Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

“Tôi Từng Là Cá Betta” – Khi Betta Của Bạn Đổ Bệnh

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 13/10/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    “Tôi Từng Là Cá Betta” – Khi Betta Của Bạn Đổ Bệnh
    Victoria Parnell – http://bettysplendens.com/articles/page.imp?articleid=719

    Như tất cả các loài cá cảnh, đôi khi cá betta đổ bệnh. Điều quan trọng là thân thiết với cá của mình, để bất kỳ hành vi bất thường nào đều có thể được phát hiện sớm. Về cơ bản, betta là loài cá tĩnh (sedentary), vì vậy việc đứng một mình bất động là không đủ để chẩn đoán betta của bạn bị “bệnh”, dẫu vậy việc bất động đột ngột ở một con beteta vốn mạnh khoẻ và hoạt bát có thể là điều đáng ngờ. Betta của bạn có thể bị bệnh hay suy sụp. Biểu hiện (behavior) vốn kích hoạt tình trạng báo động khẩn cấp (immediate red flag) là tóp vây (clamping), nằm nghiêng một bên (mặc dù một số betta thực sự thích nằm theo cách này), thở gấp (panting), mắt kéo màng (clouded eyes), sưng mang (swollen gills), mất màu (paleness), nảy và cọ lườn vào chậu/hồ, đốm (spots), bụi (dusting), hay “các sợi” (strings) trên thân, và bỏ ăn đột ngột.

    Bệnh cá betta thường được chia thành ba loại: Ký Sinh (Parasitic), Vi Khuẩn (Bacterial) và Nấm (Fungal). Đây là những bệnh phổ biến nhất:

    KÝ SINH

    Đốm Trắng (Ich) – Viết tắt của Ichthyophthirius multifiliis, còn được biết như là “Bệnh Đốm Trắng”, biểu hiện phổ biến được liên hệ với căn bệnh lây nhiễm mạnh này là tóp vây với cử động bơi giật cục từng hồi quanh hồ và cọ mình vào đồ vật như thể cá cố gắng tự rũ bỏ ký sinh. Đơn bào (protozoan) trải qua một giai đoạn sống của mình trong lớp da của cá và ăn các mô. Bào nang trắng (white cyst) vốn bao bọc chúng tạo cho cá những đốm trắng lồ-lộ (tell-tale) trên thân và vây. Những ký sinh này thường được phát hiện trong các hồ lành mạnh, và nhìn chung cá miễn dịch với chúng trừ phi tình trạng nước xấu, nhiệt độ nước cực đoan, hay nước rất lạnh làm suy giảm hệ miễn dịch và cho bệnh Đốm Trắng một lối mở để tàn phá. Sau khi nhiễm vào cá, sinh vật trưởng thành rơi xuống đáy hồ và trở thành bào nang trong giai đoạn tiềm miên (dormant) sống-tự do vốn không đáp ứng (unresponsive) với thuốc. Trong vòng vài giờ đến vài ngày, ký sinh phân chia thành 200-800 ấu trùng (larvae), vốn sau đó đi tìm một vật chủ (host). Cách tốt nhất để điều trị bệnh Đốm Trắng là tăng nhiệt độ đến 85 độ F (để tăng tốc vòng đời) và điều trị bằng thuốc có chứa malachite green hay đồng, chẳng hạn như Quick Cure hay Coppersafe. Bỏ qua liều trên bao bì (những người này có nghiêm túc?) vốn đề nghị điều trị 2-3 ngày “cho đến khi đốm trắng biến mất”… bạn cần điều trị trong toàn bộ vòng đời của ký sinh, hay khác đi thay nước toàn bộ sau mỗi 2 ngày. Cá phải được điều trị trong ít nhất một tuần, hay bạn có nguy cơ tái nhiễm. Nếu đang điều trị cho một hồ, trước hết loại bỏ than khỏi bộ lọc, và loại bỏ bất kỳ cây thuỷ sinh và cá nào như Tetra và Cá Nheo Da Trơn, vốn cần được điều trị riêng bởi chúng chỉ yêu cầu một nửa-liều (half-dosage).

    [​IMG]
    Bệnh Đốm Trắng

    Nấm Nhung (Velvet) – Còn được gọi như là Oodinium; cá bị nhiễm Nấm Nhung [thực ra đây là bệnh trùng roi - dinoflagellates, không phải nấm] thường thể hiện vây tóp (clamped fins), thở gấp và những đốm nhỏ hay “bụi” trên thân và vây. Giống như bệnh Đốm Trắng, cá đôi khi bơi giật cục vòng quanh cố tự cọ mình. Nấm Nhung thường xuất hiện khi tình trạng nước hồ kém thường xuyên, và cá bột đặc biệt dễ bị lây nhiễm. Ký sinh cực kỳ độc hại, nhưng hầu hết trường hợp đều đáp ứng với thuốc. Thuốc gốc đồng (copper-based) như Maracide có tác dụng nhanh trên bệnh Nấm Nhung khi ký sinh đang trong giai đoạn bơi-tự do của mình. Tăng nhiệt độ lên 82-84 độ F, giảm mờ ánh sáng, và việc cho cá bệnh tắm nước muối 3% cũng có thể có tác dụng.

    [​IMG]
    Hình phóng đại của Amloodinium ocellatum (bệnh Nấm Nhung)

    Nội Ký Sinh (Internal Parasites) – Đây có thể là bệnh rất khó phát hiện! Đôi khi cá sẽ thể hiện ít hay không có dấu hiệu bệnh, nhưng sẽ teo tóp dần. Bạn phải thực sự biết betta của mình để thấy bệnh này tiến triển. Như luôn vậy, phòng bệnh là phương thuốc tốt nhất. Rửa kỹ thức ăn tươi và đông lạnh bằng nước sạch, và không dùng chung chén, vợt hay thiết bị khác giữa cá mạnh khỏe và cá bệnh. Nếu bạn nghi cá nhiễm Nội Ký Sinh, hãy thả betta của mình vào nước sạch và điều trị ngay lập tức bằng thuốc kháng ký sinh (tôi thích Clout, Maracyn-2 hay Hex-a-Mit). Rửa sạch lọ vốn nuôi cá bệnh; tráng bằng nước sôi hay rửa bằng Clorox.

    Sán Lá (Flukes) – Thông thường mang bị nhiễm. Điều rất dễ phát hiện, bởi vì mang bị viêm (inflamed), đỏ, sưng (swollen) và thậm chí có thể bị nấm hay xuất huyết. Cá trông và hành động đau đớn, thường tóp vây và thở gấp. Nó có lẽ cũng tự va vào bất cứ thứ gì có thể – cây thuỷ sinh, đá, thành hồ, cá khác v.v. – để tự loại bỏ sán lá. Trong một số trường hợp tệ hại, bạn thực sự có thể THẤY đồ quỷ (buggers) bé nhỏ treo trên mình cá, giống như tua dài. Bạn cần chữa trị nó bằng thuốc diệt ký sinh tốt như Coppersafe, Formalin 3 hay Permoxyn, và tăng nhiệt độ lên 82-84 độ F.

    NẤM

    Nấm Miệng (Cottonmouth) – Đúng như tên gọi, cá của bạn trông như thể có bông gòn đang mọc ra từ miệng và xung quanh mặt nó. Thay đổi nhiệt độ đột ngột, chất lượng nước kém và sốc nặng là những yếu tố góp phần vào bệnh này, và nó có thể hạ gục nhanh chóng một con betta nếu không được chữa trị. Fungus Eliminator (bởi Jungle) và MarOxy sẽ chữa khỏi bệnh này. Thả cá betta của bạn vào nước sạch trong khi điều trị, và hãy luôn đảm bảo rằng tình trạng nước của nó là tốt khi nó phục hồi.

    Thối Vây & Đuôi (Fin & Tail Rot) – Cá có lỗ, vết rách (tears) hay lở loét (lesions) ở vây, và bệnh sẽ ăn sạch vây chỉ trong vòng vài ngày nếu để yên không chữa! Bệnh thối vây do nấm tiến triển cực nhanh, vì vậy hãy điều trị ngay lập tức bằng bất kỳ loại thuốc trị nấm nào có sẵn tại tiệm thú cưng địa phương của bạn.

    Sưng Mắt (Popeye) – Một hay cả hai mắt sẽ lồi ra (protrude) hay kéo màng (cloudy). Việc bắt cá thô bạo có thể gây Sưng Mắt (cũng như là vật chủ của những thứ khác), vì vậy luôn bắt betta nhẹ nhàng. Thay đổi nhiệt độ cực đoan, nước dơ, và sục khí quá mức cũng được nêu danh thủ phạm. Điều trị nó bằng Melafix, Maracyn-2, Ampicillin hay Penicillin.

    Nhớt Trắng (White Slime Disorder) – Nhớt (mucus) trắng, lòng thòng (stringy) trên thân, lây nhiễm mạnh. Điều trị cá bằng thuốc kháng nấm (antifungal), điều trị cá mà nó đã tiếp xúc với, và chùi, chùi, chùi hồ hay chậu bằng thuốc tẩy (bleach). Nếu nó từng ở trong một hồ cộng đồng (community), thì tôi xin lỗi, nhưng bạn sắp sửa phải dọn toàn bộ hồ, sát trùng và vận hành nó trước khi thả cá trở lại. Vâng, nó tệ cỡ ĐÓ.

    VI KHUẨN

    Thối Vây Do Vi Khuẩn – Thường bắt đầu bằng một lỗ hay vết rách trên vây (thường là hậu quả của một chấn thương khi sinh sản), rồi vi khuẩn nhiễm vào. Đây có thể là một dạng thối vây dai dẳng (stubborn), và betta có khuynh hướng tái phát, thậm chí sau khi điều trị. Nếu tôi có một con cá vốn bị bệnh thối vây do vi khuẩn, tôi biết nó sẽ cần chế độ điều trị đặc biệt trong phần còn lại của cuộc đời mình. Trước hết, nó được đưa vào chết độ kháng sinh (tôi sử dụng Maracyn-2 hay Tetracycline) trong năm ngày, thay nước mỗi ngày. Rồi tôi cho nó thêm hai ngày, và nếu nó không tiến bộ, việc điều trị kháng sinh được lặp lại, MỘT LẦN NỮA. Sau đó, nếu nó chưa tiến bộ, chúng ta chuyển sang Penicillin. Nếu sau cùng tôi quyết định chấm dứt công việc khổ sở ghê gớm này, cá betta được thay nước 100% mỗi ngày; sức đề kháng với bệnh của nó bây giờ là yếu, và khả năng tái phát là cao [bệnh này dường như đáp ứng tốt với Formalin].

    NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC

    Phù (Dropsy) – Đây là một trong những bệnh tấn công cá betta khốc liệt nhất; chẳng may, nó cũng là một trong những bệnh phổ biến nhất. Người ta vẫn đang điều tra xem một cách chính xác thứ gì gây ra nó, và do vậy thứ gì chữa trị nó. Có một niềm tin rằng đó có thể là sự nhiễm khuẩn ở thận, nhưng không ai thực sự biết chắc. Điều trị được đề nghị thông thường là Tetracycline nhưng thứ này hiếm khi có tác dụng một cách đầy đủ bởi thiếu thuyết phục.

    Để làm phức tạp vấn đề hơn nữa, dường như có nhiều biến thể phù khác nhau. Nổi tiếng nhất (và kinh dị nhất, theo tôi) là khi bụng cá sưng chành ành, vảy xù ra như quả thông (pinecone), và cá dường như không thể thoát khỏi tư thế “trì bụng” (belly-down), với đuôi nó chổng lên. Hiện tượng sưng bụng (bloating) bị gây ra bởi dung dịch ứ đọng trong mô cơ thể, và thường là dấu hiệu trong mọi trường hợp bệnh phù.

    Đôi khi, cá chỉ bị bị xù nhẹ, và vẫn chết vì bệnh phù. Tôi có một cá mái hành động lờ đờ, bỏ ăn và không phục hồi… Tôi không thể hình dung ra có gì không ổn với nó. Rồi tôi để ý thấy vùng bụng hơi sưng và rất nhợt nhạt, vì vậy tôi quan sát nó từ bên trên – đây rồi! Có xù vảy. Một cách bất ngờ, con mái này chết sau hai ngày điều trị, và tôi thậm chí không biết nó đã chết cho đến khoảng một ngày sau đó. Dòng nước khiến nó ở tư thế dựng đứng với mũi hướng lên mặt nước, và nếu đó không phải vì thực tế rằng mắt nó đờ đẫn, thì nó đang chờ đợi cả thế giới hệt như nó đã khi mới bị bệnh.

    Một phiên bản thú vị khác của bệnh phù là khi cá trông bình thường (hay có thể hơi nhạt) nhưng bỏ ăn và không hành xử “đúng đắn”. Những con này đôi khi có biểu hiện trì-bụng-chổng-đuôi, nhưng sẽ không bị sưng và xù vảy. Dạng phù này là độc hại NHẤT! Cá chết trong vòng 24 giờ, và bạn thậm chí không có cơ hội để cố chữa nó.

    Lorena Hazama thông báo rằng cô đã thành công bằng cách điều trị phù khá chính thống. Đây là những gì cô nói (được trích từ mục Chuyện Đó Đây của Wayne – Wayne's This and That):

    “Tôi chẳng phải là chuyên gia gì hết, mà tôi chỉ muốn chia sẻ những gì mà tôi học được từ một trường hợp bệnh phù ở cá của tôi với hy vọng có lẽ giúp đỡ người khác một ngày nào đó. Khi cá của tôi mới mắc bệnh, tôi không có bất kỳ hy vọng nào, bởi vì tôi nghe nói rằng nó khó chữa.

    “Với nhiều trợ giúp và gợi ý của mọi người ở forum này, đặc biệt là Uptongirl và Violetedawn, cũng như một số nguồn khác, trường hợp phù ở cá của tôi được thuyên giảm nếu không muốn nói là “khỏi”.

    “Không rõ điều gì khiến cho chức năng thận của nó hư/suy. Tôi đoán đó là vi khuẩn hay siêu vi bởi vì Kanacyn dường như có tác dụng.

    “Việc điều trị theo nhiều giai đoạn bởi tôi thay đổi các thứ khi tôi phát hiện về chúng. Tôi không có bằng chứng thứ nào thực sự tác dụng--hay thứ gì tôi không nên làm--vì vậy tội liệt kê mọi thứ ở đây:

    1. Điều trị nó bằng Maracyn II khoảng một ngày.

    2. Khi tôi kiếm được Kanacyn, tôi bèn sử dụng nó (không dùng chung 2 thứ với nhau).

    3. Cố gắng duy trì nhiệt độ càng ấm càng tốt--hơi khó một chút bởi vì chúng tôi có máy điều hòa nhiệt độ và nó đang chạy. Một số trang nói người ta nâng nhiệt độ lên 86 độ F cho cá vàng. Tôi nghĩ nước của nó có lẽ khoảng 70-72 độ F. Nhưng nếu bạn thay đổi nhiệt độ, hãy thực hiện từ tốn để không làm cá bạn căng thẳng hay tổn thương.

    4. Che hồ của nó khỏi ánh sáng mạnh bằng việc làm một “hộp” giấy đen với vài lỗ thông khí. Việc này thực sự hữu ích.

    5. Bổ sung một ít muối epsom vào nước hồ của nó (1 muỗng trà mỗi 5 gallon).

    6. Tôi thay nước mỗi cách ngày--100%. Tôi cũng trữ nước sạch để thay trong cùng phòng với hồ cá, vì vậy nó cùng cùng nhiệt độ khi tôi thay nước.

    Lưu ý: Muối epsom trị triệu chứng sưng của nó. Tôi sợ rằng nó sẽ bể ra hay đại loại bởi nó trông sưng phồng. Tôi chắc nó có lẽ cũng cảm thấy thoải mái hơn.

    “Đọc hướng dẫn sử dụng thuốc một cách cẩn thận và làm theo chúng đến mục T. Nó lưu ý không kết hợp với những hóa chất khác trừ phi tương thích với thuốc.

    “Việc này thực sự quan trọng! Tôi sử dụng Kanacyn và muối epsom với nhau trong nước máy không xử lý nhưng tôi có thể vượt qua điều này bởi vì nước máy của chúng tôi được rút từ giếng phun (artesian wells) và không được xử lý bằng chlorine. Vì vậy tôi không sử dụng chất khử (water conditioners) hay bất kỳ thứ gì khác để sửa soạn nước của nó. Tôi không làm việc này thường xuyên nhưng tôi không chắc hóa chất có kết hợp TỐT với thuốc không.

    “Nếu bạn phải xử lý nước của mình, bạn có lẽ muốn sự trợ giúp từ ai đó, những người có nhiều hiểu biết về xử lý nước hơn.

    “Nếu bạn giống như tôi và không có một hồ 10-gallon hay bồn nước để hòa thuốc, chúng tôi phải làm như sau:

    “Một viên Kanacyn và hai muỗng trà muối epsom được hòa trong 10 muỗng canh nước. Rồi chúng ta sử dụng theo tỷ lệ 1 muỗng canh dịch cốt (concentrate) với 1 gallon nước để thay. Chúng tôi bao hỗn hợp dịch cốt Kanacyn/epsom và để ở nơi tối phòng khi cần đến. Đây có thể không phải là cách tốt nhất để làm, nhưng nó dường như hoạt động TỐT.

    “Cá của tôi không thể hiện sự tiến bộ cho đến khi bỏ muối epsom, khoảng một tuần từ khi tôi phát hiện bệnh phù và bắt đầu điều trị để xem kết quả. Sự phục hồi của nó nhanh hơn nhiều sau đó. Vì vậy, dù bạn chưa thấy kết quả ngay lập tức, hãy chờ ở đó và cho cá bạn thời gian để cố gắng và vượt qua bất cứ gì làm nó bệnh.

    “Như tôi đã nói trước đây, không phải là chuyên gia, không phải nhà lai tạo. Thậm chí không phải là một người chơi cá kinh nghiệm--tôi chăm sóc tổng cộng 4 con betta! Nhưng vì lý do nào đó, cá của tôi và tôi đủ may mắn, với thật nhiều hướng dẫn, có khả năng vượt qua bệnh này”.

    Cá nhân tôi không thể kiểm chứng cách điều trị này, bởi tôi chưa từng thử nó, nhưng tôi dự định làm, chừng nào mà bệnh phù té ra trong phòng cá của mình! Tôi sẽ đăng kết quả của chính mình ở đây trên trang này, và tôi thực sự hy vọng Lorena đang làm gì đó ở đây. Tôi chưa từng chữa được con betta bệnh phù nào. Tôi đã đọc bài viết của những người khác vốn từng chữa được chúng, nhưng chúng thường chết khoảng một tháng sau.

    Không thực sự chắc chắn bệnh có lây nhiễm hay không. Qua việc quan sát bệnh trong phòng cá của riêng mình, tôi chỉ có thể kết luận rằng có nhiều yếu tố góp phần. Bệnh phù dường như phần nào di truyền; hay nói cách khác, xu hướng mắc bệnh phù là có tính di truyền. Tôi thường gom những bầy không họ hàng cùng độ tuổi vào các hồ nuôi, và tôi đã có các trường hợp bùng phát bệnh phù ở những hồ này vốn chỉ ảnh hưởng đến các thành viên của một bầy. Tôi nghĩ rằng nếu một con đổ bệnh, nó có thể lan qua những cá khác vốn có xu hướng mắc nó.

    Bệnh Bóng Bơi (Swim Bladder Disorder – SBD) – Thừa nhận phổ biến nhất đó là SBD được gây ra bởi sự bội thực (overfeeding) thức ăn giàu-protein như ấu trùng artemia (BBS) trong giai đoạn tăng trưởng của cá. Đôi khi, việc nhịn ăn 24 giờ là đủ để vấn đề tự khỏi, và đôi khi cá vượt qua nó. Cá betta bị SBD sẽ bơi lòng vòng với phần sau kéo lê như bị tật (cripple), hay nằm nghiêng một bên dưới đáy bồn. Một số cá này sống hoàn toàn hạnh phúc và khỏe mạnh bất kể sự hom hem của mình, nhưng nếu nó quá nặng đến mức cá không thể ăn hay bơi lên mặt nước mà không cố gắng, có lẽ tốt nhất nên an tử nó.

    Tôi thấy một quan niệm sai lầm phổ biến đó là ấu trùng artemia (BBS) gây ra SBD. Việc bội thực bất kỳ thức ăn nào đều có thể góp phần vào SBD; cá bột dường như đặc biệt quen với việc ngốn ấu trùng artemia.

    Suy Nhược (Depression) – Betta là động vật thông minh (đặc biệt với cá) và do đó, đôi khi nhạy cảm với các đợt suy nhược. Những cá cha lần đầu mới bị tách khỏi bầy con của chúng thường biểu hiện đờ đẫn, nhợt nhạt và có thể bỏ ăn vài ngày. Cá con mới-lên lọ, bất ngờ bị tách khỏi bầy của mình, cũng có thể trông hờn dỗi. Tôi có hai cá mái, chị em, vốn sống cùng nhau cả đời mình, chết cách nhau vài ngày. Con đầu nhảy khỏi hồ, và chị em của nó bỏ ăn ngay và chết hai ngày sau, rõ ràng vì đau khổ.

    Chẳng có gì nhiều để làm với bệnh suy nhược ngoại trừ việc đợi cá vượt qua nó, điều chúng thường làm được. Với những cá cha khó chịu, Bettmax sẽ giảm bớt căng thẳng và cho chúng những dưỡng chất có lợi mà cơ thể chúng cần để vượt qua. Cá con mới-lên lọ có thể đặt kế lọ của anh em mình để chúng vẫn thấy nhau và tương tác. Betta đang ở một mình thường sung lên nếu được soi kiếng hay thấy cá betta khác.

    Mất Tích (Disappearance) – Cứ việc cười nếu bạn muốn, nhưng tôi đã gặp đủ các sự cố về việc mất tích cá betta nên nó hiện đảm bảo phần riêng của mình. Hiển nhiên, đại đa số việc mất tích betta đều liên quan đến việc nhảy khỏi lọ của mình. Chúng khó được phát hiện một khi chúng bị khô đi và teo lại, và dường như mỗi tay nhảy nhót đều tìm ra một cách kỳ diệu để tự lách vào chân ghế gần nhất hay vào kẽ hở trên sàn, ẩn mình một cách khéo léo.

    Tuy nhiên, tôi có những cái lọ với nắp vặn chặt mà vẫn mất betta vào sáng hôm sau. Có lần một người bạn của tôi kể câu chuyện về một con betta mà cô phát hiện chết trong lọ của nó. Đang có bầu vào lúc đó và dễ bị ói mửa, cô rời bỏ con betta chết và chạy vào phòng tắm. Cô không có tinh thần đối mặt với cái xác lần nữa cho đến ngày hôm sau, và khi cô thu hết can đảm và đi lấy con betta chết cho Chuyến Du Hành Vĩ Đại Sau Cùng của nó ở dưới cống… nó đã BIẾN MẤT.

    Nó xảy ra, về điều này tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Chẳng may, không mấy điều mà tôi có thể nói để giúp đỡ cho bạn nếu bạn có một con Betta Mất Tích. Có lẽ nó đã được gọi về thế giới của mình để báo cáo về những điều đang xảy ra trên Trái Đất. Có lẽ nó là một nạn nhân của Hiện Tượng Betta Tự Bốc Cháy (Spontaneous Betta Combustion). Ai mà biết được? Chỉ hứa với tôi điều này - nếu bất kỳ ai trong các bạn có một con betta mất tích và rồi TÁI XUẤT HIỆN trong lọ của mình, hãy email cho tôi ngay lập tức!
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/11/17

Chia sẻ trang này