Vài suy nghĩ về cá đuôi nhót (spadetail) Từ lâu, đuôi nhót (spadetail) đôi khi xuất hiện ở betta cảnh nhưng mọi người không mấy lưu tâm, nhất là trong giai đoạn cực thịnh của Halfmoon và sau đó là Halfmoon Plakat, khi dạng đuôi D và phân nhánh tia vây từ 4 trở lên là ưu tiên hàng đầu. Nhưng người Thái vẫn kiên trì với thú chơi cá hoang của mình và cũng từ đây mà chúng ta thấy nhiều cá thể với dạng đuôi spadetail xuất hiện. Cá hoang có một nhược điểm lớn là quá nhút nhát nhưng vẻ đẹp của chúng là không thể chối cãi và vẫn có một thị trường của riêng mình. Gần đây, có một nỗ lực chuẩn hóa cá hoang qua một ấn bản bằng tiếng Thái, trong đó, các loài Betta splendens, Betta mahachaiensis và Betta smaragdina gồm hai dạng đuôi, đuôi nhót và đuôi tròn; các loài Betta splendens (mang đỏ) và Betta imbellis (mang xanh) chỉ có dạng đuôi tròn. Điều ám chỉ rằng đột biến spadetail xảy ra ở ba loài trên ngoài tự nhiên??? Về nguồn gốc, có ý kiến cho rằng spadetail bắt nguồn từ cá đuôi voan (veiltail), dựa trên một thực tế rằng, đuôi nhót thường té ra từ veiltail. Ngày nay, veiltail rất hiếm nên chúng ta có thể quan sát hiện tượng này ở cá chọi Nghi Tàm, dòng cá Xiêm đuôi dài (mà đuôi voan cũng bắt nguồn từ đó) được đặc biệt lai tạo để chọi theo kiểu cối xoáy. Dòng chọi này thường té ra những cá thể đuôi có chóp nhọn (spadetail) gọi là “đuôi nhót”. Mặt khác, tần suất, số lượng và mức độ đuôi nhót ở cá hoang ngày nay là vượt trội so với cá thuần dưỡng. Thậm chí có cả những clip xúc cá hoang đuôi nhót. Vậy đặc điểm đuôi nhót bắt nguồn từ đâu, cá hoang hay đuôi dài? Chúng tôi đã lai tạo và theo dõi đặc điểm này một thời gian, ở cả Nghi Tàm lẫn cá nhập của Thái và ngả về quan điểm rằng đặc điểm đuôi nhót bắt nguồn từ cá cảnh đuôi dài! Có hai nguyên nhân dẫn đến kết luận này: a) Trong những ngày chơi cá dấu yêu xa xưa ấy, khi mà đuôi nhót thường té ra từ cá cảnh thì chúng tôi chẳng thấy con cá hoang đuôi nhót nào cả, khác hẳn ngày nay khi người ta “xúc” được cả “royal blue” lẫn “đuôi nhót”, bạn xúc được con cá ở cái rạch nào đó không có nghĩa nó thuần chủng hoặc là loài bản địa; b) Trong nhiều trường hợp, nhất là với chóp nhọn rõ rệt như lá bồ đề, chóp (tia vây) tiếp tục dài ra khi cá già đi đến mức cấu trúc hòa hợp ban đầu bị phá vỡ, trở nên tù, một dấu hiệu của gien đuôi dài, đuôi chóp dường như là đặc điểm kém bền vững. Cá Nghi Tàm đuôi nhót (Ảnh Dương Mạnh Cường - HBC) Về di truyền, hiện chưa có nghiên cứu hay kết luận chính thức nào về di truyền của tính trạng spadetail. Chỉ biết rằng cá mái không thể hiện kiểu hình đuôi nhót dẫu vẫn di truyền gien này. Một vài bầy lai tạo gần đây đưa đến kết luận sơ bộ rằng spadetail là tính trạng trội bất toàn (incomplete dominance), tức kiểu hình thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, tương tự như đặc điểm đuôi tưa (crowntail). Để củng cố tính trạng đuôi chóp, nhà lai tạo cần hướng đến dạng đồng hợp (homozygous) nhưng điều này là khó khăn bởi tình trạng cá mái như đã nói. Tương tự như ở người, gien giới tính của cá đực là XY và cá mái là XX. Cứ như thể alen Y là chìa khóa bật/tắt cho phép thể hiện kiểu hình đuôi nhót ở cá đực! Hy vọng rằng di truyền của tính trạng spadetail sẽ được các nhà chuyên môn phát hiện trong tương lai. Lên keo được cho là thúc đẩy việc thể hiện kiểu hình spadetail nhưng, theo chúng tôi, đó chủ yếu là hệ quả của sự phát triển bộ vây hơn là tác dụng của hormone giới tính trong thời gian nuôi nhốt. Thử nghiệm riêng của chúng tôi không cho thấy điều này, cá thể hiện sẵn kiểu hình spadetail khi còn nuôi trong bầy và việc lên keo không giúp cải thiện nó. Sự quan tâm đến đuôi nhót đang tăng lên trong thời gian gần đây, chủ yếu trong giới chơi cá hoang dã. Thậm chí đã có người cản nó sang kiểu hình imbellis hay splendens dẫu chúng tôi không khuyến khích điều này. Việc quan sát giúp hình thành một khái niệm về cá đuôi nhót “lý tưởng” mà chúng tôi xin được trình bày như sau: *Sắc sảo: điểm đặc trưng, giúp cá đuôi nhót trở nên khác biệt với các dòng betta cảnh còn lại: các vây lẻ đều có chóp nhọn. Nếu cá hiện đại tập trung vào tính đối xứng thì cá đuôi nhót lại đề cao sự sắc sảo. Chóp nhọn “sắc sảo” ở đuôi (Ảnh Minh Trí Kiệt) Chóp vây hậu môn “sắc sảo” thường thấy ở cá mang đỏ Betta splendens (Ảnh Trần Gia Huy) *Vây: đuôi bằng ⅓ chiều dài thân là đủ theo tiêu chuẩn plakat, nhưng theo chúng tôi, nên cản đuôi theo hướng phụng vĩ, tức bằng ½ chiều dài thân, nhưng không nên dài quá làm đuôi sụp và ảnh hưởng đến sự cân đối của nó. Ngày nay, nhiều cá thể kỳ vi phụng vĩ với tỷ lệ đuôi bằng ½ thân nhờ được cản về đuôi voan để lấy một alen đuôi dài (nhưng hai alen sẽ là quá dài). Vây lưng và vây bụng tuân theo tiêu chuẩn thông thường của IBC. Tỷ lệ đuôi ⅓ (Ảnh nlkhanh). Tỷ lệ đuôi ½ (Ảnh Minh Trí Kiệt) *Phân nhánh tia vây: tương tự như cá hoang và plakat truyền thống, đuôi là phân nhánh sơ cấp (một thành hai), vây hậu môn và vây lưng không phân nhánh, tia vây lưng đầu tiên nên dài. Phân nhánh mạnh ở cá hiện đại mang lại dạng đuôi D đối xứng nhưng hiệu ứng đuôi kép khiến vây lởm chởm và nhăn nhúm. Chúng ta không cần đến nó ở dạng đuôi nhót. *Đầu và thân: ở đây có hai lựa chọn, một là kiểu hình hoang dã tức bản lóc với thân thuôn dài như chiếc đũa (điều khiến nó trông rất giống với cá lóc khi nhìn từ bên trên), lưng cong nhẹ, đầu hơi nhọn. Lưu ý rằng nhiều cá thể hoang dã ngoại nhập được châm máu thuần dưỡng để lấy màu và dạn dĩ hơn, nhưng lẫn vào các lỗi tật như đầu bẹt, mõm dài, lưng gãy hoặc mấp mô. Cá lia thia mang đỏ và mang xanh ở ta còn nhiều chất hoang dã, lưng và đầu trơn tru, liền lạc, thích hợp để lai tạo. Cá lia thia mang đỏ Betta splendens bản lóc với lưng trơn tru, cân đối. (Ảnh Trần Gia Huy) Kế đến là kiểu hình thuần dưỡng. Có hai loại cơ bản là bản còm và bản rô, nhưng chúng tôi khuyến khích dạng thân tổng hợp với chiều dài vừa phải, bản rộng, vây lớn, miệng và cằm lớn, lưng võng nhẹ hoặc phảng phất. Kiểu hình bản còm dữ dằn ở cá chọi Xiêm cũng có thể được chấp nhận. Sau nhiều năm chú trọng vào màu sắc và bộ vây, hầu hết cá cảnh đều mắc nhiều lỗi tật ở thân và việc pha (crossbreed) về cá chọi là cần thiết nhằm cải thiện nó. Dạng thân tổng hợp (Ảnh nlkhanh). Các đặc điểm khác, như màu sắc, đều có thể noi theo tiêu chí của IBC. Nếu yêu thích điều gì đó mới mẻ, thú vị và không kém phần thách thức thì việc lai tạo cá đuôi nhót có thể là lựa chọn của bạn. Hãy nỗ lực lên nhé! ====================== Ghi chú *Cá mái không thể hiện kiểu hình dẫu vẫn mang và chuyển giao gien đuôi nhót. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng cá mái vẫn có chóp. Việc này cần được xem xét một cách kỹ lưỡng bởi nó có thể tác động mạnh mẽ đến vấn đề lai tạo cá đuôi nhót. Qua quá trình quan sát, chúng tôi thấy rằng đó chẳng qua là đột biến khiến một cây tia (ray tree) nhô hẳn ra ngoài, nhưng nó thiếu sự phối hợp và hài hòa để tạo ra chóp nhọn như đuôi nhót đích thực của cá trống. Cá mái ở dưới té ra từ một dòng đuôi tròn. Xem thêm tại đây. Cá mái Nghi Tàm (đuôi dài) cũng trông có vẻ hơi nhọn ở một số góc nhìn nhất định. *Sau vài năm tìm hiểu về cá đuôi nhót, ở Nghi Tàm, Alien lẫn các dòng cá khác, chúng tôi nhận thấy tính trạng đuôi nhót gắn liền với một tật bệnh nghiêm trọng: tóp vây! Vây bị teo tóp và không bao giờ phục hồi được nữa, sự cố diễn ra một cách đột ngột, chỉ sau một đêm. Cá vẫn bơi lội và sinh sản bình thường. Có con bị sớm, có con duy trì phong độ lâu hơn nhưng kết cục là không thể tránh khỏi!
Di truyền của tính trạng đuôi nhót Có một trào lưu đang thịnh hành bên Thái là thú chơi cá hoang với đủ loại màu sắc mới lạ được cản vào kiểu hình này. Trào lưu dẫn tới một nỗ lực chuẩn hóa cá hoang cho các cuộc triển lãm và thi thố trong tương lai. Nổi bật nhất trong số này là cá đuôi nhót (spadetail). Cá đuôi nhót thỉnh thoảng vẫn xuất hiện ở betta cảnh nhưng hiện chưa có nghiên cứu hay kết quả nào về di truyền của tính trạng này. Chỉ biết rằng cá mái không thể hiện kiểu hình đuôi nhót. Dưới đây chúng tôi xin trình bày vài thử nghiệm của mình và những kết luận sơ bộ từ đó. Chất liệu *Bầy đen xuất phát từ một trống và một mái được lai dòng và cận huyết sâu đến đời F4. Bầy này không té ra bất kỳ trống đuôi nhót nào. Chúng tôi gọi nó là dòng đuôi tròn thuần. https://www.facebook.com/media/set/?set=oa.1953421044917283&type=3 *Bầy copper xuất phát từ một trống (fancy copper) và một mái (đen F2) và cận huyết sâu đến đời F3. Bầy này không té ra bất kỳ trống đuôi nhót nào. Chúng tôi gọi nó là dòng đuôi tròn thuần. https://www.facebook.com/media/set/?set=oa.2106950996230953&type=3 *Một mái cam đốm, đuôi tròn lấy từ anh vanhoang. Thử nghiệm Trong tất cả các bầy lai dưới đây, chúng tôi đều sử dụng trống hoặc mái đuôi tròn thuần từ các dòng đã được kiểm chứng. *Bầy 1: trống đen F2 x mái cam đốm, kết quả ra một trống đuôi nhót duy nhất. Bầy này chứng tỏ mái cam đốm mang gien đuôi nhót, trội và chuyển giao tính trạng cho hậu duệ. *Bầy 2: trống đuôi nhót F1 x mái đen F4, kết quả cho ra một số trống đuôi nhót ở nhiều cấp độ khác nhau. Bầy này chứng tỏ, trống đuôi nhót chuyển giao tính trạng cho hậu duệ và tính trạng trội. Tính trạng được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. *Bầy 3: trống “đuôi tròn” F2 x mái copper F3, kết quả cho ra ít nhất một trống đuôi nhót đầu đàn (số còn lại nhỏ, đang nuôi ngoài thùng). Bầy này tái khẳng định rằng tính trạng trội được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau (trội bất toàn). Cá trống “đuôi tròn” thực chất là đuôi nhót phảng phất! Di truyền gien ty thể Gien ty thể mtDNA nằm ở tế bào chất, không ở trong nhân. Trứng mang gien ty thể trong khi tinh trùng không có. Như vậy, cá mái chuyển giao gien ty thể cho trống và mái con của nó, nhưng cá trống không thể chuyển giao. Điều được chứng tỏ là không đúng qua thí nghiệm ở trên (bầy 2). Di truyền liên kết giới tính Hiện tượng cá mái không thể hiện kiểu hình đuôi nhót khiến người ta nghĩ đến kiểu di truyền liên kết giới tính (sex-linked). Nên biết rằng, gien giới tính ở cá cũng tương tự như ở người, cá mái XX, cá trống XY. Có hai khả năng: a) Nếu tính trạng liên kết với alen Y, trống cha sẽ chuyển giao tính trạng đuôi nhót cho trống con, mà không cho mái con. Cá mái không chuyển giao tính trạng đuôi nhót. Điều được chứng tỏ là không đúng vì cá mái vẫn mang gien đuôi nhót và chuyển giao cho trống con (bầy 1). b) Nếu tính trạng liên kết với alen X. Các bầy lai chứng tỏ rằng nó trội so với đuôi tròn. Ký hiệu: XS = cá mang gien đuôi nhót, trội. Xs = cá mang gien đuôi tròn, bình thường. Trường hợp trống đuôi nhót cản với mái thuần đuôi tròn, kết quả như sau: Toàn bộ trống sẽ là đuôi tròn XsY, điều được chứng tỏ là không đúng qua kết quả thí nghiệm ở trên (bầy 2). Di truyền Mendelian Theo suy đoán của chúng tôi, dường như đây là tính trạng trội bất toàn (incomplete dominance) nhưng có vài vấn đề: 1) Không thể giải thích tại sao tính trạng không thể hiện ở cá mái. Alen Y hoạt động như là một công tắc, bật cho phép việc thể hiện kiểu hình đuôi nhót ở cá trống. 2) Không thể giải thích tại sao trống với tính trạng đuôi nhót phảng phất có thể cản ra con đuôi nhót rõ hơn (bầy 3). 3) Cần tái thử nghiệm với cá thể trống thể hiện rõ tính trạng đuôi nhót, đếm số lượng cá con để nắm tỷ lệ và tái khẳng định kiểu di truyền. Hoàn toàn có khả năng tính trạng đuôi nhót thuộc về một kiểu di truyền khác mà chúng tôi không biết hoặc một kiểu di truyền hoàn toàn mới. Thông tin ở đây sẽ được chỉnh sửa và bổ sung một khi chúng tôi có thêm những chứng cớ về di truyền đuôi nhót. Việc lai tạo trên thực tế lại khá dễ dàng nếu áp dụng phương pháp lai dòng (line breeding) theo trống bởi tính trạng thể hiện ra ngoài. Bạn cản trống đuôi nhót với bất kỳ mái nào cũng tạo ra một tỷ lệ đuôi nhót nhất định. Nhưng để làm thuần dòng, chúng ta phải chấp nhận cản một số bầy thử nghiệm để xác định đâu là mái thuần. Việc làm thuần dòng và củng cố tính trạng là cần thiết trong trường hợp trội bất toàn. Sau đây là một số kết hợp và kết quả của chúng: *Trống Spadetail thuần SS X mái Roundtail thuần ss = 100% Spadetail geno Ss (toàn bộ số trống là đuôi nhót) *Trống Spadetail thuần SS X mái Spadetail geno Ss = 50% Spadetail thuần SS + 50% Spadetail geno Ss (toàn bộ số trống là đuôi nhót) *Trống Spadetail thuần SS X mái Spadetail thuần SS = 100% Spadetail thuần SS (toàn bộ số trống là đuôi nhót) *Trống Spadetail geno Ss X mái Roundtail thuần ss = 50% Spadetail geno Ss + 50% Roundtail thuần ss (bạn sẽ thấy ½ số trống là đuôi nhót) (toàn bộ các bầy thử nghiệm ở trên đều theo dạng này, điều có thể đúng vì chỉ một số té ra kiểu hình đuôi nhót) *Trống Spadetail geno Ss X mái Spadetail geno Ss = 25% Spadetail thuần SS + 50% Spadetail geno Ss + 25% Roundtail thuần ss (bạn sẽ thấy ¾ số trống là đuôi nhót) *Trống Spadetail geno Ss X mái Spadetail thuần SS = 55% Spadetail thuần SS + 50% Spadetail geno Ss (toàn bộ số trống là đuôi nhót) Với trống đuôi nhót thuần, trong mọi trường hợp, toàn bộ trống con sẽ có kiểu hình đuôi nhót. Với trống mang gien đuôi nhót, tùy mái chúng ta sẽ có ½, ¾ hay toàn bộ là trống đuôi nhót. Nhưng có lẽ kiểu hình trong bầy cản thuần sẽ thể hiện rõ ràng hơn. Hy vọng các nỗ lực của chúng tôi sẽ góp phần vào việc lai tạo các thể loại cá đuôi nhót trong tương lai.
1) Không thể giải thích tại sao tính trạng không thể hiện ở cá mái. Alen Y hoạt động như là một công tắc, bật cho phép việc thể hiện kiểu hình đuôi nhót ở cá trống. có thể giải thích lý do cá mái không hoặc ít thể hiện đuôi nhót vì tính trạng đó bị giới hạn bở hormone giới tính . Tương tự như màu Cambodian, ở cá mái thân thường trắng sạch, ở cá trống thường bị lem đỏ . Cá đuôi dài cũng vậy, cá mái đều mang đuôi ngắn (tuy có thể phân biệt với mái đuôi ngắn thuân nhờ vây hậu môn dài và vây lưng nhọn nhưng không bảo đảm 100%) . 2) Không thể giải thích tại sao trống với tính trạng đuôi nhót phảng phất có thể cản ra con đuôi nhót rõ hơn (bầy 3) Cái này có thể vì a) có 1 vài gene bổ sung ảnh hưởng lên tính trạng đó (modifier gene) . Cá ánh kim có con đậm nhạt khác nhau hoặc độ lan phủ khác nhau do gene khác quyết định . b) Độ thấm của gene (penetrance): Có 1 số gene sự thể hiện tuỳ vào penetrance và expressivity https://courses.lumenlearning.com/wm-biology1/chapter/reading-penetrance-and-expressivity/
Cám ơn dthong đã bổ sung. Hormone giới tính khiến mình nhớ lại một thí nghiệm đã nói sơ ở trên. Có người bạn nói việc lên keo mahachai khiến cá phát triển đuôi chóp nhanh hơn trong bầy. Mình đoán hormone giới tính đực có một vai trò nào đó ở đây. Lên keo đồng nghĩa với cách ly và kích thích nhả bọt, trong thời gian này hormone giới tính gia tăng. Mình bèn bắt vài con trong bầy vốn thể hiện kiểu hình đuôi nhót phảng phất, lên keo và cho kè hàng ngày. Chụp hình cuối mỗi tuần và so sánh sự phát triển của đuôi sau vài tuần. Kết quả là không có sự phát triển đột biến nào mà mắt thường có thể nhận ra! Đuôi vẫn hình dạng cũ. Tuy nhiên, có một cá thể với chóp đuôi phát triển kéo dài khi cá già đi trong thời gian vài tháng, điều dẫn tới dự đoán rằng kiểu hình chóp nhọn kéo dài có thể là kết quả của nhiều gien. Như vậy, nếu hormone giới tính đực là rào cản khiến mái không thể hiện kiểu hình đuôi nhót ra ngoài, thì cũng không khuếch trương kiểu hình này ở cá đực, mà chỉ có tác dụng như là một công tắc. Kiểu hình đuôi chóp vẫn do gien đuôi chóp quyết định, và nó rất biến thiên.
Theo dự đoán, con mái mang gien spadetail. Nếu anh không có kế hoạch gì thì đưa trống spadetail và con mái mẹ cho em làm tiếp (Anh chuyển clip từ chế độ Share with Friends sang Share with Public thì mới thấy trên diễn đàn).
Trống wild splendens đuôi chóp x mái Nghi Tàm: F1: 1/2 Nghi Tàm & 1/2 Wild Splendens 35 trống lên keo: 11 Spadetail (4 fault), 5 Spadetail - Cận huyết F1 F2: 1/2 Nghi Tàm & 1/2 Wild Splendens