Trong bài này, chúng ta sẽ tóm lược phương pháp lai tạo truyền thống tức phương pháp lai tạo gà nòi, gà đòn mà dân gian vẫn áp dụng trong hàng trăm năm qua. Công thức lai tạo: MÁI BỔN x TRỐNG HAY Mái bổn *Mái bổn là mái có những đặc điểm mà chúng ta mong muốn lưu truyền cho đời sau, chẳng hạn gan lỳ, lối đá… *Để tạo mái bổn từ mái nòi rặt, chúng ta vẫn áp dụng công thức trên, kết hợp với việc tuyển chọn qua nhiều đời, thường từ 3 đến 4 đời. Nếu đời sau cùng gà trống đá hay thì gà mái cùng bầy được tuyển làm mái bổn. *Một khi đã có mái bổn, vẫn áp dụng công thức trên để tạo gà đá trường. Thường mái bổn được giữ xài trong 4-5 năm. *Khi lứa mái bổn này đã già, trong các bầy con, lứa nào đá xuất sắc nhất thì gà mái cùng bầy sẽ được giữ lại làm mái bổn mới. Lứa mái này tuy vẫn giữ được những nét cơ bản của lứa mái cũ, nhưng dẫu sao vẫn có đôi chút khác biệt. Nếu lọc lựa không cẩn thận thì qua nhiều đời, sự khác biệt sẽ càng tăng đi đến chỗ… mất bổn. Mất bổn ở đây có hai nghĩa: suy giảm chất lượng hoặc mất đi lối đá cũ. Đây là điều vẫn xảy ra trên thực tế. *Một nhà lai tạo có thể giữ nhiều bổn mái được tuyển lựa từ các vùng khác nhau. Trống hay *Trống hay là trống ăn nhiều độ, hoặc có lối đá xuất sắc, hoặc có khi là gà tơ chưa đá độ nhưng xuất phát từ một bổn rất hay. Đương nhiên các đặc điểm về hình thể và vi vảy cũng được xét đến. *Trống hay cũng có khi là trống có những đặc điểm mà nhà lai tạo thấy phù hợp với bổn mái của mình, chẳng hạn như lối đá. Có người kiên trì sưu tầm trong nhiều đời những con trống hay có cùng một lối đá. *Trống không được phép cận huyết với mái bổn. Thường thì nhà lai tạo sẽ kiếm từ nơi khác, xa địa phương để tránh cận huyết. Có gì mọi người bổ sung thêm nha! ================================ Sưu tầm tài liệu bàn về vấn đề lai tạo gà nòi: Trích sách "Phong lưu cũ mới" của Vương Hồng Sển: Trích sách "Kinh nghiệm nuôi gà nòi" của Việt Chương - Nguyễn Việt Tiến: Trích sách "Cách chọn gà đá" của Vũ Hồng Anh:
Kenny Troiano đưa ra một mô hình lai tạo như sau: lai tạo – tuyển chọn – thanh lọc. Nếu làm tốt cả ba phần thì chiến kê sẽ đạt cả về hình lông lẫn lối đá. Bấy lâu nay chúng ta vẫn nhìn nhận vấn đề lai tạo một cách phiến diện là “phương pháp cản gà” nên thường xem nhẹ hoặc tách riêng các vấn đề tuyển chọn và thanh lọc. Về mặt này tuy có nhiều sách vở đề cập nhưng cuốn “Thú nuôi gà nòi” của tác giả Nguyễn Tú là chi tiết và bài bản hơn cả. Xin được trích dẫn dưới đây: Thông thường người ta lựa gà con thành ba đợt như sau: - Đợt đầu: Lúc gà được hai tháng tuổi. - Đợt hai: Lúc gà được bảy tháng tuổi. - Đợt ba: Lúc gà được chín tháng tuổi. Và đây là đợt cuối cùng. Một là nuôi luôn, hai là loại ra ăn thịt. Lựa đợt đầu: Gà nòi được hai tháng tuổi, thân mình bằng nắm tay, vảy chân đã nổi rõ. Đợt này ta chỉ coi sơ vóc dáng, con nào mạnh khỏe, sởn sơ, thân hình cao lớn, ta nên làm dấu chọn riêng để hàng ngày theo dõi. Ngay đợt đầu này, ta chú ý coi rõ vảy đóng ở chân. Gà lớn con, sởn sơ mạnh khỏe là một chuyện, nhưng nếu vảy xấu như: CÁN TRÊN, CÁN DƯỚI, XỔ CHẬU, TÁM VẢY, KHAI HẬU, NÁT HẬU, DẶM NGOẠI, VẢY ĐẬU ĐẦU, BỂ BIÊN, KHAI VUÔNG TÁM VẢY, SỔ NGOẠI, SỔ NỘI, GỐI NÁT… thì phải loại bỏ ngay đợt đầu. Chỉ gà nào có vảy tốt sau này mới chọn lại: HAI HÀNG TRƠN, VẢY VẤN SÁO, DÂU SĂN, VẢY QUI, ÁN THIÊN, ÁN VÂN, ĐẠI GIÁP NGOẠI, TAM TÀI VẤN KHÂU, ÁN TÂM, KHAI DƯƠNG, PHỦ ĐỊA, NGUYỆT SA, HÀM LONG, ĐỘC ĐAO, XUYÊN ĐAO, YẾM TÂM, HOA THỊ, NGHỊCH LÂN, NGƯ KHẨU, HỔ ĐẦU, HUYỀN CHÂM, KIM GÚT, CÚC BỒN, NHẬT THẦN… Gà nào chỉ cần có một hay hai vảy trên đây là gà dữ, ta cần chú ý săn sóc riêng. (Xin xem hình vẽ hướng dẫn cụ thể từng vảy một ở phần kế tiếp) Lựa đợt hai: Gà nòi được bảy tháng tuổi, xương cốt đã cứng cáp, dáng đi ra vẻ “trai mười bảy bẻ gãy sừng trâu” rồi. Ở tuổi này gà đã gáy khá rõ. Gà đã biết gãy là gà bắt đầu sung, đã biết ve mái, đã háu đá như ngựa con mới lớn. Ta bắt chúng nhốt lại để kiểm soát đợt hai. Xin nhắc lại đây là những con gà có vảy tốt mà ta đã ưng ý trong kỳ lựa đợt một. Trong đợt này, ta chỉ rà soát lại các phần : - Sức khỏe toàn diện: Xem mấy tháng qua có bệnh tật gì không. Nếu có thì liệu có ảnh hưởng về lâu về dài không. Các phần về ngoại hình (xem phần trước). Nên chọn thật kỹ, chẳng hạn nếu cổ lườn vẹo… thì cũng loại bỏ, không từ. Gà nào thật sự hoàn hảo về ngoại hình mới được giữ lại mà thôi. - Rà soát lại chân gà: Xem mấy tháng qua gà có bị dị tật gì không. Coi kỹ lại các vảy tốt xấu ra sao, vì sợt đợt đầu mình quá chủ quan nên coi lộn. Mọi việc nếu được hoàn toàn ưng ý, thì ta cho gà xổ thử để xem võ nghệ ra sao. Xổ xong thì "lắc tích" liền. Trong lần xổ thử này, ta nên xổ với con gà khác bầy, nhưng cùng trang lứa với nó, tuyệt đối không xổ với gà đã thắng trận, vì như vậy, gà mới “ra trận” lần đầu có thể bị “bể” nghĩa là bị đòn đau mà chạy mặt luôn. Nếu gặp trường hợp này thì đừng trách gà mà chính nên trách mình. Vì ai lại đem một võ sinh ra đấu chí tử với một võ sư nhiều trận mạc? Và tất nhiên, điều ai cũng biết, là gà đòn xổ với gà đòn; gà cựa xổ với gà cựa. Gà đòn bảy tháng tuổi thì chưa lú cựa. Nhưng gà cựa vào tuổi này, có con mau cựa đã có đôi đoản đao dễ nể rồi. Xổ gà cựa, ta phải dùng lá chuối khô và giẻ rách bịt cựa lại để khi xổ không gà nào bị thương tích. Gà mới xổ thử lần đầu tránh né chậm chạp, ra đòn lúng túng, nhưng ta cũng cho nó xổ mười lăm phút để dò xem cuối cùng nó sẽ ló ra “miếng” gì hay. Thông thường, khi đau đòn, khi mê trận, những sở trường, sở đoản có bao nhiêu gà tung ra hết. Do đó, người lựa gà phải đặt mình vào địa vị ông giám khảo khó tính để đánh giá đúng tài cao thấp của thí sinh. Có những con gà ngay phút đầu đã ra đòn độc, nhưng có con mãi đến phút cuối mới ló nòi cho thiên hạ biết mình cũng dữ không ai bằng. “Tuyệt chiêu” ra trước hạ ngay địch thủ có thể là thần kê, “độc chiêu” ra sau mà thắng chính là con gà dữ. Tuy nhiên, xem gà xổ thử đợt đầu cũng chưa nên đặt trọn tin tưởng vào tài năng của nó vội. Ta cứ theo dõi để chờ thử đợt sau. Bây giờ, xổ xong thì lo việc “lắc tích” cho gà. Con gà mà có tích lòng thòng hai bên mép tai thì đẹp đâu không thấy, chỉ gây đại họa cho nó. Khi đá, nếu địch thủ cắn được miếng tích làm điểm tựa để tung đòn thì có thể bị gãy cần cổ, hoặc khai luôn… vựa lúa (Đâm thủng bầu diều)! Gà mới xổ xong thì mệt mỏi, thân thể rã rời, mặt mày ê ẩm, cho nên được lắc tích ngay thì nó sẽ không cảm thấy đau đớn nhiều. Nó không đau thì ít vùng vẫy, nhờ đó mà máu chảy không nhiều, bớt hại sức. Việc lắc tích phải có hai người: Một người ôm chặt gà và giữ đầu gà cho chặt. Người kia lo việc phẫu thuật. Dụng cụ là một lưỡi dao cạo bén ngót và một chén nhỏ đựng dầu hôi trộn với muối và một nhúm bồ hóng, hoặc lọ nghẹ cạo dưới đáy nồi. Có người cẩn thận, muốn vết thương mau lành thì dùng kim chỉ để may. Trước tiên, người ta cầm tích con gà vò mạnh bằng hai đầu ngón tay một lúc cho máu vùng đó tan đi, da thịt gà tê tái đi. Sau đó dùng lưỡi lam cắt bỏ miếng tích thừa đó đi. Chỗ cắt được bôi ngay hỗn hợp dầu hôi, lọ nghẹ và muối để cầm máu. Nếu ai cẩn thận muốn may vài mũi cho vết thương mau lành thì cắt tích xong là may ngay, sau đó mới xức đồ cầm máu. Con gà được lắc tích xong, mặt mày trông gọn gàng nhẹ nhõm. Ta nên nhốt gà vào nơi yên tĩnh, cho ăn uống no đủ. Người xưa đã bảo: “Chó lành da, gà lành xương”, chỉ độ nửa tháng là vết thương lành lặn như cũ, nhưng phải vài tháng sau mới có thể xổ lần hai. Xổ sớm, da non chưa lành hẳn, vết mổ cũ có thể chảy máu trở lại. Lựa đợt ba: Lựa gà đợt ba là lựa gà lần cuối cùng. Lần này vẫn quan sát lại phần ngoại hình, và sau đó là xổ thử lần hai. Đợt ba tiến hành sau đợt hai chừng hai tháng, khi gà đã thật sự lành tích. Trong đợt xổ gà lần này, ta nên thử sức gà tơ với gà đã thắng trận để xem tài nghệ nó đã tiến bộ đến đâu. Nếu con gà đã đá đòn có triển vọng thì ta nên tuyển nuôi luôn, ngược lại nếu quá tồi thì nên loại bỏ. Được biết, gà có nhiều thế đá rất độc, nếu trúng vào chỗ hiểm thì có thể kết liễu ngay đời địch thủ. Đó là những đòn sát thủ mà những con gà linh hoặc gà thiệt dữ mới thực hiện được. Thường những đòn độc là những đòn: - Sỏ: Cắn dính vào mồng của địch thủ để lấy điểm tựa rồi tung đòn tống vào cần cổ, có thể làm sái cần cổ “trật khớp xương cổ” khiến địch thủ lăn quay, hoặc chịu không thấu nên bỏ chạy. Với cựa thì đòn sỏ là đòn vừa đá vào cổ, vừa đâm vào họng hoặc bầu diều. - Mé: Đá thốc vào mang tai, vào mặt, khiến gà địch thủ bể mày bể mặt hoặc đui mắt. Gà cựa mà giỏi đòn mé thì đó là thiệt dữ, kết thúc chiến trận nhanh. - Xạ: Bất thình lình tung đòn vào gà địch, đòn này thường nhắm vào cần cổ và mặt, nếu hai chân cùng trúng một chỗ thì chẳng khác nào búa tạ giáng vào! Đó là vì gà khi xạ thì đá song phi. Đòn này có nơi gọi là “quăng”. - Song phi: Hai chân bung lên một lần vài ba hiệp liên tiếp. Với gà ghim khít thì đòn song phi rất lợi hại. - Hồi mã thương: Đang đá giữa chừng, giả bộ thua, hoặc là bị đòn đau thua thật, nhưng chạy một vòng cho địch rượt đuổi bất thần tỉnh táo quay lại tung một đòn trí mạng khiến gà địch chạy dài… Gà mà có đòn thế “hồi mã thương” là loại linh kê khó kiếm. - Dĩa: Có nơi gọi là Vỉa. Khi mệt, biết chui vào nách người ta để né đòn, bỗng bất thần ngóc đầu lên phía nách cắn vào cần cổ để làm điểm tựa rồi đá thốc lên. Người ta gọi là đòn dĩa (hay vô dĩa) vì hai con gà cứ xoay vòng vòng theo hình tròn dĩa, con thì cố tránh không cho gà địch cắn vào cổ còn con kia thì cố xoay trở để cắn vào cổ để đá cho bằng được. Hai con cứ thế mà xoay vòng vòng. Với gà đòn thì “đòn dĩa” sẽ làm cho địch thủ tức ngực hoặc gãy cánh. Với gà cựa thì “đòn dĩa” sẽ là dịp đâm thốc cựa vào bầu diều hay tim phổi. Đây là đòn độc hiểm… Có những con gà chỉ đá đòn gió, đá nghe rẹt rẹt nhưng không trúng gà người, hoặc chỉ đá vào vai chưa đủ đô cho người ta ê ẩm, hay cất cẳng không muốn lên… thì còn cách rô ti, nuôi làm gì vô ích! …… Bây giờ trở lại vấn đề lựa gà. Khi đã ưng ý với thế đá độc hiểm của gà, nhất là sau khi đã lựa chọn kỹ càng về phần ngoại hình, thì con gà đó phải được nuôi riêng. - Nuôi riêng để cho ăn uống đúng mức theo tiêu chuẩn một con gà đá. Tức là nước thì có thường xuyên, nhưng lúa thì ăn đúng bữa, sau bữa thì cất đi, có như vậy gà mới chịu ăn no. - Nuôi riêng để gà khỏi đá lộn lung tung với gà khác. - Nuôi riêng để gà không đạp mái, hại gà. Con gà đá không ai cho đạp mái, như vậy nó mới sung. Con gà sung thì miệng lúc nào cũng túc mái, gặp người lại gần thì ra điệu như ve mái, mặt lắc lắc có vẻ lấc cấc làm tàng. Nhiều khi lại xệ cánh múa một vòng ra chiều như muốn “phủ mái” vậy. Tiện đây cũng nên nói thêm là gà trống được hai năm tuổi đạp mái thì gà con mới dễ nuôi. Trống tơ cản mái không ra gì! Có thể dùng gượng ép: Trống tơ cản mái già! Gà trống phải trên một năm tuổi mới đá được.
Nguyễn Tú với Việt Chương là 1 đó anh, toàn lấy bài viết về thú chơi gà chọi của cố học giả Vương Hồng Sển.
Không hiểu sao những cuốn sách "luộc" đủ mọi thể loại đều để tên mấy tác giả này. Mình nghĩ không phải là người thật mà do nhà xuất bản dựng lên. Nhưng đoạn trích dẫn ở trên rất hay, mình chưa tìm thấy ở cuốn sách gà nào khác. Nếu bạn thấy thì nhắc mình để đổi lại tên tác giả. Gần đây cũng có vài ba cuốn sách gà dạng "luộc" nhưng để tên tác giả khác.
Lúc nhỏ em toàn mua mấy cuốn này không đó anh, tìm đủ mọi cách để mua 6 cuốn thì nội dung của nó cứ như vậy.Sau lên Sài Gòn vô tình đọc được cuốn Phong Lưu Cũ Mới của Vương Hồng Sển thì mới biết. Cuốn này giờ không thấy xuất bản lại chắc mua tiệm sách cũ thì may ra có.Thấy anh trích bài của Vương Hồng Sển ở trên tưởng anh có đọc hết cuốn đó rồi.
Ai cũng đọc được hết vì bài có sẵn trên diễn đàn: http://www.diendancacanh.com/forum/showthread.php/88173