Gymnogeophagus labiatus, 2001 Marcelo Casacuberta, 2001 - http://www.cichlidae.com/article.php?id=174 Cặp Gymnogeophagus labiatus trong hồ nuôi. Một trong những loài cichlid xinh đẹp và khó kiếm nhất vốn được phát hiện ở Uruguay, không nghi ngờ gì, là Gymnogeophagus labiatus. Tên khoa học của loài này rõ ràng chỉ đến cặp môi dày và sưng mọng, được cho là giúp chúng tìm thức ăn nơi đáy nền tối tăm. Mặc dù là loài cá lớn, cá đực đạt đến 17 cm, nó khá nhút nhát và không quá hung dữ nếu so sánh với những loài cichlid Nam Mỹ khác. Trên thực tế, tôi không đề nghị nuôi chung với những loài gai góc hơn, chẳng hạn như Cichlasoma facetum hay G rabhdotus. Cá đực thành thục sinh sản phát triển một cá gù lớn, và thể hiện đầu vàng cam xinh đẹp, với một sọc đứng màu đen, chạy từ mắt đến mang trước (anterior operculum). Các vảy lam ngọc khiến lườn cá lấp lánh. Cá đực có các đốm lam tươi sáng điểm trang cho phần đầu, nhưng đặc điểm hấp dẫn nhất là vây lưng và đuôi được điểm trang bằng những sọc đỏ và lam tươi sáng. Cá cái nhỏ hơn nhiều, cỡ phân nửa kích thước cá đực và thiếu màu sắc tươi sáng. Cá cái thể hiện một số sọc đứng, rộng màu đen trên nền nâu nhạt. Một đốm đen lớn hiện rõ ở giữa thân, và sọc mắt đậm hơn nhiều so với cá đực. Vây lưng của chúng ngắn và tròn hơn, chỉ phảng phất màu đỏ và xanh. Nhìn chung, G. labiatus tương tự Gymnogeophagus gymnogenys nhưng có thân hình thon dài hơn (nhất là cá đực) và màu chủ đạo của chúng là lam và lục trong khi G. gymnogenys có xu hướng thể hiện các màu vàng, đỏ và cam ở vảy và vây của chúng. Mặc dù cả hai loài có thể được phát hiện ở cùng nhau, G. labiatus dường như chuộng vùng có đá hơn, trong khi các anh em họ của chúng hầu như được phát hiện ở vùng đáy cát. Ở Uruguay, G. labiatus được phát hiện ở miền bắc, và có tầm phân bố hạn hẹp, chủ yếu ở sông Yaguaron (khu vực Centurion) và ở các hệ thống sông Olimar và Yi. Vốn khó kiếm, chúng hiếm khi được nuôi bởi người chơi cá cảnh và do đó, hiểu biết về chúng và hành vi sinh sản của chúng là rất ít. Loài này cũng được phát hiện ở Brazil, nhưng ở Uruguay (phân bố thấp nhất về phía nam của loài) chúng thích nghi với điều kiện cận nhiệt đới, với nhiệt độ xuống khoảng 12 độ C vào mùa đông. Chúng chia sẻ địa bàn với những loài cichlid khác, bao gồm G. meridionalis, kẻ cạnh tranh trực tiếp về thức ăn, Crenicichla punctata và C. lepidota, vốn săn cá bột labiatus. G. labiatus phải được cảnh báo để tránh cá săn mồi như một số loài cá nheo Pimelodus lớn, cá Piranha và Hoplias. Như hầu hết cá hải hồ (eartheater), chúng có xu hướng kiếm ăn ở đáy nền và trông hơi chậm chạp khi cố ăn các viên hay tấm chìm ở vùng nước giữa. Chúng không hề kén chọn và ăn hầu hết các loại mồi khô và đông lạnh. Tuy nhiên, trùn chỉ và các loại thức ăn tươi sống khác phải được cung cấp khi biệt dưỡng cá để sinh sản. Mặc dù cái đầu khủng và hàm to của mình, chúng dường như gặp khó khăn khi nuốt những miếng mồi lớn, việc băm mồi như sò và trùn đất thành những miếng nhỏ là ý tưởng tốt. Bên cạnh màu sắc tươi sáng của cá đực, và tính khí hiền hòa của chúng, điều thú vị nhất về G. labiatus là chiến lược sinh sản của chúng, được mô tả như “loài ấp miệng ấu trùng” (larvophilous mouthbrooder) [ấp miệng trễ]. Ở đây, sinh sản diễn ra trên đá hay bề mặt khác khi trứng được để yên cho đến khi cá cái hớp chúng vào miệng vào khoảng hai ngày sau, khi chúng bắt đầu hay sắp sửa nở. Nhiều loài cichlid áp dụng hình thức sinh sản này, để trứng của chúng nằm trên cát, đá hay thậm chí trên lá rụng mà chúng có thể dời đi nếu cảm thấy bị đe dọa. Nhiều lý thuyết về phương thức sinh sản ở cá tuyên bố rằng ấp miệng (mouthbrooding) là hành vi “tiến bộ” (advanced) được tiến hóa từ đẻ trứng mặt đáy (substrate spawning) gốc. Theo hướng này, có thể coi chiến lược sinh sản của labiatus là một dạng chuyển tiếp (intermediate), về lý thuyết đang tiến hóa về ấp miệng truyền thống? Nhóm G. labiatus của tôi (một đực và ba cái) chia sẻ hồ 150 lít với một vài con G. australis nhỏ và một số cá serpae tetra dùng làm tiêu ngư (dither fish). Cá cái dường như có thứ tự bầy đàn với một con đứng đầu vốn xua đuổi tất cả mỗi khi chúng gặp mặt. Cá cái giữ một lãnh địa nhỏ trong hồ và luôn ở gần đó, chỉ rời đi để kiếm ăn. Lãnh địa được duy trì một cách thường xuyên bởi cá cái và không chỉ vào thời gian sinh sản. Kích thước lãnh địa dường như không phải là yếu tố lựa chọn chính, như trong hồ của tôi, cá cái nhỏ nhất chiếm cái hang lớn nhất. Một hòn đá nhỏ, phẳng, phủ đầy đá khác mà cá khác khó thâm nhập, là sở hữu trên cả mức mong đợi. Cá đực, mặt khác, dạo vòng quanh hồ mà không thể hiện sự quan tâm đến địa điểm yêu thích nào. Ngoài tự nhiên, loài này có lẽ sống theo cấu trúc hậu cung (harem) với nhiều cá cái sống trong một lãnh địa lớn vốn được bảo vệ bởi cá đực, hành động giống như một loại Apistogramma khổng lồ. Rio Yaguaron, địa bàn của Gymnogeophagus labiatus. Dường như chúng cần một thời gian để hoàn toàn thích nghi với hồ mới và một số tuần trôi qua trước khi chúng thể hiện bất kỳ biểu hiện sinh sản nào. Cá đực sẽ biểu diễn trước cá cái, xòe vây và rùng mình (trembling), luôn ở sát đáy, gần địa điểm sinh sản tiềm năng theo cách thức rất tương tự với cá đực mbuna. Hành vi bắt cặp ở cá đực bao gồm lắc thân, xòe vây và nhai ngồm ngoàm, được nhấn mạnh bởi chuyển động gục gặc đầu. Cá đực tạo ra chuyển động nhanh, mạnh bằng môi, như thể nó đang cố nuốt một miếng lớn. Tôi từng chứng kiến màn diễn bắt cặp tương tự ở cá đực của loài G. gymnogenis. Nếu cá cái chưa muốn giao phối, nó không thể hiện sự thích thú đối với màn diễn của cá đực, tảng lờ hay chậm rãi bơi đi, nhưng nếu cá đực trở nên quá vật nài, cá cái có thể đớp vào trán nó để làm rõ rằng nàng chưa sẵn sàng. Trên thực tế, cá cái có xu hướng không thoải mái bất cứ khi nào cá đực lại gần lãnh địa của bất cứ con nào trong số chúng. Dường như cá đực có toàn quyền xâm nhập vào lãnh địa của cá cái chỉ khi nào sinh sản sắp xảy ra. Cá đực trong hồ của tôi trở nên hết sức ưa chuộng cá cái đầu đàn (hãy gọi nàng là số một), bởi nàng dường như sẵn sàng sinh sản. Nó thường ở sát cạnh nàng, kể cả khi nàng thể hiện sự không hài lòng bằng cách đớp vào đầu hay lườn nó. Sau một thời gian, nàng ngừng việc chống trả nó ở gần lãnh địa của mình trong thời gian lâu hơn. Sau cùng, sinh sản bí mật diễn ra bên dưới một hòn đá khuất, ngay bên phải lãnh địa của cá cái, và tôi chỉ biết nó xảy ra khi cá đực ở góc đối diện của hồ. Khoảng ba chục trứng được đẻ trên một viên đá phẳng, ở chỗ hẹp, tròn cỡ trái nho. Ngoài tự nhiên, cá cái giữ trứng ở yên chỗ bằng cách phun cát vung vãi lên trên, nhằm che dấu khỏi những loài săn mồi tiềm tàng. Kích thước trứng là nhỏ nếu so với những loài ấp miệng điển hình khác, và dài khoảng 1 mm, chúng trông như thể vừa được đẻ bởi bất kỳ loài cichlid đẻ trứng mặt đáy nào. Cá cái bảo vệ ổ trứng, xua đuổi bất kỳ cá nào đến gần, kể cả cá đực, vốn dường như chẳng có vai trò gì trong việc chăm sóc con ngoài việc bảo vệ lãnh địa. Ngày hôm sau, cá cái thu thập từng trứng một sau khi gỡ chúng khỏi mặt đá bằng cử động hàm mạnh mẽ. Thông thường cá cái sẽ đợi cho đến khi ấu trùng tự chúng thoát ra khỏi vỏ trứng trước khi nhặt chúng lên. Việc này dự kiến sẽ diễn ra trong vòng 50 đến 60 giờ sau khi sinh sản, tùy vào nhiệt độ nước. Việc thu thập trứng dường như là một quy trình chậm chạp, vốn mất đến vài giờ bởi cá cái kiểm tra kỹ lưỡng từng trái trước khi lấy, loại bỏ những trái bị nấm hay chuyển sang màu trắng. Miệng nó không có vẻ phồng to (distended) như cá cái Malawi đang giữ trứng, nhưng tôi nghĩ việc này liên quan đến kích thước trứng nhỏ hơn. Không chứng kiến sự sinh sản, tôi không chắc cá đực có thực sự thụ tinh cho trứng hay chưa, vốn trông hơi xanh hơn so với màu cam mong muốn. Khi tôi cho cá căn chiều hôm đó, cá cái không quan tâm đến tấm (flake), vì vậy tôi đoán là mọi thứ đều ổn, nhưng sáng hôm sau nó lại ăn như thường, và sau năm ngày không có gì thay đổi, tôi cho rằng trứng đã bị ăn mất, có lẽ là vì chúng không được thụ tinh và hư hết. Tôi ngạc nhiên rằng cá cái vẫn ở lại lãnh địa của mình thậm chí sau khi thu hoạch trứng, dẫu kiên trì nhưng chẳng có gì để bảo vệ. Một tuần sau, cá cái khác (số hai) đã đẻ một lứa trứng khác, nhưng lạ thay chúng được đẻ ở xa lãnh địa của nó, chỗ đáy nền trống trải của hồ, và chỉ cách mặt kiếng trước năm cm. Điều này khiến nó khó bảo vệ ổ trứng, bởi mỗi lần có ai đi ngang qua, nó bèn chạy trốn vào đám đá ở lãnh địa của mình, bỏ mặc ổ trứng. Về lâu dài, điều này khiến cho cá cái số ba ăn những trứng không được bảo vệ. Chỉ mười ngày sau lần đẻ đầu tiên, cá cái số một đẻ một lứa mới ở cùng địa điểm, nhưng một lần nữa không cá bột nào ra đời. Để bù đắp cho những lần sinh sản không thành công của trio cá của mình, tôi đủ may để kiếm được vài cá cái G. labiatus đang giữ trứng vốn được bắt bởi bạn tôi Felipe Cantera, một chuyên gia sưu tầm cá Uruguay. Khác với mấy cá cái của tôi, miệng chúng thực sự nở rộng, nhưng tôi để ý thấy đây là vì bào thai đã nở. Không có hồ ấp nào dành cho chúng, chúng được thả vào hồ cộng đồng, nhưng bởi tôi e ngại việc cá bột cá bột được phóng thích vào hồ đầy những kẻ săn mồi tiềm tàng, tôi buộc phải làm điều mà tôi thường tránh: gỡ (stripping) chúng ra. Đây là một sự kiện lạ lùng, bởi cá bột cố bơi trở lại họng khi tôi banh miệng cá mẹ ra. Số lượng khoảng bốn mươi đến sáu mươi con. Dưới điều kiện bình thường, cá bột được phóng thích khỏi miệng cá mẹ sau tám ngày, nhưng chúng lại được thu về nếu có bất kỳ dấu hiệu đe dọa nào. Có lẽ, như xảy ra với loài ấp miệng, cá bột dường như tiêu thụ noãn hoàng chậm hơn so với các loài cihclid khác. Khoảng bốn ngày sau khi được gỡ, cá bột nhỏ, màu đen bắt đầu ăn artemia, nhưng vẫn còn mang một nửa noãn hoàng. Chúng lớn nhanh vào tuần đầu tiên, nhưng rồi tốc độ tăng trưởng chậm lại một chút. Chúng thể hiện hoa văn như “bàn cờ” (chessboard), vốn dần chuyển thành sọc khi chúng đạt hai tháng tuổi. Cá được một inch sau ba tháng, chúng sẽ sẵn sàng sinh sản vào mùa hè tới, khi chúng được một năm tuổi. Đến từ miền bắc Urugay, gần biên giới Brazil, G. labiatus chuộng nhiệt độ ấm hơn các loài cichlid khác, cảm thấy thoải mái ở 20 đến 26 độ C. Nước hơi acid hay trung hòa phù hợp hơn với chúng, và thật nhiều lũa hay hang đá làm nơi trú ẩn để chúng thấy an toàn hơn. Với kích thước của chúng, nên cân nhắc hồ dài tối thiểu 160 cm. Như với nhiều loài cá hải hồ, bộ lọc tốt là cần thiết để chăm sóc tất cả các loài sục đáy, nhưng dòng nước trong hồ nên được giữ ở mức trung bình. Theo chỗ tôi biết, kiên nhẫn dường như là chìa khóa để thành công với loài cá tuyệt vời nhưng khó kiếm này. Kinh nghiệm trong tương lai sẽ giúp thu thập tất cả những mảnh của trò ghép hình (puzzle) về quy trình sinh sản của chúng. Cá cái Gymnogeophagus labiatus canh ổ trứng dày đặc của mình trong hồ nuôi. ======================================= Khảo sát các loài cá hải hồ Lựa chọn cá hải hồ phù hợp với hồ nuôi của bạn Cá hải hồ quỷ juruparoid Lai tạo Peruvian Satanoperca jurupari – Trường hợp ấp miệng liền Nuôi và lai tạo cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Cá hải hồ quỷ đốm Satanoperca daemon (Heckel, 1840) Satanoperca cf. leucosticta (Müller & Troschel) Cá quỷ mặt đốm Colombia Satanoperca cf. leucosticta “Amazon red”; cá quỷ ấp miệng liền từ Amazon Nuôi và lai tạo cá hải hồ đầu đỏ Geophagus steindachneri Heckel acara vây tua Acarichthys heckelii (Mueller & Troschel 1848) Gymnogeophagus balzanii Gymnogeophagus sp. “Rosario I”, loài mới từ Uruguay