Danh sách thuốc và hóa chất thông dụng Dưới đây là danh sách thuốc và hóa chất thường được sử dụng trong các trang trại cá dĩa. Đương nhiên còn có nhiều loại khác nữa nhưng những loại dưới đây, về cơ bản, đủ để điều trị những bệnh thông thường và duy trì một môi trường lành mạnh cho trại cá. Mỗi quốc gia đều có quy định về sử dụng thuốc và hóa chất riêng, các bạn cần tìm hiểu trước khi sử dụng. Sát trùng Calcium Hypochlorite Đây là chất sát trùng phổ biến và hiệu quả. Nó không độc đối với người và là lựa chọn tốt so với formol, i-ốt hoạt hóa (potentiated iodine) hay ammonia cấp 4 (quarternary ammonia). Calcium hypochlorite là chất bột. Khi hòa tan trong nước, khí clor được phóng thích. Một nhược điểm đó là nó làm kim loại bị rỉ sét và rất bất tiện khi cần sát trùng và sử dụng hồ ngay trong ngày. Để khử clor ngay trong ngày, phải sử dụng rất nhiều “hypo” bởi chỉ cần sót lại chút clor cũng đủ làm chết cá. Ngoài ra, có thể khử clor một cách dễ dàng bằng cách sục khí liên tục từ 24 đến 48 giờ tùy nồng độ. Calcium hypochlorite dạng bột được cung cấp với các nồng độ 15%, 35%, 50%, 65% và 70% tùy vào mỗi quốc gia và nhà sản xuất. Formol (formalin) Đây là chất sát trùng thông dụng nữa thường được sử dụng trong các trang trại cá cảnh. Trường hợp khẩn cấp, cần sát trùng nhanh chóng thì đây là chất phù hợp nhất. Nhưng cũng cần lưu ý rằng thậm chí việc sử dụng formol liều cao và lâu ngày cũng chưa chắc diệt hết vi khuẩn ngoài da hay bào nang của các loài ký sinh so với sử dụng clor nồng độ cao (100 g/100 lít). Formol là chất dễ bay hơi, độc và gây ung thư. Cần sử dụng ở nơi thoáng khí và dùng găng tay. Không được dùng chung với thuốc tím hay acriflavine. Chỉ sử dụng sau khi đã loại bỏ hoàn toàn các chất trên ra khỏi hồ. Cần loại bỏ hoàn toàn formol sau khi sử dụng. Cách đơn giản là hòa methylene blue vào nước hồ trước khi xả. Nếu nước mới thay trong vắt thì có thể tin tưởng rằng hồ không còn formol. Khi sử dụng nước máy, nhớ sử dụng “hypo” để khử clor. Formol nguyên chất là dung dịch chứa từ 37% đến 40% khí formaldehyde. Khử clor “Hypo” (Sodium Thiosulfate) Được cung cấp dưới dạng tinh thể trong suốt và kích thước tùy nhà sản xuất. Đây là chất khử clor. Để khử hết clor trong hồ vừa sát trùng bằng calcium hypochlorite, hãy rửa sạch các mặt kiếng bên trong, hút hết nước cũ ra và châm đầy nước mới. Bổ sung lượng “hypo” gấp 5 lần lượng chất sát trùng trước đó và trộn đều. Xả toàn bộ nước trước khi châm đầy bằng nước sạch. Khử ammonia Zeolite (Clinoptilite) Đây là chất duy nhất cho đến nay có tác dụng khử ammonia. Zeolite là chất trao đổi ion ammonia với sodium (Na+). 1 gam zeolite có thể khử 3 mg ammonia. Trong 84 lít nước, 100 gam zeolite có thể khử 3 gam ammonia. Sau khi bão hòa, bạn có thể tái nạp bằng cách ngâm trong dung dịch nước muối nồng độ 1 kg/25 lít trong một ngày. Zeolite phải được rửa sạch trước khi tái sử dụng và có thể tái sử dụng đến 500 lần. Giảm pH Acid Phosphoric Đây là acid thích hợp nhất để giảm độ pH so với các loại acid khác như hydrochloric và acidic. Không thể nói chính xác liều lượng sử dụng ở đây bởi vì sản phẩm này có nhiều nồng độ khác nhau. Tốt nhất hãy làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Hướng dẫn chung là 2.5 ml/100 lít nước tức 1 giọt/giảm 1 độ pH. Diệt nấm Methylene blue Thường được sử dụng để chống nấm cho trứng. Chất này độc đối với vi khuẩn chuyển hóa ni-tơ và vô hại với cá dĩa trừ phi cực kỳ quá liều. Dung dịch pha (stock solution): 4 g/1 lít nước Ngừa nấm trứng: 50 ml/100 lít nước. Điều trị bệnh đốm trắng và nấm thông thường: 40-50 ml/100 lít nước. Tẩy giun sán (cho hồ) Organophosphate (Dipterex, Meguvon, Dylox và Masoten) Chất này diệt nhiều loại ký sinh ngoài da nhưng dễ bị kháng thuốc. Với cá dĩa, liều điều trị trong 24 giờ là 150 mg/100 lít nước. Lưu ý: sử dụng thuốc tốt. Một khi thuốc bị ô-xy hóa và vón cục thì không nên sử dụng vì nó còn độc hại hơn cả ký sinh. Tẩy giun sán (cho cá) Piperazine Sulfate Một khi bạn thấy những con giun cỡ 4 mm màu trắng bám ở mặt kiếng phía trước hồ thì đấy là dấu hiệu cá của bạn nhiễm giun. Bạn phải kết hợp tẩy giun cho cả hồ lẫn cá và việc điều trị phải lập lại liên tiếp 4 lần sau mỗi tuần. Để tẩy giun trong hồ, sử dụng organophosphate. Để tẩy giun cho cá, trộn 800 mg piperazine sulfate vào 100 g thức ăn và cho ăn liên tục 4 ngày (vào sáng và chiều). Mặc dù sống ký sinh và cạnh tranh chất dinh dưỡng với cá, giun sán hoàn toàn vô hại. Trùng roi (flagellates) Metronidazole Cho cá ăn hiệu quả hơn nhiều so với ngâm vì thuốc không thẩm thấu mạnh. Nhưng cách điều trị tốt nhất là kết hợp “trong uống ngoài thoa”. Ngâm theo nồng độ 1 g/100 lít nước. Cho ăn theo tỷ lệ 1 g/100 g thức ăn Phòng nhiễm khuẩn Acriflavine Thuốc này được dùng phổ biến trong ngành công nghiệp cá cảnh và thường bị kháng thuốc bởi vi khuẩn, nấm và ký sinh. Có nhiều loại thuốc khác hiệu quả hơn acriflavine nên nó thường được dùng để phòng bệnh hơn là chữa bệnh. Dung dịch pha (stock solution): 3 g/1 lít nước Liều điều trị (dosage): 100 ml/100 lít nước Bệnh ngoài da (vi khuẩn và khuẩn đơn bào) Thuốc tím (Potassium Permanganate) Đây là chất ô-xy hóa phổ biến dùng trong các trang trại cá cảnh và bởi vì tính chất ô-xy hóa nên nó diệt bệnh nhiễm khuẩn ngoài da rất hiệu quả. Tuy nhiên liều đủ để tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây bệnh cũng làm chết cá. Liều dùng 20 mg/100 lít nước. Bệnh ngoài da và giun sán Formol (Formalin) Formol nguyên chất chứa từ 37 đến 40% khí formaldehyde. Formol phải được giữ ở trên 4 độ C để ngăn ngừa sự hình thành paraformaldehyde, một chất cực độc. Không bao giờ dùng chất này cho cá. Formol cũng không được dùng chung với thuốc tím. Điều trị (tắm trong 30 phút): 36 ml/100 lít nước. Nếu tắm lâu hơn thì tỷ lệ: 4 ml/100 lít nước. Malachite Green Không có tác dụng ổn định và bị tác động bởi nhiều yếu tố. Hạn sử dụng, ánh sáng, nhiệt độ và độ pH là những yếu tố tác động lên công dụng và độc tính. Một số nhà hóa học khẳng định malachite green là chất gây ung thư. Tiếp xúc qua găng tay, môi trường thông thoáng và không để gần thức ăn. Sulfate đồng Tương đối ổn định nhưng không sử dụng sulfate đồng nguyên chất cho cá dĩa mà phải kèm chất dị kết (chelated). Tốt nhất là sử dụng sulfate đồng pha chế sẵn có bán ngoài các tiệm cá cảnh. Làm theo chỉ dẫn. Bệnh đốm trắng và rối loạn thẩm thấu (osmotic stress) Muối hột (Sodium Chloride) Đây là muối sử dụng hàng ngày, hữu dụng trong nhiều trường hợp chẳng hạn như vận chuyển cá, ngừa nhiễm trùng vết thương, đóng gói và cách ly, và cả điều trị bệnh nữa. Cá dĩa có thể chịu đựng được độ mặn lên đến 2 ppt. Nhìn chung, 100 lít nước với khoảng một nắm muối hột (100 g) sẽ tạo ra độ mặn khoảng 1 ppt. Một cách vô tình, nồng độ 2 ppt vốn an toàn cho cá dĩa, lại có tác dụng tiêu diệt ký sinh đốm trắng Ichthyophthirius multifiliis (tự do trong nước). Nhiễm khuẩn nội và ngoài da Kháng sinh (antibiotics) Rất khó khẳng định loại kháng sinh nào có thể điều trị dòng vi khuẩn nào và với liều lượng bao nhiêu. Bạn có thể nghe nói từ tetracyclines, macrolides, cephalosporins cho đến quinolones, penicilins hay aminoglycosides nhưng hầu như không thể sử dụng thông tin đó. Trước hết, dẫu bạn có nghe đến tên thuốc nhưng không phải cứ muốn là có vì luật kiểm soát thuốc ở mỗi quốc gia đều khác nhau. Thứ nhì, thuốc này có thể có tác dụng ở đây nhưng lại bị kháng ở chỗ khác. Dẫu vậy, kháng sinh vẫn xuất hiện ở các trại cá dĩa. Mọi người được khuyên nên hạn chế dùng thuốc. Dùng thuốc sai cách, nhất là trộn vào thức ăn của cá, có thể khiến sức khỏe của chúng bị ảnh hưởng. Phải sử dụng thuốc đúng cách để chống kháng thuốc và nhiễm độc môi trường. Sau đây là một số nguyên tắc sử dụng kháng sinh để chống kháng thuốc: 1) Sử dụng đúng liều lượng chỉ dẫn. 2) Mỗi đợt điều trị phải kéo dài tối thiểu 12 ngày. 3) Không được phỏng đoán liều lượng thuốc, chẳng hạn dùng muỗng cà phê. Nếu cần, phải dùng cân tiểu ly. 4) Đừng cho ít kháng sinh chỉ vì bệnh có vẻ nhẹ. Dù bệnh nặng hay nhẹ, phải dùng đúng liều chỉ định. 5) Khi thay nước, phải bổ sung thuốc bằng đúng lượng đã mất đi. 6) Khi kết thúc điều trị, phải thay 100% nước để chống kháng thuốc. 7) Nếu vi khuẩn kháng loại thuốc này thì bạn phải thay bằng loại mới. Tránh lập lại sai lầm khiến thuốc bị kháng. Ngưng sử dụng thuốc cũ trong vòng từ 6 tháng đến một năm thì sẽ có tác dụng trở lại. 8) Trong một số trường hợp có thể kết hợp hai loại kháng sinh trở lên miễn là chúng không khắc nhau. Cách này đặc biệt hiệu quả trong việc điều trị bệnh mãn tính và bệnh dịch.
Bài viết quá hay,nhưng vẫn còn thiếu tí :dontknown: hihi! anh Vnreddevil cho thêm hình minh họa của thuốc nữa thì hay hết biết luôn! Cám ơn anh Vnreddevil nhiều :notworthy:
Độ mặn để cá dĩa có thể sống trong thời gian dài (trị bệnh) có thể lên tới hơn 1% (tuong đuơng là 1 kg muối cho 100 lit nước).Độ mặn ở trên hình như là nhầm lẩn thì phải bạn ơi! Thân!
@quocnam: cùng một sản phẩm có nhiều nhà sản xuất nên bao bì rất đa dạng. Bạn muốn tham khảo thì cứ lên google tra thôi. @carot: những thuốc thông thường thì các nhà thuốc & tiệm cá đều có bán. Những thuốc & hóa chất không phổ biến thì bạn có thể tham khảo từ những người chơi cá nhiều kinh nghiệm, từ CLB CDSG hoặc ra các khu bán hóa chất dùng trong thủy sản ở đường Tô Hiến Thành... @catuong: mình có lộn một chút, một nắm muối khoảng 100 g (chứ không phải mg). Cá dĩa chịu được nồng độ khoảng 2 ppt tức hai nắm muối ~ 200 g/100 lít nước. Để dễ hình dung, hồ 6 tấc (60 x 40 x 40) gần được 100 lít. Nguồn tài liệu mình tham khảo đúng là chỉ đến 2 ppt chứ không cao đến 10 ppt (1%)!
Bệnh ngoài da (vi khuẩn và khuẩn đơn bào) Thuốc tím (Potassium Permanganate) Đây là chất ô-xy hóa phổ biến dùng trong các trang trại cá cảnh và bởi vì tính chất ô-xy hóa nên nó diệt bệnh nhiễm khuẩn ngoài da rất hiệu quả. Tuy nhiên liều đủ để tiêu diệt một số loại vi khuẩn gây bệnh cũng làm chết cá. Liều dùng 20 mg/100 lít nước. Cái này hơi nhẹ tay héng! Tui xài 2mg -6mg/1lít nước (là món yêu thích của tui mà) Hơi dài hạn héng! Tui khoái đánh nhanh rút gọn hơn (trong 24 giờ hoặc tối đa 3 ngày là kết thúc đợt điều trị)
Chào anh, nguồn tài liệu ở trên xuất phát từ trại cá dĩa nước ngoài. Người ta sử dụng kháng sinh rất kỹ để tránh kháng thuốc. Việc ngâm lâu (đảm bảo diệt sạch nguồn bệnh) cũng không ngoài mục đích này.