Nuôi và lai tạo cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Lee Newman - http://www.cichlid-forum.com/articles/sat_daemon.php Giới thiệu Trong hơn mười bốn năm qua, tôi thỉnh thoảng nuôi S. daemon vào ba lần khác nhau. Lần đầu tôi nuôi sáu con trong khoảng ba năm mà trong thời gian đó chúng sinh sản vài lần, chẳng may không lần nào thành công. Tôi ngờ rằng thông số hóa học nước không thích hợp là nguyên nhân thất bại. Trong khi nước máy rất mềm và pH hơi acid, tôi chẳng chút khó khăn để giả lập điều kiện nước đen. Chẳng may, cả sáu con sau đó bị bệnh Phù Mỹ (Neotropical Bloat) do chất lượng nước sụt giảm trong thời gian tái xây dựng phòng nuôi cá. Vào lần thứ hai, tôi đang sống trong một căn hộ. Một lần nữa, tôi mua sáu con và mặc dù đã hết sức chăm sóc, chúng vẫn không sống sót. Sau cùng tôi phát hiện ra nguyên nhân là hàm lượng đồng quá cao trong nước máy. Sau đó, một số ống nước nóng trong căn hộ được thay và ngăn được ion đồng tự do vì nước máy mềm, acid. Mãi gần đây, tôi mua bảy con và nghiêm túc áp dụng tất cả những gì mà kinh nghiệm hai lần trước đã dạy tôi. Tôi cũng vận dụng những hiểu biết thu được từ thành công gần đây của mình với S. acuticeps – với kết quả chắc chắn. Nước, thành phần hóa học và chất lượng Satanoperca daemon được phát hiện trong môi trường nước đen ở Colombia và Venezuela với đặc điểm tầm pH từ 3.5 đến 5.3, gần như không có chút độ cứng nào và độ dẫn rất thấp. Vì điều kiện thủy hóa học (hydro-chemistry) khá cực đoan ngoài tự nhiên, nên những nỗ lực để lai tạo thành công S. daemon trong hồ cảnh của tôi buộc phải liên quan đến việc điều chỉnh hóa học nước. Vào lúc này, ít nhất cho đến khi thủy cục địa phương thực hiện lời hứa bảo vệ đường ống phân phối của họ bằng cách tăng pH và độ kiềm, thì nước máy Vancouver [Canada] vẫn cực mềm và pH chỉ nhỉnh hơn mức trung hòa. Với những ai đang nuôi cá nước đen (blackwater), nó hiện cũng có điểm thuận lợi nhờ độ kiềm rất thấp. Hạn chế duy nhất nghiêm trọng và rõ ràng với nguồn nước máy là tác dụng đã nói lên hệ thống ống dẫn bằng đồng. Ngay sau khi chuyển đến một căn nhà, với nỗ lực hạn chế tác dụng này, tôi xây dựng một hệ thống lưu trữ và xử lý nước khá đơn giản. Nước máy được cho chảy qua hai cột Cupri-Sorb thẳng đứng, môi trường chelating kim loại của Seachem, rồi đi vào bốn thùng plastic chất lượng-thực phẩm (food-grade) 55 gallon vốn được sưởi và sục khí. Bốn thùng plastic được thông nhau với một máy bơm để phân phối nước đã xử lý đến hồ nuôi thích hợp trong quá trình thay nước. Về thành phần hóa học của nước máy, tôi thấy không nhất thiết phải tốn tiền cho hệ thống khử ion (de-ionization) hay lọc thẩm thấu ngược để đạt được thông số mà tôi mong muốn. Thay vào đó, tôi chọn hướng tiếp cận đơn giản (low-tech) để tạo ra nước đen giả lập thích hợp: mùn rêu (peat moss). Việc sử dụng mùn rêu trong những ứng dụng như thế này được ghi nhận rõ trong các tài liệu về thú chơi. Theo Gargas (1998), mùn rêu làm hạ độ cứng, giảm độ dẫn và chủ yếu hạ pH qua việc trao đổi các ion Hydrogen (H+) với các cation khác như can-xi và ma-nhê. Tôi chỉ đơn giản đặt một túi lọc chứa đầy mùn rêu chưa luộc vào dòng thổi của bộ lọc công suất. Kết hợp với việc bổ sung một số “nước mùn” – tức nước luộc mùn rêu – cần vài ngày để pH rớt xuống tầm 4.5 – 5.0. Trong khi tôi ngờ rằng mùn rêu trong túi lọc cũng có thể ảnh hưởng đến độ cứng, tôi không thử đo nó, bởi nước máy vốn đã rất mềm (< 5ppm CaCO3). Tôi cũng không đo và ghi chú thay đổi về độ dẫn, thay vào đó, dựa vào việc thay nước nhiều, thường xuyên (và mùn rêu) để ngăn ngừa bất kỳ sự “tích tụ độ dẫn” nào đến từ các hoạt động trong hồ cá (cho ăn, thải phân, bay hơi và những thứ tương tự). Mùn có thể hơi lộn xộn và vướng víu trong những ứng dụng như thế này, nhưng lại tương đối an toàn và là phương pháp ít tốn kém để giảm độ cứng, độ dẫn và pH cho việc nuôi các loài cá nước đen. Việc duy trì chất lượng nước thích hợp là dễ dàng – Tôi chỉ thay 70-80% nước sau mỗi 10-14 ngày. Có thể hay không thể phòng ngừa? Việc nuôi dưỡng S. daemon từng được mô tả một cách trìu mến như là “bom hẹn giờ tí hon” rằng sẽ nhanh chóng “sưng phù và chết” mà không hề có lý do, rõ ràng liên quan đến sự nhạy cảm đáng chú ý với bệnh Phù Mỹ (Neotropical Bloat). Quan điểm phổ biến nhất vê nguyên nhân gây bệnh là chất lượng nước suy giảm và mọi nỗ lực chữa trị đều nhắm đến việc xác định mầm bệnh (pathogen) và lựa chọn cách hóa trị thích hợp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, hóa trị có tác dụng hạn chế, mặc dù một số thành công trong việc sử dụng Naladixic acid hay Metronidizole được thông báo, đơn giản là vì không thể tìm ra mầm bệnh. Chẳng có mấy công trình giá trị được tiến hành trên bệnh Phù Mỹ và nguyên nhân chính xác có lẽ ẩn dấu trong một loạt phản ứng sinh lý trước căng thẳng môi trường. Satanoperca daemon cũng rất nhạy cảm với bệnh lở mút đường bên (neuromast pitting). Một số người còn gọi là “bệnh lủng đầu”, nhưng đó thực sự là tình trạng rất khác. Trong khi “bệnh lủng đầu” điển hình thể hiện những lỗ như các miệng núi lửa tí hon trên đầu cá, thì bệnh lở mút đường bên thể hiện sự hoại tử (necrosis) hay chết của các biểu mô xung quanh mút cảm nhận (neuromast) ở đầu. Nó bắt đầu từ những lỗ bé xíu như đầu kim và nếu cứ để vậy, dần nặng hơn, gây biến dạng, và đôi khi làm chết cá. Nó dường như rất giống với “bệnh” ảnh hưởng đến nhiều loài cá biển, bệnh lở đầu và đường bên (Head and Lateral Line Erosion, hay HLLE). Trong các tài liệu về thú chơi, có một vài bài viết gần đây thảo luận về việc nhận dạng, mô tả, nguyên nhân và điều trị bệnh HLLE (Hemdal 2003, Bartelme 2003). Dẫu hầu hết công trình của họ đều về cá biển, đa phần những gì họ nói đều có thể áp dụng cho cá nước ngọt. Đặc biệt, giải thuyết của Bartelme về HLLE ở cá biển thực sự là một bệnh tự miễn, một trục trặc của hệ thống tự miễn, được thúc đẩy bởi sự căng thẳng kéo dài. Tôi ngờ rằng, cùng với một số nguyên nhân phát sinh khác, bệnh lở mút đường bên ở S. daemon (thực ra tất cả cá nước ngọt đều bị nhiễm) cũng tương tự, một phản ứng sinh lý với căng thẳng môi trường. Chất lượng nước suy giảm có lẽ là dạng căng thẳng môi trường phổ biến nhất đối với S. daemon trong môi trường hồ nuôi. Chẳng may, tiên lượng phục hồi toàn diện là rất nhỏ. Trước hết bạn phải tìm ra nguyên nhân gây căng thẳng rồi thực hiện các bước cần thiết để loại bỏ nó. Rồi mới có thể xác định các bước cần làm điều chỉnh chức năng của hệ miễn dịch. Cách đây khá lâu, tôi đã học được cách đáng tin cậy để giữ cho S. daemon khỏi bị lở. Sử dụng hồ lớn nhất có thể, giữ pH, độ cứng và độ dẫn thấp, duy trì chất thải ở mức thấp cũng như thay nước thường xuyên, cho ăn khẩu phần phù hợp (sẽ nói rõ ở phần sau), nuôi chung với những loài thích hợp, nếu có, và đừng nuôi quá nhiều. Tôi cũng xin bổ sung, trong khi bạn có thể nuôi S. daemon ở môi trường nước rất trung hòa, nhưng việc này có lẽ khiến cho cá nhạy cảm hơn. Tôi thấy phòng ngừa là chế độ điều trị lâu dài tốt hơn nhiều với các vết lở không thể nhìn thấy của bệnh lở mút đường bên. Cá lớn, mồi nhỏ Thật đáng tiếc, nhiều S. daemon được nhập khẩu cho mục đích kinh doanh được cung cấp, và do đó buộc phải chấp nhận, một khẩu phần nhân tạo vốn thường được áp dụng cho các loài cichlid với kích cỡ tương tự. Nó thường khác xa với những gì được coi là sự thay thế phù hợp cho thức ăn ngoài tự nhiên và nhiều con đơn giản không thể thích nghi với chế độ như vậy. Khẩu phần của cichlid hoang dã (phân tích thức ăn trong dạ dày) hiếm khi nào được công bố trong các tài liệu về thú chơi. Dĩ nhiên, ý tưởng là sử dụng kết quả phân tích thức ăn trong dạ dày của cá hoang để xây dựng khẩu phần thích hợp cho cá nuôi hồ. May thay, trong một số trường hợp, thông tin đã có sẵn; bạn chỉ mất công tìm kiếm một chút. Tôi từng thực hiện nghiên cứu đó trong nỗ lực nuôi dưỡng thành công loài S. acuticeps, tìm các phát biểu về hành vi ăn uống của nhiều loài Satanoperca trong mô tả khoa học của S. lilith (Kullander & Ferreira, 1988). Dẫu S. daemon không nằm trong số đó, dường như có lý do để đặt giả thiết, dựa vào hình thái (morphological) và phân đoạn (meristic) tương tự giữa S. daemon và S. lilith, rằng có lẽ cả hai cũng tương tự về chế độ dinh dưỡng. Cũng trong mô tả về S. lilith của Kullander và Ferreira năm 1988, là một đoạn về phân tích thức ăn trong dạ dày. Họ báo cáo rằng thành phần thức ăn chủ yếu vào mùa lũ là Cladocera (bo bo, “water fleas”), Ostracoda (tép hạt, seed shrimp) và Conchostraca (tép trai, clam shrimp), con lớn nhất dài không quá 10 mm (1/2 inch), và ấu trùng thủy sinh của Diptera (bộ ruồi, true flies), Coleoptera (bộ cánh cứng, beetles) và Trichoptera (bộ cánh lông, caddisflies). Các thành phần được tiêu thụ vào mùa khô chủ yếu là côn trùng và thực vật. Thông điệp rút ra ở đây không có nghĩa rằng, bạn cần cố gắng nuôi tép hạt với số lượng nhiều, lớn, mà là, dù với kích thước trưởng thành tương đối lớn của S. lilith, nó lại dùng loại thức ăn nhỏ một cách đáng ngạc nhiên. Ngoài tự nhiên, S. lilith và S. daemon đạt kích thước trưởng thành tương đương – khoảng 12 inch (chiều dài chuẩn). Trong hồ nuôi, khẩu phần hoang dã của S. lilith dường như dễ xây dựng; trùng huyết (bloodworm) đông lạnh đáp ứng thành phần ấu trùng của côn trùng và artemia đông lạnh dường như là cách tốt để bổ sung thành phần giáp xác vào khẩu phần. Khẩu phần gel chế biến-tại gia, theo cuốn Enjoying Cichlids (Konings 1993) và được áp dụng thành công trên S. acuticeps (Newman 2001) được tính tới bởi vì nó bao gồm những phần tử (particles) rất nhỏ và kết hợp các thành phần giáp xác cũng như thực vật. Như mong đợi, nhóm bảy con S. daemon mới về nhanh chóng chấp nhận khẩu phần gel. Gần đây, tôi tiếp xúc với một nhà nghiên cứu tại Texas A&M University người từng bỏ thời gian nghiên cứu thực địa về hành vi kiếm mồi, và khẩu phần của S. daemon hoang dã. Trong thư tín cá nhân, ông mô tả gần 300 con từ cá non rất nhỏ cho đến cá trưởng thành hoàn toàn, thành phần thức ăn chính là ấu trùng muỗi lắc Chironomid – tức trùng đỏ. Ông do đó gợi ý rằng trùng đỏ nên chiếm một tỷ lệ quan trọng trong khẩu phần của S. daemon nuôi hồ. Bằng chứng là, nghiên cứu thức ăn trong dạ dày lý giải cho đam mê mà S. daemon thể hiện với trùng đỏ mặc dù có cả một danh sách các tay chơi cichlid giỏi giang thường tuyên bố ngược lại. Satanoperca daemon trong hồ cảnh Tôi mua một nhóm gồm bảy con vào tháng mười năm 2001. Vào lúc đó, tất cả chúng được khoảng 2-2.5 inch (chiều dài chuẩn) và ở trong tình trạng tương đối tốt. Tôi thả chúng vào hồ riêng 90 gallon được trang trí bằng đáy nền cát mịn và một số mảnh gỗ đầm (water-logged). Hồ được vận hành bằng hai hộp lọc khí (air-driven box filters), thể tích lớn, nạp một ít chất đệm pH (vụn san hô) với bông lọc (floss) và chỉ chiếu sáng nhẹ. Độ pH biến đổi nhẹ giữa 5.5 và 6.0, kH thấp hơn 5 ppm (CaCO3) và nhiệt độ được duy trì giữa 82 độ F và 86 độ F. Trong vòng vài giờ sau khi thả, bảy con háo hức ăn trùng đỏ. Dẫu được nuôi riêng, cá không hề nhút nhát hay ẩn lánh chút nào. Trên thực tế, chúng nhanh chóng học hỏi để kết hợp sự xuất hiện của tôi trước hồ với việc được cho ăn và thường chen lấn trên mặt nước để giành ăn. Trong những tháng kế tiếp, với việc vệ sinh bộ lọc thường xuyên và thay 80% nước mỗi hai tuần, cá tăng trưởng tốt. Vào tháng 8 năm 2002, tôi chuyển chúng vào hồ 180 gallon. Khác biệt về kích thước giữa bảy con rất nhỏ; tất cả đều khoảng 4.5-5 inch. Hồ lớn được trang trí bằng cát SILCA trắng, mịn với hai mảnh gỗ đầm và chạy bằng một bộ lọc AquaClear 500, gắn hai tấm bọt biển (foam) và hai hộp lọc khí nạp một lượng nhỏ chất đệm pH (vụn san hô) và bông lọc. Một bóng đèn huỳnh quang trắng cung cấp độ sáng nhẹ trong khoảng 12 giờ mỗi ngày. Việc thay một phần lớn nước (70-80%) và vệ sinh bộ lọc được thực hiện sau mỗi hai tuần. Thông số hóa học nước rất giống với hồ nhỏ trước đó. Vào tháng 4 năm 2003, bảy con đạt đến xấp xỉ 8-9 inch (chiều dài chuẩn). Chúng cũng thể hiện giới tính rõ ràng. Những con cá đực hơi lớn hơn, nhưng rất đáng chú ý, so với cá cái, vốn thể hiện rõ ràng vùng bụng đầy đặn. Dường như tôi có bốn đực và ba cái. Vào một buổi sáng cuối tháng 4, có điều gì đó tác động khiến cá chạy quáng quàng khắp hồ và lao vào thành hồ. Chẳng may, một con đực không thể phục hồi sau biến cố. Trong khi tôi đang buồn vì mất một con, nhưng việc chỉ còn lại ba đực và ba cái – rõ ràng là một tỷ lệ tuyệt vời theo ý tôi để sinh sản thành công. Sinh sản mặt đáy cải tiến Vào đầu tháng 5, tôi để ý thấy hai con, một dài và thon hơn con còn lại, bỏ nhiều thời gian cùng nhau ở gần đáy. Trong vài ngày tiếp theo, cặp cá bắt đầu dọn dẹp một cái hố và thể hiện sự hung dữ với bốn con còn lại – thường để mặc chúng đến vùng nước cao hơn khoảng 24 inch. Vào ngày 10 tháng 5, toàn bộ đáy nền của hồ 180 gallon được dọn sạch trơ ra cả kiếng và một hố cát lớn nằm sát mặt kiếng trước. Trông như thể chúng đang cố chôn một hộp lọc khí! Vào ngày 11 tháng 5, tôi đi làm về đúng lúc cá cái chất trứng lẫn với đá trong hố ở một đầu hồ. Thật ấn tượng, trứng được rải theo cách tương tự như cá hồi (Oncorhynchus spp.)! Không giống với các loài Satanoperca khác (kể cả S. acuticeps) khi mà trứng được đẻ trên bề mặt qua tiếp xúc trực tiếp với vòi trứng (ovipositor), cá cái đẻ một chùm trứng bằng cách rải đều đặn ở khoảng cách một hay hai inch bên trên địa điểm đẻ! Không may, sự kiện chẳng tồn tại được lâu. Cá đực, thay vì bảo vệ cá cái và địa điểm đẻ trứng, lại bận rộn ăn trứng cũng nhanh như khi chúng được rải ra. Bốn con khác cũng góp phần vào sự hỗn loạn bằng nỗ lực khá thành công trong việc xơi số trứng mới đẻ. Trong vòng vài giờ, trông như thể chẳng có gì xảy ra – ngoài việc cá cái thon thả đi nhiều. Ba tuần sau, vào ngày 31, một ngày trước khi tôi phải đi công tác trong một tuần, cặp cá lại đẻ nữa. Dẫu tôi đã chuẩn bị hồ cho bầy cá trương lai bằng cách dời bốn con kia đi, theo lời khuyên của bạn tôi Alf Stalsberg, từ Na Uy, gợi ý rằng cặp cá cần sự riêng tư để hoàn tất quá trình sinh sản một cách thành công, nhưng thời điểm nằm ngoài dự định của tôi! Lần này cá cái đẻ lên một chỗ lõm trên khúc gỗ đầm. Dù tôi không thực sự chứng kiến quá trình đẻ, rõ ràng là cá cái không thể đẻ trực tiếp vì kích thước và độ sâu của chỗ lõm. Một số trứng cũng vương vãi trên khúc gỗ và ít nhiều dính lên bề mặt của nó. Trứng ở chỗ lõm cũng được bao phủ bằng những mảnh gỗ nhỏ và cá đực và cá cái đang thay nhau quạt trứng. Ngày hôm sau tôi đi công tác để vợ tôi, Lisa, ghi chép chi tiết khi chúng thể hiện. Lisa quan sát thấy cặp cá không che đậy trứng sau hai ngày và dường như dời trứng sang địa điểm khác trong hố. Tuy nhiên, sau vài ngày, cặp đôi trở lại hoạt động bình thường và không quan tâm đến địa điểm đẻ trứng hay hố nữa. Vào ngày 23 tháng 6, cặp cá lại đẻ nữa trong chỗ lõm cũ trên khúc gỗ và tôi may mắn được chứng kiến quá trình. Một vài ngày trước đó, cá cái đã thể hiện sự yêu thích với chỗ lõm và thường được thấy đang dọn dẹp cát và rác ra khỏi đó. Cái hố, vẫn chiếm trọn toàn bộ đáy nền của hồ 180 gallon, cũng nhận được một chút quan tâm, chủ yếu là cá đực khi nó cố gắng một cách vô ích để chất cát cao hơn về phía mặt kiếng trước. Sau vài lượt thử không kết quả, cá cái được thấy rải trứng lên chỗ lõm, khoảng 20-25 lần. Dòng nước từ AquaClear 500, thường xuyên đẩy một số trứng ra khỏi chỗ lõm và nằm trên mảnh gỗ. Những trứng này dường như có keo dính, nhưng dường như cũng dễ được cá cha mẹ di dời. Cá đực thường xuyên lướt trên chỗ lõm, có lẽ để thụ tinh cho trứng. Quá trình sinh sản thực sự rất ngắn gọn, chỉ kéo dài khoảng 15-20 phút, chứ không như thường thông báo đến một giờ hay hơn. Rồi sau khi cá cái rải trứng, cặp cá chọn một mảnh gỗ nhỏ (~ 1 inch) đâu đó trong hồ và đặt vào chỗ lõm, bên trên trứng. Tới đây, có một vài khác biệt thú vị giữa S. daemon và S. acuticeps. Trong trường hợp này, S. daemon được thấy là rải trứng, thay vì ở S. acuticeps khi trứng được đẻ trực tiếp lên địa bàn sinh sản. S. daemon cũng đậy trứng bằng chất liệu tượng đối lớn, trong khi S. acuticeps chỉ đậy trứng bằng một lớp cát mịn (mặc dù những mảnh gỗ nhỏ có sẵn cả đống). Ngay sau khi cá lớn đậy trứng, chúng bắt đầu thay nhau quạt. Dẫu cá đực có tham gia, nhưng cá cái rõ ràng thực hiện phần lớn công việc. Cá đực được cho phép quạt trứng thường xuyên, nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, khoảng 10 giây. Chúng quạt trứng trong hai ngày và vào ngày thứ ba sau khi đẻ, trứng nở và cặp cá dỡ ấu trùng. Chẳng may, sự quạt mạnh của cá lớn (khoảng 8-9 inch) khiến một số ấu trùng “dạt” ra khỏi chỗ lõm, trong khi cá cái thu hồi con non và nhả chúng về chỗ lõm thì cá đực đơn giản ăn luôn chúng. Lo sợ cá đực ăn sạch ấu trùng, tôi bèn can thiệp. Tôi dự định chỉ hút khoảng một nửa bầy vào một cái lọ lớn, nhưng sau cùng đành bắt toàn bộ ấu trùng. Tôi không thể nhìn rõ chỗ lõm và hoàn toàn đánh giá sai hiệu quả của ống siphon! Ấu trùng trải qua 4 ngày trong lọ, vốn được đậy bằng một cái lưới và thả chìm trong hồ 180 gallon ở phía trước dòng thổi của AquaClear 500 để đảm bảo đủ tuần hoàn. Ấu trùng bơi tự do vào ngày thứ năm, ngay sau khi được chuyển tới hồ 15 gallon vốn được bố trí nổi trong hồ 180 gallon. Nhiều giờ sau đó, chúng bắt đầu bơi tự do, và lần đầu trong đời chúng ngấu nghiến ăn ấu trùng Artemia mới nở. Trong vòng vài ngày, tôi dần vỡ lẽ rằng mình đã phạm một sai lầm khủng khiếp. Toàn bộ tự tin nhờ thành công trong việc bắt cá bột S. daemon bị phủ bóng bởi thực tế phũ phàng rằng tôi nhanh chóng cạn hết không gian và không chừng phải đổ đầy tầng hầm nếu tất cả chúng đều sống sót. Cá bột ăn ngấu nghiến tất cả artemia mà tôi có thể ấp nở và bắt đầu chật chội trong hồ 15 gallon, vì vậy tôi di dời chúng sang hồ 34 gallon, bố trí đáy cát mịn và đổ đầy nước từ hồ 180 gallon. Một hộp lọc khí đơn giản gắn bông lọc được dùng cho hồ cá bột mới này. Một lần nữa ở đây, có một vài khác biệt giữa S. daemon và S. acuticeps. Trong khi cá bột mới bơi tự do của S. acuticeps dường như lần đầu khó ăn ấu trùng artemia mới nở, thì cá bột S. daemon lại không gặp vấn đề gì. Chúng dường như cảm nhận được rằng thứ gì nhỏ bé cọ quậy trong nước đều là thức ăn. Cũng vậy, trong khi cá bột S. acuticeps rõ ràng ở tầng nước trên trong nhiều tuần trước khi phát triển sự yêu thích đáy nền. Thì cá bột S. daemon, ngược lại, dường như biết ngay rằng cái mõm nhọn tí xíu của chúng được dùng vào việc gì và bắt đầu chuyển đổi vào ngày thứ ba sau khi bơi tự do. Sau vài tuần ở hồ 34 gallon, tôi dời cá bột S. daemon sang hồ 72 gallon, bố trí cùng kiểu với hồ 34 gallon, nhưng có thêm hộp lọc khí. Sau này khi cá lớn, tôi bổ sung thêm một bộ lọc AquaClear 300 vào hồ. Tại thời điểm chúng được dời qua hồ 72 gallon, tôi không thể cho chúng ăn toàn ấu trùng Artemia mới nở nữa, và vì vậy, bắt đầu quá trình luyện chúng ăn những món thuận tiện hơn mà tôi có thể cung cấp thoải mái. Một lần nữa, khác với cá bột S. acuticeps vốn khó cai ấu trùng Artemia, cá bột S. daemon chấp nhận ngay vụn tấm mịn và khẩu phần gel. Vào khoảng 10 tuần tuổi, cá bột được thả (sau vài lần di dời bao gồm các hồ 90 và 72 gallon) lại hồ 180 gallon nơi chúng ra đời từ trứng. Sáu con trưởng thành được dời qua hồ 275 gallon. Trong khi di dời, cá bột được đếm – có 169 con. Tôi bị mất vài con chủ yếu bởi vì mình không thay đủ nước trong các hồ tăng trưởng. Tuy nhiên, ngay khi tôi thay đủ nước thì tử vong dừng lại. Tôi cũng cố hết sức để duy trì thông số nước cực đoan mà cha mẹ chúng đã ra đời từ đó, bằng cách giữ cho pH dưới 5.0. Ở 12 tuần tuổi sau khi bơi tự do, cá bột bắt đầu lên đốm (blotch) đường bên và các hàng và đốm lục trên đầu ở kích cỡ 1 inch. Cá quỷ hấp dẫn Không ngạc nhiên khi S. daemon hấp dẫn những ai yêu chuộng cá cichlid Nam Mỹ. Với các đốm đen nổi bật, một phần đuôi đỏ au và vây lưng kéo dài tha thướt; nó là loài đặc biệt duyên dáng. Tuy nhiên, bất chấp thực tế rằng S. daemon đã trở thành một trong những loài geophagines được nuôi phổ biến nhất, nó vẫn được coi là khó nuôi và thực sự là thách thức để sinh sản thành công trong hồ cảnh. Trên thực tế, kể từ lần xuất bản đầu tiên năm 1987 (Eckinger 1987), chỉ có vài báo cáo bổ sung. Hầu hết nêu sự nhạy cảm với bệnh “Phù Mỹ” do chất lượng nước sút giảm là nguyên nhân chính gây ra thất bại. Vẫn vậy, sau khi khi trải qua thập kỷ trước, và rồi một số người cố tìm cách sinh sản S. daemon, tôi không đồng ý rằng chỉ cần thay nước nhiều, thường xuyên là đủ: mà thành phần hóa học nước và một khẩu phần thích hợp cũng quan trọng tương đương. Ghi nhận Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã góp phần vào nỗ lực của tôi với S. daemon: Wayne Leibel, Mike Boyle, Dean Hougen, Martha Clark, Tom Wojtech, Alf Stalsberg, Hernan Fernandez Lopez và vợ tôi Lisa. Tham khảo Bartelme, T.D., 2003. Hypothesis of Head and Lateral Line Erosion in Fish. Freshwater and Marine Aquarium Magazine, 26(9-11). Eckinger, D., 1987. Nachtsucht von "Geophagus" daemon. DCG-Info 18(7): 132-134 Gargas, J., 1998. A Time-Honored Water Treatment - Peat. Tropical Fish Hobbyist, Vol. XLVII, No. 1 (#511) September 1998: 92-97. Hemdal, J., 2003. Head and Lateral Line Erosion; what we know about HLLE in aquarium fish. Aquarium Fish Magazine, 15(4): 28-35. Konings, A., 1993. Enjoying Cichlids. Cichlid Press, Germany. Pp. 240. Kullander, S.O. and E.J.G. Ferreira, 1988. A new Satanoperca species (Teleostei, Cichlidae) from the Amazon River Basin in Brazil. Cybium12(4): 343-355. Newman, L., 2001b. Satanoperca acuticeps (Heckel 1840): The Pointy-Headed Demonfish. Buntbarsche Bulletin 207: 1-11. ======================================= Ghi chú *Cá hải hồ còn gọi là cá quan đao, ông già là những loài cichlid “ăn đất” (eartheater) thuộc phân họ Geophaginae; theo giới chơi cá cảnh, chúng bao gồm các chi Acarichthys, Biotodoma, Geophagus, Guianacara, Gymnogeophagus và Satanoperca (các chi còn lại trong phân họ này là dwarf cichlid, tức những con cá nhỏ như phượng hoàng Mikrogeophagus ramirezi). Cái tên “eartheater” được đặt dựa vào hành vi sục đáy để tìm mồi mà chủ yếu là ốc và ấu trùng của các loài côn trùng. Chúng có mõm dài, mắt lồi, cổ họng (buccopharyngeal apparatus) thích hợp cho việc tách thức ăn từ bùn, và trên thân có vô số những điểm lóng lánh ánh kim mà chúng sẽ hoà lẫn với đáy khi nhìn từ trên xuống *Cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (daemon=demon=quỷ, spotted demon= quỷ đốm) còn gọi là cá hải hồ ba đốm (three-spotted eartheater). *Trùng huyết (bloodworm) là ấu trùng tức “lăng quăng” của con muỗi lắc hay ruồi nhuế Chironomidae (non-biting midge). Rất nhiều người thấy chữ “worm” nên gọi là “trùn”, cách gọi này tuy phổ biến nhưng lại thiếu chính xác; “trùn huyết” trong tiếng Việt nghĩa là “trùn chỉ” (tubifex worm)! ======================================= Khảo sát các loài cá hải hồ Lựa chọn cá hải hồ phù hợp với hồ nuôi của bạn Cá hải hồ quỷ juruparoid Lai tạo Peruvian Satanoperca jurupari – Trường hợp ấp miệng liền Cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Satanoperca cf. leucosticta (Müller & Troschel) Cá quỷ mặt đốm Colombia Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red”; cá quỷ ấp miệng liền từ Amazon Nuôi và lai tạo cá hải hồ đầu đỏ Geophagus steindachneri Heckel acara vây tua Acarichthys heckelii (Mueller & Troschel 1848) Gymnogeophagus balzanii Gymnogeophagus labiatus, 2001 Gymnogeophagus sp. “Rosario I”, loài mới từ Uruguay