Cá bò giấy Bob Goe.mans Cá bò giấy (leatherjacket/filefish) là các loài cá thuộc họ Monacanthidae (bộ Tetraodontiformes, phân bộ Tetraodontoidei). Họ cá bò giấy bao gồm khoảng 30 chi và gần 100 loài. Hầu hết chúng đều phân bố ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, mặc dù một số cũng xuất hiện ở cả Đại Tây Dương, và ngoài cá bò giấy, phân bộ Tetraodontoidei còn bao gồm các loài như cá bò/nóc gai (triggerfish), cá nóc hòm (trunkfish), cá nóc, cá nóc toby, cá nóc nhím (porcupinefish) và cá nóc hòm gai (burrfish). Mặc dù chúng thường xuất hiện ngoài thị trường, người nuôi phải tìm hiểu và quan sát thật kỹ lưỡng trước khi mua loài cá này. Hình dạng Cá bò giấy tương tự như cá bò (nóc gai) vì có thân dẹp, hình chiếc lá. Chúng có miệng nhỏ, nhiều loài có hàng răng ngoài gồm 6 chiếc và hàng răng trong gồm 4 chiếc, rất thích hợp để ăn tảo (tuy nhiên chúng cũng ăn cả các loài thân mềm). Đa số có hai vây lưng với vây trước gồm một hay hai gai, gai đầu luôn dài hơn rất nhiều so với gai sau, nếu có. Tương tự như cá bò, gai vây đầu tiên có thể trương thẳng để ngăn cản kẻ săn mồi cũng như tự cài mình cá vào vị trí an toàn, không thể kéo ra. Cặp mắt của chúng nằm ở vị trí cao trên đầu, và lớp da cứng phủ đầy vảy nhỏ với bề mặt như giấy nhám là nguồn gốc của tên gọi “leatherjacket” (áo da). Điều thú vị là ngày xưa, da của chúng thực sự được dùng như giấy nhám để đánh bóng thuyền gỗ. Những tên thương mại khác của cá bò giấy là shinglefish (đá cuội) và foolfish (cá khờ). Khi bơi, chúng sử dụng chủ yếu là vây lưng thứ hai và vây hậu môn, do vậy, khả năng bơi lội rất kém và hầu như chỉ dựa vào việc ngụy trang để lẩn tránh kẻ thù. Một số loài có màu sắc nổi bật trong khi những loài khác có xu hướng hòa vào màu sắc của môi trường xung quanh. Chẳng hạn, cá bò giấy tua (tasseled filefish) Chaetodermis penicilligerus có nhiều tua trên thân trông giống như rong biển, môi trường mà nó trú ngụ. Một số loài khác có khả năng biến đổi màu sắc tương tự với môi trường xung quanh. Môi trường Loài ăn tạp này thường xuất hiện ở vùng nước cạn, độ sâu không quá 30 mét, thường là những rặng san hô có dòng chảy nhẹ, nơi có nhiều loài tảo và rong biển, thành phần thức ăn của chúng. Khẩu phần ăn của chúng còn có bọt biển (sponge), đài tiên (bryozoan), thủy tức (hydrozoan), polyp san hô đá (stony coral), san hô sừng (gorgonian), hải tiêu (tunicate) và đôi khi cả giun tơ (polychaete worm), hai mảnh vỏ (bivalve), ốc, giáp xác chân khác (amphipod), cầu gai (urchin) và tôm. Đa số đều có kích thước từ 10 đến 30 cm, nhưng có một loài – cá bò giấy vện (scrawled filefish) Aluterus scriptus – dài đến gần 1 mét và phân bố trong hầu hết mọi vùng biển nhiệt đới. Cá bò giấy hề (harlequin filefish) Oxymonacanthus longirostris Trên thị trường cá cảnh, cá bò giấy hề (harlequin)/bò giấy mõm dài (longnose)/bò giấy đốm cam (orange-spotted) Oxymonacanthus longirostris có lẽ là loài phổ biến nhất ở các tiệm cá địa phương. Nó có xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương: từ Đông Phi đến Mozambique ở phía nam, từ quần đảo Ryukyu ở phía bắc đến rặng san hô Lớn (Great Barrier Reef) ở phía nam nơi nó trú ngụ trong các vùng giàu san hô và đầm nước được bao bọc. Loài này đạt đến kích thước 11 cm và mặc dù màu sắc cực kỳ hấp dẫn với vô số đốm cam trên nền xanh lục nhạt, nó cần môi trường được cân chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của mình. Môi trường này phải có dòng nước nhẹ và ít kẻ săn những loài cá bơi chậm như chính nó, cùng với thật nhiều polyp san hô Acropora mà nó có thể nhâm nhi cả ngày. Các loài san hô Acropora không chỉ cung cấp thức ăn mà các nhánh của nó còn là nơi trú ẩn cho cá khi bị đe dọa và chỗ nghỉ ngơi vào ban đêm. Bởi vì những đòi hỏi khắt khe như trên, rất ít người chơi cá có khả năng thiết lập môi trường thích hợp để nuôi loài này một cách lâu dài. Và thậm chí một số người cố luyện cho cá bò giấy hề ăn artemia tẩm bổ (enriched) thì bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ để thay thế các polyp san hô nhằm nuôi chúng về lâu dài. Nhưng nếu bạn có hồ rộng (cùng với loài nuôi chung và dòng chảy thích hợp) nuôi nhiều loài san hô Acropora khác nhau và chấp nhận hy sinh một số polyp san hô thì loài này là một lựa chọn rất tốt. Ngoài vẻ đẹp, điều hay nữa đó là không cần phải cho cá ăn bởi vì nó chỉ ăn polyp san hô là đủ. Cũng nên nhớ rằng chỉ nên nuôi một con hay một cặp để hạn chế sự phá hủy san hô. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, tốt nhất nên để loài này ngoài tự nhiên và không nên đánh bắt bởi vì 99% số cá sẽ chết ngay sau đó vì môi trường sống không thích hợp. Cá bò giấy tua (tasseled filefish) Chaetodermis penicilligerus Một loài khác hiếm hơn trên thị trường là cá bò giấy tua (tasseled)/bò giấy rong (weedy)/bò giấy lá (leafy) Chaetodermis penicilligerus xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, nơi chúng trú ngụ trong các vùng có rong biển. Thân loài này có tua như lá rong giúp chúng hòa mình vào môi trường bao gồm đá và rong biển ở xung quanh. Loài này thường xuất hiện trên thị trường dưới dạng cá non, nhưng cá trưởng thành có thể đạt đến 30 cm, khiến chúng không thể - dù sớm hay muộn - được nuôi trong hồ có dung tích dưới 400 lít. Trên thực tế, loài này chỉ phù hợp với hồ nuôi toàn cá vì nó không an toàn với bất kỳ loài thân mềm nào ngoại trừ những loài có độc chẳng hạn như hải quỳ thảm hay ống (carpet/tube anemones). Về mặt dinh dưỡng, bên cạnh nguồn thức ăn thường trực là các loại tảo, nên cung cấp khẩu phần thịt bao gồm tôm/cá, artemia tẩm bổ, tép mysis, sò, hến, tép krill và mực tối thiểu ba lần mỗi ngày. Nó cũng cần nơi trú ẩn, nhất là hang có một cửa ra vào, nơi chúng có thể nghỉ ngơi vào ban đêm và lẩn trốn khi bị đe dọa. Hơn nữa, bởi vì loài này thường nhút nhát khi mới thả vào hồ, hang là nơi thích hợp nhất để nó bớt căng thẳng vì chưa quen với môi trường mới. Nên nhớ rằng, nó là loài bơi chậm và không thoải mái với dòng chảy mạnh, hay khi được nuôi chung với những loài rỉa vây chẳng hạn như cá nóc hay cá bò. Pervagor spp. Có rất nhiều loài thuộc chi Pervagor đôi khi xuất hiện trên thị trường cá cảnh. Không nên nuôi bất kỳ loài nào với động vật thân mềm, và đặc biệt là hầu như không thể cho chúng ăn. Tuy nhiên, bởi vì chúng rất đẹp nên lâu lâu lại thấy xuất hiện trong các tiệm cá cảnh. Cá bò giấy đuôi quạt (fantail/Hawaiian filefish) Pervagor spilosoma Một trong những loài đẹp nhất thuộc chi này là cá bò giấy đuôi quạt (fantail/Hawaiian filefish) Pervagor spilosoma xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương và xuất hiện trong những vùng nước cạn, các rặng san hô được bao bọc từ biển Đông Ấn cho đến quần đảo Hawaii. Nó đạt đến kích thước 15 cm. Cung cấp tảo một cách thường xuyên chẳng hạn như rong biển tấm nori cũng như các loại thịt như mô tả ở trên. Nhất định phải cho cá ăn tối thiểu ba lần mỗi ngày. Tốt nhất chỉ nên nuôi một con hay một cặp cá bò giấy đuôi quạt và trong môi trường có nhiều đá tảng, nơi chúng có thể bơi lượn giữa những khe trống hay xung quanh tảng đá để tìm kiếm thức ăn. Dẫu vậy, loài đặc biệt xinh đẹp này hầu như không thể nuôi thành công trong hồ cảnh trừ phi được cung cấp san hô đá và san hô sừng tươi sống. Cá bò giấy đuôi đỏ (red-tail filefish) Pervagor melanocephalus Cá bò giấy đuôi đỏ (red-tail)/bò giấy đầu đen (blackhead) Pervagor melanocephalus xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương, trong các vùng nước sâu có san hô mềm và bọt biển, nơi các loài giáp xác nhỏ đặc biệt dồi dào. Nó nhỏ hơn loài trên một chút, chỉ đạt 10 cm. Bởi vì khẩu phần ăn tự nhiên của nó cũng bao gồm cua, ốc, giun và động vật thân mềm cỡ nhỏ, nên nó không thích hợp với các hồ rặng san hô. Tảo cũng nằm trong khẩu phần ăn của nó vì vậy nó là ứng viên thích hợp với hồ nuôi toàn cá - một lần nữa, dòng nước phải nhẹ và không nuôi chung với các loài rỉa đuôi. Điểm khác biệt duy nhất với loài trên là nó cực kỳ nhút nhát trong vài tuần đầu khi mới thả vào hồ. Do đó, cần bố trí thật nhiều đá tảng cùng chỗ trú ẩn, cá chung hồ hiền lành và khẩu phần tảo/thịt ổn định hàng ngày cho phù hợp với nhu cầu của cá. Dẫu vậy, tỷ lệ nuôi thành công loài này vẫn cực kỳ thấp. Cá bò giấy sọc đen (blackbar filefish) Pervagor janthinosoma Loài thứ ba thuộc chi này là cá bò giấy sọc đen (blackbar filefish) Pervagor janthinosoma xuất xứ từ vùng nhiệt đới Ấn Độ-Thái Bình Dương: từ Đông Phi tới Samoa, phía bắc đến biển Nam Nhật Bản, phía nam đến bang New South Wales và Tonga. Nó xuất hiện ở các vùng có đá và giàu san hô trong các đầm nước và đạt đến kích thước 15 cm. Loài này hiếm khi xuất hiện ngoài thị trường nhưng màu sắc hấp dẫn nên người chơi có thể lỡ mua trước khi tìm hiểu về nhu cầu của nó. Loài này cũng không khác biệt nhiều so với hai loài trên, tuy nhiên nó rất nhát và dường như không thể vượt qua được điều này nên cực kỳ khó nuôi trừ phi hồ nuôi được điều chỉnh để hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của nó và không có sự cạnh tranh nào về thức ăn. Cá bò giấy yên ngựa (saddled filefish) Paraluteres prionurus Có một loài cá bò giấy thường xuyên bị nhầm lẫn với cá nóc toby yên ngựa (saddle toby) Canthigaster valentini – là cá bò giấy yên ngựa (saddled/black-saddled/mimic filefish) Paraluteres prionurus. Loài này đạt đến 10 cm và xuất xứ từ vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương: từ Đông Phi đến phía đông quần đảo Marshal, phía bắc đến Nhật Bản, phía nam đến rặng san hô Lớn, nơi chúng xuất hiện trong những vùng đáy biển có rong, san hô và đá tảng ở các đầm nước cạn. Loài cá này hiếm khi xuất hiện trên thị trường nhưng nó có kích thước và khẩu phần thức ăn (tảo và động vật thân mềm mặt đáy) tương tự như loài cá nóc toby yên ngựa có độc Canthigaster valentini. Cá toby độc sống trên cùng địa bàn và thường bơi chung bầy với cá bò giấy, điều có lẽ giúp bảo vệ loài này. Chả trách vì sao mà chúng giống hệt như nhau! Như vậy, điều vẫn thường xảy ra trong các tiệm cá là đoán xem chúng thuộc về loài nào. Việc chăm sóc cho loài này cũng không khác nhiều so với các loài đã mô tả ở trên. Cá bò giấy yên ngựa thích hợp với hồ nuôi toàn cá và cần khẩu phần thức ăn, dòng nước và cá chung hồ hiền lành tương tự như các loài ở trên. Cũng kỳ lạ như việc giả trang ngoài môi trường tự nhiên, trong hồ cảnh chỉ nên nuôi một loài mà thôi vì chúng không chấp nhận lẫn nhau. Lưu ý Để kết luận, không có loài cá bò giấy nào bơi giỏi vì vậy cá nuôi chung phải được lựa chọn một cách cẩn thận. Thêm nữa, khẩu phần thức ăn khiến chúng không phù hợp với các hồ san hô, bởi vì chúng ăn các loài thân mềm mà người chơi cá cố gắng gìn giữ. Chúng hầu hết là loài tiêu hóa nhanh, điều đó có nghĩa chúng cần khẩu phần đều đặn gồm tảo và thịt trừ phi người nuôi chấp nhận hy sinh một số động vật thân mềm để chúng ăn. Nói thực, chúng không phải là loài dành cho người mới, và thậm chí người nuôi cá nhiều kinh nghiệm cũng rất khó khăn trong việc nuôi chúng. Trừ phi bạn thiết lập hồ nuôi phù hợp với nhu cầu của chúng, bằng không thì cứ để chúng ngoài tự nhiên là tốt nhất. Ghi chú (vnrd) Cá nóc hòm (boxfish/trunkfish): họ Ostraciidae, bộ Tetraodontiformes Cá nóc toby (toby puffer): một số loài thuộc chi Canthigaster, họ cá nóc Tetraodontidae, bộ Tetraodontiformes. Cá nóc hòm gai (burrfish) Chilomycterus schoepfi: loài thuộc họ cá nóc hòm nhưng ngắn hơn, trên lưng có gai và không xếp lại được.