Nguồn: www.thanhnien.com.vn Bài này ra đời trước cả trang WEB nữa, pót lại anh em đọc cho biết Theo con nước ròng, nhiều chiếc xuồng “nhổ neo” nổ máy phành phạch trên các con kênh, dòng sông, nơi có nhiều bùn bồi trên bờ kênh, bờ sông để đãi bùn tìm trùng chỉ. Công việc dù cực khổ, dơ bẩn nhưng ngày nào họ cũng phải làm - bởi vì đấy là nghề duy nhất nuôi cả nhà họ. Thầm lặng trong đêm “Đến giờ con nước xuống rồi đó. Mau mau xuống xuồng đi chúng bây, nước lên khó làm lắm!” Giọng nói khàn khàn của ông Trương Văn Đước hối thúc các con rể, cháu ngoại khi đang chuẩn bị ra sông Sài Gòn để làm công việc đãi bùn tìm trùng chỉ. Họ xách thau nhựa to, vợt lưới, cà mèn cơm, nước uống... chuẩn bị cho cuộc phiêu lưu “tìm tiền” trên dòng sông. Nắng chiều phủ xuống cái lưng trần đang lom khom của họ. Chân đất, đầu trần, quần cụt, họ thoăn thoắt bước xuống xuồng. Chiếc xuồng chạy thẳng ra sông Sài Gòn để lại phía sau là những vệt sóng dài trắng xóa. Xuồng của họ rẽ vào những dòng kênh như Rạch Lăng, Cầu Sơn, Cầu Đỏ, Cá Trê, sông Bình Phước, Lái Thiêu... Dòng nước đen ngoằm và mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Anh Phan Quốc Dũng quê ở tận miền đất mũi Cà Mau, người có thâm niên mười năm làm nghề đãi trùng chỉ nhìn tôi đang bịt mũi nói: “Cái mùi này bình thường thôi. Tuần đầu tiên theo ông già vợ tôi đi đãi trùng, ngửi mùi sình này không chịu nỗi, nhưng vì miếng cơm manh áo nên phải làm chứ không thì chết đói”. Theo anh Dũng thì bà con, hàng xóm ở dưới quê nghe nói nghề này tưởng dễ hái ra tiền nên họ cũng rời quê lên đây theo gia đình anh làm. Nhưng rồi sống đâu quen đấy, họ không thích nghi với cái nghề cực nhọc này nên làm vài tháng chịu không nổi phải trở về quê. Tìm tiền trong bùn quả không dễ chút nào. Nhìn các vết sẹo, vết trầy xước trên những đôi chân, bàn tay khô mốc của nhiều người dân làm nghề này mới thấy sự vất vã của họ. Đa số họ bị những mảnh chai, miễng sành, ống đèn nê-ông bể nằm ở dưới sình cắt vào chân tay rồi gây nhiễm trùng. Anh Nguyễn Văn Gay, quê ở Sóc Trăng chỉ cho tôi xem vết cắt của mảnh chai ở bàn chân anh vừa mới lành lại, anh nói: “Dân làm trùng chúng tôi thường tìm đến những nơi gần nhà dân, nơi đó có nhiều rác thải dơ. Chổ đó có nhiều bóng đèn, mảnh chai, chén bể... đâm vào chân tay chảy máu hoài. Đây là vết cắt của mảnh chai vào chân khi tôi vừa từ xuồng bước xuống đám bùn để làm. Máu chảy ra nhiều lắm nhưng tôi cứ để vậy tiếp tục làm. Vết thương bị nhiễm trùng làm độc bây giờ nó lành lại làm sẹo và chai cứng lên”. Người làm nghề này phải có kinh nghiệm năm, sáu tháng trở lên mới nhận biết được nơi nào có nhiều trùng và nơi nào là không có. Ông Trương Văn Đước, người có nhiều năm kinh nghiệm sống bằng nghề này cho hay: “Để biết nơi nào có nhiều trùng chỉ phải lấy tay mò xuống bùn, nếu thấy nhớt nhớt là có, còn không thì có đãi đi đãi lại nhiều lần cũng không thể nào có trùng được. Có lúc cả một đoạn bờ sông, bờ rạch dài hơn cây số đãi hoài cũng không có”. Nghề đãi trùng chỉ này làm cũng dễ kiếm tiền nhưng nó lại có vô vàn cực khổ. Ngày nào cũng phải nằm trên xuồng đợi chờ nước ròng, xem con nước thay đổi theo chu kỳ như thế nào để biết cách tính toán. Theo kinh nghiệm làm nghề lâu năm của họ thì một tháng con nước ròng theo hai đợt ngày và đêm. Nếu nước ròng ban ngày thì họ đi đãi trùng ban ngày và nước ròng ban đêm thì làm theo đêm. Đãi trùng ban đêm cực hơn ban ngày vì muỗi cắn, trời lạnh và tối không có ánh đèn chiếu sáng, nhiều lúc xuồng đang chạy tông phải những vật cản trên đường làm thủng xuồng và máy nổ cũng theo dòng nước chìm xuống trôi đi mất... Chịu cực và dơ mới có tiền Đêm bắt đầu buông xuống. Cơn gió nhẹ thoảng qua cùng hơi nước ập vào những người đang ngâm mình trong dòng nước đen thúi lạnh sởn da gà. Trong bóng tối nhá nhem, họ dùng cái vợt hình chữ nhật làm bằng khung sắt và cước mịn đan khít lại với nhau xúc từng vợt bùn đen đúa và hôi thối không chịu được. Trời mãi tối, họ cứ làm cặm cụi với công việc và không một ai nói chuyện. Ngoài cái quần cụt trên người, không một ai mặc áo dù cho hơi lạnh và mùi hôi quen thuộc của bùn cứ áp lên da, xông vào mũi. Từng vợt bùn xúc lên. Họ dùng đôi tay chà nhẹ lên vợt bùn cho bùn sạch đi, cho đến khi trong đáy vợt xuất hiện những con trùng chỉ nhỏ li ti màu máu đỏ. Một cái thau cột theo bên người họ nổi lênh đênh trên mặt nước hôi thối. Họ dùng tay hốt trùng bỏ vào thau, những con trùng chỉ đỏ nhỏ như nhũng sợi dây cước dùng để đan lưới bén dài đôi ba cen-ti-met. Trông họ ai cũng vui mừng mỗi lần đãi có trùng vì với họ nó là con trùng vàng, trùng bạc. Chính nó đã tạo cho gia đình họ được cái ăn no sống đỡ qua ngày. Cái cực đối với họ quen rồi, đôi khi họ rất mặc cảm với cái nghề này. Nhiều người đi đãi trùng trên các con kênh gần chợ, gần đường không dấu sự mặc cảm: “Chúng tôi đãi trùng như vậy người ta cứ nhìn hoài. Họ thấy mình làm việc như thế dơ quá tò mò đứng lại xem, chúng tôi cúi mặc xuống không dám ngước lên nhìn lại họ. Có lần mấy người Tây đi ngang cho chúng tôi tiền rồi xin chụp hình...”. Trùng chỉ đem lại cho họ cái ăn, cái mặc nhưng nó cũng mang lại cho họ quá nhiều sự tủi cực và dơ bẩn. Ông Trương Văn Đước cùng vợ đã quá tuổi thất thập theo nghề này mới nghỉ làm hơn một năm bùi ngùi tâm sự: “Nhiều lúc chúng tôi tủi cho thân già mình vì nghèo đói phải ráng gượng sức để chèo xuồng đi đãi trùng bán kiếm tiền sống qua ngày. Vợ chồng già tôi có lúc phải chèo xuồng tới những bờ kênh, con rạch có nước thải sinh hoạt dơ bẩn ở gần hầm cầu, chuồng heo của người ta mà đãi trùng. Chính những nơi dơ như vậy mới có nhiều trùng sinh sôi nảy nở. Có lúc thấy ham vì trùng nhiều mà tôi lặn xuống múc bùn lên làm luôn”. Ngồi nói chuyện với vợ chồng ông bà Đước trong căn nhà trọ lụp xụp nóng toát mồ hôi, tôi không thể tưởng tượng được sự cực nhọc và dơ bẩn lẫn mặc cảm của những người làm nghề đãi trùng trên các con kênh hôi thối ở một thành phố đô thị như thế này. Đối với họ nghề này vất vả, chủ yếu làm ở những vùng nước dơ và hôi thối nhưng lại dễ làm ra tiền hơn dưới quê mình sinh sống. Bà Phạm Thị Niệm vợ ông Đước so sánh: “Một ngày mất năm, sáu tiếng đồng hồ, thậm chí cả sáng đêm chịu vất vả lênh đênh cùng với con xuồng, cái thau, cái vợt ngâm nước xúc bùn đãi trùng có hơn 50 ngàn chứ ở quê làm gì có được”. Chưa kể đến những lần đi đãi trùng ban đêm xuồng bị mắc cạn. Xuồng đi về không được, họ phải đợi cho nước lớn lên mới quay về. Dân làm trùng đêm sợ nhất những lần mắc cạn như thế. Cái đói, cái lạnh liên tục kéo đến, họ chỉ mong sao lúc đó có cái gì để ăn no và mặc vào cho ấm. Rồi họ kể những lần đi làm trùng ngoài bờ sông Sài Gòn, những chiếc thuyền, tàu buôn lớn, ca nô, bo bo... chạy nhanh, làm sóng xô vào bờ mạnh quá, toàn bộ thau trùng làm được lật úp xuống, tất cả theo nước chìm xuống... Tất cả làm lại từ đầu. Dẫu cho cuộc sống dưới quê túng thiếu bần hàn nhưng lại không ảnh hưởng sức khoẻ cho ngững người làm nghề này. Họ phải ngâm thân mình, hụp lặn xuống những dòng nước đen ngòm hôi thối của nước thải sinh hoạt của người dân thành phố. “Không biết có phải do nước thải ngấm vào mình, mùi hôi xông vào mũi hay không mà tự nhiên lên đây lại bị viêm xoang, ở dưới quê đâu có bị đâu. Nhiều lúc làm trùng chỉ ở những hầm cầu, nước thải phân heo chảy ra, nước cống dầu nhớt dính lên người ngứa đến nổi mụn loét lở nhưng cũng phải đi làm...” - anh Dũng vừa đưa điếu thuốc lên môi kéo một hơi dài tâm sự. Nhiều căn bệnh hậu do những nước thải sinh hoạt ngấm vào người sẽ gây ra nhiều chứng bệnh ngoài da như nấm, ghẻ lở, da nổi mụt nước... thậm chí dẫn đến những căn bệnh liên quan đến phổi, bệnh phong gây lở loét các đầu ngón tay rồi rụng đốt... Đã có nhiều trường hợp bị bệnh như thế không thể tiếp tục công việc làm nghề đãi trùng này nữa. Trùng chỉ phải qua nhiều giai đoạn lọc hết bùn cho sạch mới thành sản phẩm đi bán. Những người đi câu cá, cửa hàng nuôi cá kiểng đặt hàng mua loại trùng này. Một lon sữa bò trùng bán hai ngàn đồng, một ngày họ bán trên dưới năm chục lon trùng, kiếm cũng được gần một trăm ngàn đồng. Có lẽ số tiền này có thể nuôi cả gia đình họ nên đối với công việc khác họ không màng tới nữa. Nhưng tiếp xúc hằng ngày với nước thảy dơ bẩn này, nhiều người cũng mong tìm được một công việc khác phù hợp với sức lao động của mình mà lại tạo ra nhiều tiền như nghề làm trùng chỉ này thì họ sẽ không làm nữa. Anh Dũng ngồi than thở: “Ngày trước, tôi là một thợ may, rồi làm phụ hồ nhưng công việc đó tốn nhiều thời gian mà cực quá, ngày chỉ kiếm được 30 ngàn thiếu trước hụt sau rồi tôi nghỉ. Tôi theo cha vợ làm nghề này kiềm tháng hơn một triệu đồng chi phí gia đình nhờ đó mà cũng đủ chứ không đói. Tôi mong sao có công việc nào vừa sức lao động lại kiếm nhiều tiền tôi sẽ nghỉ làm nghề đãi trùng vì dễ bị bệnh quá!”. Thay lời kết Nghề đãi trùng chỉ là một nghề trong hàng trăm thứ nghề mà nhiều người dân tứ xứ ở mọi miền đất nước đổ lên thành phố tìm kế sinh nhai. Nhưng đối với những nghề khác, nghề đãi trùng chỉ rất khó khăn và cực nhọc. Họ phải ngâm mình liên tục xuống nước bẩn để xúc bùn đãi trùng. Công việc của họ ngày nào cũng phải ngâm mình lặn xuống hai, ba thước nước là chuyện thường. Những dòng nước ấy ở các con kênh lại rất dơ và hôi thối bởi có biết bao nhiêu loại hoá chất, nước sinh hoạt hằng ngày đổ ra đó để mà tạo ra những dãy sình có nhiều trùng chỉ. Âu chăng đó cũng là một cái nghề làm ăn chân chính kiếm ra nhiều tiền để cứu sống cả gia đình họ. Họ cúi đầu lặng lẽ với từng vợt bùn hôi thối. Họ làm tất bật và mong rằng trong vợt bùn ấy sẽ có thật nhiều trùng đổ vào thau cho ngày mai bán được nhiều tiền để trang trải cuộc sống qua ngày. Và tôi chỉ mong tương lai một ngày nào đó họ sẽ thoát khỏi những dòng nước đen ngòm và sự hôi tanh của mùi bùn độc hại. Thanh Long
Thanks bạn đã sưu tầm. nghề nầy cũng lắm công phu và khổ cực quá. Vậy mà mấy em cá nuôi ở nhà nhiều khi làm eo, không chịu ăn nữa chứ.
Sao có mấy người lại nói là trùn chỉ sống ở nơi hôi thối nhỉ? Tui không đồng ý với vấn đề này. Tui và một số người khác cho rằng trùn chỉ chỉ sống ở nơi sạch sẽ mà thôi. Chứ ở nơi dòng nước đen ngòm không thể nào có trùn chỉ được. Bản thân tui mua trùn về cũng cứ phải thay nước sau 6 tiếng hoài. Vì sau 6 tiếng thì nước sẽ bị dơ, bị vàng và nếu không thay nước thì nước sẽ bị đen (do trùn chết và hòa tan vào nước). Tui không tin là trùn chỉ có thể sống ở nơi dòng nước đen và ô nhiễm giống như bài báo nói được. Tuy rằng trùn chỉ sống ở đáy bùn nhưng mà là ở những khúc sông sạch sẽ, con trùn khó tính lắm, không sống ở nơi dơ bẩn và ô nhiễm được đâu.
Muốn biết, hôm nào bạn kiếm ít đất bỏ vào hủ, cho một cục trùn nhỏ vô quan sát sẽ thấy liền - Nhìn xung quan chỗ con trùn ở mới thấy ớn lạnh Có lần mình thí nghiệm nuôi đẻ không chăm sóc (lu ngoài trời ý), bỏ đất pha sét vào chum, cho cá cha ăn, sao bữa đó cá cha không ăn, sáng thấy loi nhoi dưới đáy, nhin kỹ thấy trùng chỉ làm tổ, xung quan nhìn khác lắm