Arapaima Ken Childs, Clarice Brough CFS, Jeremy Roche - http://animal-world.com Arapaima (Arapaima gigas) là loài cá xinh đẹp, nhưng cũng có thể đạt kích thước cực lớn. Ngoài tự nhiên chúng đạt đến 6.6 feet (200 cm), với cá thể lớn nhất được báo cáo đạt gần 15 feet (450 cm). Trong hồ nuôi, chúng hiếm khi nào vượt quá 23.62 inch (60 cm). Những con cá khổng lồ này còn được gọi là Pirarucu và Paiche. Chúng bơi nhanh và mạnh mẽ. Chúng là loài săn mồi, chủ yếu là các loài cá khác. Chúng cũng phóng lên khỏi mặt nước để đớp chim nhỏ đậu trên các cành cây mọc thấp. Bởi vì kích thước lớn và nhu cầu thức ăn, chúng không thực sự là chọn lựa phù hợp để nuôi cảnh. Chúng cần được nuôi trong hồ kiếng thật rộng hay ao. Đây là loài cá thích hợp nhất với các thủy cung bởi họ có cơ sở rộng để nuôi những thứ to như thế này. Ở đó, chúng có thể được cho ăn cá sống và nuôi trong hồ lớn đến 10,000 gallon hay hơn. Loài cá này cũng bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới, đa phần bởi nguy cơ thoát ra [tự nhiên] một khi chúng lớn quá khổ so với hồ nuôi. Việc tìm kiếm những cá thể trưởng thành ngoài tự nhiên là một thách thức với các nhà nghiên cứu. Arapaima chưa từng được coi là phổ biến ở vùng phân bố tự nhiên của chúng, vì vậy mức độ nguy cấp của loài này chưa được xác định một cách chính xác. Đa phần địa bàn tự nhiên của Arapaima là đầm lầy và các vực nước nghèo ô-xy. Loài cá này có cơ quan hô hấp như phổi ở họng điều cho phép chúng hít thở không khí. Chúng cần nổi lên bề mặt sau mỗi 20 phút để lấy hơi [Wikipedia: Ngoài mang, cá có một bóng bơi (swim bladder) lớn được cải tiến, bao gồm những mô tương tự-phổi vốn có thể lấy ô-xy từ không khí… Cá là loài thở không khí, nhờ bộ phận mê lộ (labyrinth) vốn giàu mao mạch và tỏa ra trong miệng cá]. Arapaima từ lâu đã được coi là cá thịt. Cá này có thời rất nhiều và nuôi sống nhiều bộ lạc bản xứ ở Amazon. Tuy nhiên, số lượng của chúng đã suy giảm bởi việc săn bắt toàn diện. Khi Arapaima buộc phải nổi lên mặt nước để thở, đó là lúc chúng gặp nguy hiểm. Tiếng thở bị ngư dân nghe thấy rồi họ truy lùng và đâm hay đánh bắt bằng lưới lớn. Thịt Arapaima nổi tiếng là ngon nên chúng bị nhiều người ở Nam Mỹ săn lùng. Gần đây, chúng cũng được giới thiệu vào Đông Á để phục vụ trò câu cá. Phân bố Loài Arapaima gigas được mô tả bởi Schinz vào 1822. Chúng được phát hiện trên toàn bộ lưu vực sông Amazon. Địa bàn chính xác của loài cá này hiện chưa được biết. Chúng được báo cáo xuất hiện ở lưu vực sông Essequibo và hóa thạch được phát hiện ở lưu vực sông Magdelena ở Colombia. Gần đây chúng được nhập vào Đông Á để phục vụ trò câu cá. Chúng cũng thâm nhập vào những vùng khác, nơi mà người nuôi cá thả ra. Chúng được phát hiện trên toàn bộ lưu vực sông Amazon ở Nam Mỹ, cũng như trong các bình nguyên ngập nước. Hầu hết địa bàn của chúng đều nghèo ô-xy. Địa bàn ưa thích của Arapaima thay đổi tùy theo mùa. Vào mùa khô, chúng di chuyển đến sông hồ và vào mùa mưa, chúng dường như chuộng rừng ngập nước giàu thức ăn. Loài này có thể sống trong môi trường nước nghèo ô-xy bởi có thể thở trên mặt nước, thường nổi lên sau mỗi 20 phút. Ngoài tự nhiên, Arapaima trưởng thành ăn chủ yếu cá và chim. Cá con loài này có khẩu phần đa dạng từ côn trùng, cá nhỏ, giáp xác và nhứng nguồn thức ăn cỡ nhỏ khác. Tên khoa học: Arapaima gigas [hiện tại có 5 loài, A. arapaima và A. leptosoma là hai loài chính thức. Các loài A. gigas, A. agassizii và A. mapae chưa thể khẳng định hay bác bỏ mà cần được nghiên cứu thêm]. Lối sống: Đơn độc Sách Đỏ IUCN: Thiếu dữ liệu (Data Deficient) - Arapaima được xếp vào diện “thiếu dữ liệu” trong Sách Đỏ IUNC (Red List of Endangered species), và có tên trong CITES: Appendix II. Mô tả Arapaima to và dài với hai vây ngực nhỏ ở hai bên cơ thể gần phía trước đầu. Màu nâu với ánh kim vàng lục ở phía trước kéo dài thành xanh lục ở phía sau với những đốm cam dọc theo phần còn lại của cơ thể, viền các vây đôi khi màu đỏ và bụng màu trắng. Một đặc điểm độc đáo là lưỡi của nó, vốn là xương hay răng. Cá này được cho là loài cá nước ngọt lớn nhất. Trong hồ nuôi chúng hiếm khi nào vượt quá 23.62 inch (60 cm), và tuổi thọ khoảng 20 năm. Cá con ở cùng cha mẹ trong 3 tháng đầu và thành thục sinh sản khi đạt 5 tuổi. Ngoài tự nhiên, Arapaima thường đạt đến độ dài 6.6 feet (200 cm). Mặt dù cá thể lớn nhất được thông báo đạt kích thước 14.8 feet (450 cm), đây là báo cáo được ghi nhận vào nửa đầu của thế kỷ thứ 19. Trong lượng lớn nhất được ghi nhận là 440 pounds (200 kg). Bởi nạn săn bắt quá mức và cạnh tranh ngoài môi trường tự nhiên, những con cá lớn này hiếm khi nào được phát hiện ở kích thước và trọng lượng tối đa. Kích thước: 177.0 inch (449.58 cm) – Hiếm con nào vượt quá 23.62 inches (60 cm) trong môi trường nuôi nhốt. Đa số đạt đến 6.6 feet (200 cm) ngoài tự nhiên. Tuổi thọ: 20 năm – Cá nhìn chung đạt tuổi thọ từ 15 đến 20 năm trong môi trường nuôi nhốt. Độ khó Vì kích thước và sự hung dữ của loài cá này, chúng không được khuyến khích thậm chí với những người nuôi cá kinh nghiệm nhất. Mặc dù Arapaima rất thích nghi với nhiều môi trường khác nhau, chúng cần hồ rộng, 1000 gallon hay hơn, và bộ lọc mạnh là điều bắt buộc. Trong môi trường nuôi nhốt, chúng cần thức ăn tươi sống và cần nhiều hơn khi chúng lớn. Nếu bạn cung cấp đủ nhu cầu về thức ăn theo độ tuổi thì nuôi chúng sẽ rất dễ. Đây là loài cá thích hợp nhất với các thủy cung, họ có cơ sở rộng để nuôi những thứ to như thế này. Ở đó, chúng có thể được cho ăn cá sống và nuôi trong hồ lớn đến 10,000 gallon hay hơn. Độ cứng: Trung bình Yêu cầu kinh nghiệm: Chuyên gia – Cần người nuôi thật tận tâm để đảm bảo các nhu cầu của chúng trong hồ nuôi cực lớn hay ao và một khẩu phần thức ăn tươi sống liên tục. Thức ăn Arapaima là loài ăn thịt, chủ yếu săn cá. Chúng cũng ăn cả chim hay động vật. Chúng được biết phóng lên khỏi mặt nước để đớp chim nhỏ đậu trên các cành cây mọc thấp. Trong môi trường nuôi nhốt, chúng được cho ăn cá nhỏ, thịt xắt miếng, giáp xác, thức ăn viên và các loại thức ăn chế biến như tép krill và phiêu sinh (plankton). Khẩu phần: Ăn thịt (carnivore) Thức ăn tấm: Không Thức ăn viên: Thỉnh thoảng Thức ăn tươi sống (cá, tôm, trùn): Đủ thứ Thịt: Đủ thứ - Chim, cá, bất cứ thứ nào trong nước vừa với miệng của chúng. Cẩn trọng, có báo cáo về trường hợp tấn công người. Tần suất cho ăn: Mỗi tuần Chăm sóc Arapaima không đòi hỏi điều kiện nước đặc biệt, nhưng hồ nuôi cần hệ thống lọc thật lớn để xử lý lượng chất thải phát sinh từ loại cá lớn này. Chúng có xu hướng nhảy [khỏi hồ] nên cần nắp đậy thoáng khí, chặt khít. Nên thay từ 15-20% nước mỗi tuần. Thay nước: Mỗi tuần – Nên thay từ 15-20% nước mỗi tuần. Hồ nuôi Arapaima lớn cực nhanh vì vậy chúng cần hồ nuôi thật lớn. Nếu bạn tính nuôi một con làm cảnh, hãy chuẩn bị hồ khoảng 1000 gallon hay rộng hơn, 2500 gallon là tốt nhất. Khi nổi lên lấy hơi, chúng cần thật nhiều không gian ở bề mặt và phải có đủ ô-xy. Vì vậy, hồ to vuông là tốt nhất và nên có nắp đậy thoáng khí. Chúng có xu hướng nhảy ra nên nắp hồ cần chặt khít. Chúng cần đáy sỏi nhỏ và nhiều không gian bơi lội. Arapaima sẽ dành phần lớn thời gian ở [tầng nước] giữa hay gần bề mặt. Bởi không gian hoạt động của cá rất khác biệt, nên trang trí cũng phải khác biệt. Nhìn chung hồ cần nhiều diện tích bề mặt. Chúng sẽ chấp nhận cây mọc rậm rạp ở hai bên và phía sau, và một vài chỗ có cây thủy sinh trôi nổi (floating plant), nhưng cũng phải đảm bảo có thật nhiều không gian trống ở bề mặt. Kích thước hồ: Tối thiểu 1,000 gal (3,785 l) – Hồ kiếng hay ao có kích thước tối thiểu 1,000 gallon, 2500 gallon là tốt nhất. Loại nền: Sỏi nhỏ Ánh sáng: Trung bình – chiếu sáng bình thường Nhiệt độ: 75.0 đến 84.0° F (23.9 đến 28.9° C) Độ pH: 6.0-6.5 Độ cứng: 5 - 12 dGH Độ mặn: Không Dòng chảy: Tùy ý Tầng nước: Tất cả - Ngoi lên thở trên mặt nước sau mỗi 20 phút. Hành vi Arapaima là loài săn mồi. Chúng có miệng lớn và phàm ăn nên những con cá nhỏ sẽ nhanh chóng trở thành món ăn. Loài cá này nói chung sống đơn độc, và sẽ trở nên rất hung dữ với đồng loại. Tốt nhất, chúng nên được nuôi riêng từng con. Tính tình: Hung dữ - Loài săn mồi Tương thích với: *Đồng loại: Không *Loài hiền lành: Đe dọa - Arapaima là loài săn mồi vốn ăn cá. *Loài bán-hung dữ: Đe dọa *Loài hung dữ: Theo dõi – Chúng sẽ rất hung dữ trừ phi môi trường đủ lớn để mỗi loài đều có lãnh thổ riêng của mình. Điều rất khó đảm bảo trong môi trường hồ nuôi. *Loài bơi chậm và ăn tảo: Đe dọa *Tôm, cua, ốc: Đe dọa *Cây thủy sinh: An toàn Giới tính Rất khó xác định những khác biệt về giới tính. Vào mùa sinh sản, cá đực sặc sỡ hơn cá cái và phần đầu cực đen. Lai tạo/Sinh sản Arapaima được lai tạo trong môi trường nuôi nhốt. Cá cái thành thục sinh sản ở năm tuổi và đạt kích thước 5.5 feet (168 cm). Ngoài tự nhiên, chúng nhắm đến mùa mưa lũ, vì vậy chúng xây tổ vào giai đoạn nước thấp [mùa khô] từ tháng 2 đến tháng 4. Rồi khi nước bắt đầu lên, trứng nở và cá con đã có sẵn nhiều thức ăn. Chúng làm tổ ở vùng đáy cát [Wikipedia: đáy bùn] với kích thước khoảng 20 inch rộng [50.8 cm] và 6 inch sâu [15 cm]. Cá mái đẻ trứng vào tổ trong khi cá đực thụ tinh. Cả hai canh trứng và cá bột. Cá con ở cùng cha mẹ cho đến khi chúng đạt 3 tháng tuổi. Độ khó trong lai tạo: Khó Bệnh cá Như hầu hết các loài cá khác, Arapaima dễ bị nhiễm sán da (skin fluke), ký sinh (đơn bào, giun .v.v.), Ichthyobodo (Costia) và khuẩn bệnh. Nên nhớ rằng bất cứ thứ gì bạn bỏ vào hồ đều có thể gây ra bệnh tật. Không chỉ cá mà cây, nền và vật dụng trang trí có thể là nơi vi khuẩn khu trú. Hết sức lưu tâm và đảm bảo mọi thứ được cách ly và rửa sạch kỹ càng trước khi bạn đưa vào hồ để không làm mất sự cân bằng vốn có. Loài cá này mạnh mẽ và bệnh tật không thường xảy ra trong hồ nuôi được bảo trì tốt. Tuy nhiên, điều đó không đảm bảo rằng bạn không phải đối mặt với các vấn đề về sức khỏe và bệnh tật. Bởi vì chúng ăn đồ tươi sống, bệnh có thể lây truyền qua thức ăn. Hãy cách ly đồ tươi sống trước khi cho ăn. Điều đáng mừng ở Arapaima đó là nhờ sức khỏe của chúng, dịch bệnh có thể được giới hạn ở chỉ một hay vài con nếu bạn ngăn chặn từ sớm. Khi nuôi những loài cá nhạy cảm hơn, việc tất cả cá bị lây nhiễm thậm chí trước cả khi triệu chứng đầu tiên xuất hiện là điều bình thường. Cách tốt nhất để phòng bệnh là cho cá của bạn môi trường thích hợp và một khẩu phần cân bằng. Càng gần với môi trường tự nhiên của cá thì chúng càng bớt căng thẳng, hạnh phúc và mạnh khỏe hơn. Cá bị căng thẳng thì dễ mắc bệnh hơn. Nhận biết dấu hiệu, cách ly và điều trị chúng từ sớm mang lại khác biệt đáng kể. Để tìm hiểu thông tin về bệnh cá nước ngọt, hãy xem cuốn Aquarium Fish Diseases and Treatments. Mức độ phổ biến Arapaima không phổ biến nhưng một khi xuất hiện chúng rất mắc tiền. Trước khi bạn mua loài này, hãy tham khảo từ Bộ Nông Nghiệp hay những đơn vị về môi trường tại khu vực của mình để đảm bảo rằng bạn được phép nuôi chúng. Ở một số bang nhất định, chúng bị cấm nuôi, Texas là một ví dụ. Ở những nơi này, chính quyền lo ngại người dân chơi chán bèn phóng thích ra nguồn nước địa phương [Việt Nam không cấm con này và trên thực tế, chúng được nuôi ở nhiều nơi. Chúng thường xuất hiện ở các thủy cung, khu vui chơi và một số quán ăn để lôi cuốn thực khách. Khả năng tồn tại và đe dọa môi trường sinh thái địa phương là rất nhỏ vì khác biệt quá lớn giữa hai vùng và vấn đề ô nhiễm trầm trọng]. Tham khảo Animal-World References: Freshwater Fish and Plants Glen S. Axelrod, Brian M. Scott, Neal Pronek, Encyclopedia Of Exotic Tropical Fishes For Freshwater Aquariums, TFH Publications, 2005 Dr. Herbert R. Axelrod, Aquarium Fishes of the World, TFH Publications, 1998 Dr. Rüdiger Riehl and Hans A. Baensch, Aquarium Atlas Vol. 2, Publisher Hans A. Baensch, 1993 Arapaima gigas (Schinz, 1822) Arapaima, Fishbase.org Arapaima gigas, The IUCN Red List of Threatened Species ================================================= Ghi chú *Ngoài Arapaima (Pirarucu, Paiche), các tên khác gồm: hải tượng long, hải tượng, tượng ngư, khổng tượng. *Một trường hợp Arapaima sinh sản trong ao nuôi ở Tây Ninh (2015): tại đây *Arapaima có phải là loài ấp miệng (mouthbrooder)? Thông tin khá mâu thuẫn: Wikipedia: Giống như các họ hàng trong họ cá rồng, Arapaima đực ấp miệng, nghĩa là cá con được bảo vệ trong khoang miệng cá cha cho đến khi cứng cỏi hơn. Cá cái bơi vòng ngoài để bảo vệ cá đực và bầy con. Trong cuốn The Whispering Land, nhà tự nhiên học Gerald Durrell nói rằng ở Argentina, cá arapaima cái tiết ra chất màu trắng từ một bộ phận trên đầu và cá con dường như ăn chất này. FAO: Trứng tương đối lớn, đường kính 2.5-3 mm, nhưng số lượng tương đối thấp từ 10,000 đến 20,000 trứng với một cá cái 80 kg. Trứng được đẻ trong tổ tròn rộng gần 50 cm và sâu 15 cm. Arapaima không phải là loài ấp miệng, khác với các họ hàng trong họ cá rồng, nhưng cả cha lẫn mẹ đều chăm sóc cá bột trong ít nhất một tháng cho đến khi đàn tản mác ra sông hồ. Cá cái giúp bảo vệ cá đực và bầy con bằng cách bơi vòng ngoài và xua đuổi những kẻ săn mồi tiềm năng [các tác giả trong bài này nghiêng về ý kiến của FAO bởi ấp miệng tức là ngậm trứng cho đến khi nở]. *Về phân loại, [Wikipedia: Arapaima vốn được xem là chi đơn loài (tức chỉ có một loài A. gigas), nhưng sau này một loạt loài khác được xác định (FishBase). Từ hậu quả của sai lầm về mặt phân loại này, hầu hết những nghiên cứu trước đây đều được thực hiện dưới tên A. gigas nhưng loài này chỉ xuất phát từ một mẫu vật (specimen) bảo tàng cũ và địa bàn không rõ ràng. Loài thường xuyên được thấy và nghiên cứu là A. arapaima, mặc dù một ít A. leptosoma cũng được ghi nhận trong các cuộc mua bán cá cảnh. Những loài còn lại vẫn chưa rõ: A. agassizii từ một bản vẽ chi tiết cũ (mẫu vật bị thất lạc trong Thế chiến 2 vì bom đạn) và A. mapae từ một mẫu vật chuẩn. Loài A. arapaima tương đối dày bản nhất so với các loài còn lại]. Như vậy, hầu hết Arapaima mà chúng ta thấy và nuôi ngày nay gần như là A. arapaima, một số ít là A. leptosoma. Các tên A. gigas (mẫu vật thiếu địa điểm đánh bắt), A. agassizii (thiếu mẫu vật, chỉ còn hình vẽ) và A. mapae hiện chưa thể khẳng định hay bác bỏ mà cần được nghiên cứu thêm. *Một con Arapaima cực đẹp:
Arapaima Brian Clark Howard - http://voices.nationalgeographic.com Loài cá biểu tượng của vùng nhiệt đới Nam Mỹ, Arapaima là quái vật khủng, thon dài vốn có thể đạt đến 10 feet (3 m) và nặng đến 440 lb (200 kg). Nó còn được gọi là Pirarucu ở Brazil và Paiche ở Tây Amazon, và là một trong những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới. “Khác với những loài cá mà chúng ta vẫn đánh bắt ở Mỹ, chúng cực khủng” theo Donald Stewart, giáo sư ngư loại học trường Cao đẳng SUNY về Khoa học Môi trường và Rừng (ESF) ở Syracuse, New York. Donald Stewart, giáo sư ngư loại học trường SUNY ESF, kiểm tra răng của một bộ xương Arapaima. Stewart vừa xuất bản bài viết làm khuấy động quan điểm kéo dài gần một thế kỷ rưỡi về Arapaima. Trong số tháng 3 của tạp chí Copeia, Stewart tái mô tả loài thứ hai, và thông báo rằng có ít nhất bốn loài Arapaima từng được mô tả trước đây trong các sông hồ và rừng ngập nước ở Amazon và những lưu vực khác ở Nam Mỹ (xem hình cá khủng). Stewart duyệt qua lịch sử phân loại của Arapaima. Vào năm 1829, một nhà sinh học đăng bản vẽ chi tiết bộ xương Arapaima vốn được thu thập đâu đó ở Amazon Brazil (không rõ địa điểm chính xác). Vào năm 1847, một nhà sinh học người Pháp khẳng định rằng bản vẽ thể hiện một loài riêng và đặt tên nó là Arapaima agassizii, theo tên của nhà sinh học người đăng bản vẽ gốc. Nhưng vào năm 1868, một nhà phân loại học người Anh phản đối quan điểm của người Pháp. “Ông nói chỉ có một loài Arapaima (tức Arapaima gigas), và kể từ đó, mọi người chấp nhận quan điểm của ông” Stewart giải thích. “Nhưng khi tôi quay lại và bắt đầu đào bới, các bản vẽ thực sự khác biệt, đó là một con cá rất khác thường” ông nói, bổ sung rằng có hàng loạt khác biệt quan trọng giữa bộ xương đó với một con Arapaima “điển hình”. Chẳng may, không ai có thể nhìn qua bộ xương bởi nó đã bị phá hủy trong Thế chiến II, sau khi một quả bom rơi trúng viện bảo tàng nơi nó được lưu giữ. Hơn nữa, nhà sưu tầm đã không ghi chú địa điểm [thu thập mẫu vật] chính xác. Nhưng Stewart đã bị thuyết phục rằng bản vẽ thể hiện một loài riêng biệt, và rằng có nhiều loài Arapaima khác nữa hiện đang sinh sống ở Nam Mỹ, kể cả Arapaima arapaima. Trong một tài liệu khác sắp tới dự định đăng, Stewart đang mô tả loài thứ năm, loài Arapaima mới đầu tiên kể từ năm 1847. “Người ta đã phân loại sai trong 145 năm, nhưng tình thế chẳng có gì bất thường với bọn cá lớn như vậy. Chúng rất khó đánh bắt và việc lưu trữ trong bảo tàng rất tốn kém” Stewart lưu ý. Ông nói thêm “Đây là biểu tượng của sông Amazon; một số người xem nó là loài dẫn đầu vốn cần được bảo tồn, một loài tương tự như hổ hay voi”. Áp lực đánh bắt Đồng thời, Arapaima là một trong những loài cá thương mại quan trọng nhất ở Nam Mỹ. Kích thước khủng đồng nghĩa với nhiều thịt, và một con to có giá lên đến 150$, số tiền lớn ở Amazon. Arapaima là một trong số vài loài cá phải hít thở không khí. Bóng cá của chúng tiến hóa thành phổi sơ khai, trong khi mang của chúng chỉ cung cấp tối đa 20 đến 30% nhu cầu ô-xy của cơ thể, Stewart giải thích. Điều này có nghĩa chúng phải thò miệng ra khỏi mặt nước sau mỗi 15 phút để lấy hơi, đó là lúc chúng phát ra âm thanh đặc trưng. “Ngư dân ngồi trên ca-nô và chờ đợi. Khi họ thấy chúng nổi lên, họ đâm chúng bằng lao. Rất dễ phát hiện và khá dễ giết mặc dù chúng to lớn, vì vậy chúng bị khai thác quá mức rất nhanh chóng” Stewart nói. Arapaima có thể có vảy chắc cứng, mà các nhà khoa học đang nghiên cứu khả năng chống các vết cắn của cá piranha, nhưng chúng cũng chẳng là gì so với mũi lao. Bản thân là loài săn mồi, Arapaima chủ yếu ăn cá loài cá khác, tuy thỉnh thoảng chúng cũng xơi cả thủy cầm (water bird). Hình vẽ một bộ xương Arapaima agassizii và một con Arapaima agassizii từ Guyana. Báo động nạn phá rừng Stewart bổ sung rằng Arapaima cũng bị đe dọa bởi nạn phá rừng (deforestation), bởi vì cá thích bơi vào các khu rừng ngập nước vào mùa mưa và canh chừng cá con. Cá non bị kẻ săn mồi đe dọa và cần tìm nơi trú ẩn trong rừng cây. Stewart nói Arapaima không bị đặc biệt đe dọa bởi các con đập, bởi vì chúng có xu hướng sống ở vùng đất thấp, không ở vùng cao nơi mà các con đập thường được xây dựng, và chúng không có xu hướng di cư thật xa. Stewart chỉ ra rằng có một ngành công nghiệp chăn nuôi Arapaima đang tăng trưởng, vốn có thể dẫn đến việc pha trộn gien giữa những quần thể hoang dã nếu các nhà quản lý không cẩn trọng. “Người ta đang nghĩ rằng đó chỉ là một loài vì vậy xuất xứ của chúng chẳng quan trọng. Nếu bạn đưa vào một loài chăn thả, nhiều khả năng nó làm biến mất loài địa phương vốn đã suy kiệt vì nạn đánh bắt quá mức” ông nói. Ông nói “Chúng ta cần hoàn tất việc phân loại nhờ vậy chúng ta có thể biết thứ gì để bảo vệ và thứ gì để ăn, và nhờ vậy người ta sẽ không đem chúng đi lung tung theo cách gây ra vấn đề mới, thiếu cân nhắc”. Ông và các sinh viên của mình có nhiều cuộc nghiên cứu thực địa theo kế hoạch – một thách thức bởi vì vùng nghiên cứu là khổng lồ – và ông cũng sẽ đi đến châu Âu để khảo sát thêm các mẫu vật bảo tàng. Nghiên cứu của Stewart được hỗ trợ, một phần, bởi National Geographic Society và ESF.
Loài cá khổng lồ mới Brian Clark Howard – http://voices.nationalgeographic.com Ba con cá trong một thủy cung ở Sevastopol, Crimea thực sự thuộc về một loài Arapaima mới được xác định, loài cá khổng lồ hít thở không khí ở Amazon. Chúng tôi từng báo cáo về nỗ lực của Donald Stewart trong việc tái phân loại quần thể cá Amazon khổng lồ thành nhiều loài khác nhau. Công trình của nhà sinh học tại Cao đẳng SUNY về Khoa học Môi trường và Rừng (ESF) được tài trợ một phần bởi National Geographic. Công trình của Stewart vừa được đăng trên tạp chí Copeia, và chính thức ghi nhận Arapaima leptosoma, loài Arapaima hoàn toàn mới kể từ năm 1847. Là một trong số những loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới, Arapaima sống trong vùng nhiệt đới Nam Mỹ, nhất là Brazil và Guyana. Chúng có thể đạt đến chiều dài 10 feet (3 m) và nặng 440 lb (200 kg). Chúng hít thở không khí nhờ cái phổi sơ khai, và có xu hướng sống ở vùng nước đen nghèo ô-xy. Arapaima từ lâu là nguồn thực phẩm quan trọng với người dân Amazon. Chúng liên tục bị săn bắt và các nhà sinh học cảnh báo về tình trạng của chúng, dẫu chúng chưa rơi vào tình trạng bị đe dọa. Việc đặt tên loài mới là điều quan trọng “bởi nó gây chú ý về sự phân hóa của [quần thể] Arapaima đang sinh sống ngoài kia và cần được thu thập và nghiên cứu” Stewart nói “Hy vọng, nó sẽ khiến thêm nhiều người ở Brazil để ý kỹ hơn thứ gì đang bơi lội ngoài kia”. Donald Stewart và Arapaima. Thay đổi quan niệm cố hữu Trong hơn một thế kỷ rưỡi, quan điểm thịnh hành của các nhà khoa học là chỉ có một loài Arapaima, nhưng Stewart đã chứng tỏ rằng thực sự có ít nhất năm loài. Vào tháng ba, ông xuất bản một tài liệu tái sử dụng tên của các loài Arapaima vốn bị nghi ngờ từ những năm 1800, trước khi các nhà khoa học quyết định gom tất cả vào một loài. Loài mới nhất Arapaima leptosoma chưa từng bị nghi ngờ trước đây. Nó mảnh mai hơn những loài Arapaima khác (cái tên leptosoma thể hiện đặc điểm này) [leptos=mảnh mai, soma=thân]. Stewart giải thích rằng loài mới cũng có một sọc đen nằm ngang ở bên đầu, vốn là một chuỗi độc nhất gồm các cơ quan cảm giác. Loài mới được mô tả từ mẫu vật lưu giữ tại Instituto Nacional de Pesquisas da Amazônia ở Manaus, Brazil. Cá thể đó được thu thập từ năm 2001 gần ngã ba của các sông Solimões và Purus ở Bang Amazonas, Brazil. Wikipedia cần cập nhật Stewart lưu ý rằng hai tấm hình trên Wikipedia về Arapaima thực sự là loài mới A. leptosoma (tấm này và tấm này). Những tấm hình đó được chụp từ một thủy cung ở Crimea [đã sửa rồi]. “Tôi không biết làm thế nào mà chúng đến được đó, nhất định ai đó đã chăn nuôi và gửi chúng đến Crimea” ông nói. Stewart bổ sung ông thậm chí ngờ rằng còn có nhiều loài Arapaima hơn nữa “Chúng tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm những thứ khác ngoài kia” ông nói. Ông có nhiều công trình thực địa được lên kế hoạch để tiếp tục khảo sát những bí mật của loài cá khổng lồ này.
Hàm răng sắc như-dao cạo của cá piranha phập vào da thịt con mồi bằng cú cắn sắc như-máy chém Cảm hứng về chất liệu mới lấy từ vảy giáp chống piranha UCSD (University of California, San Diego) - http://www.advancedaquarist.com Đây xứng đáng là một bộ phim truyện về-khuya: thả một bầy cá piranha đói khát chung với một con cá nặng 300 lb [136 kg], và ai sẽ là kẻ chiến thắng? Câu trả lời đáng kinh ngạc – cho cú cắn sắc như-máy-chém của piranha – là loài cá khủng Arapaima ở Brazil. Bí mật cho thành công của Arapaima nằm ở lớp vảy sần sùi của nó, vốn có thể mang lại “niềm cảm hứng” cho các kỹ sư đang tìm cách phát triển những loại gốm đàn hồi. Cảm hứng cho nghiên cứu này đến từ một cuộc nghiên cứu thực địa ở lưu vực sông Amazon mà Marc Meyers, giáo sư thuộc Jacobs School of Engineering tại UC San Diego, tiến hành nhiều năm trước đây. Vị giáo sư công nghệ cơ khí và không gian (aerospace) ngay lập tức thắc mắc về lớp vảy bảo vệ như-áo giáp của Arapaima. Làm thế nào mà chúng có thể tồn tại trong các hồ đầy cá piranha, nơi mà chẳng thứ gì sống sót? Mayers và các cộng sự tiến hành một thí nghiệm piranha chống Arapaima bằng việc sử dụng một thiết bị tương tự như máy đục lỗ công nghiệp. Răng cá piranha được gắn vào đầu “đục” mà nó được đẩy sâu vào vảy cá Arapaima vốn được gắn vào một mặt cao su (mô phỏng lớp thịt mềm bên dưới của cá) trên đế “đục”. Răng có thể cắn sâu phần nào vào vảy, nhưng bị gãy trước khi có thể đâm vào thịt, Mayers và các cộng sự trình bày trên tờ Advanced Biomaterials. Hình cận cảnh hai vảy Arapaima, xếp chồng lên nhau theo cách thức tự nhiên. Vảy Arapaima bao gồm lớp khoáng dày bên ngoài và thiết kế bên trong mà nó giúp vảy chống lại vết cắn sắc như-dao cạo của piranha. Sự pha trộn của các vật liệu tương tự như lớp men (enamel) cứng ở răng được hình thành bên trên lớp ngà (dentin) mềm, Mayers nói, ông cũng dạy công nghệ nano tại Jacobs School of Engineering “bạn thường thấy điều này ngoài tự nhiên, khi mà vỏ ngoài cứng, nhưng nó phát triển trên một thứ mềm hơn điều mang lại sự rắn chắc”. Đó là sự kết hợp mà các kỹ sư muốn tái tạo cho các ứng dụng chẳng hạn như áo giáp của binh sĩ, vốn cần cả cứng chắc lẫn đàn hồi. Những ứng dụng khác có lẽ bao gồm pin nhiên liệu (fuel cell), chất cách ly (insulation) và thiết kế không gian. Meyers là một chuyên gia trong lãnh vực phỏng sinh học, nghiên cứu các chất liệu tự nhiên từ sinh vật để sản xuất chúng. Ông nói rằng các kỹ sư đang theo đuổi phỏng sinh học bởi vì “chúng ta đang đụng tường, đại loại là vậy” với các loại chất liệu tổng hợp. “Chúng ta phải vận dụng trí não tối đa, nhưng một cách để vượt qua là nhìn vào tự nhiên” Mayers đề nghị. “Các chất liệu mà tự nhiên có trong tay không thật mạnh mẽ, nhưng tự nhiên kết hợp chúng một cách thật khéo léo để tạo ra những thành phần và thiết kế mạnh mẽ”. Vảy Arapaima gigas có lớp ngoài giàu khoáng chất, và lớp trong gồm các sợi collagen được sắp xếp theo kiểu “ván ép” để rắn chắc tối đa. Bài học từ vảy cá Arapaima Trong trường hợp của Arapaima, lớp vảy được thiết kế tài tình đem lại hòa bình thông qua sức mạnh, điều cho phép chúng cùng tồn tại với cá piranha khi cả hai hội nhập vào các hồ thuộc lưu vực sông Amazon vào mùa khô. Các thí nghiệm trên Arapaima, một số cũng được đăng trên tờ The Journal of the Mechanical Behavior of Biomedical Materials, gợi ý vài giải pháp cho các kỹ sư phỏng sinh học (bio-inspired): Pha trộn: Sự kết hợp giữa vật liệu cứng và mềm, các nhà nghiên cứu ghi nhận, đem lại cho vảy vô số cách để chống bị cắn. Vảy xếp chồng như ngói trên mình cá, và mỗi vảy có “một lớp khoáng rất cứng ở mặt ngoài” Mayers nói. Ở bên dưới, mỗi vảy được bện bằng nhiều sợi collagen sắp xếp theo những chiều khác nhau tương tự như một tấm ván ép. Mặt ngoài cứng gấp đôi lớp trong, đem lại cho cá một tấm giáp dày. Đồng thời, cấu trúc của lớp trong mang lại sự rắn chắc cho vảy. “Khi bạn chồng các lớp sợi theo cách này” Mayers giải thích, “theo các chiều khác nhau, điều đem lại sức mạnh như nhau ở mọi hướng”. Kết cấu là chìa khóa: Người dân sống ở Amazon đôi khi sử dụng vảy Arapaima (vốn có thể dài gần 4 inch ~ 10 cm) như là cây giũa móng tay. Bề mặt lượn sóng giúp lớp khoáng dày trên vảy nguyên vẹn trong khi cá bơi lượn. Bề mặt gốm với độ dày đều đặn bị kéo dãn khi được uốn theo một mặt cong, nhưng sự lượn sóng (corrugation) cho phép vảy “uốn cong một cách dễ dàng mà không bị gãy” Mayers nói. Thoải mái di chuyển: Sự lượn sóng, lớp trong mềm nhưng dai và độ thủy hóa (hydration) của vảy đều góp phần vào sự dẻo dai nhưng vẫn mạnh mẽ của chúng. Đó là một giải pháp kỹ thuật giúp cá cơ động nhưng vẫn được che chắn tốt, và cũng cho phép vảy chịu đựng [mức độ] uốn cong và biến dạng đáng kể trước khi gãy. Tiếp theo là gì? Từ vỏ bào ngư (abalone) đến mỏ chim toucan, Mayers nói, thế giới tự nhiên tràn ngập cảm hứng cho các nhà khoa học vật liệu thế kỷ thứ 21. Một trong những dự án kế tiếp của ông liên quan đến vảy sấu hỏa tiễn (alligator gar), một loài cá khủng ở Nam Mỹ mà vảy của nó được thổ dân dùng làm đầu mũi tên. Gần đây, ông nhận được một số mẫu vật từ nghệ sĩ ở Louisiana, Dianne Ulery, người chế tác đồ mỹ nghệ từ các vảy màu ngà hình mũi tên. Sinh viên trong phòng thí nghiệm của ông đang làm việc trên vỏ bào ngư và các mẫu da của rùa mai mềm (leatherback turtle) lấy từ National History Museum ở San Diego, và những loài khác. Ở mức độ nào đó, lãnh vực phỏng sinh học (biomimetics) là một cuộc trở về nguồn, Mayers đoán, khi người cổ chế tác trên da, xương và gỗ. “Chúng ta đang tạo ra những chất liệu với chất lượng cao hơn, nhưng chúng ta đã đạt đến giới hạn với chất liệu tổng hợp” ông lưu ý. “Bây giờ chúng ta đang nhìn lại những chất liệu tự nhiên đó và tự hỏi làm thế nào mà tự nhiên tạo ra những thứ này?” Những khi không nghiên cứu hay giảng dạy, Mayers cũng là một tác giả thành công. Đến nay ông đã xuất bản hai tiểu thuyết, “Mayan Mars” và “Chechnya Jihad”. Ông hiện đang tìm nhà xuất bản cho cuốn tiểu thuyết thứ ba của mình, với bối cảnh ở Amazon. Piranha là một nhân vật trong tác phẩm đó theo cách thức đặc biệt, ông nói. Những nhà nghiên cứu khác bao gồm Y.S. Lin, C.T. Wei và P-Y Chen tại Jacobs School of Engineering và E.A. Olevsky tại San Diego State University. Ngân sách được tài trợ bởi National Science Foundation DMR Biomaterials Program.
Arapaima gigas (Schinz, 1822) http://www.fao.org/fishery/culturedspecies/Arapaima_gigas/en I. Đặc điểm Tên gọi (theo FAO): Arapaima - Anh, Pirarucu - Pháp, Paiche - Tây Ban Nha Đặc điểm sinh học Thân hình thuôn dài với vây ngực tương đối nhỏ ở hai bên đầu. Màu xám-xanh với ánh kim vàng phía trước lan về phía sau với những đốm cam dọc theo phần còn lại của thân; một số vây có viền đỏ; bụng trắng. Lưỡi xương. Vảy lớn bao phủ khắp cơ thể ngoại trừ đầu, vốn được trang trí [hoa văn] mặt ngoài. Vây lưng và vây hậu môn dài như nhau và gần với đuôi, vốn tròn và có màu màu đỏ tươi. Arapaima có thể đạt đến chiều dài dưới 3 m và nặng trên 200 kg. Một số báo cáo chỉ ra chiều dài tối đa 4.5 m. Arapaima gigas là loài cá hít thở không khí (air-breathing) khổng lồ ở sông Amazon; đặc điểm này mang lại lợi thế cho chúng ở vùng nước nghèo ô-xy. Thư viện hình ảnh Ươm cá bột ươm trong vèo Cá non Lồng nuôi thúc và viên thức ăn Arapaima gigas Đầu cá Arapaima trưởng thành Phi-lê Arapaima II. Hồ sơ Lịch sử Vùng phân bố tự nhiên của Arapaima gigas là lưu vực sông Amazon, ngoại trừ khu vực Bolivia và nam Peru (lưu vực Madre de Dios). Tuy nhiên, khoảng 30 năm trước, Arapaima (còn gọi là Pirarucu) vô tình hay cố ý được đưa từ lưu vực Ucayali vào lưu vực Madre de Dios ở Peru và giờ nó lan ra khắp lưu vực Amazon bắc Bolivia. Nó cũng được đưa đến vùng đông bắc và nam Brazil và một số vùng duyên hải của Peru. Cũng có báo cáo cho rằng Arapaima được đưa vào Bolivia, Trung Quốc, Cuba, Mexico, Philippines, Singapore và Thái Lan. Hiện tại, vào năm 2012, chăn nuôi Arapaima mở ra cơ hội mới nhưng quy mô sản xuất hiện còn rất hạn chế và rất khó kiểm tra tình trạng. Dẫu vậy, tổng sản lượng ở vùng Amazon (chủ yếu là Brazil và Peru) được dự đoán khoảng vài trăm tấn. Vài nỗ lực chăn nuôi loài này từng được thấy ở Colombia và Ecuador. Các nước sản xuất chính Các nước sản xuất Arapaima gigas chính (FAO Fishery Statistics, 2010) Địa bàn và sinh thái Arapaima gigas là loài cá lớn nhất ở lưu vực Amazon. Nó là loài biểu tượng của quần thể cá Amazon và được gọi là Paiche ở Peru và Arapaima ở Brazil. Nó có tiềm năng thủy sản rất hấp dẫn ở vùng Amazon, nhờ có nhiều ưu điểm. Bao gồm: *Nó có độ tăng trưởng cao nhất trong số những loài cá nuôi ở Amazon – 10-15 kg/năm. *Phi-lê của nó rất phổ biến, không hề có xương dăm. *Nó chịu được nồng độ ô-xy hòa tan thấp, nhờ khả năng hít thở không khí. *Mặc dù là loài ăn thịt, nó vẫn ăn cá chết và viên thức ăn. Ngoài tự nhiên, sinh sản chủ yếu xảy ra vào mùa mưa nhưng sinh sản liên tục được quan sát trong hồ nuôi. Trứng tương đối lớn, đường kính ~2.5-3 mm, nhưng số lượng tương đối thấp từ 10,000 đến 20,000 trứng với một cá cái 80 kg. Trứng được đẻ trong tổ tròn rộng gần 50 cm và sâu 15 cm. Arapaima không phải là loài ấp miệng, khác với [cá ngân long] Osteoglossum bicirrhosum (arawana), nhưng cả cha lẫn mẹ đều chăm sóc cá bột trong ít nhất một tháng cho đến khi đàn tản mác ra sông hồ. Arapaima cái giúp bảo vệ cá đực và bầy con bằng cách bơi vòng quanh và xua đuổi những kẻ săn mồi tiềm năng. Với mức độ quan trọng về kinh tế và văn hóa, việc phát triển chăn nuôi loài này mang lại một giải pháp để giải quyết vấn đề suy giảm quần thể hoang dã vì nạn đánh bắt quá mức. III. Sản xuất Quy trình Cá giống tối thiểu 4 năm tuổi tự động bắt cặp hay được chọn ghép ngẫu nhiên sau khi xác định được giới tính, thả vào ao nhỏ --> Cá bột 2-4 tuần tuổi (7-12 cm) từ ao lai tạo (trung bình từ 1000 đến 5000 mỗi lần đẻ với cá cái 50-60 kg) --> Cá non 10-15 tuần hay 3 tháng tuổi (300-400 g; 25-35 cm) được tập cho ăn thức ăn viên (pellet), nuôi trong hồ kiếng, ao nhân tạo (raceway), vèo hay ao nhỏ được bảo vệ khỏi chim săn mồi --> Nuôi thúc trong ao rộng (1000 đến 2000 con/ha) hay trong vèo (3 con/m3) trong 12 tháng, cá được cho ăn viên 45% đạm --> Thu hoạch và chế biến, 14 tháng sau khi nở (10-12 kg; 1.2 m) chủ yếu là thịt phi-lê (fillet) (đạt 50-55% tổng trọng lượng) --> Con giống tương lai (khác cha mẹ) [tránh cận huyết]. Nguồn giống Việc chăn nuôi thương mại loài này là hoạt động gần đây ở Peru và Brazil. Bởi loài này có tên trong CITES II (buôn bán bị hạn chế và kiểm soát khắt khe), phát triển chăn nuôi hiện nay phải hoàn toàn dựa vào sinh sản tự phát trong môi trường nuôi dưỡng. Sinh sản thường diễn ra trong ao đất rộng nơi mà vài chục con giống được nuôi chung vào đầu mùa mưa (từ tháng 12 đến tháng 3 ở Amazon Peru). Cặp cá làm tổ, vạch ra lãnh thổ và bảo vệ bầy con trong ít nhất 20 ngày trước những con Arapaima và/hay loài săn mồi khác. Sinh sản trong môi trường nuôi dưỡng diễn ra liên tục và một số cặp cá giống sinh sản từ năm đến bảy lần mỗi năm, nhất là khi chúng được nuôi riêng trong một hồ nhỏ. Cá giống Thông thường, những con giống đầu tiên được chọn gần đây là những con được đánh bắt bên ngoài vùng bảo tồn, hay từ những khu bảo tồn có kế hoạch được thực hiện với sự hợp tác của cộng đồng bản địa. Chúng thực sự góp phần vào việc bảo vệ loài này ở các khu bảo tồn Mamirauá (Brazil) và Pacaya-Samíria (Peru). Việc sản xuất cá bột là nút thắt với sự phát triển của ngành chăn nuôi Arapaima. Hành vi sinh sản đặc biệt (cặp cá bảo vệ lãnh thổ) và sự kém mắn đẻ ở cá cái khiến cho việc sản xuất đại trà khó khăn và tốn kém. Quản lý con giống thường bao gồm việc xác định giới tính nhưng điều này khó khăn với Arapaima. Không đặc điểm bên ngoài nào được thể hiện ở hầu hết thời gian trong năm. Đôi khi hàm cá đực đỏ hơn trong giai đoạn sinh sản nhưng đặc điểm này không đủ rõ ràng để được dùng như là một quy trình kỹ thuật. Tuy nhiên, kỹ thuật Enzyme Immunoassay (EIA) được phát triển [bằng cách] dùng kháng thể phát hiện vitelllogenin của Arapaima [một loại protein chỉ có ở cá cái]. Kháng thể này gần đây được triển khai để chế tạo một “sexing-kit” [dụng cụ phân biệt giới tính] vốn có thể dùng trực tiếp ngoài thực địa. Cá giống thường được nuôi bằng thức ăn tươi, đông lạnh và thức ăn viên dành riêng cho Arapaima với hàm lượng đạm cá cao (40%). Một khi cặp cá giống hình thành, chúng được đưa vào ao nhỏ để thực hiện hành vi bắt cặp và sinh sản. Số cá bột trong mỗi bầy thay đổi từ vài trăm đến vài ngàn, tùy kích thước cá cái và tỷ lệ sống. Bởi cá bột hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có trong ao, việc quản lý lượng phiêu sinh trong giai đoạn sinh sản là điều bắt buộc để tỷ lệ sống của cá bột cao hơn. Cũng cần kiểm soát các đối tượng săn mồi như chim và những loài khác. Cá bột được sản xuất dưới những điều kiện như thế này thường được thu hoạch ở 7-12 cm (2 đến 3 tuần sau khi nở) và tập cho ăn thức ăn viên trong thời gian ~1 tháng trong hồ nhỏ bằng cách thay đổi dần tỷ lệ trộn giữa cá tạp và cá tươi băm và viên thức ăn khô. Một khảo sát ở Peru vào năm 2011 chứng tỏ rằng lượng cá bột trung bình mà một cá cái sản xuất mỗi năm là từ 26 đến 1063 tùy thuộc vào con giống và điều kiện ao nuôi. Ấp trứng Nhiều thử nghiệm được tiến hành bằng trứng vớt từ tổ dưới đáy ao và đem ấp trong các lồng đặc biệt (bởi trứng dính và phải chuyển động liên tục để thông khí. Hệ thống gồm một lồng đường kính 50 cm với một lưới nhựa kích thước [mắt lưới] 1 mm ở đáy nơi mà trứng được đặt vào và lồng được gắn với một thiết bị di chuyển lên xuống) trong nước được sục khí. Báo cáo cho thấy thành công là đáng khích lệ và nó cũng gia tăng số lượng cá bột mỗi lứa đẻ. Hệ thống này đòi hỏi kỹ năng và giá thành cao nhưng có thể giúp số lượng cá bột ở mỗi lứa ổn định hơn. Gần đây, một số trường hợp cá bột được thu hoạch ngay khi chúng vừa xuất hiện ở mặt ao rồi chuyển vào hồ kiếng và ao nhân tạo (raceway) được báo cáo. Tuy nhiên, dẫu phương pháp này có cải thiện tỷ lệ sống, thì nó cũng cần đến ấu trùng Artemia (kết hợp với phiêu sinh tự nhiên nếu có) và thức ăn tổng hợp. Ươm Thông tin dưới đây dựa trên việc ươm cá ở Peru và Brazil. Cá bột từ 2 đến 3 tuần tuổi thu hoạch từ ao sinh sản (7-12 cm, 5-10 g) được làm quen với thức ăn viên gồm 55% đạm (chủ yếu là đạm cá); việc này thường được thực hiện trong hồ kiếng nhỏ (2 x 1 x 0.5 m) mật độ 50-100 con/m2 hay trong hồ tròn (1.5 m3) mật độ 200-250 con/m3. Thức ăn được cho 4 lần mỗi ngày ở mức 15% trọng lượng cơ thể, bằng cá tươi băm nhỏ trộn với thức ăn khô mà nó hình thành viên ướt vốn được cá ăn ngay lập tức khi chúng vừa chạm mặt nước. Nếu viên chìm, cá sẽ không ăn và nó sẽ nằm mãi dưới đáy hồ. Những viên ướt này, dần được thay thế bằng viên khô 2-3 mm trong giai đoạn từ 4-6 tuần. Tỷ lệ thích nghi thành công là 70-80% và tỷ lệ chết thường <10-15%. Trong giai đoạn này, cá rất nhạy cảm với khuẩn bệnh và ký sinh, vì vậy cần chăm sóc tối đa để hạn chế tỷ lệ chết. Sau giai đoạn này, cá non 40-60 ngày tuổi nặng 40-60 g và dài 18-25 cm. Số cá non này liền được chuyển vào vèo nhỏ (10x5x1 m) hay ao (100-1000 m2) với mật độ 5-10 con/m2, cho ăn ba lần mỗi ngày bằng viên 5-8 mmm hàm lượng 55% đạm theo tỷ lệ 10% trọng lượng cơ thể. Sau 30 ngày, cá non 2.5-3 tháng tuổi đạt cân nặng 300-400 g và dài 40-45 cm, với tỷ lệ sống trên 95%. Vào lúc này, chúng đã sẵn sàng để nuôi thúc trong các ao và vèo lớn hơn. Vèo rộng 300 m3 (10x10x3 m) được nuôi theo mật độ 3 con/m3 hay 1 con/5-10 m2 trong ao đất rộng từ 0.5 đến 5 ha, sâu 1.5-2 m. Ao không được xử lý trước đó và thay nước chỉ hạn chế bằng việc bù bay hơi và rò rỉ. Arapaima phụ thuộc nhiều vào việc hít thở không khí. Trong ao cũng như vèo. Arapaima được cho ăn ba lần mỗi ngày bắt đầu từ 5-7% trọng lượng cơ thể bằng thức ăn viên (chứa 45-50% đạm) với kích thước lên đến 30mm vào cuối công đoạn nuôi thúc. Rồi tỷ lệ giảm dần còn 1% vào tháng nuôi thúc thứ 9, thời điểm (12 tháng sau khi nở) mà hầu hết cá đạt kích thước thương mại (10-15 kg; 110-120 cm) với tỷ lệ sống từ 95-98%. Thức ăn Cá được nuôi bằng thức ăn viên giàu đạm (50-55%) trong 3-4 tháng đầu và rồi với 40-45% đạm trong những tháng tiếp theo. Tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (Food Conversion Ratio) được báo cáo là 1.7-2.3, từ thức ăn của nhiều nhà sản xuất khác nhau. Giá thành thức ăn thương mại được sản xuất riêng cho Arapaima ở Peru là 1.5-2.0 USD/kg và có tỷ lệ chuyển hóa ~1.8 to 2.0. Thu hoạch Arapaima đạt từ 10 đến 15 kg thường được bắt bằng lưới trong các ao nuôi thúc. Đánh bắt và chế biến Cá bị giết bằng nước lạnh, cắt tiết và mổ. Da, đầu và xương được loại bỏ, phi-lê được đóng chân không và đông lạnh. Phi-lê đạt 50-55% tổng trọng lượng. Giá thành sản xuất Hiện tại, lượng sản xuất không đủ để xác định giá thành một cách chắc chắn. Giá một con cỡ ngón tay dài 12 cm và chưa làm quen với thức ăn viên từ các nhà sản xuất địa phương khoảng 3-4 USD. Bệnh cá và điều trị Trong một số trường hợp kháng sinh và những loại thuốc khác được sử dụng trong điều trị nhưng sự xuất hiện của chúng trong bảng này không phải là đề nghị của FAO. BệnhTác nhânLoạiTriệu chứngĐiều trịNhiễm Monogen (da và mang)Sán lá đơn chủ (Monogenoidea)Ngoại ký sinhChán ăn; đen thân; lở mang; chậm lớnNaCI (2-4%), formalin (0.2%) hay mebendazol (100 mg/lít)Nhiễm da và mangMao trùng Trichodina sp.Ngoại ký sinhĐen thânNaCI (2-4%), formalin (0.2%)Nhiễm da và mangTrùng roi Ichthyobodo sp.Ngoại ký sinhĐen thânNaCI (2-4%), formalin (0.2%)Nhiễm da và mangRận cá ArgulidaeNgoại ký sinhĐen thânNaCI (2-4%), formalin (0.2%)Nhiễm bao tử và ruộtGiun tròn (Nematoda): Terranova serrata, Camallanus tridentatus & Goezia spinulosaNội ký sinh--Thối đuôiBị đồng loại cắn-Hoại tử tiến triển ở đuôiCách ly và điều trị bằng NaCI (2-4%) trong 3 ngàyNhiều học viện khác nhau ở Brazil và Peru (Senasa) và các trung tâm thú y giám sát sức khỏe thủy sản. IV. Thống kê Sản xuất Dẫu sản xuất diễn ra chủ yếu ở Peru, trong thống kê thủy sản của FAO vào 2010, thông tin duy nhất lại từ Brazil với sản lượng 10 tấn, và doanh số xuất trại (farm-gate value) 130,000 USD. Các dữ liệu sớm hơn cho thấy sản lượng ở Peru là từ 1 đến 20 tấn trong những năm 1980 và 1990. Không có thống kê sản lượng nào từ Peru được cung cấp cho FAO kể từ năm 2004, khi nước này thông báo sản lượng 2 tấn với doanh số xuất trại 30,000 USD. Đến nay (2012), không nước nào báo cáo sản lượng chăn nuôi Arapaima. Thị trường Bởi sản lượng thấp, lượng xuất khẩu cũng hạn chế. Có một vài nỗ lực quảng bá trong nhiều sự kiện thương mại ở châu Âu và Mỹ. Vị trí thực sự của phi-lê Arapaima lại tập trung vào thị trường “đặc sản”, chủ yếu là các khách sạn. Giá thị trường là 20-25 USD/kg ở châu Âu và Mỹ và 12-15 USD/kg ở các thành phố Nam Mỹ [tương đương thịt bò]. Một khía cạnh quan trọng của vấn đề thương mại quốc tế ở loài này liên quan đến CITES, mà nó ám chỉ rằng Arapaima nuôi trại phải có chứng nhận của CITES để xuất và nhập khẩu; nó phải được chăn nuôi độc quyền trong các trại thủy sản kể cả việc sản xuất cá bột. V. Xu hướng Bởi vẫn chưa có phương pháp sinh sản nhân tạo, nghiên cứu có xu hướng tối ưu hóa sinh sản tự nhiên trong ao đất. Một vấn đề chính là xác định giới tính của Arapaima, bởi không có đặc điểm bên ngoài rõ rệt nào. Điều này thúc đẩy sự phát triển của [phương pháp] immuneassay nhằm xác định huyết tương vitellogenin, mà nó cho phép xác định giới tính của cá thể trưởng thành và ghép cặp sinh sản. Điều này cải thiện một cách đáng kể việc quản lý cá giống. Phân biệt giới tính cá non cũng được tiến hành, bằng huyết tương Estradiol/11 Keto-Testosterone. Việc nghiên cứu thức ăn cho Arapaima cũng đang diễn ra và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn có lẽ sẽ được cải thiện trong những năm sắp tới. Bởi Arapaima cần hàm lượng protein cực cao, quan tâm được dồn vào chiến lược thay thế bằng bột cá. Mặc dù thông tin chung có thể được tìm thấy trong nhiều báo cáo, hiểu biết của chúng ta về hành vi sinh sản của Arapaima còn rất hạn chế. Các yếu tố môi trường và xã hội dẫn đến sự hình thành của một cặp đôi bền vững là chưa biết. Dẫu vậy, kiến thức hiện hữu cũng giúp sản xuất ra lượng cá bột đáng kể, mà chúng được tiêu thụ bởi cả ngành thủy sản lẫn cá cảnh. Các nghiên cứu thị trường hạn hẹp ở Peru chỉ ra rằng Arapaima được chấp nhận ở tất cả những vùng thử nghiệm. Nhu cầu quốc tế về phi-lê của loài này hiện chỉ ở mức “đặc sản”, nhưng tùy vào khối lượng sản xuất và giá cả thị trường, nó có lẽ đến được với các nhóm tiêu thụ rộng lớn hơn. Bởi loài này chỉ mới bước vào quá trình thuần dưỡng, vẫn cần nhiều thông tin để cải thiện việc quản lý giống, kiểm soát sinh sản và hiệu quả dinh dưỡng. Cá bột và cá con vẫn hiếm hoi và bất kỳ dự án thủy sản nào liên quan đến loài này đều cần một lượng tương đối lớn cá giống (vài trăm con) để đảm bảo sản xuất ra lượng cá bột đáng kể trong năm. VI. Vấn đề chính Những vấn đề chính được xác định trong chăn nuôi Arapaima như sau: *Chăn nuôi đại trà là hoạt động mới mẻ ở Peru và Brazil. Quy trình lai tạo cần phải được cải thiện, nhất là việc quản lý giống, hiệu quả sinh sản và kỹ thuật sản xuất cá bột. *Bởi loài cần thức ăn giàu đạm, giá thành sản xuất cao hơn những loài cá Amazon khác, chẳng hạn như Colossoma hay Piaractus [cá Pacu; bên mình hay gọi là chim trắng, chim đen nhưng gọi vậy là tầm bậy; cá chim là con khác, ở biển] nhưng Arapaima có giá thị trường cao hơn và có thể xuất đi khắp nơi trên thế giới nhờ đặc điểm phi-lê của nó. *Cần khảo sát sâu hơn về thành phần thức ăn để giảm giá thành trong khi vẫn duy trì hay thậm chí cải thiện tỷ lệ chuyển hóa thức ăn (FCR). *Hiện tại, sự phát triển của ngành chăn nuôi Arapaima cho phép việc quản lý con giống và tái giới thiệu cá con trong môi trường nuôi dưỡng vào một số khu vực nơi mà loài này đã hoàn toàn biến mất. Trách nhiệm Nguyên tắc Ứng xử (Code of Condut) của FAO cho ngành thủy sản cần được áp dụng. Tác động của việc sử dụng thức ăn giàu đạm gồm một lượng lớn bột và dầu cá trống (anchovy) có thể được cải thiện trong tương lai bởi sự phát triển của các loại thức ăn sử dụng những nguồn đạm khác.