Ghép cặp Các loài cichlid kích thước lớn thường rất hung dữ và có cá tính, nghĩa là, mỗi cá thể có cách phản ứng khác nhau đối với các cá thể khác cùng loài, vì vậy, việc ghép cặp hai cá thể trưởng thành có giới tính đối lập đòi hỏi một số kỹ năng nhằm hạn chế tối đa khả năng cá cắn nhau bị thương nặng hay chết. Thường thì điều này chỉ xảy ra theo một chiều, nghĩa là cá đực tấn công cá cái nhưng đôi khi cũng xảy ra điều ngược lại, nhất là khi cặp cá có kích thước tương đương với nhau hay cá đực bị lạ hồ. Có một số phương pháp cho cá ghép cặp để sinh sản mà chúng ta có thể kể ra sau đây. Cách đơn giản nhất là nuôi từ 5 đến 6 cá thể chưa trưởng thành trong cùng một hồ để chúng tự ghép cặp với nhau một cách tự nhiên. Thường thì con cá đầu đàn là cá đực; nó sẽ thiết lập vùng lãnh thổ của mình và đánh đuổi tất cả các cá thể còn lại ra khỏi lãnh thổ của nó cho nên điều kiện tiên quyết để phương pháp này thành công là hồ cá phải đủ rộng đồng thời cần bố trí nhiều địa hình hang hốc trong hồ để cho những cá thể khác có chỗ lẩn tránh. Một khi con đầu đàn bắt cặp với một con cá cái trong số cá thể còn lại thì coi như việc ghép cặp đã thành công và chúng ta nên vớt các cá thể khác ra khỏi hồ để tránh bị cặp cá này tấn công. Khác với cá đĩa, việc ghép cặp một cách tự nhiên chỉ thích hợp khi cả bầy cá được nuôi chung với nhau từ nhỏ, còn nếu để lớn thì việc này rất khó thực hiện vì các cá thể trưởng thành thường rất hung dữ, chúng có thể đánh nhau đến bị thương hay chết. Trên thực tế, những cá thể này thường được chọn từ cùng một bầy, tuy nhiên, cặp cá hình thành một cách tự nhiên như vậy có thể không mang các đặc điểm di truyền như ý muốn của người lai tạo. Trong hầu hết trường hợp, cá bố mẹ được lựa chọn kỹ càng từ trước để có được các đặc điểm di truyền mong muốn cho nên điều thường thấy là người ta cho hai cá thể trưởng thành ghép cặp với nhau. Cách phổ biến áp dụng trong trường hợp này là sử dụng tấm ngăn bằng kiếng hay plastic. Khi thấy cá cái xuất hiện vòi trứng, chúng ta nhẹ nhàng lấy tấm ngăn ra để cặp cá tiếp xúc với nhau. Cần quan sát cặp cá một cách liên tục sau đó; nếu phát hiện thấy cá đực tấn công cá cái thì phải ngăn chúng ra ngay và thử lại vào hôm sau vì nếu không cá cái có thể bị cắn chết. Đôi khi, vì cá đực quá dữ tợn cho nên để đảm bảo an toàn cho cá cái, người ta luôn duy trì tấm ngăn trong quá trình sinh sản. Tấm ngăn được để hở khoảng 2-3 cm phía dưới đáy hồ. Bên phía con cái, giá đẻ được đặt theo phương thẳng đứng và cách tấm ngăn không quá 20 cm. Cặp cá vẫn có thể sinh sản cho dù chúng bị cách ly với nhau. Khoảng cách xa giữa con đực và trứng làm cho việc thụ tinh bị hạn chế; nhưng dù chỉ thành công một phần thôi thì số lượng cá con nở ra cũng đủ nhiều để thoả mãn bất cứ nhà lai tạo nào. Cách nữa cũng được sự dụng phổ biến là khoét lỗ trên tấm ngăn; kích thước lỗ chỉ vừa đủ để con cái có thể bơi qua được. Giá đẻ được bố trí bên phía con đực; cá cái sẽ bơi qua bên đó để đẻ trứng một khi nó sẵn sàng. Trong trường hợp bị con đực tấn công, nó có thể bơi trở về ngăn của mình mà con đực không đuổi theo được. Hình 1. Tấm ngăn hồ giúp giảm thiểu rủi ro có thể xảy đến cho cá cái. Nó sẽ được lấy đi một khi cá cái sẵn sàng đẻ trứng (vòi trứng xuất hiện). Hình 2. Tấm ngăn được khoét một lỗ nhỏ để cá cái có thể bơi qua được. Hình 3. Thiết kế của một hồ đẻ tiêu chuẩn. Ngăn bên phải dành cho cá cái. Ngăn bên trái lớn hơn dành cho cá đực có bố trí giá đẻ. Một khi đã sẵn sàng, cá cái có thể bơi qua tấm ngăn để đẻ trứng lên giá thể. Hình 4. Tấm ngăn tự chế bằng nhựa plastic. Các lỗ có đường kính 4 cm được khoan cách nhau khoảng 1 cm. Dùng cưa cắt đường nối giữa các lỗ rồi giũa các cạnh sắc để cá cái không bị thương khi bơi qua lỗ.