Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Rồng xanh huyền thoại (Dragon - Phần 1)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 7/2/20.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Rồng xanh huyền thoại (Dragon - Phần 1)

    Các bạn thân mến, đã bao năm rồi chúng ta thấy bối rối và không có lời giải thích thỏa đáng cho các thể loại màu ở cá betta rồng. Con rồng đỏ gốc luôn được hiểu là màu nền (thịt) đỏ, bên trên phủ một lớp trắng gọi là “vảy rồng”. Vảy rồng dày hơn hẳn những loại vảy mà chúng ta từng biết và người ta quy nó cho một yếu tố di truyền chưa biết là “dragon factor”.

    Cách hiểu này không thể lý giải cho đủ loại biến thể betta rồng xuất hiện về sau, chẳng hạn rồng đỏ - ánh bluerồng đỏ - ánh turquoise. Và nổi tiếng hơn cả là, tại sao không có con rồng xanh (màu nền blue/green – vảy trắng) đúng nghĩa nào? (1)

    [​IMG]
    Blue Dragon tưởng tượng (Betta Territory).

    Chỉ biết cá rồng rất thịnh hành và nhiều trại tập trung lai tạo thể loại này. Rồi có một lỗi tật phổ biến xuất hiện ở cá rồng là u lành, mọc ở vị trí bất kỳ trên thân/vây. Một số con có u lành mọc trên đỉnh đầu gọi là “flowerhorn betta” (Betta La Hán). Theo nhận định, loại u bướu này không phải là bệnh mà chẳng qua là sự tăng sinh của tế bào chất và ảnh hưởng đến thẩm mỹ của cá. Nếu bạn cắt hay dùng tay gãi cho bật u ra thì nó có thể mọc lại sau một thời gian. Gần đây một thành viên Betta Breeders United (Rachel Benson) đăng hình và clip giải phẫu cho thấy dịch đen óng ánh (guanine và hắc tố) tiết ra từ đó (2). Lưu ý phân biệt u lành với u bệnh (lymph) gây ra bởi virus vốn thường nhiều và lan rộng.

    Cũng tại một trong những trại betta như vậy, một sư phụ (guppies osin/Quang Sơn Lê) đã nhận định như sau: betta rồng có lẫn máu Opaque! Nếu bạn từng ở đó vào những ngày đầu chơi cá betta, hẳn bạn rất háo hức với cá Opaque và những vấn đề liên quan đến nó. Bản chất của Opaque là sự tích hợp hay đào thải guanine lên bề mặt vảy thay vì qua gan/thận. Cá có lý do để làm vậy bởi nó sẽ tiết kiệm được nhiều năng lượng (3). Ở một số cá thể, việc tích hợp guanine bị mất kiểm soát, lên đến cả mắt. Bởi vậy, cá Opaque/Platinum già thường bị giảm hoặc mất hẳn thị lực, mắt kéo màng trắng tinh! Hiện tượng nổi u bướu về bản chất là sự mất kiểm soát ở mức độ cao hơn nữa và nó cũng xuất hiện từ hồi đó nhưng chưa nhiều (horn betta). Hiện chúng ta vẫn chưa hiểu tường tận cơ chế của nó nhưng có lẽ liên quan đến di truyền thay vì thức ăn và môi trường. Gien lỗi tật “mất kiểm soát tích nạp guanine” là gien liên kết (linked gene) gắn liền với yếu tố Opaque, dẫu có báo cáo của người chơi rằng cá Opaque của họ không bị hiện tượng kéo màng ở mắt (4).

    [​IMG]
    Một con Copper Dragon với "bột phấn" lan hết một bên mắt.

    Còn nếu nhìn vào màu sắc cá betta rồng qua lăng kính Opaque thì… Eureka! Mọi thứ đều sáng tỏ. Có ba loại Opaque: Opaque blue, Opaque green và Opaque steel hay trắng (5). Con rồng đỏ gốc chính là con cá nhị sắc vây đỏ/thân steel + Opaque nên vảy hóa trắng, “dragon factor” chính là “mahachai factor” khiến lớp ánh kim dày hơn. Một số rồng đỏ "chân phương" đời đầu có bộ vảy giống hệt mahachai với viền vảy tách bạch! Ngày nay chúng ta cũng thấy hiệu ứng vảy dày tương tự ở cá Alien vốn chứa “stiktos factor”.

    Bất kỳ biến thể màu nào của cá betta rồng đều có thể được giải thích thỏa đáng theo cách này. Hãy quay lại ví dụ rồng vây xanh/vảy trắng nổi tiếng mà ai cũng biết. Bởi không bao giờ tồn tại con cá nhị sắc vây blue-green/thân steel nên sẽ không bao giờ có con cá rồng xanh “huyền thoại” vây blue-green/vảy trắng (tức thân steel + Opaque) nào. Đấy là vì vấn đề di truyền, một con cá không thể vừa blue (hay green) mà vừa steel; các yếu tố phủ định lẫn nhau (chỉ gien “nhảy” Marble mới cho phép điều đó). Cá thể với màu như vậy có thể tình cờ té ra ở bầy rồng xanh gốc Marble (màu thân “nhảy” qua steel và với yếu tố Opaque nó sẽ thể hiện màu trắng) nhưng không ổn định vì gien Marble có thể “nhảy nhót” bất kỳ lúc nào và tính trạng là không thể di truyền. Sau này có dòng rồng Marble tương đối ổn định (dường như bắt nguồn từ Tatee) thường té ra một số cá thể gọi là Blue Rim (6), tiệm cận với định nghĩa về rồng xanh, có thể lai tạo theo hướng viền xanh lan rộng toàn mặt vây không? Đến nay chưa có ai làm được!

    [​IMG]
    Blue-Rim Marble (Tatee)

    Vâng, betta rồng mang yếu tố Opaque là điều chưa từng được thừa nhận hoặc phát hiện trước đây. Nhưng các bằng chứng về màu sắc và lỗi tật đều ủng hộ cho điều đó. Nếu vậy, đây có lẽ là tin vui cho các bạn muốn làm dòng Opaque. Hãy cản rồng đỏ hay rồng đen về vàng/cam (loại bỏ nền đen), rồi steel hay copper (ánh kim lan ra vây) cho đến khi rồng trắng hay Platinum xuất hiện, cứ tiếp tục cản để loại "mahachai factor" và gien + rồi bạn sẽ thấy Opaque!

    Còn với những ai đã từng “trăn trở” rằng betta rồng là gì, hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn được khuây khỏa phần nào.

    Tham khảo
    (1) “Dragon” – Một thời đại mới trong thế giới betta “lấp-lánh”! (Victoria Parnell-Stark và Joep van Esch)
    (2) Breaking open a tumor (Rachel Benson, Betta Breeders United facebook group)
    (3) More On The Opaque Factor: Where It Stands Now (Gene A. Lucas, FLARE, Jan/Feb 1977)
    (4) Working with Opaque Whites (Steve Saunders, FLARE, unkown date)
    (5) White Opaque (Victoria Parnell)
    (6) Tatee Blue-Rim Marble collection

    ========================


    Đi tìm Opaque (Dragon - Phần 2)
    Dragon betta là gì? (Dragon - Phần 3)
    Thử nghiệm xa hơn (Dragon - Phần 4)
    Dragon Mahachai (Dragon - Phần 5)
    Shades of Dragon (Dragon - Phần 6)
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/5/23
    lucson52 thích bài này.

Chia sẻ trang này