Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá cầu vồng Madagascar

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 6/7/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá cầu vồng Madagascar
    Christophe Mailliet & Aleksei Saunders – http://malawicichlidhomepage.com

    Giới thiệu
    Chẳng cần phải thông thái về địa lý cho lắm để biết rằng đảo Madagascar không hề gần với châu Úc hơn là Siberia, và tôi đồng ý ngay từ đầu rằng bài viết này có thể “khó nhai” đối với nhiều độc giả. Tuy nhiên, có những điểm tương đồng rất thú vị giữa quần thể cá ở hòn đảo lớn thứ tư trên thế giới với Úc và New Guinea, mà chúng đều bắt nguồn từ thời khủng long còn dạo chơi trên lục địa cổ phía nam Gondwana. Dĩ nhiên, khủng long đã hoàn toàn tuyệt chủng nhưng cá cầu vồng hãy còn tồn tại ở hai bên bờ Ấn Độ Dương. Kể từ đầu những năm 1950, Bedotia geayi Pellegrin, 1907 (loài cá cầu vồng Madagascar mà mọi người nuôi cá đều biết chính là Bedotia geayi) có lẽ là thành viên duy nhất thuộc họ cá Bedotiidae xuất hiện trong lãnh vực cá cảnh nước ngọt ở khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên, vài năm gần đây, số lượng những loài Bedotia mới được phát hiện dọc theo bờ biển phía đông Madagascar gia tăng một cách nhanh chóng (Mailliet & Saunders, 2004). Vài loài trong số đó được mô tả về mặt khoa học, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều loài hoàn toàn mới đối với khoa học và lãnh vực cá cảnh. Vào tháng 3 năm 2004, tôi thu thập được hai loài chưa được mô tả, Bedotia sp. “Ankavia” và Bedotia sp. “Lazana”, mà chúng sẽ được giới thiệu dưới đây. Một số thông tin về sinh thái và những khía cạnh khác liên quan đến việc chăm sóc và lai tạo chúng một cách thành công cũng được cung cấp.

    [​IMG]

    Sinh thái
    Theo các dự đoán hiện tại, trên 90% hệ sinh thái tự nhiên và rừng nguyên sinh ở Madagascar bị phá hủy và xâm hại một cách nghiêm trọng, và hệ sinh thái nguyên sơ chỉ còn có thể tìm thấy ở vùng đồi núi miền duyên hải phía đông và vùng đông bắc của đảo. Nhiều con sông bị ảnh hưởng một cách nghiêm trọng bởi nghẽn bùn đất gia tăng khiến cho độ đục tăng lên, điều tác động xấu lên quần thể cá nội địa. Hiện chỉ có vài vùng được “bảo tồn” nhưng đều thiếu kinh phí và không được quản lý một cách hiệu quả. Mặt khác, một nguy cơ cũng không kém phần nghiêm trọng đối với quần thể cá nội địa là sự cạnh tranh của những loài ngoại lai chẳng hạn như cá rô phi (TilapiaOreochromis), cá hồi, cá chép vàng, cá bảy màu, gambusia, cá kiếm, cá chép, cá lóc, cá tai tượng… Trên thực tế, một số loài đặc hữu hay biến thể địa phương đã biến mất trong điều kiện khắc nghiệt này, và hầu như tất cả các loài cá cầu vồng Madagascar cũng lâm vào tình thế bị đe dọa hay bị đe dọa một cách nghiêm trọng. Điều tương tự cũng xảy ra đối với một số loài cichlid và những loài đặc hữu khác, chẳng hạn như các loài cá killi thuộc chi Pachypanchax. Một số dự đoán cho rằng trong vòng 20 năm tới, hầu hết các loài đặc hữu thuộc quần thể cá nước ngọt sẽ bị biến mất – rất bi quan, nhưng tình hình thực tế đúng là như vậy.

    BedotiaRheocles spp. (chị em với chi Bedotia) được phát hiện trên nhiều địa bàn nước ngọt khác nhau ở miền duyên hải phía đông Madagascar, và cả hai cũng được phát hiện ở những vùng nước hơi lợ. Hầu hết các loài nói chung phân bố ở vùng nước mềm, hơi acid, tuy nhiên thông tin chi tiết thường thiếu. Aleksei Saunders (thuộc sở thú Denver) ghi nhận điều kiện nước tương tự như nhau trên một số địa bàn: độ pH từ 5 đến 6.5, độ dKH dưới 1, dGH dưới 1, nhiệt độ từ 21 đến 26 độ C. Bedotia thường được phát hiện nơi đầu nguồn nước xiết của các dòng chảy và ở độ cao khoảng 800 m, trong khi Rheocles được phát hiện trong các địa bàn trải dài từ dòng chảy xiết trên núi cho đến các hồ rộng…

    Địa sinh học và hệ thống học
    Thuyết được chấp nhận rộng rãi cho rằng đảo Madagascar tách khỏi châu Phi cách nay khoảng 160 triệu năm, khi “siêu lục địa” Pangea phân rã và các lục địa bắt đầu trôi dạt đến vị trí của chúng như ngày nay. Madagascar thuộc về lục địa cổ phía nam Gondwana (bao gồm Nam Cực, Nam Mỹ, Úc và Ấn Độ mà chúng có lẽ vẫn còn dính liền cho đến cách nay khoảng 80 triệu năm) hơn là châu Phi, dù vị trí hiện tại của chúng là ở đấy (Hay và cộng sự, 1999). Đảo sở hữu một quần thể động thực vật cực kỳ độc đáo và đặc trưng, sau hàng chục triệu năm tiến hóa một cách độc lập. Những năm gần đây, một số cá cichlid cũng như cá cầu vồng dạng sơ khai được phát hiện, bác bỏ giả thiết cho rằng Madagascar có quần thể cá nghèo nàn, và làm dấy lên nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học ở đấy.

    Những nghiên cứu mới cho thấy họ cá cầu vồng Bedotiidae dường như có quan hệ với họ Melanotaeniidae gần gũi hơn so với suy nghĩ trước đây, và hiện có ý kiến rất phổ biến rằng không nên xem Bedotiidae là một họ độc lập nữa mà nên xếp chúng vào một phân nhóm (hay tông) thuộc phân họ Melanotaeniinae (họ Melanotaeniidae). Phân nhóm này bao gồm các chi BedotiaRheocles ở Madagascar cùng với các chi RhadinocentrusCairnsichthys ở miền đông nước Úc. Phân nhóm khác bao gồm các chi cá cầu vồng ở Úc và New Guinea như Melanotaenia, Glossolepis, ChilatherinaPelangia. Phân họ thứ nhì Iriatheriniinae thuộc họ Melanotaeniidae chỉ bao gồm một chi, với một loài duy nhất Iriatherina werneri Meinken, 1974 (Aarn & Ivantsoff, 1997). Gần đây, có ý kiến đề nghị thành lập phân bộ Melanotaenioidei thuộc bộ Atheriniformes bao gồm các họ Bedotiidae, Melanotaeniidae và Pseudomugilidae (bao gồm cả họ Telmatherinidae tức cá cầu vồng đảo Borneo) (Sparks & Smith, 2004). Các họ này có quan hệ ở mức độ như thế nào vẫn còn chưa rõ ràng lắm, nhưng mọi người đều nhất trí rằng, chúng chắc chắn có quan hệ rất gần gũi. Điều này dĩ nhiên kích hoạt hàng loạt giả thuyết về sự phân rã của lục địa Gondwana, nhưng các chứng cứ đều cho thấy rằng lục địa cổ Sahul (gồm Úc, New Guinea và Tasmania) cùng với Nam Cực, Ấn Độ và Madagascar có lẽ hãy còn nối với nhau cho đến tận kỷ Cretaceous, tức cách nay khoảng 80-90 triệu năm. Điều này có nghĩa rằng tổ tiên chung của các loài thuộc họ Melanotaeniidae phải cổ xưa hơn rất nhiều so với hóa thạch được biết đến nay thuộc bộ Atheriniformes, nếu như phân bố trong hiện tại của chúng có thể được giải thích dựa trên những biến cố quan trọng liên quan đến sự phân rã của lục địa Gondwana.

    Có những báo cáo về trường hợp lai tạp giữa BedotiaMelanotaenia (vô sinh), tuy nhiên tôi không thể tìm thấy bất cứ tài liệu nào về sự kiện này. Mặc dù vậy, tôi có thể quan sát thấy hoạt động sinh sản giữa các chi khác nhau khi nuôi chung trong hồ cảnh (chẳng hạn giữa Melanotaenia pierrucciaeBedotia sp. “Ankavia”), nhưng tôi chưa hề thấy bất kỳ loài Bedotia nào sinh sản thành công với Melanotaenia hay bất kỳ chi cá cầu vồng nào khác. Có lẽ, cũng đáng để kiểm tra giả thiết này trong phòng thí nghiệm – thậm chí, chỉ để thỏa mãn con quái vật Frankenstein trong tôi! Trong hoàn cảnh này, thật thú vị khi lưu ý rằng cá đực của một số loài Bedotia chưa được mô tả có biểu hiện quẫy đuôi khi bắt cặp, cũng giống như những loài cá cầu vồng ở Úc và New Guinea. Đặc điểm khác thường này dường như là dấu hiệu cho thấy, các họ Bedotiidae và Melanotaeniidae chắc chắn có quan hệ rất gần gũi, chứ không phải là sự trùng hợp một cách tình cờ của tiến hóa hội tụ.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Chăm sóc và lai tạo Bedotia trong hồ nuôi
    Các loài Bedotia có thể được nuôi trong hầu hết các loại kích cỡ hồ, và một số loài được biết có thể đạt đến kích thước từ 8 đến 15 cm. Phân tích ruột của các loài hoang dã phát hiện thấy khẩu phần thức ăn hầu hết là côn trùng, điều lý giải tại sao chúng nhanh chóng biến mất một khi thảm thực vật bên trên địa bàn sinh sống của chúng bị hủy hoại. Cũng giống như các loài cá họ hàng ở châu Úc, việc thay nước thường xuyên (25% mỗi tuần) là điều bắt buộc để đảm bảo chúng được mạnh khỏe. Chúng là loài cá rất bầy đàn, linh động và cần nhiều không gian để bơi lội, cũng như nơi ẩn nấp và thực vật thủy sinh để làm chỗ trú ngụ cho cá cái chưa muốn sinh sản hay những con cá đực hung dữ. Quá trình giao phối và đẻ trứng cũng tương tự như các loài thuộc họ Melanotaeniidae trên nhiều phương diện: sau giai đoạn ve vãn liên tục, theo đó cá đực giương vây và lên màu, cá đực sẽ áp sát cá cái ngay bên trên vị trí đẻ trứng đã chọn, và cặp cá, kề sát bên nhau, đẻ trứng và thụ tinh lên bề mặt, mà trứng được treo trên đó bằng những sợi tơ dính. Đôi khi, cá đực “ngúc ngắc” đầu ngay trước khi sinh sản. Dường như, Bedotia hoang dã thường đẻ trên đá và rễ cây vì môi trường tự nhiên của chúng ít cây thủy sinh. Tùy thuộc vào nhiệt độ, trứng thường nở trong vòng 10 ngày, và cá bột mới nở có khả năng ăn ấu trùng artemia ngay lập tức. Tuy nhiên, trùng cỏ vẫn an toàn và thuận tiện hơn để cá bột có thể ăn đủ no trong giai đoạn đầu đời. Dĩ nhiên, chúng có thể ăn loại thức ăn công nghiệp nhưng điều này dường như tác động tiêu cực đến sự tăng trưởng và màu sắc. Một khi cá cha mẹ được cho ăn đầy đủ, chúng dường như không gây rắc rối cho trứng và cá con nhưng tốt nhất nên tách chúng ra để tránh tình trạng ăn thịt cá con. Tốc độ tăng trưởng dường như không chậm như ở cá cầu vồng châu Úc, và cá Bedotia non lên màu tương đối sớm…

    Khi nuôi chung Bedotia sp. “Lazana” và Bedotia sp. “Ankavia” trong cùng hồ, tôi có thể quan sát thấy hoạt động lai tạp, dẫn đến phỏng đoán rằng sự lai tạp ngẫu nhiên là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Do đó, cá con phát sinh từ hồ nuôi chung các loài Bedotia của tôi không nên đem nuôi hay phân phát ra ngoài để bảo vệ sự thuần chủng của các loài.

    [​IMG]

    Bedotia sp. “Lazana”
    Bedotia sp. “Lazana” đã được phát hiện vài năm trước đây, và chúng được tái thu thập từ sông Lazana và các nhánh của nó ở vùng phụ cận thị trấn Beforona. Thị trấn này nằm ở vùng trung tâm miền đông Madagacascar, trên đường từ thủ đô Antananarivo đến bờ biển. Chúng hiện diện trong những vùng nước chảy xiết của con sông, và trạng thái của chúng trong tự nhiên là tương đối an toàn, dù chúng phải chia sẻ môi trường sinh sống với loài cá kiếm ngoại lai mà hiện dường như đang là loài đông đúc nhất ở đó.

    Trong lãnh vực cá cảnh, chúng được gọi là cá cầu vồng vây trắng (White-Fin Rainbow), và chắc chắn đấy là một tên gọi phù hợp. Màu nền xám nhạt với ánh xanh ngọc (đặc biệt là ở cá đực). Nhưng có lẽ đặc điểm khác biệt nhất là sự hiện diện của một số các đốm và vệt đen trên lườn cá trưởng thành, và thậm chí lan ra cả vây ở một số con. Mỗi con cá đều có hoa văn riêng biệt. Thêm nữa, những con đực có vây cực to, đặc biệt gần như hình thang và viền các vây lẻ màu trắng tinh – điều làm nên tên gọi của chúng. Cá đực có thể lớn tối đa đến 9 cm trong khi ở cá cái là 7 cm. Chúng rất dễ tính và chấp nhận mọi loại thức ăn, mặc dù ưa chuộng thức ăn tươi như ấu trùng muỗi và bo bo hơn. Tuy nhiên, chúng sẽ không chịu ăn thức ăn rơi xuống đáy hồ hay trên cây thủy sinh, vì vậy cần phải thả thêm một số loài cá ăn đáy để đảm bảo thức ăn không bị thối rữa trong hồ.

    Lai tạo là vấn đề tương đối nhiều thách thức. Cá đực trong giai đoạn sinh sản có thể rất hung dữ, và điều quan trọng đối với tính mạng của cá cái đó là chúng cần có nơi để lẩn tránh khi bị cá đực truy đuổi quá quyết liệt. Tôi thường bố trí cá sinh sản theo tỷ lệ 1/3 cũng bởi vì chúng đẻ trứng với số lượng không nhiều. Trong điều kiện tối ưu, sau một tuần, tôi thu được từ 30 đến 40 cá bột, và chúng trông có vẻ rất mỏng manh ngay từ những ngày đầu tiên, kết quả là lượng hao hụt chiếm khoảng 50% ngay trong những tuần đầu tiên. Một cách thú vị, cá trưởng thành dường như không quan tâm đến trứng và cá bột, và tôi phát hiện thấy cá bột mới nở bơi lội tung tăng giữa những con trưởng thành. Cá bột không ngoi lên bề mặt nhiều lắm mà bơi lội khắp hồ để tìm thức ăn. Thông thường, cá đạt khoảng 3 cm sau từ 3 đến 4 tháng tuổi. Sau khoảng 6 tháng tuổi, chúng trưởng thành và việc phân biệt giới tính không quá khó bởi vì cá đực non lớn hơn và màu sắc nổi bật hơn rất nhiều so với cá cái non.

    Hàng loạt loài Bedotia hiện đang được khảo sát tại Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Mỹ ở New York, và những nghiên cứu sơ bộ đã chỉ ra rằng đây là một loài… riêng biệt, mặc dù những mô tả chính thức vẫn chưa được công bố. Dẫu vậy, chúng trông rất khác lạ so với những loài Bedotia còn lại, đặc biệt là Bedotia madagascariensis, tuy rằng việc phân tích gen gần đây cho thấy cả hai dường như là các loài chị em. Có lẽ những phân tích hình thái một cách chi tiết sẽ hé lộ nhiều hơn về tình trạng của chúng trong tương lai, bởi vì theo tôi thấy hình dạng chung của chúng gần với các loài Rheocles derhamiRheocles vatosoa, mà gần đây được xếp vào chi thứ hai thuộc họ Bedotiidae, chi Rheocles (Sparks & Smith, 2004), hơn là các loài Bedotia khác. Tuy nhiên, chi cá thứ hai này chưa được mô tả một cách chính thức và hãy còn vô số công việc phải hoàn tất để hiểu rõ hơn về mối quan hệ huyết thống giữa các loài cá cầu vồng họ Bedotiidae.

    Một bầy cá Bedotia sp. “Lazana” trông cực kỳ ấn tượng. Phụ thuộc vào hướng chiếu sáng, màu sắc của chúng lấp lánh với muôn vàn đốm xanh dương đến xanh lục và thậm chí có cả tông vàng, và cá đực trưởng thành thường sừng sộ với nhau với bộ vây giương lên như lá cờ. Chúng tương đối hiền lành đối với đồng loại và những loài cá khác, và tôi hiện đang nuôi chúng chung hồ với biến thể màu vàng của loài cá cầu vồng Chilatherina fasciata đến từ hồ Nenggwambu, một biến thể địa phương của loài Glossolepis dorityi, mà không gặp bất kỳ vấn đề gì.

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]

    Bedotia sp. “Ankavia”
    Bedotia sp. “Ankavia” được phát hiện vào cuối những năm 1990 bởi tiến sĩ Paul Loiselle (Mỹ), người nhập khẩu thành công loài này vào thị trường Mỹ, nơi chúng được lai tạo và phân phối trên thị trường cá cảnh thông qua nhà lai tạo cá cảnh nổi tiếng Rosario LaCorte. Địa bàn phân bố của chúng ở sông Ankavia, chảy vào vùng đông bắc tỉnh Antalaha rồi đổ ra Ấn Độ Dương gần thành phố cùng tên. Không có nhiều thông tin về địa bàn phân bố của chúng, tuy nhiên loài rất giống – nếu không nói là một – được phát hiện trong kênh đào Ankavanana gần đó. Kênh đào Ankavanana nối những nhánh nhỏ hơn của con sông chính. Bedotia sp. “Ankavia” có lẽ có quan hệ tương đối gần gũi với loài Bedotia masoala Sparks, 2001 vốn phân bố trong các nhánh của con sông Onive, cách 50 km về phía nam của Ankavia và Ankavanana. Bedotia masoala có thân ngả ánh xanh lục nhiều hơn với vô số đốm đen, các vây lẻ ánh vàng và viền đuôi màu đỏ. Không may, loài cá cực đẹp này chưa từng xuất hiện trong lãnh vực cá cảnh và dường như điều này sẽ không bao giờ xảy ra bởi vì hầu hết vùng phân bố tự nhiên của chúng nằm trong khu Công Viên Quốc Gia Masoala. Bedotia sp. “Ankavia” tạm thời cũng được coi là một loài riêng biệt và hy vọng chúng sẽ sớm được mô tả một cách chính thức.

    Cá đực loài Bedotia sp. “Ankavia” đạt tổng chiều dài xấp xỉ 11 cm, cá cái nhìn chung nhỏ hơn rất nhiều. Cá đực có dải bên đen nhạt, hơi đậm về phía đuôi và các vảy trên thân lấp lánh màu xanh đậm cho đến xanh ngọc. Khi cá bị kích động, màu trở nên rất nổi bật và một mạng đen, đôi khi tan thành các điểm nhỏ li ti xuất hiện trên gần như toàn thân. Lưng chúng có màu nâu-cam sậm, và các vây lẻ có viền đỏ và tương đối nhọn. Đuôi cá đực hơi có hình nĩa và có viền đỏ lớn phía sau mép. Các vảy biến thiên từ vàng đến hanh đỏ nằm dọc theo dải bên bổ sung màu sắc cho loài cá xinh đẹp này. Cá cái có dải bên rộng, sẫm và một dải hơi đen trên bụng ngay gốc vây hậu môn, đôi khi trông giống như dải đôi. Cá đực trưởng thành thường sừng sộ với nhau, với màu ánh kim xanh dương và xanh lục lấp lánh, trông tuyệt đẹp. Màu ánh kim đậm hơn khi cá trưởng thành, và cá non chỉ có một ít vảy ánh kim ở nửa sau của thân. Điều thú vị là một số con đực lại có các vây lẻ tròn thay vì nhọn, và dường như chỉ có những con đực đầu đàn mới hình thành dạng vây phát triển như vậy. Một trong số những con cá bột đầu tiên của tôi là loài này, tôi thậm chí có một cá thể dường như lưỡng tính, tức màu sắc và biểu hiện giống như cá cái nhưng cơ bắp nảy nở và hành vi lại giống như cá đực. Nó cạnh tranh với những cá đực khác và cố giao phối với những con cá cái tuy nhiên tôi không hề thấy nó thành công. Có lẽ đấy chỉ là một cá thể quá khác thường tuy nhiên rất thú vị khi quan sát con cá này thật tường tận một khi nó được bắt khỏi hồ.

    Việc bảo trì hồ cũng rất đơn giản như những gì đã mô tả về loài Bedotia sp. “Lazana”. Cho chúng đủ không gian để bơi lội, cá cầu vồng Ankavia nhìn chung hiền lành, tuy nhiên đôi khi cá đực trong giai đoạn sinh sản thể hiện chút hung dữ đối với những đối thủ cạnh tranh cùng bầy. Việc lai tạo khá dễ dàng, và nhìn chung chúng sinh sản mạnh hơn so với loài Bedotia sp. “Lazana”. Một nhóm gồm ba con sẽ tạo ra khá nhiều cá bột mỗi tuần, và hiện tại cá con của loài này được phân phát đến hàng loạt người nuôi cá ở Đức và Bỉ, nơi mà chúng được gọi là cá cầu vồng xanh ngọc (Turquoise Rainbow). Tốc độ tăng trưởng khá nhanh, và trong vòng 4 tháng, cá đực non bắt đầu thể hiện màu sắc đầy đủ của chúng. Trên tất cả, đây là loài cá có tiềm năng rất lớn trong lãnh vực cá cảnh.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Triển vọng
    Bài giới thiệu hai trong số những loài cá cầu vồng Madagascar mới này chỉ là một ví dụ nhỏ về những gì mà hòn đảo này có thể cung cấp cho những người hâm mộ cá cầu vồng. Bài viết cũng trình bày hình ảnh của một số loài mới được phát hiện gần đây, những loài hiện đang được nuôi dưỡng tại sở thú Denver, Mỹ theo một chương trình trọn gói về lai tạo cũng như nỗ lực để duy trì một số lượng cá thể độc lập trong môi trường nuôi dưỡng. Dù có một số nghi vấn rằng những nỗ lực như thế này không thể đóng góp một cách hiệu quả vào việc cứu vớt những loài đang bị nguy hiểm, nhưng tôi tin rằng đây là trách nhiệm tối thiểu của chúng ta nhằm giảm thiểu tác động của sự phá hoại trước đó. Một số loài được duy trì trong cộng đồng nuôi cá cảnh ở Mỹ, và hiện nay ở châu Âu, trong khi những loài khác vẫn chưa được phổ biến. Tôi tin rằng những loài cá này cực kỳ tuyệt vời và rất đáng để lưu tâm như các loài họ hàng của chúng ở bờ phía đông của Ấn Độ Dương, và tôi hy vọng rằng sự yêu thích của mình đối với chúng có thể lây lan và đem lại thú vui cho tất cả các bạn!
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/6/17
  2. nlkhanh

    nlkhanh Moderator

    Ở cái đảo Madagascar nghe nói còn rất nhiều điều thú vị lắm.VNRD cố gắng tìm hiểu thêm và viết bài để mọi người được mở rộng tầm mắt.
    Đúng như lời giới thiệu đây quả là 1 bài " khó nhai":D

    Thanks VNRD
     
  3. khoanguyen

    khoanguyen Active Member

    wa ca dep thiệt !
     

Chia sẻ trang này