.

    Chăm sóc cá mập non
    Cá mập mới nở nên được nuôi trong hồ riêng. Hồ có dung tích khoảng 80 lít là lý tưởng. Nhiều loài cá như cá rô biển (damsel), cá đuôi gai (tang), cá tráp Mỹ (porkfish) và cá bàng chài (wrasse) sẽ rỉa da và mắt của cá mập non và cá mập mới nở. Chúng cũng bơi nhanh hơn và giành hết thức ăn của cá mập non.

    Nước nuôi cá non phải thật sạch. Cần phải lắp đặt một bộ lọc sinh học. Việc nuôi dưỡng có chủ đích sẽ giúp cá tìm thấy thức ăn mà không phải tiêu tốn quá nhiều năng lượng một cách không cần thiết. Tất cả thức ăn thừa nên được lấy ra sau khoảng 1 giờ để tránh hư thối và tránh cá ăn phải thức ăn hư thối. Nếu hồ rộng hơn, cá mập mới nở có thể phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn trong việc tìm kiếm thức ăn.

    Nên cho cá ăn khoảng 1-2 lần mỗi ngày và thức ăn đủ nhỏ để vừa với miệng của chúng. Thức ăn kích thước lớn có thể nghẽn hay kẹt trong miệng hay họng cá. Những thức ăn thích hợp ban đầu gồm có mực, sò, cá suốt (silverside), tôm và tép mysis. Nên tẩm thêm vitamin. Một số người nuôi cá thông báo việc cho cá ăn cực kỳ thành công vào ban đêm hay khi tắt đèn hoặc chỉnh mờ.

    Cá mập cầu vai mới nở có thể lớn thêm 2.4 cm mỗi tháng trong năm đầu tiên. Với cá non, tốc độ này giảm xuống còn 5 cm mỗi năm. Khi cá mập mới nở bắt đầu lớn, chúng sẽ hành động giống như cá bố mẹ và bò bằng các vây ngực. Cá mập cầu vai non sẽ trở nên hoạt động hơn. Nên hạ thấp mực nước và đậy nắp hồ bởi vì những con cá mập non này có thể nhảy ra khỏi hồ.

    Bơm thức ăn qua ống có thể là giải pháp đối với cá mập non mới nở không chịu ăn sau vài tuần hay cá mập non trong tình trạng thể chất suy nhược. Sự suy nhược biểu hiện qua việc biến đổi hành vi ở nhiều cấp độ và/hay sút cân. Một ống tiêm hay ống truyền (bỏ đầu chỉnh) có thể được sử dụng để truyền thức ăn.

    Thức ăn phải là loại giàu protein được nghiền nát để có thể dễ dàng bơm qua ống truyền. Lượng thức ăn khoảng từ 2 đến 4 % trọng lượng của cá. Nên dùng một cái cân tiểu ly để theo dõi sự tăng trưởng của cá. Cân loại này không đắt lắm và có thể mua ở các tiệm tạp hóa.

    Dù lai tạo cá mập cầu vai tương đối dễ hơn so với các loài cá biển khác, sự kiên nhẫn là điều rất cần thiết. Nếu thu được cá mập non thì cũng phải mất nhiều năm để chúng trưởng thành. Đến khi thấy trứng xuất hiện cũng phải mất nhiều tháng cho đến nhiều năm. Rồi khi trứng xuất hiện, phải mất nhiều tháng chờ đợi và quan sát nữa. Nhưng ngay khi bạn nhìn thấy chú cá mập cầu vai non với cái mũi nâu nhỏ xíu thì sự chờ đợi này quả là rất xứng đáng!


    Truyền thức ăn

    Cá mập mới nở có thể sống bằng cách tiêu thụ noãn hoàng trong vài tuần. Nếu tất cả mọi nỗ lực cho chúng ăn đều thất bại thì sự can thiệp là cần thiết. Nếu cá mập bắt đầu xuất hiện dấu hiệu suy nhược, chẳng hạn như sút cân hay lờ đờ, việc truyền thức ăn (gavage feeding) có lẽ là chìa khóa để giúp cho cá mập của bạn khỏe mạnh trở lại.

    Thức ăn nên được xay thành cháo (slurry) giàu protein vốn phù hợp để truyền qua ống (tube). Bột CYCLOP-EEZY, tôm và sò luôn được xay nhuyễn thành cháo dinh dưỡng. Có thể bổ sung vitamin B12 vào sau. Đây có thể là chất kích thích khẩu vị.

    Lượng thức ăn nên chiếm từ 2 đến 4% tổng trọng lượng cơ thể. Vì vậy nếu cá mập nặng 15 gram và bạn muốn khẩu phần là 3% tức 15 x 3% = 0.45 gram (gram = cc hay ml). Một muỗng trà khoảng 5 ml/cc vì vậy lượng thức ăn ít hơn một phần tám muỗng trà (0.62 ml). Cân tiểu ly hay cân thực phẩm có thể mua ở các tiệm tạp hóa.

    Ống nên nhỏ và tương đối mềm. Một dây nối tĩnh mạch (angiocatheter) dùng trong truyền dịch cũng tốt chừng nào mà ống được nối vào kim cánh bướm (butterfly venipuncture). Cả hai có thể được gắn vào xy-lanh để điều khiển việc cho ăn. Đẩy ống sâu quá các khe mang một chút.

    Đừng dùng sức đẩy ống. Cần quan sát hai bên khe mang xem ống có lòi ra ngoài khe mang hay không. Một khi ống đã được định vị như ý, nhẹ nhàng bơm thức ăn vào và rút ống ra. Hãy rờ nắn hay quan sát bao tử sau khi cho cá ăn.


    [​IMG][​IMG]
    Trái: Ống tiêm (syringe) [hình trên chỉ là kim tiêm] rất cần thiết trong việc bơm thức ăn, hay còn gọi là cho ăn bắt buộc và có thể được áp dụng để giúp những con cá mập bất hợp tác [tức không chịu ăn] khỏi bị chết đói. Phải: Một xy-lanh gắn với dây nối như thế này có thể được sử dụng để bơm thức ăn được chuẩn bị đặc biệt, giàu protein cho cá mập cầu vai một khi chúng không chịu ăn.

    =======================


    Hướng dẫn nuôi cá mập cấp tốc
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/6/17
  2. thaicodon

    thaicodon Active Member

    [​IMG]

    Thaicodon thấy trên vnexpress post con này là cá mập tre (do họ không nêu tên khoa học của cá mập tre => không biết cụ thể con cá họ đề cập)
     
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chắc vnexpress dịch từ tiếng Anh brownbanded bamboo shark, Chiloscyllium punctatum. Có chỗ còn dịch là "cá nhám trúc vằn". Cá này có ở biển nước ta.
     

Chia sẻ trang này