Hiện nay, phong trào nuôi cá cảnh không chỉ đơn thuần để thưởng ngoạn sau những giờ lao động mà còn mang lại rất nhiều lợi nhuận nhờ vào việc kinh doanh. Hàng năm, nuớc ta xuất khẩu rất nhiều loại cá cảnh ra nước ngoài để tiêu thụ, trong đó có loài cá Dĩa. Theo thống kê chưa chính thức, loại cá dĩa này chiếm một tỷ trọng xuất khẩu đáng quan tâm. 1. Cách nuôi và chọn cá bố mẹ - Thường trong bầy cá, chúng ta tuyển chọn mỗi hồ có 5 đến 10 con cùng màu sắc, chủng loại. Mỗi loại cá Dĩa chọn từ 20 đến 30 con (có lớn, có nhỏ lẩn lộn) nuôi trong hồ lớn. Nếu nuôi trong hồ nhỏ thì mật độ cá nuôi phải ít hơn. - Chăm sóc và cho ăn đầy đủ bằng: trùng chỉ, lăng quăng, tim, thịt bò xay, cắt hạt lựu. - Cá nuôi được 12 tháng (cỡ 10 đến 12 cm) chọn lại độ khoảng 15 đến 20 con. Cá sẽ có hiện tượng tự chọn cặp, biểu hiện như sau: mắt đỏ, màu sắc đẹp, rùng mình, từng cặp sẽ tách ra riêng góc, hay canh giữ giá thể, cặp cá sẽ tự mổ ổ, làm sạch mặt kiếng, giá thể gạch, bề mặt lá thủy sinh... - Dùng vợt vớt từng cặp ra riêng, cho vào hồ cá đẻ. - Cho giá thể vào hồ để cá làm tổ. Oxy trong nước phải được cung cấp đầy đủ, thay nước hàng ngày, cho ăn thức ăn tinh, trùng chỉ. 2. Sinh sản cá Dĩa - Chuẩn bị cho cá đẻ, nước phải có độ pH từ 5,5 – 6,2, độ cứng 4 – 6 dH (nước mềm), nhiệt độ khoảng 26 – 28 độ C. - Cá tiếp tục rùng mình, cặp ổ và khi điều kiện chín mùi sẽ đẻ trứng. Cá cái lướt trên mặt phẳng giá thể đẻ và trứng sẽ được dính vào mặt phẳng giá thể thẳng hàng. Cá đực đi theo phủ tinh lên trứng, tiếp tục đến khi cá cái không còn đẻ trứng tốt sẽ tập trung thành cụm 2 x 4 cm. - Cá đực và cá cái dùng vây ngực quạt trứng và dùng miệng loại trứng trắng. Trứng thụ tinh sẽ đen dần và nở sau 2 ngày rưỡi. - Cá nuôi con tốt sẽ chuyển con sang vị trí khác, để tránh trứng hư bị phân hủy làm cá con thiếu oxy. - Sau 60 giờ khoảng 2,5 đến 3 ngày cá sẽ bung ra bơi lội. - Cá mới nở bám mình mẹ và hút chất nhớt, dinh dưỡng từ bố me để sống đến ngày thứ 10. Sau khi nở cho ăn dặm bo bo non, trùng chỉ. - Tách cá con và nuôi riêng sau 12 – 18 ngày (tính từ ngày cá nở). 3. Chăm sóc cá con - Trước khi tách cá con ra, chúng ta phải chuẩn bị nước trước 2 –3 ngày. Cần chú ý: + Nhiệt độ : bằng nhiệt độ cho cá đẻ hoặc cao hơn 1 - 20 độ C. Tốt nhất là từ 28 - 30 độ C + PH: 6,5 – 7. + DH: 8 – 10. + Muối ăn 1 gram/lít. + Mực nước 30 cm. - Dùng vợt vớt cá cho vào thau, chuyển qua hồ nuôi cá con đã chuẩn bị như nêu trên. - Cho cá con vào hồ và sục khí vừa phải, trong ngày đầu tiên không cho ăn. Từ ngày thứ 2 cho ăn trùng chỉ, ngày 2 đến 3 lần. - Cho cá ăn đến 18 giờ nếu trời ấm hoặc 14 giờ nếu trời lạnh, ngưng cho ăn trùng chỉ. - Thay nước, ta dùng xiphông rút 0,05 cm, châm vào 0,01 cm. Trong vòng 1 tuần, chúng ta sẽ nâng nước lên gần 40 cm. Cá con được 15 ngày ở hồ, ta bắt đầu cho chạy máy lọc từ 10 giờ sáng đến giờ thay nước chiều. - Vào tối khoảng 19 giờ sẽ dùng tiếp sưởi để điều chỉnh nhiệt độ khoảng 28 - 30 độ C. Cá nuôi được 4 tuần sẽ đạt 1,5 - 2 cm. Mật độ nuôi từ 150 –200 con trong vòng tháng thứ nhất. 4. Chăm sóc cá con sau 4 tuần tuổi - Cá nuôi đạt 3 – 4 cm, chúng ta sẽ mang qua hồ khác, mật độ thả thưa hơn (thường sang qua hai hồ cùng kích cỡ nhau). Tương tự, khi cá lên 6 – 8 cm, một hồ chỉ nuôi khoảng chừng 50 – 70 con. - Chế độ thay nước ngày 1 – 2 lần (sáng từ 8 – 9 giờ, chiều khoảng 16 – 17 giờ). Có thể thay từ 25% - 90% tùy chất lượng nguồn nước. - Thức ăn chủ yếu là trùng chỉ, tim bò xay, lăng quăng. - Cá nuôi phải linh hoạt, thấy bóng dáng người mà bơi ra đòi ăn là cá khỏe.