Cá bám đá: loài chuyên sống trong dòng nước xiết Martin Thoene - www.loaches.com Giới thiệu Loài cá có khả năng thích nghi với những môi trường sống khác nhau. Nhiều triệu năm trước, các họ cá tự thích nghi với những môi trường sinh thái khác nhau mà chúng đòi hỏi những khả năng chuyên biệt để một loài có thể tồn tại ở đó. Đôi khi, những đặc điểm này gây khó khăn cho người nuôi cá khi họ muốn nuôi chúng trong hồ cảnh. Trong phạm vi bài này, tôi cố gắng cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt để những ai có ý định nuôi các loài thuộc họ Balitoridae, còn gọi là cá bám đá (river hay hillstream loach), có thể hiểu rõ về những nhu cầu của chúng và phương pháp của riêng tôi để nuôi dưỡng chúng một cách thành công. Cá bám đá là gì? Những loài được gọi là “cá bám đá” thuộc họ Balitoridae. Tất cả đều có hình dạng “đặc trưng” để thích nghi với đời sống trong môi trường có dòng nước chảy xiết. Các chi cá bám đá[1] Ellopostoma Aborichthys Annamia Balitoria Beaufortia Bhavania Crossostoma Lefua Lepturichthys Nemacheilus = Noemacheilus Oreonectes Orthrias Trilophysa Homaloptera = Balitoropsis Shistura = Sundoreonectes Travancoria Indoeonectes Gastromyzon Hemimyzon Pseudogastromyzon Protomyzon Sinogastromyzon Sewellia Formosiana Praeformosiana Glaniopsis Vaillantella Yunnanilus Tại sao hình dạng cơ thể lại quan trọng? Nước tạo ra một lực cản đáng kể khi một vật thể di chuyển trong đó. Bạn nên biết là di chuyển ở dưới nước khó khăn như thế nào. Mọi vận động đều tiêu hao năng lượng, do đó điều tốt nhất đối với một vật thể khi di chuyển trong nước hay không khí là sao cho càng tiêu hao ít năng lượng càng tốt. Cơ thể con người có cấu tạo không phù hợp với những yếu tố khí động lực bởi vậy chúng ta di chuyển trong không khí khá chậm chạp, nhưng hãy quan sát những vận động viên bơi lội “lướt” trong nước, họ có thể đạt đến tốc độ còn nhanh hơn tốc độ chạy bộ một chút. Với những loài cá sống nơi có dòng nước chảy xiết, việc di chuyển không là vấn đề gì cả. Một khi cá sống trong dòng nước, nó không cần nhiều năng lượng để di chuyển ngoại trừ việc xoay trở tối thiểu. Tôi tin rằng cấu tạo cơ thể của những loài cá này được hình thành dưới tác động của nhu cầu tiết kiệm năng lượng và tốc độ của dòng nước nơi chúng sinh sống. Tại sao tôi lại nghĩ như vậy? Bởi vì mọi vật thể chuyển động, dù là trong môi trường nước hay không khí, đều chịu tác động bởi lực kéo. Lực kéo là gì? Lực kéo được định nghĩa là lực cản khí động lực tác động lên một vật thể khi nó di chuyển trong nước. Lực kéo phát sinh khi có sự biến đổi về vận tốc tương đối giữa vật thể (con cá) và nước. Không có gì khác biệt giữa việc con cá di chuyển trong nước hay nước chảy qua con cá, trường hợp nào thì lực kéo cũng được phát sinh. Người ta thường có xu hướng cho rằng những mũi nhọn như ở phần đầu của máy bay chiến đấu có tính chất khí động lực, quả đúng như vậy thật nhưng không khí (hay nước) cũng tác động lên phần đuôi và nếu chúng chuyển động qua đó một cách trơn tru thì lực kéo phát sinh sẽ rất nhỏ. Một vật thể có hệ số lực kéo rất thấp là quả cầu với chỏm nhọn phía sau nơi không khí lướt qua (dạng giọt nước). Hãy quan sát hình dạng của loài Sewellia lineolata xinh đẹp dưới đây: Dĩ nhiên, con cá không phải là vật thể một chiều, vậy hãy quan sát hình dạng của nó từ những hướng khác... Mặt dưới phẳng lì của con cá cộng với cái đầu tròn và thân hình thuôn làm thành một dạng thiết bị lượn đặc trưng và những cái cánh tạo ra lực nâng một cách rất hiệu quả. Một con cá với hình dạng như vậy có thể bơi lội thoải mái trong dòng nước chảy xiết và có xu hướng bị kéo lên bởi tác động của dòng nước chảy qua nó. Trên thực tế, tôi thường xuyên chứng kiến điều này trong hồ cá của mình khi những con cá bơi từ nơi này qua nơi khác. Lực nâng được tạo ra bởi vì dòng nước chảy qua bên trên con cá phải đi qua một chặng đường dài hơn dòng nước chảy qua bên dưới nó. Điều này làm cho áp suất ở bên trên thấp hơn và do đó phát sinh lực nâng. Con cá có thể tận dụng điều này để di chuyển lên xuống một cách ít tốn năng lượng nhất, nhưng trên thực tế, mọi vật được thả vào dòng nước chảy xiết đều tiêu tốn năng lượng nhiều hơn bình thường vì phải bơi liên tục để duy trì vị trí hiện tại. Cá vốn tiêu thụ năng lượng ít hơn khi nó đứng yên nhưng lực kéo lại luôn tác động lên chúng, vậy làm thế nào mà cá có thể tự thích nghi để vượt qua tác động này? Những cái vây cực lớn ở những loài này là lời giải thích hợp lý nhất. Chúng được gọi là loài “bám đá” (suckerbelly) và một số tên gọi khác mà tôi sẽ nói đến sau này khi có điều kiện. Nếu có cách làm cho dòng nước phía bên dưới cá ngừng chảy thì lực nâng sẽ bị suy giảm đi rất nhiều. Khi di chuyển, lực cản dưới tác động của trọng lượng cùng với lực ma sát với mặt đáy tương phản với lực kéo và tốc độ của dòng nước. Một cách để gia tăng lực cản là giảm áp suất bên dưới cơ thể cá, trọng lượng cơ thể tăng lên một cách đáng kể, nhờ đó lực cản tăng lên. Vây ở một số loài lớn đến nỗi cho phép chúng triệt tiêu “dòng chảy bên dưới” cũng như một số loài có vây ngực chồng lên vây bụng tạo ra một vùng đóng kín rất lớn. Ở những loài này, phần rìa vây ngực phát triển thành một cái giác chụp giúp chúng di chuyển và nước phía bên dưới được đẩy ra ngoài. Khi cá đóng kín “van”, những cái vây giúp chúng bám chặt lên mặt đáy và chống lại lực kéo. Nếu so sánh các loài này với nhau, chúng ta sẽ thấy những loài mà các vây không chồng lên nhau có thân hình hơi tròn hơn những loài mà các vây chồng lên nhau, những loài vây bám lớn có thân thể dẹp hơn ở nhiều cấp độ. Đây có phải là kết quả của việc thích nghi với những môi trường sinh sống khác nhau? Một thành phần khác của lực kéo được biết là lực kéo hình thể. Nó tỷ lệ với hình dáng của vật thể. Độ dày của cánh máy bay tỷ lệ với độ rộng và được gọi là “cung”. Nó ảnh hưởng đến lực nâng. Một cung dày (như ở máy bay Boeing 747) tạo ra một lực nâng lớn để giúp con “quái vật” này cất cánh nhưng nó sẽ làm lực kéo gia tăng, ngược lại một cung mỏng sẽ tạo ra một lực nâng nhỏ nhưng lực kéo cũng nhỏ. Điều này giải thích tại sao máy bay chiến đấu mặc dù nhẹ và tạo ra lực kéo rất nhỏ nhưng lại đòi hỏi vận tốc cất cánh rất lớn. Vì vậy, con cá có “cung” nhỏ hơn sẽ có lực nâng và lực kéo nhỏ hơn, cùng với việc gia tăng diện tích cơ thể và khả năng bám dính hiệu quả nhờ những cái vây có khả năng “bơm nước”, mà cá có thể trụ vững trong dòng nước chảy xiết. Nhiều loài có những gai li ti ở mặt dưới của vây để làm triệt tiêu lực kéo của dòng chảy. Tôi cho rằng những loài có cơ thể dẹp có nhiều khả năng sống ở những nơi thường xuyên có dòng nước chảy xiết hơn những loài khác. Dĩ nhiên, sự tiến hoá ở một loài không chỉ thể hiện bằng sự thích nghi đối với một môi trường nhất định, mà còn qua nhiều thế hệ thích nghi thành công bao gồm cả những cá thể có những đặc điểm cho phép chúng thích nghi tốt hơn với môi trường đó. Cùng với thời gian, nhiều nhóm cá thể tự biến đổi và phân nhánh, có lẽ từ một tổ tiên chung thành những loài như chúng ta thấy ngày nay. Cách mà chúng biến đổi giúp chúng sinh sống trong những nhánh sông chảy xiết và mức độ chuyên biệt về hình dạng cho phép một vài loài có thể sống trong những dòng chảy cực mạnh, nơi mà những loài khác có thể bị cuốn trôi, và khai thác nguồn thức ăn sẵn có ở đó. Một lực kéo khác ở máy bay phản lực là lực cuốn. Lực này phát sinh ở đầu cánh máy bay nơi tiếp giáp giữa hai vùng áp suất cao và thấp. Sự phát sinh lực cuốn làm tăng lực kéo và tạo ra dòng khí nhiễu loạn phía sau máy bay. Điều này giải thích tại sao những máy bay lớn với “cung” dày cần phải bay cách nhau khá xa (tôi nghĩ khoảng 5 km) trên mỗi đường băng. Khi cất cánh, chúng làm bầu khí quyển bị xáo trộn mạnh. Cấu tạo hình học của đôi cánh (tỷ lệ với chiều dài thông qua “cung”) ảnh hưởng đến lực cuốn. Đôi cánh dài và mỏng tạo ra lực cuốn nhỏ hơn, vì vậy cá có vây rộng, cung mỏng sẽ tạo ra ít lực cuốn hơn trong trường hợp chúng bám sát vào mặt đáy và di chuyển dưới đó. Những biến đổi về hình dạng như thế này tạo ra những loài cá chuyên sống trong dòng nước chảy xiết và tiêu thụ rất ít năng lượng của cơ thể. Vậy, những loài cá không có giác bám sống trong dòng nước chảy chậm? Có lẽ là vậy. Tôi để ý thấy một vài loài có khuynh hướng tránh bơi gần đầu máy bơm. Có lẽ chúng vốn không sống nơi dòng nước chảy xiết hay chúng thích vùng có dòng chảy yếu hơn và không cần phải thích nghi tuyệt đối với dòng nước xiết. Những loài Homaloptera có vây ngực rất lớn mà chúng sử dụng để “nâng đỡ” cơ thể khi di chuyển trên bề mặt các tảng đá trong dòng nước xiết. Chúng lợi dụng dòng chảy bằng cách quặp vây tạo ra lực kéo xuống phía dưới. Nếu không có cơ chế bám dính, khả năng tồn tại nơi dòng chảy cực mạnh của chúng sẽ bị giảm sút. Môi trường có tác động lên các loài cá bám đá hay không? Những loài cá bám đá được bắt từ quê hương của chúng rồi đem bán ở khắp nơi thế giới, rất nhiều con bị chết trong khi những loài khác nuôi trong cùng hồ lại sống khỏe mạnh. Tại sao điều này lại xảy ra? Xem xét một cách logic, nguyên nhân dường như là ở sự khác biệt về dòng nước và nồng độ ô-xy giữa hồ nuôi “thông thường” với môi trường tự nhiên. Phải chăng cá bị thiếu ô-xy? Nếu vậy, chúng ta phải điều chỉnh máy sục khí mạnh hơn một chút và cá sẽ “ổn”? Nhưng tại sao những loài cá khác lại không gặp phải vấn đề gì hết? Câu trả lời có thể là ở lượng ô-xy được cá vận chuyển vào máu nhờ những hemoglobin có trong hồng cầu. Ô-xy được thẩm thấu trực tiếp vào máu, lượng ô-xy (chẳng hạn như ở người) nằm trong những tế bào hồng cầu nhiều gấp 70 lần so với bên ngoài. Đặc tính của sự kết hợp giữa ô-xy với hemoglobin, khác với phản ứng ô-xy hóa, là phản ứng biến đổi từ Fe2+ sang Fe3+, và dưới một số điều kiện nhất định, phản ứng này có khả năng hoán đổi. Hồng cầu có thể lấy ô-xy từ phổi hay mang một cách dễ dàng rồi sau đó giải phóng chúng tại các tế bào, nơi cần ô-xy để thở. Có một ion Fe2+ tại trung tâm của haem (haem và globin là hai thành phần tạo nên phân tử hemoglobin) là vị trí kết hợp với ô-xy. Khoảng cách chính xác giữa những phân tử bao quanh globin (một loại protein) và lực tương tác phân tử ngăn cản sự kết hợp vĩnh viễn (với ô-xy). Việc bố trí như vậy là bằng chứng cho thấy rằng thành phần haem, mà nó độc lập với thành phần globin, sẽ chỉ kết hợp với ô-xy một cách tạm thời. Ở mang cá, có hàng ngàn khe nhỏ nằm trên những nếp mang tiếp xúc với ô-xy hòa tan trong nước. Hemoglobin được vận chuyển đến hàng triệu mao mạch nằm bên trong những khe mang, kết hợp với ô-xy tại đấy và sau đó đem đi giải phóng ở những nơi cần chúng, tức những tế bào trên khắp cơ thể. Quá trình kết hợp và giải phóng ô-xy diễn ra một cách tự động dưới áp lực của việc tăng và giảm nồng độ ô-xy hòa tan (dù vậy nó là một quá trình phức tạp hơn là chúng ta nghĩ!). Ngoài một vài ngoại lệ, hemoglobin hiện diện trong cơ thể của tất cả những nhóm động vật có và không có xương sống. Theo tôi biết, thành phần haem tương tự như nhau trong khi thành phần globin lại khác biệt tùy vào mỗi loài. Điều này hé lộ câu trả lời tại sao những loài cá này lại phải cố gắng nhiều trong môi trường nuôi dưỡng. Khác biệt nhỏ trong cấu trúc của globin gây ảnh hưởng đáng kể đến chức năng của hemoglobin. Năng lực kết hợp của hemoglobin đối với ô-xy được gọi là “hấp lực”. Hemoglobin cũng nhạy cảm đối với nồng độ CO2 hòa tan và nhiệt độ. Nồng độ CO2 cao làm giảm hấp lực của hemoglobin đối với ô-xy. Đấy là cách mà Sự Tiến Hóa khai thác những đặc tính của các chất hóa sinh. CO2 là chất thải phát sinh trong quá trình hô hấp của tế bào; lượng CO2 có xu hướng tăng lên khi tế bào đang “hoạt động” và do đó, tế bào cần được cung cấp nhiều ô-xy. Lượng CO2 tăng thực sự “hỗ trợ” hemogolobin giải phóng ô-xy. Nhiệt độ tăng làm giảm hấp lực của hemoglobin đối với ô-xy. Cá luôn có nhiệt độ thân thể bằng với môi trường nước, vì vậy hấp lực giảm có thể dẫn đến việc hạn chế lượng hồng cầu đi đến mang, nhất là với những loài có hồng cầu hấp lực yếu. Điều này xảy ra đồng thời với việc nhu cầu tiêu thụ ô-xy của cá tăng lên cũng như nồng độ ô-xy hòa tan trong nước giảm một khi nhiệt độ tăng lên. Ngược lại, nhiệt độ giảm làm tăng hấp lực của hemoglobin, nhưng lại làm việc giải phóng ô-xy tại tế bào khó khăn hơn. Nói theo cách khác, chúng ta có thể tác động lên hấp lực hemoglobin của cá bằng việc thay đổi nhiệt độ môi trường nước. Vài loại hemoglobin có hấp lực mạnh hơn đối với ô-xy và do đó chúng kết hợp với ô-xy dễ dàng hơn so với những loại khác. Nhưng mặt trái của hấp lực mạnh đó là việc giải phóng ô-xy tại tế bào sẽ khó khăn hơn. Loại cá có hemoglobin hấp lực cao có khả năng sống trong môi trường nghèo ô-xy. Cá chép là một ví dụ, nó có hemoglobin hấp lực cao nên có thể sống trong môi trường nước tĩnh. Ngược lại, một số loài cá khác có khả năng thích ứng với môi trường rất giàu ô-xy chẳng hạn như dòng nước chảy xiết và ở tầng mặt của đại dương. Nơi đó, cá không cần phải có hồng cầu hấp lực mạnh vì chẳng khó khăn gì để kết hợp với ô-xy vốn luôn có sẵn. Lợi điểm của loại hồng cầu hấp lực yếu đó là nó có thể giải phóng ô-xy tại tế bào một cách dễ dàng, bớt được một số “phản ứng” hóa sinh mà các loài cá khác phải thực hiện trong quá trình giải phóng ô-xy. Trong môi trường giàu ô-xy, loại hemoglobin hấp lực yếu chuyển tải ô-xy đến các tế bào một cách hiệu quả hơn loại hemoglobin hấp lực mạnh (nghe có vẻ kỳ lạ nhưng hoàn toàn hợp lý). NHƯNG… loại hemoglobin hấp lực yếu sẽ KHÔNG hoạt động tốt trong môi trường có nồng độ ô-xy ở mức trung bình hay yếu. Bởi vậy những loài cá bám đá không hề được phát hiện ở những vùng nước nghèo ô-xy và một hồ cá bình thường có thể rơi vào tình trạng này. Rất hợp lý khi cho rằng cơ thể chúng đáp ứng với loại hemoglobin hấp lực yếu và do đó chúng không thể sống sót trong hồ nuôi nếu như hồ không có đủ lượng ô-xy hòa tan. Trở về những loài cá khác nhau như đã nói ở trên và lý thuyết của tôi về mối tương quan giữa hình dạng cơ thể và tốc độ dòng chảy trong môi trường sinh sống của cá, tôi cho rằng những loài cá có thân hình trụ tròn như loài Nemacheilus sp. có thể đến từ những vùng có dòng chảy yếu và do đó, có lẽ chúng có sức chịu đựng tốt hơn so với những loài có hình dạng thích nghi cao độ như Beaufortia. Nếu muốn nuôi những loài này thì phải làm sao? Trên lý thuyết, việc sục khí nhiều hơn sẽ tốt cho cá nhưng như vậy cũng chưa đủ. Với hình dáng thích nghi cao độ với môi trường, chúng ta không nhất thiết phải quan sát xem chúng sống như thế nào ngoài môi trường tự nhiên. Chúng có xu hướng ở quanh quẩn xung quanh đầu sục khí hay đầu ra của máy bơm và không muốn rời xa những vùng nước giàu ô-xy này. Cách tốt nhất là thiết kế hồ với dòng chảy mà ở đó cá sinh hoạt một cách tự nhiên và nếu như chúng cảm thấy thoải mái, chúng có thể sinh sản và đó cũng là mục tiêu đáng để phấn đấu. Tôi quyết định thiết kế loại hồ dành riêng để nuôi những loài này gọi là “hồ có dòng chảy”. Ý tưởng này rất phù hợp với hồ có chiều dài trên 70 cm. Hầu hết máy bơm trong những hồ thông thường đều có tính năng khuấy động nước nhưng không hề tạo ra một dòng chảy đều đặn như ở nơi mà những con cá này sống ngoài tự nhiên. Tôi nghĩ ra một hệ thống ống dẫn tương tự như bộ lọc dưới sỏi nhưng với phần thoát nước nằm ở phía cuối hồ có gắn những miếng lọc bằng bọt biển, nước được hút trở về đầu bên kia nhờ những máy bơm công suất thật lớn: Loại ống được sử dụng có đường kính ¾ inch (khoảng 1.8 cm), nối với nhau bằng loại keo dán hiệu "Osmaweld". Ở hồ thứ hai, tôi không gắn hai thanh ở giữa như trong hình và thấy rằng hệ thống hoạt động không tốt. Những ống này giúp cho bộ khung được vững chắc. Keo Osmaweld cứng rất nhanh vì vậy chúng ta nên gắn thử các bộ phận lại với nhau và cân chỉnh trước khi dán. Tôi đánh dấu trên từng bộ phận để biết chính xác vị trí cần phải dán, bạn chỉ có 30 giây để thao tác vì vậy cần phải kiểm tra thật kỹ. Ở phía máy bơm, một đoạn ống dẻo có đường kính khoảng 1 inch (2.4 cm) được sử dụng để nối đầu hút của máy bơm với ống dẫn. Tôi sử dụng hai máy bơm hiệu Aquaclear802. Trang trí hồ Môi trường trong loại hồ có dòng chảy khác hẳn với loại hồ thông thường. Đây là loại môi trường đặc biệt. Những dòng chảy mạnh tạo ra những rãnh sâu và làm sói mòn lớp nền đáy. Thành phần nền đáy bao gồm cát, sỏi và đá với nhiều kích cỡ, chúng cung cấp nơi trú ẩn thích hợp cho các loài cá ở giữa dòng nước chảy không ngừng nghỉ. Dòng nước chảy qua những khu rừng nhiệt đới ở dưới chân núi, với những bụi tre và chuối dại mọc hai bên bờ. Nơi đó, có cả những loại cây thuộc họ dương xỉ xen kẽ với cây cổ thụ cùng với phong lan mọc ở phía trên. Những dòng nước giàu ô-xy và đầy ánh sáng; không có các loài thực vật nổi, còn các loài cá rất linh hoạt và sống động. Một môi trường vô cùng hấp dẫn, tràn đầy ánh sáng, trong vắt và sống động. Hầu như ở khắp nơi, dòng nước chảy không ngừng sẽ cuốn trôi bùn đất. Điều này dẫn đến dưới đáy chỉ còn trơ lại sỏi và đá cuội. Cát chỉ hiện diện ở những vùng được che chắn. Do đó, trong hồ nuôi, chúng ta nên cố gắng tái tạo loại môi trường này. Tôi trải bên trên hệ thống ống dẫn một lớp sỏi loại có đường kính 4 mm. Cách trang trí như thế nào là tuỳ ở mỗi người nhưng cá cần mặt đá rộng rãi với rêu mọc bên trên vì chúng sẽ ăn rêu và các vi sinh vật bám trên đó. Tôi sử dụng loại đá không có chứa thành phần can-xi với nhiều kích cỡ khác nhau. Chúng cung cấp chỗ trú ẩn trong dòng nước chảy xiết. Loài bám đá thích gắn mình lên các tảng đá và thành hồ. Một số loài thích sục sạo trên lớp sỏi để kiếm mồi, nhưng loài khác lại thích ở một chỗ cố định. Dường như chúng sẽ không thoải mái lắm nếu miệng không bám lên một bề mặt nào đó. Để kích thích rêu tăng trưởng, chúng ta nên cung cấp đủ ánh sáng cho hồ. Tôi sử dụng nhiều bóng đèn với tổng công suất 440 W. Lượng chiếu sáng này đủ cho cả cây thủy sinh phát triển và làm sạch nước hồ. Đây là cái hồ của tôi vào năm 2004: Hồ dung tích 65 gallon (250 lít) của tôi, làm vào tháng 9 năm 2001 có 3 đầu thoát gắn miếng lọc bằng bọt biển, mỗi miếng có chiều dài 4’’ (10 cm), đường kính 4’’ (10 cm). Đây là môi trường lọc sinh học rất hiệu quả nhờ dòng nước được hút qua đó từ những máy bơm Aquaclear 802. Hơn nữa, hồ còn có hai máy bơm Aquaclear 300 và 150 treo ở mặt sau, cộng với hai máy lọc thùng Eheim 2213 và Fluval 203. Máy lọc Eheim có than bên trong. Nghe có vẻ như là nước hồ được vận chuyển quá mạnh cho nên chúng ta cần điều chỉnh tốc độ chảy của nước khoảng một mét trên giây. Một dòng suối ở tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia: Hình trên minh họa lý do tại sao chúng ta không nên nuôi những loài đặc biệt này trong hồ nuôi bình thường. Nhiệt độ tốt nhất nên duy trì ở tầm từ 65 – 75 độ F (18 -23 độ C), không nên để cao hơn. Như giải thích ở trên, lượng ô-xy hoà tan bị giảm khi nhiệt độ nước tăng cao vì vậy tốt nhất nên giữ nhiệt độ nước hơi thấp để tăng lượng ô-xy hoà tan. Bởi vì có rất nhiều loài phân bố ở những vùng khác nhau nên nhiệt độ đối với mỗi loài có thể khác biệt nhưng nhìn chung nên để thấp hơn nhiệt độ của một hồ cá cảnh nhiệt đới là thích hợp nhất. Một trong số những hồ của tôi chỉ sử dụng nhiệt toả ra từ đầu nhiệt và máy lọc vào giữa mùa đông. Chắc chắn là ở một số nước, nhiều loài được bán như là cá nước ngọt “ôn đới”, nghĩa là không cần phải sưởi ấm. Vào mùa nóng, nhiệt độ cao có thể gây ra vấn đề. Tôi thấy nên gắn một cái quạt nhỏ thổi trên mặt nước để làm mát, tuy rằng nó sẽ làm nước bay hơi một cách đáng kể. Thành phần nước cũng không có gì đặc biệt, miễn là đừng bất thường. Độ pH từ trung hoà cho đến hơi có tính acid, độ cứng từ thấp đến trung bình là thích hợp nhất. Hồ đã làm xong, vậy cá ăn bằng gì? Trước tiên với những loài bám đá, bề mặt đá phải có nhiều rêu sinh trưởng. Chúng cũng ăn những loại thức ăn khác nhưng rêu hầu như là thức ăn thích hợp nhất để chúng phát triển lâu dài và mạnh khỏe. Ngoài môi trường tự nhiên, chúng bám vào mặt đá để tìm thức ăn dính trên đó. Do vậy, chúng không thích hợp với những hồ vừa mới làm xong. Chúng cũng ăn thịt đông lạnh, thức ăn tổng hợp, rêu tấm, tôm đông lạnh, đặc biệt là artemia và trùn đỏ đông lạnh. Jim Powers nuôi cá bằng lá bắp cải, thứ mà chúng rất thích. Những người nuôi cá nhiều kinh nghiệm thường đặt một cái hồ lộ thiên và thả một số viên đá cuội để rêu phát triển trên đó. Khi rêu phát triển tối đa, họ bèn lấy đá cuội đem thả vào hồ để cá ăn rêu xanh trên bề mặt. Trong hình này, ba loài cá bám đá đang thưởng thức bữa tiệc bằng rêu tươi. Bởi vì chỉ ăn các loại thức ăn nghèo chất dinh dưỡng nên chúng phải ăn rất nhiều và liên tục. Khi mua Gastromyzon và các loài tương tự, hãy để ý xem chúng có di chuyển tìm kiếm thức ăn hay không. Nếu không thấy cá di chuyển nhiều thì có thể đoán rằng chúng không được khỏe. Có lần tôi mua phải vài con cá kém linh động và chúng chết mà không hề có dấu hiệu báo trước nào cả. Có hai lý do dẫn đến sự kém linh động ở cá. Thứ nhất là do nồng độ ô-xy thấp trong hồ nuôi ở các tiệm bán cá gây ra và để lại tác hại lâu dài. Thứ hai, cá không chịu tìm kiếm thức ăn bởi vì chúng có thể đang bị bệnh. Những loài cá ít đặc biệt hơn cũng ăn các thức ăn tương tự riêng các loài Nemacheilus lại không ăn rêu. Chúng là loài cá chạch điển hình, chuyên tìm kiếm thức ăn trên sỏi và các địa hình khác. Cá của tôi cũng ăn cả thức ăn nổi trên mặt nước. Những loài cá bám đá khác nhau đang say sưa thưởng thức miếng thức ăn đông lạnh tự chế biến. Có thể lai tạo chúng được không? Khi tôi bắt đầu viết bài này, câu trả lời là có thể. Vào lúc đó, chỉ có vài người có thể lai tạo một số loài cá bám đá mà thôi. Nhờ vào bản thiết kế hồ đặc biệt của tôi mà rất nhiều người có thể lai tạo chúng, ngoài ra nhiều người còn sử dụng loại hồ này để lai tạo một cách thành công vô số loài cá sống nơi có dòng chảy khác. Một trong những loài dễ sinh sản nhất là Pseudogastromyzon cheni. Khi trưởng thành, chúng sinh sản những lứa cá nhỏ sau mỗi vài tuần. Cá đực đào những lỗ nhỏ bằng cách xục đuôi vào lớp sỏi và rung lắc thật nhanh (xem hình dưới). Những loài khác nữa cũng được lai tạo bởi tôi và Jim Powers là Liniparhomaloptera disparis, và cả loài Sewellia lineolata mà người đầu tiên lai tạo thành công là Emma Turner. Tôi muốn nuôi vài con nhưng nên chọn loài nào và tìm chúng ở đâu? Tương tự như khi lựa những loài cá khác, nên để ý đến các dấu hiệu bệnh tật và bất thường nơi cá. Sau đây là một số chỉ dẫn để phát hiện ra cá bệnh. Những con cá bị lở loét và bỏ ăn có thể bị chết rất nhanh. Jim Powers đã kết hợp sử dụng thành công các loại thuốc kháng sinh Maracyn-Two (minocycline) và Maracyn (erythromycine) để trị bệnh cho cá. Rất khó để biết tiệm cá bán loài nào thì bởi vì chúng được gọi bằng đủ thứ tên mỹ miều và chúng đã gây ra vô số ngộ nhận. Chúng gồm: - Cá chùi kiếng bướm Trung Hoa (Chinese Butterfly Pleco) - Cá bám đá Borneo (Borneo Sucker) - Cá thằn lằn (Lizardfish) - Cá mũi vây (Flossensauger) (ở Đức) - Cá chạch suối (Hillstream Loach) - Cá chạch bướm (Butterfly Loach) - ... vân vân (thị trường cá cảnh rất giàu trí tưởng tượng) Trước hết, chúng không phải là cá chùi kiếng (pleco)! Họ Plecostomus gồm những loài cá cá nheo miệng bám Nam Mỹ, trong khi những loài này lại phân bố ở châu Á. Tên gọi cá thằn lằn (lizardfish) được dùng để gọi các loài thuộc chi Homaloptera lại càng không chính xác. Thật không may, các tiệm cá cảnh không có đủ kiến thức để định danh chúng một cách chính xác nên cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta bán lẫn lộn nhiều loài cá khác nhau và đôi khi có cả những loài chưa được mô tả[2]. Loài mà bạn mua thường là loài mà tiệm bán cá có. Người ta thường gán "bất kỳ" tên gì cho chúng nên bạn có thể tra cứu danh mục cá ở trang www.loaches.com để nhận dạng cá của bạn được chính xác. Vào năm 2006, nhóm cá này đã được tái phân loại nhờ công trình nghiên cứu xuất sắc của tiến sĩ Tan Heok Hui thuộc khoa sinh học Raffles Museum, Singapore, người đã mô tả hàng loạt loài cá bám đá mới kèm theo hình ảnh mẫu vật. Thông thường, các mẫu vật dùng trong nghiên cứu khoa học có màu sắc rất khác biệt so với màu thực làm cho việc nhận dạng rất khó khăn đối với người nuôi cá bình thường. Chúng có đòi hỏi lãnh thổ hay xung đột với những cá khác? Dù những loài này đòi hỏi các điều kiện sống đặc biệt nhưng đồng thời đó cũng là điểm rất thú vị đối với người nuôi. Sự hung dữ của chúng thường chỉ giới hạn ở mức chen lấn và đụng chạm thân mình với nhau. Chúng không hề có cơ quan nào để có thể gây tổn thương cho đối phương. Các loài cá bám đá gây hấn với nhau đôi chút bằng cách quất vây lưng vào đối thủ và thông thường chúng tìm cách đẩy đối thủ ra khỏi một vị trí nhất định. Tôi phát hiện thấy các loài thuộc chi Homaloptera thích ở trên một hòn đá cố định nào đó và luôn quay trở về vị trí cũ mỗi khi đi đâu xa. Chúng sẽ bảo vệ vị trí của mình khỏi đồng loại hay những loài cùng họ nhưng hoàn toàn không quan tâm đến những loài xa lạ. Các loài thuộc chi Nemacheilus chen lấn nhiều hơn, tranh nhau từng chút một và cố “chứng tỏ” với đồng loại nhưng cũng chưa thấm gì so với sự xung đột ở các loài Gastromyzon. Các loài Sewellia có thói quen "đè" lên nhau khi xung đột. Chúng thường tìm mọi cách để đè con khác xuống. Những loài cá bám đá thân rộng khác như Beaufortia cũng có thói quen tương tự. Chúng có thể lớn cỡ nào? Hầu hết những loài này có kích thước từ 1.5 đến 4 inch (4-10 cm) và thích hợp để nuôi làm cảnh vì kích thước của chúng không quá lớn. Tôi thấy mình ngày càng yêu thích những loài này và các đặc điểm của chúng. Cùng với sự ưa chuộng và hiểu biết về chúng ngày càng tăng, hy vọng rằng ngày càng có nhiều người nuôi chúng một cách thành công. Ngày nay những người nuôi cá như tôi, Emma Turner và Jim Powers đã chứng tỏ rằng có thể thiết lập môi trường hồ nuôi thích hợp để chúng sinh sản được, từ đó thế hệ F1 và các thế hệ về sau có thể làm giảm nhu cầu săn bắt những loài này ngoài tự nhiên. Tuy nhiên, tốc độ sinh trưởng chậm của chúng có thể làm hạn chế khả năng lai tạo với số lượng lớn.Những loài này đã lưu hành trên thị trường cá cảnh từ rất lâu rồi và tôi nghĩ rằng người nuôi cần được cung cấp thông tin về những đặc điểm riêng biệt cũng như cách thức chăm sóc chúng trong hồ cảnh. Tôi e rằng đa số cá được nhập khẩu sẽ bị héo hon dần rồi chết. Chúng cần được những “chuyên gia” nuôi dưỡng để đạt khả năng sống sót tối đa và tôi nghĩ rằng, chúng ta nên chăm sóc chúng đúng cách bằng không thì xin chớ nên nuôi làm gì. Martin Thoene Vô cùng cảm ơn sự trợ giúp và đóng góp của Jim Powers và tiến sĩ Gabriella Kadar. Ghi chú (VNRD) [1] Các chi cá bám đá mà tác giả liệt kê ở đây chưa đầy đủ. Họ cá bám đá theo thống kê hiện có 2 phân họ, 60 chi và hơn 600 loài. [2] loài chưa được mô tả (un-described specie) là loài tuy có những đặc điểm khác biệt về phân bố, hành vi, màu sắc và hình dạng nhưng chưa được nhà khoa học nào nghiên cứu và dĩ nhiên không có tên khoa học kèm theo.