1. Cá nhảy Cá cờ thích nhảy, nhảy dữ dội, có ngắm nghía và chủ đích. Nếu có cuộc thi nhảy cao nào giữa các loài cá cùng kích cỡ thì nó có thể sẽ đoạt hạng nhất. Đây có lẽ là bản năng sinh tồn giúp cá đào thoát khỏi các loài săn mồi, hoặc phóng lên khỏi mặt nước để bắt côn trùng nhỏ sống trên cây, hay chỉ đơn giản tìm đến môi trường sống mới. Dẫu là lý do nào thì hiện tượng cá nhảy khỏi hồ nuôi và chết là khá thường xuyên, và hầu như tất cả người chơi cá cờ, nhất là những tân binh, đều bị mất cá theo cách này vì chủ quan. Quan điểm chung là cá nhảy nhiều nhất khi mới được thả vào và chưa quen hồ, thường vào ngày đầu tiên sau khi thả. Thay nước cũng tương đương với việc dời sang hồ, lọ mới. Dường như cây thủy sinh nổi như rong, bèo, và nước lá bàng giúp cá dịu lại đôi chút, nhưng nó vẫn nhảy. Nắp đậy là giải pháp hữu hiệu nhất. Cá đã quen hồ, lọ nhưng được đưa đi nơi khác (đem ép chẳng hạn), khi trả lại hồ cũ vẫn phải đậy. Hồ với nắp đậy bằng lưới; các góc và viền được bo khá đẹp (https://www.3800cn.com/a/20170117/100953.html) Đậy hồ và lọ bằng bất kỳ dụng cụ gì, trong hình là bìa hồ sơ và sách, chỉ để lại chút kẽ hở để cá thở. Cảnh đau lòng này rất quen thuộc ở cá cờ, nhất là với người mới chơi! 2. Phân biệt trống mái Nhìn chung, không có dấu hiệu phân biệt chắc chắn nào, nhưng có ba khác biệt tương đối sau đây: a) Cá mái có kích thước nhỏ hơn nhiều so với cá trống. Mình từng có một bầy cờ đen hàng trăm con. Khi cá độ hơn lóng tay, vì nghĩ rằng chỉ cần giữ một số làm giống, mình đã vứt hết chỉ giữ lại độ hai chục con to nhất. Sau một năm, những con to đạt 9-10 cm SL (chiều dài chuẩn), những con nhỏ khoảng 7-8 cm SL và không có con mái nào. Lục thùng thấy còn sót lại một con bé xíu 3.5 cm hóa ra là mái! Hiện tượng này có thể không đúng với tất cả các bầy và dòng cá nhưng lời khuyên là hãy giữ lại những con cá nhỏ và dặt dẹo nhất trong bầy vì chúng nhiều khả năng là cá mái. b) Cá mái có bộ vây ngắn hơn (thường không có tua kéo dài), dẫu khác biệt này là nhỏ ở một số dòng cá cờ. c) Bụng cá mái to hơn, nhất là mái đang mang trứng và khi quan sát từ bên trên. Thiết nghĩ không cần phải nói nhiều đến cá trống nữa vì đó là những hình ảnh đã quá quen thuộc và làm nên cái tên "cá thiên đường". 3. Ép đẻ *Trái ngược với vẻ bề ngoài có vẻ nhút nhát của mình, cá cờ trống rất hung dữ, nhất là những cá thể hoang dã. Hồ ép nên bố trí nhiều vật thể như rong, rêu, lũa để cá mái có thể lẩn tránh khi cần. Ở một mức độ nhất định, chúng dường như có khả năng phát hiện đồng loại nên các bầy pha (khác màu) cần được theo dõi sát sao hơn, chẳng hạn như kè và thả cá vào các ngày cuối tuần khi bạn có mặt ở nhà cả ngày. Hiện tượng mái bị cắn chết xảy ra khá thường xuyên và hầu như là hậu quả của việc bố trí hồ ép không thích hợp. Nếu thả một hai ngày mà mái chưa chịu đẻ, nghĩa là nó chưa sẵn sàng, thường trốn tránh, nên bắt lại vô chai, cho kè tiếp để việc cho ăn dễ dàng hơn. *Việc thay nước 100% có thể kích thích cá đẻ (vấn đề thường về phía cá mái). *Có những cá thể trống hoặc mái dễ ép đẻ hoặc hung dữ hơn hẳn số khác, nên cần trữ vài ba con để thay đổi nếu cần. *Bản năng chăm sóc của cá cha (lam đức) rất mạnh. Một trường hợp cá đẻ trong hồ cộng đồng (sau khi thay nước), cá cha chăm sóc tổ và thường xuyên bị uy hiếp bởi cá khác cùng hồ. Tổ bọt cùng với trứng bên trong và cá cha được vớt qua hồ khác. Cá cha tiếp tục chăm sóc tổ. Bằng cách nào đó, nó nhận ra tổ và trứng của mình! *Bản năng chăm sóc tổ và con của cá hoang (cờ lưng đỏ) rất mạnh. Nếu một cặp hình thành trong hồ cộng đồng thì sẽ rất dễ thấy, cá trống xây tổ và chăm sóc con, cá mái canh phòng từ xa. Cả hai đánh đuổi số còn lại và khi cá con nở ra thì ép chúng nằm bẹp dưới đáy hồ, không có cơ hội ăn cá con! Hành vi chăm sóc con của cá mái được ghi nhận là mạnh mẽ hơn cá Betta. Nó tiếp diễn nhiều ngày sau khi cá nở và kéo dài đến lớn. Rất nhiều lần chúng ta chứng kiến cá cha mẹ đớp con vì tưởng nhầm là mồi! Nhưng chúng nhả ra ngay sau đó, chúng nhận biết đâu là con của mình. Nên vớt cá bột sang hồ khác để hủy đàn, phá vỡ bản năng chăm sóc của cá cha mẹ, hoặc vớt cá chung hồ ra bằng không tính mạng của chúng sẽ bi đe dọa. Cá con trên 2 tháng tuổi dài hơn 2 cm, lúc này bản năng bảo vệ của cá mẹ dường như giảm sút, nó rất hung hăng khi đói. Có trường hợp đớp nhầm và cắn chết cá con, nhưng không ăn. Cá con ở 3 tháng tuổi phân hóa mạnh về kích thước, từ 1 đến 4.5 cm chiều dài chuẩn (SL). Có hiện tượng cá lớn cắn chết cá bé, thường diễn ra vào ban đêm. Những con lớn nhất cần được vớt ra nuôi riêng. 4. Biến thể Cá cờ đen Macropodus spechti dường như có hai biến thể màu là: sẫm và nhạt. Hiện chưa rõ đây có phải là phản ứng trước sự biến đổi về môi trường của mỗi cá thể hay không, nhưng những con sẫm trông còn đen hơn lúc tự nhiên trong hồ. Điều này có thể diễn ra bên trong một bầy và không phải những con đầu đàn, to nhất đều đen. Nhiều trường hợp, những trống nhỏ trong bầy, thậm chí cá mái đen thui, trong khi những con trống to lại nhợt nhạt. Mô tả khoa học gốc của Freyhof & Herder, 2002 cũng ghi nhận nhiều biến thể màu “Trường hợp không-sung hay không-sinh sản, đầu và thân nâu nhạt. Những cá thể sung mãn hay đang sinh sản, đầu và thân chuyển thành xám nâu sẫm đến đen”. Dẫu cơ chế tạo màu còn chưa rõ ràng, cần lai tuyển chọn theo những cá thể đen nhất này. 5. Kích thước Trên một trang mạng nói rằng loài M. hongkongensis có thể dài đến 12 cm với cá đực, vài trường hợp cá biệt có thể dài đến 15 cm; cá cái dài đến 10 cm. Nhiều khả năng đây là chiều dài chuẩn (không tính đuôi) và nếu vậy thì chuyện con cá cờ dài cả bàn tay có thể xảy ra. Cá hơn 1 năm tuổi đạt chiều dài chuẩn (SL) 8 cm. 6. Thức ăn Cá có thể chết vì sình bụng sau khi ăn (hoặc ăn quá no) những loại thực phẩm mà nó chưa quen dạ, chẳng hạn như trùn chỉ hay trùng huyết (blood worm). Nên cẩn trọng khi sử dụng thức ăn đông lạnh, vì chúng ta thường bỏ quên trong khi đợi rã đông và thức ăn sẽ thiu thối, hoặc nhà cung cấp đã để xảy ra điều này từ trước. Đó là hiện tượng thực tế dẫu chưa rõ chất độc hay mầm bệnh phát sinh từ thức ăn là nguyên nhân. Điều này hay xảy ra với cá hoang dã hoặc được nhà lai tạo nuôi bằng loại thức ăn khác. Lời khuyên là cho cá ăn một lượng vừa phải, lưu ý việc rã đông hoặc nếu quên thì vứt bỏ, hay nếu đó là những con cá giống quý hiếm, đắt tiền thì nên sử dụng những nguồn an toàn hơn như đồ tươi sống (bo bo, lăng quăng hay artemia), ít nhất cho đến khi bạn cản được lứa đầu tiên. Bo bo đông lạnh dường như là thức ăn rất phù hợp với cá nuôi theo bầy, vì cơ hội ăn mồi của cá to hay nhỏ là như nhau, thậm chí những con hung hăng, chăm rượt đuổi lại kém miếng nhất và chúng thường bỏ tật sau một thời gian, tập trung vào việc đớp mồi. Những con nhỏ, hoặc quá nhút nhát vẫn có cơ hội phát triển, không bị suy, bầy cá lớn đều. Ở đây, thức ăn chính vẫn là loại tự chế có hàm lượng đạm cao, bo bo được dặm thêm. Cá đã lên keo cần được cho ăn chút một để làm quen với bo bo đông lạnh, một số con không chịu sục sạo kiếm mồi dưới đáy, cần thời gian để chúng quen dần. Tốc độ tăng trưởng dường như chậm hơn so với cho ăn bằng trùng đỏ, điều dẫn đến suy đoán rằng hàm lượng dinh dưỡng của bo bo đông lạnh thấp hơn. Bo bo mua về rã đông, bỏ vô khay đá cỡ nhỏ, mỗi lần cho ăn tách vài viên tùy số lượng cá trong hồ. 7. Kích màu Việc kích màu có lẽ không đến nỗi quá nghiêm trọng nếu các bạn hiểu về bản chất màu sắc ở cá. Da cá có nhiều lớp màu: ngoài cùng là tế bào cấu trúc (schemachrome) phản chiếu các phổ màu khác nhau từ vàng (gold), lam-lục (metallic) cho đến trắng (platinum); kế đến là tế bào sinh học (biochrome) bao gồm đen (melanophore), đỏ (erythrophore) và vàng (xanthophore); tiếp theo là lớp hạ bì (trắng hoặc trong suốt) và trong cùng là màu thịt và mạch máu đỏ. Cá đỏ là trường hợp khiếm khuyết các lớp bên ngoài (ánh kim và đen), chỉ còn tế bào đỏ chứa sắc tố đỏ (carotene, astaxanthin, canthaxanthin). Cá vàng là trường hợp khiếm khuyết các lớp bên ngoài (ánh kim, đen và đỏ), chỉ còn tế bào vàng chứa sắc tố vàng (xanthophyll). Vấn đề là cá không thể tự tổng hợp các sắc tố đỏ và vàng, mà phải lấy từ thức ăn. Việc cho ăn chất kích màu chẳng qua là cung cấp chất liệu đơn thuần. Một khi cá đỏ hay vàng về mặt di truyền tức có sẵn lớp tế bào đỏ hay vàng, thì việc kích màu sẽ mang lại hiệu quả, bằng không sẽ rất hạn chế. Người chơi cá kinh nghiệm không cần kiếm đâu xa ngoài việc liên hệ với các đại lý bán thức ăn cá dĩa vốn có sẵn hai loại tim bò xay cho cá đỏ (Carophyll Pink 10%) và vàng (Carophyll Yellow 10%). Đương nhiên trong thức ăn tự nhiên như tôm, tép, hải sản, động vật giáp xác, cá ngừ, cá hồi cũng có nhiều chất này nhưng hàm lượng không bằng và việc kích màu sẽ mất thời gian hơn. Các nhà lai tạo dòng đỏ và vàng có thể thông qua việc kích màu từ sớm nhằm tuyển chọn những cá thể màu đẹp nhất trong bầy. Nhóm tế bàoLoại tế bàoMàuSắc tốThức ănTế bào cấu trúc (schemachrome)IridophoreÁnh kimPurine & Guanine (dạng tinh thể tĩnh)Nội tạng động vật, men bia, thịt, cáTế bào cấu trúc (schemachrome)LeucophoreBạch kimPurine & Guanine (dạng tinh thể động)Nội tạng động vật, men bia, thịt, cáTế bào sinh học (biochrome)MelanophoreĐenMelaninTự tổng hợpTế bào sinh học (biochrome)ErythrophoreĐỏ, camb-Carotene, Astaxanthin, CanthaxanthinTôm, tép, động vật giáp xác và hải sảnTế bào sinh học (biochrome)XanthophoreVàngXanthophyllCá vàng, bắp, trứng, hoa vàngTế bào sinh học (biochrome)Cyanophore (cá biển)Xanh- (chưa biết)- (chưa biết)8. Bệnh mụn cóc (lymphocystis/lymph) Bệnh mụn cóc thỉnh thoảng xuất hiện ở cá cờ và khiến một số bạn thắc mắc. Qua tìm hiểu, bệnh gây ra bởi Iridoviruses hay còn gọi là LCDV (lymphocystis disease virus) ở các loài cá cảnh nước ngọt và nước mặn. Vì là bệnh siêu vi (virus) nên không có thuốc chữa, cá phải tự kháng bệnh. Lời khuyên là a) cách ly cá bệnh, b) ngâm nước lá bàng hay các loại kháng sinh nhẹ như methylene blue, tetra để ngừa lây nhiễm cơ hội và c) cải thiện môi trường bao gồm thức ăn và nguồn nước để giúp cá mạnh khỏe, đề kháng tốt với bệnh tật. Một số bạn bảo dùng kéo hay bấm móng tay cắt đứt khối u trước khi ngâm thuốc, nghe nói việc này cũng có hiệu quả. Xem thêm ở đây: Lymphocystis – Thông Tin và Điều Trị (https://link.springer.com/article/10.1007/s00705-014-2060-0) Mụn cóc thường xuất hiện ở gốc vây ngực. 9. Bộc châm Là hiện tượng tia vây kéo dài, nhô ra khỏi màng vây ở cá cờ. Tuy nhiên ở một số vị trí, nhất là hai cạnh đuôi, màng vây triệt thoái ở một mức độ nhất định. Thoạt trông, nó tương tự như Crowntail Betta (đuôi tưa) và một số người cũng gọi là Crowntail Paradisefish, nhưng hiệu ứng “crowntail” ở cá betta, về bản chất, đơn thuần là sự triệt thoái của màng vây, khiến các tia vây trơ ra. Đuôi cá cờ vốn đã dài và hiệu ứng “bộc châm” khiến nó trông còn thậm thượt hơn nữa. Các tia dường như phát triển độc lập, không theo một tỷ lệ nhất định nào. Theo quan sát, cờ đen Huế thường có một hay hai cặp bộc châm (tia gốc kéo dài, phân thành 2 nhánh). Trường hợp cá biệt có thể có đến ba cặp bộc châm. Thị trường hiện đang chuộng đặc điểm này. Bạn có thể lai tuyển chọn theo hướng gia tăng số lượng tia bộc châm. Có một số cá thể mà hiệu ứng bộc châm lan đến vây bụng (pelvic fin) khiến nó trông lởm chởm. Ngoài ra, phân nhánh ở tia chính của vây bụng là một lỗi, hiện chưa rõ có liên hệ gì với bộc châm hay không, chúng ta cần lưu ý đến vấn đề thanh lọc khi cản theo hiệu ứng bộc châm. Cá cờ Huế với 3 cặp bộc châm (hình & cá Nguyễn Mạnh Khang) Cá cờ Trung Quốc siêu bộc châm (Nhất Phương sưu tầm) 10. Con giống Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm 2017, khi cá cờ đen còn khá hiếm trên thị trường. Cặp cá giống đẹp, được mua về để thử nghiệm lai tạp với betta, đều bị chết vì sình bụng và nhảy khỏi lọ. Tôi quyết định mua cặp cờ đen khác và ép chúng với nhau để kiểm chứng khả năng sinh sản. Cá mái trông như hình dưới: Vì cũng muốn giữ dòng cờ đen, tôi luôn thắc mắc việc nó có một sọc nhạt giữa thân và bớt trên đầu, điều mà bạn không bao giờ thấy ở cờ đen thuần. Không có nhiều lựa chọn, tôi ép nó (F1) và sang năm sau, ép tiếp hai bầy (2 x F2). Bầy đầu là cận huyết sâu giữa trống và mái cùng bầy F1, bầy sau là giữa trống F1 với mái hoang khác. Cá đời F1 trông cũng ổn ngoại trừ một số con trong bầy nhạt hơn, điều cũng xảy ra ở số cá hoang mà tôi nhận được sau này. Điều lạ nữa là lưng trống giống hơi ửng đỏ, và nếu quan sát kỹ thì thân và đầu của vài con có vẻ thuôn hơn, ngả về cờ đen hongkong hoặc cờ sọc. Nhưng trên tất cả, tôi vẫn mãi ám ảnh về con mái gốc. Sau khi cân nhắc kỹ, tôi đã cho đi toàn bộ dòng cá xuất phát từ mái này (ba bầy) và bắt đầu lại bằng cá cờ đen Huế chính hiệu, cá hoang, nguồn gốc rõ ràng, và được tuyển lựa kỹ (đen thui). Dòng cá này bản to, đầu nhọn, đúng chất cờ đen Việt Nam. Tổng thiệt hại là một năm rưỡi công nuôi dưỡng và chăm sóc. Ý tưởng ở đây là bạn không nên làm gì một khi còn nghi ngờ, bằng không thiệt hại sẽ lớn hơn và bạn cần làm đúng một khi có cơ hội, cho dù thiệt hại là gì!
11. Sọc Sọc là gì? Theo bản chất các lớp màu ở loài cá nói chung, và cá cờ cũng không là ngoại lệ, lớp xanh nằm ở ngoài cùng, bên trên, lớp đỏ nằm ở bên dưới. Như vậy, cá cờ sọc có sọc xanh trên nền đỏ cam, dẫu bề ngoài chúng ta thấy các sọc xanh và đỏ xen kẽ. Cá cờ thường có từ 7-9 sọc. Ngoài số đó, chẳng hạn 5-6 sọc là hiếm. Sọc đầu tiên nằm ở gốc đuôi, ngay sát các tia vây. Gốc đuôi thường có hai (sọc Quảng Ngãi) hoặc ba sọc (sọc Trung Quốc). Sọc cuối cùng nằm sát gốc vây ngực. Sọc này thường mờ nhạt hoặc đôi khi bị thiếu. Giống như cá cờ chọi, sọc đẹp là sọc to, đậm, thẳng, đều (về khoảng cách) và đối xứng hai bên. Sọc ít và to được chuộng hơn sọc nhiều và nhỏ. Sọc dính liền thành phiến cũng được chuộng, nhưng xét về mặt tiêu chuẩn, cần duy trì những gì là đặc trưng của cờ sọc. Những lỗi phổ biến về sọc là a) đứt đoạn ở giữa hay ngắn, không kéo dài hết thân, b) sọc uốn éo: không thẳng, c) sọc xiêu vẹo: không song song và d) sọc mờ hoặc thiếu (thường xảy ra ở gốc vây ngực). Các sọc ở cá cờ (ảnh Nguyễn Duy) Một con cá cờ Quảng Ngãi với sọc to và đẹp. Hai sọc gốc đuôi, sọc thứ 7 mờ, thiếu sọc sau gốc vây ngực (cũng có thể do chất lượng hình chụp) (ảnh Nguyễn Duy) Một con cá cờ sọc Trung Quốc rất đẹp (ba sọc gốc đuôi) (ảnh do Nhất Phương cung cấp)
chào anh Đại, hơn 10 năm rồi em mới quay lại thấy anh có nhiều bài viết về cá cờ quá. Nhớ hồi nào em mang con cá cờ lên hội mà chẳng ai biết nó là con gì. Em mới ép lại 1 bầy dc 3 tuần tuổi giống Bình Định.
bọn cá cờ này nhảy kinh thậật,em đậy nắp ,mà nắp khoét lỗ chỉ dài vừa người nó thôi mà nó phi đi đâu mất xác
Cập nhật về di truyền A- bầy lai F1 giữa cờ đuôi tròn x cờ sọc, cá được ép và gửi tặng bởi Tuan La Van; B- “vàng albino”, cá được ép và gửi tặng bởi Đàm Nguyễn Quân Vũ; C- cận cảnh tròng mắt màu đỏ đào (maroon). D- lam đức xuất phát từ bầy lai F1 lam đức x “vàng albino”; E- đen xuất phát từ bầy lai F1 lam đức x “vàng albino” Kết quả lai tạp giữa cờ đuôi tròn với cờ sọc cho thấy kiểu hình đuôi nĩa (folktail) là trội bất toàn (incomplete dominant) so với kiểu hình đuôi tròn (roundtail), với đuôi nĩa ngắn lại một cách đáng kể. Việc phân biệt giới tính trở nên khó khăn và chủ yếu dựa vào dáng bụng (bụng cá mái hơi to). Chúng tôi cận huyết đời F1 nhưng không thành công. Cụ thể, chúng tôi phân lập 3 cặp trong các hồ ép riêng nhưng không thấy trống nào nhả bọt. Phải chăng trống F1 vô sinh hoặc tất cả đều là cá mái? Sắp tới chúng tôi sẽ thử cản mái F1 về trống đuôi tròn. Mục đích là, tạo dòng cờ đuôi tròn với ¼ máu cờ sọc. Hy vọng dòng cờ lai này sẽ “chịu nhiệt” tốt hơn cờ đuôi tròn thuần. Một thử nghiệm nữa là tìm hiểu về di truyền của đặc điểm “lưng xanh” ở lam đức. Chúng tôi cản lam đức với “vàng albino” lưng-không xanh. Các cá thể dùng trong lai tạo đều xuất phát từ những bầy thuần. Kết quả, đời F1 cho ra phần lớn lam đức, với một vài cá thể đen. Sau đó, chúng tôi cản lam đức F1 x lam đức F1, vẫn thu được phần lớn lam đức với vài cờ đen. Chúng tôi lại cản đen F1 x đen F1 và thu được phần lớn đen, với… vài con lam đức. Nghĩ rằng cá bột các bầy lẫn qua, lẫn lại khi cho ăn bo bo, nên chúng tôi lặp lại phép lai đen F2 x đen F2, đời F3 vẫn thu được phần lớn cá đen với… vài con lam đức. Chúng tôi cũng không thấy có sự khác biệt kiểu hình đáng kể nào ở lam đức hay cờ đen giữa các đời lai nên không thể suy đoán hay có hướng lai phù hợp để phân lập kiểu hình như người ta từng làm với betta. Các kết quả lai tạo cho thấy “lưng xanh” là đặc điểm trội so với lưng-không xanh, và nó không được quy định bởi một gien đơn. Các bầy thử nghiệm trên cũng vô tình hé lộ đặc điểm di truyền của “vàng albino”. Một người bạn thắc mắc rằng khi cản “vàng albino” với “sọc albino” thì không thu được con albino nào! Như chúng ta đều biết, “sọc albino” là dòng albino đầu tiên, đã được nghiên cứu và kiểm chứng. Albinism là hiện tượng khiếm khuyết hắc tố, tức “mất đen”. Trong khi vàng là lớp màu trong cùng, một khi chúng ta thấy màu vàng, hắc tố đương nhiên không tồn tại. Thậm chí, chúng tôi từng quan sát màu mắt của “vàng albino”, nó thực sự hanh đỏ. Theo dự đoán, khi cản “vàng albino” với “sọc albino” sẽ thu được toàn bộ albino; các bầy cận huyết F1 của chúng tôi sẽ thu được ¼ albino ở đời F2. Nhưng các kết quả lai đều không đúng như dự đoán. Chúng tôi tái kiểm tra màu của con ngươi (pupils) thì thấy màu thực sự là đỏ đào (maroon) tức có hiện tượng suy giảm, nhưng hắc tố vẫn tồn tại ở mức độ nhất định. Như vậy, các quan sát và thử nghiệm chứng tỏ “vàng albino” không phải là dòng albino đích thực, dẫu bề ngoài rất giống (đó là lý do chúng tôi để tên trong ngặc kép). Albino đích thực được quy định bởi một gien đơn, trong khi “giả albino” là sự kết hợp của nhiều gien! Thật ngạc nhiên, có nhiều dạng “albino” ngoài kia hóa ra không phải là albino đích thực! Vậy các bạn cứ kiểm chứng bằng cách cản với albino sọc xem sao nhé.