Hành vi Cichlid Trung Mỹ kích thước lớn được biết đến như là những loài rất dữ tợn; khi trưởng thành, chúng phải được nhốt riêng rẽ từng con vì nếu không chúng có thể sẽ cắn nhau cho đến chết. Chúng không chỉ dữ tợn với đồng loại mà còn với tất cả các loài khác thả chung hồ. Loài duy nhất có thể chống chọi một cách tương đối với cichlid kích thước lớn là cá chùi kiếng vì có lớp da dày như áo giáp, vậy mà cũng có con bị cắn rách vây hay thậm chí bị cắn chết. Đôi khi chúng ta thấy cichlid Trung Mỹ kích thước lớn dù đã no vẫn rượt đuổi và cắn chết cá mồi mà không thèm ăn. Nhiều người chơi cá, nhất là những người thích nuôi nhiều loài cá khác nhau trong cùng một hồ rất dị ứng với điều này. Thực ra, mọi vấn đề đều có nguyên nhân của nó. Các loài cichlid kích thước lớn có bản năng xác định vùng lãnh thổ riêng mà thông thường là một vùng có bán kính cả mét kể từ tổ. Ngoài tự nhiên, sự hung dữ này dường như là điều cần thiết để bảo vệ tổ trứng và bầy cá con; các đối tượng bị đe dọa chỉ cần bỏ chạy ra xa khỏi vùng lãnh thổ của chúng thì sẽ được an toàn. Điều này là không thể đáp ứng được trong môi trường nuôi dưỡng nhân tạo; cho nên những hành động "bạo lực" mà chúng ta thường thấy nên được hiểu là hành vi xác định và bảo vệ vùng lãnh thổ hơn là "sự tàn bạo bẩm sinh" như nhiều người thường nghĩ. Vì vậy, cichlid cỡ lớn hoàn toàn không thích hợp cho các hồ nuôi chung nhiều cá thể hay nhiều loài khác nhau trừ khi hồ được thiết kế đặc biệt cho mục đích này. Về việc làm tổ, các cá thể đực sau khi trưởng thành thường xác định vùng lãnh thổ như đã nói ở trên và sẽ đào tổ ngay giữa vùng lãnh thổ của chúng để dẫn dụ con cái vào đẻ trứng. Nhiều người nuôi cichlid kích thước lớn hay thả sỏi vào hồ, bảo là để cho chúng chơi đùa, đẩy tới đẩy lui cho vui mắt. Thực tế không phải vậy, chúng thực hiện công việc di dời, đào bới một cách rất nghiêm túc và đây là một hành vi có tính chất bản năng. Nếu hồ có bố trí lớp nền đáy và nếu để chúng mặc sức đào thỏa thích thì tổ có thể sâu đến cả nửa mét mà không có hồ cảnh nào có thể đáp ứng nổi vì vậy trong môi trường nuôi dưỡng nhân tạo chúng ta thường thấy cichlid cỡ lớn đào bới liên tục và kết quả là nền hồ sẽ bị xáo trộn hoàn toàn. Do đó, cichlid cỡ lớn không thể nuôi trong hồ thủy sinh thông thường bởi vì sớm muộn rồi chúng cũng sẽ đào cây tróc gốc hết; dù chúng ta có xắp xếp bố cục đến thế nào thì cũng chỉ mất công mà thôi. Có ý kiến cho rằng bởi vì khi đào xuống đụng mặt kiếng, cichlid chưa cảm thấy thỏa mãn nên sẽ tiếp đục đào ngang ra phá nền hồ, nếu đáy hồ được dán một lớp mút sẫm màu để giả lập nền đất cứng như ngoài thiên nhiên thì cá sẽ chấp nhận cái tổ đó và không đào nữa. Thực tế, chúng ta có thể bố trí địa hình nền đáy thật vững chãi chẳng hạn như sử dụng đá lớn để tạo địa hình, sỏi cỡ ngón tay cái để làm nền và các loại sỏi nhỏ hơn ở trên cùng; với cái nền này thì khi cá đào xuống đụng đến lớp sỏi cỡ ngón tay thì chúng sẽ dừng lại. Mỗi khi thay nước, chúng ta có thể dùng ống siphon để làm vệ sinh đáy hồ. Trước đây thì rất khó nhưng bây giờ chúng ta có thể mua ống siphon giá rẻ ngoài các tiệm cá cảnh, xài cũng tạm được. Hồ có đáy nền được bố trí đá cuội lớn nhỏ xen kẽ để hạn chế cá đào bới. Một vấn đề có liên quan đến hành vi của cichlid Trung Mỹ kích thước lớn mà rất ít người quan tâm, đó là làm sao để nuôi nhiều cá thể chung một hồ với nhau. Trước tiên, hồ nuôi phải có kích thước cỡ cả ngàn lít hoặc hơn và không nên bố trí địa hình đặc biệt như hốc đá vì nó kích thích bản năng làm tổ ở cá. Nhà ở bình thường hiếm khi đủ diện tích để xây hồ lớn như vậy hoặc nếu có thì cũng không cân xứng. Những nơi thích hợp để xây hồ phải là các công viên hay tụ điểm vui chơi giải trí. Hãy tưởng tượng một hồ nuôi toàn cichlid kích thước lớn sẽ đem lại cho bạn nhiều thích thú như thế nào khi chiêm ngưỡng! Hồ lớn lại có một lợi điểm là cá sẽ rất mau lớn bởi "hồ lớn thì cá lớn", đấy là bí quyết chung khi nuôi cichlid. Điều nữa là nên nuôi cá chung với nhau từ khi còn nhỏ để chúng quen dần với sự hiện diện và sự tiếp xúc của đồng loại. Nhưng quan trọng hơn cả là phải nuôi thật nhiều cá. Điều này thoạt nghe có vẻ khó chấp nhận vì nuôi quá nhiều cá sẽ gây nên những gánh nặng về vệ sinh môi trường nước. Chúng ta sẽ phải sử dụng bộ lọc công suất thật lớn cũng như phải thay nước thường xuyên hơn, rồi phải luôn quan sát mọi động tĩnh xảy ra bên trong hồ để nếu có cá bị bệnh hay bị cắn thương tích quá nặng thì phải cách ly ra điều trị riêng rồi xử lý nước hồ... Tóm lại là phải tốn rất nhiều công chăm sóc, nhưng một khi chúng ta duy trì thật nhiều cá trong một hồ, chúng sẽ trở nên bớt hung dữ và chấp nhận lẫn nhau; mặt khác trong một cộng đồng lẫn lộn đực cái theo kiểu này, các con đực sẽ cạnh tranh với nhau dưới hình thức "phô trương" với kết quả là những con đực đều có đầu phát triển một cách đồ sộ. Một hồ nuôi vô số Midas và con nào đầu cũng... to đùng! Có người cho rằng biểu hiện bớt hung dữ khi nuôi theo bầy chỉ là biểu hiện bề ngoài mà thôi. Thực ra, các cá thể đực khi cạnh tranh với nhau sẽ tiết ra nhiều hormon và trở nên hung dữ hơn bình thường. Vậy tại sao chúng lại không đánh nhau tán loạn cả hồ? Bởi vì có quá nhiều đối thủ cạnh tranh, một cá thể sẽ không thể chỉ tập trung vào một mục đích cố định nào đó được, mặt khác nó cũng phải luôn đề phòng những cá thể khác tấn công từ mọi hướng. Kết quả là cá dù "xung hơn" nhưng lại không xảy ra xung đột nghiêm trọng nào. Nhưng nếu bạn vớt chỉ hai con đực rồi bỏ vào hồ riêng, chúng sẽ ngay lập tức đánh nhau cho đến chết. Một biểu hiện nữa thường thấy ở cichlid đó là sự nhút nhát. Sự nhút nhát hay cảnh giác là bản năng sinh tồn ở hầu hết các loài sinh vật bởi vì loài nào cũng có kẻ thù đe dọa. Nếu như các loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn có là loài cá lớn nhất trên địa bàn sinh sống tự nhiên của chúng thì vẫn bị những loài ăn thịt lớn hơn đe dọa chẳng hạn như cá sấu, rắn, các loài chim săn mồi, báo và cả rái cá nữa; đó là chưa kể đến trong quá trình sinh trưởng, chúng có thể bị ăn thịt bởi bất cứ cá thể nào có kích thước lớn hơn! Nhưng như vậy thì tính hung dữ hay dạn dĩ ở cichlid kích thước lớn có mâu thuẫn với tính nhút nhát kể trên hay không? Thực ra, cá có cơ chế 'đánh giá" về môi trường, một khi nó xác định môi trường là an toàn, thân thiện thì nó sẽ bộc lộ sự tự tin, dạn dĩ; bằng không, nó sẽ để bản năng sinh tồn dẫn dắt. Để dễ hiểu, hãy tưởng tượng rằng bạn lấy con cá cichlid hay La Hán hung dữ nhất mà bạn có, con cá vẫn thường phùng mang trợn mắt mỗi khi bạn đến gần hồ kính, rồi đem bỏ vào hồ nuôi cá sấu ở Suối Tiên. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng nó sẽ nhanh chóng đánh giá được "tình hình thực tế" và áp dụng ngay bài "tẩu vi là thượng sách" để bảo toàn tính mạng! Như vậy, một khi chúng ta thấy cá trở nên nhút nhát thì điều đó có nghĩa là bản năng sinh tồn của chúng đang trỗi dậy. Thông thường, cichlid Trung Mỹ kích thước lớn trở nên nhút nhát khi môi trường sinh sống thay đổi; chẳng hạn, cá mua ngoài tiệm rất dạn dĩ nhưng khi bắt về nhà một thời gian lại trở nên rất nhút nhát. Tại sao? Bởi vì cá ngoài tiệm đã quen với môi trường náo nhiệt và trở nên dạn dĩ; sự hiện diện của bạn trước hồ nuôi cá cũng không phải là một sự thay đổi đáng kể gì so với khung cảnh xung quanh nhưng khi bạn bắt cá về nhà nuôi thì lại khác; một khi cá đã quen với sự yên tĩnh rồi thì sự xuất hiện của bạn là một sự thay đổi đáng kể đối với môi trường xung quanh và làm cá lo lắng. Những biểu hiện lo lắng bao gồm màu sắc lợt lạt, cá lẩn trốn sau các vật dụng trong hồ như máy bơm, tảng đá và nếu không có chỗ nào để trốn thì nó cũng nép dúm dụm ở một góc hồ" Cá nhỏ và cá mới mua thường nhút nhát nhưng chúng sẽ dạn lần khi trưởng thành và khi quen với hồ. Để giúp cá mau dạn dĩ, chúng ta cần quan sát và cải thiện các điều kiện nuôi dưỡng bao gồm chất lượng nước, chế độ dinh dưỡng, ánh sáng, môi trường" và kết hợp sử dụng tiêu ngư để rút ngắn quá trình này. Tiêu ngư được thả vào hồ nuôi và hiện diện của chúng góp phần làm giảm sự lo lắng và đem lại cảm giác an toàn cho cichlid Trung Mỹ kích thước lớn; giúp chúng chiến thắng tính nhút nhát (dither fish) hay giúp giải tỏa bản năng hung dữ của chúng, nhất là trong giai đoạn sinh sản (target fish). Giống như nhiều loài khác, cichlid có khả năng đánh giá độ an toàn của môi trường dựa trên phản ứng và thái độ của các loài khác cùng sống trong hồ. Tiêu ngư phải là các loài có khả năng lẩn trốn thật nhanh hoặc là các loài sống theo bầy đàn. Loại cá có khả năng lẩn trốn nhanh có thể chọn cá sặc đồng (sặc bướm hay sặc rằn) hay silver dollar. Loại cá sống theo bầy đàn có thể chọn cá trâm, cá chép nhỏ, cá bảy màu... chúng thường bơi tụm lại với nhau như là một cách để làm bối rối cá săn mồi vì bọn này sẽ không biết tập trung vào cá thể nào để săn đuổi cả! Khi nuôi chung với cá dữ như cichlid Trung Mỹ kích thước lớn, tiêu ngư dồn hết tâm trí vào việc đề phòng kẻ thù trước mắt mà rất ít quan tâm đến sự hiện diện của chúng ta. Thái độ dửng dưng này, đến lượt nó, lại có tác động tích cực lên cichlid Trung Mỹ kích thước lớn và giúp chúng dạn dĩ hơn. Tất nhiên tiêu ngư phải là loại rẻ tiền vì sớm muộn rồi chúng cũng sẽ bị "hao hụt" vì vậy không nên mua các loại cá khá đắt tiền như cá ne-on, cá cầu vồng hay hồng kim làm tiêu ngư. Cá chùi kiếng dù có lớp da dày có thể chống chọi được các cú tấn công của cá lớn nhưng lại không có tác dụng như tiêu ngư bởi vì chúng cũng rất nhát; mỗi khi có người lại gần hồ hoặc bật đèn thì chúng có thể hoảng sợ cuống cuồng và tông cả vào cichlid! Điểm cần để ý đó là tiêu ngư chỉ tồn tại trong trường hợp hồ lớn, đủ không gian cho chúng lẩn tránh, còn nếu không thì chúng sẽ bị cắn chết rất nhanh. Thực tế, một số người nuôi cá La Hán có khuynh hướng chia nhỏ hồ để nuôi được nhiều cá hơn nên không có loài tiêu ngư nào tồn tại lâu dài trong những điều kiện như vậy và chúng ta phải "bổ sung" tiêu ngư liên tục. Tiêu ngư bây giờ trở về đúng với ý nghĩa ban đầu của nó, tức là "cá mồi", nhưng chúng ta phải cho cá ăn dư dư một chút. Trong trường hợp này, loài cá nhỏ, rẻ tiền dùng làm thức ăn cho cá lớn như cá trâm là thích hợp hơn cả. Ngoài tác dụng dẫn dụ, loại tiêu ngư nhanh nhẹn và có kích thước trung bình còn có một tác dụng nữa là kích thích cho cichlid Trung Mỹ kích thước lớn sinh sản! Sự xuất hiện của tiêu ngư sẽ tạo một áp lực lên cặp cá cichlid; theo bản năng, cặp cá sẽ hợp tác cùng nhau để chống lại tác nhân đe dọa từ bên ngoài, nhờ đó mà quá trình sinh sản được suôn sẻ hơn. Mặt khác, tiêu ngư còn là đối tượng để cho cặp cá truy đuổi và "trút" lên sự hung dữ trong thời kỳ sinh sản của chúng. Bởi vậy, một số người thường thả thêm một hai con cá sặc đồng cỡ hai ngón tay hay cá chùi kiếng vào hồ ép cichlid. Một con cá sặc bướm và một con cá chùi kiếng (cá Tỳ Bà) có thể được thả chung và hồ nuôi Red Devil để kích thích cặp cá sinh sản.