Flowerhorn Betta: biến thể nguy hiểm Shiba Inu Yoshi (LE BLOG BETTA, 7/12/2016) - http://blogbetta.over-blog.com/betta-flowerhorn-les-dangers-de-l-hypertype Chào các bạn, một chủ đề nhạy cảm hôm nay, flowerhorn betta có gì đặc biệt? Nó có khối u trên đầu, như thể não trồi ra hay cấy ghép gì đó, làm mặt bị biến dạng. Nhiều người coi đây là loại mới. Nhưng cá cảm thấy thế nào, nó có đau đớn gì không? ... Fancy marble flowerhorn betta Dĩ nhiên tôi đang nói về hướng lai tạo mới NHƯNG phải trong giới hạn nhất định, nghĩa là, chừng nào mà con vật không phải chịu đựng gì. Do đó, tôi muốn nói với các bạn rằng tôi thấy hướng tuyển chọn này không lành mạnh! Việc tìm kiếm sự cách tân bằng mọi giá để kinh doanh bất chấp loài vật là điều hoàn toàn sai trái, chẳng có gì đáng khen … Tôi cũng nhân cơ hội này để cố cảnh báo với công luận về sự nguy hiểm của những siêu loại/đặc chủng ở thú cưng của chúng ta; hiện tượng nổi tiếng ở chó và mèo, tôi xin đưa một ví dụ đặc biệt là loài chó cảnh English Bulldog, vốn không phù hợp để sinh sản một cách tự nhiên, chẳng thể đẻ thường bởi cơ thể biến dạng [đầu quá to] nên mọi thứ đều cần đến sự trợ giúp, chỉ đẻ mổ (caesarean section) bằng không chó cái sẽ bị chết … đấy là chưa kể đến sự teo nhỏ của xương sống, những đau đớn phát sinh từ chứng vẹo cột sống (scoliosis) nghiêm trọng của chúng. Một số loài chó khác với mắt lồi to (bulging eyes) có thể bị lòi hẳn ra ngoài nếu chúng vô tình đụng phải vật nhọn nào đó, không thể hít thở nếu mõm quá tụt vào trong hay quá cao vì tuyển chọn, cần giải phẫu vào khoảng 5-6 tháng tuổi … chẳng ổn chút nào. Và đây là những giống được ưa chuộng. Mọi người hãy cảnh giác. Chúng ta có thể quay lại chủ đề ngoại hình/chức năng của loài vật nếu bạn muốn, nhưng cần mạnh khỏe hơn, cân đối hơn, lanh lợi và thoải mái hơn … Vấn đề cũng tương tự ở loài cá của chúng ta. Có thể bạn đang sở hữu một số “rồng đỏ tuyển chọn”, bạn thích ngoại hình ngộ nghĩnh của chúng. Đó là cái bẫy! Dĩ nhiên, hãy yêu thương, cưng chiều chúng nhưng cần cảnh giác trong tương lai. Một số bơi rối loạn nhiều ngày trong tháng bởi vì bệnh bóng hơi (swimbladder) tái phát. Số khác rõ ràng phải cố gắng để di chuyển. Thậm chí có cả những dụng cụ tạo cá tật kèm hướng dẫn tự làm! Điều đó không mang lại cuộc sống lành mạnh cho chúng, mà chỉ vì vẻ ngoài mà thôi. Hãy suy nghĩ về điều đó, cần hết sức cảnh giác ==================================== Ghi chú *Horn betta từng xuất hiện từ năm 2008 trong cuốn Amazing Thai Betta của một nhiếp ảnh gia (www.bettabook.com). Hình trên mạng cho thấy dường như đây là một con Platinum hay Opaque. *Từ lâu chúng ta đã biết hiện tượng tích nạp guanine trên bề mặt vảy ở cá Opaque và sự tích nạp này đôi khi mất kiểm soát ở vùng đầu mặt, lan lên cả mắt. Flowerhorn Betta có lẽ là sự mất kiểm soát cực độ của việc tích nạp guanine ở vùng đầu. Trên thực tế, triệu chứng này cũng xảy ra ở những vùng khác trên mình cá, ảnh hưởng tiêu cực đến ngoại hình của nó. *Ngày nay, chúng ta thấy hiện tượng nổi u xuất hiện thường xuyên ở Dragon Betta. Trong một lần viếng thăm trại cá của người bạn, khi thảo luận về hiện tượng này anh khẳng định gien Opaque về sau đã được cản vào Dragon Betta. Theo đó, tôi xin nêu một giả thuyết: ngay từ đầu gien Opaque đã được đội lai tạo của trại Interfish đưa vào khi họ cản Dragon Betta. Sự thật này không hề được tiết lộ trong dòng thông tin về nguồn gốc của cá rồng. Nếu bạn từng ở đó từ những ngày đầu khi giới chơi betta đổ dồn sự quan tâm vào một dòng cá nổi bật mới xuất hiện: Red Dragon Betta, bạn sẽ tự hỏi điều gì tạo ra màu trắng ở cá rồng? Đến nay vẫn chưa ai giải thích được gien Dragon là gì, nhưng theo giả thuyết này màu trắng đó chẳng qua là Opaque Steel mà thôi, và cũng chẳng lạ gì khi theo thời gian Dragon Betta té ra lỗi tật mất kiểm soát tích nạp guanine như ở cá Opaque. Cá Red Dragon lần đầu được ra mắt tại Thái Lan vào 12/2004 bởi INTERFISH trên tạp chí cá cảnh Fancy Fish.