Giới thiệu Vương Hồng Sển là nhà văn hóa, học giả, nhà nghiên cứu và sưu tầm cổ vật nổi tiếng. Cùng với nhà văn Sơn Nam, ông là người ghi lại các sự tích về vùng đất và con người Nam bộ xưa, trong đó có những thú chơi dân dã ở vùng quê. Vương tiên sinh nay đã ra người thiên cổ. Trước khi mất, ông đã hiến tặng toàn bộ ngôi nhà và bộ sưu tập đồ cổ của mình cho nhà nước với ước vọng thành lập một viện bảo tàng, từ đó lưu giữ những cổ vật quý báu cho quốc gia. Nội chừng đó cũng đủ chứng tỏ tấm lòng của ông đối với quê hương. Bài "Thú chơi cá thia thia" này được trích từ quyển Phong Lưu Cũ Mới do Hiếu Cổ Đặc San phát hành năm 1970. Trong bài, tác giả sử dụng rất nhiều từ ngữ đặc trưng Nam bộ, đặc biệt là "tỉnh nhà" Sóc Trăng nhưng có lẽ không quá khó hiểu đối với bạn đọc vì văn chương của ông rất mộc mạc, "có sao nói vzậy". Bài viết mô tả về thú chơi và đá cá "thia thia" ở tỉnh Sóc Trăng từ cách nay gần một thế kỷ; do đó, nó không những có ý nghĩa về mặt phong hóa mà còn là một tư liệu lịch sử vô cùng quý báu đối với những người chơi cá cảnh. Tôi có chút duyên nợ đối với bài viết này. Số là khi còn bé, tôi có coi cọp một bài viết về cá lia thia trong một quyển tạp chí nào đó. Bài viết rất hay, nó mở ra một thế giới rộng lớn và hấp dẫn hơn rất nhiều so với những gì mà trí óc trẻ thơ của tôi từng biết. Điều gây ấn tượng nhất với tôi đó là loại "cá Rạch" sống ở vùng bưng biền, nước độc răng sắc, cắn dữ và tôi ước mình có một con để đá với tụi con nít trong xóm vốn chỉ biết đá cá Xiêm. Tiếc là hồi nhỏ không có tiền mua tờ báo đó. Nhiều năm trôi qua, phần tôi bận rộn chuyện học hành, công việc, phần vì đã lớn không còn chơi cá Xiêm nữa nhưng ấn tượng về bài viết trên vẫn còn mãi. Sau này, tôi có để ý tìm đọc các loại tạp chí cũ nhưng vẫn không tìm ra. Cách nay gần chục năm, các nhà xuất bản tái bản nhiều tác phẩm của cụ Vương Hồng Sển nhâp dịp kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn bởi ông là nhân vật không thể thiếu khi nhắc về con người và lịch sử của vùng đất này. Tôi đọc sách của cụ Vương rồi vô tình phát hiện ra bài viết mà mình nhớ mãi năm xưa. Nó gợi lại những kỷ niệm ngọt ngào của tuổi ấu thơ, vô lo, vô nghĩ, tuy nghèo mà không "biết" khổ (vì đã có người lớn lo dùm), chỉ suốt ngày lê la đầu đường cuối ngõ. Lại vài năm trôi qua, mạng Internet phát triển, nhiều diễn đàn ra đời qua đó người ta chia xẻ với nhau về mọi phương diện của thú chơi cá cảnh. Tôi cũng tìm hiểu và phát hiện thấy một tài liệu rất công phu về con cá Xiêm của một tác giả Thái Lan. Họ rất tự hào về truyền thống thuần dưỡng cá đá lâu đời của mình. Tôi trộm nghĩ, nếu xét trên khía cạnh lâu đời thì trò đá cá ở Việt Nam ta cũng chẳng chẳng kém cạnh gì, nhưng nó chỉ giới hạn ở mức độ thú vui của trẻ con nông thôn mà thôi và cho dù một số người vẫn lén lút đá độ nhưng nó không thể phát triển thành một hoạt động mang tính xã hội như ở Thái Lan. Có hai lý do dẫn đến điều này, - thứ nhất, động lực chính của việc thuần dưỡng cá đá là để đá độ, một trò cờ bạc; điều mà xã hội ta qua các thời kỳ đều ngăn cấm bởi nó được cho là nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội. Qua bài viết của cụ Vương, chúng ta thấy việc đá độ bị cấm đoán ngay cả vào thời Pháp thuộc và tôi nghĩ là chúng cũng bị cấm cả vào thời phong kiến, - thứ hai, cũng theo cụ Vương, xã hội ta chịu ảnh hưởng mạnh bởi tư tưởng Nho giáo, trọng văn chương thi phú, đề cao sĩ khí, nho phong; sau văn thì đến võ; còn những nghề khác đều bị coi là mạt nghệ đáng khinh, nói chi đến trò đá cá lia thia. Tuy nhiên, hình ảnh con cá lia thia vẫn ghi dấu ấn sâu đậm lên đời sống văn hóa của người Việt thông qua ca dao, tục ngữ[1] và văn học[2]. Bởi vậy, xét trên khía cạnh "thuần dưỡng" cá để đá thì chúng ta không bằng người Thái[3], nhưng nếu nói đến vị trí của con cá lia thia trong đời sống văn hóa thì chúng ta cũng có nhiều điều để tự hào. Tôi tra trên mạng thì thấy loài cá lia thia được nhập vào Pháp từ năm 1869 dưới tên gọi cá thiên đường (paradise fish). Nếu xét đến khía cạnh nước ta là thuộc địa Pháp vào thời điểm đó thì có lẽ các cá thể được nhập vào châu Âu đầu tiên có xuất xứ từ Việt Nam! Hy vọng là một ngày nào đó tôi được tiếp cận với các văn bản ghi nhận việc này và viết về một phần lịch sử của con cá lia thia Việt Nam. Còn hiện tại, tài liệu duy nhất về con cá lia thia mà chúng tôi ghi nhận được là bài viết của cụ Vương Hồng Sển, đăng lần đầu trên báo Tự Do năm 1960, sau đó được in trong quyển Phong Lưu Cũ Mới phát hành năm 1970. Ngày nay, nuôi cá cảnh được xem như là một thú chơi tao nhã, thậm chí rất nhiều người còn tin rằng nó có tác dụng phong thủy. Mặt khác, ngành công nghiệp cá cảnh còn là một ngành xuất khẩu mang lại nhiều lợi nhuận và giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người nên được nhà nước khuyến khích. Trong bối cảnh đó, việc sưu tầm các bài viết về con cá lia thia hay cá cảnh nội địa nói chung là việc làm hết sức cần thiết. Một là để đề cao "cá nhà" và phổ biến những thông tin mà người nuôi cá cần biết về chúng. Hai là để khuyến khích việc sưu tầm và nuôi dưỡng các loài cá nội địa với mục đích bảo tồn. Mọi động thái của chúng tôi đều không nằm ngoài hai ý trên. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy rằng cụ Vương sử dụng từ "cá thia thia" thay vì cá lia thia. Con "cá thia thia" được bắt ở ruộng rồi có thể đem đi đá độ và lai với cá Xiêm thì mọi người đều đoán ra đó là con cá lia thia ruộng. Từ "cá thia thia" ngày nay không mấy ai dùng và chỉ có vùng Nam bộ mới gọi như vậy, trong khi từ "cá lia thia" như trong câu ca dao "Lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi" lại phổ biến ở cả ba miền. Điều này có hai ý nghĩa; thứ nhất, từ "cá lia thia" chắc chắn đã xuất hiện từ trước và cổ hơn từ "cá thia thia" vì Vương tiên sinh tuy có dẫn chứng sách vở nhưng lại dẫn chứng sách của Huỳnh Tịnh Của, một học giả ở miền Nam và như chúng ta đều biết, miền Nam là đất mới khai phá cho nên từ ngữ địa phương cũng mới hơn các miền khác. Thứ hai, ở cả ba miền đều có cá lia thia. Vấn đề ở đây đó là, cá lia thia là con gì và tại sao những di dân khai phá vùng đất mới lại không giữ nguyên tên gọi "cá lia thia" mà gọi chệch đi thành "cá thia thia"? Trong quyển "Kỹ thuật nuôi cá cảnh" của Dick Mills do Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin phát hành năm 1999 có ghi chú loài Macropodus opercularis là "cá lia thia, cá cờ hay cá săn sắt". Đây là loài lia thia chấm Macropodus opercularis thuộc họ Osphronemidae, phân họ Macropodinae, có nhiều sọc đứng màu xanh trên nền thân màu đỏ nâu, vây đuôi hình chiếc nĩa và kéo dài ở hai đầu, đặc biệt trên nắp mang có một chấm xanh. Loài này được nhập vào Pháp rồi sau đó là châu Âu từ năm 1869 dưới tên gọi cá thiên đường (paradise fish). Ngoài ra, Việt Nam còn có hai loài lia thia đặc hữu nữa thuộc chi Macropodus là lia thia đen Macropodus spechti và lia thia lưng đỏ Macropodus erythropterus. Hai loài này hầu như không có các sọc đứng và chấm trên nắp mang như ở loài đầu tiên; chúng chỉ khác nhau đôi chút về màu sắc trên lưng và vây. Cả ba loài trên chỉ phân bố ở miền Bắc, miền Trung và miền Đông Nam bộ mà thôi, không hề xuất hiện ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long! Cá lia thia chấm Macropodus opercularis bình thường và bạch tạng ở góc phía trên. Loài này phân bố ở nhiều quốc gia. Ở ta, chúng được phát hiện ở những vùng từ Vinh đến Tuy Hòa. Chúng cũng xuất hiện ở đầu nguồn sông Đồng Nai, nhánh chảy qua Sài Gòn (nguồn www.fishbase.org). Loài lia thia đen Macropodus spechti có các chấm đen đặc trưng trên vây lưng và đuôi. Loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng được phát hiện ở Huế và Hội An (nguồn www.casa-di-lago.de). Loài lia thia lưng đỏ Macropodus erythropterus có lưng màu hanh đỏ. Loài đặc hữu của Việt Nam. Chúng được phát hiện ở các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình (Hình lấy từ nguồn www.casa-di-lago.de). Những loài cá được gọi là lia thia ở vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, miền Nam lại là các loài cá hoang dã thuộc chi Betta, cũng thuộc họ Osphronemidae, phân họ Macropodinae. Đặc điểm chính để phân biệt chi Betta với chi Macropodus đó là chúng có đuôi hình quạt so với đuôi hình nĩa. Theo thống kê thì có đến 5 loài như vậy ở đây. Chúng gồm các loài: - Betta splendens: hay còn gọi là cá lia thia mang đỏ vì ở trạng thái kích thích, nắp mang cá có viền đỏ. Thân điểm vảy xanh óng ánh. Loài này sống trên ruộng lúa và kênh rạch. Chúng phân bố rất rộng. Đến nay, chúng được phát hiện ở ngoại ô Sài Gòn, Củ Chi, Tây Ninh và Đồng Tháp. - Betta aff. imbellis: hay còn gọi là cá lia thia mang xanh, trông rất giống với loài Betta imbellis ở Thái Lan nhưng hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh rằng chúng có phải là cùng một loài hay không nên người ta mới thêm vào chữ aff. Nắp mang loài này có màu xanh. Các vảy xanh óng ánh trên thân cũng nhiều hơn ở loài Betta splendens. Loài này sống trên ruộng lúa và kênh rạch. Đến nay, chúng được phát hiện ở Phú Quốc, Sóc Trăng, Cần Thơ và Hậu Giang. - Betta taeniata: loài này có viền xanh đặc trưng trên vây hậu môn và đuôi. Chúng được phát hiện ở Cần Thơ[4]. - Betta pugnax: loài này có nắp mang màu xanh trên, đuôi hình lưỡi giáo[5]. - Betta sp. Bung Binh: hay còn gọi là cá dùi đục, loài đặc hữu, mới phát hiện năm 2000 ở ấp Bùng Binh, Xã Đôn Thuận, Huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Chúng hầu như không có màu, kỳ ngắn và trong, vây hơi ửng đỏ, hình dạng đuôi tương tự như ở loài Betta pugnax, phân biệt giới tính loài này rất khó, ngoại trừ con đực có họng hơi to hơn vì chúng là loài ấp miệng. Lọ nuôi cần đậy nắp thật kỹ vì chúng rất nhút nhát và hay nhảy mỗi khi hốt hoảng. Loài rất phàm ăn này sống trên kênh rạch, bên cạnh các ruộng lúa. Đánh giá sơ bộ, chúng rất giống với loài Betta prima ở Thái Lan. Đến nay, chúng được phát hiện ở Củ Chi, Bình Chánh, Long An, Tây Ninh và cả Phú Quốc. Như vậy, cá lia thia ở miền Bắc và miền Trung là các loài thuộc về chi Macropodus trong khi cá lia thia ở miền Nam là các loài thuộc chi Betta tuy chúng đều thuộc họ Osphronemidae, phân họ Macropodinae. Tôi đoán rằng các di dân đầu tiên khai phá vùng đất Nam bộ vẫn còn lưu giữ ký ức về con cá lia thia ở quê nhà miền Trung nên họ mới gọi chệch con cá trông cũng tương tự và cũng đá được là con "cá thia thia" và từ này cùng tồn tại song hành với từ "cá lia thia". Sau này có lẽ ảnh hưởng của từ "cá lia thia" mạnh hơn nên rất ít người còn sử dụng từ "cá thia thia", may nhờ cụ Vương viết thành sách nên bạn đọc ở những nơi khác mới biết đến nó. Tôi đoán đại vậy thôi, về vấn đề nguồn gốc của từ ngữ thì phải "hỏi ông An Chi"! Điều thú vị là trong bài, cụ Vương có nhắc đến các loài "cá phướn" (poisson de paradis) và "cá xanh dương" (macropode); chúng đều là các tên gọi khác nhau theo tiếng Pháp của loài Macropodus opercularis tức... cá lia thia! Cụ không hề đề cập đến cá lia thia cũng như sự liên hệ của chúng đối với cá thia thia! Ngày xưa, do hoàn cảnh chiến tranh, cá "cá phướn" và "cá xanh dương" có lẽ thâm nhập vào miền Nam qua đường nhập khẩu; bằng không Vương tiên sinh chắc cũng phát hiện ra chúng là cá cảnh nội địa và được người miền ngoài gọi là cá lia thia. Khi đó, thể nào mà cụ Vương chả cất công tìm hiểu và chắc chắn bài "Thú đá cá thia thia" sẽ có thêm nhiều kiến giải thú vị. Đàng này, Vương tiên sinh nói về cá nội địa mà lại dùng toàn là tiếng" Tây, nhưng cũng phải công nhận, nhờ vậy mà lớp hậu bối còn biết đường mà tra cứu! Cá lia thia mang đỏ (Betta splendens) thường được bán làm thức ăn cho cá La Hán ở các tiệm cá cảnh. Cá lia thia mang xanh (Betta aff. imbellis) do anh Hai Lúa (www.forum.ctu.edu.vn) chụp khi về thăm vùng lũ An Giang năm 2005. Cá dùi đục (Betta sp. Bung Binh). Chúng đôi khi cũng được bán lẫn lộn với cá lia thia mang đỏ làm thức ăn cho cá La Hán. (Hình do thạc sĩ Bùi Hữu Mạnh chụp, nguồn http://mystusvittatus.googlepages.com). Loài Betta taeniata (nguồn http://ibc-smp.org). Loài Betta pugnax (nguồn http://ibc-smp.org). Bài viết cũng cung cấp vài kiến giải thú vị. Thứ nhất, nó khẳng định rằng con cá bã trầu (mà có người gọi là "bãi trầu" hay "thanh ngọc", riêng ở thành phố thường gọi là "bảy trầu") không phải là con cá lia thia. Cụ Vương nói là đi hớt cá lia thia mà hớt trúng bã trầu thì "phóng sanh phứt cho rảnh nợ đời" vì loài này chỉ giỏi ăn cung quăng, không biết đá đấm là gì. Đối với người ở nông thôn thì họ không lạ gì chúng, nhưng với một số người ở thành thị suốt đời không biết mặt mũi con cá lia thia nó ra làm sao thì rất dễ bị nhầm lẫn vì thoạt trông cá bã trầu cũng hao hao con cá Xiêm. Lại nữa, người ta đồn cá La Hán ăn cá lia thia thì mau "lên đầu" nên các tiệm cá hay bán cá lia thia làm đồ ăn cho cá La Hán, thực tế rất nhiều nơi bán toàn bã trầu mà vẫn gọi đó là... cá lia thia làm mọi người càng thêm nhầm lẫn. Cá bã trầu rất khác cá lia thia, nếu nhìn từ trên xuống thì thấy mõm chúng rất nhọn và thân dẹp như cá sặc. Ở ta có hai giống bã trầu là Trichopsis vittata và Trichopsis pumila. Loài đầu rất dễ nhận biết nhờ kích thước lớn đến 7 cm, có từ hai đến ba sọc dọc theo chiều dài thân và một chấm nằm phía sau vây ngực. Loài sau có kích thước nhỏ hơn, tối đa 4 cm, thân và vây xanh lấp lánh rất đẹp. Vào mùa sinh sản, cá quẫy nước tạo thành tiếng kêu rất to. Theo các nhà khoa học thì vây ngực của chúng có khả năng phát ra âm thanh khi quẫy nước và đây là phương thức giao tiếp rất quan trọng giữa các cá thể của các loài này. Cá bã trầu có vây rất dài nên có người tin rằng dòng cá Xiêm đuôi dài là kết quả của việc lai với cá bã trầu nhưng việc hai loài này có thể lai tạp với nhau là điều đáng ngờ! (Trái) Loài Trichopsis vittata có các sọc và chấm nổi rõ trên thân. (Phải) Loài Trichopsis pumila nhỏ hơn và chỉ có một dải sậm màu (nguồn www.fishbase.org). Thứ hai là về cách săn mồi của loài thằn lằn (hay thạch sùng). Ai hồi nhỏ nuôi cá đá chắc cũng bị mất cá vì nạn thằn lằn câu trộm. Sau vô tình phát hiện ra con thằn lằn dùng đuôi câu và hất con cá Xiêm ra khỏi lọ để ăn. Khốn nỗi con thằn lằn to cỡ ngón tay áp út mà con cá cũng to cỡ đó nên thường nó không nuốt nổi vì vậy đôi khi chúng ta phát hiện thấy cá "nhảy" ra khỏi lọ rồi chết khô trong hốc, trong kẹt đâu đó mà không hiểu vì sao. Nhưng theo cách mô tả của cụ Vương thì thằn lằn dùng đuôi dụ cho cá ngoi lên rồi nhao xuống đớp theo kiểu "đòn độc đánh đầu". Theo tôi thì điều này cụ chỉ suy đoán mà thôi chớ thực tế con thằn lằn không bao giờ lao xuống nước mà đớp. Mặt khác cụ Vương cũng nói là đến ngày, đến tháng cá lia thia tìm cách nhảy khỏi keo để trốn đi. Có khi mất cá theo kiểu này mà cứ đổ oan cho thằn lằn. Thứ ba là về sự xuất hiện của con cá Xiêm bên cạnh cá lia thia. Cá Xiêm cũng vốn được xem là loài Betta splendens thuần dưỡng nhưng trên thực tế nó được lai với ít nhất 2 loài Betta khác ở Thái Lan gồm Betta imbellis và Betta smaragdina; cho nên, các cá thể được gọi là cá Xiêm đá hay cá Xiêm cảnh lưu hành ngoài thị trường ngày nay đều là cá không thuần chủng, cá lai. Xin đừng nhầm lẫn với cá Xiêm "rặt", nó vẫn là cá lai, chẳng qua người ta muốn nhấn mạnh đến nguồn gốc thuần dưỡng lâu đời và không bị lai với cá hoang dã. Có một điều mà mọi chú nhóc chơi đá cá đều tin tưởng, đó là những con cá Xiêm gọi là "Xiêm rặt" (hay "Xiêm chính", "Xiêm thiệt") là những con cá đá vô địch và cách để nhận ra chúng là quan sát màu vây. Dù là cá màu xanh lá cây hay xanh dương thì vây cũng phải xanh biếc và nhất định không được pha thêm chút màu đỏ nào! Cá như vậy tìm mãi không ra. Bây giờ mới biết là loài Betta splendens hoang dã có vây đỏ au vì thế cá Xiêm thuần dưỡng có vây phớt đỏ là điều bình thường. Hơn nữa cụ Vương cũng nói loại cá Xiêm đỏ có vây màu đỏ. Mặt khác, đuôi cá đỏ thì có thể do nó có nhiều phần máu của Betta hoang dã mà loại này thì đá rất dữ nhưng lại không lỳ đòn như cá Xiêm, tức cá Betta thuần dưỡng. Thậm chí, những cá thể có màu đồng nhất như đen, đỏ, vàng và xanh ngày nay lại thường được thấy ở cá Xiêm cảnh, tức cá lai tạp. Vì vậy màu sắc ở đuôi không nói lên điều gì cả. Thứ tư là về con cá Xiêm hay lia thia cái. Muốn cho cá Xiêm cái thành thục (bụng tròn căng và vàng) thì nhốt nó cạnh cá đực, cá thành thục rồi mà không cho ép thì nó sẽ bị sình bụng mà chết. Việc này thì tôi cũng gặp qua rồi nhưng không hiểu nếu cứ nuôi cá cái riêng mà không cho nó nhìn thấy cá đực thì nó có tự nhiên "thành thục" rồi sau đó bị chết hay không? Và sau cùng là về việc lai giữa cá Xiêm và cá lia thia. Cá Xiêm đá rất dai sức và lỳ đòn, nếu để hai con đá với nhau thì có khi chúng đá cả ngày đến kiệt sức mà vẫn không con nào chịu thua. Cá lia thia đá dữ dội nhưng lại không lỳ đòn và nếu đối phương đứng vững thì nó sẽ bỏ cuộc, đó âu cũng là bản năng sinh tồn của loài vật. Nếu đá độ bằng cá Xiêm thì nhiều người không có đủ thời gian và sự kiên nhẫn để tham gia; trái lại, các trận đấu giữa cá lia thia đều diễn ra rất quyết liệt và kết thúc mau lẹ vì vậy mà ở vùng Nam bộ trước đây và vùng Đông Bắc Thái Lan ngày nay, thể loại đá cá lia thia lại thịnh hành hơn. Để cải thiện sức bền, người ta mới lai cá lia thia với cá Xiêm để cho ra thế hệ lai trông giống hệt cá lia thia nhưng lại lỳ đòn như cá Xiêm mà nếu đem đá với cá lia thia là nắm chắc phần thắng. Đấy là trò ăn gian nhưng khi nó trở nên phổ biến rồi thì chẳng còn lừa ai được nữa, cho nên ngày nay, người ta chuyển sang đá cá Xiêm để khỏi ai bị lừa như ở Việt Nam hay chấp nhận đá cá lai một cách công khai như ở Thái Lan. Tóm lại, qua phần giới thiệu, chúng tôi mong muốn cung cấp một số thông tin về các loài cá lia thia nội địa và làm sáng tỏ về những trùng lặp và ngộ nhận diễn ra xung quanh loài cảnh xinh đẹp này. Ngày nay, trò đá cá không được khuyến khích vì nó bị coi là đối xử tàn nhẫn với động vật nên cá lia thia chủ yếu được nuôi làm cảnh; cá lia thia rất đẹp và dễ nuôi, thân nó có vảy óng ánh mà những con cá Xiêm cảnh trước đây thường không có. Thậm chí, người ta còn tìm cách lai cá lia thia với cá Xiêm để cho ra lứa cá lai rất đẹp, vừa có màu sắc như cá Xiêm vừa có vảy óng ánh như cá lia thia. Chúng tôi thấy rằng việc sưu tầm và bảo tồn các loài lia thia hoang dã ở Việt Nam là điều hết sức cần thiết và chưa được quan tâm đúng mức. Một số loài mà địa bàn phân bố tự nhiên chỉ giới hạn ở một vùng hạn hẹp như Betta sp. Bung Binh rất có khả năng sẽ biến mất trong tương lai! Ý kiến chung của mọi người là con cá lia thia ngày càng ít thấy ngoài tự nhiên bởi nhiều nguyên nhân mà chủ yếu do việc đô thị hoá và nạn ô nhiễm. Về khía cạnh cá cảnh, những loài cá lia thia như lia thia mang đỏ, lia thia mang xanh dù rất đẹp nhưng trăm con như một, không đa dạng như các cá thể Betta đang có mặt ngoài thị trường, thậm chí có loài còn gần như không có màu (Betta sp. Bung Binh). Về khía cạnh kinh tế, cá lia thia cũng chưa đem lại một lợi ích kinh tế đáng kể nào ngoài việc khơi gợi những ký ức về tuổi thơ và trò chơi dân dã ở làng quê. Tuy nhiên, giá trị của chúng là ở khía cạnh đa dạng sinh học, mỗi một loài bị tuyệt chủng đều là tổn thất đối với sự đa dạng sinh học và hệ sinh thái nội địa. Một nhóm cá thể cần phải trải qua nhiều triệu năm tiến hóa để trở thành một loài riêng biệt và giá trị của chúng là ở đấy, nguồn gen thuần chủng. Vì lẽ đó, bên cạnh phong trào chơi cá Betta, cũng cần phải khuyến khích mọi người nuôi cá lia thia cảnh vì mục đích bảo tồn. Sau cùng, văn của Vương tiên sinh là loại "văn nói" theo phương ngữ Nam bộ nên chúng tôi đã cố ý giữ lại cách hành văn đặc trưng này, chẳng hạn như mầy (mày), nầy (này), nhỏng nhẻo (nhõng nhẽo), câng (cưng).v.v. ngoại trừ một số chỗ mà nếu để thì có thể độc giả ngày nay sẽ không hiểu như "dốt đặt" (sửa thành "dốt đặc"), "đá mắt" (sửa thành "đá mắc"). Nhờ vậy, bài viết của tác giả không những giúp chúng ta hiểu về thú chơi, mà còn hình dung được cách ăn nói của người xưa như thế nào. Còn bây giờ, chúng ta hãy đặt mình vào bối cảnh "tỉnh nhà" Sóc Trăng cách nay non trăm năm để tìm hiểu về thú chơi dân dã gợi nhiều hoài niệm, thú nuôi và đá cá lia thia. Ghi chú [1] Ngoài các câu mà cụ Vương sưu tầm trong bài "Thú chơi cá thia thia". Những câu khác mà chúng tôi sưu tầm được là: "Chim quyên ăn trái nhãn lồng Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi" "Thả con săn sắt bắt con cá rô" (con săn sắt cũng chính là con lia thia). "Con chim sa sả đậu trên cành sả Con cá thia lia núp bụi cỏ thia Trách ai làm cho khóa rẽ chìa Khi thương thương tận, khi lìa lìa xa" "Con cá lia thia nằm trong chậu cúc Quạt đuôi tứ túc bốn chữ hồ văn Anh chê em duyên nợ không bằng Kiếm nơi nào khác cho bằng lòng anh" [2] Trũi nhảy xuống nước, bơi sang. Bơi một quãng bỗng nhiên chìm nghỉm. Cả hai cái râu cũng không thấy ngo ngoe trên mặt nước, như bị đột ngột rút chân xuống. Chốc, thấy Trũi ngoi lên, kêu váng rồi hớt hải quay lại. Tôi định thần nhìn kỹ thấy quanh đấy có luồng sóng cồn đuổi theo. Một đàn cá săn sắt đương rầm rập kéo đến. Những cái đuôi cờ ngũ sắc bay hoa cả mặt nước. Vừa rồi mải bơi, chính là Trũi bị mấy gã săn sắt ấy kéo tụt xuống. May, Trũi cố vùng thoát lên. (Trích Dế mèn phiêu lưu ký - Tô Hoài). [3] Đấy là so sánh cá Xiêm nói chung với cá lia thia. Cá Xiêm hiện giờ không chỉ có ở Thái Lan mà đã xuất hiện ở nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Mỗi quốc gia lại phát triển dòng cá Xiêm theo cách của mình thành một dòng cá đá riêng biệt và chuyện con cá đá ở nước khác đá bại cá đá ở Thái Lan là điều rất bình thường. Nghe nói, dòng cá Xiêm Việt Nam đá rất dữ, cá Xiêm ở Thái đá không lại không biết thực hư thế nào. Tôi tra tài liệu thì thấy người Thái có xu hướng lai cá nhỏ con, đá nhanh, cắn dữ, trong khi người Việt lai cá to (bản rô), lỳ đòn, đá chậm nhưng rất mạnh; như vậy nếu để hai con đá nhau thì cá Việt Nam thắng chắc vì to hơn. Nhưng kích thước đã khác nhau rồi thì làm sao cáp độ mà đá cho được? [4] Loài Betta taeniata được các tác giả Trương Thủ Khoa và Trần Thị Thu Hương mô tả vào năm 1993. Địa điểm thu thập các mẫu vật ở ngay Cần Thơ. Tuy nhiên, có một đặc điểm nhận dạng đặc trưng của loài này không trùng khớp với một tài liệu quan trọng khác mà tôi có. Được biết, có hơn năm chục loài thuộc chi Betta và người ta chia chúng thành nhiều nhóm nhỏ. Loài Betta taeniata được xếp chung một nhóm với các loài B. picta, B. simplex và B. falx làm thành nhóm picta. Đặc điểm đặc trưng của nhóm picta là các vây lẻ (vây đuôi, vây lưng và vây hậu môn) có viền màu xanh (theo Fighting Fishes of Singapore, Malaysia and Brunei, tác giả Tan Heok Hui và Peter Ng, 2005). Tuy nhiên, phần mô tả của các tác giả của chúng ta lại như sau "vi lưng và vi hậu môn màu nâu với các điểm đen", còn màu của vây đuôi không được nhắc đến. Mặt khác, loài Betta taeniata ngày nay được định nghĩa là loài Betta ở Borneo, Malaysia. Vậy loài tương tự ở Việt Nam là loài gì? [5] Thông tin về sự xuất hiện của loài này ở Việt Nam là từ www.fishbase.org mà nguồn tham khảo lấy từ Fresh-water fishes of Kampuchea, tác giả Kottelat, 1985 (tạp chí khoa học Hydrobiologia 121:249-279). Ngày nay, loài Betta pugnax được định nghĩa là loài Betta ở Penang, Malaysia. Loài từng được Kottelat gọi là "Betta pugnax" ở Campuchia thì nay được xác định là Betta prima và Betta stiktos. Vậy loài tương tự ở Việt Nam là loài gì?