Đầu Trong môi trường hồ cảnh, một số cá thể cichlid đực có đầu phát triển rất to, gọi là đầu gù hay bướu. Đây là là đặc điểm hết sức đáng chú ý bởi vì hầu hết người nuôi cá đều thích cá có đầu thật to. Ngoài dáng vẻ kỳ lạ, đầu to còn tượng trưng cho hạnh phúc và trường thọ vì nó trông giống như trán của Ông Thọ trong các tranh, tượng dân gian xưa nay; do đó người ta tin rằng việc sở hữu một chú cá có đặc điểm như vậy sẽ mang lại những điều tốt lành cho người nuôi. Điều đầu tiên ảnh hưởng đến kích thước của bướu đó là đặc tính di truyền. Cá con của một cặp cá bố mẹ có đầu phát triển to và sớm thì sẽ có nhiều khả năng thừa hưởng các đặc tính tương tự từ bố mẹ. Tỷ lệ di truyền thông thường là từ 10 đến 15% và chủ yếu rơi vào các cá thể có kích thước lớn trong đàn. Hầu hết các loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn đều có chứa gen đầu to tiềm ẩn. Sau một vài thế hệ lai tạo và tuyển chọn trong môi trường nuôi dưỡng nhân tạo, một số cá thể phát lộ gen tiềm ẩn hay đột biến với kích thước đầu thật to. Về vấn đề này, cá Midas Amphilophus citrinellus là một ví dụ điển hình. Loài này có nhiều hình thái màu rất đẹp như đỏ, cam vàng và trắng nên được giới chơi cichlid Âu Mỹ ưa chuộng và nuôi làm cảnh từ mấy chục năm nay rồi; và họ đã tuyển chọn được rất nhiều cá thể có đầu thật to và đẹp. Cần phải nói thêm rằng thị hiếu về cái đầu to được phát sinh cùng với phong trào nuôi cá La Hán ở Đông Nam Á và sau đó lan ra những khu vực khác mới khoảng chục năm gần đây thôi. Cá La Hán là cá lai tạp giữa các loài cichlid thuần chủng Trung Mỹ và nhiều người nghĩ một cách phiến diện rằng chỉ cá La Hán mới có đầu to còn các loài cichlid thuần chủng khác thì không. Thật ra thì những nhà lai tạo ở châu Á luôn đề cao đặc điểm này nên tập trung tuyển chọn các cá thể có đầu thật to; kết quả là người chơi cá ở đây hầu như không thấy cá thể có đầu to nào khác ngoài cá La Hán. Trong hoàn cảnh như vậy thì sự hiểu sai là điều khó tránh khỏi. Góp phần vào việc này, đa số người nuôi cichlid Âu, Mỹ có xu hướng tập trung vào màu sắc hơn là đặc điểm đầu to. Hơn nữa, rất nhiều loài thuần chủng chỉ mới gia nhập vào thị trường cá cảnh gần đây thôi, trong khi sự xuất hiện của các cá thể đột biến chỉ xuất hiện sau nhiều thế hệ lai tạo trong môi trường hồ nuôi. Tuy nhiên, việc chỉ ra một số cá thể có đầu to ở các loài thuần chủng cũng không phải là điều quá khó khăn; như ở loài Midas chẳng hạn... Người ta đặt giả thiết về một số công dụng của bộ phận đặc biệt này ở cichlid, chẳng hạn như chức năng dự trữ chất béo, phân biệt giới tính, phương tiện chiến đấu hay thuỷ động lực hỗ trợ cho chuyển động của cá trong nước. Về chức năng dự trữ chất béo, kết quả phân tích cho thấy thành phần chủ yếu của bướu là nước chứ thực sự không chứa nhiều chất béo. Điều này cũng lý giải tại sao kích thước đầu cá có thể trồi sụt rất nhanh, có khi chỉ trong một ngày mà nếu mỡ là thành phần chủ yếu thì chắc chắn nó sẽ không thể thay đổi nhanh đến như vậy. Về chức năng phân biệt giới tính, đầu của cá cái đôi khi còn phát triển to hơn cả cá đực bình thường khác hoặc không phải cá thể đực nào cũng có đầu phát triển thật to; vì vậy nếu chỉ dựa vào đầu cá để phân biệt giới tính là thiếu chính xác. Về phương tiện chiến đấu, cá đực và cá cái thường xung đột với nhau hoặc cùng làm chức năng bảo vệ tổ trứng và bầy cá con trong quá trình sinh sản, vì vậy nếu đầu là vũ khí chiến đấu thì tại sao con cái không phát triển bộ phận này cho tương đương với con đực? Công dụng thuỷ động lực có thể đem lý giải cho hình dạng của nhiều loài cá khác chẳng hạn như cá hồi; dạng đầu thuôn dài của nó làm giảm lực cản của nước khi bơi; nhưng hình dạng đầu lồi to ở cichlid thì không có tác dụng gì, nếu không nói là nó còn ngăn cản chuyển động của cá. Trong phòng thí nghiệm, bằng việc thay đổi hàng loạt mô hình Midas đực bằng cao su với các kích thước đầu khác nhau, người ta quan sát thấy con cái ưu tiên lựa chọn con đực có kích thước đầu lớn, nhưng chỉ lớn đến một mức độ nhất định, còn nếu lớn quá thì sự quan tâm của con cái sẽ giảm sút. Điều này lý giải tại sao các cá thể đực có đầu phát triển cực to lại không hề thấy xuất hiện ngoài tự nhiên; mặt khác nó cũng cho thấy rằng đầu to ở một tỷ lệ thích hợp có thể là tiêu chuẩn để cá cái đánh giá chất lượng của cá đực trước khi quyết định bắt cặp sinh sản. Hormon sinh dục cũng là yếu tố tác động trực tiếp lên kích thước của đầu cá; cá sản sinh càng nhiều hormon thì bướu phát triển càng to và ngược lại. Vì vậy, đầu cá chỉ thực sự phát triển một khi cá đạt đến độ trưởng thành nhất định; các cá thể có đầu phát triển to ngay từ nhỏ thường rất hiếm. Mặt khác, hiện tượng đầu cá phát triển to lên trong giai đoạn bắt cặp và nhỏ đi sau đó trong giai đoạn chăm sóc cá con cũng bởi lượng hormon trồi sụt gây nên. Hiện tượng trồi sụt này xảy ra một cách thường xuyên khi cặp cá được ghép chung với nhau để chúng sinh sản, vì vậy nếu muốn giữ cho kích thước bướu ổn định, cá đực cần được cách ly khỏi cá cái và chăm sóc một cách cẩn thận thì sớm muộn rồi bướu cũng sẽ phát triển to trở lại. Một số cá đực được nuôi riêng rẽ cũng có hiện tượng bị rớt đầu do hàm lượng hormon giảm sút; mà nguyên nhân chủ yếu là cá bị stress. Các phương pháp thúc đẩy kích thước đầu cá phát triển to thường tập trung theo hai hướng chính. Hướng thứ nhất cung cấp thức ăn giàu chất béo cho cá, bởi vì chất béo cùng với nước là hai thành phần chủ yếu hình thành nên bướu. Thức ăn giàu chất béo bao gồm các loại thức ăn tổng hợp chuyên dụng, thức ăn có nguồn gốc từ biển và các loại thức ăn tươi sống có nguồn gốc từ nước ngọt như tôm, tép tươi, cá lóc và cá bã trầu. Hướng thứ hai kích thích cá sản sinh ra nhiều hormon sinh dục. Hướng này có rất nhiều cách để tiếp cận; cách gián tiếp chẳng hạn như thiết lập môi trường sống phù hợp cho cá (bao gồm chất lượng nước, nền đáy, bố cục và ánh sáng) nhờ đó cá khoẻ mạnh, không bị stress và phát triển thể chất ở mức tốt nhất; cách trực tiếp chẳng hạn như thả cá mồi, soi kiếng hay nuôi cạnh một cá đực khác để kích thích tính hiếu chiến của chúng, nhờ đó lượng hormon sinh ra nhiều hơn, đầu cá sẽ phát triển to hơn. Một cách đơn giản, người nuôi cá thường phân loại đầu cá thành hai loại là đầu xương và đầu hơi. Đầu xương là dạng đầu vuông vức, đặc điểm đặc trưng ở loài Amphilophus trimaculatus và cá La Hán thời kỳ đầu. Đầu hơi là dạng đầu phổng phao rất dễ nhận biết; tuy có nhiều kiểu phổng phao khác nhau như phồng ra phía trước, phồng lên trên, phồng ra phía sau hay tròn đều. Về khía cạnh thẩm mỹ, dạng đầu to quá khổ, mất cân đối hay bị móp méo thì không thể được coi là đẹp; cách nhận xét như vậy cũng không khác mấy so với cách đánh giá của cá cái về cá đực bởi vì ẩn chứa sau cái đẹp luôn là sự hấp dẫn về giới tính. Ngoài ra, cũng cần nhấn mạnh rằng những cá thể có đầu thật to thường tạo cho người quan sát cảm giác rằng mõm hay mặt của chúng trông ngắn hơn, mà đây cũng lại là đặc điểm rất được ưa chuộng. Hình 2. Soi kiếng là một trong những biện pháp thường được sử dụng để kích thích cá lên đầu và lên màu. Hình 3. Dạng đầu xương" tiêu biểu ở loài Trimac Amphilophus trimaculatus. Hình 4. Dạng đầu phồng ra phía trước ở một cá La Hán (hình trái) và dạng đầu phồng ra phía trước quá nhiều ở một cá thể loài Vieja synspillus (hình phải). Hình 5. Dạng đầu phồng lên phía trên ở các cá thê đực loài Amphilophus citrinellus. Hình 6. Dạng đầu phồng ra đàng sau ở cá thể đực loài Nandopsis haitiensis. Hình 7. Dạng đầu tròn đều ở cá thể đực loài Amphilophus citrinellus. Hình 8. Dạng đầu lớn vừa phải nhưng mõm thật ngắn ở một số cá thể Midas như thế này rất được ưa chuộng. Hình 9. Cá thể Midas có đầu to quá khổ như thế này trông không được đẹp. Hình 10. Chuỗi hình mô tả quá trình phát triển kích thước đầu ở một cá thể Midas. Dạng đầu tròn, mõm ngắn và tù, đặc biệt thân thật ngắn và mũm mĩm như thế này rất được ưa chuộng.