Từ kamfa đến các thể loại "king"... A. Từ Kamfa... * Kamfa là dòng cá la hán do ông Y.C. Cheah lai tạo từ những năm 2000-2001. Ông từng bỏ ra 10 năm trời để lai tạo và cải thiện các dòng cá la hán. Cùng với một nhà lai tạo khác, W.M. Chan, ông thành lập trại Mermaid Aquarium ở Kuala Lumpur, Malaysia để kinh doanh cá la hán. Bên cạnh dòng kamfa gốc (mermaid 美人魚), những dòng cá khác do ông lai tạo gồm Giant God, God's Horse, Laughing Buddha, Flower Monk, Golden Flower, God of Wealth và Water Spirit. * Ông Cheah giải nghệ vào năm 2004, đây cũng là thời điểm thoái trào của cá la hán ở Malaysia và Singapore. Nhưng phong trào lại bắt đầu manh mún ở các nước lân cận như Việt Nam, Indonesia và Philippines. Bầy kamfa cuối cùng của ông được bán sang Philippines. Ngày nay, người chơi cá ở Phiippines vẫn còn lưu giữ hình ảnh của những cá thể này. * Ông Cheah có viết một cuốn sách về cá la hán, trong đó có nhiều thông tin về các dòng cá mà ông lai tạo. * Theo một số thông tin trên mạng, mermaid kamfa có gien kim cương hồng két (jingang blood parrot - 金刚血鹦鹉 - kim cương huyết anh vũ; trong các truyện kiếm hiệp thường có con chim "anh vũ" biết nói tiếng người, đó chẳng qua là con vẹt hay còn gọi là con két mà thôi). Kim cương hồng két lại có gien Synspilus và Severum với bản thân cực rộng nên mermaid kamfa được di truyền đặc điểm này. * Có rất nhiều cách phiên âm tên dòng cá như kamfa, kamfah, jin hua, kim hua, ching hwa, chin hwa và tất cả đều có nghĩa là “kim hoa” (金花). Đa số người chơi ở Việt Nam đã quen với từ "kim hoa", còn khi nhắc đến "kamfa" thì người ta thường liên tưởng đến "king kamfa". * Rất nhiều cá thể kamfa bị vô sinh. Theo nguồn thông tin trên mạng, cá đực mắt trắng: 90% vô sinh, cá đực mắt đỏ: 50% vô sinh. Theo “kinh nghiệm dân gian”, nếu cá đực trưởng thành mà “cò” quá bé, không lòi hẳn ra ngoài thì khả năng ép thành công là rất thấp. Cá cái cũng bị vô sinh nhưng dễ phát hiện hơn vì cứ tới tuổi là "xả" trứng (con nào nuôi hoài không "xả" là có vấn đề). * Về di truyền, theo nguồn thông tin trên mạng: cá đực di truyền gien đầu to, cá cái di truyền gien về dáng như thân và vây (không rõ màu và châu như thế nào). * Độ tuổi trưởng thành của cá đực (có thể ép được): trên 1.5 tuổi (các dòng la hán khác đều dưới 1 năm). Thậm chí, ngay cả một số loài cichlid thuần chủng cũng có thời gian trưởng thành lên đến 2-3 năm. Bởi vậy, nếu cá thể kamfa “dính” gien của chúng thì thời gian trưởng thành sẽ lâu hơn. * Cá kamfa gốc (mermaid) được chuộng vì dáng chuẩn, vây bao, không dị tật và đặc biệt là bản cực rộng (so với kamfa và king kamfa ngày nay) nhưng châu và màu yếu. Trên diễn đàn có bài Phân biệt Kamfa và Trân châu La Hán trích từ báo nước ngoài, tuy nhiên, bài viết không đề cập đến chi tiết này. Mermaid kamfa Đây là hình ảnh con mermaid kamfa đầu tiên (in trên poster): được biết, đây là cá thể lai giữa "green gold tiger" (thanh kim hổ 青金虎) và hồng két. Thanh kim hổ 青金虎 chính là loài trimac (Cichlasoma trimaculatus). Các bước lai tạo tiếp theo không được tiết lộ nhưng có lẽ dòng cá được lai tiếp với loài cichlid thuần chủng thuộc chi Vieja. Dưới đây là một số hình ảnh mermaid kamfa trên trang mạng ở Philippines www.mypalhs.com Batik kamfa Đây là dòng cá do ông Terence Jiam, trại Meng Aquarium, Malaysia lai tạo. Không rõ quan hệ như thế nào với mermaid kamfa. Ông Jiam là một trong những nhà lai tạo cá la hán tiên phong. Ngày nay ông vẫn còn kinh doanh các loại cá la hán, kể cả kamfa: http://www.arofanatics.com/forums/showthread.php?t=415876#post7660925. Kim bình quả - golden apple Đây là dòng cá do Ah Soon, trại Kamfah Aquarium, Malaysia lai tạo. Không rõ quan hệ như thế nào nhưng dòng cá mang nhiều đặc điểm đặc trưng của kamfa. Japro kamfa (Japro = Jatim Project) Đây là dòng cá do Bejita và một số thành viên ILC, Indonesia lai tạo (còn gọi là Indo kamfa). Dòng kamfa này xuất hiện trên thị trường vài năm gần đây. Tỷ lệ lên đầu và châu được cải thiện nhiều. Một số video kamfa sưu tầm trên mạng
B. Đến các thể loại "King"... King baccara * Đây là dòng cá do Joe Sakana ở trại Morning Farm, Thái Lan lai tạo (2005). Không rõ nguồn gốc, chỉ biết dòng cá mang nhiều đặc điểm của kamfa với tông xanh chủ đạo, tuy một số con vẫn có màu đỏ ở phần đầu, ức và tông cam trên thân. * Nhà lai tạo rất thích chơi bài baccarat nên lấy đặt tên cho dòng cá. * Người Thái có tinh thần bảo hoàng rất cao và từ "king" tạo ấn tượng đặc biệt, ám chỉ chất lượng "đỉnh". Nhưng nên nhớ đây chỉ là cái tên, trong bầy vẫn có con đẹp, con xấu. King kamfa * Trong bầy king baccara xuất hiện một số cá thể “đột biến” với châu sợi sáng, dày và quấn đầu. Những cá thể này được đặt tên là “king kamfa” (2006). Người chơi ở Việt Nam thường ví von king kamfa là “vua châu sáng”. * Bước “đột biến” xuất sắc này có lẽ nhờ lai xa với dòng trân châu. Nếu quan sát kỹ một số cá thể king kamfa thì sẽ thấy các đặc điểm của trân châu. Sau này, đặc điểm châu sáng được tái hiện ở Tân king, dòng lai giữa king kamfa với trân châu. * Như vậy, king kamfa có rất ít hoặc hầu như không quan hệ huyết thống với kamfa. Đó chẳng qua là cái tên do người Thái đặt ra, không liên quan đến chất lượng bởi trong bầy vẫn có con đẹp, con xấu. Tuy nhiên, cả hai đều chia sẻ một đặc điểm chung là khó sinh sản và thời gian trưởng thành lâu. * Những cá thể king kamfa xuất sắc có đặc điểm hình dáng tương tự như kamfa nhưng có hai khác biệt a) bản thân hẹp hơn, và b) kích thước không to bằng. Dòng kim hoa đời cũ rất to con nhưng king kamfa chỉ to xấp xỉ cá trân châu mà thôi. * Nghe nói trại Morning Farm ngày nay không còn lai tạo king kamfa nữa. Bởi không có ai độc quyền tên gọi nên thị trường xuất hiện rất nhiều “king kamfa” nhưng có rất ít hoặc hầu như không có quan hệ gì với king kamfa gốc. Chất lượng nói chung giảm sút nhiều so với dòng king kamfa gốc. Dưới đây là một số ít tư liệu hiếm hoi về dòng king kamfa: Nguồn gốc: http://www.siamcrossbreedclub.com/article/viewtopic.php?q_id=29 Đặc điểm: http://www.siamcrossbreedclub.com/article/viewtopic.php?q_id=30 Lai tạo: http://www.siamcrossbreedclub.com/article/viewtopic.php?q_id=20 Cặp king kamfa với dàn châu cực khủng của anh Phước Bình Đăng được người Thái mua lại với giá cao: Cá đoạt giải Hội Hoa Xuân 2007 của tiệm Hồng Anh: Một số hình ảnh trên mạng: Một con king rất đẹp của Genta: Cá king kamfa của trại Morning Farm: King damo kamfa (帝王達摩金花 - đế vương đạt ma kim hoa) Dòng cá do ông Chen ỏ trại Rarefish, Đài Loan lai tạo. Trại Rarefish từng lai tạo dòng cá riêng gọi là Tài thần (财神魚- Fortune Fish). Tài thần cũng là cá lai tạp và có gù như la hán. Bản thân Tài thần cũng có nhiều đặc điểm tương tự như kamfa. Sau này, trại lai Tài thần đực với king kamfa cái (thực ra là lấy "châu") để tạo ra dòng king kamfa riêng. Ông Chen thêm chữ Damo (Đạt Ma) vào giữa để phân biệt với những dòng king có sẵn trên thị trường. Tân King Dòng cá do anh Thanh ở Thủ Đức, Sài Gòn lai tạo. Anh đặt tên “Tân king” nghĩa là “dòng cá king mới”. Đây là dòng lai giữa king kamfa với kim cương (phân dòng trân châu la hán phổ biến ở Việt Nam với đặc điểm nhiều "châu"). Tham khảo câu chuyện về quá trình lai tạo Tân king ở đây. ------------------------------------------------------------------------------------------------- Thảo luận Công thức lai tạo * Công thức lai tạo chung của các dòng cá “king” là lai xa (crossbreed) với các dòng la hán khác như trân châu và kamalau. Có hai lý do khiến người ta thực hiện điều này: a) Gia tăng tỷ lệ lên đầu, và b) Cải thiện màu và châu. Bởi hầu hết king kamfa đực đều vô sinh & thời gian trưởng thành lại lâu nên người ta thường sử dụng king kamfa cái. Cụ thể: king kamfa cái x la hán đực. * Cá lai cũng mắc phải các vấn đề về sinh sản. Các bước lai tạo tiếp theo thường không được các nhà lai tạo tiết lộ nhưng nhìn chung có 2 hướng: a) Cá thể cái đời F1 X la hán đực: đa phần cá thể đời F2 sẽ trở lại gần với… la hán tuy vẫn có một số ít mang kiểu hình king! b) Cá thể đực đời F1 X la hán cái (hoặc cá thể cái đời F1) thì phải chờ cho đến khi bầy cá trưởng thành (trên 1.5 năm), tuyển chọn cá đực đạt chuẩn và… thử xem con nào có “cồ”. Cách này chỉ có các trại cá đầu tư lâu dài mới làm nổi! Trường hợp anh Thanh lai tạo dòng Tân king, anh phải thử 10 cá đực mãi cho đến khi may mắn gặp một con king lai có cồ thì mới thành công! * Để áp dụng công thức lai một cách hiệu quả thì nhà lai tạo phải luôn duy trì một dòng la hán chất lượng với đặc điểm dễ sinh sản, tỷ lệ lên đầu cao, châu tốt. Vấn đề là các dòng la hán ở Việt Nam (cụ thể là kim cương) hiện đã bị suy và mắc nhiều dị tật như sụp đuôi, tóp mang, vẹo cột sống… * Một cách lai tạo khác là lai xa với cá cichlid để duy trì bộ vây: king kamfa cái x cichlid đực. Một số trại có thể đang áp dụng theo cách này. Như chúng ta biết cá cichlid đực thuần chủng không có vấn đề gì về mặt sinh sản và hình dáng, đặc biệt là bộ vây, cũng rất ổn. Hướng lai tạo này có thể cung cấp cá “king kamfa” một cách đều đặn cho thị trường nhưng tỷ lệ lên đầu sẽ cực thấp! Về tên gọi Xem ra cách hiểu về king kamfa rất khác nhau và vì không có một định nghĩa rõ ràng nên đây là một chủ đề gây tranh cãi. Xét về tư cách thì chính nhà lai tạo có thẩm quyền đưa ra định nghĩa nhưng điều này đã không xảy ra (hoặc thông tin không đến được người chơi cá). Sau đây là một số cách diễn giải: a) King kamfa là những cá thể xuất sắc trong bầy kamfa: không chính xác vì king kamfa không xuất phát từ bầy kamfa. b) King kamfa là những cá thể xuất sắc đạt chuẩn kamfa cộng thêm đặc điểm châu sợi sáng, dày và quấn đầu (vua châu sáng): bởi trong bầy có nhiều cấp độ đẹp xấu khác nhau nên nếu áp dụng theo công thức này thì chỉ những cá thể trưởng thành đạt chuẩn (vốn cực ít) mới được gọi là "king". c) King kamfa có châu sợi và sáng, các đặc điểm khác chỉ hơi tương đối, đừng quá tệ là được: đây là cách hiểu thông thường trên thị trường. Đa số người chơi tạm chấp nhận cách này dựa trên tình hình thực tế. King kamfa là "vua châu sáng" chứ không phải là "vua của cá kamfa"! Người Thái nói gì? Trên một trang web tiếng Thái, tác giả phân kamfa thành 3 loại: * King kamfa: châu sợi quấn đầu, châu lan toàn thân kể cả vây, màu sặc sỡ như lông công. * Peacock kamfa: không có châu sợi quấn đầu, thân ít châu, màu sặc sỡ như lông công (những con kamfa ngũ sắc trước đây có lẽ thuộc loại này). * Kamfa: màu và châu kém. Về khái niệm “dòng” cá Khái niệm dòng cá (strain) trong thế giới cá la hán hoàn toàn khác với cách hiểu thông thường. Dòng cá phải có tính ổn định, chẳng hạn bầy cá phải có trên 80% đạt các đặc điểm hình thái mong muốn. Tuy nhiên, vì cá đực các dòng king hầu như vô sinh nên việc củng cố tính trạng vô cùng khó khăn. Trên thực tế, các “dòng” kamfa và king kamfa gốc đều “đứt gánh”. Nếu xét khắt khe thì chúng chẳng qua là các “bầy” hoặc “cá thể” riêng lẻ mà thôi.
thank mod về bài viết, dạo này box la hán được mod quan tâm nhiều quá^^, hy vọng tương lai sẽ có thêm nhiều bài hơn nữa để mọi người có thêm nhiều kiến thức về thú chơi của mình, thank MOD:rose:
thank Mod. Bài viết quá hay. Vậy là từ nay mọi người không cần phải tranh cãi nhiều chi cho mệt. thanks 1 lần nữa!
Thanks anh Đại rất nhiều vì bài viết rất hay và bổ ích này. Theo em biết thì King Kamfa là do 1 người bên Thái nắm giữ công thức lai tạo và dòng cá nảy nổi tiếng ở VN từ bầy bột của anh Hùng Lẩu bao tọn gói cặp cá cha mẹ gốc ra bầy con nào là gom hết, về sau cặp cá này chết đi thì được lai tạo ra cặp cá thay thế nhưng bầy con ra chất lượng có vấn đề và mang về VN rất nhiều tiệm cá la hán ôm vào và người chơi mua về form lên thất bại đã góp phần làm suy yếu phong trào la hán người chơi nản chí và cửa hàng lớn cũng bị thiệt hại nặng nề chưa kể bị ảnh hưởng danh tiếng. Sau này thì người nắm giữ công thức trên tiếp tục lai tạo cho ra vài cặp cá giống mới và ra bầy con chất lượng rất khá và cá lớn lên vẫn mang những điểm nổi bật của KKF tuy ko hoàn toàn giống như KKF hồi xưa (cặp cha mẹ đó ko còn nữa). Và ở VN mình thì anh ChâuKala vẫn thường xuyên nhập KKF bột là từ người lai tạo nói trên vì thế mà người chơi thường chọn mua KKF bột từ anh Châu. Hiện tại thì cặp cá giống đang ôm trứng chuẩn bị sinh đẻ và khoảng vài tháng nữa VN mình sẽ lại về hàng KKF gốc, đã 5 tháng nay ko có bầy KKF bột gốc nào ra nên những con KKF nhỏ 1-2 ngón mang về VN hầu như là của những trại khác bên Thái lai tạo ra lựa những con đẹp gần giống King mà thôi!