Ăn cháo Sài Gòn Sài Gòn nổi tiếng trong làng ẩm thực Việt với món cháo. Từ món cháo Tiều thanh đạm đến cháo ếch Singapore vẫn còn lạ lẫm với giới sành ăn. Tờ mờ sáng, bắt đầu với các gánh cháo bình dân trong các hẻm nhỏ hay chợ. Quán cháo trên đường Phó Đức Chính, Q.1 TPHCM Quán cháo sườn bà Hào (hẻm cuối đường Trần Khắc Chân, quận 1) nổi tiếng khu Tân Định vì ngon và rẻ. Gạo được xay từ chiều hôm trước rồi nấu lúc giữa đêm với nước hầm sườn heo. Ngồi lúp xúp trong làn hơi sương, ăn chén cháo đặc sệt, nóng hổi, miếng sườn mềm rụn khiến nhiều người khoan khoái. Trưa, đổi khẩu vị ghé quán cháo Bắc. Giá không rẻ nhưng quán Ngọc Bích (đường Pasteur, quận 3) luôn hút khách vì luôn giữ đúng gu Bắc. Muốn ăn cháo thay cho buổi ăn tối, quán cháo mực (Phó Đức Chính, quận 1) sẽ đáp ứng nhu cầu no, ngon và không đắt tiền. Cháo được nấu hơi lỏng với sườn heo, mực khô, chân gà ăn khá đậm đà. Trời về khuya là lúc phố cháo thập cẩm của người Hoa lên ngôi (Tạ Uyên, quận 5). Cháo được ăn với tôm, mực, tim, gan, cật. Thêm chút cải, xà lách, bốc hương thơm ngát trong đêm. (Theo NLĐ) Bạn nào có những khu nào, địa chỉ nào nổi tiếng hoặc ngon thì bổ sung nhé!
Cháo bình dân Bình dân nhất là món cháo trắng ăn với thịt kho, tép rang, hột vịt muối… Khu cháo trắng ngon và tấp nập khách về khuya có lẽ nằm ở vòng xoay Hàng Xanh với các thương hiệu như Tuần Ký, Thanh Bình…Ngoài ra, hai điểm bán vỉa hè khác đến 1-2 giờ sáng vẫn còn khách nằm ở địa chỉ 211 Hải Thượng Lãn Ông, quận 5 và ở đối diện nhà hàng Hạnh Phúc Lầu trên đường Ba Tháng Hai. Giá bán ở đây khá bình dân là 3.000đ - 5000đ/tô tùy theo món ăn kèm. Không thích cháo trắng thì bạn có thể thưởng thức món cháo lòng Long An lai "tàu", 87B Cao Thắng, quận 3 hay quán cháo mực số 10 Phó Ðức Chính, quận 1. Nằm đối diện với địa chỉ 522D4 Nguyễn Tri Phương, Q.10 có quán cháo bán suốt đêm. Một tô cháo gà 6.000đ và cháo lòng 5.000đ vốn không được trang trí màu mè nhưng hễ khi được "cày" lên là thịt gà ló ra. Khách qua đường chỉ cần nhìn thấy những con gà có da vàng ánh, những chiếc muỗng to đùng treo lủng lẳng là muốn thử một lần cho biết. Bánh giò cháo quẩy đặc biệt nhỏ hơn một số nơi khác. Hơn nữa, cháo cũng có bảng giá nằm trên bàn nên yên tâm không bị "chém". Cháo cao cấp Ðối với một số người không có thói quen "tấp" vỉa hè và ngồi chồm hổm thì có thể đến những quán có bàn ghế đàng hoàng và lịch sự. Ðáng được nhắc đến trước tiên đó là quán cháo có "thương hiệu" mạnh như cháo gà Vườn Mai, 256/8/4 Lạc Long Quân, quận Tân Bình. Những con gà ta ngon thịt được tuyển chọn và được chế biến thành các "món nhậu”, đó là gà luộc, gà bóp thấu, gà trộn rau răm, gà hấp hành, gà hấp muối và gà rô ti. Không kém phần nổi tiếng là quán cháo vịt Thanh Ða hay Thu Nga với món tiết canh ngon trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Ngoài ra, khu chợ đêm Bến Thành với các quán như Sao Ðông, Tây Du…cũng là nơi lý tưởng để thưởng thức các món cháo khuya. Trong bảng thực đơn của các quán ăn này luôn luôn có bán đủ các loại cháo như cháo cá, cháo hải sản, cháo gỏi vịt mà đặc biệt là cháo thịt gà, thịt bò nấu với đậu xanh và cháo bào ngư cao cấp (20.000đ/tô). Anh Dũng, chủ tiệm uốn tóc trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3 cho biết: "Tôi và bà xã của tôi rất thích đến đây để ăn món cháo tủy bò đậu xanh vì vừa mát vừa bổ dưỡng. Còn gì sướng cho bằng khi nửa đêm thanh vắng vừa được ngồi ăn bát cháo ngon vừa có cảm giác thư giãn và ngắm người qua kẻ lại hay thưởng thức tiếng nhạc hòa lẫn vào tiếng "xèo xèo" của những thức ăn chiên xào". Cháo thập cẩm Món cháo này được ưa thích vì bổ dưỡng. Quán được nhiều người biết đến nhiều là quán Phú Thành trong "hẻm ăn” 306 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3. Cháo ở đây được bán với giá 9.000đ. Còn cháo thập cẩm được bán ở khu gà ác tiềm thuốc bắc trên đường Phan Xích Long, quận 11 thì có giá đắt hơn 2.000đ. Giá đắt hơn cả có lẽ là quán cháo 546 Nguyễn Trãi nằm gần ngã ba Nguyễn Trãi - Phước Hưng, quận 5 (giá 16.000đ/tô).Tuy đắt vậy, nhưng quán này vẫn khá đông khách, nhất là người Hoa. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, ông chủ quán ở đây có mô tả bí quyết nấu cháo mà không phải ai cũng có được. Những viên thịt bằm, những miếng cá lóc khi cho vào miệng ăn vẫn ngọt và thơm rất lâu. Dẫu vậy, cháo ở đây có phần lạt hơn ở một số nơi khác nên khi ăn phải chấm thêm "xì dầu", thậm chí còn phải tăng thêm vị mằn mặn nhờ những miếng "giò cháo quẩy". Ðối với những "chuyên gia" ăn cháo vốn rất quen thuộc với những món cháo thông thường thì có thể "nhấm nháp" món cháo hào với giá 10.000đ/tô ngay ngã tư Phùng Hưng - Hải Thượng Lãn Ông (đối diện chùa Ông Bổn). Cháo được nấu bằng xương và loại hào sữa (hào nhỏ) chứ không phải là hào đá (loại lớn) nên không cần phải thêm nhiều bột ngọt. Thịt hào mau chín nên khi bỏ vào cháo chỉ cần dạo qua dạo lại vài cái là được. Nước chấm ở đây là loại tương xí muội có vị ngọt ngọt tạo cảm giác lạ miệng. Tô cháo nóng đến “phỏng miệng” tuy đơn giản nhưng lại làm ấm lòng người dân thành phố về đêm mà còn như quyến rũ cả những du khách từ xa đến.
Cháo lòng Sài Gòn Trong thế giới ẩm thực, lòng bao hàm nhiều món ăn. Mỗi món ăn còn tồn tại đến nay hun đúc trong nó bao nhiêu tinh hoa trải nghiệm, bên Đông cũng như Tây. Trước hết, món mà nhiều người hâm mộ ở Sài Gòn là cháo lòng. Nói đến cháo lòng, người ta thường nghĩ ngay đến người bán là một bà già, nhất là bà già người Bắc; nơi bán thường hơi dơ dơ, xộc xệch. Nhưng cháo lòng Sài Gòn giờ đây cũng có nhiều địa chỉ tinh tươm, bà bán cháo cũng không hẳn già. Với cháo lòng trường phái Long An lai Hoa, thì phải là một ông bán cháo thay vì bà. Bỏ qua cái cháo lòng Chợ Đệm mà nhà văn Nguyễn Văn Trấn ca ngợi thời xa xưa, cách đây nửa thế kỷ, Sài Gòn bây giờ cũng có một số quán cháo lòng ngon. Cháo lòng kiểu Bắc ngon có thể kể đến là cháo lòng Lăng Cha Cả - Bắc 54, nằm ở gần vòng xoay Lê Văn Sỹ, Cộng Hoà, Hoàng Văn Thụ. Cách đó không xa, cũng trên đường Lê Văn Sỹ, có một quán, ăn tạm được. Rồi đến cháo lòng “mẫu hậu” trên đường Lê Thánh Tôn, quán cháo chỉ phơi chỗ nấu cháo ra một không gian mặt tiền nhà siêu mỏng, và bán ở một không gian lùi sâu bên trong, cạnh chỗ chế biến. Gọi là cháo lòng “mẫu hậu” vì hình tượng rất đặc biệt của bà chủ quán, bạn có thể tìm đến và khám phá. Rồi đến cháo lòng Hải Phòng trên đường Trần Hưng Đạo, nơi ngã tư kết thúc đường Cống Quỳnh. Ngoài ra, còn một quán khá đông khách là cháo lòng Trần Quang Khải, cuối đường Pasteur… Ở ga xe lửa Sài Gòn cũng có một quán “dơ dơ, xập xệ”, một thời ăn cũng được, nhưng bây giờ đã không còn như xưa. Những quán cháo sau đều là Bắc sau 75. Cháo lòng kiểu Nam có một quán đông khách ở trên đường Võ Thị Sáu, giữa ngã tư Hai Bà Trưng và Pasteur, xế đối diện cây xăng. Một quán khác kiểu Long An lai Hoa nằm trên đường Cao Thắng. Cháo lòng mỗi miền có nét riêng của nó. Cháo Bắc thường bán vào buổi sáng, lúc nào cũng có tiết canh và rượu đế các loại, nhất là những quán do người Bắc 75, có những loại rượu đặc trưng của miền Bắc, như rượu Làng Vân, rượu mơ, nhưng thường là rượu dỏm, không ngon như danh tiếng vốn có của tên rượu. Khách đến các quán này thường là người Bắc, có thói quen ăn cháo, tiết canh, uống chút rượu. Cháo lòng Nam lại đông khách vào buổi chiều. Riêng quán cháo Cao Thắng còn có món “đèn pha” - mắt heo. Những quán cháo lòng nói trên đều là cháo lòng heo. Sài Gòn cũng có cháo lòng bò, nhưng không thịnh. Cháo lòng đến lượt nó, được tạo nên bởi hai yếu tố: cháo và lòng. Cả hai yếu tố này đều có công thức chế biến riêng để tạo ra tô cháo ngon, hấp dẫn nhiều người. Cháo trong cách nấu cũng lắm công phu. Do cái lắm ấy mà cháo đi sâu vào trong ca dao tục ngữ của người Việt. Cháo nấu theo công thức cháo hoa đòi hỏi người nấu trước tiên phải biết chọn gạo, vì mỗi kiểu gạo tuỳ theo độ dẻo, có kiểu nở riêng, có loại nở thành hoa, cũng có loại không. Khi nấu, người nấu canh lửa vừa phải, để dễ nhìn thấy hạt gạo vì nước không sôi mạnh, kèm theo một lượng nước nóng để châm khi nước cạn, và canh chừng lúc gạo vừa nở bung thành hoa là nhắc xuống. Lúc đó mới châm nước nguội để hãm hạt gạo nở thêm. Cũng có nơi nấu cháo bằng gạo rang. Trước tiên dùng gạo rang bằng lửa nhỏ đến khi gạo dậy mùi. Sau đó cho gạo vào nước sôi, chờ sôi lại là nhắc xuống, để cho gạo có thời gian nở hoa. Sau khi nấu cháo, còn phải chăm sóc cho lòng giòn với kỹ thuật luộc có ngâm nước nguội. Cuối cùng, để tô cháo ngon, người ta nấu nước dùng riêng bằng xương heo. Đó là nối kết giữa gạo nở hoa và lòng, nghĩa là vớt gạo cháo ra cho chung vào nước dùng và lòng. Lúc đó, nước dùng trong, có vị ngọt riêng, phối với vị ngọt của gạo và cái giòn của lòng, cùng với các loại rau mùi, thành một hợp âm tuyệt tác, tô cháo coi như có thể đi vào âm nhạc. (Theo Sài Gòn Tiếp Thị)
Cháo Bắc giữa Sài Gòn Hàng chục năm nay, người dân TPHCM đã quen dần hương vị cháo Bắc kỳ của quán Ngọc Bích Hà Nội trên đường Pasteur. Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, bà Ngọc Bích, chủ nhân quán, kể bí quyết bà Ngọc học được từ mẹ, một phụ nữ Hà Nội cổ kính xưa Để có tô cháo ngon, gạo nấu cháo phải là gạo tấm loại ngon và dậy mùi thơm ngậy. Nước dùng nấu cháo phải là nước xương đã được ninh kỹ. Các loại thực phẩm như thịt, cá, lươn, gà, tim, gan... phải thật tươi ngon. Quá trình sơ chế phải bảo đảm sạch sẽ và xử lý để khi ăn không thấy vị tanh, thịt dai, không bở nát và không có mùi hôi. “Cháo khi ăn không bị vữa, ăn đến thìa cuối cùng mà cháo vẫn quyện sánh thì mới đúng là cháo ngon” – bà Ngọc Bích tự hào khoe. Hằng ngày, gạo để nấu cháo được ninh từ đêm hôm trước cho nhừ và quyện để bán vào sáng hôm sau. Ngoài món cháo hương vị Bắc, thức uống ở quán là nước quả ngâm như mơ, chanh, tắc, sấu... ngâm với bí quyết riêng nên không bị đóng váng, không có vị như bị lên men và ngọt lòng thực khách.
Cháo mực Sài Gòn Ở Sài Gòn, có một "thế giới cháo" với nhiều món cháo, từ cháo trắng, cháo đậu xanh, cháo đậu đen đến cháo bồ dục, óc heo, cháo lòng, cháo thịt bì, cháo thập cẩm, cháo tiều... nhưng chỉ trong hơn dăm năm trở lại đây, sự xuất hiện của cháo mực đã tạo sự thích thú cho người ưa ăn quà vặt và đã góp phần vào sự phong phú của thực đơn các món cháo vốn dĩ đã rất đa dạng. Có thể xem cháo mực là món biến tấu của cháo huyết. Nhưng cháo mực đậm đà hơn và cách nấu cũng cầu kỳ hơn. Dân Sài Gòn "kết" cháo mực về đêm Có hai cách nấu cháo mực. Cách thông thường nhất là dùng mực khô, loại con nhỏ cỡ bàn tay, ngâm kỹ. Để bớt mùi nồng của mực, nước ngâm mực pha thêm một ít rượu trắng, khi mực đã mềm, dùng kéo cắt sợi và cho vào nồi. Để nồi cháo mực ngon, phải nấu cháo bằng gạo ngon. Người nấu khéo canh lửa kỹ để hạt gạo mềm nhưng chỉ nở lúp búp, ngay cả huyết cũng vậy. Huyết cho vào nồi khi cháo đã gần chín, huyết phải còn nguyên vẹn theo hình khối, mềm tan trong miệng, nhưng không nhũn nát. Có một cách nấu cháo mực khác phức tạp hơn nhưng hương vị mực đậm đà hơn. Người nấu chịu khó mua mực tươi về xẻ và phơi qua một nắng. Khi con mực bắt đầu quắt lại mới xắt nhỏ và cho vào nồi. Với cách nấu này, nồi cháo mực mới thơm và ngọt lừ. Ngoài mực và huyết, tô cháo mực phải có thêm da heo xắt nhỏ, tôm khô và giò chá quảy. Cháo phải loãng, lượng cháo rất ít để gây cảm giác lưng lửng, thòm thèm ở người ăn - ăn kèm còn có thể kêu thêm lòng đỏ hột gà, giá sống và gừng thái chỉ cay xè. Cháo mực là món ăn có vẻ là của cư dân miền biển, nhưng thật ra là sản phẩm của vùng Đồng Tháp Mười. Ở vùng sâu Tả Hưng, Mộc Hóa... nơi xa chợ búa làng mạc, người dân ở đây có thói quen nấu bất kỳ thứ thủy hải sản khô nào với rau. Có thể là canh rau nấu với cá khô, tôm khô và cả mực khô. Ngay cả cháo cũng vậy. Ăn cháo cá đồng hoài riết ngán, bỏ thêm con mực khô vào để đỡ nhớ mùi đại dương. Món cháo nấu với mực đơn giản của Đồng Tháp Mười vô tình lọt vào con mắt xanh của một người sành ăn nào đó đã được nâng lên thành một thứ ẩm thực nơi đô hội. (SGTT)
Cháo Trắng Lá Dứa Sài Gòn Nói đến Cháo trắng người ta sẽ nghĩ ngay đến một tô cháo nóng hổi, thơm lừng mùi lá dứa, ăn kèm với rất nhiều món khác nhau tuỳ theo sở thích của mỗi người: trứng vịt muối, trứng vịt bắc thảo, cá bóng kho tiêu, thịt heo kho tiêu, chà bông, ba khía, dưa muối,... Sài Gòn sắp đến mùa mưa, tối tối khi đi chơi về, trời se se lạnh, ghé vào một quán nào đó để thưởng thức thì còn gì bằng. Có rất nhiều quán bán món này nhưng nổi tiếng nhất có lẽ là Cháo Trắng Yên Đỗ nằm trên đường Lý Chính Thắng và khu cháo trắng Ngã tư Hàng Xanh. Nói chung các quán có cách chế biến tương tự nhau, phong cách phục vụ rất tốt, vệ sinh sạch sẽ sẽ làm cho bạn hài lòng. Địa chỉ: Cháo Trắng Yên Đỗ Lý Chính Thắng, Q.3 (Khúc giữa Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Hai Bà Trưng) và Ngã Tư Hàng Xanh. Giá: 8.000 - 12.000 VND Giờ mở cửa: 19:00 - 02:00
Qsy giới thiệu thấy thèm quá, gọi dùm mình một tô cháo trắng hột vịt muối + cá cơm kho mặn. thanks QSy mà nhiều điểm bán cháo quá, chổ nào thích hợp nhưt để vừa ăn vừa ngắm người qua lại vậy?
Thực ra các địa chỉ cháo như đã nêu đều có thể ngắm người qua lại đc hết, hôm nào có dịp về đây bạn cứ đi thăm thử sẽ biết!Dân SG rất thích ăn cháo về đêm, đúng là thật thú vị, nhất là vào mùa này khi mà ăn cháo nóng trong tiết trời se lạnh!