Động vật có xương sống trưởng thành nhỏ nhất trên thế giới Ted Pietsch - http://www.practicalfishkeeping.co.uk Dưới vực nước sâu thẳm của đại dương, nơi mà nhiệt độ gần bằng không, ánh sáng mặt trời không tồn tại, áp suất khủng khiếp của cột nước bên trên, và mật độ sinh học rất thấp khiến nguồn thức ăn vô cùng khan hiếm, và ở đó, có những loài cá áp dụng một hình thức sinh sản khác thường và độc đáo. Đấy là những loài cá vây chân (anglerfish), có cả thảy 160 loài dụ dỗ con mồi bằng cách vẫy vẫy một cái tua phát sáng, và đấy là điểm khác biệt đáng kể so với những loài cá khác, và hơn thế nữa, điểm khác biệt so với tất cả những loài động vật khác, đó là sự siêu phân hóa về lưỡng hình giới tính mà theo đó cá đực chỉ là những cá thể tí hon. Ở một số loài, cá đực trưởng thành chỉ đạt đến kích thước từ 6 đến 10 mm và đạt kỷ lục Guiness về động vật có xương sống trưởng thành nhỏ nhất trên thế giới. Một liên kết chặt chẽ Chúng tự bám (dù tạm thời hay vĩnh viễn) vào cơ thể tương đối vĩ đại của cá cái – xem hình trên. Ở loài Ceratias holboelli (Northern Giant Seadevil), nơi mà hầu hết các ví dụ điển hình được phát hiện, cá cái có thể dài gấp 60 lần và nặng hơn cả nửa-triệu lần so với cá đực . Cá đực của hầu hết các loài đều có mắt và lỗ mũi rất to, đặc điểm sau được sử dụng để phát hiện chất hấp dẫn đặc trưng do cá cái tiết ra. Hàm răng bình thường của cá đực bị biến mất trong quá trình biến hình (metamorphosis), nhưng được thay thế bởi một bộ răng nhỏ như gọng kìm ở chóp hàm dùng để bấu chặt vào mình cá cái. Ở một số loài, điểm bám được bao phủ bởi các tế bào da và ngay sau đó, kết nối với hệ thống tuần hoàn để cá đực phụ thuộc hoàn toàn vào cá cái nhờ chất dinh dưỡng trong máu, đồng thời vật chủ cá cái biến thành một dạng lưỡng tính tự thụ. Kết nối thường trực luôn được thực hiện nhờ sự phát triển riêng rẽ ở mõm và chóp hàm dưới của cá đực, cả hai nhanh chóng dính liền vào da cá cái. Ở một số loài, một mấu trên da của cá cái nhô ra hướng vào miệng của cá đực, đôi khi nó dường như hoàn toàn nút chặt vào cuống họng. Đầu của một số cá đực hoàn toàn dính liền với da của cá cái, lan từ chóp hàm dưới cho đến rìa hộp sọ, trông có vẻ như chúng được ghép hay bị hấp thu hoàn toàn bởi vật chủ, trong khi ở một số loài khác, cá đực bám vào chóp của một que tròn, dài trên da của cá cái. Kích thước của chúng, được gia tăng một cách đáng kể sau khi bám, trở nên lớn hơn rất nhiều so với những con đực tự do cùng loài, và vì hoàn toàn không thể tự cung cấp chất dinh dưỡng, cá đực bị coi như là vật ký sinh. Chúng còn sống và sinh sản chừng nào mà cá cái còn sống, góp phần vào các đợt đẻ trứng. Ở một số loài, một cá đực ký sinh trên một cá cái, nhưng ở một số loài khác, nhiều cá đực ký sinh trên một cá cái, có trường hợp lên đến 8 ký sinh trên một vật chủ. Từ khi được phát hiện cách nay 80 năm, câu chuyện về hiện tượng ký sinh giới tính (sexual parasitism) ở cá vây chân ceratioid đã trở thành kiến thức ngư loại học phổ biến. Tuy nhiên, những sự kiện đã biết về hình thức sinh sản đáng lưu ý này vẫn chưa được phân tích một các toàn diện và đầy đủ. Cơ chế sinh học (nội tiết và miễn dịch) hình thành hiện tượng ký sinh giới tính, vốn có thể là một đặc điểm y học đầy ý nghĩa, chưa hề được khảo sát.