Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Dân Sài Gòn chơi cá cảnh

Thảo luận trong 'CLB Cá Dĩa Sài Gòn' bắt đầu bởi CLB_CDSG, 7/11/10.

  1. CLB_CDSG

    CLB_CDSG Active Member

    Thượng vàng hạ cám

    Anh Thuận là chủ một tiệm vàng khá lớn trên đường Lạc Long Quân, quận 11. Khách đến mua bán, trong lúc chờ đến lượt mình đều tranh thủ ngắm chú cá rồng ngân long dài hơn nửa mét uốn lượn ở bể cá ngay giữa nhà.

    Do bận bịu nên khi được hỏi về giá con cá đó, anh Thuận chỉ nói lỏn gọn: “Mua mấy năm rồi, hồi đó giá sáu chỉ vàng!”. Nói vậy quả là khó đoán vì giá vàng thì biến động hằng ngày, mà “hồi đó” của anh Thuận chẳng rõ là năm nào.


    [​IMG]
    Chú La Hán ở chợ cá cảnh Nguyễn Thông có giá 2,5 triệu đồng

    Nhưng chú cá la hán ba năm tuổi với cái đầu gù rất to của anh Bình ở đường Lê Văn Lương, quận 7 thì có nguồn gốc rõ ràng hơn. Anh Bình nhớ chính xác: “Tôi mua nó đầu năm 2009 với giá bằng một chỉ rưỡi vàng”. Lại tính theo vàng! Tra giá vàng đầu năm 2009, tính ra giá con la hán anh Thuận mua ở thời điểm đó là 2,4 triệu đồng.

    “Ai cũng chơi cá cảnh được, từ đại gia ở biệt thự đến chàng công nhân nhập cư sống trong nhà trọ” - đó là ý kiến của ông Thu, nhà ở khu Bình Phú, quận 6, một dân chơi cá cảnh tự nhận là “từ lúc còn ở truồng tắm mưa cho đến khi sắp chống gậy như bây giờ”.

    Thật vậy, với một khoảng không gian chừng nửa mét vuông cùng một cái bể thủy tinh khoảng trăm ngàn đồng là có thể thả chục con cá bảy màu mua được sau khi nhịn ăn hai tô hủ tiếu bình dân. Thú tiêu khiển nhẹ nhàng cho cả nhà chỉ tốn có bằng ấy!

    Tuy đa dạng như thế, nhưng cá cảnh ở Sài Gòn hiện nay có thể phân làm ba loại, chủ yếu dựa theo giá trị. Loại cao cấp có cá rồng, cá la hán, cá koi (cá chép Nhật) với giá từ 200-300 ngàn đồng cho đến… vài chục triệu đồng tùy con. Loại trung bình gồm cá đĩa, cá ba đuôi, cá vàng… đắt nhất chỉ vài trăm ngàn đồng. Loại thứ ba, bình dân nhất, là các thứ cá bảy màu, ông tiên, phi phụng, lia thia… với giá từ hai ngàn đến vài chục ngàn đồng mỗi con.

    Cũng có vài cách phân loại khác, chẳng hạn phân theo cá nước ngọt và cá nước mặn hay phân loại cá cảnh và cá đá (cá chọi). Tuy nhiên, các cách phân loại này không phổ biến lắm.

    Mua cá cảnh ở đâu? Đó là câu hỏi đầu tiên của người mới đến với thú chơi này. Thống kê của Hội Sinh vật cảnh TP.HCM hồi đầu năm 2010 cho thấy có khoảng hơn 600 cửa hàng bán cá cảnh trên khắp các quận huyện trong thành phố.

    Tuy nhiên, dân chơi cá thường nhắc đến hai chợ cá cảnh nổi tiếng nhất là chợ Nguyễn Thông (đường Nguyễn Thông, quận 3) và chợ Lưu Xuân Tín (đường Lưu Xuân Tín, phường 10, quận 5). Ở hai địa chỉ này có đủ loại cá cảnh, người chơi có thể mua từ chú cá bảy màu hai ngàn đồng đến con huyết long (cá rồng) gần chục triệu đồng.

    Ngoài ra, gần đây xuất hiện thêm hai “chợ cá cảnh lưu động” nữa, một trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình và một trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận 1. Hình ảnh đặc trưng của chợ cá lưu động này là cả “cửa hàng” cá cảnh nằm gọn ở yên sau của chiếc xe gắn máy. Các chợ cá lưu động này thường chỉ bán các loại cá trung bình và bình dân với giá khá rẻ.

    Trừ chợ cá cảnh lưu động, các cửa hàng cá cảnh thường bán luôn bể nuôi, hòn non bộ, máy tạo oxy, đèn và thức ăn cho cá.

    Chia sẻ đam mê


    [​IMG]
    Cá chép Nhật​

    Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Lãng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP.HCM, tại nơi ông đang tiến hành một chương trình sinh sản cho cá đĩa ở Q.5, TP.HCM. Về thú chơi cá cảnh ở Sài Gòn, ông cho rằng, thường thì mỗi người có một sở thích riêng về loại cá.

    Hiện nay, giới chơi cá cảnh ở thành phố này chia thành những nhóm riêng theo loại cá nuôi. Ví dụ như Câu lạc bộ Cá đĩa Sài Gòn với gần 100 thành viên, Câu lạc bộ Cá la hán Sài Gòn với 133 thành viên, Câu lạc bộ Cá đá Sài Gòn (Saigon Sunday Betta Club) với 113 thành viên, diễn đàn cá rồng, diễn đàn cá koi…

    Sự chia sẻ đam mê của mỗi nhóm chơi cá được thể hiện khác nhau. Những thành viên câu lạc bộ cá đá thích cùng nhau trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cá tại quán cà phê của anh Đắc, một thành viên câu lạc bộ, tại công viên Lê Thị Riêng (Q.10) vào mỗi sáng Chủ nhật.

    Câu lạc bộ Cá la hán hay tổ chức buổi gặp mặt để thưởng thức cá đẹp. Diễn đàn cá rồng và cá koi có thú chia sẻ hình ảnh cá đẹp trên mạng. Đặc biệt, Câu lạc bộ Cá đĩa, ngoài những buổi gặp mặt, trao đổi về cá, còn khoái… rủ nhau đá banh.

    Anh Linh, Chủ tịch Câu lạc bộ Cá đĩa, vốn đang điều hành một công ty tổ chức sự kiện và du lịch, cho rằng, đa phần các thành viên đều bận bịu với công việc riêng, tuy nhiên thú mê chung đã kéo họ gần lại với nhau. Mỗi lần gặp mặt câu lạc bộ thực sự là một buổi thư giãn bổ ích sau những căng thẳng của cuộc mưu sinh.

    Không chỉ chia sẻ niềm vui, thú đam mê, các câu lạc bộ cá cảnh ở Sài Gòn còn cùng nhau bàn luận và cảnh báo những trắc trở trong quá trình chơi cá. Một thành viên của Câu lạc bộ Cá đá nhớ lại thời điểm bể cá đá gần cả trăm con của anh bị chết hàng loạt. Không chỉ anh, rất nhiều người chơi cá cảnh cũng rơi vào tình huống tương tự.

    Lúc ấy, cộng đồng chơi cá đã thảo luận, thậm chí tranh cãi gay gắt và cuối cùng phát hiện ra rằng, nguyên nhân cá chết là do ăn trùn chỉ. Loại thức ăn rẻ tiền được vớt từ kênh, rạch này đã bị nhiễm bệnh, nhiễm độc khi các dòng kênh bị ô nhiễm nặng.


    [​IMG]
    Chợ cá Lưu Xuân Tín tại quận 5, TP.HCM
    Trao đổi về chuyện này, ông Nguyễn Văn Lãng, cho biết: “Tôi đã đi nhiều nước và nhận thấy dù ở Mỹ, Thái Lan hay Singapore, người ta đều thừa nhận trùn chỉ là loại thức ăn dễ lây bệnh cho cá”. Hiện nay, kênh, rạch ở thành phố đang ngày càng ô nhiễm khiến trùn chỉ càng dễ bị nhiễm độc.

    Tuy nhiên, ông Lãng cho rằng đa phần trùn chỉ vớt lên từ đáy sông nếu được làm sạch trước khi cho cá ăn thì cá không chết tức thời được. “Dẫu biết có thể lây bệnh cho cá nhưng trùn chỉ vừa rẻ vừa giúp cá lớn nhanh nên đây vẫn là loại thức ăn được nhiều người lựa chọn”, ông Lãng nói.

    Tình yêu có màu gì?

    Đến thăm Hải Thanh Showroom trên đường 36, khu Tân Quy, quận 7, nơi bán cá chép Nhật lớn nhất Sài Gòn, cảm giác chung của dân mê cá là “đẹp đến độ không muốn về”. Anh Tiến, một doanh nhân kinh doanh xe gắn máy ở quận 4 mê mẩn ngắm đàn cá koi (chép Nhật) rồi chỉ tay xuống, buột miệng hỏi: “Con màu cam kia bao nhiêu?”.

    Tuân, chàng nhân viên của showroom này đáp ngay: “Ba chục triệu!”. Khi thấy khách hàng le lưỡi, Tuân giới thiệu thêm: “Con này còn rẻ đó. Mấy anh khác cũng lớn bằng nó nhưng có hai khoanh màu đỏ kia kìa có giá tới năm chục triệu. Mới hôm qua, một con chỉ bằng bàn tay mà cũng được mua với giá ba chục triệu đồng”.

    Chú cá koi Nhật màu cam tuyệt đẹp, dài đến nửa mét, nặng chừng bảy ký mà lại bằng giá của một bạn đồng hương nhỏ hơn mình nhiều lần là tại sao?


    [​IMG]
    Nét đẹp riêng của cá cảnh nước mặn


    Theo những người rành chơi cá chép Nhật, giá trị của cá nằm ở các vệt màu trên người nó. Chú cá koi to bằng bàn tay giá ba chục triệu đồng vừa được bán có năm vệt màu đỏ rất rõ nét, lại được phân bổ một cách đối xứng.

    Ngoài ra, chép Nhật đôi khi có giá cao bởi khoang màu trên mình nó ngẫu nhiên lại có hình giống… bản đồ quốc gia nào đó hoặc giống hình ảnh nào đó mà người ta liên tưởng ra, đôi khi chỉ vì có màu sắc theo sở thích của khách hàng.

    Cũng theo Tuân, có khách thích cá koi màu đỏ tươi, có khách thích trắng tuyền, lại có những người khoái các chú cá chỉ có một vệt đỏ tròn giữa trán y như lá cờ nước Nhật!

    Vẻ đẹp của cá koi thì không còn phải bàn, nhưng không phải ai cũng chơi được loại cá này, kể cả có tiền. Chơi cá koi cần có hồ xây chứ không phải chỉ bể kính đơn giản như chơi cá rồng hay cá la hán. Hiện khu vực có nhiều bể cá koi đẹp nhất chính là khu Phú Mỹ Hưng.

    Anh bạn tên Đức đang kinh doanh trong ngành nhựa vừa xây nhà mới ở khu Tên Lửa, quận Bình Tân lại không thích cá koi dù tiền không thiếu và khuôn viên nhà cũng đủ để xây một bể cá nuôi chừng vài chục con. Anh cho rằng chơi la hán và cá rồng thì “Phong thủy” hơn. Nhưng cũng từ Phong thủy, phòng khách dù lớn cũng không thể bố trí hai bể cá (cá rồng và la hán không thể nuôi chung).

    Khi đi mua cá, không biết “thương” loài nào hơn loài nào, cuối cùng Đức chọn cách… thảy đồng xu! Thế là chú cá la hán hai năm tuổi màu xám nhạt với những vệt đen y như chữ Hán có giá gần ba triệu đồng được chọn mua.

    Câu chuyện chơi cá cảnh của ông bố trẻ tên Cường ở đường Lã Xuân Oai, quận 9 lại có nét thú vị riêng: Cường may mắn mua được hơn hai trăm mét vuông đất khu vực này từ hồi giá còn “rẻ như bèo”. Khuôn viên rộng, kinh tế khá nên anh chàng mê cá cảnh này có thể chơi bất cứ loại cá nào, kể cả cá koi.

    Thực tế, Cường đã từng chơi cá rồng, cá la hán, cá đĩa… Cho đến khi cô con gái cưng 10 tuổi nói rằng chỉ thích ba nuôi cá nhỏ, nhiều màu. Chiều ý con của anh, Cường chỉ thả trong bể cá các loài bảy màu, ông tiên, phi phụng… Chúng đông và nhiều màu đến nỗi ngắm vào là hoa cả mắt. “Con bé thích lắm. Mà những con cá này giá rẻ, giá cả bể cá chưa bằng một con la hán nhỏ đâu!”, anh Cường vui vẻ nói.

    Theo MẠNH THĂNG
    Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần​
     
  2. kiekro

    kiekro Active Member

    phi phụng mà rẻ ah ???
     
  3. PhanAnhQuan88

    PhanAnhQuan88 Active Member

    Ai bảo cá dĩa đắt nhất chỉ có vài trăm ngàn ?
     
  4. Joseph Nguyễn

    Joseph Nguyễn Active Member

    hồi đó hình như chưa có albino, các loại khác thì ít xuất ra ngoài,bài này tham khảo thị trường mà :D
     
  5. Cù Trọng Xoay

    Cù Trọng Xoay Active Member

    Ngân long giá 6 chỉ vàng, Huyết gần chục triệu, phi phụng vài chục ngàn.... bất kể ở thời điểm nào thì giá cả của cha nhà báo Mạnh Thăng này đều liên thiên, bài này được viết với mục đích câu nhuận bút là chính, chả có giá trị gì cho người chơi cá cả.
     

Chia sẻ trang này