Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Các loài cá nheo độc

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 11/3/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Các loài cá nheo độc
    Tiến sĩ David Sands – F.A.M.A 6/2008

    [​IMG]
    Cả hai loài cá nheo này đều được trang bị những cái gai vây cực độc mà chúng có thể tạo ra vết chích vô cùng đau đớn. Bên trên là loài chuột cory mới được tác giả phát hiện Corydoras duplicareus, còn bên dưới là loài Brachyrhamdia rambarrani mà chính tác giả từng bị chúng chích rất đau.

    Khi bàn về các loài có độc người ta thường liên tưởng đến các loài rắn, nhện và ếch độc. Người chơi cá, đặc biệt là cá cảnh biển, thường nghĩ ngay đến các loài cá mao tiên và cá mù làn (scorpionfish), hay thậm chí cá mặt quỷ (stonefish).

    Tuy nhiên, một số cá nước ngọt vùng xích đạo hay nhiệt đới, cũng có khả năng chích hay truyền nọc độc cho con mồi hoặc kẻ thù. Một nhóm bao gồm những con cá nheo (catfish - cá thuộc bộ Siluriformes) có khả năng truyền độc và một số con trong đó rất phổ biến trong các hồ cảnh, điều mà chúng ta ít khi ngờ tới.

    Giáo và khiên
    Một số cá nheo tự vệ bằng các gai nhọn, sắc trên vây lưng và vây ngực. Một số khác có thêm lớp vảy cứng và dày như áo giáp. Sự kết hợp này nhằm để tự vệ trước những kẻ săn mồi. Một thân hình cứng cáp cũng rất hữu ích khi phải đối mặt với dòng nước chảy xiết.

    Một số người chơi cá từng bắt chuột cory sai cách, thường từ vợt hay bịch nhốt, đều biết rằng cần phải tránh xa những cái gai của chúng bằng mọi giá. Không phải chỉ vì chúng cực sắc mà còn vì vết chích gây đau đớn vượt xa những gì mà mọi người tưởng tượng nổi. Nguyên nhân của sự đau đớn tột độ này nằm ở vết thương mà bề ngoài trông có vẻ rất nhẹ. Bởi vì theo cơ chế tự vệ của một số loài cá nheo, các gai và vảy giáp thường có độc. Đấy là lý do một vết chích bé xíu lại gây đau đớn như thể bị ong bắp cày đốt.

    [​IMG]
    Trừ phi bạn đã có kinh nghiệm và biết rõ về loài cá nheo mà mình đang nuôi thì mới nên tiếp xúc với chúng. Loài cá nheo Megalodoras này là một trong số những con mà tác giả gọi là “gã khổng lồ hiền lành”. Một số con có thể đạt đến kích thước trên 60 cm.

    Vết chích đau đớn
    Một trong những kinh nghiệm tệ hại nhất về gai độc cá nheo liên quan đến đề tài tiến sĩ của tôi. Vào năm 1992, khi đang làm việc ở thượng lưu sông Negro, Brazil; tôi đang đóng gói một trong số những con cá giả da trơn – scaless imitator (Brachyrhamdia rambarrani) – lẫn trong bầy chuột cory để sửa soạn đi tiếp lên thượng nguồn. Tôi nhẹ nhàng bắt con cá nheo để chuyển nó qua túi mới. Khi trượt qua tay tôi xuống cái túi nhựa dài và hẹp, tôi bất ngờ bị gai vây lưng đâm vào đầu ngón trỏ, ngay bên dưới móng tay. Cái gai đâm sâu đến nỗi con cá nheo vẫn còn dính vào tay tôi mặc dù tôi đã rút tay ra khỏi túi rất nhanh. Tôi nhanh chóng gỡ con cá ra trong khi rên thất thanh (như loài sinh vật lạ) và vết thương bắt đầu rỉ máu. Ngón tay bị thương bắt đầu nóng lên ngay lập tức mặc dù những ngón khác trên cùng bàn tay lạnh đi. Triệu chứng này chứng tỏ một loại chất độc nào đó đã nhiễm vào máu của tôi.

    [​IMG]
    Các loài chuột Corydoras chẳng hạn như chuột muối tiêu – Pepper cory (Corydoras paleatus) – rất phổ biến. Kết quả là nhiều người chơi cá bị chúng chích vì bắt cá sai cách.

    Hoặc cá nheo tiết chất độc vào vết thương hoặc vết thương bên ngoài đã phản ứng phòng vệ ngay lập tức. Lúc đó tôi thực sự bị suy sụp (cá nheo trả thù?). Vài ngày sau, đau đớn qua đi mặc dù ngón tay tôi vẫn sưng tấy và tình trạng này kéo dài cả tuần. Thậm chí nhiều tuần sau đó, ngón tay tôi vẫn còn sưng đôi chút.

    [​IMG]
    Con cá nheo gáy khổng lồ này (Platydoras sp.) cho bạn chút khái niệm về kích thước của một số loài doradid cỡ lớn. Dung tích hồ nuôi tối thiểu với một con cá nheo có kích thước như trên là 600 lít.

    Lũ châm chích
    Tôi mô tả chi tiết về sự kiện này trong luận văn tiến sĩ của mình, và đây có lẽ là lần đầu tiên mà một loài thuộc chi Brachyrhamdia được ghi nhận là có độc tố. Không chỉ một vài loài cá nheo ở Nam Mỹ mới có chất độc, rất nhiều loài cá nheo ở châu Phi và châu Á được biết có chất độc trong các gai vây. Nhiều loài “kêu” hay “gáy” bằng cách ngoáy các gai vây vào những ngăn đặc biệt. Đây là một cơ chế tự vệ khác mà có lẽ được dùng để xua đuổi chim bói cá hay các loài cá săn mồi lớn hơn. Chúng sẽ nhớ về âm thanh và liên tưởng đến những cái gai vây và nọc độc ghê gớm. Liên tưởng này có lẽ sẽ giúp chúng né tránh những loài cá nheo chậm chạp mà thoạt nhìn có vẻ “dễ ăn”.

    Các loài cá nheo bơi ngửa bụng châu Phi (Synodontis spp.) được gọi là “cá gáy” ở quê hương của chúng, và chúng có thể truyền độc nếu không được bắt đúng cách. Một số tay “châm chích” tệ hại nhất là các loài cỡ nhỏ, sống trong những vùng nước chảy xiết chẳng hạn như Chiloglanis. Một nhóm những loài cá nheo tí hon ở hồ Tanganyika được cho là có độc (Lophiobargus spp.). Theo Pierrer Brichard, nhà sưu tầm cá nổi tiếng thế giới, chúng tiết ra nhớt độc để giết chết những con cá khác trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, điều này không thể ngăn cản những người chơi cá nuôi dưỡng và lai tạo những loài cá nheo này trong môi trường hồ nuôi.

    [​IMG]
    Trái: cá nheo gáy như các loài Platydoras hoạt động chủ yếu về đêm và hiếm khi xuất hiện vào ban ngày. Chúng được gọi là cá nheo gáy (croaking catfish) bởi âm thanh mà chúng tạo ra khi khua mạnh các gai vây vào những khoang đặc biệt. Phải: cá nheo thuộc chi Brachyrhamdia, chẳng hạn như loài Brachyrhamdia imitator ở trên, được cho là có nọc. Chính tác giả từng bị một con như vậy chích và phải chịu đau đớn tột độ ngay sau đó.

    Loài phân bố rộng ở châu Á, Heteropneustes fossilis, là loài cá nheo to, giống như cá chình, được ghi nhận có thể gây ra những vết thương đau đớn bằng gai và nọc độc. Heteropneustes fossilis khi còn non trông rất dễ thương với màu sáng và những sọc ngang, nhưng khi trưởng thành thì chúng tối đi. Nhiều năm qua, nhiều người chơi cá đã liên lạc với tôi trong tâm trạng hốt hoảng vì bị “chích” bởi loài cá nheo này. Một số người lo sợ họ sẽ bị tử vong bởi những vết thương như thế này.

    Trong trường hợp bị cá nheo chích, tôi nghĩ một số người ở Viện Y học Nhiệt đới Liverpoon có thể khuyên như thế này: uống thuốc chống dị ứng và nghỉ ngơi. Nếu bạn rơi vào tình trạng khó khăn tương tự, bạn có thể sẽ cần đến lời khuyên về y tế.

    Cá nheo vùng biển cạn (Plotosus spp.) trông cực kỳ vằn vện lúc còn non khi chúng tụ tập thành bầy để tự vệ, được biết là có độc tố. Phải chăng các sọc vằn vện trên mình loài cá này là tín hiệu cảnh báo cho những kẻ săn mồi tiềm tàng? Cá úc vùng nước lợ/nước mặn – shark catfish (Arius spp.) – cũng có gai tự vệ và tuyến độc tại gốc của vây ngực và vây lưng. Một số người nuôi cá đã cảnh báo về cảm giác cực kỳ đau đớn sau khi bị cá úc chích phải.

    Cá nheo gáy
    Họ Doradidae, bao gồm những con cá nheo Nam Mỹ có kích thước từ nhỏ cho đến khổng lồ, thường được gọi là cá nheo gáy (talking catfish) vì đặc điểm ngoáy gai vây vào những khoang đặc biệt. Chúng hoàn toàn chỉ hoạt động về đêm. Trong hồ cảnh, chúng hiếm khi xuất hiện vào ban ngày trừ giờ cho ăn.

    [​IMG]
    Chất dịch trắng tiết ra từ gôc gai vây ngực của loài cá nheo gáy sọc (Acanthodoras spinosissimus) được cho là chất độc để xua đuổi những kẻ săn mồi tiềm năng.

    Trong khi đang chụp hình minh họa cho cuốn sách Catfish Of The World của mình, lần đầu tiên tôi được chứng kiến một dòng chất lỏng khác thường tiết ra từ cá nheo gáy. Vào những năm 1980, Brian Walsh, nhà sưu tầm cá nheo lâu năm ở tây bắc nước Anh, đã cho tôi mượn một số cá nheo gáy để chụp hình. Trong khi anh đang giữ chặt một con cá nheo gáy sọc (Acanthodoras spinosissimus), con cá phản ứng bằng cách tiết ra một dòng chất lỏng màu trắng từ gốc của vây ngực. Đây có phải là nọc độc mà chúng dùng để ngăn cản những kẻ săn mồi? Rất tiếc là chúng tôi không có cơ hội đem nó đi phân tích. Chất lỏng này có thể là chất gây khó chịu hoặc chất độc.

    Loài cá nheo gáy sọc phổ biến (Platydoras costatus) được những người bắt cá ở Nam Mỹ hết sức cảnh giác. Loài này có thể lớn đến hơn 15 cm và nguy hiểm đối với người nuôi cá ở kích thước đó. Đây là loài cá nheo “lạ” đối với những người sưu tầm các loài cá có cá tính. Làm thế nào để tránh bị cá nheo chích? Dĩ nhiên, câu trả lời là hãy cẩn thận trong khi vớt và bắt chúng.

    Những gã khổng lồ hiền lành
    Những loài cá nheo gáy lớn nhất (MegalodorasPseudodoras) có thể lớn đến trên 60 cm một cách dễ dàng. Tôi tự hỏi không rõ những gã khổng lồ hiền lành này có độc hay không. Điều gì sẽ xảy ra nếu vết thương bị gây ra bởi những cái gai cực lớn với lượng nọc độc dồi dào? Nhưng có lẽ chỉ những loài cá nheo kích thước nhỏ mới có độc. Chúng yếu đuối hơn và cần phải tự vệ bổ sung bằng chất gây khó chịu và nọc độc.

    Tất cả chúng – từ loài chuột cory tý hon cho đến cá hồng vịt (red-tail catfish, Phractocephalus), một trong số những loài cá cảnh lớn nhất – đều là những loài cá nheo tiềm tàng gai độc. Nguyên tắc chung là phải tiếp xúc với chúng như là với ong bắp cày hoặc đừng bao giờ đụng đến.

    Một số loài cá nheo độc
    Acanthodoras spinosissimus
    Arius spp. [cá úc]
    Brachyrhamdia spp.
    Chiloglanis spp.
    Corydoras spp. (cá chuột cory)
    Doradidae [họ cá nheo gáy]
    Heteropneustes fossilis
    Lophiobagrus spp.
    Megalodoras (có thể)
    Phractocephalus [cá hồng vĩ mỏ vịt hay hồng vịt]
    Platydoras costatus (cá nheo gáy sọc)
    Plotosus spp.
    Pseudodoras spp. [hiện chỉ đến loài duy nhất Oxydoras niger]
    Synodontis spp.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/5/17
  2. minh_2008

    minh_2008 Active Member

    éc nó có phải là con cá chuột mình mua trong tiệm cá hem???
     
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Đúng là cá chuột cory, một số loài có độc nên khi bắt phải dùng vợt...
     
  4. keek87

    keek87 Active Member

    ec' vậy mà em ko biết cứ đem nó ra nghịch hehe
     

Chia sẻ trang này