Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red”; cá quỷ ấp miệng liền từ Amazon Lee Newman, 2001 - http://www.cichlidae.com/article.php?id=152 Cá đực Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red” trong hồ nuôi. Nhận dạng Theo Kullander (1989), Satanoperca leucosticta, được mô tả theo các chất liệu Suriname, phân biệt với các loài Satanoperca khác ở chỗ, có các đốm nhạt trên má và nắp mang. Kullander (1989), cũng báo cáo rằng S. leucosticta phân bố ở Guyana và Suriname; khu vực trũng phía bắc của Guiana Shield, vùng đông bắc Nam Mỹ. Trên thị trường cá cảnh, loài cá quỷ (demonfish) phổ biến nhất là loại mặt đốm (speckled-faced) – thường được đề cập như là “jurupari”; thể hiện những vạch trắng-xanh ở nắp mang và má. Theo kinh nghiệm của tôi, những cá này thường rất giống về ngoại hình với những con được xuất khẩu từ Colombia và Guyana. Chúng thể hiện những đốm trên má và nắp mang, những đường chỉ ngang, lượn sóng trên mõm và một hay hai hàng đốm sáng dọc theo chân của vây lưng. Tuy nhiên, cũng có những con bằng cách nào đó xâm nhập vào thị trường cá cảnh vốn thể hiện biến thiên đáng kể về hoa văn gồm đốm má và nắp mang, và các chỉ trên mõm. Một “biến thể” như vậy được thu thập bởi Erik và Kathy Olson ở Rio Amazonas, gần Manuas, Brazil, vào tháng ba 1999. Chúng được thu thập từ cá non, rất nhỏ, trung bình 30 mm TL. Theo kích thước của cá và thời điểm thu thập, chúng dường như thuộc lứa cá trong năm, có lẽ ra đời từ đầu mùa mưa 1999, mà ở vùng Manuas, vốn bắt đầu từ cuối tháng một. Sau này, vào tháng sáu, Erik và Kathy hào phóng tặng tám con cho công cuộc nghiên cứu của tôi về cá quỷ. Vào thời điểm tôi nhận cá, hầu như không thể xác định chúng có mặt đốm như S. leucosticta, hay như S. jurupari và thiếu các đốm ở má và nắp mang. Nuôi dưỡng Cá cái Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red” trong hồ nuôi. Tám con cá non được thả trong hồ 160 lít đổ đầy nước máy để hả (pH 6.5, KH <1 DH) và lọc bằng AquaClearTM 200 (với một tấm bông lọc và một lượng nhỏ san hô vụn để đệm pH). Đáy nền là cát mịn và một miếng gỗ ngâm được bỏ vào làm chỗ trú ẩn. Chiếu sáng được cung cấp bằng một bóng đèn tròn 25 w. Nhiệt độ được giữ ở khoảng 28 độ C. Chất lượng nước được duy trì bằng việc thay 50-75% nước hàng tuần và vệ sinh bộ lọc định kỳ. Cá nhỏ tăng trưởng ở tốc độ mong đợi, so với những loài và dạng Satanoperca khác, và ăn ngay mọi loại thức ăn được cho vào: trùng đỏ đông lạnh, bo bo đông lạnh, tấm, viên và trùn đất băm nhuyễn. Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red” đang bắt cặp trong hồ nuôi. Trong vòng nhiều tháng, cá non bắt đầu hiện đốm trên má và nắp mang. Phải công nhận, vào lúc này tôi đã vội kết luận rằng những con này có lẽ là loài ấp miệng trễ, như tất cả các bài viết phổ biến đều gợi ý. Trong nhiều năm qua, và xem lại những bài viết phổ biến kèm bằng chứng hình ảnh về cá quỷ trong diện nghi vấn, thì cá quỷ mặt đốm vẫn chứng tỏ là loài ấp miệng trễ. Dẫu có thời, tất cả cá quỷ đều được coi là loài ấp miệng trễ, thì S. jurupari, S. pappaterra và S. daemon lại không. Tuy nhiên, thành thục sinh sản ở những cá non này vẫn còn tương đối lâu và tôi tập trung vào nhiệm vụ đưa chúng đến đó. Tám con vẫn tiếp tục phát triển tốt theo chế độ chăm sóc ở trên. Tuy nhiên, chúng đã quá lớn so với hồ 160 lít và được chuyển, vào tháng 3 năm 2000, sang một hồ tương đối rộng rãi 360 lít và được duy trì theo cách tương tự với hồ 160 lít. Ngoại lệ là; lượng thay nước được tăng đến 75-80% mỗi tuần và chúng hiện chia sẻ hồ với sáu con Biotodoma cupido. Cá khá hòa đồng, dường như mong muốn, hay có thể, chấp nhận sự gần gũi với đồng loại. Ngoài việc những con cấp thấp thỉnh thoảng bị rách vây, không có sự hung hăng hay thiệt hại nào khác. Màu sắc hoa văn Vào thời gian chúng được chuyển qua hồ 360 lít, màu sắc hoa văn của chúng bắt đầu phát triển. Màu nền thân là ô-liu nhạt với những sọc đứng rất nhạt, thể hiện theo hành vi, rõ nhất ở lưng. Các đốm không sáng bằng những con “leucosticta” ở Colombia và Guyana, và có viền đỏ nhạt. Chúng cũng thể hiện màu đỏ nhạt ở môi và các đốm và vạch ánh kim đỏ tươi ở đuôi, vây bụng, vây hậu môn và vây lưng. Tuy nhiên, màu đỏ ở miệng và dạng đốm trên má và nắp mang dường như rất giống với con cá, được báo cáo từ Rio Xingu, đăng trên website của Pat Chefalo, Dự án “Jurupari” tại http://hometown.aol.com/pmchefalo/Xingu.htm. Bắt cặp và sinh sản Satanoperca cf. leucosticta đang bắt cặp. Vào tháng sáu năm 2000, con lớn nhất trong số tám con đạt gần 160 mm TL, và đã, có vẻ hơi hung hăng, nhất là về khía cạnh rượt đuổi, với sáu con Biotodoma cupido chung hồ. B. cupido được bắt ra và tám con cá quỷ được hưởng riêng hồ 360 lít. Rất nhanh chóng, thứ bậc (hierachy) được thiết lập; cá lớn hơn chiếm vị trí cao hơn và cá nhỏ hơn bị đẩy xuống vị trí thấp hơn. Thứ bậc rõ ràng làm phức tạp hóa việc phân phối đồng đều thức ăn. Việc đảm bảo chia đều cho tất cả là rất khó, điều dẫn đến sự khác biệt về kích thước giữa tám con mãi gia tăng. Vào tháng tám, tôi quyết định giảm nhóm tám con xuống thành bốn – tôi bắt con lớn nhất và những con nhỏ, đẹt ra. Để lại bốn con rất đều về kích thước, ba trong đó hầu như bằng nhau và một con hơi lớn hơn. Tôi không quan tâm đến tỷ lệ giới tính của nhóm mới bốn con – tôi vẫn khá tự tin rằng cả hai giới đều hiện diện. Với chỉ bốn con cá quỷ cỡ vừa trong hồ 360 lít, việc duy trì chất lượng nước là tương đối đơn giản – bằng cách thay nước nhiều, thường xuyên, pH giữ ổn định ở 6.5 và nồng độ nitrate không bao giờ vượt quá 5-10 mg/l. Trong vòng vài tuần sau khi bỏ bớt bốn con, một trong những con cá nhỏ bắt đầu rượt đuổi và biểu diễn trước cá lớn. Ở Colombian “leucosticta”, tôi thấy cá cái khởi đầu việc bắt cặp, nhưng trong trường hợp này, cá nhỏ rõ ràng thon hơn ở vùng bụng so với đối tượng gây chú ý của nó. Dựa trên bằng chứng ít chắc chắn, vùng bụng và tia mềm vây lưng kéo dài, tôi kết luận rằng mình đã giảm dân số xuống còn ba đực và một cái. Cá đực liên tục di chuyển từ đầu này đến đầu kia của hồ; ở một đầu nó cố dẫn dụ cá cái, bằng việc xòe tia mang dưới và diễn ngang, đến khi [cá cái] chịu ở lại, và tại đầu bên kia, cố gắng gây thuyết phục, bằng cách rượt đuổi và cắn đuôi hai con cá đực đến khi [chúng] rời đi. Hồ 360 lít có chiều dài 120 cm và chiều rộng 45 cm, dường như có thể cung cấp đủ không gian cho cá đực và cá cái để bắt đầu ghép cặp mà không gây thiệt hại nghiêm trọng đến những hàng xóm hết sức không thoải mái của chúng. Trong vòng vài ngày, cá cái rõ ràng chấp nhận ưu thế của cá đực và đáp trả màn trình diễn của nó bằng thái độ chấp thuận. Hành vi bắt cặp bao gồm diễn ngang (lateral display), xòe tia mang dưới (branchiostegal ray flaring) và đào nhại (mock digging). Đào nhại là khi mỗi con một lúc sục miệng vào cát rồi lắc đầu trong khi cát bay ra, từ cả miệng lẫn mang. Hành vi này được duy trì trong nhiều ngày khi sau cùng, tôi vô tình quan sát thấy cả đực lẫn cái đang sửa soạn địa điểm sinh sản. Địa điểm mà chúng chọn là một khúc ống PVC nhỏ màu trắng vốn được dùng để bịt cái lỗ mà tôi khoan trước đây ở đáy hồ. Hiển nhiên, bề mặt sạch, bóng, ẩn sau một mảnh gỗ ngâm và hoàn toàn ngoài “tầm chụp hình” là địa điểm lý tưởng nhất cho nhu cầu của chúng. Cá cái Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red” đang ấp miệng trong hồ nuôi. Việc sửa soạn địa điểm chỉ diễn ra một vài giờ đến lúc cá cái bắt đầu “lướt thử” trên chóp của khúc ống PVC. Cá đực tuy chú tâm nhưng vẫn thường bỏ đi để rượt đuổi hai con đực kia về góc xa của hồ. Chẳng may, hai con đực kia không dễ dàng bỏ cuộc trước con đực đã ghép cặp, bất kể sự tận tình mà chúng bị xua đuổi. Với cái đuôi tơi tả và lớp vảy bong tróc, hai con cá đực tiến vào lãnh địa sinh sản của cặp đôi mỗi lần cá đực đã ghép cặp trở về với cá cái – chỉ để bị đuổi ra xa lần nữa. Sau khoảng 10 đến 15 phút “lướt thử”, cá cái bắt đầu đẻ trứng màu nâu nhạt lên chóp ống PVC. Hoàn toàn không mong đợi, nó bèn quay trở lại ống PVC và hớp trứng vào miệng mình! Đây là con cá quỷ mặt đốm đầu tiên, theo chỗ tôi biết, thể hiện hành vi ấp miệng liền (immediate mouth-brooding). Trong khi sinh sản, rất khó để xác định tuần tự, về việc đẻ trứng và thụ tinh, phần lớn là sự phân tâm gây ra bởi sự quấy nhiễu của mấy con cá đực. Tuy nhiên, giữa những lần phân tâm, cá cái đẻ một hàng 10 đến 15 trứng không dính, rồi quay lại và ngay lập tức nhặt chúng lên. Cá đực lướt qua địa điểm chà ống tinh của nó dọc theo bề mặt và phóng tinh. Cá cái bèn quay lại và hớp tinh trùng vào miệng nó. Sau nhiều đợt lướt, cá cái dường như gặp khó khăn trong việc giữ trứng trong miệng mình, bằng chứng là mỗi lần nhặt mới, trứng đều rơi ra từ mang của nó. Việc này chỉ tổ cuốn hút đám cá đực thừa, chứ chẳng phải chúng đang chống lại cám dỗ để trứng rơi lên cát. Với những con đực thừa cố gắng ăn trứng rơi vãi, và cá đực đuổi chúng ra xa mỗi khi có cơ hội, quá trình sinh sản kết thúc sau gần một giờ. Bất kể mọi hoạt động liên quan đến ba con cá đực, cá cái dường như chẳng quan tâm, dồn tập trung chủ yếu vào nhiệm vụ đẻ và nhặt trứng. Nhiều giờ sau khi sinh sản, cá đực đã ghép cặp dường như không còn yêu thích cá cái nữa; trên thực tế, nó bắt đầu rượt đuổi cá cái. Trong khi cá cái dường như cố đứng ngoài việc tranh chấp thứ tự bầy đàn (pecking order), nó chẳng buồn tham gia với ba con cá đực – trong việc tái thiết lập thứ bậc. Cá đực vừa sinh sản xong trở thành con đầu đàn trong hồ và hai con đực khác sắp xếp theo kích thước, như trước đây. Với sự chú tâm thường trực từ cá đực, cá cái chỉ giữ ổ trứng trong hai ngày. Rồi nó ăn trở lại, và tái lập thứ bậc của mình trong bầy. Khoảng ba tuần sau, cá cái và cá đực lại bắt cặp. Chưa rõ cá đực ở cặp này có phải là con mà cá cái từng bắt cặp trong lần sinh sản đầu hay không. Tuy nhiên, lần này việc sử soạn địa điểm sinh sản hơi nhiều hơn một chút. Một cái hố lớn được dọn bên cạnh ống PVC được sử dụng trước đây. Chúng sinh sản trên ống PVC với sự theo dõi từ hai con cá đực thừa như đã mô tả ở trên. Một lần nữa, cá cái chỉ giữ ổ trứng trong hai ngày. Cá cái Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red” đang canh chừng cá bột bơi tự do của mình trong hồ nuôi. Nhiều tuần sau chúng lại sinh sản. Lần này tôi khá chắc rằng cá đực liên quan là con từ lần sinh sản đầu tiên. Tuy nhiên, trong quá trình sinh sản, tôi bắt hai con đực lẻ loi sang hồ khác. Hành động này dường như không tác động đến sự đam mê mà cặp cá thể hiện trong nhiệm vụ của chúng. Bằng việc loại bỏ hai con đực thừa và những phiền nhiễu liên quan, tôi nghĩ cá cái có khả năng giữ trứng đến cùng. Vẫn vậy, một khi sinh sản hoàn tất, cá đực bắt đầu rượt đuổi cá cái đang ấp trứng, dường như là hệ quả của việc cá mồi (target-fish) không hiện hữu để phân tán sự hung dữ của nó. Do đó, tôi bắt luôn cá đực và thả nó chung với hai đồng loại của mình. Lần này, cá cái giữ được ổ trứng trong ba ngày. Vào lúc này, tôi quyết định sử dụng hồ 360 lít cho một số loài cichlid khác và dời cá cái sang hồ 280 lít cùng với ba con đực. Hồ 280 lít cũng được bố trí tương tự như hồ 360 lít, ngoại trừ hai hộp lọc khí được sử dụng thay vì AquaClearTM 300. Trong vòng hai tuần, chúng sinh sản nữa, dẫu sau khi chúng sinh sản xong lần này, nhóm bốn con dường như khá hòa hợp. Cá cái được để yên trong hòa bình và lặng lẽ. Phải công nhận, mỗi ngày trôi qua tôi đều mong thấy cá cái ra phía trước và chính giữa vào giờ ăn, thay vì lui về sau bất kể cám dỗ trước mắt, nhưng nó vẫn giữ ổ trứng trong chín ngày. Nhận ra rằng nó có thể không chịu nhả cá bột gần nhóm ba con đực kiên quyết, không-chăm con (non-parental), tôi quyết định dời cá cái sang hồ ấp riêng, 160 lít. Hồ ấp được bố trí theo cách tương tự với hồ gốc 160 lít, ngoại trừ một hộp lọc khí được sử dụng thay vì AquaClearTM 200. Mực nước trong hồ 280 lít được hạ thấp khoảng 25% so với mức tối đa và cá cái được cẩn trọng lùa vào một hộp nhựa trong. Khi hãy còn dưới nước, nắp hộp được vặn vào rồi nhấc hộp ra khỏi hồ. Vào lúc này, cá cái mới nhận ra tình thế của mình, giãy đùng đùng và trong lúc đó phun ra cá bột trong hộp. Hộp nhanh chóng được đưa vào hồ ấp nơi mà cá cái và cá bột được thả ra. Trong vòng vài phút, cá cái đã thu hồi lại toàn bộ cá bột. Ngày hôm sau, cá bột chấp nhận Artemia mới nở như bữa ăn đầu đời của chúng. Trong nhiều ngày kế tiếp, cá cái dần phóng thích cá bột thường xuyên hơn, và trong thời gian dài hơn. Khác với Colombian “leucosticta” cái vốn được tôi quan sát trước đây, cá cái này chủ yếu phóng thích cá bột bằng cách phun chúng ra từ mang, ngược với từ miệng. Mặc dù số lượng lớn trứng được đẻ ra vào thời điểm sinh sản, có lẽ khoảng hai trăm, lứa cá chỉ còn khoảng 35 cá bột. Trong khoảng ba tuần, cá cái hớp cá bột vào miệng mình bất cứ khi nào đe dọa xuất hiện. Khi được cảnh báo, cá cái nhanh chóng hạ xuống đáy cát, mở miệng và từ từ lui về sau trong khi cá bột hối hả bơi vào miệng nó. Cá bột không được tái phóng thích cho đến khi cá cái cảm thấy yên tâm rằng mối đe dọa không gây nguy hiểm cho bầy con của nó. Khi cá bột lớn lên, chúng không được thu vào miệng cá cái vào ban đêm; thay vào đó chúng tụ thành một nhóm chen chúc trên một mảnh gỗ ngâm và nằm yên bên dưới đầu cá cái. Vào thời điểm cá bột được bốn tuần tuổi, cá cái không còn khả năng chứa tất cả chúng trong miệng mình nữa. Điều này dường như gây căng thẳng cho cá cái, bằng chứng là hoa văn sọc, đen và hành vi bơi lội lóng ngóng. Hành vi này dẫn đến quyết định dời cá cái khỏi hồ ấp và thả nó về cùng với số cá đực. Cá bột dường như chẳng quan tâm rằng “mẹ” đã biến mất, và bắt đầu tản mác ra khắp hồ. Cá bột dường như nhận ra trùng đỏ đông lạnh, bởi vì chúng được cho cá cái ăn trong hồ ấp, và nhanh chóng chấp nhận trùng đỏ băm nhỏ. Cũng bổ sung bo bo tươi sống và tấm nghiền (crushed flakes) vào khẩu phần. Ở bốn tuần rưỡi tuổi, cá bột đã hoàn toàn tập trung vào đáy nền, sục vài hạt cát mỗi lần trong khi liên tục tìm kiếm thứ gì đó ăn được. Cá cái Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red” đang ấp trong hồ nuôi. Khác đốm, khác loài? Có sự biến thiên đáng kể về màu sắc hoa văn ở các “dạng” hay “hình thái địa lý” cá quỷ mặt đốm được nhập khẩu bởi ngành kinh doanh cá cảnh và được thu thập từ các chuyến đi cá nhân. Dường như cũng có biến thiên về hình thức sinh sản ở nhóm cá quỷ dạng-leucosticta này. Mức độ biến thiên là đáng kinh ngạc dựa vào số địa điểm mà cá quỷ mặt đốm được thu thập, nhất là, ở bên ngoài địa bàn được mô tả của loài S. leucosticta. Ở Mesonauta và Geophagus (theo Kullander), nhiều “dạng” hay “hình thái địa lý”, trong một số trường hợp, được mô tả như là một loài mới. Nếu tình huống tương tự xảy ra với Satanoperca, thì dường như trong tương lai, chúng ta sẽ được thấy cả đống tên cá quỷ mặt đốm mới, mà hiện giờ chúng ta tiện tay gom vào “leucosticta”. Cho dù “sự phổ biến” tương đối của Satanoperca leucosticta, người yêu chuộng cá này được khuyên không nên tùy tiện chuyển một con mà họ nghĩ là “leucosticta” vào hồ; con cá nhút nhát ở góc hồ có lẽ là cá đốm của loài khác. Ghi nhận Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Erik và Kathy Olson ở Seattle, Washington vì đã hào phóng tặng bầy cá được đề cập đến trong bài viết này. Tham khảo Chefalo, Pat, 1996-2003. The "Jurupari" Project. http://hometown.aol.com/pmchefalo/juruproj.htm Kullander, S.O., Han Nijssen, 1989. "The Cichlids of Surinam, Teleostei: Labroidei". E.J. Brill, Leiden, The Netherlands. ======================================= Khảo sát các loài cá hải hồ Lựa chọn cá hải hồ phù hợp với hồ nuôi của bạn Cá hải hồ quỷ juruparoid Lai tạo Peruvian Satanoperca jurupari – Trường hợp ấp miệng liền Nuôi và lai tạo cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Satanoperca cf. leucosticta (Müller & Troschel) Cá quỷ mặt đốm Colombia Nuôi và lai tạo cá hải hồ đầu đỏ Geophagus steindachneri Heckel acara vây tua Acarichthys heckelii (Mueller & Troschel 1848) Gymnogeophagus balzanii Gymnogeophagus labiatus, 2001 Gymnogeophagus sp. “Rosario I”, loài mới từ Uruguay