Cách lựa cá dĩa đẹp: phần 2 Tình trạng sức khỏe Mục đích của phần này là phát hiện những con cá bệnh hay có dấu hiệu bệnh lý. Kiểm tra xem hồ nuôi có được bỏ thuốc hay không (xanh, vàng, có mùi thuốc). Nếu có, đấy là dấu hiệu hồ cá đang được điều trị và không nên mua cá. Tóp đầu: dấu hiệu của bệnh ký sinh, mãn tính (chẳng hạn như lao cá) dẫn đến bỏ ăn và suy dinh dưỡng. Đen mình: dấu hiệu cá bị căng thẳng, tương tự như hiện tượng xuất mồ hôi ở người. Cá bị nhiễm ký sinh thường đen mình vì tiết nhiều nhớt. Cá đang sinh sản hay nuôi con cũng đen mình nhưng mạnh khỏe, lanh lợi chứ không lờ đờ. Đôi khi đen mình không phải bệnh mà là phản ứng của cá đối với sự thay đổi đột ngột của môi trường, thường là nhiệt độ (trên 5 độ). Cá thường có biểu hiện đen người sau khi thay nước. Nhợt nhạt: thường đi đôi với hiện tượng bỏ ăn và tóp đầu vì nhiễm khuẩn. Màu tím: xuất hiện ở những con nhiễm khuẩn trong bầy dĩa lam. Đấy là dấu hiệu của bệnh lao cá! Lở loét: gây ra bởi các vi khuẩn gam âm, thường là Aeromonas hydrophyla. Bệnh này rất phổ biến ở cá hoang dã và có khả năng kháng thuốc nếu không chữa trị đúng cách. Từ chối mua bất kỳ con cá nào từ hồ có cá mắc bệnh này. Nấm thủy mi (fungus): xuất hiện dưới dạng bông, sợi và vệt trắng do khuẩn thuộc lớp Oomycetes (họ Saprolegniales). Bệnh này khá dễ chữa. Sưng mắt: dấu hiệu của bệnh lao cá. Bệnh này rất khó chữa. Chuyển động giật cục: dấu hiệu nhiễm ký sinh, mang bị nhiễm nặng, có thể là một trong các loài Gyrodactylus, Dactylogyrus, Chilodonella và Trichodina. Bệnh này dễ chữa nên có thể mua cá nếu cần thiết. Cọ mình vào các vật thể: dấu hiệu nhiễm ký sinh, vùng cọ xát nhiễm nặng nhất. Bệnh này dễ chữa nên có thể mua cá nếu cần thiết. Chúi đầu: chưa rõ nguyên nhân, có thể do nhiễm khuẩn hay các chất hóa học tác động lên cơ quan kiểm soát thăng bằng như tai trong. Nếu bệnh nhẹ thì cá có thể phục hồi. Treo đầu trên mặt nước: thường đi đôi với các triệu chứng khác như thở chậm và lờ đờ. Đây là dấu hiệu của bệnh siêu vi (virus) tác động lên mang và những bộ phận khác. Nếu kèm dấu hiệu đen mình thì đó có thể là bệnh ký sinh. Từ chối mua bất kỳ con cá nào từ hồ có cá mắc bệnh này. Bệnh lủng đầu: với nhiều mảng lở loét vùng đầu, xung quanh mắt và nắp mang, đôi khi lan ra đường bên. Hầu hết cá đều ăn uống bình thường, thậm chí vẫn sinh sản được, chỉ một số ít bị căng thẳng. Có thể điều trị bệnh bằng cách ngâm cá trong nước lá bàng. Rụng vảy: từng mảng vảy lớn bị rụng phô bày lớp da hư hại bên dưới. Đây là bệnh nhiễm khuẩn Costiosis, rất nguy hiểm với cá non và trứng. Cá ủ bệnh có vảy không đều và tiết nhiều nhớt. Tuột nhớt: là dấu hiệu của bệnh ký sinh ngoài da. Thối/cháy vây: vây rất nhạy cảm với môi trường và bệnh tật. Ngay cả cá bình thường, khi quan sát vây dưới kính phóng đại sẽ phát hiện nhiều lỗi. Nếu vây bị cháy do môi trường thay đổi đột ngột thì sẽ phục hồi sau vài ngày mà không cần chữa trị. Bằng không thì có thể là do nhiễm khuẩn. Đốm trắng: với các đốm trắng li ti nổi toàn thân. Đây là bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Ichthyophthirius multifiliis. Dẫu bệnh có thể chữa trị được nhưng tránh mua. Nấm nhung: với lớp bụi vàng như lụa phủ toàn thân và nắp mang. Bệnh gây ra bởi trùng Piscinoodinium hiện rõ dưới nguồn sáng mạnh. Sình bụng: a) được coi là bệnh khi đi kèm với các triệu chứng như đen người, mất màu, bỏ ăn và lờ đờ. Đây thường là hiện tượng nhiễm khuẩn nội ở đường tiêu hóa hay nội tạng. b) Nếu cá đang bình thường đột nhiên sình bụng và bỏ ăn trong khi màu sắc vẫn bình thường thì đó có thể dấu hiệu bị nhiễm siêu vi. c) Trường hợp bụng to dần (trong khi cá vẫn ăn và tiêu hóa bình thường) cho đến khi căng phồng khiến cá chết, đây có thể là hiện tượng nhiễm độc hormon hoặc steroid. d) Một số loại thức ăn khô nở ra khi gặp nước nên nếu cá ăn quá nhanh và nhiều thì khi thức ăn nở ra sẽ khiến cá bị sình bụng. Phân trắng: thường đi đôi với giảm khẩu vị, dấu hiệu của bệnh nhiễm khuẩn hay ký sinh đường ruột. Phân cá mạnh khỏe màu đen hoặc đôi khi là đỏ nếu thức ăn có nhiều màu này. Chóp vây lưng dài: là điều bình thường ở cá dĩa, tuy nhiên chóp vây lưng quá dài một cách bất thường, dù ở cá đực hay cá cái, có thể là hậu quả của việc ngâm testosterone trong một thời gian dài. Cá có thể bị sình bụng và vô sinh. Cách quan sát Sau khi phân tích các yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn cá dĩa, bước kế tiếp là áp dụng chúng thông qua quan sát để lựa được cá đẹp và mạnh khỏe. Dưới đây là các bước quan sát (các bạn có thể in những hình này ra và mang theo mỗi khi lựa cá) ------------------------------------ Cách lựa cá dĩa đẹp: phần 1 Tuyển chọn cá dĩa dự thi
CN vừa rồi em mới bắt 1 đôi Lam và 1 đôi Man đỏ. Giờ mới phát hiện 1 em Lam mắt màu đen và đôi Man thì bị tiêu đầy đẩu. Đọc lại bài này mới thấy ko có kinh nghiệm chọn cá.