Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Betta cf. smaragdina “Sông Bé”

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 18/11/24 lúc 15:06.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator


    Một cá thể Betta Sông Bé, thu thập ở Bình Phước (Ảnh Quangxuan Bui).

    Betta cf. smaragdina “Sông Bé”

    Mọi chuyện khởi đầu từ 2020 khi thông tin về một quần thể Betta mới được phát hiện ở Việt Nam dưới tên gọi “Stiktos Bình Dương/Bình Phước” xuất hiện trên các hội nhóm Facebook. Sự kiện diễn ra gần với thời kỳ mà xã hội phải trải qua một biến cố lớn: dịch Covid-19. Trong giai đoạn đầy biến động này, địa điểm đánh bắt được bảo mật; thậm chí, hình ảnh cũng rất hạn chế và nếu có, đều không rõ ràng. Bạn biết đấy, luôn có sự xung đột lợi ích giữa kinh doanh và nghiên cứu, hay giữa đánh bắt và bảo tồn. Điều đã và luôn xảy ra với nhiều loài mới trước đây. Chúng tôi hiểu diễn biến này. Với mục đích tìm hiểu về phân loại, chúng ta phải đợi cho đến khi đủ điều kiện và cơ hội xuất hiện. Có nhiều câu hỏi liên quan đến quần thể lia thia mới hiện vẫn còn bỏ ngỏ: Vùng phân bố tự nhiên của chúng? Chúng có phải là cá thuần chủng? Chúng là loài bản địa hay ngoại lai?

    Khi mọi thứ dường như đã lắng xuống và dần đi vào quên lãng, nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta bắt đầu xuất hiện. Một bạn trẻ (Quangxuan Bui) thu thập thông tin, thực hiện các chuyến khảo sát ở nhiều địa điểm thuộc hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, tự tay bắt cá và chụp hình. Việc này đã diễn ra trong nhiều tuần liên tục. Dưới đây là một vài ghi nhận dựa trên các thông tin và hình ảnh mà bạn cung cấp.

    Phân bố:

    Quần thể Betta mới này được phát hiện ở ít nhất ba địa điểm thuộc các tỉnh Bình Dương và Bình Phước, lưu vực Sông Bé. Sinh cảnh là các vùng trũng hay dòng suối, nơi có lẽ cá tụ về vào mùa khô hạn. Vào mùa mưa, cá được bắt ở khu vực nước cạn, gần bờ, nơi có nhiều thủy thực vật.

    Môi trường nước trong, pH thấp (~6). Qua số lượng thu thập ít ỏi, mật độ cá khá thấp so với các loài mang đỏ và mang xanh ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Một người dân địa phương nhận ra chúng và cũng gọi là “cá lia thia”.

    Có hai địa điểm là vùng trũng giữa khu công nghiệp và dân cư. Nếu xét đến tốc độ phát triển kinh tế của các tỉnh trên, địa bàn sinh sống tự nhiên của chúng có thể bị mất đi trong tương lai.


    Các địa điểm khảo sát và thu thập thuộc lưu vực Sông Bé.


    Địa bàn ở tả ngạn Sông Bé, thuộc tỉnh Bình Phước (Ảnh Quangxuan Bui).


    Địa bàn ở hữu ngạn Sông Bé, thuộc tỉnh Bình Dương (Ảnh Quangxuan Bui).

    Đặc điểm

    Quan sát đặc điểm hình thái của những cá thể được thu thập, nhất là vảy xanh bao phủ nắp mang, chúng tôi đi đến kết luận rằng các quần thể thuộc về loài Betta smaragdina, một loài đã biết trong khoa học nhưng chưa từng được ghi nhận ở Việt Nam trước đây. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, chúng ta chỉ có thể gọi như vậy một khi quần thể được các nhà chuyên môn mô tả và đăng tải trên tạp chí chuyên ngành. Không chừng, đây lại là loài mới thì sao? Bởi vậy, hiện chúng nên được gọi là Betta cf. smaragdina “Sông Bé", tức “loài rất gần về mặt huyết thống với B. smaragdina ở lưu vực Sông Bé”.

    Dường như, Bình Phước là địa điểm mà loài cá được phát hiện đầu tiên. Vậy tại sao lại gọi là “Stiktos Bình Phước”? Trong một quán café ở Sài Gòn vài năm về trước, chúng tôi hỏi người đặt ra cái tên này. Bạn ấy nhập và ép nhiều B. smaragdina và được xem là người chơi cá hoang uy tín vào thời điểm đó. Khi Betta Bình Phước được phát hiện, người ta mang đến cho bạn ấy đánh giá và kết quả là cái tên “Stiktos Bình Phước” ra đời. Đại loại, cá Betta Bình Phước rất giống với B. stiktos!

    Việc này đúng với thực tế, bởi toàn bộ cái-gọi-là Betta smaragdina trên thị trường đều đi kèm với bộ vây phụng vĩ, điều dẫn tới ngộ nhận rằng đấy là hình thái tự nhiên của B. smaragdina. Thực ra, chúng là cá lai tạp! Nếu xem lại tài liệu mô tả loài Betta smaragdina vào 1972 thì chúng ta sẽ thấy bộ vây ngắn, nhỏ và tự nhiên hơn nhiều [1]. Betta stiktos là một trường hợp đặc biệt khi kiểu hình hoang dã được gìn giữ và có giá trị. Phân tích di truyền vào 2021 chỉ ra rằng B. stiktos chẳng qua là một biến thể của B. smaragdina [2]. Kết quả này khiến chúng tôi như trút được gánh nặng, bởi thành thực mà nói, chúng tôi không thể tìm ra bất kỳ đặc điểm phân biệt rõ ràng nào giữa hai loài. Điều khiến chúng ta rất ấn tượng khi nhìn vào mẫu vật chuẩn B. stiktos và các hình ảnh ban đầu: gốc đuôi cực to! [3] Khi các thành viên thuộc CWBC (Cambodia Wild Betta Conservation) thu thập B. stiktos ở địa bàn chuẩn (Steung Treng), chúng ta thấy nhiều con có gốc đuôi bình thường; mặt khác, một số B. smaragdina cũng có gốc đuôi cực to; chứng tỏ đây là một đặc điểm thiếu ổn định, không thể dùng vào việc phân biệt loài. Dẫu vậy, như đã nói ở trên, stiktos hay smaragdina đều thuộc về cùng một loài và trong trường hợp này, cái tên xuất hiện trước (smaragdina) nên được dùng.

    Qua đánh giá địa bàn phân bố và khảo sát cặn kẽ các đặc điểm hình thái, chúng tôi đi đến kết luận rằng quần thể Betta mới này là cá hoang dã. Chúng tôi không phát hiện dấu hiệu lai tạp với cá chọi Xiêm [4], điều dẫn đến suy đoán rằng: không có hoặc có rất ít hoạt động đá lia thia hoang dã trên địa bàn phân bố của chúng. Chúng ta đều biết hoạt động này thúc đẩy việc lai tạp một cách mạnh mẽ. Có lẽ phân bố và mật độ thưa thớt của loài này khiến ít người biết đến, điều góp phần giúp chúng thoát khỏi tình trạng lai tạp.

    Đây là quần thể cá bản địa, không có nguồn gốc ngoại lai như đã từng lo ngại. Bởi một lẽ đơn giản: Betta smaragdina hoang dã ở Thái hầu như đã biến mất thì rất khó có khả năng cá hoang lọt vào Việt Nam qua con đường chăn thả! Nói cách khác, nếu ai đó chăn thả Betta smaragdina thì đó hầu như sẽ là cá lai! Người Thái đá tất cả các thể loại cá hoang bao gồm cả B. smaragdina. Hoạt động lai tạp với cá Xiêm thuần dưỡng đã diễn ra từ rất lâu và sâu rộng. Chúng tôi biết bên đó có một thanh niên gắng sưu tầm các quần thể còn lưu lại dấu vết hoang dã, nhưng theo các hình ảnh mà anh đăng tải, chúng tôi luôn tìm ra vài dấu hiệu lai tạp, nhất là ở vùng đầu và miệng! Một khi đã cản vào cá Xiêm, đặc điểm lai sẽ lưu truyền mãi.

    Có một điểm khác biệt liên quan đến kỳ (khăn quàng). Ở cá hoang nói chung, các tia thứ cấp của kỳ thường liền lạc với màng vây. Nhưng ở quần thể Betta Sông Bé, các tia thứ cấp có xu hướng nhô ra khỏi màng vây hoặc kéo dài khiến bản kỳ trông lởm chởm, không được trơn tru. Đặc điểm này, chẳng may, thường được thấy ở cá thuần dưỡng. Nhưng trong các đánh giá về cá lai, chúng tôi hầu như không xét đến bộ phận này, cũng như chẳng biết gì về di truyền của nó, nên ở đây xin dừng ở mức độ ghi nhận.

    Thêm nữa, quần thể ở hữu ngạn sông có bản ngắn một cách đáng kể, khiến đầu trông to và thô. Đây có lẽ là những con mà chúng tôi từng sở hữu trước đây. Chúng nhảy như cào cào khi trời đổ mưa. Phải chăng bản ngắn là dấu hiệu cận huyết trong tình trạng quần thể bị cô lập trong một thời gian dài? Chúng tôi từng cho là dấu hiệu lai, nhưng nếu nhìn vào cá lai thì chả con nào như vậy! Chúng tôi cũng xin dừng ở mức độ ghi nhận.

    Chúng tôi vừa kể lại câu chuyện theo góc nhìn và quan sát cá nhân. Chúng tôi tin rằng bức tranh tổng thể còn lớn hơn, liên quan đến nhiều khía cạnh và một số người cũng có các câu chuyện để kể từ góc nhìn của riêng mình. Chúng tôi hết sức khuyến khích điều đó. Hãy nỗ lực lên nhé.

    [1] Betta smaragdina Ladiges, 1972 - Betta smaragdina nov. spec., Aquarien und Terrarien-Zeitschrift 25(6): 190-191
    [2] The genetic architecture of phenotypic diversity in the betta fish (Betta splendens)
    [3] The fighting fishes (Teleostei: Osphronemidae: genus Betta) of Singapore, Malaysia and Brunei. Raffles Bulletin of Zoology Suppl. 13: p.95
    [4] Cá chọi Xiêm là Betta thuần dưỡng cho mục đích chiến đấu. Nền tảng thúc đẩy hoạt động này, xếp theo thứ tự ưu tiên, là cờ bạc, thể thao và giải trí. Quá trình thuần dưỡng cá chọi Xiêm được cho là diễn ra ở Bangkok và vùng phụ cận trong nhiều trăm năm dựa trên một loài Betta hoang dã (Betta splendens). Bởi vòng đời khá ngắn (vài tháng), tốc độ thuần hóa diễn ra nhanh gấp nhiều lần những loài thuần dưỡng khác. Nên thời gian thuần dưỡng tuy khá muộn, cá chọi Xiêm mang theo hàng loạt đột biến về hình thái và tập tính so với loài hoang dã Betta splendens. Về khía cạnh phân loại, loài thuần dưỡng thường được coi như là một loài hay phân loài riêng so với loài hoang dã gốc, chẳng hạn heo (Sus scrofa domesticus), bồ câu (Columba livia domestica), gà (Gallus gallus domesticus)… Dẫu điều này chưa từng được đề cập ở cá chọi Xiêm và cá Betta cảnh, chúng tôi tin rằng chúng nên được coi như là một phân loài của Betta splendens (Betta splendens domesticus). Từ đó, việc cản cá chọi Xiêm hay Betta cảnh vào các loài Betta hoang dã, kể cả Betta splendens splendens đều được coi là hoạt động lai tạp. Điều quan trọng đó là, hình thái của cá hoang sẽ bị biến đổi một cách triệt để. Để có thêm thông tin, hãy tham khảo bài viết: Cá lia thia rặt là gì?


    Kiểu hình cá hoang, thu thập ở tả ngạn Sông Bé, tỉnh Bình Phước (Ảnh Quangxuan Bui).


    Kiểu hình cá hoang, thu thập ở hữu ngạn Sông Bé, tỉnh Bình Dương (Ảnh Quangxuan Bui).
     
    Chỉnh sửa cuối: 20/11/24 lúc 11:11

Chia sẻ trang này