Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Bánh mì Sài Gòn

Thảo luận trong 'Tản mạn' bắt đầu bởi QSy, 11/12/08.

  1. QSy

    QSy Moderator

    Bánh mì Sài Gòn


    Sài Gòn có nhiều món ăn rất riêng, khởi thủy là món “nhập cư” được Sài Gòn hóa. Chúng không chỉ Sài Gòn ở khẩu vị, ở cách chế biến mà ở cả cách ăn, cách kinh doanh… Bánh mì là một trong số đó.


    [​IMG]
    Tiệm bánh mì Hòa Mã năm 1960


    Ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn đã có mặt khắp nơi trong nước. Nó còn theo chân người Việt để bén rễ ở nhiều quốc gia khác.

    Cửa hiệu đầu tiên

    Gần ngã tư Cao Thắng - Nguyễn Đình Chiểu có một tiệm bán bánh mì nhỏ với bảng hiệu cũ kỹ, phai màu theo năm tháng. Bánh mì Hòa Mã đã tồn tại 50 năm kể từ ngày thành lập. Nhiều người khẳng định chủ nhân ở đây là người đầu tiên bán những ổ bánh mì thịt kiểu Sài Gòn.

    Bà Nguyễn Thị Dậu, chủ nhân của hiệu bánh mì Như Lan hiện nay, cho biết ngày xưa bà rất mê bánh mì Hòa Mã. Lúc nhỏ, bà thường đến mua bánh mì ở đây và ước ao ngày nào đó mình cũng có một cửa hàng bán bánh mì như ý thích.

    Sài Gòn từ trước năm 1958 đã có những cửa hiệu bán bánh của người Pháp. Họ bán bánh ngọt, bánh mì theo gu Pháp để phục vụ chủ yếu dân Tây. Bánh mì Tây là loại đặc ruột, tùy hình dáng mà được gọi tên (bánh mì gối là do tròn lớn như cái gối...). Và thịt nguội được bán riêng theo nhu cầu của người mua.

    Năm 1954, vợ chồng ông Lê Minh Ngọc và bà Nguyễn Thị Tịnh di cư vào Nam. Trước đó, bà Tịnh đã làm cho hãng thịt nguội chuyên cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi vào Sài Gòn, hai ông bà đã có sẵn ý tưởng mở cửa hàng bán bánh mì, thịt nguội để cung cấp cho người Việt trong khu vực. Thế là năm 1958, cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hòa Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Q.3). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng cho đến nay.

    Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công chức, thợ thuyền, sinh viên, học sinh không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hòa Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa, pa-tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc, lớp học.

    Lúc đó, tiệm Hòa Mã gọi một ổ bánh mì thịt của mình là cát-cút, có lẽ dùng theo từ Pháp casse-croûte, tức bữa ăn lót dạ, bữa ăn qua loa (thật ra, tên gọi đúng của bánh mì kẹp thịt là sandwich). Giá bán một ổ là 3 - 5 đồng, ổ lớn có bơ tươi thì 7 - 10 đồng.

    Ngày xưa, các vị công chức ở vùng Bàn Cờ, cư xá Đô Thành rất thích ăn bánh mì Hòa Mã. Bà Tịnh vốn xuất thân làm thịt nguội cho hãng Tây nên vẫn giữ gu Pháp cho bánh mì Hòa Mã suốt 50 năm. Không ít người ở nước ngoài về thăm quê hương thường ghé lại Hòa Mã để thưởng thức hương vị bánh mì thịt không thể nào quên.

    Hương vị bánh mì Sài Gòn

    Bánh mì thịt kiểu Sài Gòn bắt đầu định được dáng vẻ, hương vị riêng của mình. Vì ổ bánh mì vừa đủ cho một khẩu phần ăn nên không cần lớn lắm, nhưng vỏ bánh phải giòn, ruột bánh đặc vừa phải để bột không quến khi nhai làm mất ngon.

    Người miền Nam thường thích cái gì cũng có tí rau. Vì vậy ổ bánh mì được cho thêm vài lát dưa leo, củ cải trắng, cà rốt cắt sợi ngâm chua, thêm vài cọng hành, ngò để có hương thơm, vài khoanh ớt cay vừa ăn vừa hít hà mới khoái.

    Ăn ổ bánh mì thịt có đủ mùi thơm giòn của vỏ bánh, vị ngọt của bột mì, béo của bơ, hương vị thịt, chả, pa-tê như một bản phối tròn trịa sắc màu nhưng không hề ngán bởi có rau dưa tươi mát. Và điều quan trọng của ổ bánh mì thịt Sài Gòn là ngon, rẻ, tiện lợi cho tất cả mọi tầng lớp.

    Một thời gian sau, nhiều hiệu bánh mì thịt bắt đầu xuất hiện ở thành phố. Bánh mì không dừng lại ở món điểm tâm nữa, nó được dùng cả ở bữa trưa, chiều, tối.

    Ký ức bánh mì

    [​IMG]
    Những năm 70 - 80, người đi Sài Gòn về lại quê thế nào trong giỏ xách cũng lủng liểng vài ba ổ bánh mì làm quà. Những ổ bánh mì giòn, bóng lưỡng dầu bơ, thơm nức mũi luôn là nỗi háo hức của cả trẻ em lẫn người lớn vùng nông thôn

    Ngay cả đến bây giờ, ở bến xe Miền Đông, Miền Tây, tuyến xe Củ Chi – Tây Ninh… vẫn còn những người đầu đội sọt đựng bánh mì Sài Gòn rao bán tận cửa xe cho những hành khách đưa về quê làm quà. Dù bánh mì khắp nơi đều có, nhưng thương hiệu bánh mì Sài Gòn có lẽ đã đi vào ký ức từ lâu lắm của những người miệt quê, dễ gợi cho người ta có cảm giác gì đó khác lạ hơn khi nhai một miếng bánh mì mang từ Sài Gòn.

    Bánh mì do người Pháp du nhập sang hình thù tròn tròn, to phạc mà thoạt nhìn tựa như món bánh màn thầu (bánh bao) lớn của người Trung Quốc, người Việt gọi món bánh mì Tây ấy là bánh mì gối. Đấy là thời những năm 40. Thời kỳ này bánh mì do đầu bếp Tây làm cung cấp cho dân Pháp, dần dà những người Hoa ở Chợ Lớn làm cho các hãng chế biến thực phẩm của Tây cũng học làm.

    Khoảng thập niên 50, nổi nhất ở Sài Gòn là tiệm bánh mì cạnh rạp hát Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi (sau này là nhà hàng Cao Sơn - Thanh Bạch). Nhưng gu cũng vẫn là bánh mì đặc ruột có cho thịt nguội trét bơ. Thời ấy, những người sành điệu, dân ký giả, giới học thức mỗi sáng thỉnh thoảng tìm đến tiệm bánh mì thịt Vĩnh Lợi, mua một ổ nhồi thịt có trét bơ, thơm phức, đem đến quán cà phê Brodard hay Grival ngay trung tâm Sài Gòn cho bữa sáng đã từng một thời là niềm mơ ước của thanh niên đất Sài Gòn. Người bình dân khi ấy ít ai biết đến bánh mì thịt mà cụ thể là món bánh mì Vĩnh Lợi, bởi giá cả cao hơn nhiều so với những món ăn phổ biến thông thường nhất thời ấy là xôi.


    Về thứ tự xuất hiện của các thương hiệu bánh mì theo kiểu Sài Gòn thì sau bánh mì Hoà Mã (đã nói ở bài số trước) mở năm 1958 trên đường Phan Đình Phùng là bánh mì Hà Nội trên đường Nguyễn Thiện Thuật. Sau đó là Như Lan và nhiều tiệm tên tuổi khác mở ra khắp nơi trong thành phố. Ổ bánh mì Sài Gòn được định hình cho đến bây giờ với vỏ bánh giòn rụm, ruột vừa xốp, dồn đủ thứ thịt, chả, rau củ.
    [​IMG]
    Rồi bánh mì có thêm những biến tấu khác nhau. Chẳng hạn như bánh mì xíu mại chuyên bán trước cổng trường. Các em học sinh ít tiền thường mua bánh mì chan nước xíu mại với đồ chua ăn cũng ngon chán. Hay bánh mì bì, mỡ hành, chan nước mắm đậm đà hương vị Nam bộ.

    Những năm 1965, phong trào nuôi gà Mỹ (gà công nghiệp) rộ lên ở các trại chăn nuôi ngoại ô Sài Gòn. Bánh mì thịt có thêm người anh em là bánh mì cóc - thịt gà chà bông. Ổ bánh mì lúc này được làm ngắn lại như con cóc, nhưng bột và cách nướng vẫn là gu của bánh mì Sài Gòn. Tiệm bánh mì gà nổi tiếng thời đó là Nguyễn Ngọ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 1.

    Sau chiến tranh, bánh mì càng trở nên quen thuộc, đặc biệt với món bánh mì thùng phuy - bánh được nướng trong các lò, vỉ chế từ thùng phuy, cũng với hình dáng dài, dẹp, đủ kẹp mớ rau thịt trong ruột và ổ bánh vừa đủ tay cầm. Bánh mì càng trở nên bình dân hoá, những xe bánh mì thùng phuy kẹp thịt không xa lạ với giới công nhân, viên chức, sinh viên, học sinh.

    Nhưng cho dù có thêm thắt bất cứ món gì bên trong thì bánh mì vẫn phải đáp ứng yêu cầu giòn, thơm, xốp. Đó phải chăng là đặc điểm để định danh cho bánh mì Sài Gòn?

    Thời mở cửa đến, những chiếc bánh mì tròn kẹp thịt bò nướng, thịt bò chiên của các nhãn hiệu có tiếng trên thế giới bắt đầu có mặt trong các nhà hàng bán thức ăn nhanh. Hoặc những phần bánh mì sandwich với phô mai, bơ, thịt nguội, patê… gói thật chỉn chu, đẹp đẽ trong lớp nylon trong suốt. Tất cả đều tăm tắp, chính xác của nền công nghiệp thực phẩm làm người thích bánh mì hơi e ngại, vì hình như nó thiếu cái hồn của bánh mì thịt mà họ đã từng quen hương nhớ vị. Nhưng đây sẽ là những đối thủ cạnh tranh quyết liệt, đáng gờm với bánh mì Sài Gòn hiện tại và tương lai


    TTO
     
  2. QSy

    QSy Moderator

    Hiện đại hóa bánh mì Sài Gòn


    Chiếc tủ kính với bánh mì, thịt, chả, dưa leo, hành, ngò... đã trở thành một nét biểu trưng của ẩm thực Sài Gòn. Bánh mì Tây ngày càng nhiều, buộc bánh mì Sài Gòn phải tự làm mới từ hình thức đến chất lượng và không ít quán đã tạo được thương hiệu riêng.


    Bánh mì Sài Gòn khá phong phú vì bên cạnh những lò bánh mì không bảng hiệu (nhưng là nơi bỏ mối cho hàng trăm người bán lẻ khắp mọi ngõ ngách) còn có nhiều thương hiệu nổi tiếng.

    Ăn từ sáng đến tối
    Nhắc đến bánh mì Sài Gòn, không thể không nói đến tiệm bánh mì Như Lan. Từ một người bán bánh mì lề đường, nay bà Như Lan là chủ một doanh nghiệp lớn, kinh doanh nhiều loại thực phẩm ngoài bánh mì. Nằm trong tốp những tiệm bánh được người Sài Gòn biết tiếng khác có tiệm Sáu Minh (đường Võ Văn Tần), Ba Lẹ (chợ Tân Định), Bánh mì Hà Nội (đường Nguyễn Thiện Thuật)... Lại có một xe bánh mì thịt không bảng hiệu bên cạnh chợ Bà Chiểu chỉ bán trong vòng hai giờ đồng hồ vào buổi sáng. Đúng giờ, chủ xe nghỉ bán, dù còn một hàng người đông đảo đang đứng đợi! Cũng là bánh mì kẹp thịt, chả lụa, pa-tê..., nhưng mỗi tiệm có một cách làm riêng. Góp phần làm phong phú thêm hương vị bánh mì đất Sài Gòn, bánh mì Đức Phát, Hỷ Lâm Môn rồi đến Kinh Đô lần lượt xuất hiện, cạnh tranh quyết liệt.

    Xe bánh mì tiện lợi đến nỗi nó trở thành phương tiện mưu sinh cho không biết bao người nghèo khổ ở chốn đô thị. Chỉ cần chút đỉnh vốn đủ để sắm chiếc xe đẩy có tủ kính là có thể kiếm tiền mua gạo nuôi gia đình. Bánh mì không thì được chủ lò bán gối đầu (bán xong mới trả tiền), thịt, chả lụa cũng được bỏ mối theo cách ấy. Chị Lê Thị Vân, có một xe bánh mì thịt ở đầu ngã tư Bùi Minh Trực (quận 8), năm nay tầm tuổi 40, dáng người nhỏ nhắn, gầy gò, có bốn đứa con đều đi học, đứa lớn nhất đang học năm đầu đại học, đứa nhỏ nhất học tiểu học.


    Chồng chị chạy xe ba gác kiếm được chẳng bao nhiêu nên hầu như chi phí trong gia đình cho đến học phí của các con đều một tay chị ky cóp từ xe bánh mì nhỏ, bán từ sáng sớm đến khuya. “Bán cả ngày vậy mới đủ “sở hụi” chú ơi. Sáng sớm, công nhân, học sinh thường ăn bánh mì nên bán cũng khá. Còn về khuya, người ta chọn “cơm tay cầm” này để lót dạ, đông nhất là mấy chú xe ôm, những người đi làm về khuya” - chị kể.

    Nhiều người Sài Gòn vẫn giữ thói quen lang thang phố khuya và nhấm nháp chút gì đó lót dạ. Có anh xe ba gác vừa xong chuyến hàng, khoát tay chị bán bánh mì kêu một ổ “đầy đủ” để “cấp cứu” cái dạ dày đang sôi! Có những đôi trai gái sau cuộc hẹn hò, đậu xe trước xe bánh mì mua một ổ nhưng cắt đôi. Những khách hàng ăn bánh mì đêm như thế không ít. Họ ăn không phải để no mà như một cách cùng nhau thưởng thức hương vị của đêm!

    Một tiệm bán bánh mì trên đường Nguyễn Kim khá lâu đời, sau này hầu như chỉ bán vào ban đêm. “Đặc sản” của tiệm này là bánh mì trứng, cũng chỉ là trứng gà đánh lên nhưng nở phồng và xốp, thơm mùi bơ, kèm với bánh mì luôn được nướng trước khi kẹp trứng vào, nên nóng giòn.


    Sáu Minh (đường Võ Văn Tần) cũng là một tiệm bánh mì khuya có tiếng, có lẽ do dân chơi đêm tứ xứ tụ tập về đây để ăn bánh mì. Còn nếu muốn ăn bánh mì sang trọng hơn một chút thì Bánh mì Hà Hội, Bánh mì Tươi, Jollibee... dù mở cửa không quá khuya nhưng hằng đêm vẫn sáng đèn chờ khách.

    Khẩu vị của khách đêm tương đối khó tính nên nhiều tiệm bánh mì cố gắng chế biến “phá cách”. Trên đường Kỳ Đồng có bánh mì gà khô rất lạ. Gà được chiên giòn rồi xé miếng nhỏ, rất rõ vị thịt gà và không ngán. Khu phố đêm Nguyễn Tri Phương còn được nhiều người kháo nhau về bánh mì vịt quay. Bánh mì heo quay ở đường Nguyễn Thị Minh Khai cũng là một sự hưởng ứng dễ chấp nhận. Trên đường Nguyễn Tri Phương còn có tiệm bánh mì chay tưởng chừng dành cho khách nghèo nhưng giá chẳng hề rẻ!

    Nếu không thích ra đường vào giữa khuya nhưng thèm bánh mì thì đã có những người bán dạo với lời rao “Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ...” bất chấp mưa hay gió.

    Bánh cho giới trẻ hiện đại
    Vài năm gần đây, Sài Gòn có thêm bánh mì ngoại. Đầu tiên phải kể đến bánh mì Bon hương vị của Pháp, dài ngoằng, bán ở các cửa hàng chuyên biệt hoặc trong siêu thị. Lúc loại bánh này vừa mới có, nhiều người phải đợi khá lâu mới mua được. Sau bánh mì Bon là sandwich, hamburger, hot dog của các nhà hàng bán thức ăn nhanh như Lotteria, Kentucky...


    Các loại bánh mì ngoại này đều được người Sài Gòn đón nhận, nhất là giới trẻ. Rủ nhau đi ăn bánh mì trong các quán sang trọng đang là mốt của người Sài Gòn vì ở những nơi này có những dịch vụ tiện ích. Chẳng hạn vào quán King Baguetteria, có thể vừa ăn bánh mì trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ, vừa dùng máy vi tính xách tay, hoặc lên tầng trên, vừa ăn bánh mì, nhâm nhi cà phê, vừa ngắm toàn cảnh khu trung tâm thành phố.

    Hàng loạt quán bán bánh mì hiện đại được mở ra, cạnh tranh nhau khá khốc liệt: Bánh mì Ta xinh xắn được nhiều bạn trẻ biết tiếng, bánh mì Chop Chop phong cách “Tây” nguyên bản, bánh mì hình cái bát tròn Bistro, bánh mì Hàn Quốc tròn vo... Bánh mì tươi cũng đang thịnh hành. Ở quán Bánh mì Tươi, bánh mì được làm tại chỗ, khi khách gọi thợ mới nhào bột. Bánh mì vừa lấy ra, vỏ có màu vàng tươi, ruột mềm xốp, rất hấp dẫn.

    Bánh mì Sài Gòn không chỉ đổi thay ở hình thức, mà một “cuộc chiến” về chất lượng đang diễn ra để giành khách giữa các cửa hiệu. “Ổ bánh mì dọn ra phải nóng, giòn, nếu không khách chê ngay!” - anh quản lý Nguyễn Văn Hùng ở quán Nam Sơn cho biết. Nếu muốn thưởng thức bánh mì đúng kiểu châu Âu, người Sài Gòn có thể tìm đến Paris Deli, Givral... Ở những nơi này có bánh mì thập cẩm, bánh mì đen, bánh mì nâu...

    Bánh mì Tây ngày càng nhiều, buộc bánh mì Sài Gòn phải tự làm mới từ hình thức đến chất lượng và không ít quán đã tạo được thương hiệu riêng.

    Có như thế nào nhưng bánh mì Sài Gòn vẫn giữ được đặc điểm rất riêng, đó là không “kỵ rơ” khi ăn kèm với bất kỳ một món ăn nào, như con người nơi đây luôn trải lòng vui vẻ đón nhận mọi sự cũ - mới trong cuộc sống.


    (Nguồn: Báo PLTP)
     
  3. QSy

    QSy Moderator

    Bánh mì Sài Gòn - Muôn thuở như tình yêu ban đầu


    “Bánh mì Sài Gòn đặc ruột thơm bơ. Bánh mì Sài Gòn một ngàn một ổ” là một kiểu quảng cáo cho bánh mì Sài Gòn nhưng thỉnh thoảng đi tỉnh vẫn nghe người ta quảng cáo kiểu ấy.




    Không lẽ, bánh mì từ Sài Gòn được đưa về tận tỉnh? Hay là ở tỉnh người ta áp dụng “công nghệ” làm bánh mì theo kiểu Sài Gòn? Thôi, không bàn đến chuyện ấy nữa, e rằng đụng chạm lôi thôi (vì người ta vẫn thường mượn danh Sài Gòn trong nhiều lĩnh vực mà). Trong bài viết này, chỉ xin tản mạn đôi điều về chuyện ăn bánh mì ở ngay tại Sài Gòn mà thôi.

    Trong hàng loạt kiểu ăn sáng thì có thể nói gặm bánh mì là kiểu được nhiều người ưa chuộng nhất. Buổi sáng mắt nhắm mắt mở, lật đật đi đến công sở, không kịp ghé hàng quán tử tế thì ghé đại vào một xe bánh mì nào đó bên lề đường. Chỉ đủ thời gian để làm cữ cà phê vỉa hè thì phương án tốt nhất là bỏ cặp táp một ổ bánh mì để có thể vừa ăn sáng, vừa uống cà phê, vừa đọc báo. 3 trong 1, tiện đủ bề. Cũng có nhiều người ăn sáng kiểu “bồi dưỡng” riết cũng ngán, buổi sáng chạy thể dục về tiện thể mua nửa khúc bánh mì lót dạ v.v…




    Mà, ai bảo bánh mì chỉ là thức ăn sáng? Nó còn dùng để ăn trưa, ăn chiều, ăn tối. Mọi lúc, mọi nơi. Không một con đường, hẻm phố nào của Sài Gòn lại không có bánh mì. Có loại bánh mì “đủ thứ” tức có đủ: thịt, pa-tê, chả lụa, dưa leo v.v… nhưng cũng có bánh mì chỉ đơn giản một thứ: cá, bì, xíu mại, trứng ốp-la v.v… Lại có cả những tiệm bánh mì hoành tráng như bánh mì Nam Sơn “chuyên trị” bánh mì breakfast: thịt bò, pa-tê, khoai tây chiên… ngon có tiếng. Nhưng, ở đây chỉ xin nói chuyện ăn bánh mì kiểu nhanh gọn, rẻ tiền, chứ không phải kiểu ăn “phô trương” trong hàng quán sang trọng. Dân Sài Gòn nói riêng, dân Việt Nam nói chung, ăn bánh mì cũng như dân ở bên Tây dùng thức ăn nhanh. Nó vừa giải quyết được thời gian, vừa đáp ứng được vấn đề của… bao tử. Thử tưởng tượng xem, nếu một ngày ra đường mà không thấy một tiệm bán bánh mì nào. Không sợ nói quá, nếu có trường hợp ấy xảy ra thì Sài Gòn không còn là Sài Gòn nữa!




    Tôi có anh bạn nhà văn từ Hà Nội vào Sài Gòn chơi. Được dăm ngày, một buổi sáng, khi đang ngồi cà phê vỉa hè, anh chợt đưa ra nhận xét: “Sài Gòn có cái bánh mì là lạ nhất”. Tôi chưa hiểu. Anh giải thích: “Ở Hà Nội, người ta cũng bán bánh mì nhưng là để trong cái thúng, bưng đi dạo khắp nơi, ai kêu thì ghé lại. Còn ở Sài Gòn, một người bán bánh mì, mỗi bữa dẫu chỉ bán chục cái bánh cũng có một cái xe lắp kính hẳn hoi…”. À, thì ra cái lạ là ở chỗ “cái xe có kính” rất ư đàng hoàng tử tế ấy. Chưa hết, bánh mì Sài Gòn còn rất ngon và có nhiều sự lựa chọn. Ngán thịt, sợ phì thì kêu bánh mì bì. Muốn bụng nhẹ, mau tiêu thì gọi bánh mì cá. Thích bồi dưỡng một chút thì “đủ thứ”. Còn chỉ cần đủ dinh dưỡng thì “trứng ốp-la”.

    Có lẽ không nơi đâu, bánh mì phong phú thể loại như ở Sài Gòn. Cũng có đôi khi cũng ghé nhầm tiệm bánh mì dở, nuốt không trôi. Nhưng cũng nhiều lúc chợt khám phá ra những tiệm bánh ngon bất ngờ. Với tôi, những buổi sáng đi làm muộn thường ghé gánh bánh mì dọc đường Trần Quốc Thảo, trước số 81 Quán Văn nghệ. Tôi hay mua bánh mì ở gánh của một anh chàng mà bàn tay xẻ bánh mì, nhét thịt nhanh như múa. Bánh mì ở đây ăn được, giá bình dân. Thời còn ở nhà thuê ở đường Yên Đỗ-Tân Phú cũng có thấy một ông bán bánh mì dạo, nhưng chỉ bán từ độ 3 giờ chiều đến tối. Bánh mì đặc ruột, rất thơm ngon. Buổi tối thức khuya thì rảo bước ra ngã ba Hương Lộ 14-Độc Lập, thấy có xe bánh mì của vợ chồng người xe ôm rất ngon, mà nhiều lần tôi “giải quyết” một lúc hai ổ. Về Thủ Đức, thỉnh thoảng ghé mua bánh mì chỗ vòng xoay trước bưu điện. Tiệm bánh mì này lúc nào cũng đông, nhưng thích ăn nên không ngại đợi chờ…




    Bánh mì Sài Gòn. Mình đã ghé bao tiệm bánh mì bất chợt trên đường? Đã ăn bao nhiêu ổ bánh mì trong hơn 15 năm sống ngụ cư? Không nhớ hết, không tính được, chỉ biết rằng, trong cuộc sống có những thứ cần phải chọn lọc, giản lược. Cũng như có những món ăn mà mình gần như không bao giờ tìm đến. Nhưng, với bánh mì Sài Gòn thì… muôn thuở như tình yêu ban đầu.

    (Theo TimNhanh)

    ====================================

    Thỉnh thoảng tôi lại được nghe:


    "Bánh mì Sài Gòn , một ngàn một ổ . Ăn vào mắc cổ , bị lỗ một ngàn"
     
  4. meduthu

    meduthu Moderator

    công nhận ác thiệt, kể toàn đồ độc không à. nghe mà thèm
     
  5. 0Sun

    0Sun Moderator

    quá hay... great sưu tầm ..
    e cũng là con bệnh của bánh mỳ nè huynh :)

    ///
     
  6. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Giới thiệu với các bạn tiệm bánh mì Bamizon nằm trên đường Nguyễn Văn Chiêm. Bánh mì nướng tại chỗ nóng giòn, một ổ bánh mì thịt lớn giá 22.000 đ.
     
  7. QSy

    QSy Moderator

    Hixx........bánh mì mà giá 22k chắc chỉ phục vụ cho những người làm trong Diamond,hehehehe..........chắc Đại ca là tín đồ của quán này đúng k?Bữa nào ghé măm măm xem sao!
     
  8. QSy

    QSy Moderator

    Chắc người nào ở SG cũng là con có chung bác sĩ bánh mì,hehehe.........
    @meduthu: bạn đã từng ăn bm SG chưa?Hoặc là còn nhớ gì về nó k?Ở bên đó bạn có thường măm măm bánh mì k?
     
  9. meduthu

    meduthu Moderator

    thỉnh thoãng cũng thổi kèn chứ, nhưng mà kèn lá ( kèn ta ) mình mới ngon
     

Chia sẻ trang này