Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Đặc điểm sinh học

Thảo luận trong 'articles archive' bắt đầu bởi vnreddevil, 22/6/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Đặc điểm sinh học

    Quần thể cichlid Trung Mỹ bao gồm rất nhiều loài có kích thước khác nhau. Những loài mà cá thể trưởng thành đạt kích thước trên 20 cm có thể được xếp vào nhóm cichlid kích thước lớn; nhóm này bao gồm những loài ở các chi Amphilophus, Vieja, Cichlasoma, Herichthys, Parachromis, Paratheraps... thậm chí, chúng ta có thể kể thêm một số loài ở Nam Mỹ như Cichlasoma festae, Caquetaia umbriferus hay cả cá La Hán, tức cá lai giữa những loài kể trên với nhau. Hiểu rõ về đặc điểm sinh học của những loài này là điều kiện tiên quyết để cho chúng sinh sản một cách thành công trong môi trường hồ nuôi.

    Trước hết, cichlid nói chung là loài sinh sản cơ hội, nghĩa là chúng sẽ sinh sản vào bất cứ thời điểm nào trong năm mỗi khi gặp điều kiện thuận lợi về môi trường mà chủ yếu là nguồn thức ăn dồi dào cho bầy cá con. Mặt khác, hoạt động sinh sản của cichlid Trung Mỹ cũng diễn ra theo mùa, cụ thể là vào mùa mưa bởi vì mùa mưa cung cấp đầy đủ những yếu tố thuận lợi nêu trên. Mùa mưa ở vùng Trung Mỹ thường bắt đầu từ tháng 8 và kéo dài đến cuối tháng 12 hàng năm. Được biết, có hai giai đoạn mà hoạt động sinh sản đạt đến đỉnh điểm; đó là các giai đoạn vào thời điểm đầu và cuối của mùa mưa.

    Cichlid Trung Mỹ có khả năng thích nghi với môi trường có tầm biến thiên rộng về độ pH và độ cứng vì vậy chúng ta không gặp phải khó khăn gì khi chuẩn bị nguồn nước thích hợp để chúng sinh sản, chỉ cần sử dụng nước máy là được nhưng nhớ phải để một thời gian cho chất sát trùng trong nước bay hơi hết vì cichlid rất nhạy cảm với chất này. Chúng cũng thích hợp với môi trường nước có nồng độ ô-xy hòa tan cao, do đó vai trò của máy sục khí trong hồ đẻ là rất quan trọng vì các bọt khí phá vỡ lớp màng protein trên mặt nước và giúp cho việc trao đổi khí tại đấy được tốt hơn. Thực tế, người ta thường bỏ thêm ít muối vào hồ để làm tăng khả năng sát khuẩn cho nước; hoạt tính của muối trong môi trường giàu ô-xy cũng trở nên mạnh hơn, ngăn ngừa nguy cơ cá bố mẹ hay trứng cá bị vi khuẩn gây bệnh tấn công. Trong tự nhiên, cichlid phân bố hoàn toàn ở vùng nhiệt đới cho nên nhiệt độ trong hồ đẻ nên được điều chỉnh ở mức từ 25oC đến 30oC và nhất thiết không được để nhiệt độ tụt xuống dưới 20oC vì nếu để vậy một thời gian dài thì cá có thể bị chết.

    Độ tuổi thành thục sinh dục ở mỗi loài có khác nhau, thông thường là trên 6 tháng và đạt kích thước từ 10 đến 15 cm; một số loài như Vieja argentea hay Paratheraps bifasciatus thành thục khá chậm, ở độ tuổi từ 1 đến 2 năm. Việc phân biệt giới tính cá trước thời điểm thành thục là rất khó khăn vì không hề có đặc điểm bên ngoài nào cho thấy có sự khác biệt rõ rệt về giới tính. Có chăng chẳng qua là cá đực lớn nhanh hơn rất nhiều so với cá cái vì hầu hết năng lượng mà cá cái tiêu thụ được đều chuyển hoá vào buồng trứng với mục đích duy trì nòi giống; do vậy nếu quan sát trên cùng một bầy cá, những cá thể to lớn có nhiều khả năng là cá đực. Một số cá đực có đầu phát triển rất to; đây cũng là một đặc điểm để phân biệt; tuy nhiên, không phải cá đực nào cũng có đầu to hoặc đôi khi cũng có cá cái đầu rất to vì vậy cách phân biệt này không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Ngoài ra, cá cái trưởng thành khi phát dục cũng hay đẻ trứng lên thành hồ; hiện tượng này thường được thấy khi nuôi cá trong hồ kiếng nhiều ngăn; có lẽ hình ảnh cá đực ở ngăn bên cạnh có tác động đáng kể đến sự phát dục ở cá cái mặc dù chúng không tiếp xúc trực tiếp với nhau. Ở một số loài, cá cái thường có chấm đen trên vây lưng; đây cũng có thể coi là một gợi ý để phân biệt giới tính của cá tuy không hoàn toàn đúng đối với mọi cá thể. Cách phân biệt tương đối phổ biến đối với người nuôi cá là quan sát bộ phận sinh dục (genital papilla) của cá. Cá trưởng thành thường phát dục ở một số thời điểm nhất định, khi đó bộ phận sinh dục của chúng sẽ lồi hẳn ra ngoài, rất dễ quan sát. Bộ phận sinh dục của cá đực hay ống dẫn tinh có hình ống, hẹp, hướng thẳng đứng hay hơi chếch lên phía trước còn bộ phận sinh dục của cá cái hay vòi trứng (oviduct) hơi lài, thuôn theo thân mình. Cách phân biệt như trên không thể áp dụng cho các tiệm cá hay trang trại cá cảnh khi mà việc phân biệt được tiến hành đồng loạt với hàng trăm cá thể một lúc. Trường hợp này, người ta phải bắt cá ra rồi dùng kính lúp quan sát bộ phận sinh dục ngoài của chúng. Bộ phận sinh dục của cá đực có dạng chữ V còn cá cái có dạng chữ U [hình 1]; tuy nhiên, công việc này cũng đòi hỏi người quan sát phải có nhiều kinh nghiệm vì sự khác biệt là rất nhỏ và chỉ thực sự chính xác một khi cá đã trưởng thành, nghĩa là bộ phận sinh dục của chúng đã phát triển một cách hoàn thiện.

    [​IMG]
    Hình 1. Cách phân biệt giới tính cichlid. (Trên cùng) Bộ phận sinh dục của cá đực hẹp, có hình ống, hướng thẳng đứng hay hơi chếch lên phía trước. (Giữa) Bộ phận sinh dục của cá cái hơi lài, thuôn theo thân mình. (Dưới cùng) So sánh bộ phận sinh dục của cá đực và cá cái. Cá đực có bộ phận sinh dục hẹp (chữ V). Cá cái có có bộ phận sinh dục tròn (chữ U) và mấu.

    Ở hầu hết các loài trong tự nhiên, cá đực trưởng thành thường thiết lập một vùng lãnh thổ có bán kính khoảng hai mét kể từ vùng trung tâm mà từ đó nó quyến rũ cá cái vào để đẻ trứng. Giai đoạn này, đầu cá thường phát triển to lên và màu sắc cũng trở nên sặc sỡ hơn. Cặp cá, nhất là cá cái trở nên rất hung dữ và đánh đuổi tất cả cá khác lọt vào vùng lãnh thổ của chúng; điều được xem là rất cần thiết để bảo vệ tổ trứng và bầy cá con sau này [hình 2]. Do đó, khi lựa chọn cá giống để cho đẻ trong hồ, chúng ta cần chọn cá đực có kích thước lớn hơn nhiều so với cá cái để có thể khống chế cá cái dễ dàng, từ đó hạn chế xảy ra xung đột[hình 3]. Các hành vi thường thấy của cặp cá là việc chuẩn bị tổ để đẻ trứng. Rác, đá, sỏi và thực vật thủy sinh được dọn dẹp triệt để, đẩy ra xa khỏi tổ, vì vậy tránh trồng rong và thực vật thủy sinh trong hồ cá đẻ. Về phương thức đẻ trứng, cichlid Trung Mỹ kích thước lớn là những loài đẻ trứng mặt đáy (substrate spawning), nghĩa là toàn bộ hoạt động đẻ và thụ tinh cho trứng được thực hiện trên một bề mặt cố định. Cặp cá sẽ lựa chọn bề mặt thích hợp rồi thay nhau dùng miệng chùi sạch trước khi cá cái đẻ trứng lên đó. Một lứa đẻ và chăm sóc cá con thường diễn ra trong khoảng thời gian là 4 tuần, sau đó cặp cá có thể tiếp tục đẻ lứa tiếp theo. Hiện chưa có nghiên cứu nào khẳng định cặp cá gắn bó với nhau một cách lâu dài và chúng đẻ bao nhiêu đợt trong một năm; tuy nhiên những quan sát trong môi trường nuôi dưỡng nhân tạo cho thấy nếu có nhiều cá cái hiện diện trong cùng một hồ thì cá đực có khả năng thay đổi đối tượng ghép cặp sinh sản [hình 4]; mặt khác nếu lứa trứng đầu tiên bị hư hay được lấy đi, cá cái có thể đẻ lứa kế tiếp khoảng 1-2 tuần sau đó, kế đó nghỉ tiếp khoảng 2 tháng trước khi có thể đẻ lứa mới. Cá bố mẹ sẽ cùng nhau chăm sóc và bảo vệ tổ trứng và cá con một khi chúng nở; đây là hành vi khá hiếm ở loài cá, đặc biệt là vai trò của cá cái trong quá trình sinh sản; điều lý giải tại sao cichlid lại tồn tại và phát triển rất mạnh mẽ ở nhiều vùng trên thế giới. Trong thời gian ấp trứng, cá cái chuyên tâm vào công việc dùng vây quạt nước để cung cấp ô-xy cho trứng và ăn trứng hư trong khi cá đực chủ yếu làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài.

    [​IMG]
    Hình 2. Cặp Arrow cichlid Amphilophus zaliosus trong giai đoạn ghép cặp. Những xung đột như thế này dường như là nghi thức dạo đầu không thể thiếu trong quá trình sinh sản. Một số người sợ cá đực bị cắn hư vây nên dùng bấm móng tay cắt hết răng của cá cái trước khi thả chung.

    [​IMG]
    Hình 3. Cặp Midas Amphilophus citrinellus trong giai đoạn ghép cặp. Cá cái có kích thước nhỏ hơn rất nhiều so với cá đực (khoảng 75%) để hạn chế xung đột. Vòi trứng xuất hiện ở cá cái (vòng tròn đỏ) là dấu hiệu chứng tỏ nó sắp đẻ trứng.

    [​IMG]Hình 4. Gia đình Red Devil Amphilophus labiatus. Phía bên trái là cá cái với đàn con mới nở được vài ngày tuổi. Phía bên phải là cá đực đang ghép cặp với một cá cái khác (ở giữa).

    Giá thể để cá đẻ trứng và thụ tinh thường rất đa dạng tùy vào môi trường sinh sống cụ thể của mỗi loài chẳng hạn như các khúc gỗ hay rễ cây chìm dưới đáy, vách đá hay thậm chí là vách hang được cá bố mẹ đào dưới đáy hồ như ở một số loài ở Nicaragua. Tuy vậy, vẫn có một điểm chung, là dù trên loại vật liệu nào thì chúng đều đẻ trên các bề mặt thẳng đứng. Trong hồ nuôi, người ta thường bỏ vào các mảnh chậu lật úp hay đơn giản là một chậu cây làm giá thể cho cá đẻ trứng [hình 5]. Đây là cách sinh sản hoàn toàn tự nhiên và cũng theo cách này, người nuôi cá được khuyên là nên để cá bố mẹ chăm sóc cá con khoảng 2-3 tuần trước khi cách ly cá bố mẹ ra để nuôi riêng, nhờ vậy cá con được chăm sóc tốt sẽ đạt tỷ lệ sống cao. Mặt khác, trong giai đoạn đầu đời cá con cũng ăn chất nhớt trên mình cá bố mẹ tuy chúng không phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn này như ở cá đĩa. Với số lượng từ vài trăm đến vài ngàn con một đợt đẻ thì tỷ lệ sống cao cũng không có ý nghĩa gì nhiều mà chủ yếu là vì cách này đem lại nhiều thích thú cho người nuôi khi quan sát cá bố mẹ bận rộn chăm sóc và bảo vệ đàn con. Tuy nhiên, với những nhà lai tạo cá chuyên nghiệp, khi mật độ sinh sản cần được đẩy lên đến mức tối đa thì trứng thường được đem sang hồ ấp riêng để cá bố mẹ có thời gian hồi phục và chuẩn bị cho lứa đẻ kế tiếp. Theo cách này, giá đẻ thường được chọn là miếng đá, gạch hay chậu dẹp [hình 6] để tiện di chuyển và chăm sóc trứng. Khi mang sang hồ ấp, giá đẻ được dựng thẳng lên thành hồ và đầu sục khí được bố trí gần đó để tạo dòng nước cuộn lên cung cấp ô-xy cho trứng. Đầu sục khí cũng không được quá mạnh để tránh trứng bị cuốn đi mất.

    [​IMG]
    Hình 5. (Trái) Loài đặc hữu Amphilophus sagittae ở hồ Xiloa, Nicaragua đào hang đẻ trứng và chăm sóc bầy cá con. (Phải) Giá đẻ là chậu trồng cây bằng đất sét nung như thế này rất phổ biến trong giới nuôi và lai tạo cichlid kích thước lớn.

    Với cách sinh sản tự nhiên, cá bố mẹ đôi khi bị cho là ăn hết cá con. Đây là điều rất hiếm khi xảy ra vì nó trái với bản năng bảo vệ con ở những loài này và tất phải có nguyên nhân; thông thường là do cặp cá bố mẹ bị stress hay chúng cố ý ăn những con cá yếu, cá bị bịnh. Vì vậy ở tuần đầu tiên khi cá con mới nở, chúng ta không nên thay đổi môi trường sống quen thuộc của chúng như cọ rửa, thay nước, tái bố trí hay dịch chuyển hồ; tuy nhiên cũng không nhất thiết phải giữ kẽ đến mức không dám bật đèn sáng hay xuất hiện gần hồ cá; chỉ cần duy trì việc chăm sóc như bình thường là được. Máy bơm cũng có thể là một nguyên nhân vì nó hút cá con lên máng lọc, rồi cá con bị kẹt và chết ở đó. Máy bơm trong hồ nuôi cá con phải được gắn với cục mút để làm giảm lực hút hay được thay bằng máy lọc khí. Ngoài ra, hành vi thường thấy ở cặp cá bố mẹ là chúng đớp cá con vào miệng rồi đem nhả lại vào tổ. Không may, những cặp cá bố mẹ mới đẻ lần đầu và chưa có nhiều kinh nghiệm thường nuốt luôn cá con nhưng hiện tượng này sẽ giảm dần và mất hẳn ở những lứa đẻ kế tiếp. Cho nên, chúng ta không nhất thiết phải tách cá bố mẹ ra khỏi bầy vì như vậy chúng có thể mất khả năng tự điều chỉnh; mặt khác chúng cũng có thể xung đột và không ghép cặp với nhau nữa tuy khả năng này là rất nhỏ.

    Cách ấp trứng nhân tạo cũng có rủi ro là toàn bộ trứng sẽ bị hư hết vì nhiều lý do chẳng hạn như không đủ ô-xy, dòng nước quá mạnh hoặc bị nấm tấn công. Bởi vậy sự chăm sóc của cặp cá nhất là cá mẹ là rất quan trọng trong thời kỳ này. Nó thường dùng vây quạt nước để cung cấp ô-xy cho tổ trứng và ăn hết những trứng bị hư, tránh lây bệnh cho những trứng khỏe mạnh. Mặt khác, nếu để cặp cá chăm sóc cá con cho đến khi chúng đạt vài tuần tuổi thì việc tách bầy sẽ rất khó khăn và chắc chắn gây những xáo trộn đáng kể lên toàn bộ bố trí của hồ đẻ. Vì vậy, cách hợp lý hơn cả là dùng ống siphon để hút cá con ra nuôi riêng khi chúng bắt đầu bơi được vài ngày, như vậy sẽ dễ hơn là để chúng lớn hẳn vì lúc này cá con thường co cụm lại với nhau.

    [​IMG]
    Hình 6. (Trái) Cá thể Midas cái Amphilophus citrinellus đang dùng miệng chùi sạch giá thể trước khi đẻ trứng. (Phải) Cặp Herichthys sp. turquoise đẻ trứng lên giá thể là một tấm gạch dẹp. Giá thể này sau đó có thể được mang qua hồ khác để ấp riêng.

    Sau đây là những hình ảnh minh họa về quá trình sinh sản trong hồ nuôi của một số loài cichlid Trung Mỹ kích thước lớn.

    [​IMG]
    Chuỗi hình mô tả quá trình sinh sản của một cặp Midas Amphilophus citrinellus trong hồ cảnh [hình trái] Cặp cá đang vờn nhau. Cá cái xuất hiện vòi trứng chứng tỏ nó sắp đẻ [hình giữa] Cá cái tiến vào đẻ trứng trên bề mặt thẳng đứng của một mảnh chậu vỡ lật úp [hình phải] Kế đó, cá đực tiến vào thụ tinh cho trứng.

    [​IMG]
    [hình trái] Cá con mới nở còn chưa bơi được.Tương tự hầu hết các loài cichlid đẻ trứng mặt đáy khác, chúng có một cặp bộ phận keo dính mà một đầu dán vào đáy còn đầu kia có thể dán vào cá khác cùng bầy. Cách cấu tạo như vậy có thể giúp chúng không bị dòng nước chảy mạnh cuốn trôi đi [hình phải] Cá bố mẹ thường di chuyển cá con vào một hố đào sẵn để tiện chăm sóc và bảo vệ.

    [​IMG]
    [hình trái] Bầy cá con bắt đầu bơi lội tự do sau đó vài ngày [hình phải] Cá bố mẹ đang chăm sóc con. Lúc này, chúng rất dữ tợn cho nên chúng ta phải cẩn thận mỗi khi cho tay vào hồ làm vệ sinh.

    [​IMG]
    Chuỗi hình mô tả quá trình sinh sản của một cặp cá Báo đốm (Jaguar cichlid) Parachromis managuensis trong hồ cảnh. [hai hình trái] Cá cái đang đẻ trứng lên phiến đá, vòi đẻ trứng của nó lồi hẳn ra ngoài [hình phải-trên] Cá đực tiến vào thụ tinh cho trứng [hình phải-dưới] Cá cái đang chăm sóc tổ trứng. Một số trứng bị hư có màu trắng đục sẽ được nó dọn sạch để giữ vệ sinh cho toàn bộ tổ trứng.

    [​IMG]
    [hình trái-trên] Cặp cá đang dùng vây quạt nước để cung cấp ô-xy cho tổ trứng [hình trái-dưới] Cá con mới nở được cá bố mẹ gom vào một hố ở ngay phía dưới tảng đá, lúc này chúng còn chưa bơi được [hình phải] Cá bố mẹ với đám mây cá con sau đó vài ngày khi chúng bắt đầu bơi lội được.
     
    Chỉnh sửa cuối: 22/6/17

Chia sẻ trang này