Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Dragon betta là gì? (Dragon - Phần 3)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 1/8/20.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Dragon betta là gì? (Dragon - Phần 3)

    [​IMG]
    Red Copper Dragon. Ảnh: nlkhanh.

    Điều gì làm nên một Dragon betta đúng nghĩa? Đây là một chủ đề gây tranh cãi, không chỉ với người mới chơi, mà cả trọng tài và người nuôi cá nhiều kinh nghiệm. Trong mọi trường hợp, vảy rồng là trung tâm của vấn đề với kiểu hình đa dạng của nó. Khác biệt xuất phát từ cảm nhận, góc nhìn và trải nghiệm riêng của mỗi người. Hy vọng phát hiện về sự hiện diện của opaque và reduced iridocyte sẽ giúp soi rọi vào bí ẩn của Dragon. Dưới đây, chúng ta sẽ khảo sát cấu trúc và màu sắc của vảy rồng trong bối cảnh mới này.

    Cấu trúc vảy
    Hãy nhìn vào lớp ánh kim vốn bao gồm các tế bào tinh thể (iridocytes) nằm ở lớp ngoài cùng của vảy. Ở Dragon betta, lớp này chịu tác động của một loạt yếu tố vốn góp phần tạo ra đủ mọi kiểu hình.

    *Reduced iridocyte (ri) khiến ánh kim co cụm ở chân vảy, không lan hết mặt vảy.

    *Spead iridocyte (Si) khiến ánh kim lan toàn thân và vây (trừ đầu và mặt).

    *Masked khiến ánh kim lan đến đầu và mặt.

    *Opaque (Op) khiến guanine được tích nạp bên trong và lên trên lớp ánh kim, mang lại hiệu ứng bột phấn cho vảy.

    *Iridescent: alen hoang dã (Bl) kết hợp với đột biến thuần dưỡng (bl) tạo ra các màu ánh kim cơ bản gồm xanh lục/xanh ngọc (BlBl), xanh thép (blbl) và xanh lam (Blbl).

    *Metallic (+) khiến lớp ánh kim bất đồng nhất và phản xạ phổ màu biến thiên, mang lại sự bóng bảy cho vảy.

    *Non-blue xóa toàn bộ ánh kim mà đôi khi chúng ta thấy té ra từ bầy marble; nhưng chưa có nghiên cứu cũng như thực hành theo hướng phân lập gien này.



    Khi nhìn lại lịch sử nghiên cứu di truyền ở cá betta, Eberhardt (1941) phát hiện lượng ánh kim ở một số cá thể rất thấp và coi đó là đồng hợp lặn của gien hạn chế ánh kim riri (reduzierte iridocyten). Nó tạo ra đốm ánh kim (iridescent spot) trên mỗi vảy, từ đó hình thành các hàng đốm xanh, đặc điểm điển hình ở cá hoang dã. Cá thuần dưỡng là đồng hợp trội của gien ánh kim thuần dưỡng RiRi (domestic iridocyte) với màu sắc liền lạc, không đốm vảy. Các nghiên cứu về sau (Wallbrunn, 1957; Lucas, 1968) đều tái khẳng định quy luật này (1)(2). Ở dạng dị hợp (Riri), ánh kim lan gần hết mặt vảy, viền bị thu nhỏ, đốm vảy nhìn chung to hơn ở cá hoang. Domestic iridocyte (Ri) được coi là trội bất toàn (incomplete dominance) so với reduced iridocyte (ri).

    Ở Dragon betta với đốm vảy (-ri), tác động của reduced iridocyte khiến ánh kim không lan hết mặt vảy, hình thành viền ở phần tiếp xúc với các vảy kế cận. Viền hiện rõ trên nền sẫm như đỏ và đen, và rộng ở phần tiếp xúc với các hàng vảy trên và dưới. Nhưng nếu chỉ có vậy thì Dragon betta cũng chẳng khác gì cá hoang, mà trong một số trường hợp vảy cũng khá dày (3). Chính bột phấn (opaque) mang lại sự khác biệt! Bột phấn tích nạp lên trên lớp ánh kim khiến nó dày hơn, nhưng điều quan trọng là tạo độ sâu cho viền. Bột phấn thường lan đến gốc và mép vảy. Kết quả, chúng ta thấy những hàng rãnh nhấp nhô ɅɅɅ xen giữa các hàng vảy. Lớp vảy nhìn chung sẽ dày như áo giáp. Người chơi đã nhận ra điều này từ lâu và gọi là vảy hạt bắp hay vảy rồng.

    Vảy rồng (-ri) được chọn khi cá còn non. Vảy rồng ở cá non thường rời rạc, nhưng lên dần nhờ tác động của opaque. Bột phấn bắt đầu lên mạnh từ tháng thứ 4; đến tháng thứ 5 hay 6 mới phủ kín mặt vảy. Những con cá non mà đủ màu, dấu hiệu thiếu reduced iridocyte (RiRi), sẽ kém đẹp về sau (4). Chúng có kiểu dày phấn đặc trưng của Opaque, dẫu vẫn thường té ra từ các bầy Dragon nhưng không được coi là đẹp!

    Rãnh vảy là đặc trưng của Dragon betta nhưng khi tham dự triển lãm, đó rõ ràng là một lỗi màu ở lớp nhị sắc (mà chúng được xếp vào). Theo chúng tôi, Dragon betta nên được xếp vào một lớp riêng, đại loại Dragon Class, trong bảng hoa văn (Pattern) bởi một thực tế rằng, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả cá nhị sắc dự thi ngày nay đều là Dragon betta. Các cuộc triển lãm với hạng mục này cần xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng với nhấn mạnh vào đặc điểm vảy rồng. Nếu không có tiêu chuẩn hỗ trợ, trọng tài có thể trừ điểm màu sắc khi thấy rãnh và viền vảy; áp lực khiến người chơi có thể cản ra tức loại bỏ reduced iridocyte để màu sắc đồng nhất, liền lạc nhưng mất đi cấu trúc vảy rồng!

    Một lý do nữa để loại bỏ reduced iridocyte là tốc độ lên màu. Cá không đốm vảy lên màu và đạt giá trị thương phẩm mau hơn. Đấy là khi dị tật u bướu phát sinh. Dragon vảy hạt bắp hiếm khi mắc tật này, ít ra theo quan sát của chúng tôi. Gien đốm vảy kiềm chế ánh kim và dường như cả việc tích nạp guanine một cách mất kiểm soát.

    Yếu tố opaque
    Guanine vốn luôn tồn tại trong tế bào ánh kim dưới dạng những tấm tinh thể (plates of crystalline) khiến nó phản xạ các phổ màu ánh kim và metallic đã biết (5). Dưới tác động của gien opaque, nó lại tiếp tục được nạp vào tế bào ánh kim nhưng lần này dưới dạng khác, hạt (granular) hay bột phấn (6). Mức độ tích nạp được biết rất biến thiên. Ở dạng dị hợp tức Heterozygous Opaque (Opop), tuy màu ánh kim sáng hơn bình thường và trong một vài trường hợp ít ỏi, thể hiện mảng bột phấn trên thân, nhưng hiệu ứng bột phấn hầu hết đều phảng phất, đôi khi khác biệt màu sắc không nhiều và rất khó phát hiện trên thực tế. Ở dạng đồng hợp tức Homozygous Opaque (OpOp), bột phấn được tích hợp lên trên, và lan ra ngoài phạm vi phân bố của ánh kim. Điều mà chúng ta chứng kiến qua quá trình lên vảy ở Dragon và phổ biến hơn là hiện tượng kéo màng trắng ở mắt cá Opaque. Ở một số cá thể, việc tích hợp bột phấn thậm chí trở nên mất kiểm soát (7). Biểu hiện của opaque khiến nó vừa là yếu tố tác động, vừa thể hiện như một lớp màu riêng, nhưng không nhất quán mà thay đổi tùy trường hợp. Điều dẫn đến suy đoán rằng cơ chế di truyền của opaque phức tạp hơn những gì chúng ta vẫn biết. Bột phấn chiếm vai trò chủ đạo khiến ảnh hưởng của màu ánh kim trở nên nhạt nhòa. Trong hầu hết trường hợp, màu ánh kim chỉ thể hiện phảng phất ở gốc và tia các vây lẻ.

    Mọi người đều biết tác động của Opaque lên các màu ánh kim non-metallic bao gồm Opaque Steel (OpOpblblnmnm), Opaque Green (OpOpBlBlnmnm) và Opaque Blue (OpOpBlblnmnm), trong đó Opaque Steel hóa trắng tức Opaque White (8). Theo suy luận, Steel bảo lưu màu trắng gốc của guanine. Bởi khi bột phấn được tích hợp lên mắt, vốn không tồn tại lớp ánh kim, thì nó cũng trắng tinh. Hầu hết rồng đỏ gốc là Red-Copper Dragon hay Homozygous Opaque Copper (OpOpblbl++) vốn phảng phất gold. Quá trình lai tạo sau đó làm nảy sinh đủ loại màu sắc, mà phổ biết nhất là Homozygous Opaque Steel (OpOpblblnmnm) hay Red-White Dragon, Homozygous Opaque Turquoise4 (OpOpblblnm+) hay Red-Turquoise4 Dragon. Có bao nhiêu dạng màu ánh kim/metallic (9 dạng) thì cũng có bấy nhiêu dạng Dragon, cả đồng hợp lẫn dị hợp. Kiểu gien dị hợp (Opop) ngày xưa khá phổ biến và vẫn được gọi là Dragon (vì thực ra một số cá thể vảy trông cũng khá dày), nhưng ngày nay rất hiếm (vì không mấy người chịu cản ra khỏi bột phấn) và không còn được coi là Dragon nữa.

    Trong các thử nghiệm của chúng tôi với Red Dragon, opaque thể hiện là gien liên kết (linked gene) với cambodian (nền nhạt). Cambodian là gien lặn. Khi opaque đồng hợp thì cambodian cũng đồng hợp và nền trở nên nhạt, trong khi các cá thể khác cùng bầy gồm non-oquaque và opaque dị hợp đều nền sẫm! Nhưng opaque ở Black Dragon rõ ràng là một loại khác, có lẽ liên quan đến marble và cần được khảo sát thêm trước khi có kết luận cụ thể.

    Yếu tố khác
    Trái với suy nghĩ của một số người, không hề tồn tại “lớp metallic” nào, mà chẳng qua là yếu tố tác động, làm biến đổi lớp ánh kim và tạo ra hiệu ứng thị giác nhất định. Điều thú vị là, thị trường hầu như cản thuần metallic, tức ++ để thu được toàn bộ cá bột phảng phất gold (Copper Dragon, OpOpblbl++). Turquoise4 phớt xanh nhạt và White trắng tinh rất hiếm. Các màu khác còn hiếm hơn.

    Masked và spread iridocyte là các tính trạng phụ, không góp phần vào hiệu ứng vảy rồng. Masked té ra trong quá trình lai tạp giữa betta hoang dã với betta thuần dưỡng, một tính trạng độc lập với metallic mà người ta có thể phân lập ở non-metallic betta. Full masked là kiểu hình toàn diện của tính trạng masked. Trong các bầy thử nghiệm của chúng tôi, masked có tính lặn so với đầu đen thường, nhưng hiện chưa rõ bản chất di truyền của nó là gì. Spread iridocyte (Si) là gien ánh kim lan, có tính trội, lý giải cho việc vảy rồng có xu hướng lan từ thân sang vây. Việc duy trì đặc điểm nhị sắc ở Dragon betta là khó khăn, SiSi khiến ánh kim lan ra vây, nhưng sisi lại khiến ánh kim co cụm ở lưng. Có lẽ dạng dị hợp Sisi đem lại phân bố màu cân bằng mà cá nhị sắc cần.


    Kháo sát đốm vảy dưới tác động của metallic (+) và opaque (Op).
    A – (a) Đốm vảy ở Mahachai (riri); (b) Steel với biểu hiện đốm vảy (Riri).
    B – Các biểu hiện đốm vảy ở Heterozygous Opaque Turquoise4 (Opopblblnm+), kết quả bầy lai F1: Copper Dragon x Steel. (a) Đốm nhỏ (riri), màu xám bạc dường như là hiệu ứng của lớp ánh kim mỏng như từng thấy ở Silver Mahachai hay Carbon Guitar, chứ không phải tác dụng của gien Blonde như có người từng đoán; đốm ánh kim không gọn gàng như cá hoang mà “lem nhem”, điều chứng tỏ cơ cấu di truyền đốm vảy phức tạp hơn những gì chúng ta vẫn biết. (b) Đốm lớn (Riri), viền vảy rõ ràng. (c) Đốm lớn (Riri), viền vảy hẹp nhưng vẫn rõ ràng, tông màu sáng chứng tỏ mật độ “bột” guanine cao hơn bình thường. (d) Không đốm (RiRi), tác động của opaque rất rõ (dường như ri không hiện diện để khắc chế), tông màu cực sáng, hơi ngả turquoise; ở vị trí nhất định, thường trên lưng, “bột” guanine lan mạnh bít kín viền vảy, gọi là “vảy dính”.
    C – Một số biểu hiện đốm vảy ở Homozygous Opaque (OpOp). (a) Homozygous Opaque Steel (OpOpblblnmnm) không đốm hay Opaque White; (b) Homozygous Opaque Steel (OpOpblblnmnm) có đốm hay White Dragon. Opaque Steel trắng tinh. (c) Homozygous Opaque Turquoise4 (OpOpblblnm+) không đốm hay Platinum; (d) Homozygous Opaque Turquoise4 (OpOpblblnm+) có đốm hay Turquoise4 Dragon. Opaque Turquoise4 phảng phất xanh ngọc. (e) Homozygous Opaque Copper (OpOpblbl++) không đốm hay Opaque Copper; (f) Homozygous Opaque Copper (OpOpblbl++) có đốm hay Copper Dragon. Opaque Copper phảng phất gold.
    Ảnh: Minh Trí Kiệt. (Mỗi con được chụp nhiều tấm bằng chế độ macro, sau đó chọn ra tấm rõ nhất để minh họa cho bài viết ở đây).

    Thảo luận
    Dragon là gì? Chúng tôi đã ở đó vào những ngày đầu của cơn sốt Dragon, chứng kiến những con Dragon ngoại nhập đầu tiên và những bầy lai đầu tiên ở Sài Gòn. Dragon rất cuốn hút và vảy rồng là trung tâm của mọi chú ý, làm sao để nó dày hơn? Chúng tôi từng nghĩ nó liên quan đến opaque và về bản chất cũng là guanine (6). Được biết, nội tạng động vật giàu thứ này. Khi bổ sung tim bò vào khẩu phần, vảy quả có dày lên thật. Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng vào quá trình lên vảy. Rồi có báo cáo cho rằng nước lá bàng làm vảy mòn đi. Đâu là nguyên nhân: suy giảm tích nạp guanine, chế độ ăn nghèo nàn hay pH thấp? Và sẽ thiếu trọn vẹn nếu bỏ qua những tranh cãi bất tận về Dragon vốn thường có một mẫu thức chung. Ai đó đăng một con, gọi là Dragon, người khác bảo rằng không đúng, vảy phải dày hơn hoặc thế này thế nọ mới được, vậy là tranh cãi nổ ra… đôi khi, vấn đề không dừng lại ở khác biệt về quan điểm. Con rồng đỏ gốc vảy bột (9) và sần. Nhưng rõ ràng có những con xuất phát từ bầy rồng, không bột mà vảy trông vẫn dày! Rồi cũng có những con vảy bột nhưng mỏng, người ta vẫn gọi là Dragon. Vấn đề là, không có một định nghĩa rõ ràng nào về Dragon.

    Khi cơn sốt dịu xuống và cộng đồng mải đuổi theo những thứ mới mẻ, vẫn còn những người đam mê và giữ gìn Dragon. Lúc này, Dragon phải có vảy bột và nếu khác đi, nó không còn được coi là Dragon nữa. Thế giới đơn giản đi nhiều. Thậm chí những cái gọi là Fancy, Startail, Galaxy, Black Mamba, Samurai, Blue Rim… marble-based nói chung, đều có cả đống vảy rồng nhưng chả ai gọi là Dragon. Thực ra, chúng là Marble Dragon!

    Chúng ta từng háo hức chờ đợi các sư phụ giải mã Dragon (10) (11). Việc hiểu rõ bản chất của nó sẽ khiến cho quá trình lai tạo có định hướng và bài bản hơn, nhưng chẳng may về khía cạnh này chúng ta không chứng kiến nhiều tiến triển. Hơn chục năm trôi qua, một số người nhận ra biểu hiện của Dragon chẳng khác gì Opaque. Chúng tôi chứng minh cho nhận định này bằng cách cản Dragon với non-opaque rồi chiết tách Opaque ở đời F2. Biểu hiện của gien opaque là rõ ràng nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục củng cố tính trạng với hy vọng thu được cá Opaque chất lượng, kết quả sẽ được trình bày ở phần tiếp theo của bài này. Dragon được chứng minh là thực sự mang yếu tố opaque. Giờ đây khi mọi thứ đã trở nên sáng tỏ, chúng ta tự hỏi rằng tại sao các sư phụ không nhận ra một thứ vốn dĩ rất quen thuộc?

    Thứ nhất, biểu hiện của gien đốm vảy (ri) vốn bắt nguồn từ cá hoang (Mahachai). Quá trình lai tạo tái phát hiện gien đốm vảy. Đốm vảy kết hợp với bột phấn khiến vảy trông dày và sần sùi hơn. Ngược lại, cá Opaque được cản thuần gien không đốm vảy (Ri) và trơn láng như hầu hết các dòng thuần dưỡng khác.

    Thứ nhì, sự xuất hiện của opaque nền sẫm. Gien opaque truyền thống vốn liên kết với cambodian. Khi opaque đồng hợp, cambodian cũng đồng hợp khiến cho nền nhạt. Đó là lý do cá Opaque chỉ xuất hiện trong bảng Nhị Sắc-Ánh Kim-Nền Nhạt tại các cuộc triển lãm của IBC. Black Dragon là opaque nền sẫm, có thể tham gia bảng Nhị Sắc-Ánh Kim-Nền Sẫm. Đây là điều mới mẻ, thậm chí vào lúc này. Black Dragon được phát triển từ Super Black gốc marble, vốn cũng rất mới vào thời ấy. Marble bằng cách nào đó đã phá vỡ sự liên kết giữa opaque và cambodian, khiến opaque tồn tại độc lập và không tác động lên màu nền. Chúng tôi không loại trừ việc một số dòng Red Dragon có thể được phát triển từ loại opaque nền sẫm này.

    Thứ ba, yếu tố metallic. Metallic vẫn còn khá mới mẻ vào thời đó, và kết hợp với opaque lại càng hiếm. Giờ đây khi nhìn lại những con Dragon đầu tiên (9), chúng ta nhận ra chúng hầu hết là Red-Copper Dragon. Màu không trắng mà đục, ánh gold nhạt, khác hẳn màu trắng tinh của Opaque White. Ngoài ra, trong quá trình lai tạo, chúng tôi nhận thấy việc tích nạp bột phấn ở Copper Dragon mạnh hơn Turquoise4 Dragon, và có lẽ cả White Dragon. Hay nói cách khác, vảy copper lên phấn mạnh nhất.

    Tất cả góp phần vào bí ẩn của Dragon, khiến người ta cho rằng có tồn tại yếu tố dragon!

    Vậy sau khi chứng minh sự tồn tại của opaque, Dragon là gì? Theo quan điểm được chấp nhận rộng rãi và xuyên suốt, Dragon là bột phấn tức opaque đồng hợp (OpOp) kết hợp với đốm vảy đồng hay dị hợp (-ri). Nó được theo đuổi bởi những người chuyên nuôi và cản thuần Dragon hiện nay. Opaque đồng hợp tạo ra lớp bột phấn đặc trưng, mà ảnh hưởng của màu ánh kim chỉ là phảng phất, người thiếu kinh nghiệm rất khó nhận ra. Những con với đốm vảy có hiệu ứng vảy rồng tốt hơn, bằng không vảy sẽ bằng phẳng chẳng khác gì cá Opaque.

    Theo một quan điểm khác vốn phổ biến vào thời kỳ đầu của Dragon khi con giống khan hiếm buộc người ta phải cản ra. Dragon có bộ vảy sáng, đầy đặn và nhất là cảm giác dày mà khi xem xét kỹ, chúng tôi thấy đó chẳng qua là một hiệu ứng thị giác. Những con như thế này thường xuất phát từ các bầy rồng lai, không phải tất cả, nhưng đôi khi bạn chứng kiến vài con. Ngày nay mọi người cản thuần Dragon nên hầu như không còn thấy chúng nữa. Nhưng nếu được chứng kiến một con đúng điệu, bạn sẽ rất khó chối bỏ! Hiệu ứng thị giác gồm a) sự khác biệt và tách bạch về tông màu giữa thân và vây, nhất là ở gốc vây hậu môn; b) điều tương tự ở đầu, fullmask hóa ra không hay bằng chừa lại một rãnh màu nền; và c) vảy sáng nhờ opaque dị hợp (Opop) kết hợp với metallic và không đốm (RiRi) để bột phấn không bị ức chế. Tất cả khiến vảy thân nổi bật và trông dày như một tấm áo giáp. Chúng là Dragon-Geno, Half-Dragon hay thứ gì khác? Tùy quan điểm của bạn...

    Trên đây là trải nghiệm và nghiên cứu của chúng tôi trong nhiều năm trời, nhằm tìm câu trả lời cho những gì diễn ra trong thế giới Dragon vốn một thời được coi là bí ẩn. Việc am hiểu nền tảng di truyền và kiểu hình vảy sẽ giúp bạn có định hướng lai tạo tốt hơn. Hãy nỗ lực lên nhé.


    Dragon-Geno hay Half-Dragon
    A - Red-Turquoise4 Dragon, theo kết quả lai tạo của chúng tôi, kết hợp opaque dị hợp & turquoise4 là vua châu sáng trong thế giới rồng lai;
    B - MG-Copper Dragon, gọi là MG (Mustard Gas) vì nền sẫm (Yellow là nền vàng);
    C - Black-Teal Dragon, hơi ngả green nên có lẽ là teal thay vì copper
    D - Các ví dụ về hiệu ứng thị giác yếu, (a) vảy khá dày và sáng nhưng thiếu tương phản (kiểu gien sisi, thiếu ánh kim lan) giữa thân và vây hậu môn; (b) gien đốm vảy (ri) khắc chế tích nạp bột phấn, khiến vảy không dày và sáng.
    Ảnh: Minh Trí Kiệt

    Ghi chú
    (1) Genetics of the Siamese Fighting Fish, Betta splendens (Wallbrunn, 1957)
    (2) A study of variation in the Siamese Fighting Fish, Betta splendens, with emphasis on color (Lucas, 1968)
    (3) Armadillo - giáp sĩ tí hon - http://www.diendancacanh.com/threads/301/
    (4) Trao đổi trên Facebook (Trần Tuấn, Thanh Hai Phan, Quang Sơn Lê)
    (5) https://en.wikipedia.org/wiki/Chromatophore
    (6) More On The Opaque Factor: Where It Stands Now (Gene A. Lucas, FLARE, Jan/Feb 1977)
    (7) Flowerhorn Betta: biến thể nguy hiểm - http://www.diendancacanh.com/threads/468812/
    (8) White Opaque - http://www.diendancacanh.com/threads/3897/
    (9) Bí mật cá betta rồng đã được bật mí - http://www.diendancacanh.com/threads/2537/
    Giờ đây, chúng tôi gọi “bột” thay vì “trắng” bởi một lẽ, rồng đỏ gốc ngày xưa hóa ra đều là Red-Copper Dragon, không trắng tinh như Opaque White!
    (10) A New Science Experiment - The genetics behind “dragons” and other metallic bettas (Dr. Leo Buss) (FAMA, November 2008)
    (11) “Dragon” – Một thời đại mới trong thế giới betta “lấp-lánh”! - http://www.diendancacanh.com/threads/37504/


    ========================


    Rồng xanh huyền thoại (Dragon - Phần 1)
    Đi tìm Opaque (Dragon - Phần 2)
    Thử nghiệm xa hơn (Dragon - Phần 4)
    Dragon Mahachai (Dragon - Phần 5)
    Shades of Dragon (Dragon - Phần 6)
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/5/23

Chia sẻ trang này