Về tên khoa học của lia thia mang đỏ Betta siamorientalis trở nên thông dụng vài năm gần đây trong giới betta hoang dã, một số bạn bắt đầu áp dụng tên này cho cá lia thia mang đỏ. Việc điều chỉnh của chúng tôi trên diễn đàn dựa vào thông tin rằng, có một nhà khoa học khảo sát các quần thể lia thia mang đỏ ở Việt Nam (2017) và xác định là Betta siamorientalis. Nhưng chúng tôi không thể tìm ra tài liệu nào liên quan đến sự kiện này. Để bổ sung vào thông tin trên, chúng tôi tìm kiếm những nguồn liên quan đến tên khoa học của cá mang đỏ Việt Nam. Nguồn đầu tiên là Betta cf. imbellis “Vietnam Black“ – ein neu er Kampffisch aus Vietnam. – Aqualog News, 88: 14 (Frank Schäfer, 2009). https://www.aqualog.de/blog/betta-siamorientalis-ein-huebscher-kampffisch-aus-vietnam/ https://www.aquariumglaser.de/en/fish-archives/betta_siamorientalis_en/ Hình của “Vietnam black” cho thấy đó là con lia thia mang đỏ. Phần ghi chú bổ sung nói rằng “loài này được mô tả khoa học vào 2013 dưới tên Betta siamorientalis”. Mô tả khoa học mà ông đề cập chính là Betta siamorientalis, a new species of bubble-nest building fighting fish (Teleostei: Osphronemidae) from eastern Thailand (Kowasupat, Panijpan, Ruenwongsa & Jeenthong, 2012). Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem tài liệu nói gì? “Loài cá này được gọi là ‘black imbellis’ với những ai quen thuộc nhờ màu đen trên nắp mang và thân đen nổi bật. Black imbellis có ngoại hình hoàn toàn tương đồng với cá được bắt từ Seam Reap, Cambodia bởi Kühne (2008), người đặt tên cho nó là Betta cf. imbellis, và tương tự với Betta sp. ở làng Priay Khmang bởi LinKe (2009). Schäfer (2009) cũng nhận được một số cá từ Việt Nam và xác định như là Betta cf. stiktos dựa trên những mẫu vật bảo quản của loài này. Tuy nhiên, so sánh sau này với những cá thể hoang dã sống từ địa bàn chuẩn, ông bèn đổi tên thành Betta cf. imbellis và gọi nó là Vietnam black dựa trên sự thiếu vắng vảy ánh kim blue/green trên thân đen”. “Betta imbellis (lia thia mang xanh) được đánh bắt từ mười ba tỉnh miền nam Thái Lan, một tỉnh ở Malaysia (địa bàn chuẩn), và một tỉnh ở Việt Nam”. “Những báo cáo phát hiện về cá ở Cambodia (Kühne, 2008; Linke, 2009) và Việt Nam (Schäfer, 2009) gợi ý rằng loài hiện đang cư ngụ tại những vùng nhất định ở miền đông Thái Lan qua nhiều vùng ở Cambodia vốn kết nối với miền nam Việt Nam. Tuy nhiên, Betta imbellis vốn rất giống với B. siamorientalis, được phát hiện ở các tỉnh cực nam bán đảo Thái Lan đến vùng thượng của bán đảo Malaysia. Với nỗ lực mô tả sự tương đồng, bằng chứng cổ địa lý (palaeogeographical) được vận dụng ở đây. Vào thời kỳ băng hà gần nhất với mực nước biển hạ thấp, vùng đất phía nam bán đảo Thái Lan được tin là nối liền, cùng hệ thống sông ngòi, với miền đông Thái Lan, miền nam Cambodia và Việt Nam”. Lời bàn: Nội dung bản mô tả của Betta siamorientalis ám chỉ mạnh mẽ rằng loài này phân bố từ đông Thái Lan, qua Cambodia đến nam Việt Nam. Nhưng các mẫu vật (holotype và paratypes) dùng trong nghiên cứu đều được thu thập tại Thái Lan và một làng ở Cambodia, không mẫu vật black imbellis (lia thia mang đỏ) nào ở Việt Nam được xét đến. Có hai điều lạ, thứ nhất, trong khi các tác giả kiếm được mẫu vật Betta imbellis (lia thia mang xanh) ở một tỉnh Việt Nam để so sánh mà bỏ qua lia thia mang đỏ vốn cũng rất phổ biến! Thứ nhì, tên khoa học được gắn chữ “siam” nghĩa là “Xiêm” trong khi các tác giả đã biết loài này phân bố ở cả ba nước. Đúng ra phải đặt là Betta Vờ-Cờ-Tờ (tức Việt-Cam-Thái, thật là “Vãi Cả Tên”). Về điểm này, người Việt tỏ ra khá dễ thương và có phần ưu ái bạn láng giềng, chẳng hạn “gà tre Thái” thực ra là “Chabo”, gà tre Nhật. Thứ gì mua từ Thái đều kèm chữ Thái vào tuốt luốt, sen Thái, súng Thái, ấu Thái, chó Thái, bất kể nguồn gốc thực sự. Thậm chí cả “hạt dẻ Thái” nữa, vốn được nhập thẳng từ Trung Quốc! Tóm lại, về mặt chính thức chúng tôi chưa thể chứng minh lia thia mang đỏ là Betta siamorientalis (cho đến khi nào nghiên cứu về cá lia thia Việt Nam được dẫn nguồn). Nhưng mọi thông tin đều ám chỉ điều đó một cách mạnh mẽ. Nếu kỹ lưỡng, các bạn có thể gọi là Betta cf. siamorientalis hay Betta aff. siamorientalis nếu ám chỉ mạnh mẽ hơn. (Thực ra cá lia thia mang xanh cũng vậy, nếu gọi một cách nghiêm túc, nó là Betta cf. imbellis). Cho đến khi có thông tin mới hơn… https://www.aquariumglaser.de/en/fish-archives/betta_mahachaiensis_and_betta_siamorientalis_en/ Cá mang đỏ nhập từ Việt Nam vào 2013 (mà hồi đó tác giả gọi là Betta cf. imbellis black Vietnam) ======================== Nhóm Splendens Stiktos – Báu Vật Dòng Srepok Về tên khoa học của lia thia mang đỏ
Nhát là vấn đề lớn ở cá hoang dã, nhất là mang xanh (B. imbellis), mang đỏ (B. splendens) và B. smaragdina. Mahachai dường như dạn dĩ hơn một chút còn B. splendens thì rất ổn, có con thậm chí dạn như cá đá thuần dưỡng (cá Xiêm). Dòng mới alien nghe mọi người nói cũng rất dạn dĩ. Bạn có thể chọn những dòng dạn dĩ để chơi. Lên keo lâu ngày cá cũng dạn dĩ hơn nhưng theo kinh nghiệm của mình, việc này không cải thiện đáng kể vì bản chất nhút nhát vẫn còn đó. Việc châm ghép (infusion) 1/4 hay 1/8 máu cá Xiêm và tuyển chọn theo kiểu hình hoang dã (lai biệt dạng) cũng giúp cá dạn dĩ phần nào và nếu lai tạo lâu dài có bài bản thì dòng cá chắc chắn sẽ dạn dĩ hơn.
CẬP NHẬT MỚI VỀ BETTA SIAMORIENTALIS & BETTA SPLENDENS Theo Fishes Of The Indochinese Mekong (Nagao Natural Environment Foundation; Tokyo, Japan, 2021): Betta siamorientalis, loài mới được mô tả gần đây thuộc nhóm Betta splendens ở đông nam Thái Lan và Cambodia bởi Kowasupat và đồng sự (2012), có lẽ giống hệt với loài này [tức Betta splendens]. Tuy nhiên, Betta siamorientalis được phân biệt với Betta splendens dựa trên mô tả gốc. Kowasupat và đồng sự (2012: 390) lưu ý rằng B. siamorientalis có thân từ nâu sẫm đến đen, trong khi ở B. splendens là từ đỏ-nâu đến đen; đây dường như là đặc điểm phân biệt duy nhất giữa hai loài mà họ đưa vào “ghi chú so sánh” của mình. Trong phần thảo luận, họ cũng lưu ý “dẫu vậy, phân tích thống kê [hình thái] của chúng tôi phát hiện độ rộng gốc đuôi ở B. siamorientalis cao một cách đáng kể so với B. splendens”, nhưng dữ liệu mà họ cung cấp lại hầu như trùng khớp (chẳng hạn, độ rộng gốc đuôi 14.8 – 21.8% SL ở B. siamorientalis so với 13.9 – 21.3% SL ở B. splendens) [SL hay Standard Length là độ dài chuẩn từ chóp miệng đến gốc đuôi]. Kowasupat và đồng sự (2012: 395) tuyên bố rằng kết luận của họ cũng được hỗ trợ bởi “kết quả DNA barcoding (đang sửa soạn)”. Trước khi những bằng chứng vững chắc hơn được công bố, chúng ta sẽ xem loài cá này [tức Betta siamorientalis] như là B. splendens, theo khóa nhận dạng nhóm B. splendens của Tan & Ng (2005: 49). Thảo luận 1) Người Nhật đã lên tiếng: đến nay chỉ có một loài duy nhất là Betta splendens! Tên khoa học của lia thia mang đỏ được tái điều chỉnh thành Betta splendens. 2) Kể từ khi được mô tả (2012) cho đến nay (2024), nhóm tác giả vẫn chưa cung cấp bằng chứng “vững chắc” (DNA barcoding) cho loài mới Betta siamorientalis như đã hứa. 3) Về khía cạnh tên khoa học, người chơi cá betta dường như rất nhanh nhạy, cập nhật kịp thời thông tin từ giới khoa học. Bởi vậy, chúng tôi đề nghị không gán ghép Betta siamorientalis hay tệ hơn là “Siamo” với cá mang đỏ. Chúng tôi cũng cập nhật và chỉnh sửa tài liệu của mình trên diễn đàn. Cho đến khi có những thông tin mới hơn… 4) Theo suy đoán của chúng tôi, nền đỏ-nâu ở Betta splendens (mà nhóm tác giả Thái mô tả) là đặc điểm lai tạp từ betta thuần dưỡng. Nó thường đi kèm với hiện tượng nhiễm đỏ ở vây bụng và chóp vây lưng, và mất ánh kim thân. Khi nhìn thấy Betta splendens hoang dã đích thực, vốn nền đen, họ bèn liên tưởng đến một loài mới (Betta siamorientalis)!