Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Hướng dẫn đích thực về cá dĩa

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá Dĩa' bắt đầu bởi vnreddevil, 26/5/11.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hướng dẫn đích thực về cá dĩa: phần một
    Heiko Bleher - http://www.practicalfishkeeping.co.uk

    [​IMG]

    Những bí mật về cá dĩa [hoang dã] được hé lộ khi Heiko Bleher định danh ba loài thuộc về thú chơi này ở sông Amazon, mô tả địa bàn sinh thái của chúng và tiết lộ cách phân biệt chúng.

    Hiện có ba loài cá dĩa được công nhận [2009] và chúng được ghi nhận lần đầu bởi Géry và Bleher vào năm 2004, bởi Bleher vào năm 2006 và một lần nữa trên một tạp chí khoa học, International Journal of Ichthyology Volume 12 bởi Bleher, Stölting, Salzburger và Meyer vào năm 2007.

    Những tài liệu khoa học mới hơn cũng kết luận rằng có ba loài [cá dĩa], dựa trên các nghiên cứu phân tử (molecular research).

    Chúng là Symphysodon discus, Heckel, 1840 (cá Dĩa Heckel); S. aequifasciatus, Pellgrin, 1904 (cá Dĩa Lục) và S. haraldi (cá Dĩa Nâu hay Dĩa Lam). Phân loại khoa học chính thức của chúng có thể được thấy trên nguồn phân loại cá trực tuyến tại website của Viện Khoa Học California (California Academy of Science) bởi William Eschmeyer.

    Những tên gọi khác xuất hiện trên một số xuất bản khoa học và phổ thông, ở vài diễn đàn và trang web trực tuyến là tên đồng nghĩa hay “nomen nudum” — nghĩa là tên “trần trụi” vốn chưa được xuất bản với mô tả đầy đủ.

    Những tên thông dụng có thể gây tranh cãi, nhưng chúng ta vẫn duy trì bởi vì chúng được xuất bản bởi Harald Schultz (1959) và Leonard Schultz (1960), dẫu những tên theo màu thường không phản ánh đúng màu sắc thực sự của loài.

    John Randall, một trong những nhà ngư loại học nổi tiếng nhất còn sống, có lần nói với tôi: “Chúng ta phải cho nó một cái tên…” và, một khi chúng [tên gọi] đã được thiết lập, chúng ta đành phải quen với thực tế rằng cá Dĩa Nâu và cá Dĩa Lam là như nhau và cùng một loài. Chúng được phát hiện trong khắp vùng phân bố của mình với đủ loại màu sắc khác nhau.

    Tên thông dụng nên bắt đầu bằng chữ hoa – hình thức vay mượn từ Úc – và tôi nghĩ người Âu Châu nên làm theo.

    Cách xác định ba loài này

    [​IMG]

    Symphysodon aequifasciatus
    Cá Dĩa Lục phải có chín can (bar), nhưng gần như tất cả đậm đồng đều. Nó phải có đốm; [màu đốm] từ nâu-rỉ sét ấn tượng đến đỏ sậm vốn phân bố từ rải rác đến toàn thân – chủ yếu ở con đầu đàn – và có thể hợp thành các hàng đứt quãng hay liên tục [chỉ].

    [​IMG]

    Nếu không có [đốm] trên thân, điều vốn không là ngoại lệ, chúng xuất hiện tại vây hậu môn ở những cá thể trưởng thành trên nền xanh lục hay xanh dương [lam]. Thậm chí ở một số quần thể, các đốm không rõ ràng, chúng vẫn xuất hiện dưới dạng các hàng lẫn trong màu nền. Không loài nào khác thể hiện kiểu hoa văn này. Đôi khi trước đầu có vạch.

    Cá Đĩa Lục trưởng thành ở 9-10cm/3.5-3.9” và hiếm khi nào đạt đến 14cm/5.5”ngoài tự nhiên. Nó cũng giới hạn ở vùng nước đen (black water), hiếm khi nào pha trộn, với độ pH luôn dưới 6 và giá trị trung bình khoảng 5.2-5.4.

    [​IMG]

    Symphysodon discus
    Cá Đĩa Heckel đích thực phải có chín can. Chúng thường đen hay sậm màu, đôi khi hanh xám hay âm bản (negative), nhưng có ba can phải đậm và nổi bật.

    Chúng là can thứ nhất, thứ năm và thứ chín ở gốc đuôi – can thứ năm hầu như luôn to, nổi bật và sậm màu nhất.

    Ngoài ra, S. discus phải có các chỉ (stripe) nằm ngang, hiếm khi thẳng tắp, hầu như bao phủ toàn thân. Số lượng chỉ thường từ 13 đến 21, trung bình 18, và rộng từ 1-3 mm.

    [​IMG]

    Cá Dĩa Heckel về bình quân, nhỏ nhất trong số ba loài. Cá thể trưởng thành khoảng 9cm/3.5” và hiếm khi nào đạt 12cm/4.7” ngoài tự nhiên. Nó chỉ xuất hiện ở vùng nước đen thật acid với pH dưới 5.1 – hầu hết giữa 3.8-4.8.

    [​IMG]

    Symphysodon haraldi
    Cá Dĩa Nâu hay Dĩa Lam có thể có từ tám đến mười sáu can. Đặc điểm này chưa bao giờ được ghi nhận ở hai loài kia và S. haradi có thể có can đen, xám, hanh nâu hay âm bản. Một số quần thể không có can nào.

    Những biến thể màu, tùy quần thể, biến thiên từ nâu thuần, toàn vàng, cam, hồng (rose), hanh đỏ hay đỏ, đến xanh dương hay đen, và thường không có chút hoa văn [bông] nào – không hề có chỉ ngang – hay có chỉ chạy mọi hướng (all-over stripes).

    Những chỉ này có thể lan ra toàn thân ở cá lam, hầu hết ở cá thể đầu đàn, dạng chỉ to như hạt trai hay dạng chỉ da rắn thật mịn cho đến dạng bông lựu (checkboard).

    [​IMG]

    Tuy nhiên, S. haraldi không có màu sắc ấn tượng như hai loài kia – và nếu có thì đó là dạng lai tạp tự nhiên hiếm hoi.

    Kích thước trung bình ngoài tự nhiên từ 10-20cm/4-8”. Cá thể lớn tuy hiếm, nhưng kích thước trung bình của S. haraldi lớn hơn S. discus hay S. aequifasciatus.

    Nó xuất hiện ở địa bàn nước trong (clear water), đôi khi hòa trộn với nước trắng (white water) với độ pH từ 6.0-7.8, điều kiện này cũng khiến nó là loài dễ lai tạo nhất.

    Chúng phân bố ở đâu?
    Cá Dĩa Heckel như đã nói ở trên, chỉ xuất hiện ở vùng nước đen thật acid và nhất là ở Rio Nhamundá. Đây là vùng phân bố xa nhất về phía đông ở Amazonia, bởi đề cập trước đây về vùng phân bố ở Rio Trombetas là rất đáng ngờ.

    Tôi chưa bao giờ tìm thấy chúng ở đó và những cá thể ở Museu de Zoologia Universidade de Sao Paulo [Bảo tàng Động vật Đại học Sao Paulo] không phải là S. discus, dẫu chúng được ghi như vậy.

    Chúng cũng có thể được phát hiện ở lưu vực Rio Jatapu, Rio Urubu và Rio Negro — tất cả là các nhánh ở mạn trái của sông Amazon — và ở Rio Abacaxís cùng các chi lưu của nó, Rio Marimari, vốn là một nhánh của sông Paraná Urariá ở vùng phía nam sông Amazon.

    Quần thể cá Dĩa Lục giới hạn ở vùng phía tây Amazon. Ở các nhánh nam của Rio Solimões, chúng xuất hiện từ Rio Urucú (vùng Coari) về phía tây trong hầu hết các nhánh và ao hồ đến Rio Jantiatuba, bao gồm Tefé nơi chúng được phát hiện đầu tiên vào năm 1865.

    Ở các nhánh phía bắc, chúng chỉ được phát hiện ở Mamirauá, vùng mạn phải của lưu vực sông Japurá ở Tonantins và một lần nữa, ở các nhánh và hồ mạn phải của vùng hạ Putumayo. Chúng luôn xuất hiện trong vùng nước đen và chỉ pha trộn vào mùa mưa.

    Cá Dĩa Lục được phát hiện ở Rio Nanay, nhưng đó không phải là vùng phân bố tự nhiên. Hơn 30 năm trước, một con tàu chuyên chở cá dĩa từ Jutaí tới Iquitos bị đắm với 3,000 con cá trong khoang và chúng tự sinh sôi ở đó. Điều kiện nước hầu như tương tự với địa bàn sinh thái gốc của chúng.

    [​IMG]

    Cá Dĩa Nâu và Dĩa Lam có địa bàn phân bố rộng nhất trong số ba loài. Chúng được phát hiện ở hầu hết vùng trung và hạ lưu vực Amazon, từ cực đông ở Colombia cho đến cực tây ở đảo Marajó.

    Nhưng chúng chỉ giới hạn ở địa bàn nước trong và rất hiếm khi xuất hiện ở nước đen và nước trắng, trừ phi bị pha trộn bởi những cơn mưa bất ngờ. Không con nào xuất hiện trên sông chẳng hạn như Amazon, không con nào ở Madeira trong các sông Purus, Javari, Rio Branco hay ở sông Japurá.

    Sông xa nhất về phía đông là lưu vực Tocantins. Đó là nhánh lớn cuối cùng về phía nam của vùng hạ Amazon và là nơi mà một đập thủy điện lớn được xây dựng vào năm 1984. Không ai thấy cá dĩa ở đó nữa.

    Lãnh thổ xa nhất về phía tây là Rio Içá, một nhánh nam. Chúng cũng được phát hiện ở các lưu vực nhỏ hơn chẳng hạn như Calderón, xuất phát từ Colombia và Río Preto do Belém.

    Địa bàn sinh thái của chúng?
    Cả ba loài cá dĩa đều có thể phân biệt dễ dàng nhờ đặc điểm hóa học của vùng nước mà chúng sống và đó là lý do tôi đề nghị đừng bao giờ nuôi chúng với nhau.

    Địa bàn sinh thái của cá Dĩa Heckel (S. discus) luôn là vùng nước có màu sậm như nước trà, với tầm nhìn (visibility) chỉ 1m/3.3’ và hiếm khi nào xa hơn; pH không bao giờ trên 5.0 và ở giá trị trung bình 4.5; độ dẫn (conductivity) từ 6-12 µS/cm — nhưng trung bình luôn dưới 10. Chúng chỉ sống ở vùng nước cực kỳ acid và nồng độ ô-xy hòa tan thường chỉ 2.8 mg/l.

    Cá Dĩa Heckel hoạt động vào ban ngày theo nhóm từ 30-200 con hay thậm chí nhiều hơn, tụ tập ở vùng nước sâu, dọc theo bờ sông hay hồ nơi có dốc (drop-off), thường ở độ sâu 1.5-4m/5-13’ hầu như trong các bụi acará-açú (Licania spp.), loài cây phổ biến ở lưu vực sông Amazon và phần nào sống dưới nước.

    Giữa các cây đổ và khúc gỗ — và luôn có cát mịn nữa.

    [​IMG]

    Khi nước lên, địa bàn của cá dĩa là igapós — rừng ngập nước (flooded rainforest) — rồi chúng sinh sản và kiếm ăn trong khi vẫn ẩn náu và do đó được bảo vệ tương đối tốt trước hầu hết các loài săn mồi.

    Vùng nghỉ ngơi vào ban ngày của chúng luôn có bóng râm và chúng hiếm khi bơi ra vùng nước mở dưới ánh sáng mặt trời. Bình thường chúng không sống gần cây toàn thủy (submersed) bởi cây không thể sống ở vùng nước đen với độ sâu như vậy. Đôi khi Utricularia spp. có thể nổi ở trên, cũng như Salvinia spp. [bèo tai chuột] hay Eichhornia spp. [lục bình]. Lũa luôn hiện diện.

    Cá Dĩa Lục sống ở vùng nước bớt đen hơn với tầm nhìn 1m-2m/3.3-6.6’; pH từ 4.8-5.8, không bao giờ trên 6 nhưng trung bình 5.2; độ dẫn 8-15 µS/cm và hiếm khi cao hay thấp hơn – mặc dù giá trị trung bình luôn cao hơn 10 µS/cm. Nồng độ ô-xy hòa tan thường chỉ trên 2.0 mg/l.

    Vào ban ngày, chúng sống theo đàn 400-800 con hay nhiều hơn, tụ tập ở vùng nước sâu, dọc theo bờ hồ hay vịnh nước nơi có dốc và thường ở độ sâu 2-4m/6.6-13.1’, hầu như ẩn mình dưới những thân cây đổ vào ban ngày.

    Cá Dĩa Lục có thể xuất hiện giữa các bụi cây acará-açú, đặc biệt trong mùa nước lên từ tháng chín-mười đến tháng hai. Như với những loài khác, khi mùa nước lên, chúng tản mác vào các khu rừng ngập nước để sinh sản và chăm cá con, được bảo vệ khỏi những kẻ săn mồi và dồi dào thức ăn.

    Không có cây toàn thủy trong địa bàn sinh thái của chúng bởi nó không thể mọc ở vùng nước đen với độ sâu như vậy. Đôi khi Pistia stratiotes [bèo cái], Salvinia spp. [bèo tai chuột] và Azolla spp. [bèo hoa dâu] nổi ở trên, nhưng hiếm khi có Eichhornia spp. [lục bình]. Chúng sống ở vùng có cát mịn, thường màu be (beige) và luôn có lũa và lá cây.

    Cá Dĩa Nâu và Lam sống ở vùng nước trong, đặc biệt vào khởi đầu của mùa mưa, trộn lẫn với nước trắng, nhưng hiếm khi trong nước đen.

    Tầm nhìn trong nước thay đổi từ 2-5m/6.5-16’. Độ pH trong địa bàn của chúng hầu như ổn định trên 6, thường trên 7 với nồng độ ô-xy hòa tan khoảng 4.1 mg/l và độ dẫn thường trên 25 µS/cm — đôi khi lên đến 70 µS/cm.

    Như hai loài kia, chúng tụ tập vào ban ngày ở độ sâu 1.5-2.5m/4.9-8.2’ ở gần hồ hay bờ sông và thường theo đàn lên đến 1,000 con.

    Một số cây toàn thủy có thể hiện diện trên địa bàn sinh thái của chúng, và tôi phát hiện chúng bơi lội bên dưới các cây súng lớn Nymphaea spp. hay gần các cây lá trầu Echinodorus spp. mọc bán cạn gần bờ, nhưng thường bên dưới các thực vật nổi như Pistia stratiotes [bèo cái], Eichhornia spp. [lục bình], Salvinia spp. [bèo tai chuột], Azolla spp. [bèo hoa dâu] hay thậm chí bên dưới rong nổi Utricularia spp.

    Chúng luôn sống bên dưới các thân và cành cây gãy đổ, đôi khi cũng sống giữa các bụi acará-açú và camu-camu (Myrciaria dubia), vốn cũng sống phần nào trong nước.

    Chia sẻ một vài đặc điểm chung
    Không loài nào sống ở vùng nước chảy xiết. Cả ba loài đều giới hạn ở vùng nước tĩnh, vịnh và hầu như ở hồ, [mà số lượng] lên đến hơn 100,000 ở Amazonia!

    Nếu tên một con sông được đề cập như là vùng phân bố của bất kỳ loài nào thì điều đó có nghĩa rằng chúng chỉ xuất hiện trong các vịnh nước, hoặc các hồ ở xa – nơi có nước tĩnh. Cá dĩa không bao giờ xuất hiện gần các ghềnh (cascade) hay thác nước bởi chúng tránh xa những cấu trúc địa chất như vậy và không bao giờ đi vào vùng nước chảy xiết hay ghềnh thác.

    Địa bàn sinh thái không có đá và cá dĩa không bao giờ sống trong vùng nước trắng.


    =================================================


    Ghi chú

    *Thổ dân Colombia phân loại nước sông theo màu mà nó cũng phản ánh đặc điểm sinh thái cũng như sự màu mỡ của nước. Sau này, các nhà khoa học cũng như người nuôi cá cảnh vẫn duy trì cách phân loại này, nhưng cụ thể hóa bằng độ trong (water transparency) hay tầm nhìn (visibility), độ pH và độ dẫn (conductivity). Có ba loại nước sông là nước trắng (white water), nước đen (black water) và nước trong (clear water). Nước trắng (như sông chính Amazon và các nhánh Juruá, Japurá, Purus và Madeira) thường đục, với độ trong biến thiên từ 20 đến 60 cm, và bắt nguồn từ dãy Andes, nơi mà chúng mang theo một lượng lớn phù sa màu mỡ. Nước trắng có độ pH trung hòa và nồng độ chất hòa tan tương đối cao bởi độ dẫn biến thiên từ 40–140 μS/cm. Nước đen (như sông Negro) bắt nguồn từ địa tầng Precambrian Guiana vốn là vùng cát trắng rộng lớn (podzols). Độ trong từ 60-120 cm, với lượng cặn lơ lửng thấp nhưng nồng độ humic acid cao khiến nước có màu nâu-đỏ. Độ pH ở những nơi đó từ 4-5 và độ dẫn <20 μS/cm. Vùng ngập lũ của các sông đen thường kém tươi tốt và được dân địa phương gọi là igapós. Nước trong (như sông Tapajós và Xingu) bắt nguồn từ vùng bình nguyên (cerrado) thuộc địa tầng Trung Brazil. Độ trong của nước là trên 150 cm, với lượng phù sa và chất hòa tan thấp, độ dẫn từ 10-20 μS/cm, độ pH từ 6-7 ở các con sông lớn. Vùng ngập lũ của các con sông nước trong tương đối tươi tốt và cũng được gọi là igapós.

    *Thực vật thủy sinh gồm có các loại sau: a) thực vật nổi (floating) chẳng hạn như các loại bèo, b) cây toàn thủy (submerge): chìm hẳn trong nước và c) cây bán thủy (emerge): cây mọc trong nước nhưng vươn lên trên hay quá mặt nước; chẳng hạn như sen hay súng. Lưu vực sông Amazon cũng có các chi thực vật giống Việt Nam như bèo hoa dâu Azolla, súng Nymphaea, Utricularia và bèo cái Pistia stratiotes. Lục bình Eichhornia (bèo tây) và bèo tai chuột Salvinia vốn là các loài bản địa ở châu Mỹ, sau du nhập vào nước ta.

    *Utricularia là một chi thực vật đặc biệt, thường được gọi là cây ăn thịt vì có túi nhỏ để bẫy tảo và động vật làm thức ăn. Loài phổ biến nhất mà mọi người thường biết là rong trứng hay nhĩ cán vàng Utricularia aurea. Một số bạn nuôi cá betta lo ngại rằng rong này sẽ ăn thịt cá bột nhưng trên thực tế, những nơi rong này xuất hiện thường có rất nhiều cá lia thia trú ngụ. Một loài khác mà các bạn chơi hồ thủy sinh cũng biết là cỏ giấy Utricularia graminifolia. Ở Việt Nam còn một số loài khác nữa, các bạn xem blog của anh Lê Hoàng Hải: http://vietnamplants.blogspot.sg/search?q=Utricularia
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/8/16
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hướng dẫn đích thực về cá dĩa: phần hai

    [​IMG]

    Heiko Bleher giải thích về sự khác nhau giữa ba loài cá dĩa và xác định nhu cầu dinh dưỡng tự nhiên của chúng.

    Dẫu địa bàn phân bố chính xác của ba loài và biến thể cá dĩa được nêu lên trong phần một của hướng dẫn này, vẫn có những khác biệt bên trong mỗi loài.

    Symphysodon discus, cá Dĩa Heckel, là loài duy nhất mà tôi phát hiện lai tạp thường xuyên ngoài tự nhiên. Nó xảy ra ở ít nhất ba địa điểm; một gần cửa sông Rio Nhamundá nơi mà nước sông rất acid và cực mềm chảy vào hồ Lago Nhamundá gần như trung hòa. Đây cũng là quê hương của nhiều biến thể cá Dĩa Nâu và Dĩa Lam (S. haraldi).

    Hai loài này có lẽ gặp gỡ và một số có thể lai tạp trong kỳ lũ lớn khi các nguồn nước hòa trộn với nhau.

    Tôi cũng phát hiện sự giao thoa về địa bàn sinh thái ở sông Jatapu nơi nó đổ vào sông Uatumã. S. discus sống ở con sông trước và S. haraldi ở con sông sau.

    Còn có nhánh Rio Marimari của sông Abacaxís, nơi vào kỳ lũ lớn, cá Dĩa Heckel có thể gặp S. haraldi (biến thể Nâu hay Lam) ở chỗ nối với sông Canumã.

    Lai tạp tự nhiên chỉ xảy ra khi nước dâng cực cao và những điều như vậy chỉ xảy ra có lẽ một hay hai lần. Những cá lai này gần như luôn vô sinh.

    Đến nay, lai tạp tự nhiên của cá Dĩa Lục (Symphysodon aequifasciatus) chưa được ghi nhận. Tuy nhiên William Crampton xuất bản vào năm 2008 một số phát hiện về cá Dĩa Lục và cá Dĩa Lam sống chung ở các khu vực thuộc hồ Amanã. Chúng được thu thập ở gần như cùng một địa điểm – nhưng không thể hiện sự lai tạp nào.

    Trước đây, tôi chỉ thu thập được cá Dĩa Lam ở hồ này.

    Ở vùng phân bố cực tây của cá Dĩa Lục, tôi phát hiện một số cá thể ở các hồ thuộc hạ Juruá, vốn thể hiện đặc điểm tương tự như cá Dĩa Lam.

    Symphysodon haraldi, cá Dĩa Nâu và Dĩa Lam, thỉnh thoảng vẫn lai tạp ngoài tự nhiên, vào kỳ lũ cực lớn khi [địa bàn của] chúng giao thoa ở các vùng kể trên. Tuy nhiên, lai tạp tự nhiên giữa S. haraldi và aequifasciatus chưa từng được ghi nhận cho đến tận ngày nay – cho dẫu, bên cạnh phát hiện của Crampton về sự giao thoa với S. aequifasciatus, có một điểm gặp gỡ “cận kề” của cá Dĩa Nâu và Dĩa Lam [với Dĩa Lục].

    Được biết Rio Grande Coari và Rio Urucú nơi hai loài này chỉ bị ngăn cách bởi hồ lớn Lago do Coari. Cá Dĩa Lục chỉ ở Urucú và cá Dĩa Lam chỉ ở Rio Grande Coari. Tuy nhiên, một lần nữa không trường hợp lai tạp tự nhiên nào được ghi nhận.

    [​IMG]

    Loài sống chung với cá dĩa?
    Tôi luôn ghi chú về loài và chi cá mà tôi bắt được khi mỗi lưới cá dĩa. Tôi cũng cố khảo sát dưới nước để tìm loài thực sự sống cùng với cá dĩa, vốn là khách khứa (visitor) – và kẻ thù (enemy).

    Các chi và loài vốn thường xuyên sống cùng với chúng là cá ông tiên Pterophyllum scalare và P. leopoldi, Geophagus spp. [cá hải hồ] (xem hình trên) và Acarichthys heckelii, Satanoperca spp. và Biotodoma spp.

    Heros spp. [cá kim thơm] xuất hiện trong hầu hết mẻ lưới, rồi đến Hypselecara spp. [hồng kỳ] và với cá Dĩa Heckel thì hầu như luôn có Hoplarchus psittacus và Uaru amphiacanthoides. Mesonauta spp. hầu như luôn xuất hiện bên trên cá dĩa, kế tiếp là Chaetobranchus và Chaetobranchopsis spp.

    Về những vị khách hiền lành – những bầy hay cá thể đôi khi bơi cùng với bầy cá dĩa – thường xuyên nhất là Crenicichla spp. Đấy thường là những con lớn đi theo bầy như C. marmorata, C. albopunctata, C. geayi, C. johanna, reticulata và C. saxatilis.

    Rồi đến Leporinus spp., chủ yếu là L. fasciatus, L. affinis, L. agassizii, L. arcus and L. friderici, and Laemolyta proxima, L. taeniata and L. petiti.

    [​IMG]

    Những tay bơi hàng đầu ở tầng nước trên trong địa bàn sinh thái của cá dĩa là: Boulengerella spp. (hình trên), Chalceus spp., Triportheus spp., Bryconops spp. và Hemiodus spp., nhưng hiếm khi nào thấy Gasteropelecus và Carnegiella hay Thoracocharax spp.

    Rồi có những khách khứa quen thuộc tầng đáy, chẳng hạn như cá đuối nước ngọt hiền lành Potamotrygon spp. và Paratrygon aierba.

    Cũng có những khách khứa cá nheo (catfish) hiền lành như Hypostomus spp. [cá chùi kiếng] — dẫu đừng bao giờ nuôi chung với cá dĩa trong hồ kiếng — Pimelodus spp. như P. blochii và P. ornatus, Liposarchus spp., Pterygoplichthys spp., Squaliforma spp., Rineloricaria spp., và Spatyloricaria spp.

    Ở một số địa bàn có Leporacanthicus, Pseudacanthicus, Pseudancistrus và Panaque spp., nhưng hiếm khi nào bạn thấy loài loricariids [cá nheo vảy giáp] nhỏ như Peckoltia và Hyancistrus spp.

    Những loài cá nhỏ hiếm khi nào sống bên cạnh cá dĩa bởi nó quá sâu đối với chúng, vì vậy địa bàn tự nhiên của chúng thường xuyên bị bao quanh bởi loài săn mồi to lớn. Chủ yếu là Pristobrycon spp., Pygocentrus spp., và Serrasalmus spp. [họ hàng cá piranha và pacu], và chúng thường cố tấn công con đầu đàn trong khi đàn tản mác và tìm chỗ trốn.

    Acestrorhynchus spp. [cá răng kiếm nước ngọt] với hàm răng sắc nhọn cũng cố táp cá dĩa, nhất là vùng sau đuôi và Catoprion mento xơi vảy của chúng. Đấy là nguyên nhân tại sao một số vảy mọc lại ở cá thể đầu đàn và cũng là nguyên nhân cá dĩa thường xuyên bị thương…

    Cá dĩa ăn gì?
    Tôi từng kiểm tra hàng trăm cá thể trong nhiều năm trời và thức ăn trong bao tử và ruột cá dĩa hoang cho thấy một thứ tự ưu tiên: mùn bã hữu cơ (detritus), rồi đến thực vật (hoa, quả, hạt, lá), tảo và vi tảo, động vật thủy sinh thân mềm và động vật chân khớp (arthropods) trên cạn và cây.

    Cá đã thích nghi với môi trường tự nhiên của Amazon qua hàng triệu năm tiến hóa. Vào mùa khô, thực vật ở rừng mưa nhiệt đới thiếu nước và không thể ra hoa vì thiếu năng lượng. Điều tương tự cũng xảy ra với hầu hết các loài cá nước ngọt.

    Mùa khô, với mực nước xuống thấp và nguồn thức ăn khan hiếm – ngoại trừ đám săn mồi – nhiều loài cá bị đói hay ăn chút gì đó có sẵn, thường là mùn bã hữu cơ.

    Cá dĩa và nhiều loài khác ăn những gì chúng kiếm được, nhưng vẫn phải thường xuyên cảnh giác đám săn mồi.

    Trong từ sáu đến chín tháng mùa lũ, hầu hết mọi loài cây và bụi, ra hoa và đơm trái và hạt – vốn là nguồn dưỡng chất chính cho khoảng 75% loài cá ở Amazon.

    Cá lớn, và cá con vốn trưởng thành trong thời gian đó, có thể ăn no bụng.

    Các loài săn mồi bị đói bởi chúng không thể bắt mồi trong vùng nước khổng lồ.

    Cần bao nhiêu dưỡng chất?
    Tôi đã phát hiện thành phần dưỡng chất sau đây ở mỗi loài:

    Symphysodon discus: trong mùa nước thấp: 55% mùn bã hữu cơ; 15% thực vật; 12% tảo và vi tảo; 10% động vật thân mềm; 8% động vật chân khớp trên cạn và cây. Trong mùa nước cao: 28% mùn bã hữu cơ; 52% thực vật; 5% tảo và vi tảo; 3% động vật thân mềm; 12% động vật chân khớp trên cạn và cây.

    Symphysodon aequifasciatus: trong mùa nước thấp: 52% mùn bã hữu cơ; 18% thực vật; 15% tảo và vi tảo; 13% động vật thân mềm; 2% động vật chân khớp trên cạn và cây. Trong mùa nước cao: 8% mùn bã hữu cơ; 62% thực vật; 8% tảo và vi tảo; 5% động vật thân mềm; 17% động vật chân khớp trên cạn và cây.

    Symphysodon haraldi: trong mùa nước thấp: 39% mùn bã hữu cơ; 9% thực vật; 25% tảo và vi tảo; 22% động vật thân mềm; 5% động vật chân khớp trên cạn và cây. Trong mùa nước cao: 6% mùn bã hữu cơ; 44% thực vật; 12% tảo và vi tảo; 16% động vật thân mềm; 22% động vật chân khớp trên cạn và cây.

    Đơn giản quá khác biệt
    Nếu bạn nhìn cặn kẽ vào các địa bàn sinh thái nêu trên và những thông số hóa học và dinh dưỡng của chúng, bạn có thể hiểu tại sao tôi đề nghị nuôi riêng từng loài.

    Nhất định đừng bao giờ trộn lẫn cá dĩa hoang với cá dĩa thuần dưỡng (tank-bred) bởi chúng đơn giản quá khác biệt.

    Loại đầu chỉ biết môi trường tự nhiên và chịu được ký sinh ở mức độ nào đó – loại sau chỉ biết hồ nhỏ, thức ăn khác và mang loại ký sinh khác hoàn toàn với cá hoang. Chúng có thể không bao giờ hòa hợp được với nhau.

    [​IMG]

    Sinh cảnh (biotope) Symphysodon discus:
    Gắng nuôi không ít hơn năm hay sáu con và cho mỗi con trưởng thành tối thiểu 40 l/8.8 gal. Bổ sung cát trắng, thậm chí cát mịn. Ngâm khúc cây trong nhiều tuần, nếu không tìm thấy lũa lớn. Bổ sung thực vật nổi như tìm thấy ngoài tự nhiên và nếu bạn muốn cây toàn thủy thì trồng một ít ở hậu cảnh, chẳng hạn như Echinodorus bleherae, hay Cyperus helferi lớn.

    Cá này cần chỗ trú ẩn, vì vậy đừng đặt hồ nơi nhiều người qua lại thường xuyên hay gần cửa ra vào, và không có ánh sáng chiếu trực tiếp. Nhưng nếu thỉnh thoảng có tia nắng thì bạn sẽ thấy màu sắc tươi sáng mà chỉ có ánh mặt trời mới làm nó hiện ra.

    Về cá nuôi chung, tôi đề nghị ít nhất ba con hải hồ Geophagus spp. hay Satanoperca spp. và bốn hay năm con cá ông tiên lớn P. leopoldi hay P. scalare — cái gọi là Rio Negro-Altum [sai bét]. Cũng thử nuôi ba con Uaru amphiacanthoides và năm con Mesonauta spp. Chúng sẽ tự làm đầy tầng nước trên.

    Heros [kim thơm], Hypselecara [hồng kỳ] và Biotodoma wavrini cũng đáng để bổ sung vào bộ sưu tập.

    Nếu bạn muốn vài con cá nheo (catfish), hãy chọn những con được nhắc đến ở trên, nhưng đừng nuôi quá nhiều.

    Một bộ lọc mạnh với đất mùn (peat) là quan trọng, nhưng phải đảm bảo dòng nước không quá mạnh. Tôi cũng đề nghị dùng đèn treo HQI.

    [​IMG]

    Sinh cảnh Symphysodon aequifasciatus:
    Không nuôi ít hơn năm hay sáu con và [thể tích] cho mỗi con trưởng thành 40-50 l/8.8-11 gal. Trải cát màu trắng hay be và lại dùng lũa đã ngâm nước. Nếu bạn không tìm ra miếng lớn, hãy bổ sung thực vật nổi như bèo cái Pistia stratiotes hay lục bình Eichhornia spp. Rong trứng Utricularia spp. luôn dễ thương và thử dùng cây lá trầu Echinodorus và/hay Cyperus spp. ở hậu cảnh.

    Đảm bảo rằng cá có chỗ trú ẩn và bố trí hồ nuôi ở cùng vị trí như cá Dĩa Heckel.

    Với cá nuôi chung, thả ít nhất ba con hải hồ Geophagus spp., Satanoperca spp. hay Biotodoma spp., và bốn hay năm con P. scalare lớn — những con vốn được bán như là Peru-Altum [sai bét] trên thị trường cá cảnh.

    Tôi sẽ thử ba con Uaru amphiacanthoides và có lẽ năm con Mesonauta spp., Heros [kim thơm], Hypselecara. spp. [hồng kỳ], và có lẽ một số cá rìu (hatchetfish) lớn chẳng hạn như Thoracocharax hay Gasteropelecus spp.

    Nếu muốn nuôi cá nheo, chọn như đã đề cập nhưng tôi đề nghị nuôi loricariids [cá nheo vảy giáp] lớn, và đừng nuôi Hypostomus spp. [cá chùi kiếng].

    Bố trí này cũng cần một bộ lọc mạnh với đất mùn thay đổi mỗi tháng, nhưng phải đảm bảo rằng dòng nước không bao giờ được quá mạnh. Một lần nữa dùng đèn treo HQI.

    [​IMG]

    Sinh cảnh Symphysodon haraldi:
    Tương tự, không nuôi ít hơn năm hay sáu con và [thể tích] cho mỗi con trưởng thành 50 l/11 gal. Sử dụng cát mịn màu trắng hay be. Nếu muốn dùng đá, thì chỉ sử dụng vài viên trắng, nhẵn nhụi, đặt ở góc hồ.

    Dùng lũa đã ngâm nước, và nếu không kiếm ra miếng lớn, hãy thả cây thủy sinh nổi tìm thấy ngoài tự nhiên. Nếu muốn cây toàn thủy, trồng một ít ở hậu cảnh, chẳng hạn như Echinodorus bleherae hay Cyperus helferi lớn. Bạn cũng có thể bổ sung một hay hai cây súng Nymphaea spp. thật lớn.

    Để có chỗ trú ẩn, sử dụng thực vật nổi nếu bạn không có súng Nymphaea và đặt hồ ở vị trí tương tự như những loài khác.

    Cá Dĩa Nâu và Dĩa Lam không nhạy cảm như hai loài kia, nhưng tránh làm cá hoang bị căng thẳng, nhất là trong những tuần đầu tiên.

    Với cá nuôi chung, tôi đề nghị nuôi ít nhất ba con hải hồ Geophagus spp. hay Satanoperca spp., bốn hay năm con P. scalare lớn. Sáu con Mesonauta spp. sẽ giúp làm đầy tầng nước trên. Gắng nuôi ba con kim thơm Heros spp. và hai con hồng kỳ Hypselecara và Biotodoma cupido rất dễ thương.

    Cố gắng nuôi ba hay bốn con Leporinus fasciatus và Boulengerella spp. chẳng hạn như B. maculata. Một lần nữa, chọn cá nheo như đề cập ở trên nhưng đừng nuôi quá nhiều. Một bộ lọc mạnh với đất mùn là quan trọng, nhưng phải đảm bảo dòng nước không quá mạnh. Dùng đèn treo HQI.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/5/17

Chia sẻ trang này