Dưới đây là bài phát biểu của ông Jackie Chan thuộc công ty cá cảnh Đông Hải tại hội nghị thường niên của GFSA tổ chức tại Akron, tháng 8-2005. Bài phát biểu đề cập về lịch sử và hiện trạng của nghề nuôi cá vàng ở Trung Quốc và Hồng Kông những năm vừa qua. Cá vàng ở Trung Quốc và Hồng Kông Jackie Chan – Công ty cá cảnh Đông Hải Kính chào quý vị thính giả. Tôi rất hân hạnh được trình bày về nguồn gốc của cá vàng. Loại cá vàng mà chúng ta thấy ngày nay không tồn tại ngoài tự nhiên mà được người Trung Hoa lai tạo từ đột biến tự nhiên của loài cá diếc hoang (crucian carp - Carassius auratus) [1]. Cá diếc hoang là loài cá lương thực bản địa ở Trung Quốc, nơi chúng tồn tại trong các ao hồ và sông suối. Vào khoảng năm 250 sau công nguyên, cá vàng trong tự nhiên cực hiếm và do đó rất bí ẩn đối với mọi người và được coi là linh thiêng. Ghi nhận sớm nhất về cá vàng là vào thời nhà Tấn (254-420). Khi đạo Phật thâm nhập vào Trung Quốc vào đời Đường (618-907), những nhà sư đã đào nhiều ao hồ để thả cá. Một trong số cá dùng vào mục đích này là cá vàng. Cũng trong thời gian này, cá vàng được thuần dưỡng và lai tạo với mục đích làm cảnh. Vào thời Nam Tống (1127 - 1279), hoàng đế Cao Tông rất yêu thích và nuôi nhiều cá vàng trong cung điện của mình. Việc nuôi cá vàng khiến một nghề mới ra đời – nghề chăm sóc và duy trì những con cá xinh đẹp này. Cùng lúc, các chuyên gia xuất hiện và việc lai tuyển chọn bắt đầu. Thời đó, có rất nhiều quan lại theo gương của vị hoàng đế và việc nuôi cá vàng trở nên phổ biến trong tầng lớp quan lại cũng như những nhà quyền quý đủ tiền mua những con cá quý giá này. [2] Nhờ nghệ thuật lai tuyển chọn mà nhiều dòng cá vàng ra đời. Khi Trung Quốc thiết lập quan hệ thương mại với các nước lân bang, ngành xuất khẩu cá vàng rất phát triển. Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên nhập khẩu cá vàng với trường hợp xưa nhất được ghi nhận là vào những năm 1600. Ở Trung Quốc ngày nay, các nhà sinh học tiến hành những nghiên cứu về nguồn gốc của cá vàng. Họ tin rằng cá diếc và cá vàng thuộc về cùng một chi và loài, bởi vì: 1. Các dòng cá vàng và cá diếc có thể lai với nhau và cá con cũng có khả năng sinh sản. 2. Cá vàng và cá diếc có cùng phản ứng huyết thanh. 3. Cá vàng và cá diếc chỉ khác biệt đôi chút về màu sắc và mức độ thân thuộc với con người. Cả hai có bào thai và những giai đoạn phát triển ban đầu tương tự như nhau. Dựa trên nghiên cứu khoa học cùng với những dữ kiện lịch sử, tất cả đều cho thấy rằng cá diếc là tổ tiên của cá vàng ngày nay và rằng nguồn gốc của cá vàng là ở Trung Quốc. Sự phát triển của cá vàng ở Trung Quốc cũng có lúc bị gián đoạn. Trong giai đoạn cách mạng văn hóa trước đây, cá vàng bị coi là biểu tượng của sự xa xỉ và người ta cố gắng loại bỏ chúng vì là thứ gợi nhớ thời phong kiến. Khi đó, việc lai tạo cá vàng chỉ diễn ra một cách bí mật. Vào thời cải tổ, nghệ thuật nuôi dưỡng cá vàng được mở rộng và hồi sinh. Thậm chí, trong vài năm vừa qua, số lượng các dòng cá vàng mới gia tăng một cách đáng kể, có lẽ là kết quả của nhu cầu bị dồn nén trước đây. Chính quyền hỗ trợ cho việc tái thiết ngành công nghiệp cá vàng, và phân bổ ngân sách cho việc xây dựng các công viên nuôi cá vàng, các cơ sở nghiên cứu và hạ tầng cho việc phát triển cá vàng. Đến nay, chúng tôi tập trung hoàn toàn vào việc phát triển cá vàng ở Hoa lục. Gần 30 mươi năm trước đây, người miền nam Trung Quốc đem cá vàng đến Hồng Kông, một trong những con cá đầu tiên là cá vàng oranda và lan thọ. Những con cá ban đầu này có chất lượng tuyệt vời mặc dù số lượng có hạn. Cùng lúc với việc giới thiệu cá vàng từ Hoa lục vào Hồng Kông, các dòng cá vàng từ Nhật Bản như ranchu và lưu kim nhật (ryukin) cũng được giới thiệu vào đây. Bởi vì giá nhân công và đất ở Hồng Kông tương đối cao so với Hoa lục, hiếm có trang trại quy mô lớn nào được xây dựng. Hồng Kông chủ yếu đóng vai trò nhà xuất khẩu cá vàng đến những nơi khác trên thế giới. Hiện nay, có sáu yếu tố đóng vai trò quan trọng đến việc nuôi dưỡng và lai tạo cá vàng ở Hồng Kông và Trung Quốc. Yếu tố đầu tiên là sự phát triển của những biến thể cá vàng mới ở Hồng Kông và Trung Quốc. Mặc dù khá mới mẻ, chúng cũng khá ổn định về mặt hình dạng và di truyền (tức có khả năng di truyền các đặc điểm cho những thế hệ sau). Hãy thực hiện một chuyến tham quan Công viên Đại dương ở Hồng Kông để phát hiện những biến thể mới trong một môi trường hết sức thân thiện. Yếu tố thứ hai đó là trong nhiều năm trời, việc nuôi dưỡng và lai tạo cá vàng phải đối mặt với một số biến đổi to lớn. Vào thời xưa, nuôi dưỡng cá vàng chỉ là việc giải trí đối với các thành viên hoàng gia hay gia đình quyền quý. Như đã nói ở trên, loài cá này được nuôi trong các ao rộng rãi để cho một số ít người thưởng lãm. Cùng với thời gian, cá vàng trở nên ngày càng phổ biến. Cá vàng được nuôi trong các chậu sứ hay đất sét vì rất ít người có khả năng nuôi trong các ao lớn. Về sau, nuôi cá vàng trở thành một lĩnh vực thương mại với việc lai tạo và nuôi dưỡng cá ở quy mô đại trà. Ngày nay, việc nuôi cá vàng trở nên chuyên nghiệp hơn so với trước đây. Những cơ sở hiện đại thường có rất nhiều hồ với tổng diện tích trên nhiều ngàn mét vuông. Ngoài quy mô rộng lớn, những nguyên tắc quản lý chất lượng và công nghệ nuôi dưỡng hiện đại cũng được áp dụng. Vì công cuộc cải tổ ở Trung Quốc mở rộng và ngành ngoại thương được khuyến khích, nghề kinh doanh cá vàng phát triển rất mạnh. Trong quá khứ, việc kinh doanh được điều hành bởi Bộ ngoại thương. Ngày nay, những doanh nghiệp độc lập được khuyến khích nuôi và xuất khẩu cá vàng một cách trực tiếp. Bên cạnh chính sách thương mại thuận lợi, Trung Quốc còn có giá nhân công và đất tương đối rẻ cũng như nguồn nước chất lượng, điều thúc đẩy ngành công nghiệp này phát triển mạnh mẽ. Yếu tố thứ ba là sự quan trọng của Hồng Kông đối với sự phát triển của ngành công nghiệp cá vàng. Hồng Kông là thành phố phồn thịnh tập trung vào phát triển thương mại. Định hướng thương mại dẫn đến việc xuất khẩu một cách hiệu quả và những hải cảng có chất lượng quốc tế. Sự kết hợp giữa thương mại, năng lực xuất khẩu và công nghiệp cá vàng sẵn có (từ Hoa lục) đã biến Hồng Kông trở thành trung tâm thương mại cá vàng của thế giới. Yếu tố thứ tư là những vùng trên thế giới tập trung với mức độ ít nhiều khác nhau vào những đặc điểm nhất định của cá vàng. Ở Nhật Bản, tiêu chuẩn chính để đánh giá và lựa chọn cá vàng là màu sắc và hình dạng. Ở Mỹ và châu Âu, người ta tập trung vào vây, đặc biệt là đuôi. Ở Hồng Kông và Trung Quốc, người ta tập trung vào hình dáng tổng thể của con cá. Chẳng hạn, nếu có hai con cá giống hệt nhau nhưng một con đuôi đơn còn một con đuôi kép thì đối với người Trung Hoa, chúng có chất lượng như nhau. Cá có một hay hai đuôi cũng không ảnh hưởng gì đến vẻ đẹp của chúng. Nhìn chung, sự hiện diện hay vắng mặt của một vài đặc điểm riêng không thêm vào hay giảm bớt vẻ đẹp hay sức khỏe của con cá. Yếu tố thứ năm là xu hướng chung của ngành công nghiệp cá vàng ở Hồng Kông và Trung Quốc. Bởi vì mọi người ngày càng yêu thích và nuôi cá vàng nên việc cung cấp không đáp ứng nổi nhu cầu. Nhu cầu gia tăng dẫn đến chất lượng cá gia tăng, phương pháp nuôi dưỡng tốt hơn và phương thức xuất khẩu hiệu quả hơn Tóm lại, hàng loạt yếu tố phải cân nhắc sẽ cản trở việc mở rộng những cơ sở nuôi cá. Khi trang trại được xây dựng xa vùng duyên hải để giảm giá thuê đất, những loại ký sinh mới có thể xuất hiện trong hồ nuôi. Việc xử lý ký sinh cần nhiều thời gian – tức thời gian để tìm cách điều trị hiệu quả - và sự kiên nhẫn. Khi trang trại rời ra xa, chi phí vận chuyển sẽ gia tăng đáng kể. Sẽ tốn thời gian chuyên chở từ trang trại đến cảng xuất khẩu, rồi thời gian từ cảng đến tàu hàng chở đến nước nhập khẩu cá. Yếu tố thời gian này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cá; cần phải bỏ nhiều công sức để cải thiện điều kiện và thời gian vận chuyển. Yếu tố cuối cùng đó là cân nhắc việc áp dụng phương pháp hơn là kích thước để phân loại cá. Vì nhiều trang trại áp dụng hệ thống quản lý chất lượng nên kích thước ít quan trọng hơn so với chất lượng tổng quát của cá. Tương lai của ngành công nghiệp cá vàng ở Hồng Kông và Trung Quốc là gì? Như chúng ta đã thấy trong bài phát biểu này, hàng loạt xu hướng đã xuất hiện trong nhiều năm qua và tiếp tục phát triển trong tương lai. Có một xu hướng đang diễn ra đó là sự gia tăng tính chuyên nghiệp trong ngành công nghiệp cá vàng ở Hồng Kông và Trung Quốc. Điều kiện lai tạo và nuôi dưỡng, hệ thống kiểm soát chất lượng tiếp tục được cải thiện. Phương pháp vận chuyển cũng được cải thiện nghĩa là việc vận chuyển từ Hoa lục đến miền duyên hải sẽ hiệu quả hơn. Một số hệ thống phân loại được phát triển và áp dụng ở quy mô toàn cầu; hệ thống này sẽ hỗ trợ cho việc lai tạo và tuyển chọn cá. Sau cùng, chất lượng và số lượng cá xuất phát từ Hồng Kông và Trung Quốc sẽ tiếp tục được cải thiện một khi những thay đổi nêu trên phát huy tác dụng. Để kết luận, tôi hy vọng rằng các bạn đã nắm được tình hình về ngành công nghiệp cá vàng ở Hồng Kông và Trung Quốc. Tôi cho rằng những sinh vật đáng yêu từ Hồng Kông và Trung Quốc này sẽ góp phần làm cho cuộc sống của chúng ta tốt đẹp hơn. Nếu có điều kiện, mời bạn hãy ghé thăm công ty cá cảnh Đông Hải của chúng tôi ở Trung Quốc. Ghi chú [1] Tổ tiên của cá vàng nay được xác định là cá diếc Á (goldfish - Carassius auratus). Cá diếc Âu (crucian carp - Carassius carassius) được giới hạn vùng phân bố: ở châu Âu, từ Anh đến Nga. Cá diếc Phổ (Prussian carp - Carassius gibelio) cũng thường được cho là tổ tiên của cá vàng, vốn phân bố ở Siberia, sau xâm lấn khắp nơi từ châu Âu, châu Á đến Bắc Mỹ (Carassius). Sự nhầm lẫn nhiều khả năng xuất phát từ việc loài này cũng có biến thể vàng và xuất hiện ở Trung Quốc! [2] Theo wikipedia, năm 1162, hoàng hậu nhà Tống yêu cầu đào ao thả cá vàng. Vào thời đó, dân thường không được phép nuôi cá vàng bởi màu vàng là màu của hoàng gia. Đó là lý do màu cam phổ biến hơn màu vàng mặc dù về phương diện di truyền, màu vàng cũng rất dễ lai tạo. Biến thể cá vàng đuôi kép đầu tiên được ghi nhận vào thời nhà Minh. Năm 1502, cá vàng du nhập vào Nhật Bản, nơi chúng phát triển thành các dòng khác như lưu kim nhật (ryukin) và tosakin. Năm 1854, cá vàng du nhập vào Bồ Đào Nha rồi từ đó lan sang các nước châu Âu khác. Cá vàng du nhập vào Bắc Mỹ năm 1850 và trở nên phổ biến ở Mỹ.