Sơ lược về cá phổi Cá phổi phân bố tự nhiên ở châu Phi, Nam Mỹ và Úc. Thời cổ đại, các loài cá phổi từng phát triển rất đông đúc trên địa cầu nhưng ngày nay chỉ còn lại ba họ với tổng cộng sáu loài. Ở những loài cá bình thường, bong bóng (swim bladder) chỉ là bộ phận giúp cá giữ thăng bằng khi bơi nhưng ở cá phổi, bong bóng phát triển thành phổi để lấy ô-xy trực tiếp từ không khí, đồng thời đào thải thán khí. Cấu trúc phổi như thế này cũng được phát hiện ở những loài lưỡng cư sơ khai. Cá phổi và cá vây tay thuộc về phân lớp cá vây tay (Sarcopterygii). Tổ tiên của các loài cá phổi xuất hiện vào thời kỳ Tiền Devon (cách nay 416-397 triệu năm) và phát triển mạnh trong nhiều triệu năm sau đó. Ban đầu chúng sống ở biển nhưng vào kỷ Carbon (cách nay 354-290 triệu năm), hầu hết các loài cá phổi bắt đầu tiến vào lục địa và thích nghi với môi trường nước ngọt, chúng là một trong những cư dân cổ xưa nhất trên lục địa Gondwana. Vào kỷ Creta (cách nay 144-65 triệu năm), số lượng cá phổi bắt đầu suy giảm và hoàn toàn biến mất khỏi Bắc bán cầu; ngày nay cá phổi chỉ xuất hiện ở một số vùng nhất định tại châu Phi, Nam Mỹ và châu Úc. Về mặt tiến hoá, cá phổi hầu như không thay đổi gì nhiều so với tổ tiên xa xưa của chúng, thực tế có những nghiên cứu khoa học cho rằng loài cá phổi châu Úc không hề thay đổi gì từ 100 triệu năm nay! Các họ cá phổi ngày nay bao gồm họ cá phổi Protopteridae phân bố ở châu Phi (4 loài), họ cá phổi Lepidosirenidae phân bố ở Nam Mỹ (1 loài) và họ cá phổi Ceratodontidae phân bố ở châu Úc (1 loài). Tất cả chúng đều có thân hình thuôn dài giống như rắn và có kích thước rất to, chẳng hạn có loài cá phổi châu Phi dài đến 2 mét. Cá phổi là loài săn mồi, chúng ăn hầu hết những thứ bắt được và vừa với miệng của chúng. Khẩu phần thức ăn của chúng gồm cá, tôm, cua và nhiều thứ khác. Cá phổi cũng chịu đựng được mọi loại nước (miễn là độ pH không quá cao) và có khả năng sống trong những vùng nước mà các loài cá khác không thể tồn tại được nhờ khả năng hô hấp của mình. Cá phổi có thể sống sót nơi có rất ít hay hoàn toàn không có nước. Vào mùa khô, cá phổi Nam Mỹ đào lỗ trong bùn và ở trong đó cho đến khi có nước trở lại. Cá phổi châu Phi còn có khả năng tạo ra một lớp dịch mà khi khô đi làm thành một cái kén cứng giúp chúng sống trong đó cho đến khi nước về. Khi nằm trong kén, cá rơi vào trạng thái tiềm sinh, hoạt động của cơ thể giảm xuống rất thấp (1/60 so với mức bình thường) và chỉ đủ để cá sống sót, những chất thải được chuyển hoá thành urê, chất ít độc hại hơn so với ammonia. Cá có thể ở trạng thái này lâu đến 3 năm. Cá phổi châu Úc không có khả năng tiềm sinh nhưng chúng cũng có thể sống sót ở bất cứ chỗ nào có nước nhờ khả năng hô hấp của mình. Các họ cá phổi Protopteridae và Lepidosirenidae xây tổ trước khi đẻ trứng. Cá đực sẽ bảo vệ tổ cho đến khi trứng nở. Ấu trùng cá phổi có mang ngoài như lông vũ nhưng bộ phận này biến mất khi cá trưởng thành. Họ cá phổi Ceratodontidae không xây tổ mà đẻ trứng trực tiếp xuống đáy. Hồ nuôi cá phổi rất đơn giản, nền đáy có thể để trống hoặc bố trí bằng sỏi, cát hay đất sét. Có thể trồng nhiều loại thuỷ sinh khác nhau hay bố trí thêm đá, gỗ lũa với mục đích tạo nơi trú ẩn nhưng tránh bố trí các vật nhọn dễ gây thương tích cho cá. Nhiều loài cá khác nhau như cichlid, cá rồng, cá khổng tượng, khủng long có thể nuôi chung với cá phổi nhưng cần cân nhắc kích thước của các cá thể trước khi đem thả chung vào hồ vì cá phổi vốn là loài ăn thịt và hung dữ. Hồ cá phổi bố trí cây thủy sinh và đáy sỏi. Hồ cá phổi bố trí đá và gỗ lũa. Trong môi trường nuôi dưỡng có xuất hiện một số cá thể bạch tạng. Tuy nhiên những con cá bạch tạng rất hiếm và đắt tiền. Một con cá phổi châu Phi bạch tạng. Cá phổi châu Phi Có cả thảy 4 loài gồm: - Protopterus aethiopicus: loài này gồm có 3 phân loài là aethiopicus (còn gọi là cá phổi cẩm thạch - marble lungfish), congicus và mesmaekersi. Phân loài aethiopicus dài tối đa 2 mét, phân bố ở sông Nile và các hồ Victoria, Tanganyika. Chúng có lưng màu xám sậm, bụng màu hanh vàng hay tím với vô số chấm đen trên vây và thân. Các phân loài congicus và mesmaekersi dài tối đa 1 mét, phân bố ở lưu vực sông Congo. Cá phổi cẩm thạch Protopterus aethiopicus aethiopicus - Protopterus amphibius: hay cá phổi mang tua (gilled lungfish) phân bố ở Đông Phi (Somalia và Kenya). Loài này có kích thước tối đa 45 cm, vây ngực có tua như lông vũ với màng vây lớn. Thân màu xanh hay xám nhạt có điểm những chấm đen, bụng màu xám nhạt, đầu lớn và sậm màu với những đốm trắng. Cá phổi mang tua Protopterus amphibius. - Protopterus dolloi: hay cá phổi lá (slender lungfish) phân bố ở lưu vực sông Congo. Loài này có kích thước tối đa 130 cm, thân hình thuôn dài như cá chình. Thân có màu nâu, ở cá non có những chấm đen trên vây lưng và đường bên nhưng biến mất khi cá trưởng thành. Cá phổi lá Protopterus dolloi. - Protopterus annectens: đây là loài thông dụng nhất trên thị trường cá cảnh. Loài này gồm có 2 phân loài là annectens (cá phổi Tây Phi) phân bố ở vùng Tây Phi và brieni (cá phổi phương Nam) phân bố ở lưu vực các sông Congo, Zambezi và Limpopo. Các phân loài này có kích thước tối đa 1 mét. Cá phổi Tây Phi Protopterus annectens annectens. Cá phổi phương Nam Protopterus annectens brieni. Cá phổi châu Phi có thân hình dài giống như lươn và có loài lớn đến 2 mét. Chúng lớn rất nhanh nên hồ nuôi cũng cần phải có kích thước rộng tương ứng. Cá phổi nên được nuôi riêng từng con vì chúng là loài săn mồi và hung dữ. Các tiệm cá cảnh thường nhốt nhiều con cá phổi châu Phi nhỏ chung một hồ khiến chúng cắn lộn nhau nên thực tế rất khó tìm thấy con cá phổi lành lặn nào ngoài tiệm. Cá phổi châu Phi rất dễ nuôi vì chúng chấp nhận mọi loại nước nhưng tốt nhất là nước có độ pH trung hoà hay hơi acid. Hồ nuôi không nên trang trí vật có cạnh sắc. Cá rất phàm ăn, thậm chí ăn cả thức ăn viên (phải huấn luyện một chút). Nếu thức ăn quá lớn, chúng sẽ rỉa từng miếng nhỏ vì thế đừng nên cho rằng có thể nuôi chung cá phổi với cá khác quá to so với miệng của chúng! Cá phổi châu Phi có thể sống tiềm sinh khi không có nước. Chúng đào một lỗ dưới bùn và tiết ra một lớp vỏ và có thể sống trong đó lâu đến 2 năm. Tuy nhiên, không nên thử cố làm cá phổi của bạn rơi vào trạng thái tiềm sinh vì rất khó mà cung cấp các điều kiện thích hợp trong môi trường hồ nuôi. Quá trình đào hang và tiềm sinh của loài cá phổi phương Nam Protopterus annectens brieni vào mùa khô. Cá phổi Nam Mỹ Cá phổi Nam Mỹ (Lepidosiren paradoxa) có thể lớn đến 1.2 mét. Chúng cư ngụ trong các vùng đầm lầy nghèo ô-xy ở Nam Mỹ. Những vùng này thường bị khô hạn vào một giai đoạn trong năm và chúng sống sót bằng cách đào lỗ và chôn mình dưới bùn. Chúng không cần phải chuyển sang trạng thái tiềm sinh mặc dù trạng thái này có thể là một trong những nguyên nhân kích thích chúng sinh sản. Cá phổi Nam Mỹ có thể nuôi trong hồ cảnh giống như những loài cá phổi châu Phi khác. Chúng cũng cần được nuôi từng con vì là loài cá săn mồi dữ tợn. Hồ không cần phải trang trí nhưng nếu có thì nên tránh những vật nhọn. Nước có độ pH từ trung hoà đến hơi acid. Cá ăn tạp, chúng có thể ăn nhiều loại thức ăn khác nhau kể cả thức ăn viên. Đến nay, chưa có ai cho cá phổi sinh sản thành công trong hồ nuôi. Chúng sinh sản vào mùa mưa, cá đực làm tổ, sau đó bảo vệ trứng và cá con khỏi cá săn mồi khác. Cá bột nằm trong tổ khoảng từ 6-8 tuần. Cá phổi Nam Mỹ Lepidosiren paradoxa. Cá phổi châu Úc Cá phổi châu Úc (Neoceratodus forsteri) phân bố ở đông nam bang Queensland trong các dòng chảy chậm của các sông Burnett và Mary River. Chúng có mắt nhỏ, thân rộng và vảy lớn. Chúng có màu phớt xanh hay nâu có kèm những đốm đen. Cá phổi châu Úc (Neoceratodus forsteri). Cá phổi châu Úc có thể sống rất lâu và có thể dài đến 1.5 mét, cân nặmg 40 kg. Loài này nằm trong danh sách bảo vệ của CITES nhưng nhiều nhà lai tạo có giấy phép bán cá phổi ra thị trường tuy rằng việc xuất khẩu bị hạn chế một cách nghiêm ngặt. Cá phổi châu Úc rất đắt, giá bình thường khoảng 750 đô la một con. Cá phổi châu Úc chỉ có một lá phổi. Bình thường, cá thở qua mang nhưng có khả năng hô hấp một khi chất lượng nước và nồng độ o-xy giảm. Điều này cho phép cá phổi châu Úc sống sót ở những vùng nước rất chật hẹp. Cá phổi châu Úc nên được nuôi từng con riêng rẽ trong hồ rộng có độ pH trung hoà hay hơi acid. Chúng ăn đủ thứ từ môi trường tự nhiên như ếch nhái, nòng nọc, cá nhỏ, ốc, tôm tép và cả thực vật. Cá kiếm mồi nhờ đánh hơi vì mắt chúng rất kém. Chúng cũng có khả năng phát hiện sóng sinh học phát ra từ những loài khác nhờ thế mà chúng có thể săn mồi. Cá phổi châu Úc được lai tạo trong các ao nuôi ở Úc, hiện tại chưa có ai lai tạo thành công cá phổi châu Úc trong hồ cảnh. Chúng đẻ vào ban đêm, trứng nở sau 3 tuần. Cá bột phát triển rất chậm. Hình một trang trại lai tạo cá phổi ở Úc. Hồ được bố trí nhiều cây thuỷ sinh địa phương với ngăn lọc sinh học. Nhiều loài cá và tôm tép nhỏ được nuôi chung để làm thức ăn tự nhiên cho cá phổi. Tham khảo www.wikipedia.com www.waterwloves.com www.aquaticpredators.com www.primitivefish.com www.lungfish.info