Khảo sát các loài cá hải hồ Radek Bednarczuk - http://www.tfhmagazine.com/details/articles/a-survey-of-eartheaters-full-article.htm Tợp một họng đầy cát để lọc thức ăn từ đáy nền, cá hải hồ có một biệt danh hoàn toàn phù hợp (loài ăn đất - eartheater). Phát hiện nhiều loài geophagines cho đủ mọi kích thước và thể loại hồ. Cá hải hồ có những phẩm chất nhất định vốn hấp dẫn hầu hết những người yêu chuộng cichlid. Chúng da dạng về hình dáng, màu sắc và kích thước, và chúng thể hiện các hành vi sinh sản và xã hội thú vị. Những loài cichlid này phân bố ở đủ mọi loại nước tại Nam Mỹ: nước tĩnh và các dòng chảy nhẹ; nước trắng, nước trong và nước đen; và cả nước ấm lẫn nước lạnh. Ở một số vùng phân bố của chúng, nhiệt độ có thể rơi xuống dưới 10 độ C (50 độ F). Bởi sự phân hóa mạnh của môi trường nơi chúng sinh sống, hầu hết mỗi chi đều có vài đặc điểm riêng điều khiến nó nổi bật trong nhóm cichlid này. Đa số cá hải hồ đều là cichlid khá lớn. Những con lớn nhất có thể đạt 30 cm (12 inch), nhưng kích thước trung bình là 10 đến 12 cm (4 đến 5 inch). Nhóm cá này bao gồm những chi như Acarichthys, Biotodoma, Geophagus, Guianacara, Gymnogeophagus và Satanoperca. Trong quá khứ, nhóm hải hồ (eartheater) cũng bao gồm cả chi Retroculus. Tên chi Geophagus bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp nghĩa là “đất” [geo] và “ăn” [phagein], và đặc trưng của cá hải hồ là phương pháp kiếm ăn của chúng. Cá sục miệng vào đáy nền và rồi, lọc ra bất cứ thứ gì ăn được, phun những thứ còn lại qua các khe mang. Những con cá này vận dụng nhiều chiến lược sinh sản khác nhau tùy mỗi loài. Hồ nuôi cá hải hồ Chất lượng nước và đáy nền là các vấn đề chính khi nuôi cá hải hồ. Việc thay nước thường xuyên và lọc tốt sẽ giúp duy trì chất lượng nước ở mức cao, cần để nuôi cá này mạnh khỏe, và nền cát cho phép chúng thể hiện các hành vi tự nhiên. Cá này có thể thải nhiều phân nên một bộ lọc sinh học hiệu quả là điều bắt buộc. Chúng cũng cần sục khí tốt. Đầu sủi với bộ lọc khí (sponge prefilter) rất tuyệt vời bởi vì trong khi cấp ô-xy, chúng đồng thời loại bỏ cặn bã lơ lửng phát sinh từ hoạt động đào bới đáy nền của cichlid. Thiết kế cần được điều chỉnh cho loài được nuôi – chẳng hạn một số loài hải hồ như Biotodoma và Satanoperca, sống ở nước tĩnh và chuộng dòng chảy nhẹ, trong khi những loài khác, như Guianacara, sống ở nước động và thích dòng chảy mạnh. Đa số cá hải hồ (giống như Gymnogeophagus) chuộng nước ấm, vì vậy hồ cũng nên gắn cây sưởi. Ánh sáng phải đầy đủ cho cây thủy sinh trong hồ, nhưng bản thân cá hải hồ thường chuộng nơi có bóng râm. Trang trí hồ nên phản ánh sinh cảnh (biotope) nơi cá sống, vì vậy tốt nhất nên sử dụng thật nhiều lũa (driftwood) cũng như đá nhẵn nhụi hay hang hốc. Thứ sau đặc biệt hữu dụng cho việc sinh sản của Acarichthys và Guianacara. Lũa không chỉ cung cấp nơi trú ẩn cho cá và trông xinh đẹp, mà nó còn tiết ra tannin, vốn làm nước acid hóa ở một mức độ nhất định. Điều này là rất tốt cho phần lớn các loài cá hải hồ. Lựa chọn cá chung hồ phù hợp với hải hồ bao gồm các loài cùng nhóm khác, những loài cichlid Nam Mỹ lớn, và cá vốn cư ngụ ở tầng đáy của hồ (chẳng hạn như các loài chuột Corydoras phổ biến và cá nheo giáp (amor catfish). Những loài cá khác phục vụ hai chức năng: Một số sẽ làm phân tán sự hung dữ quá mức ở một số loài hải hồ, trong khi số khác, chẳng hạn như Satanoperca leucosticta hay Biotodoma cupido, sẽ phục vụ như là tiêu ngư (dither) và giúp chúng bớt nhút nhát. Luôn mua cá hải hồ theo nhóm ít nhất vài con hay thậm chí nhiều hơn một chục cá thể. Chúng thoải mái hơn theo cách đó, cảm giác an toàn giữa bầy đàn, và các hành vi xã hội thú vị của chúng có thể được phô bày trong khi cơ hội sinh sản gia tăng. Cần hết sức cân nhắc nếu bạn muốn trồng cây thủy sinh cùng với cá hải hồ. Trong hồ nuôi hải hồ của mình, tôi sử dụng dương xỉ Java Microsorum, vốn được cột bằng dây câu trong suốt lên đỉnh của khúc lũa. Đôi khi tôi thêm cả những loại cây lá cứng, thường là Cryptocoryne, Anubias và Echinodorus. Thức ăn Chìa khóa để nuôi cá hải hồ một cách đúng đắn là hiểu biết về khẩu phần tự nhiên của chúng, vốn liên quan trực tiếp đến môi trường nơi chúng trú ngụ. Thành phần trong thực đơn của chúng ngoài tự nhiên là các loài giáp xác nhỏ, trái cây rụng và thực vật, côn trùng và ấu trùng của chúng. Vì lẽ đó, cá hải hồ cần nhiều chất xơ (cellulose, chitin) trong khẩu phần của chúng. Những thứ này có thể được cung cấp qua rau xanh và vỏ giáp xác, và việc bổ sung những thứ như vậy vào khẩu phần của chúng có thể giúp ngăn ngừa bệnh phù (bloat). Chi Geophagus Các loài Geophagus rất phổ biến và bao gồm đủ mọi biến thể màu sắc. Một đặc điểm của chi là phần trên đầu vốn hơi lồi và mắt nằm tương đối cao. Thân hơi dẹp và có đốm bên lườn (kích thước tùy mỗi loài). Toàn thân cá được bao phủ bởi các sọc rõ rệt. Ngày nay, có trên 20 loài được mô tả thuộc chi Geophagus, và hàng năm, các nhà xuất khẩu lại cung cấp thêm các biến thể màu mới và các loài chưa được mô tả. Chúng có thể là phát hiện thực sự đối với người hâm mộ nhóm cá cichlid này. Các loài thuộc chi Geophagus phân bố ở phần lớn lưu vực Amazon (bao gồm cả khu vực Guyana và Orinoco), nơi mà chúng xuất hiện trong đủ mọi thể loại nước. Những loài phổ biến nhất trên thị trường vốn lớn đến 12 cm (4¾ inch), chẳng hạn như Geophagus sp. “red head Tapajos” [đầu đỏ] hay G. abalios. Chi cá cũng bao gồm những con lớn từ 25 đến 30 cm (10 đến 12 inch), chẳng hạn như G. altifrons và G. proximus. Chúng thích hợp với nhiệt độ từ 26 đến 28 độ C (79 đến 82 độ F), pH 6.5 đến 8, và độ cứng tổng từ 10 đến 20 dGH. Đây là những loài ấp miệng (mouthbrooder) ấu trùng (larvo) và trứng (ovophilic). Trong trường hợp đầu, một con hay cả hai ngậm ấu trùng mới nở vào miệng và ấp chúng một thời gian (trung bình từ 10 đến 14 ngày). Với các loài ấp trứng, trứng đã thụ tinh được ngậm vào miệng để ấp. Trong cả hai trường hợp, cá bột rời miệng của cha mẹ chỉ sau khi noãn hoàng (yolk sac) được tiêu hóa hết. Sau đó, cá con chỉ quay về miệng cha mẹ vào ban đêm hay khi gặp nguy hiểm. Chế độ chăm sóc chuyên cần này kết thúc sau vài tuần, khi lứa đẻ khác chuẩn bị diễn ra. Cá hải hồ đầu đỏ Cá hải hồ đầu đỏ (red-humped eartheater) hình thành một nhóm riêng bên trong chi Geophagus. Chúng sở hữu tên này nhờ đặc điểm gù to vốn là đặc trưng ở cá đực trưởng thành, đầu đàn. Đây không phải là kho chứa dưỡng chất và mỡ mà là khu vực đầy các mạch máu nhỏ vốn bắt đầu phát triển khi cá đực phải cạnh tranh địa vị xã hội. Vào giai đoạn sinh sản, gù sẽ trở nên to hơn. Nhóm cá này bao gồm các loài như G. crassilabris, G. pellegrini và G. steindachneri. Chúng sống ở nhiệt độ từ 26 đến 30 độ C (79 đến 86 độ F), pH từ 6 đến 7, và nước từ mềm đến cứng trung bình. Chúng lớn tối đa 25 cm (10 inch). Cá này không nên nuôi theo cặp mà theo hậu cung (harem) [một cá đực với vài cá cái], và hành vi của chúng tương tự như loài mbuna ở hồ Malawi. Loài cichlid này rất mạnh mẽ và dễ sinh sản trong hồ nuôi, chúng là loài ấp trứng (ovophilic mouthbrooders). Nhóm brasiliensis Một nhóm khác biệt nữa thuộc chi Geophagus được đặt theo tên của loài phổ biến nhất và được mô tả đầu tiên, G. brasiliensis. Nhóm bao gồm những loài như G. iporangensis, G. itapicuruensis và G. obscurus. Những loài hải hồ này phân bố ở đông và tây nam Brazil và được phát hiện ở cả ba loại nước: trắng, đen và trong. Chúng cư ngụ cả nơi nước chảy lẫn nước tĩnh. Đáy nền có thể là đá, bùn hay phổ biến nhất là cát. Thân của cá thuộc về nhóm này lại không dẹp như các loài khác thuộc chi Geophagus. Mắt của chúng nhỏ hơn, miệng nằm phía trước đầu, và không có vảy trên vây mềm. Chúng thể hiện lưỡng hình giới tính rõ rệt – cá đực lớn hơn và đầu, nơi có thể mọc gù, dốc hơn. Chúng cũng có vây dài hơn và ánh kim trên lườn. Chúng có thể lớn đến 30 cm (12 inch). Địa bàn của chúng thể hiện tầm biến thiên rộng: nhiệt độ từ 16 đến 30 độ C (61 đến 86 độ F), độ cứng giữa 5 và 15, và pH từ 5 đến 7. Thú vị thay, chúng có thể được phát hiện ở các dòng chảy nơi độ dẫn cao đến 3000 µS/cm. Những con hải hồ này hoàn toàn hung dữ, nhất là vào giai đoạn sinh sản. Sinh sản cũng tương tự như tất cả các loài khác thuộc nhóm này. Cá cái lựa chọn địa điểm, thường bên trong đám rễ cây, để làm vệ sinh và đẻ trứng (số lượng đến 1000). Ấu trùng nở sau khoảng ba hay bốn ngày. Cá cái sau đó vận chuyển chúng vào một trong nhiều hố đào sẵn. Ấu trùng được chuyển từ hố này sang hố khác cho đến khi chúng bơi tự do. Chế độ chăm sóc thường kết thúc sau khoảng ba tuần. Sau từ sáu đến tám tháng cho ăn thoải mái, cá hải hồ non đạt kích thước khoảng 10 cm (4 inch), cũng là khi chúng bắt đầu phát dục. Gymnogeophagus Gymnogeophagus spp. phân bố ở nam Brazil, đông Paraguay, Uruguay và bắc Argentina, bao gồm cả lưu vực La Plata. Chúng cư ngụ ở những vùng nước lặng lẽ và thường tránh các con sông lớn. Khi lọt ra vùng nước rộng, chúng bèn tìm kiếm khu vực lặng lẽ hơn. Chúng hầu như được phát hiện trong ao hồ hay các dòng chảy nhỏ. Ngoài môi trường tự nhiên của chúng, biến đổi khí hậu theo mùa có thể được quan sát trong năm – vào những tháng mùa đông, nhiệt độ nước có thể rơi xuống dưới 20 độ C (68 độ F), thậm chí một số vùng còn xuống đến 8 độ C (46 độ F)! Hiện tại, có hơn một chục loài thuộc chi được mô tả về mặt khoa học (loài sau cùng là G. tiraparae). Cá thuộc chi này thiếu vảy ở phần trước của cơ thể và được ghi nhận với màu sắc xinh đẹp và kích thước nhỏ của chúng. Một số là loài ấp ấu trùng (larvophilic mouthbrooder), trong khi số khác là loài đẻ trứng mặt đáy (substrate spawner) khi mà trứng của chúng thường được đẻ lên bề mặt chẳng hạn như rễ cây hay hòn đá. Biotodoma Cá hải hồ Biotodoma cư ngụ trong vùng nước Amazon tĩnh lặng, chảy chậm. Có hai loài được mô tả về mặt khoa học, B. wavrini và B. cupido. Chúng thường xuất hiện nơi các vịnh nông với đáy cát hay bùn và thỉnh thoảng lẫn trong rễ cây, đá và vụn lá. Nhiệt độ nước mà hai loài cư ngụ có tầm từ 27 đến 29 độ C (81 đến 84 độ F). Một sọc đen chạy thẳng đứng qua mỗi nắp mang, mà không qua mắt, về phía dưới. Dưới mắt có nhiều đường và đốm trắng đục. Môi không dày hay mọng, và miệng tương đối nhỏ. Một đặc điểm của chi là đốm đen, vốn (tùy loài) nằm dưới hay trên đường bên, nhưng nó được viền bằng hai vùng hình dấu ngoặc. Bởi miệng của cả hai loài tương đối nhỏ, thức ăn nên có kích thước nhỏ. Cá lớn trung bình 10 cm (4 inch), và thông số nước lý tưởng là pH 5-6.5, nhiệt độ 28 độ C (82 độ F) và GH dưới 10. Những loài hải hồ này rất nhạy với nồng độ nitrate cao, do đó việc thay đủ nước hàng tuần là cần thiết. Một bộ lọc phân hủy ni-tơ cũng hữu ích trong việc nuôi chúng. Dòng nước trong hồ không nên quá mạnh. Những loài cichlid này đẻ trứng ở vùng nước mở, thường trên cành cây hay hòn đá. Guianacara Đa số cá này là loài đẻ khe (crevice breeder) điển hình, điều đó có nghĩa ngoài môi trường tự nhiên của chúng, sinh sản thường diễn ra ở những hang đá hẹp. Chúng cư ngụ trong các vùng nước chảy mạnh ở nam Venezuela và French Guyana, cũng như vùng Rio Branco. Ngoài môi trường tự nhiên của mình, chúng thiết lập lãnh địa, nhưng sinh sản theo cặp. Một đặc điểm bề ngoài là vạch đen cong, vốn kéo dài đến cạnh dưới của mang, làm thành một góc đen ở mặt cá. Những con hải hồ này có dạng đầu cao, nhưng thiếu gù. Chúng có nhiều điểm chung với chi Acarichthys. Các loài được mô tả gồm G. geayi, G. oelemariensis, G. owroewefi, G. sphenozona, G. stergiosi, và G. cuyunii. Satanoperca Các loài phổ biến thuộc chi Satanoperca là S. jurupari, S. leucosticta, S. daemon, và các loài hiếm hơn nhiều, S. pappaterra, S. lilith và S. acuticeps. Kích thước cá thay đổi từ rất nhỏ đến 30 cm (12 inch) tùy loài. Đặc điểm chung, so với các loài khác, là vây lưng và vây hậu môn không vảy, và hiện diện của một đốm tròn ở gốc đuôi. Chúng cư ngụ trong vùng nước yên tĩnh và chảy chậm ở Orinoco và thượng Rio Paraguay, cũng như những sông khác như Rio Negro và Rio Branco. Chúng thường được phát hiện ở gần bờ, nơi đáy toàn bùn, đất sét hay cát mịn và phủ đầy lá rụng mục rữa và những phần chìm của cành cây, bụi và cỏ. Mặt khác, những cây thủy sinh đích thực [mọc dưới nước] ở vùng này rất hiếm. Cá ở vùng nước sâu vào ban ngày để tránh chim săn mồi xà xuống từ cành cây cao. Vào ban đêm, chúng chuyển vào vùng nông hơn gần bờ để tránh cá nheo (catfish) vốn hoạt động vào lúc chập tối và ban đêm. Satanoperca chia sẻ địa bàn của mình với cá piranha, bởi vậy phần lớn cá hải hồ hoang đều có vây tơi tả. Những loài cichlid này sống theo bầy đàn. Hình dáng của chúng trông như cá vược (perch-like). Chúng có mõm dài, mắt to và cấu tạo của miệng tạo ra ấn tượng rằng chúng liên tục mỉm cười. Tên khoa học của chi và hàng loạt loài khác phản ánh mối liên hệ của loài này với quỷ sứ theo văn hóa địa phương. Một số loài, chẳng hạn như S. jurupari và S. leucosticta, tương đối nhút nhát và cần thả tiêu ngư. Điều kiện nước cho cả hai loài là pH 6.5, độ cứng tổng 10 dGH, và nhiệt độ khoảng 28 đến 29 độ C (82 đến 84 độ F). S. daemon, mặt khác, khó nuôi hơn, đòi hỏi nước thật mềm và acid. Nó thường bị mắc bệnh lủng đầu (HITH) và phù, đó là lý do nó chỉ được giới thiệu cho những tay chơi giàu kinh nghiệm. Chúng là những loài cá hải hồ ấp trứng và ấp ấu trùng. Acarichthys Acarichthys chỉ bao gồm một loài được mô tả, A. heckelii. Dài khoảng 25 cm (10 inch), loài cá này cư ngụ ở các sông Negro, Branco và Rupunui, với pH 6, độ cứng dưới 10 và nhiệt độ từ 20 đến 28 độ C (68 đến 82 độ F). Không giống với các loài hải hồ khác, A. heckelii có thân dẹp và vây lưng dài mạnh khỏe. Một đặc điểm bề ngoài là đốm đen bên lườn và sọc đen chạy hết chiều dài của nắp mang. Bề ngoài của chúng hấp dẫn hơn nhờ các tia mềm trên vây lưng, vốn làm thành tua dài màu đỏ bầm. Cá thể trưởng thành có nhiều đốm ánh kim ngay dưới mắt. Vây lưng và vây hậu môn phủ đầy các đốm màu, và thân cá màu ô-liu. Nhiều biến thể hơi khác về màu sắc, xuất hiện trên thị trường. Tuy nhiên, có một điều hiển nhiên: Những con hải hồ này là một trong những loài cichlid Nam Mỹ ấn tượng nhất. Mặc dù cá có thể đạt đến kích thước đáng kể, chúng có mõm nhỏ với môi mỏng. Bởi vì kích thước và sự hung dữ của chúng, chúng cần được nuôi trong hồ thật rộng, với tối thiểu năm hay sáu cá thể trưởng thành trong hồ 160 cm (5 feet) dài, 60 cm (2 feet) cao và không ít hơn 70 cm (2½ feet) rộng. Chúng có thể được nuôi cùng những loài cichlid khác với kích thước và tính khí tương tự, chẳng hạn như Geophagus hay Heros. Ngoài tự nhiên, loài hải hồ này sinh sản trong hang dài vài chục cm (vài feet) mà chúng đào trong nền đất sét. Hang thường nằm gần chỗ có cây cỏ. Chẳng may, loài hải hồ này rất khó sinh sản trong môi trường nhân tạo và chúng phát dục rất chậm – cá cái ở hai năm tuổi, cá đực ba năm. Những ai may mắn sở hữu một cặp có thể cung cấp cho chúng địa điểm sinh sản bao gồm những khúc ống nhựa, một chậu gốm trồng hoa lật ngược, hay thậm chí một lọ thủy tinh lớn, tất cả những gì có thể giả lập hang động. Cá cái có thể đẻ tới 2000 trứng. Vì kích thước bé nhỏ, cá non ban đầu phải được nuôi bằng thức ăn siêu nhỏ (luân trùng và vi tảo). Những thứ lớn hơn được cung cấp sau, chẳng hạn như Artemia mới nở và microworm. Thường sau hai tuần, chế độ chăm sóc của cá cha mẹ kết thúc và cá non cần được tách ra. Vài lời sau chót Ưu điểm của cá hải hồ bao gồm đủ mọi hình dạng, kích thước và màu sắc, kèm hành vi xã hội, chiến lược sinh sản thú vị và đa dạng, và chế độ chăm sóc con tận tâm. Hơn nữa, đây là loài cá sống lâu vốn có thể lên đến cả chục năm hay dài hơn. Trong số nhược điểm, chúng ta phải kể đến sự khó khăn trong việc nuôi dưỡng một số loài nhất định được mạnh khỏe (một số loài Satanoperca), nhu cầu phải có hồ thật rộng (với Acarichthys, S. lilith, S. daemon, Geophagus altifrons), và với chi Gymnogeophagus, là nhu cầu hạ nhiệt độ thường kỳ. Để khởi đầu hành trình của bạn với các loài cichlid thú vị này, tôi đề nghị một số loài thuộc chi I]Geophagus[/I] nhờ khả năng đáp ứng với một loạt thông số hóa học và vật lý nước, khả năng chịu đựng với thiếu sót trong bảo trì, và dễ sinh sản. Để thu thập kinh nghiệm, bạn có thể chú tâm vào các loài hải hồ kén chọn hơn chẳng hạn như Satanoperca, Biotodoma, hay Acarichthys. ======================================= Ghi chú *Cá nheo (catfish): là tên gọi chung của các loài thuộc bộ Siluriformes vốn có râu như mèo. Bộ cá này rất đa dạng với trên 2000 loài. Siluriformes theo tiếng Việt là bộ “cá da trơn” hay bộ “cá nheo” nhưng chúng tôi thấy cách gọi sau phù hợp hơn bởi rất nhiều loài trong bộ cá này có vảy và giáp. Cá nheo vốn thuộc chi Silurus mà dường như không loài nào phân bố ở nước ta. Những loài phổ biến trong họ cá nheo Siluridae là cá trèn, cá kết, cá thèo, cá leo và cá chiên (theo fishbase). ======================================= Lựa chọn cá hải hồ phù hợp với hồ nuôi của bạn Cá hải hồ quỷ juruparoid Lai tạo Peruvian Satanoperca jurupari – Trường hợp ấp miệng liền Nuôi và lai tạo cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Satanoperca cf. leucosticta (Müller & Troschel) Cá quỷ mặt đốm Colombia Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red”; cá quỷ ấp miệng liền từ Amazon Nuôi và lai tạo cá hải hồ đầu đỏ Geophagus steindachneri Heckel acara vây tua Acarichthys heckelii (Mueller & Troschel 1848) Gymnogeophagus balzanii Gymnogeophagus labiatus, 2001 Gymnogeophagus sp. “Rosario I”, loài mới từ Uruguay
Mình nuoi 2 em hải hồ mà đánh nhau quá, lúc đầu nghĩ chúng hiền, hóa ra ko phải. Học có thể mình nuôi chúng 2 con đực. bác cho thêm cách phân biệt đực cái lúc nhỏ 5 cm với