Cá thiên thần Với hình dạng và màu sắc diễm lệ đến mức khó tin, cá thiên thần (angelfish) là một trong những loài cá cảnh biển đáng mong ước nhất. Chúng lướt như bay và trông cực kỳ ấn tượng trong hồ cảnh. Chúng là một trong số những loài cá đẹp nhất ở rặng san hô. Từng thuộc họ cá bướm biển Chaetodontidae, ngày nay cá thiên thần được xếp vào một họ riêng, họ cá thiên thần Pomacanthidae. Với người chơi cá, việc phân biệt hai họ này rất dễ dàng. Chỉ cần nhìn vào cái gai trên nắp mang, đó là đặc điểm đặc trưng ở các loài cá thiên thần. Dẫu vậy, các loài thuộc hai họ này trông rất giống nhau bởi vì đều có màu sắc sặc sỡ và thân dẹp hai bên. Một trong những công dụng của hình dạng này chuyển động trong nước. Nghiên cứu cho thấy rằng nó giúp cá thiên thần bơi nhanh hơn những loài có hình dạng khác nhờ phù hợp với những nguyên tắc động lực học chất lỏng. Chúng lướt trong nước nhẹ nhàng nhưng cũng có thể quay ngoắt được – chuyển hướng cực nhanh, ngay lập tức đã bơi theo hướng khác! Khả năng này hiển nhiên có ích trong việc lẩn tránh kẻ săn mồi, nhưng một công dụng khác của hình dạng là nó làm nản chí kẻ săn mồi, thậm chí trước cả khi chúng thực sự hành động. Cá cực dẹp hai bên thân thì to và khó nuốt hơn cả so với những loài có cùng trọng lượng nhưng hình dạng khác. Một công dụng nữa là nó cho phép cá lách vào những khe hẹp trong địa bàn rặng san hô. Hình dáng dẹp hai bên trông rất khác lạ, nhưng dĩ nhiên là có những lý do xác đáng về mặt sinh học. Những vấn đề lâu đời Dẫu khác lạ và mảnh mai, nhiều loài cá thiên thần thích nghi tốt với hồ cảnh. Điều quan trọng là bạn cần phải biết mình đang nuôi loài nào. Một trong những vấn đề đó là ngoài thị trường có rất nhiều loài không thích hợp để nuôi trong hồ cảnh. Nhìn chung, các nhà kinh doanh ngày nay luôn am hiểu về cá thiên thần nhưng hãy để tôi ôn lại một số vấn đề. Kích thước Mặc dù một số cá thiên thần thích nghi với hồ cảnh tốt hơn những loài cá biển khác, nhưng cá lưu hành trên thị trường luôn có rất nhiều vấn đề. Điều đầu tiên là chúng quá lớn so với hồ cảnh. Một trong những loài phổ biến và thích nghi tốt nhất đó là cá thiên thần hậu (queen angel) Holacanthus ciliaris. Nó có thể đạt đến kích thước trên 30 cm. Kích thước như vậy còn lớn hơn cả cá tai tượng phi, nhưng khi người chơi cá muốn mua cá tai tượng phi non, người bán cá uy tín thường trỏ vào con tai tượng trưởng thành ở trong tiệm để minh họa rằng người nuôi cá sẽ cần hồ nuôi thật lớn. Với trường hợp cá thiên thần, hiếm khi có minh họa về cá trưởng thành, vì vậy rất khó để giúp người nuôi cá hiểu rằng họ cần hồ có kích thước gấp đôi so với cá tai tượng phi! Chúng ta cũng phải tính đến yếu tố rằng nước biển chứa ít ô-xy hòa tan hơn nước ngọt và cần phải duy trì độ pH cao bởi vì mọi loài cá đều thích nghi với độ pH như vậy. Việc duy trì độ pH cao là một vấn đề lâu đời trong lãnh vực hồ cảnh biển, vấn đề mà ngày nay được mô tả một cách mạch lạc bằng việc đệm và lọc cải tiến, không chỉ qua việc thay nước thường xuyên mà còn vì cá lớn khiến cho việc duy trì độ pH khó khăn hơn. Một trong những nguyên nhân khiến vấn đề này chưa lộ ra ngay đó là cần phải mất hai năm để một con thiên thần hậu đạt kích thước tối đa. Đáng buồn là trong thời kỳ đầu của thú chơi hồ cảnh biển, cá thường không sống lâu, vì vậy vấn đề kích thước chưa hề xuất hiện. Ngày nay, vì vấn đề này xảy ra rất thường xuyên trong khi tôi dự tính giới thiệu nhiều loài cá tăng trưởng đến kích thước lớn, vì thế tôi xin nhấn mạnh rằng bạn sẽ nhanh chóng cần một hồ rất lớn. Với hồ lớn, việc thay nước nhiều và thường xuyên là cần thiết, mặc dù một bộ lọc váng có thể giúp hạn chế phần nào – nhưng không thể loại bỏ hẳn nhu cầu này. Mặc dù phần gợi ý của tôi bao gồm một số loài kích thước lớn, cách tốt nhất là chọn những loài nhỏ hơn. Điều này có thể khó khăn, bởi vì những loài lớn thường có màu sắc đẹp nhất, cả khi còn non lẫn trưởng thành, nhưng một số loài nhỏ cũng hấp dẫn không kém. Chúng thường ít hung dữ hơn – và đó cũng là một vấn đề khác nữa ở cá thiên thần. Sự hung dữ Cá thiên thần rất hung dữ, và môi trường khép kín của hồ cá càng làm gia tăng sự hung dữ của chúng. Tôi nghe những người đánh bắt cá kể rằng cá thiên thần đánh nhau ngay trong bịch plastic trong quá trình vận chuyển – lúc vừa hồi tỉnh sau khi bị đánh bắt ngoài tự nhiên! Những loài cá này không thể gọi là “thiên thần” qua hành vi của chúng, nhưng có một nguyên nhân tự nhiên lý giải cho sự hung dữ này. Nhìn chung, nó nhắm vào những cá thể khác cùng loài, nhưng các loài cá thiên thần khác cũng là đối tượng chính. Sự hung dữ này mang lại lợi ích gì? Một nguyên nhân là để bảo vệ địa bàn sinh sản. Nó cũng hữu ích khi bảo vệ nguồn thức ăn và cạnh tranh với các cá thể cùng loài. Mỗi loài đều có phương thức săn mồi khác nhau, nhưng các loài cá thiên thần dường như có chung nguồn thức ăn, vì vậy sự hung dữ còn là để đối phó với các cá thể khác loài nữa. Một số loài cá thiên thần lại tập hợp thành đàn, đặc biệt là trong giai đoạn sinh sản. Nhưng đàn này thường bao gồm rất nhiều cá cái cùng với một cá đực to lớn cai quản tòan thể địa bàn, mà nó thường rất lớn ngoài tự nhiên. Trường hợp đó, những con cái thường thiết lập một trật tự địa vị phức tạp phụ thuộc vào địa bàn săn mồi của chính nó, nhưng bất kỳ cá cái nào trong hậu cung đều có vị trí cao hơn những con cá cùng loài nhưng khác bầy. Những kẻ lạ mặt này thường bị tấn công dữ dội nhất. Trong mọi trường hợp, những con thiên thần lớn đều phải nuôi trong hồ riêng mà không có bất kỳ con cá thiên thần nào khác. Thậm chí, những người có hồ lớn – tôi muốn ám chỉ hồ lớn đến 4000 lít – cũng phải hối tiếc bởi việc nuôi chung những loài thiên thần khác nhau là một thảm họa. Sự hung dữ có thể chưa xuất hiện ngay mà là nguy cơ tiềm ẩn. Người nuôi cá có cảm giác sai lầm rằng đã an toàn, và những trận chiến khốc liệt sẽ nổ ra trong khi họ vắng mặt. Một lần nữa, những loài thiên thần cỡ nhỏ dễ nuôi hơn rất nhiều với bầy nhỏ, chừng nào mà chúng được thả cùng lúc. Vấn đề thức ăn Một số loài cá thiên thần không thể nuôi trong hồ cảnh vì một lý do duy nhất, nguồn thức ăn của chúng quá đặc biệt. Chúng quá thích nghi với mồi san hô và sống đuôi (tunicate) đến mức không chịu ăn thứ gì khác. Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất là cá thiên thần ba màu (rock beauty) Holacanthus tricolor, nhưng cũng còn rất nhiều trường hợp khác. Đó là lý do chúng ta cần liệt kê những loài dễ nuôi hơn trong hồ cảnh so với những loài khác. Mặc dù vậy, ngay cả một ứng viên phù hợp cũng cần thực đơn đặc biệt hơn so với cá bình thường. Loại thức ăn khô dành cho cá thiên thần là thích hợp nhất và thức ăn đông lạnh của cá thiên thần ngày càng phổ biến trong các tiệm cá cảnh. Hầu hết cá thiên thần ngoài tự nhiên đều thỉnh thoảng ăn tảo cũng như sống đuôi, polyp san hô và các loài bọt biển, vì vậy thành phần thức ăn đông lạnh dành cho cá thiên thần đều ít nhiều chứa những thứ này. Chúng không chỉ đảm bảo sức khỏe cho cá thiên thần mà còn giúp duy trì màu sắc. Nếu màu sắc có giảm đôi chút trong thời gian nuôi hồ, hãy nghiên cứu kỹ xem bạn cần bỏ thêm gì vào thức ăn. Về vấn đề thức ăn, một lần nữa, những loài cỡ nhỏ lại chiếm lợi thế. Bởi vì đa số chúng đều ăn tảo biển và vụn hữu cơ, và loại thức ăn này dễ kiếm hơn trong môi trường nuôi dưỡng. Những loài cỡ lớn đôi khi được nuôi trong hồ chỉ vì chúng cũng ăn cả tảo biển. Những loài chỉ chuyên ăn san hô, sống đuôi và trùn biển mà không ăn tảo thì không thể nuôi trong hồ. Với cá thiên thần, cả cỡ lớn lẫn cỡ nhỏ, một trong những bí quyết nuôi dưỡng là trồng càng nhiều tảo càng tốt – trái với điều mà bạn mong muốn! Thức ăn khô và đông lạnh cũng chứa rất nhiều thành phần thực vật. Nhắc lại lần nữa, điều quan trọng đối với cá thiên thần, cả cỡ lớn lẫn cỡ nhỏ, là được nuôi bằng loại thức ăn khô và đông lạnh dành riêng cho chúng, bởi vì cả những loài cỡ nhỏ cũng bổ sung chất dinh dưỡng với một ít bọt biển và hải tiêu (sea squirt). Cá thiên thần cỡ lớn Tôi biết các bạn thích nuôi cá thiên thần cỡ lớn – vì chính tôi cũng thích. Nhưng nhất định phải nuôi chúng trong hồ lớn. Nuôi riêng một con cá thì hơi đơn điệu nhưng trong trường hợp này, nó sẽ trở thành một dạng thú cưng. Bởi vì cá thiên thần hầu như luôn xuất hiện ở những vùng có san hô hay đá, bạn nên cung cấp một vài vùng trú ẩn cho chúng, kể cả khi chỉ nuôi một con. Nếu bạn muốn nuôi vài con cá khác chung với cá thiên thần thì những con cá rô biển nhỏ là thích hợp. Chúng đủ khác biệt để cá thiên thần hoàn toàn bỏ qua một khi nó trở nên hung dữ. Điều khôi hài ở chỗ cá rô biển lại khẳng định lãnh thổ và chống trả cá thiên thần khi nó tiến vào. Đây là điều bình thường ở rặng san hô và cá thiên thần chỉ đơn giản lờ đi, thậm chí nó còn không buồn tranh giành lãnh thổ với chúng. Cá thiên thần hậu (queen angel) Holacanthus ciliaris Đây là một trong những loài cá thiên thần mà bạn rất khó từ chối một khi có cơ hội. Rất khó để khẳng định cá non hay cá trưởng thành đẹp hơn. Cả hai đều rất đẹp. Bạn sẽ được ngắm cả hai một khi bạn mua cá còn non. Có lẽ bạn cũng đoán ra đây là một trong những loài mà tôi yêu thích. Cá thiên thần hậu phân bố trong vùng nhiệt đới ở đôi bờ đông và tây Đại Tây Dương. Nó là biểu tượng của vùng biển Caribbe. Mặc dù cá thiên thần hậu được đặt tên dựa vào hoa văn hình vương miện ở trên đầu cá trưởng thành, loài này thường được xem là hoàng hậu (hay vua) của các loài cá thiên thần. Lưu ý rằng cá trưởng thành đạt đến chiều dài 45 cm. Cá như vậy là rất to, nhất là với dạng bản rộng. Loài này khi còn non không hung dữ lắm nhưng một khi trưởng thành, nó nổi tiếng hung dữ. Bạn vẫn có thể nuôi cá rô biển nhỏ với nó – nhưng nhớ cung cấp thật nhiều nơi trú ẩn cho chúng. Cá thiên thần pháp (french angel) Pomacanthus paru Loài này, cũng xuất xứ từ vùng nhiệt đới Đại Tây Dương và biển Caribbe, không tăng trưởng quá to như cá thiên thần hậu, chỉ đạt tối đa 38 cm. Đây là loài phổ biến bởi vì người chơi cá không thể kháng cự nổi vẻ đẹp của cá non. Cá trưởng thành không quá nổi bật nhưng vẫn rất đẹp. Cá non khá hiền lành do đó người nuôi cần để ý khi nuôi chung với các loài quá hung dữ. Dẫu vậy, loài này cũng lớn rất nhanh và ngày càng hung dữ. Tình thế bỗng chốc thay đổi! Lúc này bạn chỉ muốn những con cá rô biển nhỏ có nhiều chỗ trú ẩn hơn mà thôi. Loài này thường sống theo cặp ngoài môi trường tự nhiên. Do đó, bạn có thể nuôi một cặp trong hồ – nhưng đó chỉ là lý thuyết. Trên thực tế, điều này rất khó thực hiện. Cách tốt nhất là bắt cả cặp sau khi chúng đã ghép cặp, nghĩa là bạn bỏ lỡ cơ hội nuôi chúng khi còn non. Dẫu vậy, đây là điều đáng để cân nhắc nếu sau này bạn nuôi cá. Cá thiên thần vương (king angel) Holacanthus passer Loài này phân bố trong vùng nhiệt đới Thái Bình Dương cho đến tận biển Cortez; mẫu vật mô tả loài được thu thập ở quần đảo Galapagos. Đây là loài tương đối dễ nuôi, nhưng như những loài cá lớn khác, khẩu phần ăn cần chứa tảo và thực phẩm dành riêng cho cá thiên thần bao gồm bọt biển và những loài thân mềm khác. Một số trường hợp cá bị mù được ghi nhận vì vậy có người nuôi cá cố giảm bớt ánh sáng. Mặc dù cá non dành phần lớn thời gian ẩn trong hang và các kẽ nứt trên san hô và đá, nhưng cá trưởng thành thích nghi tốt với vùng có nhiều ánh sáng. Nhìn chung, cá bị mù vì thức ăn thiếu chất dinh dưỡng và những trường hợp như vậy đáp ứng tốt với thức ăn giàu tảo biển. Một điểm quan trọng đối với loài này và cả những loài cá thiên thần khác đó là không nên cung cấp thức ăn giàu đạm chẳng hạn như trứng cá. Ngoài tự nhiên, chúng hiếm khi ăn loại thức ăn này. Vấn đề ở chỗ cá lại chuộng thức ăn giàu đạm và nhiều năng lượng, cho dù điều đó không tốt cho sức khỏe của chúng về lâu dài. Cá thiên thần cỡ nhỏ Đây là những loài cá thiên thần tương đối dễ nuôi. Hầu hết đều không to quá 8 cm, đa số đều nhỏ hơn. Mặc dù không thể nuôi chung với các loài thiên thần khác, bạn vẫn có thể nuôi với các cá thể cùng loài. Bí quyết ở chỗ nuôi một cá đực với ít nhất hai cá cái, mặc dù đôi khi một con cũng được. Hầu hết cá thiên thần cỡ nhỏ đều sống theo nhóm hậu cung với con đực đi tuần xung quanh vùng như một lãnh chúa. Dù cá thiên thần cỡ nhỏ ít hung dữ hơn, nhưng chúng cũng không hoàn toàn hiền lành. Do đó bạn không nên nuôi chung với các loài yếu đuối và dễ bị ăn thịt. Tất cả cá thiên thần tốt nhất nên được nuôi chung với thật nhiều đá san hô tươi (live rock) để tạo ra nhiều chỗ trú ẩn. Nhìn chung, cá thiên thần nhỏ có xu hướng lẩn trốn nhiều hơn là cá to. Tuy nhiên, với nhiều chỗ trú ẩn, đa số các cá thể đều bơi ra bơi vào. Trên thực tế, chúng thích thật nhiều chỗ khuất. Một khi điều kiện này được đáp ứng, chúng dành nhiều thời gian tuần tiễu khắp nơi. Không có loài cá thiên thần nào là an toàn với san hô và mặc dù chúng rất thích hợp với hồ san hô, tôi không giới thiệu loài nào cho các hồ san hô vì trên thực tế, chúng ăn các polyp san hô và rỉa thịt trai tai tượng Tridacna. Cách bố trí thích hợp nhất là thật nhiều đá san hô tươi, không cát và san hô nhân tạo. Bộ khung san hô rất tốt nhưng dẫu vậy, tôi không hề khuyến khích việc sử dụng chúng. Bên cạnh đó, san hô nhân tạo trông cũng rất tự nhiên vì rất giống với san hô sống thực sự - và cũng rất dễ bảo trì! Bất kể kích thước ra sao, không loài nào được nuôi trong hồ nhỏ hơn 160 lít. Hãy cung cấp thật nhiều tảo để cá thiên thần ăn. Nếu hồ của bạn không có nhiều, bạn có thể tráo đá hay đá san hô có tảo bám vào. Bạn đơn giản đặt đá vào nước biển ở nơi có ánh sáng mặt trời và tảo sẽ phát triển, rồi sau đó chỉ cần hoán đổi với đá trong hồ. Bạn phải luôn cố gắng cung cấp tảo cho hồ nuôi toàn cá bởi vì có rất nhiều loài thích ăn chúng, từ cá rô biển, cá đuôi gai cho đến cá thiên thần. Bên cạnh tảo, ít nhất hai lần mỗi ngày, cá thiên thần cần được nuôi bằng các loại thức ăn khô và đông lạnh dành riêng cho chúng. Cá thiên thần lửa (flame angel) Centropyge loricula Đây có lẽ là loài cá thiên thần cỡ nhỏ phổ biến nhất bởi vì màu sắc sặc sỡ của chúng. Người ta thậm chí còn thử nuôi chúng trong các hồ san hô. Chúng không quá phá phách nhưng thường rỉa trai và san hô của bạn. Loài này phân bố trong vùng nhiệt đới Thái Bình Dương, từ đảo Hawaii cho đến Úc. Nếu bạn mua cá hoang dã, hãy chọn những con đến từ Hawaii. Thời gian vận chuyển sẽ ngắn hơn và bạn có lý do để tin rằng cá được bắt bằng vợt. Loài này đạt kích thước từ 5 đến 8 cm. Cá tiểu thiên thần (cherub angelfish) Centropyge argi Đây là loài có thể được nuôi theo nhóm hậu cung hay thậm chí một cặp. Bạn phải đảm bảo lựa đúng một cá đực và nhiều cá cái bởi vì cá đực sẽ đánh nhau rất dữ dội. Không may, rất khó phân biệt đâu là cá đực, đâu là cá cái vì chúng rất giống nhau. Cách dễ nhất là lựa một cá thể to và một cá thể nhỏ hơn. Nếu may thì đó là một con đực và một con cái. Kích thước tối đa của loài này xấp xỉ 8 cm. Phân bố ở Đại Tây Dương, từ nam Florida cho đến Caribbe, loài cá nhỏ tuyệt vời này hiếm khi biểu lộ vẻ đẹp thực sự của nó qua ảnh chụp – nó trông đẹp hơn nếu nhìn trực tiếp bằng mắt. Địa bàn của nó cũng tương tự như các loài cá thiên thần cỡ nhỏ khác. Dù không quá hung dữ so với các loài thiên thần cỡ lớn, tuy vậy bạn đừng thử nuôi chung bất kỳ con cá yếu đuối nào với nó. Cá thiên thần san hô (coral beauty) Centropyge bispinosa Mặc dù không phổ biến như cá thiên thần lửa, đây có lẽ là một trong số những loài thiên thần cỡ nhỏ dễ nuôi nhất. Nó cũng to nhất, đạt đến gần 10 cm. Dĩ nhiên, đấy là kích thước của cá đực, không phải cá cái. Một lần nữa, loài này có thể được nuôi theo nhóm hậu cung hay một cặp nếu bạn thả cá cùng một lúc và hồ rộng. Loài ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương này là lựa chọn tuyệt vời đối với hồ cảnh tại gia. Kết luận Không nghi ngờ gì nữa, cá thiên thần là loài cá cảnh mà bạn không thể cưỡng nổi. Nuôi những loài cỡ nhỏ là tốt nhất nhưng tôi cũng hiểu mong ước được nuôi những loài lớn hơn bởi vì chính tôi cũng đôi khi cảm thấy điều đó. Nhưng cá thiên thần cỡ nhỏ cũng có sự hấp dẫn riêng của chúng. Dẫu vậy, dù là loài cỡ lớn hay cỡ nhỏ, điều quan trọng là phải nuôi cách ly và chất lượng nước phải thật tốt. Đấy là lý do đá san hô tươi và bộ lọc váng chất lượng rất cần thiết với chúng. Bạn có thể sử dụng bộ lọc hiệu Berlin không kèm đèn tím (actinic). Dĩ nhiên, đây không phải là cách duy nhất để nuôi những loài này nhưng theo kinh nghiệm của tôi, đấy là cách tốt nhất. Mặc dù một số tác giả thậm chí còn giới thiệu cá thiên thần cho các hồ nano, nhưng bạn và dĩ nhiên cả cá nữa, sẽ hạnh phúc hơn với một hồ đủ rộng.