Kỹ thuật nuôi luân trùng Brachionus plicatilis 1 Điều kiện môi trường a) Độ mặn - Luân trùng rộng muối có thể chịu đựng được độn mặn trong khoảng 1 - 67ppt, có khi đến 97ppt. - Độ mặn thích hợp nhất cho luân trùng 30ppt. - Độ mặn ảnh hưởng tới sự sinh sản của luân trùng, độ mặn cao làm giảm tốc độ thức ăn của luân trùng. - Khi nuôi cần chú ý đến độ mặn nước ương ấu trùng tôm cá để nuôi luân trùng với độ mặn thích hợp. b) Nhiệt độ Nhiệt độ thích hợp cho luân trùng phụ thuộc vào hình thái của chúng. Luân trùng dòng lớn (dòng L) sẽ phát triển tốt ở nhiệt độ 18 - 25 độ C trong khi luân trùng dòng nhỏ (dòng S) thích hợp với nhiệt độ là 28 - 35 độ C, nhưng nhìn chung dao động nhiệt độ thích hợp cho luân trùng là 20 – 30 độ C (Fulks và Main, 1991). Nhiệt độ ảnh hưởng đến thành phần sinh hoá và khả năng tiêu thụ thức ăn của luân trùng. Ở nhiệt độ cao sẽ tăng khả năng tiêu thụ thức ăn đồng thời tăng chi phí thức ăn. Ở nhiệt độ cao, luân trùng sẽ tiêu thụ rất nhanh nguồn carbohydrate vầ chất béo dự trữ (Dhert, 1996). c) pH Trong tự nhiên luân trùng có thể sống ở pH từ 5 - 10, thích hợp nhất ở 7,5 - 8,5 (Hoff và Snell, 2004). Hoạt động bơi lội và hô hấp của luân trùng hầu như không thay đổi khi pH trong khoảng 6,5 - 8,5 và suy giảm khi pH dưới 5,6 hoặc trên 8,7 (Nogrady 1993). Hoạt động bơi lội của luân trùng trong môi trường kiềm giảm nhanh hơn trong môi trường axit. d) Ánh sáng Khi so sánh hệ thống nuôi ngoài trời với ánh sáng mặt trời đầy đủ và nuôi trong điều kiện tối, Fukusho (1989) nhận thấy luân trùng B. plicatilis phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng đầy đủ. Theo Fulks và Main (1991), ánh sáng kích thích sự phát triển của luân trùng nhờ vào sự gia tăng phát triển của vi khuẩn quang hợp và tảo trong bể nuôi. e) Oxy - Luân trùng có khả năng chịu đựng ở điều kiện oxy dưới 2ppm. - Nồng độ oxy trong bể nuôi luân trùng sẽ thay đổi rất lớn tùy theo nhiệt độ, độ mặn, mật độ luân trùng, loại thức ăn, mật độ thức ăn. - Sục khí với tốc độ 60 - 100 lít/phút/m3 có thể đảm bảo đủ oxy cho luân trùng nuôi. f) NH3 NH3 gây độc đối với động vật thủy sinh. Hàm lượng N-NH3 trong hàm lượng tổng cộng N-NH4+ (TAN) có phụ thuộc vào pH và nhiệt độ. Fulks và Main (1991) đã nêu ra mối quan hệ giữa hàm lượng NH3 và mật độ luân trùng thấp trong bể nuôi luân trùng. Họ cũng đã điều tra về ảnh hưởng tức thời và lâu dài của NH3 đến tốc độ phát triển và sinh sản của luân trùng và đi đến kết luận “NH3 là một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển quần thể trong hệ thống nuôi luân trùng”. Hoff và Snell (2004) đề nghị hàm lượng NH3 trong bể nuôi luân trùng không nên vượt quá 1 ppm. NH3 ở nồng độ 8-13 ppm sẽ làm giảm 50% sức sinh sản và tốc độ tăng trưởng của quần thể (Fulks và Main, 1991). g) N-NO2- Theo Groeneweg and Schluter (1981), hàm lượng N-NO2- đạt từ 10 - 20ppm không gây độc đối với luân trùng Brachionus rubens. Lubzens (1987) cho rằng ở nồng độ 90 - 140 ppm N-NO2- gây độc đối với luân trùng. 2. Thức ăn và cách cho ăn - Với hàm lượng HUFA cao, Chlorella không chỉ là thức ăn quan trọng của luân trùng mà còn được dùng để làm giàu acid béo cho luân trùng và một số động vật phù du khác trước khi dùng chúng làm thức ăn cho cá và các loài nuôi thủy sản khác. - Theo Trần Tấn Huy và ctv (2006), sử dụng 5% tảo Chlorella và 95% men bánh mì cho hiệu quả về năng suất luân trùng và chất lượng dinh dưỡng cao. Ngoài ra, để tăng giá trị dinh dưỡng và giảm giá thành sản xuất luân trùng, người ta thường sử dụng kết hợp các loại thức ăn với nhau mà phổ biến nhất là kết hợp giữa men bánh mì và tảo. Lượng tảo cho vào càng nhiều càng tốt bởi vì nó không chỉ làm thức ăn cho luân trùng mà còn có tác dụng cải thiện chất lượng môi trường nước nuôi và là nhân tố khống chế vi khuẩn gây bệnh (Dhert, 1996). - Do vậy, để cung cấp thức ăn đồng thời làm giàu hóa HUFA cho luân trùng trong quá trình nuôi nên sử dụng thức ăn là tảo Chlorella và men bánh mì với công thức là 5% tảo Chlorella và 95% men bánh mì. - Cách cho ăn: Do luân trùng có đặc tính ăn lọc và liên tục nên khi cho ăn phải cung cấp thức ăn với lượng vừa phải với khoảng cách cho ăn ngắn nhằm hạn chế tình trạng trong bể luân trùng thừa thức ăn (làm giảm chất lượng nước) nhưng luân trùng vẫn bị đói (do không cung cấp thức ăn mới kịp thời). Như vậy, tần suất cho ăn là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng và tốc độ phát triển của luân trùng. Luân trùng phải được cho ăn thường xuyên với lượng nhỏ nhằm duy trì chất lượng nước và tránh trường hợp cho ăn thừa hoặc bỏ đói luân trùng. Ngoài ra, nếu luân trùng bị đói trước khi thu hoạch thì giá trị dinh dưỡng của chúng sẽ rất thấp. Đây cũng là một nguyên nhân làm tăng tỉ lệ hao hụt của ấu trùng tôm cá khi sử dụng luân trùng làm thức ăn. * Kỹ thuật làm giàu hóa HUFA bằng tảo: tảo cấp đầy bể nuôi sau đó cho luân trùng vào, mật độ cao 700- 1200 ct/ml. Sau 24giờ thu hoạch luân trùng cho ấu trùng cá ăn. 3. Phòng ngừa địch hại - Trong suốt thời gian nuôi, cần phải định lượng và kiểm tra luân trùng hàng ngày dưới kính hiển vi Copepod, Protozoa, vi khuẩn là một trong những yếu tố làm suy giảm luân trùng ngoài yếu tố môi trường xấu quá mức, nhất là NH3. - Theo dõi tốc độ sinh sản cũng như hoạt động của luân trùng cho biết được luân trùng có khỏe hay không. 4. Giàu hóa HUFA cho luân trùng - Giá trị dinh dưỡng của luân trùng phụ thuộc vào loại thức ăn mà chúng ăn vào, nên khi nuôi luân trùng bằng thức ăn kém dinh dưỡng thì luân trùng cũng khó đáp ứng đầy đủ nhu cầu dinh dưỡng cho đối tượng nuôi, nhất là ấu trùng tôm, cá biển. Vì thế, việc bổ sung dinh dưỡng cho luân trùng sau khi nuôi là rất cần thiết trước khi cho ấu trùng tôm, cá ăn. - Để bổ sung dinh dưỡng cho luân trùng bằng cách làm giàu hóa thành phần HUFA (n-3), đây là những acid béo không no cao phân tử, sẽ giúp cho luân trùng tăng thành phần dinh dưỡng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho ấu trùng tôm, cá. Sau đây là một số phương pháp làm giàu hóa HUFA cho luân trùng. + Bổ sung bằng tảo Những loài tảo chứa nhiều acid béo cao không no như tảo Nanochloropsis (chứa nhiều 20:5n-3) và Isochysis (chứa nhiều 22:6n-3) là rất lý tưởng làm thức ăn cho luân trùng. Mật độ tảo thích hợp là 5 triệu tb/ml. Sau khi cho luân trùng cô đặc vài giờ, luân trùng sẽ ăn tảo đầy cơ thể và chúng có thể được dùng làm thức ăn cho ấu trùng tôm cá. Tùy từng nhu cầu của đối tượng nuôi mà dùng tảo khác nhau với chất lượng khác nhau. Để duy trì chất lượng luân trùng tốt, trong bể nuôi ấu trùng tôm cá cũng cần có tảo để vừa làm sạch môi trường vừa làm thức ăn cho luân trùng trong bể trước khi luân trùng trở thành thức ăn cho ấu trùng tôm cá. + Bổ sung bằng thức ăn tổng hợp Nhiều loại thức ăn tổng hợp đã được dùng để bổ sung dinh dưỡng vào luân trùng và đã cho kết quả rất tốt như DHA-CS, DHA-PS, SS. Ưu điểm của phương pháp này là thức ăn có nguồn HUFA ổn định và tương đương với HUFA từ các loại phiêu sinh động vật ngoài tự nhiên. Phương pháp này đơn giản, tiện lợi và ít tốn lao động hơn so với việc bổ sung bằng tảo. + Bổ sung bằng dầu cá - Đây là phương pháp đơn giản, rẻ và dễ thực hiện nhất. Có thể tự chế thức ăn bằng cách dùng dầu cá, dầu mực trộn với lòng đỏ trứng gà hay có thể dùng với dạng thương mại. - Luân trùng với mật độ 200-300 con/ml cho vào dung dịch dầu cá khoảng 6 giờ, sau đó thu rửa và cho ấu trùng tôm cá ăn. - Phương pháp này đã được thí nghiệm và kết quả là: Hàm lượng DHA-EPA cực đại đạt được ở nghiệm thức giàu hóa luân trùng với viên dầu gan mực sau 6 giờ (DHA= 73,2, EPA= 46,3 mg trên trọng lượng khô), nghiệm thức giàu hóa luân trùng với DHAce (DHA= 64,8, EPA= 64,3 mg trên trọng lượng khô) sau 12 giờ, Protein Selco (DHA= 65,7, EPA= 24 mg trên trọng lượng khô) sau 3 giờ và Aqualene (DHA= 7,3, EPA= 2,7 mg trên trọng lượng khô) sau 12 giờ. Từ các kết quả nghiên cứu trên, có thể kết luận rằng sản phẩm giàu hóa luân trùng tốt nhất có thể ứng dụng trong ương nuôi ấu trùng cá đó là viên dầu gan mực và Protein Selco bởi vì thời gian giàu hóa ngắn và cho luân trùng có hàm lượng EPA và DHA cao. - Ngoài ra, Vitamin C rất cần thiết cho ấu trùng tôm cá. Có thể bổ sung vitamin C thông qua tảo. Bên cạnh đó, cũng có thể bổ sung Protein bằng các Protein tổng hợp nhằm đảm bảo hàm lượng Protein tốt cho ấu trùng tôm cá. 5. Thu hoạch - Dùng lưỡi lọc để cô đặc lại trước khi cho ấu trùng tôm cá ăn để loại bỏ nước dơ bẩn và các chất cặn bã lơ lửng. - Cho nước nuôi luân trùng qua lưới 250µm để loại copepod sau đó cho qua lưới 80-100µm. - Sau khi thu hoạch cần rửa luân trùng bằng nước sạch trước khi cho ấu trùng tôm cá ăn. * Lưu ý: trong khi lọc túi lọc phải luôn ngập nước tránh để khô luân trùng yếu và dễ bị chết. 6. Lưu giữ giống luân trùng Nhằm chủ động và duy trì nguồn giống luân trùng sạch hạn chế rủi ro thường hay xảy ra trong quá trình nuôi sinh khối. Luân trùng được nuôi trong môi trường có tảo sạch trong phòng thí nghiệm và được định kì san, nhân lên trong các dung tích nhỏ. Đây là phương pháp an toàn, dễ thực hiện. - Thực hiện trong ống nghiệm 50ml đặt trên giá quay, giúp đảo lộn không khí và nước trong ống nghiệm, giá nuôi được đặt trong phòng thí nghiệm, nhiệt độ 28 độ C, cường độ ánh sáng 2000 lux. Dụng cụ nuôi được khử trong tủ sấy và nước sôi 25ppt cũng được khử trùng bẳng NaClO 5ppm trước khi sử dụng. - Mật độ luân trùng cấy vào ống nghiệm là 2 con/ml - Thức ăn cho luân trùng là Chlorella đã được cô đặc (1 - 2x10 8tb/ml), lưu giữ ở 4 độ C trong một tuần - Mỗi ngày cho luân trùng ăn 200µl/ống nghiệm, nếu dùng tảo tươi thì dùng 4ml cho mỗi ống. - Sau một tuần, mật độ luân trùng có thể tăng đến 200con/ml. Dùng một lượng nhỏ để làm giống, lượng còn lại được dùng nuôi ở bình hay bể lớn hơn. * Ngoài ra còn có một số phương pháp: - Phương pháp giữ lạnh cũng đã dược thử nghiệm, nhiệt độ nước 4 độ C và thay nước cấp tảo có thể duy trì mật độ trong khoảng 22 ngày. - Phương pháp cấp đông thử nghiệm dưới dạng trứng nghỉ ở nhiệt độ -196 độ C trong chất chống đông dimethyl sulfoxide. Nguồn: Khoa Thủy sản – Đại học Cần Thơ.