Betta: Tuyển Chọn Và Thanh Lọc Tuyển chọn và thanh lọc là hai mặt của cùng một vấn đề, điều mà chúng ta luôn thực hiện ở một mức độ nhất định dẫu nhận ra hay không. Thông thường, những cá thể xấu, lỗi tật rõ ràng được loại bỏ ở các giai đoạn khác nhau trong quá trình nuôi dưỡng (sau khi lên lọ). Số ít cá thể còn lại được đánh giá nhằm chọn ra vài cá thể đẹp nhất làm giống. Cá được đánh giá theo tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn phổ biến nhất hiện hành là tiêu chuẩn IBC, một số quốc gia phát triển về cá betta như Thái Lan cũng xây dựng bộ tiêu chuẩn riêng. Hoặc các bạn có thể tự thiết lập và theo đuổi vài tiêu chí riêng của mình, nhưng lời khuyên là hãy tham khảo các tiêu chuẩn hiện hữu để có kiến thức căn bản về đánh giá cá betta. Bạn nhất định sẽ là trọng tài cho chính cá của mình. Hãy nghiêm khắc nhất có thể. Các nhà lai tạo betta cảnh hẳn là rất may mắn khi có thể quan sát và đánh giá một cách công bằng đặc điểm của từng cá thể so với tiêu chuẩn mà mình theo đuổi. Nếu bạn đưa vào một đặc điểm ẩn giấu, chẳng hạn như lối đá, thì vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều. Nhưng ngay cả betta cảnh cũng tồn tại nhiều vấn đề vốn đã được cảnh báo từ lâu: sự suy thoái cả về thể chất lẫn ngoại hình. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ vài suy nghĩ và kinh nghiệm của mình trong vấn đề tuyển chọn và thanh lọc betta cảnh. Đây là quá trình trải nghiệm sâu sắc ở nhiều khía cạnh của vấn đề, vượt ra khỏi phạm vi đánh giá thông thường. Hành vi: Betta cảnh mắc nhiều lỗi tật về hành vi. Những lỗi tật này có tính di truyền và không ai muốn thấy chúng xuất hiện ở các thế hệ về sau. Rất nhiều lần chúng ta được nghe lời biện hộ rằng đó là con cá đẹp xuất sắc phải lai tạo bằng mọi giá. Bất kể ngoại hình ra sao, chẳng con nào được coi là cá giống mà hành vi lại khiếm khuyết. Cá trống ăn trứng hoặc cá con? Vứt! Cá trống không chăm sóc tổ? Bỏ! Mọi hành vi bất thường mà bạn thấy không ổn, chẳng hạn như tật cắn đuôi. Loại! Lỗi tật nhẹ có thể châm chước là hiện tượng xì trứng ở cá mái. Một số con rớt trứng trong khi kè. Mới đây có người thông báo thành công khi hút trứng và thả lên tổ bọt. Trứng vẫn nở và cá bột phát triển bình thường. Điều khẳng định dự đoán của Dr. Gene Lucas rằng tổ bọt có chứa tinh trùng. Mái có tật xì trứng cần được biệt dưỡng cho mạnh khỏe, căng trứng rồi thả ngay, không kè. Dường như tật này không di truyền. Có lần một mái giống của tôi xì trứng, nhưng tật này không xuất hiện nơi các mái nhánh về sau. Cá tự cắn đuôi. Dẫu có thể dưỡng lành nhưng không thể dùng làm cá giống bởi khả năng chịu đựng căng thẳng kém. Kháng bệnh: Điều kiện nuôi dưỡng cần hơi khắc nghiệt một chút để chọn lọc những cá thể ưu việt nhất về khía cạnh thể chất. Số lượng những bầy đầu có thể còn rất ít, nhưng cùng với thời gian dòng cá của bạn sẽ trở nên mạnh khỏe, kháng bệnh, sinh sản dễ dàng và kết quả là rất đông đảo. Bạn làm như thế nào? Một số nhà lai tạo Thái khẳng định không dùng gì khác ngoài lá bàng và muối. Chúng tôi chỉ dùng lá bàng, và vì kết hợp với bèo tai chuột (Salvinia sp.) để khỏi phải thay nước, lá bàng chỉ được cho vừa đủ, sao cho nước hơi vàng như trà loãng. Cho nhiều quá, nước sẽ đen đặc làm bèo chết hoặc èo uột, tác dụng lọc nước sẽ kém. Bạn làm gì khi phát hiện cá bệnh? Cho thêm một vài lá bàng nữa. Cá thể nào không thể vượt qua thì cũng không đáng để nuôi. Cá yếu cần ra đi nhanh, sớm để trong sạch đội ngũ và tiết kiệm mồi. Thường thể nào cũng sót lại vài con để làm tiếp bầy sau, bằng không thì bầy đó cũng chẳng đáng giữ và cá giống cũng bị loại luôn. Bo bo luôn chứa đủ các loại mầm bệnh và vào mùa lạnh, bệnh lại bùng phát mạnh mẽ. Đó là lý do bạn cần, nên, phải, buộc, nhất định cho ăn… bo bo! Và cứ cho ăn mãi rồi sẽ đến lúc bạn tìm không ra con cá bệnh nào. Thường người ta luôn tìm ra lý do để nuông chiều cá như ấp artemia, thay nước, thuốc thang.. để gia tăng tối đa tỷ lệ sống sót, nhưng một khi làm vậy thì thể chất yếu kém sẽ lẫn vào. Hãy để tự nhiên làm công việc của nó! Thùng nuôi cá chỉ bao gồm nước lá bàng & bèo tai chuột. Khi cá có dấu hiệu mắc bệnh (thường là nấm), chỉ bỏ thêm vài lá bàng khô. Thùng nuôi không thay nước. A) Qua thử nghiệm với nhiều loại thùng chứa và cây thủy sinh khác nhau, thùng xốp với bèo tai chuột (Salvinia sp.) là kết hợp hiệu quả nhất ở nơi có ánh nắng (toàn phần hay một phần) chẳng hạn ban công và sân thượng. Bèo tỏ ra thích nghi rất tốt với lượng chiếu sáng biến thiên theo mùa. Điều đáng ngạc nhiên là, có trại chăng lưới lan để “che nắng” cho bèo hoặc lo lắng khi bố trí thùng trên sân thượng. Trái với suy nghĩ của nhiều người, bèo tăng trưởng cực tốt ở nơi có ánh nắng toàn phần như sân thượng. Thùng xốp cách nhiệt giữ nước mát. Bèo phát triển nhanh và dày, nitrate (NO3) sẽ nhanh chóng được chuyển hóa thành sinh khối (bèo), duy trì chất lượng nước. Bạn thậm chí có thể cho cá ăn cám bột Tomboy; trong một số trường hợp tảo xanh xuất hiện và như vậy là rất tốt. Nhưng nếu chỉ có chiếu sáng một phần (ban công), điều này cần hết sức tránh bởi bèo không hoạt động ở công suất tối ưu để lọc nước. Cần lưu ý đến lượng thức ăn cho vào, cân chỉnh để không bị dư thối, ảnh hưởng chất lượng nước. Không cần thay nước nhưng lưu ý châm thêm khi nước hụt và đặt một khung bảo vệ để cá luôn có chỗ thở. B) Khai thác bèo khi bề mặt bị che dày đặc. C) Dùng làm phân xanh bón cây. Lão hóa: Trong điều kiện nuôi dưỡng bình thường, cá betta là loài có tuổi thọ tương đối ngắn, khoảng hai năm tuổi. Những trường hợp cá biệt có thể thọ đến vài năm theo một số báo cáo. Tuy nhiên, điều mà chúng ta, các nhà lai tạo, quan tâm ở đây là tuổi thọ sinh sản, vốn chỉ kéo dài trong một giai đoạn nhất định, nhưng không quá một năm tuổi. Để lâu hơn nữa, cá có thể trở nên lão hóa, không nhả bọt, ghép cặp và sinh sản. Cá betta bắt đầu sinh sản ở 4 tháng tuổi và theo một số nguồn tin, có thể tái sinh sản sau khi ép khoảng 1 tháng. Như vậy về mặt khả năng, trung bình mỗi cá thể có thể ép tối đa 8 lần trong đời. Với lai dòng (line breeding), chúng ta thường chỉ thực hiện đến đời F2 và hãn hữu lắm mới đến đời F3. Tại đây, nhiều bạn có thể phản đối rằng bầy cá thường trưởng thành sau 3.5 tháng tuổi nên có thể dễ dàng ép đến đời F3, và thậm chí F4 nếu giữ kỹ. Chúng tôi hết sức khuyên rằng bạn không nên ép cá trống trước 5 tháng tuổi, thậm chí chờ sau 6 tháng tuổi! Bởi khi nuôi bầy cá đủ lâu, bạn sẽ chứng kiến đủ mọi lỗi tật như lão hóa sớm, cháy vây, teo vây... Lão hóa sớm tác động đến thể chất khiến cá kháng bệnh kém. Bệnh thỉnh thoảng tấn công cá giống khiến bạn xót xa là bệnh “lao cá” Mycobacterium làm suy nội tạng (thận), cá không chết nhưng dặt dẹo. Bệnh cũng thường tác động đến bóng bơi khiến cá mất thăng bằng. Nguyên nhân sâu xa có thể là hiện tượng lão hóa sớm, và có tính di truyền. Khi cá thể già yếu, bệnh tật sẽ nổi lên, rồi một ngày bạn sẽ có cơ hội tự cảm nhận điều đó. Điều kỳ lạ là những lỗi tật này dường như không tác động đến cá mái, nhưng cũng không phải là gien liên kết giới tính (Y) bởi một số cá trống cùng bầy vẫn mạnh khỏe, sung mãn. Cá trống này là con mạnh khỏe, sung mãn nhất bầy, dẫu nó không phải là con đẹp nhất khi còn non. Nó được chọn là con giữ dòng ở thế hệ F4 và được ép khi gần một năm tuổi! (Thực ra hậu duệ của các trống khác không đạt). Tuy không còn căng và nhả bọt ở 18 tháng tuổi, nó vẫn tương đối mạnh khỏe, sung mãn. Hai cá thể cùng bầy ở 10 tháng tuổi. Con bên phải đã thành “lão cá”! Cháy vây. Thoạt trông vây như thể bị “cháy” nham nhở, nhưng khi quan sát kỹ thì đó chẳng qua là sự phát triển mất kiểm soát của tia vây, điều thường thấy ở betta cảnh hiện đại. Ngạc nhiên thay, chúng tôi cũng thấy lỗi này ở cá chọi Xiêm, như thể máu cá cảnh đã lẫn vào. Hiệu ứng “cháy” xuất hiện ở những con vây có viền, bằng không nó chỉ trông tơi tả. Teo vây. Hiện tượng này xảy ra khá đột ngột và tác động mạnh mẽ lên vây lưng. Chất lượng vây bị giảm sút. Nhưng cá vẫn sung, nhả bọt. Hiện chưa rõ nguyên nhân bệnh lý hay di truyền nhưng dù là lý do nào thì cũng không nên dùng làm cá giống. Mái tổ: Mái tổ là nền tảng của mọi dòng trong phòng cá của bạn. Mái tổ làm nên “bổn mái nhà”. Toàn bộ mái của bạn, bất kể dòng nào, đều là hậu duệ của nó. Bằng cách này, gien ty thể (mtDNA) được gìn giữ và duy trì. Gien ty thể nằm ở tế bào chất, được truyền theo dòng mái, và quyết định thể chất và tốc độ của cá thể. Tóm lại, cá của bạn mạnh mẽ, sung sức một phần nhờ ở gien ty thể. Các nhà lai tạo truyền thống có lý do để giữ “bổn mái nhà”. Với suy nghĩ đó trong đầu, chúng tôi chọn mái tổ là… mái Xiêm. Làng cá chọi vốn đã sẵn khắc nghiệt nên những con mạnh mẽ nhất mới tồn tại. Điều khó khăn là không ai bán mái và một khi kiếm được, bạn cũng không có nhiều lựa chọn. Mái của chúng tôi có một lỗi tật nhỏ là tia vây nhú khiến viền đuôi không liền lạc. Lỗi này hóa ra khá tệ hại nhưng sau nhiều thế hệ lai tạo, chúng tôi cũng loại bỏ được nó. Hiện trên mạng có một số người tự cản và bán cá Xiêm đá, các bạn sẽ có nhiều lựa chọn hơn. Quan sát cặn kẽ các trống cùng bầy, nếu ưng ý, hãy giải thích mục đích của bạn với chủ cá, hy vọng các bạn có thể kiếm được mái xinh đẹp với giá cả phải chăng. Trên thực tế, bạn không nhất thiết phải làm lại từ đầu như chúng tôi, mà có thể tuyển chọn mái tổ từ một nguồn mà bạn biết chắc là mạnh khỏe, đã kiểm chứng. Một khi đã cẩn trọng chọn mái tổ, bạn sẽ không bao giờ phải sử dụng mái từ bên ngoài nữa. Mỗi khi cần tạo một dòng mới, bạn chỉ cần cá trống xuất sắc từ bên ngoài, cho lai dòng về bổn mái nhà (mái tổ và toàn bộ mái nhánh: con, cháu và hậu duệ đời sau của nó). Với đặc thù của cá betta, lời khuyên là chọn các lớp màu bên trong như đen hay đỏ, bởi sẽ dễ làm các lớp màu ngoài như ánh kim, metallic, opaque mà không ngại lem màu. Các bạn chơi HMPK hẳn sẽ phát sốt khi nghĩ đến viễn cảnh phải làm lại từ đầu với mái Xiêm đuôi tròn, nhưng chỉ cần kiên nhẫn lai dòng về trống đuôi D đến đời F3 hay F4, là sẽ phục hồi được dạng đuôi D hiện đại! Clip ở trên là mái BlackIce F3 và trống con của nó (cản với trống cam đốm). Nhìn trên (topview): Việc quan sát từ phía trên có thể giúp phát hiện nhiều lỗi tật vốn phảng phất hay khó thấy khi nhìn ngang như u bướu, vẹo sườn, và nhất là các lỗi tật vùng đầu. Những tay chơi và nhà lai tạo cá chọi rất thông thuộc lối quan sát này do đặc thù của bộ môn. Tật mỏ “thắt”. Mắt lồi lộ rõ khi nhìn từ phía trên. Đây không bị xem là một lỗi tật nhưng có thể ảnh hưởng đến ngoại hình, cá sẽ trông mạnh mẽ hơn khi mắt không lồi. Nhìn ngang (sideview): Tới đây các bạn có thể đi theo lối an toàn là áp dụng tiêu chuẩn. Điều mà tôi muốn bổ sung qua nhiều năm quan sát betta cảnh đó là, con cá đẹp nhờ bộ vây phụng vĩ và góc xòe rộng. Cạnh đuôi dài, thẳng và phân nhánh tia vây có thể quan trọng với halfmoon nhưng không mấy ý nghĩa với plakat ngoài rắc rối mà chúng mang lại. Cảm nhận chung về vẻ đẹp là sự đầy đặn của cả bộ vây, điều mà các bạn có thể thấy ở những dòng cá hoang. Các đặc điểm “hiện đại” mà chúng ta đeo đuổi bấy lâu nay là “vùng nước dữ” với các nhà lai tạo, gắn liền với đủ loại lỗi tật ở vây mà chúng ta sẽ bàn dưới đây. Betta cảnh hiện đại đang phải đối mặt với vài vấn đề cố hữu, đó là sự phân nhánh quá mức (excessive branching) và hình thức nặng hơn của nó: đuôi hoa (rosetail). Theo tiêu chuẩn IBC dành cho Plakat Cảnh (Show Plakat), phân nhánh tia đuôi phải phân bố đều với phân nhánh nhị cấp (4-tia) hay nhiều hơn mà không trở nên quá mức (too excessive). Cảnh báo của IBC trong bộ tiêu chuẩn tỏ ra khá yếu ớt. Trong cơn cuồng phong mang tên cá halfmoon hay dạng đuôi D, Joep van Esch và một số người đã manh nha nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó, và nhấn mạnh đến vấn đề đuôi hoa qua một bài viết riêng (van Esch, Proposal For Adjustment of the IBC Plakat Standards, 2008). Nguồn gốc sâu xa của những vấn đề này liên quan đến cá doubletail (đuôi kép). Doubletail là một đột biến “gương” vốn cố gắng thể hiện sự sao chép ở đuôi, kèm với việc thay thế vây lưng (phần trên) bằng một bản sao của vây hậu môn (phần dưới) (Buss, 2003). Cá doubletail được lai tạo ở Ấn Độ từ những năm 1960 (van Esch, 2004). Một số người nói con doubletail đầu tiên xuất hiện từ phòng cá của Warren Young, trong khi số khác nói doubletail vốn xuất hiện-một cách tự nhiên trong một chuyến hàng betta từ Đông Nam Á (Parnell, 2006). Paul Kirtley tái tạo doubletail black vào những năm 80 và từ đó chúng luôn hiện diện (Keiper, 1998). Gien doubletail có ảnh hưởng bao trùm và toàn diện lên thế giới betta cảnh hiện đại. Bên cạnh đột biến “gương” là sự gia tăng về số lượng tia vây và phân nhánh tia vây, mà theo quan điểm của chúng tôi là từ nhị cấp (tia 4) trở lên. Trong khi điều này giúp cải thiện hình dạng và kích thước của vây lưng, góc xòe đuôi và cạnh đuôi thì nó đồng thời cũng gây ra những hậu quả tiêu cực. Số lượng tia vây đông đảo và sự phát triển không ngừng của chúng về độ dài cũng như góc xòe khiến vây trở nên mấp mô (nhẹ), gấp nếp (vừa), nhăn nhúm (nặng), lởm chởm (tia dài ngắn không đều) và nếu nặng hơn nữa sẽ dẫn đến đuôi hoa và cực hoa. Có thể nói, hiểm họa (lỗi tật) tiềm ẩn trong chính phương tiện (số lượng và phân nhánh tia vây) mà chúng ta dùng để đạt được mục đích (đuôi D). Một ví dụ về tia vây lởm chởm (dài ngắn không đều). Nếu bạn từng ở trong thế giới betta đủ lâu thì sẽ thấy đây là các vấn đề kinh niên, đến mức ngày nay gần như chẳng còn thấy con plakat cảnh, với ba vây lẻ phẳng phiu nào nữa và hiếm lắm mới có một con halfmoon. (Theo quan sát của chúng tôi, các dòng vàng và đỏ trên thị trường có chất lượng ổn nhất về khía cạnh này). Thậm chí, một số thanh niên nghiêm túc tuyên bố chuẩn cá mình nhất định phải “đuôi móc” mà hậu quả nhãn tiền là một đống nhăn nhúm khi cá đạt độ tuổi trưởng thành. Nói cho công bằng thì chúng chỉ căng đét lúc còn non, khi kích thước và màu sắc vẫn chưa lên đầy đủ. Nếu muốn thấy những cái tia vây và viền vây hoàn hảo, bạn phải nhìn vào cá hoang dã hoặc một thể loại xưa mới được phục hồi gần đây, cá đuôi voan (veiltail). Giải pháp của một số nhà lai tạo kinh nghiệm là đi theo đường lối trung dung, tức giới hạn ở phân nhánh nhị cấp (tia 4) và cạnh đuôi (tức tia đuôi ngoài cùng) hơi thiếu, chấp nhận cạnh D thiếu sắc và góc đuôi tù nhưng đuôi phẳng phiu hơn. Sau cùng, có nhiều con đường để đạt đến mục đích, những chia sẻ ở trên không nhất định là duy nhất và luôn đúng. Bạn nên tự trải nghiệm và tìm ra cách thức phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Hãy nỗ lực lên nhé!