Bài “Đá gà” dưới đây được đăng trên tờ Tập-vở Thú-y, số 7 năm 1950. Không rõ tên tác giả bài viết, chỉ thấy ở cuối bài có ghi: “TH...”. Tập-vở Thú-y là tờ nguyệt san chuyên đề về chăn nuôi do Sở-thú-y phát hành ở miền Nam trước đây. Cụ Vương Hồng Sển có trích dẫn nhiều phần đưa vào bài “Thú chọi gà”, đăng lần đầu trên tập san Mai (1961), sau lại được đưa vào cuốn Phong lưu cũ mới (1970). Đá gà Thuở ấy, trong giới nuôi gà nòi lão luyện ông Bảy là một kiện tướng. Ông thích gà, mê gà và say… gà. Tuy chưa thành thảm cảnh “Vọng phu” thứ hai, chứ ông có thể bảo - mà không cười rằng: Nhứt đá gà Nhì cá lia thia Còn vợ, con nhà là vấn-đề… (than ôi) phụ thuộc. Ông thích gà hơn trai thích gái; ông mê gà như thi sĩ mê trăng; ông say gà tựa nhạc sĩ say đàn… Ngày kia, đang ở trường gà bỗng có người chạy tới cho ông hay, bịnh tình cậu con ông rất nguy ngập. Ông nhíu mày, lưỡng lự giây lâu, rồi bảo kẻ thông tin về trước... Mãi đến chiều, tan độ, ông mới mò về, và chỉ còn kịp vuốt mặt tử thi. -------------xOx------------- Ở đây, tác giả xin kỳ thuật những điều tai nghe, mắt thấy, chớ tuyệt nhiên không thêm sáng kiến mới mẻ nào, hoặc một thực nghiệm đặc biệt gì về vấn đề nuôi gà đá. Chơi gà là trò tiêu khiển của hạng giàu tiền, mà cũng là môn đánh bạc của nhóm người hàng xáo. Thế nên ít ai quan tâm đến việc nuôi gà, đúc nòi để bán. Và có lẽ các tay chơi gà sợ giống gây ra nhiều, dòng gà bớt quí, nên bịa chuyện ăn gà nòi nổi đơn mặc dầu thịt gà nòi vẫn ngon, thơm, ngọt; mà biết đâu, đấy là mánh khóe của các ông thầy gà cố hạn chế sức sanh sản của gà nòi, hầu thủ lợi. Mỗi địa phương bày ra một loạt tiếng lóng để liên lạc người trong điệu, và tùy theo lời truyền tụng, tùy sắc tố, người ta đặt cho gà nhiều thứ tên như: Gà điều, gà xanh, gà ó, gà nhạn, gà ó mái lại, gà ô mái lại, gà mồng lá, gà bông mái lại, gà bông trích, gà bông dâu, gà lau, gà ô lau, gà điều lau, gà bông lau, gà xanh lau, v.v... Ngoài ra còn có hạng gà “vô địch” mà thả ra trường thì địch thủ nhất định phải sớm hay muộn, hoặc xếp giáp chạy dài, hoặc bỏ thây giữa chiến địa. Thí dụ: Gà sấu: Gà không có lưỡi, miệng hôi thúi lạ thường. Gà voi: Ngay chỗ phao câu, mọc hai sợi lông cứng như lông voi lẫn lộn trong túp lông khác, nên vô ý không phát giác được. Gà song sanh: Hai con cùng nở trong một trứng. Nhứt là gà trống thì quí vô cùng. Gà tử mị: Ban đêm gà ngủ sãi lai, lông xù lên như chết. Gà ngọc: Mỗi lúc gà gáy, từ trong cuống họng sáng rực lên. Gà túc: Khi có người rờ tới, gà “túc, túc” ra tuồng sợ hãi. Gà nhựt, nguyệt: Gà có một cựa đen, một cựa trắng v...v… Bên cạnh đám dõng tướng có thiên tài về trận mạc kể trên, còn có một nhóm gà “vô danh” nhờ tay gian xảo của người, gây được ít nhiều tăm tiếng. Ngoài bộ chiến giáp, chúng lại mang theo một vái ám-khí. Chẳng hạn, trước lúc ra quân, chủ nuôi thoa sát mỡ chồn vào hai nách gà. Khi lâm trận, đối phương né, tránh, vừa đút đầu vào nách địch, vội rút ra… te te bỏ chạy; hoặc đầu cựa tẩm độc dược, lúc giao tranh, thuốc độc do vết thương tan vào máu, trong vài phút địch thủ quay mòng mòng ngã ra… không kịp trối. Đôi lần, tên giữ bội vô ý, để chủ lạ thừa dịp bước ngang vứt cho con gà vài hột lúa…nhựa. Lát nữa, giữa chiến trường, tiên nhập, gà gật gù, nửa tỉnh nửa say... Đấy là vài mánh khóe sơ đẳng; còn lắm thủ đoạn “động trời” được chủ gà xem như “bí mật nhà nghề”. Mà đã là “bí mật” thì phi kẻ đồng điệu, dễ gì tìm hiểu được. Nhiều con sở trường ngón “sát thủ giản”. Có con tinh thục miếng “hồi mã thương”. Xáp chiến mấy mươi hiệp cầm đồng, tự nhiên nó bỏ chạy, đối phương hăng tiết đuổi theo… trong chớp mắt nó quày lại, và… con kia, lãnh nguyên một ngọn cựa ngay hầu... nằm giãy tê tê. Những con gà, có đòn độc thế ấy, không gặp đủ dịp để trổ tài, dầu phải cáp với hạng dư lông mà nó thiếu chạng, người ta cũng chạy độ. Chỉ đem đến vùng khác xổ, may ra còn có cơ hội ăn thua. Song, cũng chừng vài lần, với lối thông tin bằng miệng, thiên hạ vừa thấy mặt đã xá dài. Cho nên chủ nuôi mới nghĩ đến phương pháp… trá hình, nghĩa là nhuộm gà để đổi màu lông. Cũng một xác gà, mà ở vùng này nó là gà nhạn, qua miền kia nó thành gà điều, gà lau, gà ô .v.v… Tuy vậy, ít lâu sau, người ta cũng phát giác được tông tích nó, và chủ nuôi buộc lòng cho nó “hưu trí non”. Nuôi gà đá là cả một nghệ thuật. Nó đòi hỏi nhiều tốn kém về tiền bạc, ngày giờ cũng như tâm trí và lao lực. Lắm khi, nghe lời điểm chỉ, chủ gà phải lội 5, 6 ngày đường tìm chuộc gà giống. Đại khái, có ba hạng gà được chú ý nhứt: 1) Gà cựa - (gà Cao Lãnh, Sa Đéc, Long Xuyên). Giống gà cựa tự nhiên này lại chia làm ba nhóm: a) Gà lông. Cũng như tên nó chỉ, gà này lông nhiều, cựa thật tốt, thịt ít, xương nhỏ. Lẹ đặc biệt song không bền. b) Gà gân. Tuy chẳng lẹ bằng gà lông, gà gân dẻo dai hơn, đá miếng nào đáng miếng nấy. c) Gà thịt. Sở đoản của nhóm này là chịu cựa tệ lắm… Con nào hay, thật xuất sắc. Con nào dở, hết chỗ chê. 2) Gà chưn trơn (gà Bà Điểm). Có hai nhóm: a) Gà Bà Rịa. Gốc từ Ấn-Độ (gà mái có túp râu dưới cằm). Dòng gà này bền vô cùng. Thà chết tại chỗ chứ không biết chạy là gì. Có độ, cáp từ sáng, đá mãi đến tối mịt, dám huề. b) Gà Bà Điểm. Ngón đá vừa hay, vừa độc. Tuy thế đá kém hẳn gà Bà Rịa về nước bền. 3) Gà dao. Bất kỳ gà nào cũng cáp độ được nhưng thường lựa giống gà bay hoặc gà đá trên. Sự thắng bại, không tùy gà, cũng do tài cột dao của tên bồng nước. Thế nên chơi gà dao, người ta khỏi tốn công chọn giống. Đã hiểu dòng gà, chủ nuôi còn phải biết đổ giống. Thường thì gà gân (trống) x gà Bà Điểm (mái), con sanh ra cựa cụt, dẻo dai, bển bỉ, thịt, gân chắc mạnh, ngón đá lại hay. Gà con thừa hưởng trọn vẹn tính hiếu chiến và lanh lẹ của cha, còn sự can đảm dẻo dai thuộc phần máu mẹ. Vì vậy, đố ai, dầu thân, dầu sơ, có thể hỏi mượn, hoặc nài mái giống được. Thà là giết gà làm bổi nhậu chớ chẳng bao giờ chủ gà bằng lòng cho dời mái khỏi gốc. Một trứng nòi cũng đủ gây thành “đám giặc” nữa là. Có lần, ông Bảy, bình sanh rất điềm tĩnh, đã phải lên cơn thịnh nộ đuổi tên mài nghệ tín cẩn của ổng. Đứa tớ bất lương, chóa mắt vì tiền đành cắp của chủ một trứng gà để đổi lấy 5 đồng bạc (thuở ấy 8, 9 xu là 10 trứng thường). Và kẻ chủ mưu vụ trộm ấy phải mang trứng đến trả còn năn nỉ gần “thụt lưỡi”, câu chuyên mới dàn xếp êm. Có thế, ta mới khỏi ngạc nhiên khi thấy chủ gà chỉ lựa giữ lại vài mái thật đẹp, kỳ dư gà mái trong bầy đều bị hy-sinh để đãi khách. Tất cả gà trống được nuôi dưỡng tử tế. Chúng được nhốt riêng cẩn thận. Là vì, tuy sơ sanh, chúng vẫn sẵn “bầu máu nóng” mổ đá nhau lung tung, cũng què giò, cũng gãy cánh... như ai. Buổi đầu, cách cho ăn, uống, hệt gà thường, mãi tới 14 tháng, giai đoạn phiền toái mở màn. Lần lượt, con này rồi con kia, chúng tiếp nhau “thảo vài đường” trước cặp mắt tinh tường của lão thầy gà. Lão đem gà trận xổ với tơ . Dĩ nhiên, trong lúc tranh phuông, hai địch thủ, dầu tài sức dị đồng, không thể nhường đòn nhau được, nên để đề phòng mọi bất trắc, lão thầy bịt cựa hai con bằng lá chuối khô, quấn thật chặt, thật kỹ. Kỳ nhứt, xổ chừng một phần ba nhang (độ 10 phút). Đấy là phương pháp tuyển chọn “cữ tử”. Con nào tệ quá cho… đầu thai. Con nào “xài được” nhốt qua một bên, hầu củ soát lại. Trước khi “chịu” huấn luyện cho thuần thục để… trả nợ cỏ lúa, chúng còn “bị” coi chơn, coi cựa, coi vảy, v.v… Lão thầy tỉ mỉ đếm số vảy từ móng lên tới gốc. Chơn càng nhỏ càng tốt, còn cựa phải đóng sát thới mới đẹp; cựa cho suôn sẻ mũi hơi quớt lên, thép nhiều, mà dẻo; được cựa sáp lại quí hơn, v.v… Sau đó, lão thầy “đè” chúng gọt lông ở đầu, ở nách, ở hậu và vô nghệ ở mấy mảng da trụi lủi ấy. Nói vô nghệ tất nói mài nghệ. Tuy “công việc” không cần nhiều lao lực song nó ngán như lặt cả thùng cá bống trứng. Trong một nắp lu lật ngửa, người ta pha nửa phần nước, nửa phần rượu nếp, thêm chút phèn, chút muối, và... một đống nghệ củ; cứ cắm cổ mài hoài, mài đến chừng nước đặc sệt lại tựa bột khuấy mới thôi. Thế nên, bất kỳ giờ nào, bước vào trại cũng bắt gặp vài người mài nghệ ngủ gà, ngủ vịt. Làm cái nghề chán phèo ấy, thiết tưởng dầu uống cả tô cà phê pha đậm đặc thỉnh thoảng, mắt cũng sụp mí và đầu cũng gật như thường. Tẩm nghệ cho gà trong 24 giờ, rồi phải tắm gà, thường vào giữa trưa nắng ráo, với xác trà huế hay nước lá ổi. Dùng xác trà, xác lá chà khắp da gà cho sạch nghệ. Cứ cách 15 hôm xổ lại một lần. Sau mỗi kỳ xổ, đừng quên vô nghệ, vì theo quan niệm chung của giới nuôi gà, thoa nghệ cho săn da, và da có săn thịt mới cứng, gân mới dẻo. Trước sau tính 3 kỳ xổ, cữ nầy cách cữ kia 15 ngày; tóm lại phải một tháng rưỡi mới “luyện” xong một con. Cũng bắt từ cữ đầu tiên, mỗi sáng sớm, chừng 4 giờ, cho gà uống nước (lường 3 ống trúc) rồi quần sương nghĩa là thả lỏng; gà tự do muốn đi đâu mặc ý ( tất nhiên không ngoài vòng rào là được). Luôn luôn có người coi chừng, sợ gà nhảy rào hư cựa, hoặc gặp mái, đạp càn. Sự canh phòng chặt chẽ quá, có lần, gà trống bất đồ, đứng trân, cố rặn để lọt ra một… cái trứng nhỏ bằng trứng gà ác, ngoài có vỏ bọc đàng hoàng, song trong lại chứa một chất trắng nhờn, nhớt. Đến 7 giờ, tắm gà – 8 giờ cho ăn: lúa gút thật sạch, và phần ăn rất điều độ đong bằng ống tre. Trọn ngày cho gà uống ít lắm 7, 8 lần nước. Ba giờ chiều thả gà quần, cho tới sụp mặt trời mới nghỉ. Tối lại, bắt gà dầm cẳng: để gà đứng giữa cái vịm chứa “nước thuốc” mực nước cao chí gối gà, và “nước thuốc” gồm có nước đái, rượu, muối, phèn, thuốc rê, và một món nữa bổ ở tiệm thuốc bắc mà… lão thầy giấu nhẹm. Gà gân ra độ, sự tập luyện càng ráo riết. Mười lăm hôm trước, lão thầy đã lo nhồi gà. Lão để hai ngón tay dưới ức gà, nâng gà lên nhồi nhẹ nhẹ, thình lình lão rút vội tay, gà rơi xuống đất, nó chống cẳng, hai gối chỏi lại hầu khỏi phải té ngồi. Đấy là cách làm cho gà cứng chơn. Cũng kể từ đây phần ăn của gà được trội lên gấp bội. Ngoài số lúa hằng ngày, chúng còn được thêm, mỗi bữa 2-5 cục thịt bò sống xắt nhỏ chừng như ngón tay và một cái... hột gà sống. Gà cũng… khoái hột gà đấy chứ. Khẻ đầu hột gà bằng mút đũa, kê gần mỏ gà, nó cắm đầu nút một hơi… còn lại cái vỏ không nhẹ bỗng. Hai, ba đêm, trước kỳ “xuất chinh”, chủ nuôi trông nom gà từng li, từng tí. Nào là canh chừng gà ăn hết lúa hay bỏ dư, coi lại lông tai nó có rụng hay còn nguyên vẹn. Khuya khuya thức giấc cầm đèn rọi xem gà ngủ hay thức. Nhứt là phân gà được đặc biệt chú trọng. Lúa lộn trong phân là triệu chứng chỉ rõ gà ăn không tiêu; cũng như gà rụng lông tai, bỏ ăn, đêm không ngủ, gà ỉa cứt lúa, đều xem như gà bịnh, và như thế, không thể cho ra độ được. Sáng tinh sương, hôm ra độ, lão thầy đã có mặt tại trại gà. Lão đi quan sát một lần chót bội này đến bội kia. Lão vuốt ve, mơn trớn từng con. Và nhẹ nhàng nâng gà lên nhốt vào lồng ép ( đút đuôi gà vào lồng trước). Ngoài lồng phủ một vuông vải đỏ, e gà say mặt trời, mà cảm nắng chăng. Lão còn kiểm điểm lương thực của gà. Phải mang nước theo cho gà uống; nước mội khác có khi hại gà (bị chói nước). Cơm vắt sẳn-sàng cho gà ăn cầm hơi lúc giáp chiến. Gà cáp độ không bao giờ được ăn lúa vì lúa vốn lâu tiêu, khi hai đối thủ phân tranh, rất có thể ngọn cựa vô tình đâm nhằm bầu diều thì … (ô hô) đành khui bầu lúa. Nên thay vào bữa ăn sáng, gà chỉ uống nước… trừ. Và dụng cụ cần thiết cho nghề lão gồm có một chiếc khăn bồng nước màu đỏ, mà phi lão chẳng có ai được quyền mó tới – và một hộp thiếc đựng nào kim, chỉ, nào dao, kéo, nào khăn, miểng chén kiểu và vài món lặt vặt nữa… Xong đâu đấy, mọi người lên đường. Kẻ trước, người sau, chủ, tớ đề huề, lòng hớn hở. Chiều nay, nếu gà nhà thắng độ, thì cả trại hỉ hả, vui cười, tên mài nghệ cũng lãnh được món tiền khao thưởng. Còn trái lại, giữa hai ngụm trà nóng hổi, chủ gà cùng lão thầy nhỏ to bàn bạc… rút kinh nghiệm các trận đá ban ngày, để… chờ dịp khác. TH... ----------------------------------------------------------------------- Ghi chú (carom) *gút = ngâm (lúa). Chẳng hạn Sách-gà-chép-tay có câu "Lựa gút lúa sạch, trứng nhiều con sung" *Phần nói về gà “vô địch” ở bài này thì cụ Vương Hồng Sển gọi là “gà quý tướng” và lập lại hầu như nguyên văn trong bài “Thú chọi gà”. Ngoài ra, cụ bổ sung thêm ba loại gồm gà lưỡi rùa, gà đá nước ròng và gà ma. Sau có cụ Toan Ánh thống kê đến 27 loại gà hay trong bài Chọi gà, sách Thú vui tao nhã. *Download bản scan tại đây: It appears your Web browser is not configured to display PDF files. No worries, just click here to download the PDF file.
Thank chủ thớt, hồi trước tui đi chơi cũng gặp nhiều dạng gà độc lắm mà kg có điều kiện để lưu lại hình ảnh của chúng, tiếc thật!
thank a đã chỉnh sửa, e viết nó cứ lủng cà lủng củng sao đó^^ hihiihihiiii.... cố lên a ơi^^ kg sao đâu a, giờ bắt đầu lại cũng đâu có muộn, e giờ đi đâu cũng thủ sẵn đt để chụp hình gà hết^^ nghe nói a có 1 quyển bí kíp rất hay đúng kg^^....
Mình đâu có bí kiếp gì đâu, chỉ có mấy cuốn tạp chí kể chuyện gà và cách nuôi cổ lổ sỉ cho gà đá cựa chốt ngày xưa đó mà...