Con đường dị sắc: Marble - Fancy - Koi - Samurai - Galaxy - Nemo Màu Marble (Cẩm Thạch) được cho là “dị sắc” (variegated) tức trong tông màu vốn dĩ, có một hay nhiều màu lạ nhiễm vào. Chúng ta hãy cùng duyệt qua sự phát triển của cá Marble thành những tên thương mại ngày nay: Marble: Được tạo ra vào đầu những năm 1970 bởi Orville Gulley. Walt Maurus và một số nhà lai tạo khác bắt đầu cản cá Marble dẫn đến việc phát tán của chúng trên toàn nước Mỹ. Traditional Marble là con có kết hợp màu đơn giản đen/thịt/trắng với hiệu ứng chắp vá (piebald), về sau nhiều loại cẩm thạch khác được phát triển bao gồm Colored Marble và Red Marble. *Có một dạo, hiệu ứng Cẩm Thạch (Marble) được cản vào cá chọi để tạo ra cá “bạch tạng” với mục đích giành lợi thế cáp đá. Người thiếu cảnh giác có thể xem thường cá bạch tạng, chịu nhường chạng, chấp kèo. Ngày nay, đôi khi trong các bầy cá chọi vẫn nảy ra vài con bạch tạng, chúng chính là hậu duệ của những con bạch tạng gốc này. Fancy: Trước hết, xin lưu ý với các bạn rằng đây là một tên thương mại vốn bắt nguồn từ Thái Lan và không được ghi nhận trong tiêu chuẩn chính thức của IBC. Dr. Gene Lucas, 2002 sử dụng thuật ngữ “Fancy Betta” (tức Betta Đặc Sắc) với ý nghĩa như là Betta Cảnh (Show Betta) và Precha, 2005 dùng từ này để mô tả những con Plakat cảnh với đủ mọi màu sắc mới lạ như đỏ, cam, vàng, trắng, đen. Đấy là ảnh hưởng của Betta Cảnh từ Âu Mỹ; trước đó đa số Plakat ở Thái đều có màu ánh kim truyền thống (xanh dương, xanh lục và xanh thép). Vào 2010, những con Marble Betta với 3 màu hay hơn bắt đầu xuất hiện trên thị trường và cũng được gọi là Fancy (dẫu một số con Marble 2 màu cũng rất đẹp). Ngày nay, cá Fancy đã trở nên phổ biến và nhiều con có đến 5 màu hay hơn. *Vào 2012, một câu lạc bộ của những người hâm mộ cá Fancy xuất hiện trên diễn đàn với tên Underworld Fancy Club. *Rất nhiều cái-gọi-là cá Fancy trên mạng không có đủ 3 màu, thậm chí hiệu ứng cẩm thạch rất yếu (hơi bợt ở đầu và dính chút ánh kim ở gốc đuôi như các loại Red Fancy mà thực ra là Marble Red Dragon mà thôi). Đây dường như là sự lạm dụng từ “Fancy”. *Fancy Copper (FCCP) Trắng là một sự lạm dụng từ ngữ khác. Có bạn nói rằng đó là con Fancy trắng nhưng “bóng” so với trắng thường. Nhưng bạn không thể gọi một con betta là “copper này nọ” nếu bạn không thấy màu copper! Đây là cách giải thích thiếu chính xác do không hiểu bản chất của màu trắng ở Fancy và các dòng marble khác như Galaxy. Xin giải thích như sau, màu trắng ở “Fancy Copper” cũng chính là màu trắng ở dragon betta với nền tảng Opaque. Yếu tố Opaque (OpOp) tác động vào xanh thép Steel (blbl) khiến màu ánh kim hóa trắng! Màu trắng thường (OpOpblblnmnm) không bóng. Khi có thêm yếu tố metallic, nếu là dạng đồng hợp (++) thì chúng ta sẽ có màu copper hay gold tùy nền sẫm, nhạt hay vàng (OpOpblbl++). Còn nếu là dạng dị hợp (nm+) thì chúng ta sẽ có màu Gray hay Platinum tùy nền (OpOpblblnm+). Con rồng đỏ điển hình mà chúng ta vẫn thấy chính là Opaque Gray nền sẫm. Và như các bạn đã biết, cả Copper lẫn Gray đều “bóng”. Như vậy, tất cả cái gọi là “Fancy Copper” đều có thể được điều chỉnh bằng mấy tên còn sang chảng hơn nữa, “Fancy Dragon” hay “Fancy Platinum” tùy nền! *Thế nào là một con Fancy Betta đẹp? Theo tiêu chuẩn khắt khe của IBC, đó là con: a) hiệu ứng cẩm thạch phải xuất hiện trên thân và cả ba vây lẻ, b) phân bố của các màu đều nhau, c) màu sắc tương phản và ranh giới giữa chúng rạch ròi. Koi: Là cá Marble Nền-Nhạt (cellophane) với những mảng màu (đỏ, đen, cam, vàng) như cá Koi cổ điển. *Tancho Betta là Koi Betta có đốm đỏ trên đầu như cờ Nhật. *Cá Koi vốn được lai tạo để ngắm từ bên trên (Top View). Đây dường như là một hướng đi mới cho thú chơi betta với việc thả Koi Betta trong các hòn non bộ và chậu trang trí. *Holland Betta Show 2016 có một lớp triển lãm đặc biệt: Koi Betta được chấm điểm bởi Trọng Tài cá Koi! Các trọng tài đánh giá cả bên trên (Top View) lẫn bề ngang (Side View). Black Samurai/Mamba: Là cá Marble Dragon mà hiệu ứng cẩm thạch hạn chế vảy rồng ở đầu và lưng của cá. Galaxy: Là cá Marble Nền-Sẫm với những đốm nhỏ rải rác, màu sắc tương phản. ============================ Tham khảo tiêu chuẩn IBC về cá Marble: PHÂN NHÓM -- Cẩm Thạch (Marble) Betta Cẩm Thạch, giống như Bướm, là Betta Hoa Văn. Tuy nhiên, chúng dị sắc (variegated) theo cách khác. Chìa khóa phân biệt là sự thiếu vắng việc chia viền vây (fin banding) và hiện diện của những màu khác trên thân theo hiệu ứng “cẩm thạch”. Có hai loại Cẩm Thạch, “Cẩm thạch Truyền Thống” (Traditional Marble) và “Cẩm Thạch Màu” (Colored Marble) mới hơn, vốn có nhiều màu ngoài sự kết hợp đen/thịt/trắng. Mặc dù cellophane đôi khi được xem như là một biến thể cẩm thạch về di truyền, nó không được xếp như là cẩm thạch về kiểu hình. Thân và vây phải thể hiện ít nhất 2 màu. Những màu này phải bao gồm sự pha trộn giữa màu sẫm và nhạt. Cá thể hiện những “cạnh” sắc (sharp “edge”) với hoa văn marble được ưu tiên hơn những con với các màu hòa trộn (blended colors). Nền Tảng Lỗi Chung của Betta Cẩm Thạch: Những nguyên tắc vốn quyết định sự sắp xếp của các biểu đồ lỗi (fault charts) được phát hiện ở phần này gồm: --- Việc pha trộn màu sắc là bắt buộc -- “cẩm thạch”. --- Độ Tương Phản Cao giữa các màu sẫm và nhạt với đường nét (definition) rõ ràng. --- Cẩm thạch đối xứng (symmetrical marble) [Half Black] phải được nghiên cứu cặn kẽ để tái phân loại như những biến dị (variations). ĐẶC ĐIỂM PHÂN NHÓM – Hoa Văn Cẩm Thạch Sự thiếu vắng hoa văn cẩm thạch là lỗi loại. NGÀNH – Không ---Phân ngành – Không ------LOẠI – CẨM THẠCH TRUYỀN THỐNG Đây là loại cẩm thạch còn được gọi là Cẩm Thạch Truyền Thống. Nó hoàn toàn thiếu các màu đỏ, xanh lục, xanh dương và xanh thép vốn xuất hiện ở cẩm thạch màu. Các màu Metallic mới hơn cũng không hiện diện ở Cẩm Thạch Truyền Thống. Vây cũng không có các màu đó, và cá là sự pha trộn của đen/thịt/trắng. ------LOẠI – CẨM THẠCH MÀU (COLORED) Vùng mặt/má có thể bảo lưu đặc điểm cẩm thạch, màu thịt hay trắng, nhưng thân và vây có thể xuất hiện sự kết hợp giữa các màu đỏ, xanh lục, xanh dương, xanh thép hay metallic. Cá không bị bị tính lỗi nếu vùng mặt/má là một màu khác (đỏ hay đen) miễn nó có hoa văn cẩm thạch rõ nét trên thân. Thân của những con cẩm thạch màu này có thể bao gồm bất kỳ màu nào ở trên. Sự pha trộn màu với tương phản lớn hơn được ưu tiên. Sự pha trộn chỉ giữa đỏ và xanh lục chẳng hạn là không đủ. Phân loại (Subtype) -- Cẩm Thạch Đỏ Phân loại đại diện này thể hiện màu sắc tương tự như [cẩm thạch] truyền thống, nhưng bao gồm cả đỏ. Những phân loại khác bao gồm màu như tên gọi của chúng. Lỗi Màu của Betta Cẩm Thạch: 1. Sự pha trộn 50/50 giữa màu các sẫm và nhạt là lý tưởng. Từ 25% - 33% của bất kỳ màu sẫm hay nhạt nào (lỗi nhẹ) Ngoại lệ: Một hoa văn “Dalmatian” đẹp với sự lan đều của các đốm và tương phản tốt [trên vây] không nên bị tính lỗi. 2. Hoa văn kém tương phản ở một vây lẻ (lỗi nhẹ) 3. Dưới 25% của bất kỳ màu sẫm hay nhạt nào (lỗi nặng) 4. Thiếu hoa văn cẩm thạch ở một vây lẻ (lỗi nặng) 5. Hoa văn kém tương phản trên thân (lỗi nặng) 6. Hoa văn kém tương phản trên thân và trên 1 hay nhiều vây lẻ (lỗi trọng) 7. Thiếu hoa văn cẩm thạch trên thân (lỗi trọng) 8. Thiếu hoa văn cẩm thạch ở hai vây lẻ (lỗi trọng) 9. Hoa văn bướm ở 1 hay nhiều vây lẻ không là lỗi nếu cá có hoa văn cẩm thạch đẹp trên thân. Thí sinh (exhibitor) có lựa chọn trưng bày cá với hoa văn bướm ở cả ba vây lẻ trong lớp bướm.
Các tên thương mại Candy và Nemo dường như xuất phát từ Malaysia (hoặc Thái Lan) thời gian gần đây. Candy (Kẹo): như tên gọi, thường sặc sỡ với các tông màu nóng chủ đạo bao gồm đỏ, cam, vàng. Ngoài ra, nó chẳng khác gì mấy so với Fancy hay Koi. Nemo: dòng này được phát triển từ Armageddon, khi mà hiệu ứng cẩm thạch lan đến cả thân cá, có lẽ nhờ kết hợp với red marble. Gien cam đốm (Armageddon) khiến cho hoa văn cẩm thạch sắc nét, nhất là ở các vây. Chính sự sắc nét này tạo ra việc liên tưởng đến các sọc ở loài cá hề (Nemo). Và vì xuất phát từ Armageddon nên các tông màu chủ đạo của Nemo cũng là đỏ-cam-vàng như Candy; đôi khi người ta gọi kết hợp là Candy-Nemo. Trước đây, đỏ (red) và vàng (non-red) hầu như không thể xuất hiện đồng thời và nếu có thì chỉ trong vài ngoại lệ hiếm hoi. Nhưng gien Marble đã thay đổi tất cả. Dường như không có gì là “bất khả” trong thế giới betta. Ý tưởng “Vietflag” (cờ Việt) trước đây vốn bế tắc thì nay khả dĩ với hai màu đỏ-vàng. Tùy sở thích, bạn có thể cản vàng át đỏ hoặc đỏ át vàng (và vẫn bán đắt như tôm tươi!) nhưng lời khuyên là cản cân bằng (đỏ tương đương vàng) theo tiêu chuẩn của IBC! Việc loại bỏ các màu tạp (trắng, xanh, đen, cellophane) và tạo hiệu ứng Marble trên cả ba vây lẻ là cả một chặng đường dài mà chỉ những nhà lai tạo tâm huyết mới có khả năng đeo đuổi. Một con cẩm thạch có chút đỏ và vàng (các yếu tố phủ định nhau) vốn là của hiếm vào thời điểm 2011 (cá lionking79, ảnh nlkhanh). Về sau, hiệu ứng này xuất hiện phổ biến hơn, bắt đầu ở cá Armageddon của Aquastar71. Vài con Nemo rất gần với khái niệm Vietflag được bán trên mạng: